Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Trăng Già Phương Uyên Tác Giả: Phương Uyên    
    “Đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu
    Một thân bách nghệ, lại sầu đàn ông”.
    Nhiều năm về trước lúc tuổi chừng đôi tám, bướm lượn ong vờn, thị Cầm đã tự giễu mình như thế, chẳng ngờ đến hồi hoa tàn nhụy rữa, hương phai phấn nhạt, nàng vẫn chưa dứt khỏi cái kiếp đào hoa.
    Người ta thường bảo ngày vui chóng tàn, còn ngày buồn thì đuổi mãi chẳng chịu đi cho. Quân Minh đặt chân lên mảnh đất của cha ông nàng chưa trọn mười năm, nàng đã thấy nỗi hờn căm như trải suốt một đời. Đường từ Thượng Tư về Thất Nguyên[1] giữa cơn binh lửa bỗng dài thăm thẳm, chẳng trách nàng đi mãi chưa đến được quê nhà đã bị quan tri châu bắt lại.
    Ông châu rủa thầm, bọn đàn bà đái không qua ngọn cỏ mà cứ nghĩ mình khôn, con hát kia lại cả gan tròn mắt bảo ông rằng cái món nhạc cụ đang bọc trong túi vải là cây đàn tỳ bà được Thiên triều mang sang Giao Chỉ[2]. Khốn nỗi chúng có biết đâu ông là một người say mê âm luật, vừa nhìn đã nhận ra sự dối trá bởi món nhạc cụ ấy từ thời Thiên tử lên ngôi đã được cải tiến, có thêm mấy phẩm[3] giữa thân đàn, phải đâu trơn đuột, trần trụi, sống sượng như cái bản mặt của thị Cầm. Vẫn còn may mấy đời nhà nàng ăn ở tốt, ông châu chẳng những tài hoa lại rất mến chuộng mỹ nhân, chỉ cần nàng tự tay đập nát cây đàn phát ra thứ âm thanh não nuột khốn khổ ấy trước mặt ông rồi theo ông về xem cây đàn “thật”, nếu tấu được một khúc Hoài Âm bình Sở[4] hoặc Bình sa lạc nhạn[5], biết đâu ông vui trong bụng sẽ tha mạng sống.
    Nàng Cầm nghe ông nói xong thì tay chân run lẩy bẩy, mọp lạy đến sưng vêu cả trán:
    - Con lạy ông lớn, sinh thời thầy con chỉ có cây đàn này bầu bạn, giờ thầy con bạc phần mất sớm…
    Chừng thấy gương mặt lạnh như tiền của ông chẳng mảy may rung động, nàng lại thấp giọng nỉ non:
    - Ông thương ông xót cho con nhìn vật nhớ người, con nguyện làm trâu ngựa đĩ điếm hầu ông.
    Bọn lính theo hầu quan bỗng rộ lên cười, nàng đẹp thì còn đẹp đấy, nhưng làm sao bì được với lũ tì thiếp mới mười tám đôi mươi đang nằm ở nhà chờ quan đoái hoài, hay gì một đóa hoa tàn mà mang sắc hương ra dụ ngọt?!
    Chẳng ngờ ông châu chán ngán gái tơ, nay bỗng đâm hứng thú với một con hát đã toan về già[6]. Ông bước đến nâng mặt nàng, đưa tay lau đi vết bụi đất lấm lem, ngón tay gầy guộc nhăn nheo vuốt lên cái cổ trắng ngần, đôi mắt hẹp dài nheo nheo lại như đang định giá một món hàng:
    - Mày đã nói đến vậy, ông cũng muốn thử xem.
    Thị Cầm lập tức được đưa vào một nhà dân gần đó cho quan lớn giày vò.
    Cây tỳ bà nằm chỏng chơ trên nền đất khô cằn, sợi tơ đồng phản chiếu ánh mặt trời long lanh như giọt lệ. Bỗng đâu có giọt nước rơi xuống thân đàn, phải chăng ông trời thương xót hồng nhan nên khóc trận mưa rào sau bao ngày khô hạn? Bọn lính canh đã nép vào hiên trú mà đợi mãi chẳng thấy mưa đâu bèn đến gần xem, hóa ra là phân chim chứ trời cao nào có mắt…?!
    Đợi thêm chốc nữa, ông châu xong việc, ả đào hát lại bị vứt ra sân với thân thể rã rời, tấm lụa đen bọc đầu đã rơi khỏi khi nào để lộ mái tóc ngắn nham nhở như chó gặm, lưng áo rách bươm loang lổ máu đào. Mấy tên lính canh ái ngại nhìn, thị Cầm không buồn che chắn nữa. Bọn đàn ông đến chốn thổ đĩ tìm vui còn biết nói ngọt mấy câu tỏ vẻ phong lưu, còn cho chút bạc khi xong chuyện, có đâu khốn nạn như cái thân nàng, đã hầu người còn phải chịu đòn roi sỉ vả?!
    - Con đĩ già to gan lớn mật, mày câm điếc hay đui mù mà không biết lệnh để tóc dài của Thiên triều? – Quan ông giận dữ bước đến giơ chân toan đạp nàng, rồi dường như nghĩ ra cách gì ác độc hơn, ông đi về phía cây đàn.
    Thị Cầm đang uất nhục tưởng như chết đi được vẫn tiếc di vật của thầy, lao đến dùng thân chặn trước mũi giày quan, ông không do dự đạp thẳng lên gương mặt ông vừa hôn hít vuốt ve. Nàng níu chặt chân ông, khóc rống:
    - Con lạy ông, ông thương tình con mới hầu ông mà tha tội cho thầy con. – Nàng dường mất trí, xem vật như người, quan lớn vẫn chẳng dừng chân.
    Đấy, bảo thị Cầm mặt dày sống sượng có sai đâu, chuyện nhục nhã như thế mà cũng mang ra chỗ đông người nói được, làm như cứ sợ người ta nhìn bộ dạng của nàng còn không đoán được chuyện gì. Đám đông bắt đầu nổi sự hiếu kỳ, người đay nghiến, kẻ khóc than, lại thêm tiếng lao xao bàn tán, đông vui chẳng khác gì phiên chợ.
    - Kẻ nào ồn ào làm hứng thơ của ông chạy mất? – Từ quán nước nhỏ bên đường, một giọng nói uể oải vọng sang.
    Thị Cầm run rẩy ngẩng mặt lên, mái tóc xác xơ lòa xòa và nước mắt giàn giụa cũng không che được vẻ rực rỡ đến chói mắt từ người đang tiến lại gần: một thân áo dài dệt tơ, lưng thắt dây thao, hài thêu, mũ cánh chuồn lại thêm gương mặt đẹp như Thần Phật đang phe phẩy quạt. Nét mặt nàng chuyển từ đau đớn sang ngỡ ngàng, lại từ ngỡ ngàng sang kinh hãi, giữa lúc ông châu và bọn lính hầu còn chưa biết đại quan nào mới đến, nàng lắp bắp mãi mới nói được mấy từ:
    - Ông… ông Cung… sao ông lại ở đây? – Rồi như nhớ ra điều gì, nàng thảng thốt đưa tay che miệng. – Chẳng lẽ Mã đại nhân…?
    Họ Mã còn gọi là “đại nhân”, có thể là ai khác hơn vị Tổng binh khét tiếng tàn bạo mà Thiên triều phái sang Giao Chỉ, tên chỉ có một chữ Kỳ?! Quan tri châu vừa nghe đến phương danh đại tướng, bộ dáng uy quyền bỗng dưng mất sạch, rụt rè hỏi người mới đến:
    - Ngài là…?!
    - Bổn quan họ Dương, lần này chỉ thay đại nhân đến làm chút chuyện. Ả đàn bà kia phạm tội gì mà ông châu nặng tay đến vậy? – Quan lớn trỏ thị Cầm.
    - Ả ta là người của thượng quan sao? – Ông châu mặt biến xanh như tàu lá.
    - À không. – Thượng quan Dương Cung phẩy quạt cười. – Chẳng qua năm ngoái ở Thất Nguyên có nghe thị đàn một lần, ngón nghề cũng khá… - Mấy chữ cuối ông kéo dài đầy ý tứ.
    Ông châu mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau đổ, không biết phải ăn nói thế nào, cuối cùng bước đến giằng thị Cầm ra khỏi cây đàn tội vạ, dâng lên quan lớn để thanh minh:
    - Bẩm thượng quan, ả này to gan chống lệnh, chẳng những cắt tóc ngắn đi chân trần mà còn dám giữ lại nhạc cụ của bọn man di.
    Thượng quan nhận lấy cây đàn, nét mặt tươi đẹp như hoa bỗng sa sầm:
    - Chỉ có chừng đó thôi à? Ông châu cầm tội chứng trên tay mà không phát hiện ra thì cũng lạ đấy! – Quan toan trao lại cho ông châu, giữa chừng như đổi ý, buông tay để cây đàn rơi xuống đất. – Đời nào có thứ tỳ bà nặng thế này?
    Cây đàn chạm lên nền đất khô nứt, vỡ giòn, mấy quyển sách từ đâu rơi vương vãi. Dương Cung thong thả cúi người nhặt lấy một quyển, nheo mắt đọc:
    - Thượng đại nhân, Khưu ất dĩ, hóa tam thiên, thất thập sĩ…[7]
    Còn không phải là thứ sách bọn trẻ con dùng tập viết, đứng đầu trong danh sách cần tiêu hủy đã ban ra mấy năm trước hay sao?! Thị Cầm đang quỳ mọp, cúi gằm, bị ông châu dùng sách kia tát thẳng lên đầu.
    - Phản rồi! Phản rồi! – Tri châu nửa giận run người, nửa sợ phải tội tắc trách, không ngừng trút đòn lên tấm thân con hát, đoạn quay sang quan lớn. – Bẩm thượng quan, châu tôi có mắt như mù mới không nhận ra bản mặt xảo trá của con đào hát hết thời, mong ngài bỏ quá cho, tôi sẽ đốt ả cùng với mớ giấy lộn kia ngay lập tức!
    - Ấy, đừng nóng! – Thượng quan lại phe phẩy quạt. – Thiên tử ta có dạy, ép uổng người chỉ sinh oán hận, Thiên triều ta dùng đức phục người, phải để con điếm nọ cam tâm nuôi dài tóc, tẩy trắng răng, đem nhạc khúc của Thiên triều mà dạy cho người thân, họ hàng, con cháu, chừng đó đức giáo hóa của ta mới gọi là thành.
    - Ông lớn dạy chí phải. – Cái lưng của ông châu lại cong thêm một chút, lòng thầm mừng rỡ vì thoát nạn. – Vậy bây giờ…?!
    - Đốt đàn và sách là được, mang ả kia về để quan đích thân dạy bảo. – Thượng quan che miệng ngáp dài. – Phủ của ngài chắc vẫn còn phòng trống, quan ở tạm vài ngày có được phỏng?
    - Dạ còn, còn chứ! Có điều… - Ông châu ái ngại nhìn dáng vẻ nhơ nhớp của thị Cầm.
    - Ông châu ngại à? – Dương Cung gấp cây quạt, đưa đến nâng cằm ả tội nhân đang siết chặt nắm tay gục mặt trên nền đất. – Chỉ cần ả dặm chút phấn son thì nhất định khác hẳn đấy, quan không ngại.
    - Dạ không… đương nhiên không ạ! – Ông châu vội phân trần.
    Thị Cầm cứ thế bị đưa đi.
    Cây đàn long phím vỡ bầu lẫn trong mớ sách mà nàng cố công giấu diếm, phút chốc hóa thành ngọn lửa ngùn ngụt cháy giữa trời khô hạn. Nàng gắng ngoảnh lại nhìn, lửa liếm cả vào trong đáy mắt.
    
