Những câu chuyện cũ về một vùng đất mới
Ðồng bằng sông Cửu Long là một vùng lương thực chủ yếu của miền Nam. Việc khai thác những tiềm năng phong phú của vùng đất mới này bắt buộc mọi người phải ra sức tìm hiểu nó một cách cặn kẽ. Càng đi sâu tìm hiểu những đặc điểm về lịch sử, về địa lý, về xã hội và đặc biệt là về con người miền Nam, người ta càng thấy việc tìm hiểu này không chỉ là cần thiết, không thể thiếu được mà còn bổ ích và đầy hứng thú đối với các nhà khoa học, các nhà văn hoá và nghệ thuật.
Trong bước đầu tìm hiểu, không ít người đã tìm đọc lại Sơn Nam, đặc biệt là cuốn lịch sử khẩn hoang miền Nam và cuốn Ðồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh Miệt Vườn. Những cuốn sách và những bài báo của Sơn Nam đã giúp người ta đi trở lại những ngày đầu khai phá tìm hiểu những điều kiện thiên nhiên và xã hội của cuộc sống trong vùng, có khi cách nay nhiều thế kỷ, về cách thức làm ăn và sinh sống của con người những thời kỳ ấy.
Sơn Nam kể“truyện đời xưa” nhưng không phải theo kiểu viết sử thông thường. Nói là Lịch sử... nhưng không viết theo niên biểu, anh viết đọc như thể anh có gì thì nói nấy, cần thì nói không cần thì thôi, không nhứt thiết phải đủ lễ bộ, chương hồi cho đầy đủ, cân đối. Ðối với người mới tìm hiểu, chưa có thì giờ vào thư viện lục tài liệu xưa, đọc sách Sơn Nam, thấy rất bổ ích. Thật vậy, sách anh viết, tài liệu vừa đủ để nêu được vấn đề, không nhiều quá làm người đọc phải mệt mà không cần thiết, mà cũng không ít quá để không nắm được gì, viết vui gọn, ngưòi đọc như được thưởng thức một bữa cơm bình dân, trông đạm bạc mà ngon miệng.
Trong đống tài liệu cũ nằm bắt bụi trong những kho lưu trữ, anh tìm ra, chép lại không phải tất cả, mà gạn lọc lấy những cái cần thiết, những cái thiên hạ chưa biết hoặc ít biết, thành ra những cái vốn đã cũ mà vẫn thấy mới là vậy.
Nhưng Sơn Nam không chỉ có những trang khảo luận mà còn có nhiều truyện ngắn, mà một tuyển tập được nhiều người biết đến, có cái tên khá tiêu biểu: Hương Rừng Cà Mau. Cà Mau vùng đất cuối cùng của Tổ Quốc, được kể lại vào cái thời kỳ mà phần lớn diện tích của nó còn là rừng với đủ thú dữ và hiểm nguy nhưng lại đầy hương sắc vì con người miền Nam đã tới đó sinh cơ lập nghiệp.
Về người nông dân miền Nam, đặc biệt là miền Tây, từ Hà Tiên tới mũi Càm Mau, tức là miền đất được khai phá sau cùng. Vì đi tới đây sau cùng, những người khai phá này đã tới những vùng khỉ ho cò gáy nhứt, trước họ không ai thèm làm. Rừng sâu, nước độc, rắn rết hùm beo. Nhưng không thể lùi được vì không còn đất sống nữa người ta mới phải lang bạt tới đây.
Muốn tồn tại, muốn sống sót được trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, con người phải có một sức mạnh tinh thần đáng kể. Không được sự giúp đỡ nào của chính quyền lúc bấy giờ mà còn bị áp bức bóc lột nặng nề, những người phải rời bỏ quê quán tới xứ này phải sớm biết đùm bọc lấy nhau. Sức mạnh tinh thần đó không bắt nguồn từ kinh sách của thánh hiền vì phần lớn những người đi khẩn hoang đều thất học. Ðó là những giá trị tinh thần của dân tộc mà người ta mang từ nơi chôn nhau cắt rún tới đây và được phát triển lên trong hoàn cảnh đấu tranh mới, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên còn thù địch với con ngưòi và chống lại những thế lực áp bức bóc lột cũng thù địch với con người không kém.
