Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chị Tôi Tác Giả: Quảng Diệu Trần Bảo Toàn    
    "Đàn ông nợ đàn bà nhiều lắm!" Đó là câu nói của cụ Kỳ trong xóm thường bảo chúng tôi, mỗi bận chúng tôi ngồi chơi cờ, đàn ca hoặc ngồi hầu chuyện những lúc cụ lai rai vài xị Đế, thỉnh thoảng cụ lại đãi chúng tôi con mực thơm lừng. Cụ kể cho chúng tôi bao nhiêu câu chuyện, song khi cụ nói chuyện về đàn bà đàn ông thì chúng tôi biết nghe, ai hơi đâu mà hỏi tại sao đàn ông lại nợ đàn bà. Đối với chúng tôi, những nhóc tì 14-15 tuổi, cuộc đời rất đơn giản: Đói thì ăn, ngày đi học, cuối tuần rảnh rỗi thì tụ tập trong sân nhà cụ Kỳ chơi cờ, hát xướng và nghe cụ kể chuyện xưa.
    Tôi là thằng nhóc duy nhất hiểu lơ mơ được những điều cụ nói. Tôi thầm nghĩ: "Đàn ông nợ đàn bà nhiều cỡ nào tôi chưa biết, song tôi nợ chị Phụng quá nhiều!" Cụ Kỳ dường như hiểu được những suy nghĩ của tôi, cụ chợt hỏi:
    - Thằng Nhiên, mày có biết đàn ông nợ đàn bà nhiều bao nhiêu và nợ những chuyện gì không?
    - Thưa cụ, cháu không biết ạ! Có điều cháu nợ chị Phụng cháu, chị ấy vừa là chị, vừa là mẹ là cha của cháu. Chị Hai cháu vất vả tối ngày, nhịn ăn nhịn mặc để cho cháu cơ hội đến trường và có cuộc sống bình thường như bao chúng bạn cùng trang lứa.
    - Ừ, ông biết. Nhưng ông muốn nói với chúng mày chuyện rộng hơn cơ. Không nói riêng trường họp của thằng Nhiên. Này nhé: Đàn ông cũng được người mẹ sinh ra, mang nặng đẻ đau, bú mớm, thay tã, tắm giặt chăm sóc cho tới năm mười mấy tuổi. Lớn lên người đàn ông muốn khẳng định mình, cũng phải có người đàn bà hỗ trợ. Chả anh con giai nào có thể trở thành người đàn ông đầy tự tin, hùng mạnh khi anh ta không có mảnh tình luyến ái, thúc đẩy tăng thêm nhuệ khí của một người phụ nữ. Rồi nhờ người phụ nữ, anh con giai kia mới có một gia đình đích thực, anh ta mới được trèo lên địa vị làm chủ gia đình, làm cha làm chú cuộc đời. Bàn tay người phụ nữ thu vén. Bàn tay người phụ nữ phù phép biến không thành có, biến rác rưởi thành vườn hoa... Chúng mày thấy người phụ nữ có quan trọng không?
    Cả bọn nhóc tì mới lớn tụi tôi đâu có hiểu những điều cụ nói, chỉ nghĩ rằng cụ Kỳ đang nhớ cụ bà, và hiện tại cụ đang ở với vợ chồng cô Tùng con gái cụ, nên cụ ca tụng phụ nữ vậy thôi. Tuy vậy những lời nói của cụ cũng khiến tôi suy nghĩ thật nhiều đến gia cảnh của tôi.
    Cha mẹ và anh em tôi đều mất tích trên đại dương trong chuyến vượt biên vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Chị Phụng và tôi may mắn bám vào mảnh ván tàu vỡ, trôi giạt gần một ngày trên biển trước khi được tàu đánh cá Việt Nam vớt gần hải phận quốc tế. Năm ấy chị Phụng 17, tôi lên 8. Hai chị em tôi được ông thuyền trưởng có lương tâm, đưa vào Vũng Tàu thả lên bờ mà không bị giao cho công an duyên hải. Trở về ngôi nhà cũ ở Sài Gòn. May mà chưa bị nhà nước phát giác vượt biên để tịch thu nhà, chúng tôi đến nhà chú Hải, ông chú họ, xin lại chìa khóa vô nhà. Từ đó, chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng, gia đình to lớn đầm ấm của chúng tôi ngày xưa, nay chỉ còn lại hai chị em mà thôi. Chị Phụng đang học lớp 11 trường Nguyễn Thị Minh Khai - Gia Long cũ - còn tôi đang học lớp 3.