    
- o O o -

    
    Tối ấy, thị Cầm được tắm gội sạch sẽ rồi đưa đến phòng quan lớn.
    Dưới ánh đèn leo lét, da thịt trắng trẻo mịn màng lồ lộ hiện ra cho bàn tay thon dài của quan trên thỏa sức vuốt ve. Động tác của thượng quan Dương Cung như thể một vị thánh đang ban phép lành cho kẻ dưới, gương mặt uất ức đau thương của con hát dần giãn ra rồi bỗng hóa thanh thản lạ lùng.
    Rất lâu sau, thượng quan vẫn nhìn chăm chăm vào tấm lưng trần chằn chịt vết thương của thiếu phụ, đôi mắt không lộ ra chút cảm xúc gì.
    - Còn đau không? – Quan hỏi, thị Cầm chỉ khẽ lắc đầu, mặt vẫn rúc sâu vào gối. - Không ngờ thằng châu ấy lại là một tên bệnh hoạn. Tôi xin lỗi… – Ngón tay mịn màng đẹp tựa thiếu nữ của ngài vuốt lên những lằn roi rươm rướm máu, đoạn vuốt sang những vết sẹo đã mờ, giọng cứ đều đều như nói chuyện của ai xa lạ.
    Bờ vai thị Cầm khẽ động, quan lớn áp người lên lưng nàng, vùi mặt vào trong mớ tóc bị ông châu xén nham nhở ban trưa giờ đã thơm sực hương nhài, vai ông cũng run run.
    Rồi không hẹn mà cả hai cứ thế rũ ra cười, cười đến chảy nước mắt, cười đến quặn thắt ruột gan, cười như đang xem hội.
    - Thằng châu ấy có bệnh hoạn mới ngu si, có ngu si mới dễ tin cậu là cận thần của Mã Kỳ. – Thị Cầm xoay người lại véo mũi Dương Cung, ánh mắt đa tình ướt át, môi cong cớn như hờn dỗi, không còn tí nào dáng vẻ của thiếu phụ cam chịu đến nhẫn nhục ban ngày. – Lần này nhanh gọn hơn tôi nghĩ, chỉ mất tí máu và tóc, suýt quên… còn ít ngày chép lại mớ sách quý kia, cũng mỏi tay phết đấy.
    - Phải rồi, tất cả là nhờ đào hát tài sắc nhất phủ Thất Nguyên. – Dương Cung ôm nàng trong ngực. – Ây chà, ngày mai tôi phải đòi hắn bao nhiêu châu báu thì người đẹp mới bớt giận đây?
    - Cậu Ngã à! – Nàng đưa tay chặn lên đôi môi mỏng. – Lần này không cần thù lao cho chị, lâu lắm mới được hai ông quan lớn tranh giành, sướng phết chứ đùa!
    Trên tóc nàng vang lên tiếng cười khe khẽ.
    Thị Cầm tựa đầu lên ngực cậu Ngã của nàng dụi dụi một hồi cho thỏa cơn cười. Đã bao lần như thế, một người xướng, một kẻ tùy, họ xuôi Nam ngược Bắc mà lừa được biết bao người. Lúc nàng dùng kế mỹ nhân, khi chàng đóng vai nam sủng. Không cần biết trong tay họ có thứ gì, quan trọng là người khác tưởng họ có những gì, nhất là khi hai người họ lại sở hữu vẻ ngoài nọ, sắc đẹp kia, những vở kịch cứ thế xuôi chèo mát mái, đến đâu cũng không sợ thiếu kế sinh nhai, cũng không lo chẳng của ăn của để.
    Cười mệt, nàng như nhớ ra chuyện gì, chợt thở dài, im lặng lúc lâu rồi cất giọng ngâm nga, ánh mắt như trôi về nơi nào xa vắng lắm:
    “Thuở xưa chúng gọi cô Cầm
    Sớm đưa, chiều đón, đêm thầm nhớ mong
    Bây giờ chẳng ngóng chẳng trông
    “Bà Đàn” gọi ngược là xong một đời...”
    
    
- o O o -

    
    Đêm sau đó, một bóng dáng nhỏ bé lầm lũi lẻn ra khỏi phủ tri châu, đến một nhà dân ở ngoại thành. Bọn đàn ông lưng rộng vóc dài nhìn rương châu báu đặt trên bàn mà mắt long lanh sáng, bởi họ không tin chàng trai tứ cố vô thân và cô đào hát chân yếu tay mềm lại có thể thành công lừa được quan tri châu nổi tiếng khắc nghiệt của xứ này. Họ nghĩ về ông Chứng, ông Ngọc, ông Thiện[8] - những người vì dân mà đứng lên giờ đã không thể trở về, nghĩ về những người đồng đội nghĩa quân đã không còn dịp uống rượu cùng nhau nữa, nghĩ về những bà mẹ xa con, những người vợ khóc chồng, nghĩ đến lời hứa của người thanh niên có gương mặt đẹp như hoa mang tên Lê Ngã kia nhiều tháng trước:
    - Các anh có muốn giàu sang thì hãy theo ta.
    Khi ấy đã có người phản ứng liền ngay lập tức:
    - Đất nước còn bị bọn xâm lăng giày xéo, dẫu tiền muôn bạc vạn cũng vinh hiển cao sang được với ai?
    Đáp lại, người con trai ấy chỉ cười nhạt:
    - Ta không biết giàu rồi có sang không chứ nghèo thì chắc chắn là hèn đấy!
    Đến bây giờ họ đã hiểu ra vẻ ngạo mạn ấy từ đâu mà có.
    Họ không cần giàu sang, nhưng có vẻ như cuộc đời của họ đã sáng hơn.
    Đất nước này biết đâu sắp thoát khỏi đêm trường…
    
    II.
    “Khuynh thành cho đáng râu mày
    Hồng nhan họa thủy xưa nay chuyện thường.”
    Ánh nắng xuân chiếu nghiêng nghiêng lên liếp nứa nhà sàn, thiếu nữ mặc áo chàm dài đến bắp chân, đầu quấn khăn mỏ quạ để lộ cái cổ trắng ngần, má đỏ hây hây, tung tăng mang gùi đi về phía suối, vừa đi vừa nghêu ngao hát, tung tăng làm dây xà tích phát ra những tiếng leng keng:
    “Ói rằng mật rằng mèng
    Ói rằng then rằng tó
    Cạ lạo quán thúa đó lồng mà…”
    (“Nhử tổ kiến tổ ong
    Nhử ong vàng ong khoái
    Bảo ông quan đầu hói về đây…”)
    Hôm nay ngày gặt, các pi[9] ở mường Thèn đều bận nên nàng Sương ra suối một mình. Nàng là con gái duy nhất của ông Tạo Thuấn quyền lực nhất xứ này, nhan sắc như hoa đào trên núi Mẫu Sơn, năm nay tuổi chớm trăng tròn. Chân vừa chạm bờ suối, nàng liền sững lại bởi nhác thấy bóng người.
    Mái tóc đen nhánh đổ dài trên làn nước, da dẻ nõn nà, chỉ có điều vai người này khá rộng, có khi bằng vai po thẩu[10] của nàng, không biết là người quen hay kẻ lạ. Nàng rụt rè cất tiếng gọi:
    - Ché[11] ơi!
    Động tác tắm gội của người kia liền sững lại, “ả” quay người sang phía nàng, đôi mày rậm khẽ chau:
    - Gọi tôi? – Rõ ràng ả, à không, gã không phải là người Thổ, sao lại biết tiếng của nàng!
    - Ché… là con đực?! – Nàng lắp bắp.
    “Con đực” dở cười dở mếu:
    - Nàng nhìn tôi mà không biết hay sao?
    Đôi mắt tròn xoe trong vắt dời từ gương mặt gã xuống bờ vai rộng, xuống lồng ngực vững chãi, cái bụng thon săn chắc…
    - Ấy đừng nhìn nữa! – Gã vội kêu lên.
    Có vẻ như đã muộn vì sơn nữ đứng trên bờ bỗng dưng mặt đỏ gay rồi lăn ra giãy khóc:
    - Sương không biết đâu, ché làm mất đời con gái của Sương rồi, sau này ai thương Sương nữa!
    Con-đực-được-gọi-là-ché kia ước gì mình có thể chết ngay đi được:
    - Này, tôi mới là người bị thiệt thòi mà…?!
    
    
- o O o -

    
    Lễ cưới giữa chàng trai miền xuôi và đóa hoa núi rừng Đan Ba[12] được cử hành ngay sau đó. Trong bản có nhiều chàng từ lâu thương thầm lục nhình[13] nhà ông Tạo nên không vừa ý, chẳng ngờ vừa thấy khươi[14] Cung đứng cạnh nàng xứng lứa vừa đôi, đẹp như thần rừng thần núi thì liền ngậm ngùi chấp nhận. Dương Cung sung sướng cắt phăng mái tóc dài chàng phải khổ sở chịu đựng mấy năm nay, bỏ đi đôi hài vải, hân hoan chạm gót chân trần lên đất mẹ. Rồi một ngày nào đó, không riêng gì mường Thèn, người dân trên khắp Đại Việt này đâu đâu cũng sẽ hớn hở chào nhau bằng nụ cười óng ánh răng đen.
    Sau ba ngày lễ cưới rộn ràng, đêm tân hôn, nàng Sương rúc vào ngực chồng thủ thỉ:
    - Tên của Sương có nghĩa là thương, ché đã lấy Sương rồi, phải thương Sương suốt đời suốt kiếp, ché thề đi!
    - Tôi thề! – Dương Cung vuốt mái tóc bồng bềnh. – Nhưng có ai gọi chồng là ché bao giờ?
    - Ché là chồng của Sương, Sương thích gọi thế nào thì gọi!
    
    
- o O o -

    
    Lễ slam nâu[15] sau đó, trong lúc rượu đã ngà ngà, mọi người bèn bày trò cằm nặc[16] để giúp vui. Nàng Sương vốn nổi tiếng thông minh, liền đứng dậy ra đề:
    - Lúc trẻ mặc áo trắng, lớn lên mặc áo hoa, khi già mặc áo đỏ?
    Mấy chàng trai trong bản muốn tìm sự chú ý của người ngọc, nhao nhao đáp:
    - Là quả ớt!
    Sau đó, có người cố ý đố khươi Cung:
    - Món gì ăn cả con không có ruột?
    Mặt chàng đang đỏ gay vì hơi men bỗng dưng trắng bệch, nàng Sương tưởng chồng bệnh nên nhanh nhảu đáp thay:
    - Con nhộng, lêu lêu, dễ thế mà cũng đố!
    Nói rồi cuống cuồng chạy theo ông chồng say đang lao về phía rẫy nôn ra cả mật xanh.
    
    
- o O o -

    
    Ông Tạo Thuấn ít nhiều biết tiếng và phong tục của người kinh lộ nên cha vợ con rể trò chuyện vô cùng tâm đắc. Dương Cung tiếp cận mường Thèn vốn chỉ mong gặp được ông để bàn chuyện tụ quân khởi nghĩa, việc trở thành người nhà ông Tạo hoàn toàn nằm ngoài dự tính của chàng nhưng lại là một dịp may cầu còn không được. Có lần chàng hỏi dọ ý ông về bọn ngoại xâm, ông chỉ trả lời qua loa né tránh. Đại ý rằng chí anh hùng đương nhiên muốn ra tay cứu dân cứu nước, nhưng chí lớn chỉ của một mình ông, còn sự an nguy của cả mường cả bản, cả nàng Sương mà ông thương yêu như ngọc như vàng lại là thứ ông không thể nào mang ra đặt cược. Thế nên, ngày nào nhà Minh chưa đụng đến ông thì ông cũng sẽ ngoan ngoãn yên phận, chí tang bồng đành gửi lại núi sông.
    Đoán biết lòng con rể, ông Tạo bóng gió khuyên chàng bỏ mộng ấy đi, sớm muộn gì ngày ông về trời, mường Thèn và cả Đan Ba rộng lớn này cũng do khươi Cung chàng nắm giữ, như vua một cõi, quyền lực có kém thua ai, chỉ cần chàng đảm bảo cho nàng Sương của ông cuộc sống bình yên đến cuối đời.
    Bữa cơm hôm ấy có món vịt nướng lá mắc mật, có cả một bộ lòng được ướp kỹ, thơm nức mũi, ông Tạo ưu ái bỏ vào chén Dương Cung, chàng vui vẻ nhận lấy nhai ngấu nghiến. Ông vừa khuất khỏi tầm mắt, chàng đã lao đi nôn thốc nôn tháo, không ngờ đến việc nàng Sương đã đứng sau. Sơn nữ đưa khăn lau miệng cho chồng, vuốt lưng chàng rồi dìu chàng lên nhà nghỉ, đoạn chu đáo rót một chén rượu dâng tận miệng. Đợi chồng uống cạn rồi, nàng tròn xoe mắt hỏi:
    - Hôm đó ché nôn không phải vì say rượu phải không?!
    Thiếu nữ vô lo này từ bao giờ đã để tâm đến vậy?!
    Dương Cung thừ người một lúc lâu, đưa tay kéo nàng lại gần mình, nhìn vào đôi mắt ngây thơ:
    - Sao nàng chưa từng hỏi tôi là người thế nào, cha mẹ ở đâu, giàu sang hay khốn khó?
    - Vì ché đẹp! – Nàng trả lời gọn lỏn. Ông chồng vẫn nghệch mặt như không hiểu, nàng bậm môi rồi giải thích thêm. – Hồi còn sống, me thẩu[17] bảo Sương rằng phải ăn ngay ở thẳng, làm nhiều việc tốt thì mình mới đẹp, sinh con mới đẹp. Ché thấy Sương đẹp không, tốt bụng không? Ché còn đẹp hơn Sương nên nhất định là tốt hơn Sương!
    Tấm lòng trong vắt như suối giữa rừng của nàng Sương khiến Dương Cung chỉ biết thở dài. Chàng lại đưa tay vuốt từng sợi tóc mây, giọng nhẹ nhàng như tiếng ru:
    - Cách đây rất lâu, người nhà tôi trong lúc loạn lạn đã chạy sang nước Lão Qua[18], chỉ còn mình tôi ở lại, phải đi làm kẻ ở cho người. Chủ tôi là một tên tiểu nhân, xem gia nô không bằng súc vật. Chỉ có bà cụ nấu bếp ở nhà ấy là tốt với tôi, sợ tôi lạnh lo tôi đói, thường giấu thức ăn thừa rồi nửa đêm lén cho tôi.
    Ký ức chàng theo lời kể trôi dạt về một gian bếp nhỏ, có đống rơm sạch sẽ ấm áp hơn mấy lần chiếc giường trong căn phòng chung của bọn gia nô, có bàn tay gầy guộc và nụ cười móm mém của bà Dần – tên dữ mà lòng hiền hơn cả Bụt.
    - Sương hiểu rồi, mé[19] ấy suốt ngày giấu lòng vịt thừa cho ché nên giờ ché ngán chứ gì?
    Bàn tay vuốt tóc nàng bỗng sững lại, trong một lúc Dương Cung hơi do dự.
    - Bà ấy giấu sách trong chạn bếp, bảo rằng để con tôi sau này lớn lên còn được học, không ngờ bị giặc phát hiện, thằng chó Trương Phụ lúc ấy còn làm tổng binh, nó giết bà, moi ruột quấn vào cây…
    Nói đến đây, nàng Sương nhăn mặt rúc vào ngực người trước mặt.
    - Xin lỗi, lẽ ra tôi không nên kể. – Chàng vỗ nhẹ lưng nàng.
    Nàng ngẩng mặt lên nhìn chồng, hốc mắt Dương Cung ửng đỏ, bàn tay gầy nắm chặt đến nổi gân xanh. Ký ức đó hôm nào cũng dội về trong giấc ngủ, vậy mà mỗi lần đều có thể đau như mới. Chàng vẫn nhớ, giữa đêm đen chàng lẻn ra mang bà về chôn cất, nước mắt quẩn quanh tròng mắt mãi không rơi xuống được, răng cắn vào môi đến bật máu để ngăn tiếng thét la, thời khắc ấy, lời thề cắt ruột moi gan thằng Trương Phụ đã khắc sâu trong tim chàng như dao chém đá.
    Nàng Sương bỗng nhiên thấy sợ hơn cả ban nãy, người chồng dịu dàng của nàng chưa bao giờ xa cách như lúc này, cô độc và lạc lõng tựa một con thú rừng bị trúng tên. Thiếu nữ mới lớn đã gả cho người vốn chưa từng trải yêu đương, nàng chỉ biết kéo chồng vào ngực mình ôm chặt, vỗ về như na[20] Nhình dỗ con hôm trước:
    - Ché đừng khóc, đừng buồn, sau này Sương không bắt ché ăn lòng vịt nữa đâu!
    
