Sau khi "Hội những người thích cười " được cấp giấy phép hoạt động, một số vị thích buồn cảm thấy bị xã hội bỏ rơi liền ráo riết vận động thành lập hội để làm đối trọng.
Người đầu tiên xin vào hội là một phụ nữ trẻ xinh đẹp, vừa ly hôn. Cô ta rên rỉ với trưởng ban thành lập hội:
- Ôi! Buồn quá! Lão chồng nhà em bỏ đi mất mặt với con bồ ranh, chỉ còn em với con mèo khoang trong phòng trống trải. Không vào thì em đến chết héo mất.
Trưởng ban vận động nhăn nhó như chạm vào vết đau:
- Cô tưởng tôi vui lắm đấy phỏng? Hồi còn biên chế nhà nước, biết bao nhiêu đứa qua tay mình bồi dưỡng lên lương, lên chức, cuối cùng nó đẩy mình ra rìa. Buồn đến cháy gan cháy ruột. Cần phải cộng những nỗi buồn nhỏ thành những khối buồn lớn mới có sức mạnh mà đấu tranh vói những điều chướng tai gai mắt. Cô có bằng cử nhân kinh tế mà chưa xin được việc làm chứ gì. Tốt! Tôi bố trí cô làm chân thư ký.
Tiếp đến là một nhà thơ trẻ nổi lên như cồn với những tập thơ Nỗi buồn thiên niên kỷ, Buồn ơi, em ở đâu?, Sonne- buồn, Buồn vi mô... Trưởng ban vận động nhếch mép cười buồn:
- Cậu có năng khiếu buồn đấy nhưng không được tuyệt vọng, có thế mới hoạt đông cho hội được. Tớ đề bạt cậu làm trưởng ban tuyên truyền. Được chứ? Sau này có thể kiêm Tổng biên tập tờ báo Buồn ơi là buồn.
Một năm sau, số người vào hội vẫn lèo tèo không đủ cơ cấu một ban chấp hành, chưa nói đến thành lập các tiểu ban chuyên môn. Trưởng ban thở dài đánh thượt:
- Có lẽ phải hạ thấp tiêu chuẩn buồn mới mở rộng diện kết nạp hội viên được. Không lẽ để bọn thích cười làm mưa, làm gió. Trần gian là bể khổ. Chúng ta nhất định thắng!
Nhà thơ trẻ trầm ngâm suy nghĩ rồi hiến kế:
- Bây giờ buồn đích thực hiếm lắm. Nên chú ý phát triển tới số buồn rởm, không buồn cũng làm ra vẻ buồn, mốt mới mà. Em biết trong giới văn nghệ còn khối loại này. Mạnh dạn kết nạp họ rồi bồi dưỡng cho họ có đủ tiêu chuẩn buồn thật, anh ạ.
Cô thư ký đắm đuối nhìn nhà thơ trẻ như muốn cộng nỗi buồn của cả hai lại, vội vã nhất trí:
- Sáng kiến tuyệt vời! Em xin bổ sung một ý nhỏ: ngoài loại buồn rởm nên kéo theo vào hội những người buồn thay.
Trưởng ban quay lại nhìn vào khuôn mặt tươi trẻ nhiều lúc gây hậu quả tai hại, làm giảm năng lượng buồn của người lãnh đạo, hỏi:
- Đề nghị cô nói cụ thể?
- Dạ, cụ thể các bác thổi kèn đám ma.
Trưởng ban và nhà thơ cùng reo lên:
- Đúng đấy! Đúng đấy! Nếu lỡ ra có hội viên nào buồn quá mà sang thế giới bên kia, hội đỡ tiền thuê kèn trống.