Đẩy cửa bước vào nhà gặp thầy Trọng, chẳng chờ mời ngồi, Kiếm nói:
- Vừa ở trường xem thông báo kết quả. Môn văn thầy dạy tôi xơi ngỗng. Thế là toi tốt nghiệp phổ thông.
Nhìn xoi mói vào cặp kính cận lồi lồi của thầy Trọng, mắt nó nhướng lên, đôi lông mày xếch nhọn hình lưỡi kiếm. Rồi, kéo mạnh chiếc ghế tựa, ngồi chỉnh chệm đối diện với thầy Trọng, Kiếm nói rành rẽ:
- Thầy nhận lời, đến nhà làm gia sư, cày môn văn cho tôi thi tốt nghiệp. Giá cao. Hợp đồng đấy. Giờ thì đổ bể. - Nó dằn giọng: - Tôi nói thế có phải không thầy?
Thầy Trọng lẳng lặng nghe, đầu lẵc lắc, mắt chớp chớp. Hồng cầu trên mặt thầy vội vã di tản để cho nước da mái mái trong khoảnh khắc đổi màu tai tái. Kiếm xô ghế đứng dậy, tiến đến tấm lịch, nhìn ngày tháng, bóc một tờ lịch đánh "soạt" rồi nói:
- Ngày 20 tháng 6, thầy nhớ cho, hợp đồng phải được xét lại cho sòng phẳng. Nó gằn giọng:
- Tiền thằng điên cũng hám. Kiếm đút tờ lịch vào túi ngực, to giọng: "Chào thầy" rồi quay đít, mở cửa bước ra, đầu gật gù, dẩu mồm huýt sáo: "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, chưa có bao giờ lòng ta mê say..."
Lần đầu tiên trong đời nhà giáo, thầy Trọng được nghe cái giọng lạ lùng của một học trò như thế. Chao ôi! Thằng Kiếm trân trân nhìn vào mặt mình. Nó dám nói rằng có hợp đồng rồi, phải xem xét lại hợp đồng, giọng chửi đổng: "Tiền thằng điên cũng hám". à... mà nó không bịa... Đó là hợp đồng. Mà cái gì chán chường, rệu rã trong người, sao mà đắng ngắt ở đầu lưỡi?
Thầy Trọng cắm điếu thuốc lá vào miệng, châm lửa, hít một hơi rõ sâu, phả ra mùi khói khen khét của loại thuốc rẻ tiền, làn khói mờ mịt tuôn ra vật vờ bay trước mặt.
* Hơn chục năm nay ở trường này, lớp lớp học sinh đã học môn văn thầy Trọng. Giờ giảng, lời sôi động dập dồn như hơi thở của áng văn hùng hồn, lúc ấm áp chậm rãi, lắng sâu như đi vào nguồn mạch của hơi văn trữ tình. Nó rót vào tai, hút lấy đôi mắt trong trẻo của đám học trò yêu văn. Học lớp thầy, học sinh đỗ cao, có học sinh lọt vào đội tuyển, thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia. Học sinh bảo thầy Trọng "dạy siêu". Phụ huynh có người ngỡ tên thầy là Siêu nên khi gặp vẻ kính cẩn, miệng "Chào thầy Siêu". Thầy Trọng đỏ mặt mà vui vui.
Đầu năm học, trò Kiếm được lên lớp 12, không ít người ngạc nhiên. Giáo viên nói "Kiếm ngồi nhầm lớp", ý người ta bảo, kiến thức của nó đuối lắm, ù ù cạc cạc, không theo nổi lớp 12. Giáo viên toán bảo: "Trình độ của nó làm bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia còn chưa thạo, chỉ tài quay cóp". Có người xì xào: "Gõ cửa nhà thầy cô giáo, giọt nước mắt của mẹ nó rớt ra, làm mủi lòng người". Người khác lại nói: "Gói quà to tướng của mẹ nó đặt cạnh mâm cơm nhiều rau ít đậu của thầy. Từ chối sao đây? Thế là điểm ma được mấy cấy tua tủa vào sổ điểm cho nó. Kết quả điểm tổng kết cuối năm, vượt năm phẩy, được lên lớp theo đúng quy c hế của Bộ".
