Chủ trương xây dựng lễ hội làng Cò ra đời trong một cuộc nhậu, khi một vị chức sắc, trong trạng thái ngất ngư, phát biểu rằng, đâu đâu cũng tổ chức lễ hội để thu hút khách du lịch, hút tiền mà xứ mình không có thì kém quá.
Ý kiến này được tán thành nhiệt liệt. Mọi người tham gia bàn tán rất rôm rả nhưng chẳng ai chịu ai. Chợt vị chức sắc... kiêm chủ xị vỗ mạnh tay xuống bàn đánh "rầm" một cái, chai rượu ngã xuống đất vỡ tan. Cả bàn nhậu la oai oái:
- Ối! Ối! làm gì dữ dằn vậy ông? "Cắt cổ không bằng đổ rượu" đấy!
Vị chủ xị vẫn oang oang:
- Quên đi! Nghe tôi nói đây! Ở huyện bên đang diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn. Bà ấy là bà nào? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn Thu Bồn là tên một con sông lớn. Bà Thu Bồn chính là bà... quản lý con sông này. "Bả" chết từ năm một ngàn chín trăm... lâu lắc rồi nên bây giờ mới có lễ hội tưởng nhớ bà. Quê ta có con sông Cổ Cò chảy qua, vậy sao ta không tổ chức lễ hội bà Cổ Cò?
Cả bàn nhậu sôi nổi hẳn lên. Có người cho rằng không nên lấy tên là Lễ hội bà Cổ Cò vì như thế là xúc phạm đến khuyết tật của người khác. Dù cổ "bà" có dài như cổ cò hay ngắn như cổ cóc thì cũng phải tôn trọng. Vì vậy, chỉ nên lấy tên là Lễ hội Bà Cò. Ý kiến thật chí lý. Thế là, cái tên đoạn sông chảy qua làng đã được cuộc nhậu nâng lên thành Lễ hội Bà Cò.
Tưởng rằng câu chuyện tầm phào đó sẽ tan đi theo hơi men, ai dè các vị chức sắc có tâm huyết với lễ hội lại đem ý tưởng đó ra bàn chính thức trong cuộc họp có đầy đủ các vị cao niên trong làng. Các lão nông rất hể hả, không ngờ đám con cháu mình lại... cực kỳ thông minh và có lòng thành đến thế.
Theo thông tin từ hội nghị trên, để tuyên truyền cho nhân dân biết về... Bà Cò, xã sẽ mời một chuyên viên của Nhà văn hóa huyện về viết... tiểu sử của bà và truyền thống Lễ hội Bà Cò. (Nghe nói anh chuyên viên này là một cây bút chuyên viết truyện... thần thoại cho nhi đồng và truyện... kinh dị cho người lớn. Rất hợp gu!).
Chương trình Lễ hội Bà Cò có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có: Lễ rước Bà Cò, Lễ tế Bà, Lễ dâng hương. Các khoản này sẽ do Hội Bảo thọ, Hội Người cao tuổi đảm nhận. Nếu chưa có quần áo lễ hội, chưa có cờ quạt, chiêng trống thì... mượn của đội trợ tang. Phần "hội" sẽ có hội thả đèn... bắt bướm trên sông Cổ Cò, hội thi bịt mắt bắt dê, hội thi nhảy bao bố, đua xe đạp chậm, đua ghe, kéo co, đá bóng nam nữ, thi đá gà, thi thiếu nhi thanh lịch và một số cuộc thi khác. Dự kiến Lễ hội Bà Cò sẽ diễn ra trong ba ngày hai đêm trên khúc sông Cổ Cò.
Điều quan trọng nhất là phải xây dựng ngay một cái đền thờ Bà Cò. Việc này khó mà dễ. Bên sông Cổ Cò có một cái lò gạch vừa bị đình chỉ sản xuất vì gây ô nhiễm được xã quyết định cải tạo thành đền thờ Bà. Ổn quá rồi.
Xã dự định mời Công ty bia Sông Vàng làm nhà... tài trợ chính cho lễ hội. Tổ hợp sản xuất nước khoáng Con Cò của xã cũng xin ké làm "đồng tài trợ" để tiêu thụ nước khoáng (chế biến từ nước sông Cổ Cò) đang ế ẩm.
Kế hoạch xây dựng Lễ hội Bà Cò được xây dựng rất bài bản. Các vị chức sắc đều được phân công đứng cánh" để chỉ đạo công việc. Bà con các thôn có dịp được mời họp để nghe triển khai lễ hội. Ai cũng phấn khởi, tích cực tham gia. Các cuộc tập dượt diễn ra sôi nổi. Hàng quán, nhà trọ mọc lên như nấm để đón khách thập phương.
Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe bàn về Lễ hội Bà Cò. Khí thế lắm! Ấy thế mà cũng có những kẻ xấu mồm xấu miệng nói toạc ra rằng: "Rõ là buôn thần bán thánh! Bà Cò là... bà nội nào mà thờ bả? Tất cả chỉ vì tiền".
Lễ hội Bà Cò mới sắp diễn ra nhưng khu vực quanh sông Cổ Cò đã thấy xuất hiện khá nhiều "cò". Nào là "cò" đất, "cò" nhà, "cò" nhang đèn, "cò" nhà trọ... bay về tới tấp. Vui hết biết!