    
- o O o -

    
    Cuộc sống êm đềm của vợ chồng sơn nữ chưa qua đầy một tuần trăng, ông Tạo xuống phố trở về thì đã thành chuyện lớn.
    Chẳng là, dẫu gì ông cũng là con của núi rừng, bụng thẳng như tre, thấy bọn lính ức hiếp thiếu phụ thân cô thế cô thì không chịu được bèn ra tay cứu giúp. Không ngờ một khắc nghĩa hiệp ấy lại trở thành lời tuyên chiến với quân Minh của mường Thèn phủ Lạng Sơn. Qua mấy ngày đã có quan binh tủa đến bìa rừng, vài thiếu nữ mang vải vào phố mãi chẳng thấy quay lại. Ông Tạo tức tốc trở về mang theo cả thiếu phụ kia, vừa về đến đã gióng trống gọi cả mường đến tập trung bàn kế sách.
    Dương Cung cũng được ông gọi đến căn nhà sàn mười hai cột, trước mặt mọi người, ông Tạo hỏi khẽ khàng:
    - Ta từng nghe Bế Sương nói tổ tiên con nhiều năm trước đã sang nước Lão Qua.
    Chàng thoáng ngỡ ngàng, cứ tưởng vị phụ đạo của dân Thổ là người chất phác đơn thuần, không ngờ thân phận mình sớm đã bại lộ từ lâu. Khươi mím môi như suy nghĩ điều gì, sau cùng kính cẩn thưa:
    - Bẩm Tạo, con đúng là hậu duệ bốn đời của họ Trần.
    Khắp nhà sàn phút chốc lao xao. Tuy mường Thèn cách xa chốn kinh kỳ nhưng họ Trần trị vì mấy trăm năm không ai là không mến, tội ác của giặc Minh kéo dài suốt mười năm không ai là không giận, lòng người bỗng sục sôi.
    - Bẩm ông lớn, việc này cũng do ông thương xót cái thân con mà ra cả, ông để con đi thú tội với quan phủ cho rồi, đừng lụy đến mường đến bản nhà ông! – Mọi ánh mắt đổ dồn về thiếu phụ đang quỳ sụp van xin bằng thứ tiếng Thổ chữ được chữ mất.
    Bế Sương bước đến chỗ người đàn bà khốn khổ, lấy vạt áo lau mặt cho nàng, một nét ngỡ ngàng rất khẽ, sơn nữ mỉm cười cất giọng thanh như tiếng chiêng đồng:
    - Ché đừng sợ, người mường Thèn đều thuộc lòng câu “rễ cây ngắn, rễ người dài”[21], cứu ché là chuyện ai cũng sẽ làm. Huống hồ ché lại đẹp như vậy, đẹp như me thẩu của Sương hồi trước, phải không po thẩu?!
    Nam thanh nữ tú, thầy mo và già làng đều nhìn về thiếu phụ, đoạn nhìn sang ông Tạo Thuấn, dường như gương mặt đượm gió sương kia đang có chút men say. Không ai bảo ai, tất cả đều mỉm cười ý tứ, họ mừng cho ông cuối cùng cũng tìm thấy niềm vui sau chừng ấy năm gà trống nuôi con.
    - Sương, con đừng nói lung tung, đưa nàng ấy về nhà con ở tạm để ta bàn việc với các già làng.
    Sơn nữ lém lỉnh cười, dìu me-thẩu-tương-lai đi mất.
    - Nếu tạo Cung đã là hậu duệ của quan gia, mường Thèn nguyện phò ngài giành lại giang sơn. – Một già làng dõng dạc hô.
    Khươi Cung tỏ vẻ xúc động nhìn già rồi nhìn sang ông Tạo:
    - Po thẩu là người hiểu rõ nhất, một khi thất bại…
    Lời chưa nói hết đã bị ông Tạo đưa tay ngăn lại. Vừa lúc ấy, bên ngoài vang lên tiếng báo:
    - Bẩm Tạo, đã tìm thấy ché Vần ở khe Mang…
    Không gian bỗng lặng như tờ, vài người đàn bà bưng mặt khóc, những chàng trai nén giận đến trán nổi gân xanh, cô Vần là sơn nữ đẹp người đẹp nết, làm phù noòng[22] ngon nhất mường Thèn. Ngọn lửa này vốn đã không thể dập được nữa rồi!
    Ông Tạo như cũng cố nuốt giận hồi lâu, đoạn tay nắm chặt, ông đưa mắt khắp nhà sàn, nhìn rõ mỗi gương mặt, từng lời nói vang vang như sấm:
    - Bọn rợ Minh đã giẫm đạp lên đất tổ tiên ta chục năm rồi, nay còn dám ức hiếp mường ta. Người Thổ trên khắp Đại Việt chỉ thua mỗi người kinh, cớ gì cắn răng nhẫn nhục?! Nay ta kêu gọi cả mường Thèn cùng ta phò minh chúa giành lại non sông gấm vóc! Ngần chèn tang tôm nhả, tha nả tảy xiên kim! (Tiền bạc như đất cỏ, danh dự tựa ngàn vàng).
    Khắp bản làng dậy tiếng muôn người, lớp nọ nối tiếp lớp kia, tiếng hô vang vào đá vọng về như núi rừng nổi cơn thịnh nộ:
    - Ngần chèn tang tôm nhả, tha nả tảy xiên kim!
    Đêm ấy mường Thèn không ngủ.
    
    
- o O o -

    
    Khi Dương Cung trở về ngôi nhà sàn nhỏ của vợ chồng chàng, Bế Sương đã ra ngoài phụ giúp mọi người chuẩn bị lương thực và vũ khí. Gian nhà vắng chợt vang lên tiến ho khe khẽ.
    - Trời đêm ở đây lạnh lắm, ché mặc ấm vào kẻo ốm. – Chàng ngồi trước cửa vừa phủi sạch chân vừa nói vọng vào.
    - Tôi ổn mà, tạo đừng lo. – Người bên trong vẫn ho sù sụ.
    Dương Cung thong thả bước đến bếp lửa giữa nhà pha một ấm chè, lại với tay lấy chiếc khăn giắt trên bậu cửa mang đến choàng sau lưng thiếu phụ.
    - Tạo làm gì vậy, tôi là gái sắp có chồng… - Thiếu phụ xoay người toan đẩy chàng ra.
    - Ừ thì có chồng. – Dương Cung cắn lên mũi nàng đau điếng rồi xoay người bỏ đi nằm.
    Sau lưng chàng vọng đến tiếng cười khúc khích.
    - Ôi, ôi, nhìn xem, cậu Ngã của tôi hôm nay biết giận nữa kìa? – Thiếu phụ đoan trang hiền thục vừa nãy bỗng hóa ả đào hát lẳng lơ, bước đến cạnh người đang nằm trên phản, đưa tay nắn bóp vai chàng.
    Dương Cung duỗi người khoan khoái, đã lâu rồi mới lại có cảm giác này, bởi đời này ngoài người đàn bà kia ra chẳng ai gọi chàng bằng cái tên Lê Ngã nữa. Chàng để mặc thị Cầm tự khen mình đến tận mây xanh, kể lể chuyện đã dụ Bế Thuấn đánh bọn quan binh bằng khổ nhục kế ra sao, lại để ông ta rủ lòng xót thương mang theo nàng về bản thế nào. Rồi như chợt nhớ điều gì, chàng mở mắt, đưa tay nắm lấy bàn tay gầy guộc của nàng kéo mạnh, thiếu phụ phút chốc nằm gọn trong lòng. Chàng nhìn một lượt khắp tấm thân đã làm vợ khắp thế gian, mắt không lộ chút cảm xúc gì, ngón tay lại lướt qua vai nàng, khẽ hỏi:
    - Bọn quân lính có làm gì…?!
    Đôi môi của chàng định áp lên thì bị nàng đưa tay chặn lại:
    - Đừng, cậu có vợ rồi!
    Đáy mắt thoáng hiện chút ngỡ ngàng, Lê Ngã nhìn nàng hồi lâu rồi nghiêm giọng bảo:
    - Tôi chưa từng chạm vào Sương.
    Đôi mắt bên dưới đang ngước nhìn bỗng mở to như không tin vào điều tai mình vừa nghe thấy.
    - Nàng ấy còn bé quá. Tôi thì chưa biết chết lúc nào. Vả lại…
    Thị Cầm không kịp hỏi “vả lại cái gì”, bởi vòng tay ấm áp của Lê Ngã đã đưa nàng vào một nơi tinh khiết, trong sạch, tràn ngập hương thơm. Không có bàn tay nhớp nhúa của bọn đàn ông háo sắc, không có phấn son hay bạc vàng trao đổi, không có những cái nhìn hau háu, những cái đụng chạm thô bạo, chỉ có chàng trai đẹp như thánh thần đang dùng phép tiên tẩy sạch thân thể ô uế của nàng.
    