ở lớp 12, Kiếm nổi danh là tay lãng tử, chịu chơi. Nhà giàu. Cặp sách thường sẵn bao ba số 5. Giờ ra chơi, vắng bóng giáo viên, nó xòe lửa ga, phì phèo thuốc lá. Nó sành bia, khen Tai gơ "uống đã", bia hơi mát bổ. Ngày sinh nhật, Kiếm rủ bạn đi chơi bằng xe taxi, lên phủ Tây Hồ ăn đặc sản rồi đến sàn nhảy tới đêm khuya.
Vợ chồng bà Quý băn khoăn về thằng Kiếm, đứa con một của mình. Băn khoăn về sự xài tiền của nó một phần, băn khoăn nhiều hơn là cái sự học của nó. Nó học tài tử, chẳng mấy khi ngó ngàng đến sách vở.
Giữa học kỳ một, nhằm ngày chủ nhật, Kiếm có nhà, vợ chồng bà Quý bàn chuyện học hành với con. Bà Quý thẽ thọt:
- Sức học mày đuối lắm, gay go đấy, phải cố gắng con ạ. Chăm chỉ vào. Lớp 12 cuối năm phải thi rồi cố thi đại học nữa chứ.
- Bà già chỉ lo xa, hát mãi cái điệp khúc "Cố gắng" "Chăm chỉ". Đầu năm cứ tằng tằng, cuối năm dốc sức, lo gì.
- Bây giờ không học, đầu óc rỗng tuếch, cuối năm dốc sức, sao kịp?
- Bố yên tâm đi, con đã có bài bản...
Bà Quý tò mò, cắt ngang:
- Nói tao coi nào.
- Lũ bạn con cùng vần K, thằng Khánh, thằng Khôi, thằng Kính, chúng nó học siêu các môn tự nhiên và ngoại ngữ. Xếp số báo danh sẽ có đứa ngồi cạnh con. Lĩnh suất ăn theo, mắt con kém gì máy phô-tô đời mới. Các môn ấy thế nào mà chẳng điểm 5, đủ tốt nghiệp.
Bố nó vặn hỏi:
- Chỉ có thi môn tự nhiên và ngoại ngữ thôi à?
Kiếm thủng thẳng nói:
- Thi văn nữa ông già ạ. Cái môn chết tiệt ấy, dài dòng chữ nghĩa, phải thuộc thơ văn lại phân tích lằng nhằng. Rồi, còn phải chấm câu, viết đúng chính tả, rách chuyện.
Bà Quý quay sang nói với chồng:
- Thế là gay go rồi, vướng đấy, chẳng dễ nuốt đâu, phải tính nước cho con ông ạ, không vô tâm được đâu.
- Tôi lăn lộn lo kiếm tiền, bà ở nhà rỗi việc, người ta nói nhiều lò luyện thi lắm mà. Phí tổn chẳng lo, khoán việc ấy cho bà đấy.
Bà Quý chép miệng, cái sự học của nó lại phải thi mới khổ. Ông chồng bà thì vô tâm, đùn đẩy việc lo học của thằng Kiếm cho bà, lại vắng nhà như cơm bữa, về nhà như khách vãng lai, bảo rằng nó lên lớp 12 là giỏi, thưởng cho nó năm trăm nghìn.
Thế rồi cả tuần bà Quý cưỡi chiếc Dream II, lần tìm đến bao nhiêu là lò luyện thi. úi chao ôi! Sao mà nhiều lò luyện thi đến thế. Lò to, lò nhỏ. Lò học ở hội trường, lò học trong ngõ. Lò học có bàn, lò học ngồi xổm. Giá tiền học ở các lò như giá hàng ở chợ trời! Ba nghìn, mười nhìn, hai mươi nghìn một buổi, có cả. Bà hoang mang, đắn đo, chẳng biết nên gửi thằng Kiếm vào lò nào. Thằng Kiếm lại đòi học ở cái lò cỡ đại, ở hội trường, đông hai trăm học sinh, mỗi buổi học hai tiết, giá ba nghìn rưỡi một buổi. Nó bảo với bà:
- Thầy giỏi lừng danh, lớp đông vui, giá mềm!