    Gia cảnh của chúng tôi vừa neo đơn, vừa sa sút. Những thức có giá trong nhà đã bán từ từ sau năm 1975, trước ngày vượt biên, cha mẹ tôi lại bán gạn hết những gì có thể gom vàng đóng vé tàu. Một buổi tối, chị Phụng bảo tôi:
    - Nhiên ơi, gia đình chị em mình gặp tai nạn, người chết của hết. Chỉ còn hai chị em nương tựa với nhau, em còn nhỏ dại, kinh tế thì chẳng còn gì nuôi sống được. Tuần trước chị đã bán đến chục chén kiểu cuối cùng để mua gạo cho hai chị em. Họ hàng ai cũng túng thiếu, chẳng thể nhờ cậy vào đâu. Thôi từ mai chị nghỉ học, đi làm gia công mành trúc cho ông Tường trong xóm, để kiếm đồng ra đồng vào, lo cho em ăn học.
    Tôi nít nhỏ chỉ hiểu lờ mờ là chị em tôi sẽ bị đói, nếu không còn có tiền mua gạo nữa, nhưng thấy thương chị Phụng không còn được đi học, tôi bảo:
    - Nhiên muốn chị đi học cơ. Chị nghỉ học, Nhiên cũng nghỉ học... đi bán vé số!
    Chị Phụng ôm tôi vào lòng, nước mắt ràn rụa nói rằng:
    - Không đâu Nhiên, em còn bé lắm, lại là con trai, em phải ăn học cho nên người. Ngày ba mẹ còn, ba mẹ lúc nào cũng mong có cơ hội cho các con ăn học, chính vì vậy gia đình mình mới liều chết vượt biên. Nay ba mẹ không còn nữa, chị phải thay cha mẹ để bảo bọc em, nuôi dạy em, cho em ăn học nên người thì mới không phụ lòng ba mẹ.
    Nghe chị Phụng nhắc đến ba mẹ, tôi nhớ quá, cũng oà lên khóc. Căn nhà trống trải lạnh lẽo, bên chiếc đèn dầu tù mù - thời đó cúp điện một tuần 3 lần - tôi chợt thấy thương chị vô vàn. Tôi ôm chặt lấy chị, như sợ chỗ nương tựa duy nhất của tâm hồn nhỏ bé khi ấy biến mất đi. Hai chị em ôm nhau khóc một hồi, chị Phụng bảo:
    - Nhiên phải ngoan nè. Ráng chăm chỉ học hành, mai sau đỗ đạt thành tài, để không làm hổ thẹn ba mẹ, gia đình. Chị cũng được vui lây. Sau này chị già, chị đến ở với Nhiên này, bấy giờ Nhiên phải lo cho chị nha!?
    Tôi không biết nói sao, vì với tuổi đời vừa lên 8, tôi chỉ biết chị là tất cả còn lại của tôi. Chị Phụng vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là bạn của tôi. Chắc chắn chẳng bao giờ tôi có ý định rời xa chị cả. Tôi ôm chị chặt hơn. Chị Phụng lại thủ thỉ:
    - Sau này chị già, chị ở với Nhiên, Nhiên chịu không?
    Tôi gật đầu liền mấy cái. Chị xoa lưng tôi mấy cái rồi bảo:
    - Nhiên đã làm bài tập chưa? Đi học có gì không hiểu thì hỏi chị, chị giảng cho nghe. Đừng dấu dốt, ráng ngoan ngoãn, đừng đánh lộn trốn học, ba mẹ biết, ba mẹ buồn nha.
    Tôi lại gật đầu mấy cái. Chị dắt tôi vô bếp, múc nước trong chum sành ra - nhà tôi có một chum sành lớn để trữ nước ăn, phòng khi cúp nước - tắm gội cho tôi, rồi cho tôi đi ngủ.
    Từ ngày ấy, chị tôi không còn được đến trường, hàng ngày chị dậy sớm, cùng tôi ăn chén cơm nguội với muối mè, đưa tôi đến trường, rồi chị qua bên tổ hợp mành trúc nhà ông Tường làm việc. Công việc của chị không được suông sẻ lắm, chỉ vài tháng chị được trả lương, sau đó tổ hợp của ông Tường bị phá sản vì các sản phẩm bị trả về. Chị thất nghiệp, phải đi bưng cà phê ở quán Vạn Lý....
    Chị em tôi nương tựa nhau, tôi được chị cho đi học, đóng học phí, lo cơm nước, quần áo, sách tập đầy đủ như những nhà còn cha còn mẹ. Tôi nhớ mãi ngày tôi vào học cấp hai ở trường Ngô Sĩ Liêm, chị Phụng đã mua hoa quả và làm mâm cơm cúng ba mẹ tôi, chị đứng trước bàn thờ van vái rằng:
    - Em Nhiên đã học xong tiểu học, con cố gắng nuôi cho em học đến đại học.
    Tôi đứng lặng người nhìn người chị nhỏ bé gầy gò song rất đẹp của mình. Lòng tôi vừa biết ơn, vừa cảm thương tình yêu của chị giành tất cả cho tôi. Chị Phụng đưa cho tôi cây nhang:
    - Em vái và thắp nhang trên bàn thờ đi.