    III.
    “Vừa khi cờ nghĩa dấy lên[23]
    Trời vang giọng tướng, đất rền tiếng quân.”
    Đúng như lời ông Tạo Thuấn, người Thổ trên khắp non sông Đại Việt chỉ thua mỗi người kinh. Không biết là do tiếng đàn tính nỉ non, tiếng thanh la réo rắt, tiếng trống da bò giục giã hay tiếng cồng chiêng rền tận đáy tim mà người ở khắp các núi chung quanh đều nhất nhất về Đan Ba hội tụ. Tàn quân của Công Chứng, Phạm Ngọc và Phạm Thiện cũng được thị Cầm mật báo kéo nhau lên, trên đường không quên lôi kéo thêm người cùng chí hướng. Bọn quân Minh có chặn hết chân núi cũng không làm sao biết được những đường mòn, khe hẹp mà dân bản nhắm mắt lại cũng có thể băng qua, huống hồ, chúng còn không có cả thời gian chuẩn bị. Ông trăng chưa kịp già thêm lần nữa, hai vạn nghĩa quân đã gặp nhau.
    Trong buổi hội quân, ông Tạo từ tốn bảo khươi Cung:
    - Muốn phục quốc phải có quân vương, nay Đan Ba không khác gì một thành trì độc lập, con lại là hậu duệ của quan gia, danh đã chính, ngôn đã thuận, mau chọn ngày lành để lên ngôi.
    Cậu bé con Lê Ngã mà bà Dần giấu cơm thừa cho ngày ấy giờ đã trở thành vua một cõi. Chàng tự xưng Thiên Thượng hoàng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên, phong Tạo Thuấn làm Tướng quốc[24], đúc tiền riêng để dùng trong khu vực mà nghĩa quân đóng giữ.
    Trai tráng mường Thèn và cả những người dân ở miền xuôi hoặc chưa thỏa chí nam nhi, hoặc bấy lâu cam chịu ách giặc Minh tàn ngược, sau một đêm hóa thành quan, thành tướng, mở ra trước mắt một tương lai rực rỡ không có máu chảy đầu rơi, không có cảnh nhà tan cửa nát, lòng bỗng hừng hực quyết tâm, sĩ khí ngút tận trời. Họ giã biệt gia đình, dứt nợ thê nhi, tự khắc lời thề chỉ quay về núi khi nghiệp lớn đã thành. Trong những cuộc đưa tiễn ấy, làm sao tránh khỏi nước mắt giai nhân, làm sao thoát được những lần thoái chí, nhưng kẻ biết chuyện kể lại cho những người chưa từng chứng kiến, cảnh mẹ hiền khấn nguyện từng đêm cầu bình an cho đứa con bị bắt đi lao dịch, cảnh những thiếu phụ chưa đợi được chồng về đã bị bắt làm đĩ điếm cho người, cảnh các cụ già bị móc mắt lột da, cảnh thai phụ bị mổ bụng rồi cắt tai cả mẹ cả con để bọn lính mang về nộp cho đủ số… Hạnh phúc lứa đôi bỗng trở nên nhẹ như cánh hoa ban, bay theo giấc mơ và những lời hẹn ước.
    Lại già thêm một ông trăng nữa, nghĩa quân từ mường Thèn đã chiếm được trại Hồng Doanh ở vùng biển An Bang[25].
    Thiên Thượng hoàng đế ngồi trong doanh trại, nghe quân báo chỉ khẽ mỉm cười, khi bên trong còn lại bốn người, bàn tay cầm chén lẩu vạng[26] bỗng run khẽ.
    - Ché thấy đau chỗ nào sao? – Hoàng hậu lo lắng hỏi thăm chồng. Khi tất cả sơn nữ đều ở lại hậu phương, chỉ có nàng bất chấp hiểm nguy nằng nặc theo chàng cùng tiến cùng lùi.
    Dương Cung vỗ nhẹ lên tay Bế Sương rồi nhìn sang ông Tạo Thuấn. Ông Tạo – Tướng quốc – nhìn chàng rồi lại nhìn sang người vợ chưa cưới của mình:
    - Ta biết con cũng lo lắng như ta. Quân ta nhanh chóng chiếm được thế thượng phong chỉ vì yếu tố bất ngờ. Trong vòng một hai tuần trăng, khi quân Minh chỉnh đốn lại lực lượng thì tình hình nhất định sẽ thay đổi.
    Dương Cung khẽ gật đầu:
    - Po thẩu dạy rất phải, nên con định nhân lúc chúng vẫn còn rối loạn, ta sẽ đốt kho lương ở thành Xương Giang và đánh cướp trại Bình Than, một công đôi việc, vừa làm chúng tổn thất, lại có thể bổ sung của cải lương thực cho quân ta. Po thẩu thấy thế nào?
    Ông Tạo Thuấn đứng thẳng người dậy, ôm quyền cúi lạy rất khoa trương:
    - Hoàng đế thánh minh!
    Nói rồi, cả bốn người cùng cười rộ. Ông lại nhìn về phía thị Cầm:
    - Xin lỗi, lại để nàng phải đợi ít lâu.
    Khóe mắt đa tình của cô đào hát thoảng nhẹ vẻ ngạc nhiên. Nàng Sương bỗng cất tiếng nói hệt như trẻ con đang dỗi vặt:
    - Po thẩu và ché đánh giặc nhanh lên, Sương muốn có me thẩu giúp Sương chăm em bé!
    Chén rượu trên tay vị hoàng đế kia rơi xuống đất vỡ giòn.
    
    
- o O o -

    
    - Người ta đòi có con kìa, ché Cung tính sao đây? Nghĩ kỹ thì có con rồi, việc cậu có thực là hậu duệ của họ Trần hay không cũng chẳng là vấn đề lớn nữa.
    Ngồi giữa kho lương, một bóng đen lên tiếng hỏi. Bóng đen còn lại đáp lời nàng:
    - Chị với ông Tạo sinh một đứa đi, cho nàng ấy chăm, thắt chặt tình cảm, thế là tôi được yên thân.
    - Khỉ gió cái cậu này! – Thị Cầm đưa tay cốc lên đầu Lê Ngã. – Ông Tạo ấy à, quân tử còn hơn mấy ông học trò suốt ngày một câu trinh hai câu tiết. Tôi đã xưng là gái chết chồng mà cả ngón tay ông còn chưa dám đụng. Mà ông cũng khéo phết đấy, chữ kinh lộ cũng biết khá nhiều.
    Nàng bỗng cất giọng ngâm nga, nhại tiếng ông Tạo lúc tỏ tình:
    “Đường xa thì thật là xa,
    Mượn mình làm mối cho ta một người.
    Một người mười chín, đôi mươi,
    Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình.”[27]
    Lê Ngã quay sang nhìn nàng, khóe môi khẽ nhếch:
    - Thế lòng xuân của cô Cầm đã động chưa?
    Không biết cô Cầm mười chín đôi mươi kia giấu ở đâu một bầu lẩu vạng nhỏ, uống một hơi dài rồi đưa cho chàng, đoạn thở dài:
    - Phải chi ông ta gặp tôi sớm mười năm, biết đâu được đấy…
    Người tựa vai nàng chợt phì cười.
    - Tim của ché Cung làm bằng băng hay đá? Sơn nữ người ta sắc thắm như hoa tươi, tình nồng như rượu ủ, thật lòng thật bụng yêu thương ché mà ché nỡ để người ta chăn đơn gối lạnh, nửa đêm chạy ra đây uống rượu với bà chị lỡ thì này. – Giọng nàng lại eo éo giả tiếng nói trong trẻo của Bế Sương.
    Vừa dứt câu, vai áo của nàng liền bị người kia kéo lệch. Không biết nàng có lấy nhầm rượu không mà người vừa hớp đã say:
    - Sắc thắm như hoa tươi, tình nồng như rượu ủ… - Môi chàng lướt trên chiếc cổ cao gầy. – Tiếc là từ lâu rồi, nhắc đến ruột, đến lòng, tôi chỉ muốn mửa thôi.
    
    
- o O o -

    
    Đương tuổi trẻ khí ngạo tâm cuồng, trên có cha vợ hết lòng ủng hộ, dưới có ba quân thề chết trung thành, bên cạnh có một vợ hiền một chiến hữu đỡ nâng, Dương Cung dường đã quên việc chẳng nên quên, cái tên Lê Ngã và thân phận của chàng hãy còn một người nhớ rõ.
    Mùa xuân năm Vĩnh Thiên thứ nhất (1420), lúc đội quân được hoàng đế phái đánh Bình Than vừa xuất phát, căn cứ Hồng Doanh tiếp một người khách đến xin gia nhập quân khởi nghĩa, tưởng lạ mà quen.
     Người chủ mà chàng căm thù tận tủy xương, kẻ đã đẩy chàng bước một chân vào địa ngục mãi mãi không thể quay đầu.
    Trần Thiên Lại!
    Hôm ấy, hoàng đế Thiên Thượng đang đi thuyền dọc cửa biển An Bang để xem xét việc đóng quân, vị khách mang vàng bạc đến xin gia nhập nghĩa quân được lính hầu dùng thuyền con đưa đến. Chốn trời nước bao la, Dương Cung còn chưa kịp nhìn rõ dáng vẻ rúm ró sẵn sàng quỳ mọp liếm chân của kẻ đang đến gần thì dáng hình ấy bỗng thẳng tắp như cây nứa, chàng nghe rất rõ cái giọng eo éo của cái người đang cả gan chỉ tay thẳng mặt chàng:
    - Tưởng anh hùng hào kiệt nào xuất chúng, hóa ra là thằng Lê Ngã – gia nô cũ của ta!
    Tội cho anh lính chèo, không ngờ đến việc mình bị vị khách kia đạp xuống nước rồi cướp thuyền chạy mất. Hoàng đế lệnh cho quân lính quay thuyền lớn đuổi theo, nhưng tên cáo già kia đã lẻn vào khe nước nhỏ mất hút bao giờ.
    Cái giọng nhừa nhựa như bị thiến của hắn còn ám ảnh chàng, ám ảnh cả những quân sĩ có mặt trên thuyền rất nhiều ngày sau đó:
    - Tao sẽ vạch mặt mày!
    
    
- o O o -

    
    Đêm ấy, hoàng hậu Bế Sương không ngủ được vì người nằm cạnh bên cứ trằn trọc mãi. Nàng ngồi dậy hết sờ trán lại sờ tay chồng, lo lắng hỏi:
    - Ché lại thấy đau ở chỗ nào?
    Chồng nàng nhìn nàng rất lâu, đoạn bảo:
    - Tôi có kể với nàng, tôi từng là kẻ hầu nhà người khác, nhớ không?
    Nàng Sương gật gật đầu.
    - Hôm nay thằng chủ ấy đến tìm tôi, làm tôi nhớ những chuyện không nên nhớ.
    Chồng nàng chỉ nói thế thôi, rồi gương mặt lại rất buồn. Dẫu rằng khi chàng buồn có vẻ đẹp của lúc buồn, nhưng thấy chàng khó chịu, nàng Sương cũng không vui.
    Những khi thế này, thiếu nữ thật không biết phải làm gì. Nàng từng nghe lỏm những lúc me thẩu tương lai trò chuyện cùng po thẩu, chao ôi là dịu là dàng, là lời hay ý đẹp, ngọt như mật ong rừng, tiếc là nàng không nhớ hết cũng không dám hỏi lại ai. Phải chi thần rừng đừng đưa me thẩu của nàng đi sớm quá, bây giờ nàng đã biết phải nói gì để làm ché chồng cười rạng rỡ như trong ngày cưới.
    Tay vần vò vạt áo đến nhàu nát cả, nàng mới rụt rè bảo với chàng:
    - Ché đừng buồn mà, Sương biết ché không thích ăn lòng vịt lòng gà, nhưng lòng của Sương… - Nàng đưa tay trỏ ngực mình. – Lòng của Sương sạch lắm, không tanh, ché đừng chê nữa…!
    Có vị hoàng đế nào đó lần đầu tiên biết được môi của vợ rất thơm. Nụ hôn lạ lẫm ập đến khiến sơn nữ cứng người, sau đó lại mềm dần, mềm dần, tan chảy trong sự ve vuốt ấm áp ngọt ngào mà nàng chưa từng cảm nhận trong đời. Ánh mắt chồng nàng giờ lạ lắm, không bình thản như mọi ngày, cũng không trống trải mông lung mà cơ hồ xúc động, say mê.
    Chừng khi gió lạnh khiến nàng run rẩy vì áo quần đã rơi xuống cả, người phía trên bỗng sững lại hồi lâu rồi kéo chăn đắp cho nàng, bản thân mình thì bước xuống giường đi về phía cửa.
    Chân chạm đến bậc thang, chàng bỗng dừng bước, lưng vẫn đối diện nàng:
    - Ở chỗ của tôi, tuổi như Sương hãy còn bé lắm!
    Nàng nhìn theo áo chàng xanh thẫm lẫn vào đêm.
    
    
- o O o -

    
    Khi vừa bước vào kho lương, Dương Cung lại một lần nữa sững sờ vì đã có người.
    - Tối nay tôi vốn không định đến. – Chàng tới ngồi cạnh bóng đen trong góc.
    - Thì cứ đợi thôi. – Hơn ai hết, nàng biết sự xuất hiện của Trần Thiên Lại có ý nghĩa thế nào.
    
    IV.
    “Trăng phơi mấy gió trăng già
    Đá rèn bao lửa thì ra đá vàng?”
    Lúc rời khỏi phòng, Dương Cung không nghĩ sẽ gặp thị Cầm nên đã mang theo một bầu rượu, chiến hữu tâm đầu ý hợp của chàng cũng chuẩn bị sẵn mấy bầu.
    Thế là, cứ uống, cứ say, cứ mặc kệ sự đời.
    Ả đào hát thường ngày rất thích léo nhéo bên tai chàng khi cần im lặng cũng cực kỳ hiểu chuyện, nàng chẳng hỏi gì, chỉ nhìn chàng uống, uống với chàng, để chàng tha hồ nào tựa nào ôm nào vòi nàng xoa như mẹ hiền ru con ngủ. Thị Cầm tưởng đâu đến khi mặt trời mọc thì cả hai cứ thế im lặng trở về phòng, không ngờ bàn tay vừa đặt lên lưng thì giọng nói nhè nhè đã cất lên:
    - Bế Sương hay làm giống chị. – Chàng hớp thêm ngụm rượu. – Chị Cầm, có phải tôi đói khát tình thương lâu ngày đến loạn trí rồi không, suýt nữa đã xem nàng như u…
    - U của thằng cu thì có! – Nàng phì cười.
    - Ừ! Tôi đã thử thử xem mình có làm người ta tòi ra một thằng cu được không thật đấy… - Giọng nói kia càng lúc càng kéo dài, tay chàng ôm chặt lấy eo nàng, mặt dụi sâu vào cái bụng mềm mềm.
    - Vậy...?! – Thị Cầm bỗng nghe nhoi nhói.
    Kẻ trong lòng nàng bỗng im bặt, một chốc, đôi vai người ấy bắt đầu run. Đào nương chợt thấy mình ngớ ngẩn, nếu thành công thì giờ chàng đã chẳng ở đây say khướt, những chuyện này chẳng phải ngày thường nàng minh mẫn lắm sao?!
    Có tiếng nấc nghẹn ngào đến thê lương. Mắt thị Cầm cũng cay cay, nàng ghì đầu chàng sát vào mình, cúi mặt.
    Hồi lâu sau, người đang ôm chặt lấy nàng như dở tỉnh dở mê:
    - Thằng chó Lại… – Răng chàng tưởng sắp bị nghiến đến nát cả. – Thằng chó hoạn quan…
    Nước mắt thị Cầm cứ thế rơi. Tay nàng lần đến cổ áo chàng, luồn vào tấm lưng trần, dịu dàng ve vuốt. Đoạn, chàng ngước mặt lên, nàng dùng cả hai tay ôm lấy, đặt lên đó một nụ hôn, từ trán, mũi, mắt, cằm, rồi đôi môi kiều diễm từng làm say lòng bao nhiêu đấng anh hùng lướt qua bờ ngực rộng. Dương Cung siết chặt lấy nàng, tiếng nấc càng uất nghẹn hơn.
    Lần này, là nàng rửa sạch cho chàng.
    Rửa đi sự chua chát của kẻ làm chồng mà suốt ngày tránh vợ.
    Rửa đi những ký ức đau thương nhục nhã của một kiếp nam nhi không trọn đàn ông.
    Rửa đi những ám ảnh đã dày vò nát ruột nát gan cái con người tưởng như được hóa công ưu ái dành hết mọi thứ tốt đẹp trên đời.
    Rửa mãi, lau mãi, chỉ phai mà không nhạt.
    Trong cơn cuồng loạn ái ân nồng nặc hơi men ấy, thị Cầm như nghe được lời nói bị đứt quãng hôm nào:
    - Vả lại, tôi chỉ có thể làm đàn ông với chị.
    