Giá trị tinh thần nổi bật trong cuộc đấu tranh này là tình nghĩa giai cấp của những người nghèo, bắt buộc phải xa xứ mà tới đây, cùng nhau lập quê hương mới, nơi ca dao còn ghi lại:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.
Hoặc:
Tới đây xứ sở lạ lùng, Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.
Trong cảnh ngộ đó, con người sống bằng gì?
Bằng cái Nghĩa!
Ngày xưa, ở xứ này, thường nói! Sống phải điệu nghệ!
Theo Sơn Nam, điệu nghê là đạo nghĩa, nói trại ra. Rừng của Sơn Nam có hương là vì vậy. Tình nghĩa giữa con người ở đây không có xuất xứ trong cái cộng đồng làng xã, cái“tâm lý làng” như có người gọi, mà nó rộng hơn, nó sinh sôi nẩy nở từ trong vùng đất mới, khẩn hoang lập ấp, trong đấu tranh khắc phục ngoại cảnh thù địch, chống áp bức bóc lột, nên nó vẫn giữ được cái chân chất thật thà của người lao động gần thiên nhiên mà lại không tủn mủn hẹp hòi. Ðây là một nét đặc biệt nữa mà ca dao còn ghi được:
Dấn mình vô chốn chông gai, Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân.
Lao xao sóng bủa dưới lùm, Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng.
Cái tình nghĩa bốn phương bè bạn này rất sâu đậm, nó thể hiện trong ca dao, trong các làn điệu dân ca và về sau, chúng được gặp lại nó trong Lục Vân Tiên, giữa Vân Tiên và các bạn, giữa Vân Tiên với Tiểu đồng...
Cái tình bạn này đi lièn với cái nghĩa“giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” , mà chúng ta cũng thấy rõ trong truyện Vân Tiên.
Từ trước tới nay, truyện ngắn của Sơn Nam được biết nhiều nhất là qua tập Hương Rừng Cà Mau. Sự thật, Sơn Nam còn viết rất nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên các báo Sài Gòn trong một thời gian dài hàng chục năm chưa được sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu.
Ðối với các bạn trẻ hôm nay, truyện“xưa” của Sơn Nam làm sống lại cảnh đời của cha ông đi khai phá thời trước, sống lại cái không khí hoang sơ mà hào hứng của buổi ban đầu lập nghiệp, theo dõi cách sống mộc mạc mà“điệu nghệ” của ông cha.
Ðối với bạn đọc ở kháp các nơi, những trang khảo cứu và những truyện ngắn của Sơn Nam là những chìa khoá mở cửa vào tâm hồn của người Việt ở miền Nam.
Trên tinh thần đó, chúng tôi chọn để giới thiệu với bạn đọc thêm 26 truyện ngắn của Sơn Nam, trước đây đăng rải rác trên các báo ở Sài Gòn. Những tên truyện được đưa vào tập này, tự nó đủ giới thiệu nội dung:Chuyện Rừng Tràm, Nhứt Phá Sơn Lâm, Con rắn ri voi, Cái ổ ong, Con sấu cuối cùng, Ðơn Hùng Tín chào đời... Như đã nói trên, truyện của Sơn Nam, cũ mà mới. Nói những chuyện cũ của một vùng đất mới, một vùng đất mà khó ai dám nói, kể cả những người sanh trưởng tại chỗ, là đã thật hiểu biết đầy đủ. Mong rằng những truyện ngắn này sẽ góp thêm hiểu biết về miền đất thân yêu của chúng ta.
Kết Thúc (END) |
|
|