    Tôi vái lạy, thắp nhang và tự nói:
    - Con sẽ ráng học giỏi để không làm ba mẹ tủi hổ, để chị Phụng vui lòng.
    Sau đó, chị Phụng bảo tôi chạy đến nhà chú Hải mời chú thím và cu Long, con trai chú thím, sang ăn cơm. Chú Hải là nhà giáo khi xưa, nay "mất dạy" cũng đạp xích lô độ nhật. Nhà chú cũng nghèo rớt mùng tơi, nhiều bữa thím phải đợi chú đi đạp xích lô về mới có tiền mua gạo nấu cơm. Vì vậy, ngoài chỗ đi lại thân tình, chú thím cũng không thể giúp đỡ chị em tôi về vật chất. Chú thím thương hai chị em côi cút, nên khi nào có khúc cá, miếng thịt thế nào chú thím cũng kêu hai chị em qua ăn cơm hoặc chia sớt cho chút ít. Cho nên khi chị em tôi làm cơm thịnh soạn cúng, đương nhiên phải mời gia đình chú chứ. Nhưng tôi thấy chị Phụng có cái gì đó, chị đứng trước di ảnh của ba mẹ tôi mà run rẩy. Tôi ra đến cửa, thay vì chạy đi ngay, tôi lẩn vô cửa hông, bò vào gầm bàn thờ để nghe chị Phụng nói gì với ba mẹ tôi. Tôi nghĩ chị tôi không hài lòng tôi điều gì đó, nên đợi lúc tôi đi để chị méc với ba mẹ.
    Chị Phụng đứng trước bàn thờ, nhìn di ảnh của ba mẹ tôi một hồi lâu rồi chợt oà khóc. Tiếng khóc của chị nghẹn ngào, đau khổ. Tôi cũng khóc theo, nhưng không dám khóc to, sợ chị biết. Khóc một hồi, tôi nghe chị khấn:
    - Ba mẹ sống khôn, thác thiêng xin đừng tủi nhục vì con. Con đã làm hết cách lương thiện kiếm được tiền trong sạch để nuôi em Nhiên ăn học nên người. Nhưng thời nay khó khăn quá, làm cái gì cũng không bền, làm cái gì cũng đói rách. Con kiệt lực rồi. Bây giờ con phải cắn răng chấp nhận nghề hạ tiện này, chỉ là để kiếm sống qua ngày, và vì tương lai của em Nhiên. Xin ba mẹ đừng phiền trách con tội nghiệp. Con không ham hố, ăn chơi hư hỏng gì đâu. Con hứa khi nào kiếm được công việc có thu nhập khả dĩ sống được, con sẽ từ bỏ nó ngay. Khi nào em Nhiên học hành đến nơi đến chốn, con sẽ Kinh Kệ sám hối tội chướng phá hại gia cang của mọi người hôm nay. Ba mẹ ơi, con khổ quá, con nhớ ba mẹ quá....
    Chị Phụng khóc gập người trên sàn trong tư thế quỳ. Tôi không biết chị tôi làm nghề gì, chỉ hiểu là chị hối hận, đau khổ và đang cầu xin ba mẹ tôi tha tội.
    Thời gian qua đi, tôi luôn đặt ra nhiều câu hỏi về lần thú tội đó của chị tôi, tôi trưởng thành lên và dường như lờ mờ hiểu, tuy nhiên tôi sợ hãi sự thật, tôi không bao giờ dám hỏi chị, không bao giờ dám tự tìm hiểu. Tôi chỉ biết sau lần chị khóc trước bàn thờ đó, chị Phụng không bao giờ khóc nữa. Chị mua sắm nhiều quần áo đẹp, chị trang điểm lộng lẫy mỗi khi đi làm, đời sống gia đình khá hơn. Chị tôi có nhiều khách đến thăm, thường là các anh trai trẻ, đi xe gắn máy đến chở chị đi chơi hoặc đi làm.
    Ngày tôi vào đại học, chị tôi chuyển nghề môi giới địa ốc trong cơn sốt nhà đâu thập niên 90 thế kỷ 20. Chị tôi ăn nên làm ra thấy rõ. Có lần chị bảo tôi chở chị trên xe Honda đi vòng vòng ở Sài Gòn, chị chỉ cho tôi hơn 20 căn nhà, chị bảo chị đang bán hoặc đã mua. Gia cảnh của chúng tôi rất khá, tôi được chị mua cho chiếc Honda Cup để đi học. Trong nhà có đủ máy hát, TV và các đồ gia dụng cao cấp khác. Tôi không còn lo về chuyện tiền bạc dè sẻn nữa, nhưng tôi vẫn học chăm học giỏi để ra trường. 4 năm sau, tôi tốt nghiệp cử nhân kinh tế ngân hàng đại học Sài Gòn. Chị khuyến khích tôi qua Thái Lan để theo học chương trình thạc sĩ 2 năm. Hai chị em tôi sống mười mấy năm trời nương tựa bên nhau, nên khi sắp qua Thái Lan du học, tôi ngỏ ý khuyên chị lập gia đình để tôi an tâm viễn xứ. Nghe tôi yêu cầu như vậy, chị chỉ mỉm cười và bảo:
    - Em ráng học đi. Chuyện gia đình riêng tư của chị đừng để ý đến, chị biết cách giải quyết mà.