    
- o O o -

    
    Nhiều năm về trước, khi quân Minh vừa đến, tình hình Đại Việt chưa yên ổn như Giao Chỉ bây giờ (là yên ổn cho các quan lớn làm tốt cái việc phụ mẫu chi dân, chứ lòng bọn con đỏ có lúc nào thôi dậy sóng). Thuở họ Trần còn trị vì, người ta chỉ quen mắt nhìn những cô gái hiên ngang chẳng kém mày râu, mấy ai từng gặp những kẻ lưng dài vai rộng lại có cái dáng đi mềm oặt như cành liễu, giọng nói the thé tựa sơn ca? Khi ấy, cậu nhóc Lê Ngã – gia nô nổi danh vì tướng mạo của phủ bá hộ Trần Thiên Lại – tuổi mới tròn trăng đã biết cái bọn dở con dở thằng kia có thể ác ôn đến mực nào. Chủ của cậu là một trong những người đầu tiên mang bạc vàng tự nguyện đến nộp cho những vị công công của Thiên triều, sợ chưa đủ thành ý lại còn mời các quan về phủ để tiếp đãi hết lòng. Một đêm sáng trăng, cậu được lệnh tắm rửa sạch sẽ rồi mang cơm đến cho hoạn quan Triệu Vũ. Chân vừa đến thềm, cậu đã nghe bên trong nheo nhéo cái gì đấy cậu không hiểu, rồi cửa được mở ra, người hầu ở trong phòng lui ra hết cả, chỉ còn cậu và vị công công mày cong, môi đỏ.
    Ông ta không thiết tha gì mâm cơm có cá có thịt cậu vừa bưng đến, chỉ hớp một ngụm rượu nhỏ rồi đưa tay chỉ lên sập, ý bảo cậu ngồi. Từ ngày đi ở, bị quản gia cho mấy trận đòn đến liệt giường, nỗi sợ trước là người có quyền có thế, sau là quan lại nhà Minh đã ăn sâu vào máu cậu, khiến cậu lúc nào cũng cúi gằm mặt, có ngẩng lên chăng chỉ thấy một nụ cười đẹp như tranh, vô hồn như tượng. Ông chủ của cậu luôn miệng bảo mọi người phải đối xử tốt với thằng bé Ngã, nhưng khi ông vắng mặt, ai mà biết lũ người lớn kia có thể bày ra những trò gì. Thôi vậy, đằng nào ông chủ cũng đang ở nhà, chắc ông sẽ không làm gì hại cậu. Lê Ngã nghĩ thế rồi rón rén bước đến nơi được lệnh, gương mặt vẫn cố tươi. Triệu Vũ tiến lại gần, ngón tay vuốt lên má, ánh mắt lộ vẻ tán thưởng, rồi đôi môi áp lên khiến cậu ngỡ ngàng.
    Đàn ông sao có thể chạm môi nhau?!
    Động tác vuốt ve sau đó của ông ta khiến cậu quên hết quyền thế hay đòn roi, bỏ chạy ra ngoài, khốn thay cửa đã bị ai khóa chặt. Người đuổi theo đang ở sát sau lưng, cậu liều mạng gào to:
    - Ông Lại, cứu con! Bà ơi, cứu cháu…!
    Bà Dần thì không đến được rồi, nhưng còn ông Lại, không phải đang ở phòng cạnh bên sao?! Vậy mà, đáp lời cậu chỉ có tiếng cười khe khẽ và bàn tay nhám nhúa của tên ái nam ái nữ phương xa. Cậu con trai mới lớn còn chưa từng rung động yêu đương, chưa từng thử qua hương sắc lại phải gánh chịu mưa gió của một thân giống cái, đến từ kẻ khát khao tìm cách chứng minh đực tính của mình.
    
    
- o O o -

    
    - Đêm đó, trăng cũng sáng thế này! – Dương Cung dụi trên hõm cổ thị Cầm, đưa mắt qua song cửa nhà kho. – Chị nói xem, có phải lão Nguyệt ấy già lẩm cẩm rồi không, cầm sợi dây tơ hồng của tôi với chị lại làm rối lung tung cả.
    Người nằm bên dưới chàng phì cười, tay vuốt nhẹ lên gương mặt đã làm bao thiếu nữ, lẫn thiếu nam, say đắm.
    Lần đầu tiên nàng gặp Lê Ngã là sau cơn hoan lạc của ông tri huyện Tràng Kênh. Ông ta cho gọi nàng đến hầu đàn, đến nơi lại đòi hầu cả ngủ, xong việc thì mang lính vứt ra sân như vứt một món đồ. Chừng đương kéo lại tấm áo đang xộc xệch, nàng nghe tiếng ai đó nói vọng ra từ trong ngõ:
    - Đẹp khổ chết đi được, sao người đời ai cũng mong đẹp làm gì nhỉ?!
    Tưởng ai mỉa mai mình, xoay người lại, thị Cầm ngỡ ngàng nhìn thấy người kia còn rực rỡ hơn. Cậu bé ấy kém nàng chừng ba bốn cái xuân xanh, đang ngồi trong ngõ tối nhâm nhi xâu mứt.
    - Ăn không? – Cậu ta chìa đến trước mặt nàng.
    Đang đói, thị Cầm không do dự ăn hết sạch.
    - Này, chị biết điều một chút đi! – Lâu rồi cậu bé gia nô không có dịp lớn tiếng với ai.
    Chẳng ngờ ả đào hát kia mặt rất dày, dúi lại que xiên trơ trụi vào tay cậu:
    - Làm thân đàn bà cực lắm, cậu nên thương chứ lý nào lại tiếc xâu mứt với tôi!
    Lê Ngã nhìn que xiên hồi lâu rồi cười khẩy:
    - Chị đừng tưởng nỗi khổ của mình to nhất, có khi chẳng phải đàn bà vẫn bị bắt đi hầu cái bọn không phải đàn ông…
    - Khổ gì, còn mạng để xơi cơm là tốt lắm rồi. – Thị Cầm chợt nhận ra có điều gì không thỏa. – Cậu nói thế, lẽ nào…?!
    Nàng nhìn về phía cậu, ánh hoàng hôn chiếu nghiêng nghiêng lên sống mũi thẳng tắp bướng bỉnh, thăm thẳm trong đôi mắt ươn ướt đa tình.
    - Quen rồi. Bây giờ chị hỏi tôi là đàn gì, tôi cũng chẳng biết đâu. – Cậu bé cợt nhã chỉ vào cây đàn đeo trên vai con hát.
    Lần thứ nhì gặp lại, Lê Ngã đang bị quan binh truy đuổi vì cái tội chôn cất tội nhân. Ông trời cũng khéo đùa vui, cậu lại chạy vào đúng nhà thị Cầm đang ở, chỉ kịp nháy mắt ra hiệu một cái, cậu đã chui tọt xuống bên dưới sập, thằng trưởng quan đến liền sau đó.
    - Ôi, ông lớn đến nghe đàn sao không báo, để em tắm rửa thơm tho rồi mới hầu quan?! – Đang thở hụt hơi mà Lê Ngã vẫn suýt bật cười trước giọng nói õng ẹo giả tạo của ả đào nương có cái vẻ bất mãn với mọi sự trên đời.
    Bên dưới sập tối om, cậu không thấy gì nhưng có thể nghe rất rõ, tiếng thở dốc, tiếng thút thít, cả tiếng roi vun vút và tiếng cười thỏa mãn đê hèn của kẻ đã đầu quân cho giặc. Trong phút chốc cậu chợt hiểu ra vì sao người đàn bà kia liều mạng để bảo vệ mình. Phải chăng chị ta biết rõ hơn ai hết những gì cậu từng chịu đựng, hoặc là, trên thế gian này vốn chỉ có mình chị ta biết được.
    Khi tiếng bước chân tên lính dần xa, cậu lại nghe giọng nữ trầm trầm:
    - Ở yên đó, đợi tôi mặc quần áo đã.
    Khi cậu được phép bước ra, thị Cầm đang bình thản ngồi gỡ tóc. Cậu đến gần, đưa tay chạm lên vết thương đang rướm máu trên gò má của nàng:
    - Đau không?
    - Đừng, bẩn đấy! – Nàng chợt tránh đi.
    - Cái gì bẩn?
    - Tên kia vừa đụng, không thấy tởm à?
    - Thì tởm, nên tôi lau hộ chị.
    Bàn tay cầm lược của thị Cầm dừng giữa khoảng không, nàng bất động hồi lâu rồi đưa mặt lại gần tay cậu:
    - Ừ, nếu là cậu có khi sẽ sạch.
    Bao nhiêu uất ức tích tụ bấy lâu lại thêm nỗi đau thương vừa mất đi người thân duy nhất trên đời vỡ òa trong lần đầu tiên tìm được tri âm.
    - Để tôi giúp cậu. Chưa được làm đàn ông bao giờ có phải không?!
    Từ đó, nghi thức thanh tẩy ấy bắt đầu rồi kéo dài mãi đến sau này, mỗi khi họ thấy thân xác nhuốc nhơ, hoặc mỗi lúc tâm hồn cần cứu vớt.
    
    
- o O o -

    
    Trần Thiên Lại vốn là tên phản bội, chưa gì đã đầu hàng giặc Minh, đến khi bị chúng bóc lột không chịu được lại quay giáo dựng cờ khởi nghĩa. Nực cười thay, mục tiêu đầu tiên của ngài nghĩa quân cao quý ấy lại là kẻ đáng ra nên đứng cùng chiến tuyến – quân của Thiên Thượng hoàng đế Dương Cung.
    Nàng Sương trước giờ không rõ quân tình, nghe tin lính về cấp báo rằng có ông Hưng Vận Quốc thượng hầu tự phong đang kéo quân đến Hồng Doanh, vừa đi vừa loan tin rằng hoàng đế Thiên Thượng ở Đan Ba chỉ là tên đầy tớ thấp hèn, nam sủng của các vị công công Thiên triều, liền chép miệng than:
    - Ông Lại của ché là người từ núi nào xuống vậy, chắc ông ta cũng không biết bản thân đang thuộc phe ta hay phe địch?!
    Cả quân doanh cười rộ một hồi rồi tức tốc lao vào bàn chiến thuật.
    Thị Cầm nhìn cảnh ấy mà giấu tiếng thở dài. Cậu chàng Lê Ngã này chẳng những nhan sắc hại người, cái lưỡi không xương cũng ngọt hơn đường, không biết nói thế nào mà tướng sĩ trên dưới đều cho rằng cái tin đồn đang gây náo loạn bên ngoài hoàn toàn là bịa đặt, rằng cái thân phận gia nô kia chỉ là vỏ bọc để chủ tướng của họ lẩn tránh qua ngày đợi thời cơ phục quốc. Lần trước ở Thủy Đường, chàng ta cũng dùng cách này mà dỗ vị công công họ Lý xử tử gã tri huyện dám cả gan thu thuế của dân cao những năm lần.
    Thị Cầm vẫn nhớ rõ lần đầu cả hai môi áp má kề, cậu Ngã của nàng vẫn đang chìm trong nỗi đau thương nhìn người thân bị giết hại trước mặt mình. Không rõ vì biết ơn mà thật lòng tin tưởng, hay bởi đang say trong cái thú thịt da, cậu thổ lộ một ước muốn tày trời:
    - Tôi sẽ đuổi bọn chó Minh ra khỏi đất này, moi tim uống máu hai thằng Trương Phụ và Triệu Vũ.
    Nếu là ai khác có khi đã bật cười rồi cho rằng cậu ngông cuồng, nhưng cô đào hát kia biết rõ, thù hận và uất ức có thể đưa người ta đi xa được đến đâu. Nàng chỉ gật đầu, lại tựa vào ngực cậu. Trong khoảnh khắc ấy, trong đầu cậu bé Ngã chợt lóe lên hy vọng, rằng cậu không phải chiến đấu một mình.
    - Chị Cầm này, chị yêu nước chứ? – Cậu hỏi dò.
    - Tất nhiên. – Nàng đáp không cần suy nghĩ. – Không yêu nước thì có mà chết khát à?!
    