- Lớp học đông như chợ phiên, mày dỏng tai nghe giảng họa chăng được chữ đực chữ cái, rồi lại chuyện riêng, cấu chí nhau. Hỏng. Hỏng. Vô tích sự.
Cũng may bà Quý tình cờ được nghe mấy đứa bạn của thằng Kiếm học cùng trường, khác lớp, nói chuyện về thầy giáo dạy văn. Chúng nói: "Thầy Trọng siêu, dạy hết ý". Lắng nghe, bà tiếc cho thằng Kiếm không được học thầy giỏi. Bà Quý nghĩ ra, con bà dốt, đụt nhất lớp lại mải chơi, phải mời thầy Trọng đến nhà kèm riêng. Một thầy, một trò có tốn kém một chút, chẳng đáng ngại. Bà thở phào như người chơi cờ, gỡ được nước bí.
Tìm đến nhà thầy Trọng, bà kể về ông chồng vô tâm, nhà dư giả mà con dốt chữ. Bà than thở về nỗi khổ tâm của người mẹ. Bà Quý nhìn thầy Trọng như lôi như kéo, như con chiên khẩn cầu đức cha, bà nói: "Nhờ thầy giúp em kèm cặp cháu Kiếm thi đỗ năm nay. Ơn thầy như trời biển, hàng tháng em xin bồi dưỡng có giá để thầy không thua thiệt, gia đình đỡ khó khăn. Bà cười, nửa đùa, nửa thật:
- Hợp đồng với mẹ con em, thầy nhé!
Cái chữ "giá" rồi "thua thiệt" rót đến tai, làm da mặt, vành tai thầy Trọng ửng đỏ. Thế nhưng cái giọng nài nỉ khẩn cầu kia lại làm động lòng thầy. Nó êm êm, mơn man xoa dịu cái mầu ửng hồng của thầy. Thầy Trọng nghĩ mông lung khói thuốc phun mù mịt. Rồi thầy hạ giọng:
- Chị để tôi nghĩ đã.
Gia cảnh thầy Trọng năm nay chẳng được may mắn. Vợ thầy làm nghề thêu ren, hai năm nay mặt hàng ế ẩm, công ty giải thể, mất việc. Bệnh thấp khớp chạy vào tim cứ đeo đẳng, hành hạ người vợ tội nghiệp, một năm hai ba lần nằm viện dài dài. Vợ nằm viện lần này, thầy Trọng đến vay tiền thầy Hào, giáo viên toán. Hào nói:
- Lại vay tiền à... Tôi khuyên ông mở lò luyện thi đi. Mấy năm nay nhờ mở lò, tôi mới có Dream, nhà lên tầng, sống lên người lại có tiền cho ông vay.
Hào lại bảo:
- Nghề giáo mà chỉ sống bằng đồng lương là một hành động kỳ quặc. Chán cho ông, có tài mà vùi trong cát.
- Mình nhận dạy phụ đạo cho các em trong "đội gà nòi" thi học sinh giỏi của trường đấy, phụ đạo cả cho các em học sinh yếu kém do nhà trường tổ chức mà.
- Phụ đạo kiểu bán công bán tư ấy, nhà trường bồi dưỡng bèo bọt lắm. Người lao động như ông được mấy, dạy như thế đâu phải mở lò.
Trọng biết, mấy năm nay lò luyện thi mọc lên như nấm, một buổi dạy thu vài trăm nghìn, rẻ cũng năm bảy chục nghìn. Anh đăm chiêu buông lời:
- Nghề thầy mở lò khác chi người mở hàng bán chữ tôi không hứng.
- Vấn đề đâu phải là hứng. Quên cái hứng nghệ sĩ đi, không đủ tiền nuôi miệng, nuôi con, buộc phải mở lò dạy thêm ông ạ.
Hào chậm rãi:
- Cuộc sống là một bài toán, phải tìm cách giải. Cứ sống cao đạo, tự hào nội tâm, suốt đời làm bạn với nhếch nhác, đói nghèo.