    Giọng chị chợt bùi ngùi xa vắng.
    Hôm tôi cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) theo hãng hàng không Thái Airline đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất thì chị Phụng không ra đón tôi như chị đã hứa trong thư. Tôi hơi buồn, nhưng có Mỹ Huyền, cô bạn học ở đại học ra đón. Chúng tôi về nhà, nhà cửa chị đã cho xây dựng lại, hết sức khang trang, song chị chẳng có nhà.
    Tôi linh cảm thấy điều gì không ổn, tôi vào chạy khắp các phòng tìm kiếm, đến một phòng đầy ánh sáng và kệ sách, tôi tìm được bức thư chị phong sẵn để trên bàn. Phong thư đề "Em Nhiên mở ra đọc"
    "Em Nhiên thương quý Vậy là em đã toại nguyện. Em làm vui lòng ba mẹ đã học đến nơi đến chốn. Em không phụ lòng chị thương yêu lo lắng cho em. Nay em đã trưởng thành, đã thành danh, có bằng cấp cao và chắc chắn sẽ có địa vị xã hội như em muốn. Đất nước đang trong thời kỳ mở cửa, sẽ cần những tài năng trẻ như em. Em sẽ đắc dụng với đời. Trong đời sống riêng tư, em sẽ lập gia đình, hạnh phúc bên người vợ và con cái của em sau này. Chị nghĩ đến cảnh em mặc áo tân lang cùng tân nương bái đường thành thân, chị vô cùng vui mừng em ạ. Nhưng tiếc rằng, ngày đó chị chẳng thể ở bên em để chúc phúc cho cặp uyên ương. Khi em đọc thư này, chị đã đi xa. Tất cả gia sản chị gom góp được từ bao lâu này, chị để cả cho em, giấy tờ chị đã làm sẵn và để trong tủ khoá dưới bàn thờ. Chị chỉ mang theo số tiền giá trị một căn nhà để cúng và trùng tu lại ngôi chùa cổ ở miền Trung, nơi chị xin quy y tá túc trọn đời.
    Em đừng bao giờ đi tìm chị cả. Vì những ngày trước phải tranh sống với đời, chị đã gây ra nhiều tội lỗi, chị lại đang mắc một chứng bệnh hiểm nghèo mà khoa học y khoa ngày nay chưa thể chữa được. Không biết chị sống được bao lâu nữa, nhưng chị mong những ngày còn lại là những ngày thanh thản trong lời Kinh tiếng Kệ, không tham luyến, không mong cầu và trọn tâm sám hối.
    Em Nhiên thương yêu, Cuộc sống tốt đẹp đang chờ em trước mặt. Em có đủ điều kiện để hạnh phúc, để thành công. Chị biết em của chị giỏi giang lắm. Song chị cũng dặn em một điều là: Sau này, em lập gia đình với người con gái nào, em phải trọn lòng thương yêu họ. Mỗi khi em chán vợ, ghét vợ hay có ý tưởng nào làm lỗi lừa dối vợ em, thì em hãy nghĩ đến chị. Người phụ nữ Việt Nam chịu đủ đau khổ và luôn sẵn lòng hi sinh vì người thân. Em hãy trọn tâm trọn ý đối với vợ em, vì biết đâu người đàn bà ấy trong tiền kiếp xa xưa chẳng đã là chị của em, đã vui buồn ấp ủ... chăm lo cho em như chị của em trong kiếp này. Em nhớ nhé.
    Thôi chị đi đây, hãy vui lên mà sống. Dù ở đâu và bất cứ lúc nào chị cũng luôn yêu thương và hãnh diện về em.
    Chị Phụng"
    Nước mắt tôi chảy ướt trang thư trên tay, tôi chợt hiểu ra mọi lẽ. Từ trong lòng ngực tiếng kêu "Chị ơi..." muốn xé nát không gian và cả thế gian.
    

Kết Thúc (END)
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
» Chị Tôi
» Giáng Sinh
» Ông Lão Kỳ Lạ
» Nhóc Tì Và Chiếc Bong Bóng Bay
» Còn Mỗi Tấm Lòng
» Bang Chủ Tí Hon
» Vết Lăn Hai Đời
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