    
- o O o -

    
    Không biết Trần Thiên Lại đã dùng cách gì, đã tốn bao nhiêu tiền của để chiêu dụ được nửa vạn quân. Võ nghệ của Lê Ngã tuy có thể xem là khá, nhưng trước giờ chàng vẫn chuộng dùng mưu hơn là xông pha ra tiền tuyến. Trận chiến vô lý này chàng lại đích thân dẫn quân đi.
    Đi, để tự tay đâm sâu vào mắt, vào tim cái kẻ đã một lần hai lượt gây ra bi kịch. Chàng đã tin tưởng, đã kính trọng, vậy mà hết Triệu Vũ đến Trương Minh, bao nhiêu vị công công đến Giao Chỉ là thằng chủ khốn nạn ấy lại mang chàng ra làm quà mua chuộc. Cứ ngỡ đời này không gặp lại, chàng sẽ mang hết hận thù trút lên quân giặc, nào ngờ hắn tự tìm đến tận nơi, giữa lúc chàng đương tiếc nuối khôn nguôi vì hai thằng rợ Minh kia đã được lệnh quay lại Thiên triều.
    Mất bốn ngày, cậu bé gia nô yếu ớt ngày xưa đã giáng trận mưa đao xuống đầu ông chủ cũ.
    Khi hoàng đế Dương Cung trở về doanh trại, tướng quốc Bế Thuấn cũng vừa mang quân dẹp xong trại Bình Than. Chiến thắng vẻ vang nhưng nghĩa quân đã hy sinh hơn một nửa. Hai vị chủ tướng nhìn nhau rồi lại nhìn trời, đêm nay dường như dài lắm...
    
    V.
    “Tim người đựng mấy nguồn thương
    Trần gian có mấy con đường nhục – vinh?”[28]
    Không cần nghĩ cũng biết rằng trận chiến giữa quân của Thiên Thượng hoàng đế Dương Cung và Hưng Vận Quốc thượng hầu Trần Thiên Lại khiến cho vị Tổng binh mới của nhà Minh là Lý Bân rất vui lòng. Ngài thong thả tập họp quân binh, đợi ngày ngư ông đắc lợi.
    Mấy ngày liền, ông Tạo và con rể không chợp mắt, nghĩ bạc đầu cố tìm ra kế sách kéo dài thời gian để chiêu mộ thêm nghĩa quân. Đến hôm thứ ba, thị Cầm mang hai bát canh gà nóng vào tìm.
    - Po thẩu vừa mới ra ngoài rồi, con thay mặt xơi cả phần người có được không me thẩu tương lai? – Dương Cung tếu táo trêu nàng.
    - Ăn canh chồng chị, chị khoét mắt ra. - Ả đào hát cũng chẳng hiền lành.
    - Gớm, hôm nay gọi “chồng” nghe ngọt hơn cả mía lùi! – Chàng mai mỉa.
    - Thì cậu Ngã đã có vợ tạm rồi, chị đây cũng nên có chồng hờ chứ. – Nàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên, phe phẩy quạt.
    Cậu Ngã của nàng vừa nhai nhóp nhép miếng da gà vừa nhớ chuyện của mấy năm về trước.
    - Tên thật của chị Cầm là gì ấy nhỉ, để sau này tôi còn biết mà ghi điếu văn cho phải đạo? – Cậu đưa tay nghịch mái tóc nàng, hỏi một cách hiếu kỳ.
    Cô đào đưa tay phẩy nhẹ môi chàng, lườm rõ sắc:
    - Kẻ nào gọi tên thật của tôi sẽ bị hoạn đấy, chớ đùa!
    Người bên kia nhướng mày tỏ vẻ không tin.
    - Bao lâu rồi nhỉ, trước khi tôi gặp cậu dễ vài năm ấy! Lúc đó chị cậu nết na đúng mực gái nhà lành, gặp thời loạn lạc cô thân cô thế lại có chàng trai lưng dài vai rộng bảo sẽ che chở suốt đời, họa có là sắt đá mới không ưng.
    - Tráng sĩ ấy giờ đang ở chốn nào? – Chàng châm chọc.
    - Chừng bọn tôi chạy được nửa đường, thỏa mãn bướm ong rồi hắn lại nổi lòng tham khi nghe lệnh dụ hàng của Thiên triều, bảo dẫn tôi theo sẽ thành gánh nặng. Chị cậu giờ mặt dày thế thôi chứ khi đó cũng tự trọng ghê gớm lắm, người ta bỏ thì mình biến. Hết đắm hết say rồi thì lý do gì nói ra nghe cũng suông mồm cả!
    Có hạt cát rơi vào mắt nàng khi ấy, Lê Ngã liền tìm chuyện nói tránh đi:
    - Giờ ông ta giữ chức gì rồi, có cao hơn ông quan nhà Minh chị mới mồi chài lấy rương vàng nửa tháng trước không?
    Thị Cầm bỗng bật cười rũ rượi:
    - Làm quan to lắm, được bao nhiêu người thỉnh đi hoạn hẳn hoi.
    Lê Ngã khẽ rùng mình trở về thực tại, uống cạn giọt canh, chàng đưa lại cái bát rỗng cho nàng:
    - Giờ tôi mới nghĩ ra tại sao chị dặn tôi có bắt được hoạn quan nhớ mang về cho chị nhìn rồi hãy giết.
    Nàng còn chưa kịp nói gì đã bị chàng bế bổng lên:
    - Công công tráng sĩ nói chẳng sai đâu, chị nặng phết đấy, thảo nào quân lương dạo này thiếu hụt đủ đường!
    Thị Cầm đấm vào ngực chàng thùm thụp, Lê Ngã chỉ cười giòn.
    - Này, đừng đùa nữa, liệu tình hình có ổn không? – Nàng đến khổ với cậu bé con to xác.
    - Cũng tạm. Thằng chó Lại chết rồi. Thân phận đầu đường xó chợ của tôi thì nghĩa quân chẳng ai buồn tìm hiểu. Ông Tạo cũng đã phái quân đến trấn giữ mấy nơi trọng yếu, giờ chỉ mong liên lạc được với người của mường Dốc bên núi Cấm Sơn nữa là có thể ngủ ngon.
    Có tiếng chuột kêu ở góc phòng, Lê Ngã giậm mạnh chân dọa nó chạy ra cửa, không ngờ có tiếng người ré lên và tiếng rơi loảng xoảng bên ngoài. Lần này bọn họ sơ suất quá! Chàng vội chạy ra xem, Bế Sương đã đứng đó lúc nào.
    Mắt nhìn mắt, lòng đối lòng, gương mặt sơn nữ vẫn còn thảng thốt không tin những gì chính tai mình vừa nghe thấy.
    - Sương… - Chàng không biết phải nói gì.
    - Sương đến ngay sau ché ấy. – Nàng đưa tay trỏ thị Cầm, mắt vẫn nhìn chàng đăm đắm. – Hai ché quen nhau từ trước, đúng không?
    Dương Cung chậm chạp gật đầu.
    - Ché tên là Ngã, đúng không?
    Lại gật đầu, chậm chạp.
    - Bấy lâu là vì ché ấy, nên ché chê lòng Sương bẩn… - Mắt nàng đã đỏ hoe hoe.
    - Không phải vậy! – Thị Cầm và Lê Ngã đồng thanh rồi lại nhìn nhau.
    Bế Sương thấy hai người rõ ràng là ý hợp tâm đầu, nước mắt không kìm được nữa:
    - Hai ché gạt Sương và po thẩu của Sương để làm gì? Bao nhiêu pi của mường Sương đã chết…
    Lê Ngã nắm chặt lấy vai nàng:
    - Nàng nghe tôi nói, đúng là có vài chuyện tôi đã dối nàng, nhưng bọn tôi muốn chống giặc Minh là thật, cả nàng và po thẩu cũng đồng tình kia mà, nàng nhớ lại xem!
    Thiếu nữ ngây thơ trước giờ chỉ biết tin chồng, trong một lúc biết được điều dối trá liền cảm thấy đồi núi đổ sụp dưới chân. Nàng liên tục lắc mạnh đầu:
    - Ché buông Sương ra đi, Sương không tin ché nữa!
    Nói rồi, nàng vụt chạy đi:
    - Sương phải nói cho po thẩu biết, po thẩu sẽ dạy Sương phải làm gì!
    Trong khoảnh khắc, Lê Ngã thấy tim mình ngừng đập. Bao nhiêu công sức mưu toan mới đi được đến đây, bao nhiêu tính mạng nghĩa quân đang phụ thuộc, bao nhiêu mơ ước còn chưa kịp hoàn thành, giờ phút này nếu ông Tạo biết sự thật, mọi thứ sẽ hóa thành tro. Trên dưới chẳng một lòng, đợi Lý Bân đánh đến đây là chết cả. Chàng bỏ qua tủi nhục mà sống đến hôm nay không phải để chết mà chưa làm nên sự nghiệp gì.
    Lê Ngã vội đuổi theo, kéo mạnh tay nàng, Bế Sương giãy lên kêu khóc, chàng hốt hoảng đưa tay bịt chặt miệng nàng, chỉ sợ lính canh ập đến. Đôi mắt sơn nữ có hoảng sợ, có đau thương, ầng ậng nước, rơi xuống ướt đẫm tay chàng, cả hai giằng co một lúc lâu.
    Đến khi thị Cầm kéo được chàng ra, bình tĩnh lại, đôi mắt ấy đã không còn sự sống.
    Thị Cầm thấy sống lưng mình lạnh ngắt, chầm chậm ngồi xuống cạnh nàng Sương.
    Than ôi, một tấm lòng son mang tặng cho người những mong chung sống đến bạc đầu, ngờ đâu chỉ có ta xem người là thân thích ruột rà, người lại thương bản thân hơn tất thảy. Nàng Sương chắc đến lúc tàn hơi vẫn tin rằng kẻ gọi là chồng kia sẽ biết chùn tay, chính trong thời khắc kẻ ấy làm nàng đau đớn. Chua chát sao, nực cười sao ảo vọng của những cô gái ngây thơ!
    Có lẽ, rất lâu rất lâu của trước đây, thị Cầm cũng giống nàng.
    Khi ngoảnh lại, người chồng nọ vẫn đang chăm chú nhìn vào đôi tay vừa giết vợ.
    “Lòng của Sương sạch lắm, không tanh…”
    
    
- o O o -

    
    Không biết hai người đã đứng bất động như thế bao lâu, mãi đến khi thị Cầm lên tiếng:
    - Chắc ông Tạo sắp quay lại, nhanh dọn dẹp thôi.
    Lê Ngã như bừng tỉnh:
    - Chị muốn làm gì?
    - Còn làm được gì? – Nàng chợt thấy buồn cười. – Đợi ông ta bắt cậu cho cả mường Thèn vây đánh rồi mời Lý Bân vào chắc?
    Thị Cầm đi ra ngoài tìm một thanh củi lớn mang vào, đứng trước mặt Bế Sương chép miệng một hồi:
    - Tiếc thật, nhan sắc rực rỡ thế này…
    Nói rồi giáng mạnh thanh củi vào đầu cái xác, máu tươi bắn khắp gian phòng. Thêm mấy cú, bông hoa đẹp nhất núi rừng Đan Ba đã không còn nhận ra được nữa, nói gì đến dấu tay Lê Ngã hằn trên cổ và mặt Bế Sương. Có giọt máu vướng trên khóe mắt thị Cầm, long lanh như lệ.
    Lê Ngã giữ lấy tay nàng, mắt đỏ ngầu:
    - Chị sẽ chết đấy, đừng điên!
    - Cậu mới đừng! – Nàng áp tay lên má chàng, đuôi mắt nheo nheo cười như đang nói chuyện yêu đương. – Cậu quên chúng ta đã thỏa thuận những gì trước khi lên núi à, lỡ như bại lộ, kẻ nào đang có địa vị cao hơn nhất định không được xảy ra chuyện, nhớ không? Đổi lại là chị cậu đang làm nữ vương, tôi nhất định đâm một dao cho cậu chết!
    Ả đào hát đó, chuyện sống chết cũng mặc cả rõ ràng như vậy! Lê Ngã hiểu. Chính nhờ thế nên họ mới đi được đến hôm nay.
    Hiểu là một chuyện, bình thản để nàng nhận tội thay mình lại là chuyện khác. Giờ khắc này Lê Ngã không biết phải nói gì, chỉ nắm chặt cổ tay nàng, mắt nhìn chăm chăm phẫn nộ.
    Thị Cầm nhìn chàng một lúc, đoạn nhếch mép cười:
    - Chà, lúc sống tôi làm vợ cả thế gian, khi chết đi lại chẳng có lấy tấm chồng kể cũng hơi tủi thật. – Nàng toan gỡ tay chàng.
    - Thế chị muốn làm tướng quốc phu nhân hay làm hoàng hậu? – Lê Ngã nghiến răng, chỉ hận mình không thể tát cho con ả không biết trời cao đất dày kia một cái, bây giờ là lúc nào rồi!
    Thị Cầm cố gỡ tay ra nhưng không được, quay đầu đi lại thấy xác của Bế Sương.
    - Tôi muốn làm thái hậu, không biết u của cậu có ghen không?
    Sau đó, nàng lại nhìn chàng rất đỗi dịu dàng, nụ cười như ướp mật.
    Lê Ngã thở mạnh ra, biết chẳng có cách nào khiến con người cứng đầu cứng cổ kia hồi tâm chuyển ý. Bàn tay trong một phút buông lơi đã bị nàng giằng mạnh ra, chàng vội vàng níu lại:
    - Người mình thương lại giết con gái của mình, ông Tạo sẽ đau lòng lắm…
    Thị Cầm vẫn không quay đầu, giọng nói run run rồi hóa lạnh như băng:
    - Đợi ông ta đau nát lòng rồi, sau này sẽ không vì chuyện gì mà buồn được nữa.
    Nói rồi, kiên quyết mở cửa ra.
    