Là thân vay nợ, Trọng thấy mình đuối lý. Anh lẳng lặng nghĩ ngợi mắt nhìn trân trân qua cặp kính cận lồi lồi. Nhìn Trọng, mắt Hảo trở nên linh lợi khác thường, như nhà thương nghiệp vừa tìm ra một quy luật thương trường anh sôi nổi thuyết phục Trọng về cái thị trường mênh mông của lò dạy thêm:
- Trò dốt, trò lười, bố mẹ dúi con vào lò dạy thêm. Muốn đỗ tốt nghiệp, đại học, cao đẳng ư? Cũng vào lò dạy thêm. Lò luyện thi một trò, lò luyện thi 10 trò, lò luyện thi 100 trò. Ông thừa biết bộ đề thi của các bố ấy như đánh đố học trò. Ông và tôi vã mồ hôi hột mới giải nổi. Vậy là các bố ấy mở thị trường cho cánh mình bán chữ đấy.
Hào triết lý:
- Dạy thêm là hành động để tồn tại, "thế thời phải thế" để xóa đói giảm nghèo.
Cầm đồng tiền vay nợ, Trọng thấy tui tủi, bất giác nghĩ đến thơ Tú Xương: "Vạy nợ lắm khi trào nước mắt".
Thầy Trọng không mở lò mà một tuần ba buổi đến kèm cặp môn văn cho thằng Kiếm theo thời gian biểu cố định từ 7 giờ tối. Thế nhưng chẳng mấy buổi học đúng giờ. Kiếm đi chơi về muộn như cơm bữa. Vào giờ học nó thường ngái ngủ, ngáp liền mấy cái, 8 giờ rồi, thầy Trọng rút điếu thuốc ba số 5 mà bà Quý để sẵn trên bàn, châm lửa hút, nhẫn nại chờ thằng Kiếm. Còn đâu những giờ dạy văn đầy cảm hứng. Nào là lặng im để tâm thế nhập cuộc vào giờ giảng, nhập thản vào cái phập phồng hơi thở của chữ nghĩa, với nỗi buồn vui của nhà văn. Rồi, con mắt trong trẻo của đám học trò lên men say cho giọng điệu của thầy... Cái phút nhẫn nại của thầy Trọng chờ trò Kiếm tự nhiên dắt suy nghĩ của thầy về với những hồi ức trong những giờ giảng ngày nào. Lòng rưng rưng với thân phận của nàng Kiều, mắt nặng nước với cuộc đời của Nguyễn Trãi với áng văn Nguyễn Đình Chiểu... Chao ôi! Ông Nguyễn Tuân viết về người tử tù Huấn Cao cho chữ. Đạo lý làm người, làm thầy đấy. Còn mình bán chữ kiếm tiền. ý nghĩ ấy làm thầy Trọng ngán ngẩm, buột thở dài. Cặp kính của thầy chẳng nhìn vào bộ đèn chùm pha lê lóng lánh, chẳng để mắt vào những chai rượu thẫm mầu trong tủ kính kia mà nhìn vào khung cửa kính nhạt nhòa ánh đèn. Tất cả những cử chỉ u hoài và trầm mặc ấy của thầy Trọng dường như không lọt qua mắt bà Quý. Nhiều lần bà Quý để ý đến đôi mắt buồn bã qua cặp kính cận trong trong và đã nhiều lần bà tỏ rõ thái độ và tình cảm của mình. Bà Quý muốn san sẻ, an ủi. Bà nhích kề sát sạt bên thầy như đôi tình nhân, cầm cốc nước cam trao tận tay cho thầy.
8 giờ 30, Kiếm đẩy cửa bước vào. Cử chỉ ân cần của mẹ lọt vào cặp mắt ranh mãnh của con. Nó liếc xéo nhìn mẹ và gờm gờm nhìn thầy Trọng, buông lời:
- Tôi về muộn là để hai người tình cảm cho đỡ buồn...
Da mặt thầy Trọng ửng đỏ rồi chuyển màu trắng nhợt, tai tái. Thầy đáp:
- Em lầm lẫn. Nói năng phải đúng mực.
