1.Ông chú của Đạo bảo mấy bữa nữa chú Mười mi về, nói là đi tìm bà dì ở đâu tận dưới chợ Dốc Dài. Khá lâu Đạo đã nghe loáng thoáng về “các ông chú”, thực ra là mấy người bà con có vai vế cỡ vai ông hoặc lớn hơn của Đạo, vốn cùng dòng tộc. Nghe nói lưu lạc đâu từ… cuối năm 1946! Nghĩa là tận hồi toàn quốc kháng chiến! Họ bảo ông bà cố gánh mấy đứa con cùng một ít đồ đoàn cứ dọc theo bờ biển mà chạy Tây. Chạy riết đến… mất tích. Mỗi lần giỗ quảy, chạp mả ba Đạo hay kể về họ, những người con lưu lạc của dòng tộc. Câu chuyện mơ hồ nghe như từ trong chuyện xưa. Như nỗi ngậm ngùi của một dòng tộc be bé ở cái xứ dân chính gốc quá đông so với dân ngụ. Mà, hồi xưa, dân ngụ thường chỉ được phép cất cái nhà lụp xụp ở ven bờ sông, hoặc các mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo ở đầu hoặc cuối làng, thứ đất ông của Đạo từng chê: đất chó ỉa! Ông bảo, mồ mả tộc mình còn đôi cái dưới phía gần biển, rồi ông thở dài, chẳng biết cái nào ra cái nào, lâu ni không có biết để chăm sóc!
Và rồi, sát tết nọ hai ông chú lưu lạc bỗng đột ngột xuất hiện ở nhà Đạo. Họ bảo, đi đánh cá ngoài biển khơi năm sáu tháng mới về. Đi hai lần là hết một năm. Lần này họ ghé lại Hải Khẩu Đại Chiêm, gửi tàu cho mấy “bạn” rồi lên đây. Ra là ông bà cố đã già, giao cho mấy chú phải tìm về quê nhận lại họ hàng. Câu chuyện được chắp nối giữa hai kiểu giọng điệu, một thầm thì của dân quen làm ruộng là ba Đạo với giọng ăn sóng nói gió ầm ào của chú Bảy chú Mười. Ba con người lần đầu gặp nhau qua câu chuyện kể của ông nội Đạo cùng ông bà cố trong ấy cơ hồ đã được chắp nối hoàn chỉnh, giống như chuyện đang xảy ra… trước mắt! Hồi ấy, lần chạy Tây ấy, mọi người qua khỏi sông Rầm Rì là ngoặc lên phía tây, cứ theo hướng núi chạy miết. Người dai sức chạy lên tận Rú Cốc, Gia Viễn, kẻ yếu sức chạy qua vài làng thì trụ lại. Ông bà cố của Đạo chạy sau, lại lỉnh kỉnh hai đứa con, một đầu gánh chú Hai, đầu kia chú Ba, nên càng chạy càng mất phương hướng, chẳng theo kịp đoàn người. Biết là lạc, ông bà cứ theo đường biển, vừa chạy vừa nghỉ, tới đâu hay tới đó. Cái gọi tới đâu là tới bên kia một con sông nhỏ, vô danh, hỏi ra thì đã là đất… Bình Định! Đến nơi vừa chập choạng tối. Ông chú Bảy kể. Ông cố cứ ngó quanh quất. Quê xứ đã xa tít mù. Bên kia sông là núi, phía quê nhà. Hướng đông là biển. Phía nam là ruộng đồng, toàn đất hoang. Ông thở dài, rồi bảo với bà, thôi, chết sống chi cũng ở lại đây. Là ông đã tính nát nước khi chạy băng qua ba tỉnh. Ở đây làm ruộng cũng được, ra biển đánh cá cũng được, yếu thế thì bám vào sông. Giặc có tới thì chạy lên núi. Thời buổi giặc giã vầy, về quê là câu chuyện chỉ có trong cổ tích. Ông chú vẫn tiếp tục câu chuyện dở dang.
2.Khi hai anh em Đạo xuống khỏi xe, trời ngã ba Tam Mã bắt đầu ngả về chiều. Không còn chuyến xe nào chạy về phía biển nữa. “Đây xuống đó cũng non hai chục cây số”, chủ quán nước nói. “Chà, hổng lẽ phải ở lại hay sao?”. “Hai chú chờ tôi chút xíu”. Nói xong, chủ quán chạy ra sau xóm. “Được rồi, hai chú uống nước nhanh rồi đi”. Hai anh em Đạo thót lên chiếc xe máy oặt ẹo của thằng cháu ông chủ quán, nín thở vượt chặng đường đầy những đá dăm. “Tới rồi hai chú ơi!”. Gã trai trẻ vội vã cầm tiền rồi rồ máy xe chạy như ma đuổi tà, bỏ lại câu nói vất vơ. “Sợ trời tối mất!”.
Đón anh em Đạo là một cơn gió thốc lên từ biển. Cát bụi mù mịt lẫn với lá khô và rác. Đây là một cái chợ xép nằm cạnh con đường đất nho nhỏ chạy xuống một bến sông. Mùi cá tanh nồng. Chợ hoang vắng đến chạnh lòng. Vậy mà mấy chục năm trước ông bà cố của Đạo đã gồng gánh chạy tới tận đây. Đạo bất giác hướng tầm mắt về phía quê nhà. Chắn trước mắt Đạo là một dãy núi cao ngất, xanh ngắt. Cao hơn một chút là mây trắng lững lờ. Quê nhà xa ngút, xa đến ngột thở. Một cảm xúc nghèn nghẹn dâng lên trong lòng Đạo. Của tình máu mủ ruột thịt, của một cơn đau chợt cuộn lên đâu đó. Của sự cảm thương cho thân phận người. Của niềm khát khao thèm có một cuộc sống yên lành. Để được sống, không cầu mong gì hơn. Ơn đất trời, mấy chục năm trước vùng đất xa xôi, yên lành này đã dang rộng vòng tay ra đón nhận, che chở những người ruột thịt của Đạo.
- A! Thằng… chi quên mất tên rồi, mày là con thằng Hai hay con ông bá hộ? Một ông già coi bộ phương phi mặc bộ bà ba trắng, tầm bảy mươi tuổi nắm lấy tay Đạo.
- Dạ ông Hai là ba con, đây là em con, đang đóng quân trên đường Một.
Đạo nhận ra sự ấm áp trong cái nắm của bàn tay chai sạm, già nua của một người đàn ông chắc đã từng lăn lộn với sóng gió biển khơi.
- Đây là chú Bảy mi, chú Mười mi. Hà hà, phải gọi bằng ông chứ, đúng không thằng Bảy?
Hai người trung niên gật gật đầu. “Dô nhà đi con! Trời tối rồi!”.
Anh em Đạo đi theo ba người đàn ông vào xóm. Đó là một làng chài nhỏ, nhà cửa còn lụp sụp, lộn xộn, san sát nhau. Lại phải đi theo mấy con ngõ loanh quanh mãi mới tới được nhà ông bà.
- Nhà ông đây! Mấy chú mi ở phía bên kia, cũng gần thôi! Còn cô Một thì ở sát ngoài bãi biển. Dượng Một mi còn đang ngoài lộng chưa biết hồi mô dìa!
Chỉ một câu, ông cố đã khái quát hết “gia cảnh” của những người bà con lưu lạc.
Ngôi nhà nhỏ, đồ đạc không có gì ngoài lưới. Cái treo trước cửa, hình như đan hay vá lỡ dỡ, cái chất đầy dưới gậm giường. Hai chiếc gường tre nho nhỏ. Phía sau là chái chút xíu. Là gia sản của ông bà cố của Đạo sau năm mươi năm lưu lạc! “Con thắp hương ông bà đi!”, ông cố bảo với Đạo, giọng nhẹ. Đạo bước tới cái bàn thờ đơn sơ được lập bởi chiếc tủ con đầy những bụi. Mấy bát hương hình như lâu rồi không ai thắp thì phải. Không có chiếc ảnh thờ nào. Chính giữa là bức tranh thờ chỉ một chữ Thủy, loại chữ Nôm mà Đạo đã gặp đâu đó khá lâu, không còn nhớ nữa. Khác với nét sơ sài đến chạnh lòng, cái chữ thờ nghiêm ngắn gợi lên nhiều cảm giác ấm áp trong lòng Đạo. “Tất cả hình như vẫn còn đó, cho dù đã bao nhiêu năm tháng qua đi”, Đạo nghĩ thầm khi kính cẩn cắm mấy nén hương lên các bát hương. Một giọt nước gợn lên trên khóe mắt ông cố. Đạo thấy cay nơi mắt mình.
Đạo quay ra ngồi ghé vào chiếc giường con, ôm lấy bà cố. Trong cuộc lưu lạc xa xưa ấy, bà là người đồng hành vĩ đại của ông. Không có bà chắc gì ông đã trụ nổi suốt bao nhiêu năm tháng cực nhọc. Bà cốc đầu Đạo: “Cha mi, giống ông nội mi như đúc!”. Đạo cười, ôm bà thật chặt.
- Dọn cái chi cho thằng Hai ăn đi chớ, bà nó!
Ông cố chợt nói to, đúng cái giọng chất đầy sóng gió biển khơi!
3. Nghe ông già tui nói rằng hồi ấy ổng bắt đầu chạy từ Hiền Lộc, là đây hả chú Hai?
Đạo gật đầu. Là nghe ba con nói lại như vậy. Có thể từ đây ông bà cố chạy vô chợ Hàng Xén. Lẽ ra phải ngoặt lên quốc lộ, lên núi luôn, sau này yên giặc thì quay về quê cũ, ông bà, hồi ấy lại chạy tiếp vô trong bãi cát Châu Sơn nắng cháy. Nghe nói vô chút nữa thì toàn sông với vũng mà, làm sao đi tiếp? Chắc cứ bám theo quốc lộ mà chạy. Đạo thử hình dung và lặng người. Qua Tam Kỳ rồi đến Chu Lai. Rồi Dung Quất, Ba Làng An, Sa Kỳ, một tỉnh Quảng Ngãi dài dằng dặc những dải đất dọc theo ven biển riêng chuyện kể hết tên đã ngút hơi. Rồi mới đến đất Bình Định. Mà từ đó chạy vô tận cái làng chài heo hút bao nhiêu sự xa xôi cách trở. Hồi ấy ông bà cố nói chạy hết bao nhiêu ngày mới đến nơi vậy? Chú có hỏi mà ổng bà nói không nhớ, chỉ nói lâu, rất lâu. Mà còn phải nghỉ lại giữa đường khi gặp phải hai bên đánh nhau nữa. Nếu hoàn chỉnh theo con đường chạy giặc của ông bà cố tôi ngày ấy thì sẽ ra con đường ven biển bây giờ. Có điều qua vũng Thúng Chai mênh mông sông nước thì không thể nào đi được, phải ngược lên quốc lộ. Chừ thì khi xây xong cầu qua vũng Thúng Chai sẽ nối được với Dung Quất, cứ thế mà vào Bình Định…
Lần này về thăm, hai chú tìm về nhà bà dì, dì Út của họ. Trong cuộc chạy Tây năm xưa họ chỉ quanh quẩn lên tới Rú Cốc, yên giặc rồi về lại. Hồi Mỹ qua đóng đồn Cây Gáo, cả nhà thêm một lần chạy lên Châu Sa, mãi đến bảy lăm mới quay về quê. Vừa thăm dì, vừa tò mò tìm hiểu xem ngày xưa cha mẹ họ đã chạy như thế nào mà tuốt vô tận Bình Định. Nghe nói họ bắt đầu chạy từ chợ Hàng Xén ven sông My Giang, hình như là quê ngoại của họ. Một cuộc chạy xuyên qua hai cuộc chiến tranh dài dằng dặc, họ cố gắng thế nào cũng không thể hiểu nổi.
4. Hai ông chú rời nhà lúc trời còn tờ mờ, sau khi ăn đạm bạc buổi sáng sơ sài. Ba Đạo cố giữ nhưng không được. Chú Bảy bảo, mọi khi ghé vô cảng Hòa Thuận bán hết cá là đón xe đò về Bình Định. Lần ni, bán cá ở Hải Khẩu Đại Chiêm, gửi tàu ở đó, tranh thủ tìm lại quê xưa, may mà tìm được ngay, chừ không thể về quê kịp, phải theo tàu ra khơi tiếp. “Phải hai ba tháng nữa mới về đất liền”. “Vất vả quá hai chú hỉ?”. Cả hai cùng cười: “Vất gì? Đi hoài rồi quen. Mấy năm trước ra tận ngoại vịnh Bắc Bộ, đem cá vô bán ở Hải Phòng. Đợt nào đi hướng Nam thì vô tận Côn Đảo, có khi ra xa thì tới Trường Sa lận. Cũng năm, sáu tháng mới về. Nhanh thì hai, ba tháng. Đánh cá đầy tàu thì ghé Nha Trang, Phan Thiết bán. Riết rồi cũng như bà mi bán hàng ở chợ vậy thôi. Xa xuôi gì!”. Cả hai lại cất tiếng cười sảng khoái. “Dù sao thì hai chú cũng hết sức cẩn thận. Biển giã mà! nào ai lường trước được”, ba của Đạo dặn dò. Hai chú chào rồi đi. Dáng chúi tới trước trông vô cùng tất bật. Như đời họ.
Họ đi ngày trước thì ngày sau trời trở gió. Rồi bão. Đó là cơn bão Chan Chu dữ dằn. Nhiều ngư dân bỏ mạng trên biển. Cả nhà Đạo bỏ mấy ngày làm, ra tận bãi biển Hòa Thuận để hỏi thăm tin tức hai chú. Không tìm thấy con tàu nào mang số hiệu Bình Định. Hai chú mất hút trong một trận địa mù mịt những thông tin xác thực lẫn mơ hồ về trận bão lịch sử.
5. Họ đã không ra khơi chuyến ấy mà lên xe đò đi về quê trú qua cơn bão dữ. Điều này thật hợp lý, bởi, hai người con theo cha mẹ chạy giặc ngày ấy, một lại lưu lạc lên tận Đắk Lắk cuối cùng định cư ở một thành phố phương Nam. Người còn lại đi làm con nuôi cho một gia đình không con cái, đã cải họ và tất nhiên đã trở thành tộc trưởng tộc ấy. Những cô, chú mà Đạo gặp chỉ là những người sinh sau đẻ muộn ở mảnh đất xa xôi kia. Họ cùng thời với Đạo.
Kết Thúc (END) |
|
|