    
- o O o -

    
    Thị Cầm bị xử tử ngay sáng hôm sau, toàn doanh trại đều có mặt. Hoàng hậu qua đời vì phát hiện thân phận gián điệp nhà Minh của ả đào hát có vẻ ngoài yếu đuối, nghĩa quân ai cũng khóc cạn nước mắt tiếc thương.
    Người đau xót nhất có lẽ là ông Tạo quyền lực nhất mường Thèn. Cả buổi hành hình ông chẳng nói câu gì, cũng không thèm liếc qua phạm nhân lấy một lần. Đau lắm chứ, từng tuổi này lại bị một con hát gạt, hại chết lục nhình yêu dấu.
    Hoàng đế sau một đêm dài không ngủ, nỗi căm tức dường như chỉ lớn hơn. Thế nên mồi lửa còn chưa kịp châm, không biết chàng nghĩ thế nào đã đến tát cho thị Cầm mấy cái, uất quá còn đạp luôn cả giàn hỏa ngã xuống biển, chẳng ai cản kịp.
    Hôm ấy biển động, cuồng phong thịnh nộ thổi từng cơn.
    
    
- o O o -

    
    Vừa xong bữa cơm chiều, quân doanh đã chẳng ai thấy ông Tạo và khươi Cung đâu cả.
    Lê Ngã đi dọc bờ biển, lật từng hòn đá, ngọn cây, cứ như thể thị Cầm có phép thần thông mà thu mình lại để trốn vào những nơi ấy. Mặc gió, mặc mưa, mặc sóng, chàng như mất trí gọi tên nàng giữa sấm vang chớp giật:
    - Chị Cầm! Chị ở đâu?!
    Con ả đào hát lẳng lơ đó lúc nào cũng thích trêu chàng, bắt bẻ nhau từng câu chữ, đến lúc này vẫn muốn làm chàng lo sốt vó mới thôi. Thường ngày chàng cũng mặc, nàng có thông minh mới đủ sức chiến đấu với chàng, nhưng lúc mưa to gió lớn thế này thì còn hơn thua làm gì nữa?!
    - Chị Cầm, mau bước ra đây!
    Dây trói lỏng thế kia, chàng lại thừa lúc mọi người không để ý nhét vào tay nàng một con dao nhỏ, nàng thoát được sao đến giờ vẫn chưa tìm cách liên lạc với chàng?!
    - Chị Cầm!!! – Chàng gọi tên nàng đến lạc giọng.
    Tảng đá phía xa kia thấp thoáng bóng người.
    Lê Ngã dụi mắt mấy lần rồi lao như điên đến đó, vấp ngã mấy lần mới tới nơi.
    Là ông Tạo!
    Chàng chết lặng một hồi, đoạn nhìn xuống vật mà ông vừa lôi ra từ khe đá.
    - Chị Cầm… – Chàng run run gọi, rồi thét như thể con thú rừng bị trúng bẫy, xô ông Tạo sang bên, ôm vai nàng lay mạnh. – Chị Cầm! Mở mắt ra!
    Thị Cầm mãi chẳng trả lời, gương mặt bị đá làm xây xước vẫn xinh đẹp như hoa, chỉ có cái miệng chua ngoa kia từ nay sẽ im lặng muôn đời. Lê Ngã ôm chặt xác nàng, miệng mấp máy mãi không nói thêm được câu gì, cuối cùng khóc rống, giọng nói kia cứ lanh lảnh bên tai.
     “Hôm nọ thằng châu đập vỡ cây tỳ bà của tôi rồi, sau này cậu phải đền cho chị một cây thật đẹp, phẩm đẽo bằng ngà voi đấy!”
    “Lần sau để chị đi, dù gì đàn bà hành động vẫn tiện hơn, lỡ cậu gặp thằng hoạn quan có máu điên muốn giết bạn tình thì bỏ mẹ!”
    “Lo gì, chị của cậu đâu phải chỉ đàn hay hát giỏi!”
    “Để tôi giúp cậu, chưa được làm đàn ông bao giờ có phải không?!”
    …
    Giờ phút này chàng mới biết cái đêm sáng trăng nhục nhã kia không là gì cả, cái đêm đen tối nọ không là gì cả, cái đêm điên loạn tối qua cũng không là gì cả.
    - Chị Cầm!!!
    Chàng hôn lên trán, lên mắt, lên môi nàng, cứ như tẩy hết những điều không sạch sẽ rồi, nàng sẽ lại một lần nữa mở mắt ra nhìn.
    - Chị là đồ dối trá! Ai bảo chị rằng đau nát lòng rồi sẽ không đau được nữa? Lòng tôi vẫn có thể nát hơn, như tương, như cám lợn rồi này, chị tỉnh lại cho tôi!
    Giây phút buộc tội nàng, chàng vẫn tin rằng nàng sẽ sống. Khoảnh khắc giả vờ đánh mắng rồi đạp cả tế đàn xuống biển, chàng vẫn chắc nàng sẽ có cách để thoát ra. Nhưng lúc này chàng biết mình đã sai rồi! Tri kỷ của chàng, chiến hữu của chàng, người đàn bà duy nhất của chàng, kẻ duy nhất trên đời gọi chàng là Lê Ngã sẽ không về nữa, không về nữa…
    
    
- o O o -

    
    - Khóc đủ chưa?
    Lê Ngã đã khóc đến cạn hơi, ông Tạo Thuấn mới lên tiếng hỏi. Chàng chưa kịp trả lời đã bị ông xốc áo dậy, đấm cho một cú đau điếng vào giữa mặt.
    - Quả nhiên mày và ả kia có quen biết. Con tao chết chắc không chỉ nhờ ơn mình ả!
    Ông Tạo vơ vội hòn đá toan lao đến đập chàng, Lê Ngã nhanh chân tránh được. Hai người đàn ông lao vào đánh nhau đến lúc cả hai mặt không còn giọt máu, hai tâm hồn một oán hận, một bi thống vẫn chưa nguôi.
    Trong một lúc, họ đều đã mất đi hai người phụ nữ quan trọng nhất đối với mình.
    Cả hai thở dốc hồi lâu, Lê Ngã gượng đau đến trước mặt ông Tạo. Ông chưa kịp phản ứng, chàng đã rút con dao nhỏ giắt ở thắt lưng đặt vào tay ông rồi nhanh như cắt, cầm tay ông đâm thẳng lên vai mình, lại day đi day lại mấy đường đến khi cả bờ vai đã nhuây nhoét máu thịt, ánh mắt vẫn không dời khỏi mắt ông.
    Ông Tạo tay nắm chặt chuôi dao mà tưởng như chính mình mới là người bị đâm, tim ông như thắt lại, quai hàm siết chặt.
    - Nàng Sương chết là tội của tôi. Đợi khi quét sạch giặc Minh, tôi nhất định sẽ quỳ xuống cho ông đánh giết. Nhưng bây giờ thì không, tôi không thể để nghĩa quân tan rã rồi tất cả ôm nhau đợi Lý Bân đến lấy đầu. Tôi không thể để cái chết của chị Cầm trở nên vô nghĩa như thế. Không thể được!!! – Những tiếng cuối cùng chàng thét lên như một lời thề.
    
    
- o O o -

    
    Khi hai vị chủ tướng trở về, Hồng Doanh chỉ còn là một bãi tha ma. Một anh lính gượng chút hơi tàn đợi chủ về báo lại, tối qua Lý Bân đã đem quân tập kích căn cứ Đan Ba rồi cùng lúc đánh xuống tận đây. Giữa lúc thiếu chủ tướng, thiếu lực lượng, thêm nội bộ đang rối loạn, nghĩa quân như con nai rừng ngơ ngác trước nanh vuốt mãnh sư.
    - Lẽ nào chúng lại rút quân nhanh thế được? – Lê Ngã bỗng nghi ngờ.
    Ông Tạo cũng cảnh giác nhìn quanh, sau cùng ánh mắt ông dừng trên người anh lính.
    - Xin lỗi Tạo, vợ con tôi ở Đan Ba bị chúng bắt rồi…
    Vừa nói xong, anh lính kia đã đạp ngọn đuốc đang cháy vào ụ rơm ngay cạnh bên làm lửa bén nhanh, đổ thẳng lên người Tạo Thuấn. Lê Ngã lập tức lao vào kéo cha vợ ra ngoài rồi cả hai nén đau lao đến chỗ chuồng ngựa, chạy thục mạng vào trong núi. Cũng may chàng chiếm được Hồng Doanh đã khá lâu, đường ngang ngõ tắt gì cũng đều thông thạo.
    Tiếng vó ngựa giẫm lên đá vang vọng giữa núi rừng, tưởng như có hàng vạn quân binh đang theo sát phía sau. Vết thương ở vai chàng vừa cầm máu lại toác ra, gió tát vào vết bỏng trên mặt, rát buốt tận xương, chàng vẫn cắn răng thúc ngựa chạy như ma đuổi.
    Chừng đã tạm an tâm, Lê Ngã xuống ngựa, định đỡ ông Tạo thì cả thân người to lớn đã đổ ập, trên lưng bị cắm một mũi tên. Chàng bàng hoàng nhớ lại, khi nãy giữa trận mưa tên, có một lúc ông đã thét lên bảo chàng cẩn thận, lẽ nào…
    - Tạo điên rồi, sao lại đỡ cho tôi? – Chàng run run nâng đầu ông dậy.
    - Nước không thể một ngày không vua... – Mãi đến giờ chàng mới thấy gương mặt ông trở lại hiền từ.
    Người thân duy nhất còn lại của chàng, dẫu là trên danh nghĩa, cũng không còn thở nữa.
    Quanh chàng, cây rừng xào xạc tiếc thương, trút lá khóc tiễn người con oai dũng của vùng núi Đan Ba. Tiếng trống hội quan vang vọng ở mường Thèn hôm nào như mới đó, người gióng trống đã sớm biệt ly.
    Đến lúc này, Lê Ngã mới lờ mờ nhận ra, ở mường Thèn chàng không chỉ có quyền, có thế, có quân binh, mà còn từng có cả một gia đình.
    Ông Tạo uy quyền đó là người đã bày cách cho chàng từng chút một khiến bọn trai bản phục tùng, là người dạy chàng chơi đàn tính, gõ trống da bò, là người gắp từng miếng ngon vào bát cho chàng, là người đặt chàng lên ngôi vị chí tôn rồi đặt cược vào tay chàng tính mạng của tất cả người dân mà ông thương yêu như máu thịt, là người đã cùng chàng vào sinh ra tử chia nhau từng đường đao ngọn giáo bấy lâu nay. Dẫu nói rằng vì chàng là con rể của ông, nhưng nếu không có chân tình, một người đàn ông chốn sơn dã sao có thể tận tâm đến vậy? Một đứa trẻ mồ côi từ thuở bé như chàng, nào đã biết được thầy u thương yêu chăm sóc là thế nào để nhận ra đâu.
    Một người tinh tế, từng trải như ông, lẽ nào lại không chút nghi ngờ thân phận của chàng? Ông cần gì đợi nàng Sương báo lại, cần gì chàng phải lo trước lo sau?! Thiếu chàng, lẽ nào ông không thể lãnh đạo dân chúng – thứ mà ông đã làm rất tốt mấy chục năm ròng? Cái ông cần là một “danh phận” được người đời ủng hộ, hay thực sự đã mến thương chàng mà hết lòng hết dạ đỡ nâng?!
    Bờ vai Lê Ngã bỗng run run rồi chàng cất tiếng cười dài nghe não nuột. Ba ngày, chính tay chàng đã đánh mất ba người thân thương nhất đời mình. Thế nào là anh hùng, thế nào là chí lớn?! Nghĩa phu thê của sơn nữ có đáng quý không? Tình phụ tử của ông Tạo nọ có thiêng liêng không? Đời này chàng đi đâu để tìm lại người hiểu chàng thấu ruột thấu gan, miệng bảo có phước cùng chia nhưng luôn giành về mình gánh nặng, cuối cùng những tưởng sắp tìm được nơi để tựa nương lại tranh cả cái chết với chàng? Hy sinh từng ấy thứ, chàng đã làm nên nghiệp lớn gì? Rửa được nỗi hận thể xác rồi, chàng có thấy vẻ vang?! Phải chăng chính nỗi sợ thuở thiếu thời kia đã khiến chàng chăm chăm nghĩ cho an nguy của bản thân mình để hết lần này đến lần nọ tin rằng đó là việc nên làm vì đại cuộc?!
    Chao ôi, đớn hèn biết mấy, chua chát xiết bao, một đấng nam nhi lại để cho người đàn bà đầu ấp tay gối với mình đem thân mà hầu gã đàn ông khác, nói gì là thanh tẩy, nói gì đến sẻ chia?! Chữ “nhục” – chữ “vinh” ở đời này sao mà muôn hình vạn trạng!
    Lê Ngã quỳ gục rất lâu bên xác ông Tạo Thuấn. Đến khi mặt trời khuất núi, chàng xốc ông lên vai, nói nhỏ, giọng nức nở không rõ là khóc hay cười:
    - Thầy… thầy ơi… con đưa thầy về núi!
    