Tim thầy nhoi nhói, nó đập loạn xạ, có cái gì nghèn nghẹt, tưng tức trong lồng ngực. Nhịp thở gấp gáp như hắt hơi ra dù rằng thầy đã cắn chặt làn môi mím lại. Mẹ nó, mặt biến sắc, nói:
- Thằng láo. Bà ngượng ngập nhìn con, thèn thẹn liếc nhìn thầy Trọng. Nhưng rồi bà Quý sợ con thổi phồng chuyện này với bố nó. Tối hôm ấy bà ngon ngọt: - Con đừng bép xép, điêu toa chuyện này với bố.
Nó cười khẩy:
- Con chẳng điêu toa. Thôi được. Nhưng mẹ phải thoáng với con. Hợp đồng đấy. Kiếm thò tay móc xấp tiền trong túi mẹ nó một cách công khai, nói:
- Thỏa thuận đấy!
* Cuối năm học, sắp đến ngày thi mà Kiếm vẫn chứng nào tật ấy. Giờ học nó ngáp vặt, mặt mũi đờ đẫn, mắt đỏ vằn vện. Chuyện nó hít hêrôin, mẹ nó không hay, thầy Trọng cũng chẳng biết.
Dạy nó thế nào đây? Phương pháp sư phạm khơi hứng thú ư? Vô hiệu. Dắt dẫn, khơi gợi? Nó rỗng kiến thức, đành chịu. Lựa cách để nó tích cực, chủ động làm bài? Nó lim dim ngủ. Thời gian gấp gáp, thầy Trọng buộc phải đọc bài giải sẵn, nó chép lia lịa. Thầy nhồi cho nó bao nhiêu là kiến thức mà đầu nó vẫn rỗng không.
Sau ngày hỏng thi tốt nghiệp, cứ năm bữa, nửa tháng, Kiếm lại tìm đến nhà thầy Trọng. Có hôm nó rủ bạn nó cùng đến như để phô trương thanh thế, dễ bề đe dọa.
Lần đầu đến, tay nó mân mê tờ lịch in ngày 20-6 rồi đặt xuống mặt bàn nói?
- Hỏng thi, đời buồn, cần tiền tiêu vặt, thầy thanh toán giúp.
Mặt thầy Trọng tái dại, môi mím chặt, bực dọc, dằn giọng:
- Anh cần đòi bao nhiêu?
- Cần vô biên, càng nhiều càng ít. Nhưng, rách như thầy, tôi nể tình, bao nhiêu cũng ô kê.
Thầy Trọng sục tay vào túi, móc tiền rồi quăng đánh bẹt xấp tiền lẫn lộn các tờ 5 nghìn, 2 nghìn, 1 nghìn, 5 trăm, 2 trăm lên mặt bàn. Kiếm vơ nhanh, tay tỷ mẩn đếm:
- Tiền cám, năm sọi bọ.
- Những lần sau Kiếm đến, thầy Trọng chẳng nói chẳng rằng, vứt tiền ra mặt bàn, lúc hai chục, lúc ba chục, lúc năm chục nghìn. Thằng Kiếm vơ vội, hẹn lần sau gặp lại rồi ra về, miệng huýt sáo giai điệu "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, chưa có bao giờ lòng ta mê say".
* Nửa năm sau, trò Kiếm không đến nhà thầy Trọng nữa. Nó bị công an tóm cùng với lũ bạn hút hêrôin, tham gia vụ án giết người cướp của, bị kết án tù giam.
Thầy Trọng vẫn đến trường, dáng khòng khòng hơn trước, vai nhô cao, mặt hốc hác. Trống vào lớp, chân thầy uể oải như chán mỏi bước đến lớp. Cặp kính cận lồi lồi vẫn không che được ánh mắt ngơ ngác, đờ đẫn, dài dại. Chỉ khi bước vào lớp thầy mới trở nên linh hoạt như xưa. Cầm viên phấn, đứng trước tấm bảng và chính ánh mắt trong trẻo của đám học trò ở lớp như có luồng điện thần diệu dẫn đến cái huyệt tâm linh của nghề thầy đích thực. Giọng thầy lại ấm áp, lúc truyền cảm tha thiết lúc hào sảng sôi động, hút lấy đám học trò yêu văn.
Kết Thúc (END) |
|
|