    
- o O o -

    
    Sau lần đem quân dẹp loạn ấy, Tổng binh Lý Bân đã có thể kê cao gối ngủ yên một ít lâu.
    Không một ai biết chủ tướng của quân phản loạn, cái kẻ dám cả gan xưng hoàng đế đã trốn nơi nào, nhưng ngài Tổng binh truy lùng một thời gian không có kết quả đã bỏ cuộc, tự nhủ một kẻ chẳng có gì trong tay cũng không đáng để ngài phải bận tâm.
    Nửa năm sau, trong một ngôi nhà sàn nhỏ cuối mường Thôi, một nhóm người Thổ ngồi chung quanh một tấm bản đồ vẽ trên da bò. Người đàn ông đang giảng giải có nửa gương mặt đẹp như hoa, nửa còn lại đã bị lửa làm bỏng nát.
    - Bọn Lý Bân đang di chuyển theo đường Quỳ Châu, còn mấy ngày nữa sẽ đến Thi Lang, các anh giúp tôi dẫn chúng chạy vào mường là xong nhiệm vụ.
    Đoạn, chàng nhìn sâu vào từng đôi mắt đang hướng về mình:
    - Sau trận này nhớ tìm đường đến chỗ ông Tạo đất Lam Sơn xin gia nhập. Mấy năm nay nghe nói ông ta chiêu mộ nghĩa quân, xem ra cũng thành trò thành trống phết! – Khóe miệng lại nở nụ cười ngây thơ như con trẻ.
    - Cậu Ngã, sao cậu không đến gặp ông ta với chúng tôi, biết đâu sẽ làm được nhiều việc hơn là ở đây liều mạng thế này? – Một người không giấu được sự tiếc nuối lẫn ấm ức vì không khuyên giải được chủ tướng.
    Lê Ngã nhìn anh ta, cười cười đáp:
    - Không vào hang cọp sao bắt được cọp con? Chuyến này giặc mạnh, chúng ta giúp ông Tạo ấy một tay. – Đưa tay định hất mái tóc lòa xòa, giọng chàng có hơi chùng xuống rồi rất nhanh trở lại vẻ cợt đùa. – Vả lại, tôi cũng già rồi, sao theo kịp đám trẻ đây?! – Chàng liếm nhẹ lưỡi dao đang cầm trên tay, đôi mắt phượng vằn lên cơn khát máu.
    Khi mọi người đã rời đi hết, Lê Ngã mang chiếc hộp nhỏ đặt trên đầu sập đến cạnh bếp lửa, rót một chén lẩu vạng rồi từ tốn mở hộp ra, bên trong là ba bức tượng gỗ nhỏ và một lá cờ được xếp lại cẩn thận. Chàng đưa tay vuốt nhẹ từng bức tượng, dừng rất lâu ở bức cuối cùng khắc một ả đào hát ôm đàn, lại đưa chén rượu về trước làm động tác mời, uống cạn rồi nở nụ cười nửa miệng:
    - Cậu Ngã của mọi người cũng không chỉ có vẻ ngoài đẹp đẽ thôi đâu!
    Đoạn, không biết chàng lấy ở đâu ra một đồng Vĩnh Thiên thông bảo, tung lên cao rồi xoay người mang chiếc hộp đặt về chỗ cũ, không buồn xem tiền kia sấp ngửa ra sao.
    Đằng nào mà dân ta chả thắng!
    
    
- o O o -

    
    Khi ngựa của quan Tổng binh vừa đến chỗ mai phục, toán tàn quân ít ỏi của Lê Ngã đã xông ra đánh cầm chừng rồi rút vào trong núi. Lý Bân lập tức lệnh cho một phần ba quân đuổi đánh. Đến khúc quanh, một chàng trai cưỡi ngựa trắng bước ra, mái tóc ngắn lòa xòa chỉ để lộ nửa gương mặt đẹp đẽ và đôi môi mỏng thoáng nụ cười thách thức. Một người từng là nghĩa quân nay đứng trong hàng ngũ giặc vội kêu lên:
    - Hắn chính là Lê Ngã!
    Chàng trai quay ngựa chạy, toán quân vội vã đuổi theo vì trước kia ông Tổng binh đã treo giá cái đầu của tên phản tặc đến trăm lượng vàng ròng. Không ai nhìn thấy nụ cười cao ngạo của kẻ đang bị truy sát, bây đã dùng một tên phản bội để mưu hại thầy ông thì ông cũng biết dùng một kẻ thay lòng mà nướng sạch lũ chúng mày!
    Đến chỗ khe hẹp, chàng nhảy xuống, áo choàng vẫn mắc vào yên cương, phấp phới trên lưng ngựa, dẫn bọn giặc đến nơi cần phải đến.
    Chúng vào được cổng mường Thôi thì chàng trai đã thong dong ngồi trên mái nhà sàn cao nhất, nheo nheo mắt mỉm cười, quân binh liền siết chặt vòng vây.
    Tức thì, từ bốn phía bay đến những ngọn đuốc đang rừng rực cháy, bén nhanh vào cả khu nhà sàn đã tẩm dầu ở giữa lòng thung. Quân Minh nhận ra cái bẫy thì đã muộn, con đường độc đạo dẫn vào mường cũng đã bị đá núi bịt kín bao giờ.
    Chàng trai kia vẫn ung dung ngồi một chỗ thư thái mỉm cười rút xâu mứt ra ăn, nhìn lửa bọn xâm lăng vẫy vùng tìm đường thoát trong biển lửa. Giá mà bây giờ có ai đệm đàn chắc chẳng khác gì đang xem một tuồng hề. Cái gì gọi là đồng đội, đồng lòng, đến hồi sống chết mới biết cái bọn dẫn quân đi xâm lược làm gì dám hy sinh. Chúng giẫm đạp, xô đẩy nhau tìm đường thoát, có kẻ còn đạp người khác xuống để leo lên, tìm đâu ra bốn chữ “đồng sinh cộng tử”?!
    Có lẽ đây chính là điểm khác biệt giữa người mất nước và quân cướp nước, cũng là thứ quyết định thắng – bại của một ván cờ.
    “Khươi Cung đưa ông Tạo rút trước đi, tôi ở lại chặn đường bọn chúng.”
     “Muốn cảm ơn tôi thì giúp tôi lo cho me thẩu.”
    “Pi phải sống, con pi không thể thiếu cha!”
    …
    Lê Ngã chậm rãi nhớ về những nghĩa quân đã nằm xuống mà chưa một lần gặp lại vợ hiền con mọn, nhớ bà cụ hiền lành hay giấu cơm thừa canh cặn cho chàng, nhớ người vợ có nụ cười đẹp như hoa ban và tấm lòng trong như suối, nhớ ông Tạo oai dũng mà rất mực chân thành. Tất cả, tất cả rồi sẽ gặp lại nhau rất sớm thôi!
    Khi ngọn lửa dường đã chạm vào mây, chàng chun môi thổi bay mấy sợi tóc rũ lơ thơ, hất cằm hỏi người trước mặt:
    - Giờ xuống dưới đấy thì chị đẹp hơn cả tôi rồi, thích không?!
    - Đùa! Chị cậu thì lúc nào chả đẹp!
    Chàng phì cười rồi bước theo nàng, ả đào nương lỡ thì của chàng vừa đi vừa cất cao giọng hát:
    “Một đời oán, một đời căm
    Một đời nhẫn nhục, âm thầm kế mưu
    Không duyên nợ, chẳng luyến lưu
    Chỉ mong trả hết oán cừu là thôi
    Ngờ đâu lòng sớm nặng rồi
    Tình nhà – tình nước, tình tôi – tình người.”
    - Chắc lão diêm vương bấy lâu nay đau đầu lắm nhỉ? – Lê Ngã bước nhanh đến sóng đôi nàng.
    - Ừ. Thế mà tôi nghe bảo có cậu bé kia hôm nọ khóc ầm ĩ dưới mưa vì không được đau đầu nữa mới hay! – Nàng đưa tay dí dí lên sống mũi thẳng tắp kia.
    - Thì trẻ con mất u đứa nào chẳng vậy!
    - …
    
    
- o O o -

    
    Sau trận chiến ấy, số quân còn lại của Lý Bân bị ông Tạo đất Lam Sơn đánh cho tan tác.
    Mười năm kể từ ngày giặc Minh xâm lược mảnh đất phía nam, Lê Ngã chẳng phải là người đầu tiên càng không phải kẻ sau cùng dựng cờ khởi nghĩa. Có người vì nợ nước, có người hận thù nhà, có nhóm trụ được mấy năm, có đội quân chỉ sau một đêm đã bại. Như bèo dạt, như mây trôi, có chém có đâm cũng chỉ tan mà chẳng biến, những nhóm người rời rạc ấy rồi cuối cùng cũng tề tựu cùng nhau.
    Lại mất mười năm, khắp sơn hà đã sạch bóng quân xâm lược.
    Một hôm nào đó, ban trưa có mặt trời rực rỡ, buổi đêm có ánh trăng vằng vặc chiếu soi, toàn cõi gấm vóc non sông dậy tiếng rằng:
    “Xã tắc từ đây vững bền
    Giang sơn từ đây đổi mới
    Càn khôn bĩ rồi lại thái
    Nhật nguyệt hối rồi lại minh
    Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
    Muôn thuở nền thái bình vững chắc.”
    
    HẾT
    
    
    
    
    
    
     [1] Thượng Tư, Thất Nguyên: tên hai châu thuộc châu Lạng Sơn dưới thời Minh thuộc.
    [2] Giao Chỉ: Tên gọi Đại Việt thời Minh thuộc.
    [3] Phẩm: Phím bằng tre trên miếng gỗ tăng âm ở mặt đàn, có từ thời đầu nhà Minh, trước đó tỳ bà chỉ có bốn mảnh “tượng” ở cần đàn.
    [4] Hoài Âm bình Sở: còn có tên gọi khác là Thập diện mai phục, tên một khúc nhạc cổ nổi tiếng của Trung Hoa lấy cảm hứng từ trận Cai Hạ của Lưu Bang, Hạng Vũ.
    [5] Bình sa lạc nhạn: tên một khúc nhạc cổ Trung Hoa kể về nàng Vương Chiêu Quân.
    [6] “Trai ba mươi tuổi còn son
    Gái ba mươi tuổi đã toan về già.”
    (Ca dao)
    [7] Sơn cư tạp thuật – Thượng đại nhân cho biết: Trẻ con mới tập viết chữ, ắt viết “Thượng đại nhân, Khưu ất dĩ, hóa tam thiên, thất thập sĩ, nhĩ tiểu sinh, bát cửu tử, giai tác nhân, khả tri lễ dã” (Bậc đại nhân thời thượng cổ, chỉ có ngài Khổng Khưu mà thôi, ngài giáo hóa ba nghìn đồ đệ, có bảy mươi học trò giỏi, nay học trò nhỏ các ngươi, tám chín đứa, làm điều nhân, biết lễ nghĩa), thiên hạ đều như vậy, không biết bắt đầu từ khi nào (Trích: Ngàn năm áo mũ – Trần Quang Đức). Đây là sách cấm dưới thời Minh thuộc.
    [8] Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện: lãnh tụ những cuộc khởi nghĩa chống Minh cuối năm 1419 đầu năm 1420 đều đã bị Lý Bân đánh bại.
    [9] Pi: anh, chị (tiếng dân tộc Tày).
    [10] Po thẩu: cha (tiếng dân tộc Tày).
    [11] Ché: chị (tiếng dân tộc Tày).
    [12] Đan Ba: nay thuộc Bình Lập, Quảng Ninh.
    [13] Lục nhình: con gái (tiếng dân tộc Tày).
    [14] Khươi: chú rể (tiếng dân tộc Tày).
    [15] Lễ slam nâu: tương tự lễ lại mặt của người Kinh, diễn ra ba ngày sau hôn lễ.
    [16] Cằm nặc: trò đố vui (tiếng dân tộc Tày).
    [17] Me thẩu: mẹ (tiếng dân tộc Tày).
    [18] Lão Qua: Lào.
    [19] Mé: bà (tiếng dân tộc Tày).
    [20] Na: dì (tiếng dân tộc Tày).
    [21] Tục ngữ của người dân tộc Tày, ý ngợi ca tình nghĩa.
    [22] Phù noòng: bánh trôi (tiếng dân tộc Tày).
    [23] Lấy ý từ câu trong Bình Ngô đại cáo: “Đương nghĩa kỳ sơ khởi chi thì”.
    [24] Chi tiết về chức quan của phụ đạo Bế Thuấn không được ghi chép trong sử sách.
    [25] An Bang: ngày nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.
    [26] Lẩu vạng: còn gọi là rượu hoãng, một loại rượu trắng đặc trưng của người Tày, làm từ gạo ủ chín.
    [27] Ca dao.
    [28] Lời bài ca cổ Trống loạn Thăng Long thành, soạn giả Viễn Châu.

Kết Thúc (END)
Phương Uyên
» Hạ Trắng
» Nhường Chồng Cho Chị Gái
» Trăng Già Phương Uyên
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò