ôi lên đường đi Paris vào một ngày tháng tám trời âm u mưa bụi, những ngày Hà Nội đang vào độ đẹp nhất, hương hoa sữa nồng nàn khắp các ngõ nhỏ của thành phố nơi tôi đã sống gần hai mươi năm qua. Tôi vẫn còn nhớ trong làn mưa bụi lành lạnh của mùa thu hôm đó, Hạnh đã đặt vào tay tôi một cành hoa sữa trắng tinh khôi rồi thì thầm: “Ấy phải giữ lấy mùi thơm của hoa sữa ở bên cạnh mình dù đi đến bất kì đâu nhé”.
Đây là lần đầu tiên tớ “tàn nhẫn” ngắt mất một cành hoa đấy”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy nhớ cô bạn cùng lớp với cái khoảng trời nho nhỏ, chật chội của thành phố nhiều đến như thế, ngay cả khi chưa đặt chân lên máy bay.
Học được một năm tại trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, tôi đã xin được một suất học bổng sang Paris với mong muốn được tiếp xúc gần hơn với một nền hội họa và kiến trúc nổi bật của thế giới. Và sự thật thì đây là lần đầu tiên tôi ý thức được việc mình sẽ phải xa Hà Nội một thời gian rất lâu. Hoang mang. Tôi không sợ cuộc sống ở một nơi xa xôi sẽ khó khăn như thế nào, nhưng tôi chỉ lo sợ không biết mình có đủ sức chống đỡ lại với nỗi nhớ quá dày trong tâm hồn hay không. Hà Nội đã sống với tôi nhiều hơn cả một thành phố quê hương, không chỉ là máu thịt mà còn là hơi thở, mạch sống và tâm hồn. Tôi vẫn còn nhớ những bức tranh đầu tiên mình vẽ là hình ảnh chao chao uốn lượn của những con sóng Hồ Gươm. Và tình yêu hội họa, niềm mơ ước vào trường Mỹ thuật của tôi cũng từ những con sóng nhỏ li ti ấy mà lớn lên. Càng gần đến những ngày phải đi, tôi háo hức nhiều nhưng cũng bắt đầu chất chồng lo lắng. Ngay lúc này đây, khi đã yên vị trên máy bay, hít hà không khí ở một xứ sở khác, tôi vẫn còn lâng lâng cảm giác như chân mình đang chạm đất và bước đi thật chậm qua rất nhiều những ngõ nhỏ của mảnh đất quê hương cùng cô bạn có mái tóc thề chấm ngang vai mà tôi vẫn thầm thương mến. Ngồi trên máy bay, tôi đặt bút viết những trang nhật ký đầu tiên về Paris:
“Ngày… tháng 8 năm 2008,
Khoảnh khắc cuối cùng, nó đã xếp chật tất cả các ngăn của trái tim mình hình ảnh của thành phố. Ra đi để rồi sẽ trở về. Hà Nội ơi, chờ tôi nhé!”
Tôi mỉm cười và ép bông hoa sữa vào trong cuốn sổ nhật ký còn thơm mùi phố xá. Lần đầu tiên đến một thành phố đã quá nổi tiếng về sự lãng mạn, tinh tế và tráng lệ, tôi lơ mơ như đặt chân vào một thế giới mang màu cổ tích đậm đặc mà từ bé tôi vẫn nghe mẹ đọc mỗi khi đi ngủ. Paris cũng đông người, nhiều xe cộ qua lại, ồn ào và nhiều nhà cao tầng. Trong những ngày đầu trước khi vào nhập học, tôi đã tự mày mò đi khắp thành phố để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì diệu của một xứ sở thần tiên. Có biết bao nhiêu háo hức được ghi lại chằng chịt, lan man trong cuốn nhật ký của đứa con trai Hà Nội 19 tuổi.
Thành phố yên ả và trong lành quá đỗi khiến tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc, nhưng lần nào giở cuốn sổ ra, nhìn thấy bông hoa sữa, tôi cũng cảm thấy mình đang khuyết thiếu. Thiếu hẳn đi một mùi hương dìu dịu, có gì đó ngai ngái, trầm buồn của mùi thời gian. Bông hoa sữa vẫn còn thoang thoảng hương. Mỗi lần như thế, bước chân tôi bỗng dưng thấy mình lạc lõng giữa một Paris tráng lệ và xa hoa. Đường phố rộng thênh thang nhưng lại chật hẹp quá cho tâm hồn và bước chân đã quen lang thang trên từng góc phố, hàng cây của Hà Nội. Tôi nhớ Hà Nội đến nao lòng, nhớ đến khao khát được nói chuyện với một người Hà Nội trên mảnh đất này.
Công việc học tập của tôi khá thoải mái với nhiều những buổi dã ngoại càng khiến tôi có nhiều cơ hội để tìm hiểu về phong cảnh của thành phố với kiến trúc độc đáo và những ngôi nhà được trang trí cầu kì, tỉ mỉ, tinh tế đúng như phong cách Pháp. Tháp Eiffel cao vời vợi, xưa đến ngây ngất. Dòng sông Seine thanh bình, mộng mơ…. Paris lãng mạn trong từng hơi thở. Ấy vậy mà đứng giữa thành phố này, tôi nhận ra mình không vẽ được. Đúng hơn là không thể vẽ một bức tranh nào có cái thần, cái mà mọi người vẫn gọi là “mắt” của bức tranh. Dù bạn bè cùng lớp có khen nhưng hầu hết những bức tranh này, tôi đều thấy thiếu thiếu cái gì đó, tôi chịu không tìm ra. Thế là chúng cứ nằm im lìm trong chiếc tủ gỗ chật chội và tăm tối của tôi ở trong khu tập thể giành cho sinh viên.
Thời gian trôi không chậm chạp như tôi nghĩ. Tôi bị cuốn đi với việc học hành và vẽ tranh. Thời gian rảnh rỗi, tôi xin làm thêm cho một cửa hàng bán tranh, và đó là nơi mà lần đầu tiên tôi đã có cơ hội gặp em – một cô gái gốc Hà Nội.
Vi bước vào phòng tranh để đặt chép lại một bức tranh. Cô gái có mái tóc vàng hoe với làn da trắng xanh xanh. Nhìn dáng đi, đứng và lắng nghe cách nói chuyện của cô sẽ nghĩ ngay cô là một cô gái Pháp thực sự, nhưng chỉ cần để ý một chút khuôn mặt của cô sẽ biết ngay cô là một cô gái châu Á đích thực. Chỉ có điều, không ai nghĩ Vi là một cô gái mang quốc tịch Pháp nhưng lại mang dòng máu Việt Nam hoàn toàn.
- Tôi muốn nhờ ông chép hộ tôi bức tranh này càng nhanh càng tốt, vì tôi đang cần gấp. – Vi nói với ông chủ hàng tranh trong khi tôi đang lúi húi lau chùi lại những bức tranh cũ.
- Này, cậu giúp cô gái này nhé. – Ông chủ cửa hàng vẫy tay gọi tôi rồi nói luôn với Vi. – Cậu ấy vẽ tranh rất đẹp, cô hãy trao đổi cụ thể với cậu ta yêu cầu của cô.
Thấy cô gái có vẻ còn do dự, ông ta nói thêm:
- Cô có thể yên tâm hoàn toàn về chất lượng.
- Tôi muốn anh chép lại bức ảnh này sao cho thật sắc nét. Đặc biệt chú ý vào đôi mắt nhé, vì đó là điều đẹp nhất của mẹ tôi. – Vi vừa nói vừa đưa bức ảnh đã có đôi chút bị ố cho tôi.
Ngay từ đầu khi mới nhìn cô gái này tôi đã có một cảm giác khá lạ, cảm giác như bắt gặp một điều gì đó quen thuộc mà lâu nay mình vẫn nhớ nhớ. Tôi buột miệng nói một câu tiếng Việt:
- Mắt cô ấy rất giống mắt mẹ mình.
- A, anh nói được tiếng Việt ạ? – Mắt cô gái tròn xoe nhìn vào đôi mắt tôi cũng đang ngạc nhiên không kém gì cô ấy. Lúc ấy, tôi chỉ biết im lặng nhìn từ đầu đến chân cô gái mà tôi vừa tình cờ gặp. Một cô gái trông rất Pháp nhưng lại mang dòng máu Việt Nam từ tận nguồn cội.
- Em là người Việt Nam thật sao? – Có lẽ khi ấy tôi vui quá nên có phần luống cuống. Tôi vẫn nghĩ thầm trong đầu: “Cô bé này nói tiếng Việt lơ lớ. Sao mà mất gốc thế?” Quả đúng là như vậy. Vi nói bập bõm tiếng Việt, câu được câu chăng cứ y như người gốc Pháp học ngoại ngữ, bởi vậy mà dù gặp một cô gái Việt Nam đàng hoàng đấy mà tôi vẫn phải giao tiếp bằng tiếng Pháp. Điều này khiến tôi khá mất hứng.
- Em cứ để bức ảnh lại đây. Chỉ trong tối nay tôi sẽ cố gắng vẽ xong. Ngày mai em có thể đến lấy vào buổi chiều, vì tôi chỉ làm thêm buổi chiều ở đây thôi.
Nghe tôi nói vậy, không hiểu sao cô bé lại có phần hơi xìu xuống, nhưng rồi cô bé cũng đứng lên xin phép ra về.
- Tên Việt Nam của em là Tường Vi, là tên mà ông ngoại em đặt cho đấy. – Vi ngoái lại nhìn tôi cười buồn buồn và nói trước khi bước ra khỏi cửa hàng.
Còn lại một mình với bức tranh, tôi cảm thấy người phụ nữ này có điều gì đó quá gần gũi với tâm hồn mình, trông bà giống hệt hình ảnh của mẹ tôi hồi trẻ. Trong đôi mắt bà, có cảm giác lăn tăn sóng Hồ Gươm vào những buổi chiều mùa thu xanh đến diệu vợi.
Tôi chép lại bức tranh, nhưng thực chất tôi đã vẽ. Tôi vẽ theo trí nhớ của mình về một người mẹ đã mất từ khi tôi mới lên 6 cùng với những hình ảnh chụp lại, và in đọng lại trong tâm trí tôi từ khoảnh khắc đầu tiên về người phụ nữ này. Bức tranh đẹp. Đã lâu lắm rồi, tôi mới thực sự cảm thấy hài lòng về vẻ đẹp mà mình đã truyền lại được trên trang giấy với chắp ghép những mảng màu khác nhau.
Buổi chiều hôm ấy, tôi bọc bức tranh cẩn thận trong một tấm vải màu đỏ khổ to. Vừa đến cửa hàng đã thấy Vi chạy ra:
- Em đã đợi anh ngoài cổng hơn một tiếng rồi.
- Sao em đến sớm vậy?
- Em tan học sớm, và cũng vì hồi hộp về bức tranh của mẹ nên em chỉ muốn thật nhanh để gặp anh.
- Vào cửa hàng đi, tôi sẽ cho em xem.
- Anh đi dạo với em nhé. Em chưa bao giờ được nói chuyện với một người Việt. Vi dẫn tôi đến một vùng hồ cách trung tâm thành phố hơn 20 km. Nước xanh miên man hệt như màu nước Hoàn Kiếm mà chiều nào tôi cũng nhớ thương đến nao lòng. Tiếng sóng lẫn vào trong tiếng gió tạo nên những âm thanh nhẹ nhẹ nghe vui tươi và bình yên đến lạ lùng. Nghe tiếng gió rất thân quen thổi từ đâu đó trong tâm hồn mình.
- Em xem tranh đi. Vì cười rồi rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy bức tranh:
- Anh vẽ mẹ em đẹp quá. Còn đẹp hơn cả chụp ảnh nữa.
- Em cũng thấy vậy sao?
Vi gật đầu rồi gấp bức tranh lại cẩn thận:
- Mẹ em sẽ rất thích. Cảm ơn anh nhiều lắm. Đang lòng vòng trên đường ven hồ thì đột nhiên Vi dừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi nói:
- Anh dạy em tiếng Việt nhé! Trước đây mẹ nói em không cần phải học tiếng Việt nên không bao giờ nói tiếng Việt trước mặt bọn em. Số tiếng Việt mà em biết là do tự học trên mạng cùng mấy người bạn Việt Nam mà em quen qua yahoo thôi.
- Bố mẹ em không thích Việt Nam à?
- Từ ngày ông mất, không ai được phép nhắc đến hai từ Việt Nam và Hà Nội trong nhà nữa. - …
- Anh ở Việt Nam chắc là đã từng đến Hà Nội?
Tôi gật đầu, Vi lại nói tiếp:
- Quê em ở Hà Nội đấy.
Nghe Vi nói 4 từ đấy mà lúc đó thề có Hồ Gươm, tôi đã muốn ôm ngay cô bé vào và kể cho em ngàn ngàn nỗi nhớ thương, thèm khát của tôi về mảnh đất ấy.
- Anh là người Hà Nội.
Nói xong câu đó, tôi hoảng hốt khi Vi nhảy lên rồi quay sang… ôm chầm lấy tôi:
- Anh nói thật chứ? Có thật là nhà anh ở Hà Nội không? Thật không anh? Cứ như vậy, Vi liến thoắng vạch ra cả một đống ý tưởng mà nguyên văn theo lời cô bé nói “nhờ anh giúp em thực hiện”.
- Anh sẽ dạy em học tiếng Việt, để em có thể nghe và hiểu được những bài hát về Hà Nội. Nói chuyện với mấy bạn Việt Nam và đọc qua sách báo em thấy mọi người đều nói những bài hát về Hà Nội đều rất hay. Anh nhất định phải kể thật nhiều chuyện về Hà Nội cho em nghe nhé. Ngày trước nghe lời mấy người bạn trên mạng em có vào Google gõ “Hà Nội”, “Ha noi” mà toàn ra nhiều trang web Việt thì em không biết đọc thế nào. Anh phải giúp em nhé!…
Đôi mắt cô bé tròn xoe, tinh nghịch, càng nhìn càng thấy rõ vẻ háo hức đến hồn nhiên kì lạ. Vi cứ cầm chặt tay tôi, lắc lắc không chịu buông, trông cô lúc ấy hệt như một đứa trẻ thích nhõng nhẽo: “Anh dạy em nhé, nhé…”. Tôi bật cười, gật đầu.
Bạn đang đọc truyện tại website Truyen186.Com - Website đọc truyện dành cho di động
Vi thừa hưởng tất cả những gì người ta gọi là tinh hoa của con gái Pháp. Cô bé của tôi không cười e ấp mà lúc nào cũng tròn xoe đôi mắt cùng nụ cười thành tiếng trong veo. Vi là một hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời. Bây giờ tôi mới biết cách Vi yêu Paris cũng hệt như cái cách mà tôi yêu thành phố của tôi.
Cô bé nói đến Paris trìu mến hệt như khi nhắc đến một người tình thân thiết. Và quen Vi, tôi thực sự đã tìm thấy một Paris hoàn toàn khác – một Paris cũng đầy những khoảng tối, nghèo nàn nhưng nhiệt huyết tình người.
Để đáp lại Vi, tôi cố gắng tận dụng mọi thời gian rảnh có thể để dạy Vi tiếng Việt và kể cho Vi nghe rất nhiều những câu chuyện về Hà Nội – một miền quê xa vời vợi mà cô vẫn hàng mơ về. Trái tim cô bé còn nhạy cảm hơn cả tôi trong những khoảnh khắc mỏng manh của tình yêu thương. Vẫn còn nhớ có lần tôi cho cô xem cả một album ảnh chụp Hà Nội mà tôi đã lê la ngày qua ngày để “bắt” từng khoảnh khắc đẹp nhất, Vi đã khóc. Giọt nước mắt của một niềm yêu thương tự nhiên tồn tại bên trong tâm hồn khi có cơ hội thì bật ra.
- Hà Nội cái gì cũng bé nhỏ quá anh nhỉ?
- Em có khi nào nghĩ mình sẽ về lại Hà Nội không?
- Có.
Vi không nói nhiều. Nếu như trước đây mới quen tôi, cảm xúc của cô bồng bột phát tất cả ra bên ngoài thì càng làm bạn với cô bé lâu, tôi càng thấy Vi giống con gái Hà Nội quá. Niềm vui cũng dịu dàng. Đằng sau cái vẻ mặt rất Tây, những hành động tự tin có phần đỏng đảnh, là một Tường Vi trong sáng, mong manh.
Những ngày tháng 3, tháng 4, có hôm trời Paris lạnh căm căm, nhưng Vi vẫn chịu khó đi tàu điện ngầm sang cửa hàng tranh mà tôi làm để học tiếng Việt. Lần nào học Vi cũng kêu “Tiếng Việt khó quá”, “Eo ơi, đọc luyến láy thế anh nhỉ”… ấy thế mà ngày nào cô bé cũng luyện tập. Chúng tôi đã bắt đầu tập nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Nghe cái giọng lơ lớ của em, tôi cười, thoảng một chút buồn buồn. Những khi ấy, tôi lại muốn nghe cái giọng nhẹ như gió, trầm ấm và thơm nồng nàn như hoa sữa của Hạnh.
- Tại sao ông ngoại lại đặt tên em là Tường Vi?
- Ông nói, ngôi nhà cũ của nhà em hồi trước ở Hà Nội trồng nhiều hoa Tường Vi lắm. Ông nhớ ngôi nhà ấy nên đặt tên em là Tường Vi để lúc nào cũng được giữ nỗi nhớ bên mình. Em thích cái tên này vô cùng, nhất là khi ông mất, mỗi lần viết tên mình ra, em cứ như nhìn thấy nụ cười móm mém của ông lúc ông dạy em viết chúng. Tường Vi cũng là hai từ tiếng Việt đầu tiên mà em học đấy. Vậy mà mẹ em thì không hề thích cái tên đấy. Không bao giờ mẹ gọi em là Vi mà lúc nào cũng là Ann yêu quý của mẹ.
- Em có biết tại sao không?
- Ông nói, vì Hà Nội mà bà mất nên mẹ ghét Hà Nội. Nhưng em không tin. Mẹ chắc chắn vẫn yêu Hà Nội lắm. Có điều gì đó mà mẹ vẫn giấu em.
- …….
- Sao anh lại im lặng?
Những khi tôi im lặng, cô bé vẫn kéo kéo tay tôi và nhìn tôi cười đầy ẩn ý: “Có thể mẹ em sợ Hà Nội.” Một khoảng trắng bất chợt hiện ra trong những mảng kí ức về những ngày tháng qua ở Paris hiện ra trong đầu tôi. Chợt khi ấy tôi mới hiểu rằng, Paris của tôi chính là hình ảnh của một cô gái Việt Nam, không mặc áo dài trắng nhưng vẫn toát lên vẻ tinh khôi của một màu trắng ẩn đi ở một nơi nào đó sâu thẳm trong tâm hồn.
Tôi lấy từ trong cuốn nhật ký của mình ra cành hoa sữa đã được ép khô tặng cho Vi:
- Đây chính là loài hoa tuyệt vời nhất của Hà Nội em ạ. Anh tặng cho em để em nhớ nhé.
- Khi nào thì Hà Nội có hoa này ạ?
- Mùa thu. Từ tháng 8 đến tầm cuối tháng 10. Sang năm vào Đại học rồi, em sẽ về Việt Nam tầm
khoảng đó. Chắc sẽ được ngắm hoa sữa.
- Khi nào anh Hoàng về Việt Nam thì Vi mới về. Anh phải làm hướng dẫn viên du lịch cho em chứ.
- Hà Nội không cần hướng dẫn viên em ạ.
- Tại sao?
- Vì đó là quê hương em. Em sẽ không bao giờ đi lạc trên chính mảnh đất quê hương của mình cả. Những ngày ở bên cạnh Vi là những ngày tôi cảm thấy những khuyết thiếu của mình được lấp đầy nhất. Thời gian tôi dành cho em còn nhiều hơn thời gian để tôi tự mình gặm nhấm nỗi nhớ về Hà Nội của mình. Tôi đã chia nỗi nhớ cho em, để em giữ hộ tôi và để em biết Hà Nội cũng thuộc về em. Có em mà tôi không cô đơn trên mảnh đất này.
Em khác tất cả những du học sinh người Việt mà tôi gặp ở Paris. Em vừa xa xôi vừa thân thiết. Có đôi lần, khi đi dạo cùng em trên con đường mòn dẫn quanh hồ nhỏ bé ấy, tôi đặt nhẹ một nụ hôn lên mái tóc em. Và khi đó em cười, cười mỉm rất xinh: “Em thích anh hôn lên trán em, bởi vì nó sẽ giống như một nụ hôn của niềm tin tưởng và động viên sâu sắc”.
Những trang nhật ký dài của tôi chi chít tên cô bé đáng yêu ấy. Vì điều gì từ Vi càng khiến tôi nhớ nhung Hà Nội da diết.
Một năm trôi qua cũng nhanh như một vệt nắng xuyên qua bầu trời. Thoáng chút Paris đã chuyển sang những ngày hè đầy gió, trong lành. Nhưng tôi thèm trở về Hà Nội. Tháng 8, hoa sữa chắc đã nở nhiều rồi. Dạo này mở mail ra ngày nào tôi cũng nhận được tin nhắn hoặc thư của Hạnh và một vài người bạn nữa đang ở Hà Nội. Trời Hà Nội có lẽ xanh lắm. Tròn một năm, vậy là tôi lại sắp được trở về mảnh đất của chính mình. Khi tôi nói ra việc này, Vi chạy như bay trên phố, cứ y như một đứa trẻ con được mẹ khen hay tặng quà đẹp vậy.
- Nếu nói về Việt Nam, mẹ em sẽ không bao giờ đồng ý.
- Em chưa nói với mẹ sao có thể biết sẽ như vậy.
- Anh có muốn gặp mẹ em không? Gặp mẹ rồi anh sẽ hiểu. Tối hôm đó, Tôi về nhà Vi ăn tối. Một ngôi nhà đẹp. Thực sự là đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhưng vẻ đẹp của mẹ Vi còn khiến tôi ngỡ ngàng hơn nhiều. Sống ở Pháp hơn 20 năm rồi, bà vẫn giữ nguyên được cái đậm đà trong nhan sắc và cách cư xử khiến chính bản thân tôi cũng phải cảm thấy bối rối. Tôi nói bằng giọng Việt Nam, và nhận ra giọng mình đang run lên bần bật:
- Cháu chào cô ạ.
Nhưng nhìn thấy tôi và nghe tôi nói, người phụ nữ ấy có vẻ thay đổi sắc mặt:
- Cậu là người Hà Nội?
- Vâng. Cháu ở phố Nhà Chung.
Cả buổi hôm đó, tôi đã trải qua rất nhiều những cảm xúc trong suốt cuộc gặp gỡ với người phụ nữ ấy: vừa quý mến, vừa giận, vừa thương, vừa xót xa. Gia đình Vi không dùng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày, Họ nói hoàn toàn bằng thứ tiếng Pháp xa xôi, cứ y như những năm Hà Nội đang còn trong thời kỳ Pháp thuộc vậy.
Họ không có thiện cảm với tôi, còn tôi thì đang cố gắng để lý giải tại sao họ lại phủ nhận thành phố mà tôi tin chắc rằng họ vẫn còn nhớ thương nhiều đến như vậy. Họ có cơ hội để trở về, nhưng họ không làm thế. Và họ cấm cả đứa con gái nhỏ bé của họ có quyền biết về quê hương của cô ấy. Họ đang tàn nhẫn với cô ấy và với chính bản thân họ nữa.
Không cần phải hỏi, phải nói gì tôi cũng biết bố mẹ Vi phản đối chuyện Vi về Hà Nội. Nhưng Vi khác họ. Em hoàn toàn có thể quyết định được và chịu trách nhiệm được mọi hành động của mình khi em đã đến tuổi 18. Không ai có thể ngăn cấm được việc em trở về Hà Nội.
Ngày lên máy bay về Hà Nội, Vi khóc.
- Em sợ xa Paris lắm. Và em cũng hồi hộp vì sắp trở về quê hương mà mình chưa bao giờ được bước đi thật sự ở đó.
- Vì thế mà em khóc à? – Tôi cười, xoa đầu Vi.
- Vâng. – Vi khóc một hồi rồi ngủ thiếp đi, trong khi tôi không tài nào ngủ được. Paris đã bỏ lại hoàn toàn ở phía sau. Tôi đang trở về với thành phố của tôi, tâm hồn của riêng tôi. Lắng tai nghe đâu đây tiếng hát trầm ấm đến day dứt của Ngọc Tân: “Mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về lấy cho mình dù chỉ là một chút bóng đêm trên đường phố quen, dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…”. Hà Nội ơi! Tôi đang mang về đây một trái tim còn nguyên vẹn sự ấm nóng của ngày ra đi. Hà Nội sẽ nắng tươi trong khoảnh khắc tôi trở về.
Niềm yêu thương vẫn vẹn nguyên trong từng hơi thở. Có đi xa rồi mới biết nơi nào mới là nơi thuộc về mình. Nỗi nhớ như sóng lặn sâu vào tận sâu bên trong tâm hồn, chỉ chờ đợi có cơ hội để bung tỏa ra. Tôi cảm nhận được mùi thơm của hoa sữa. Cảm nhận được màu xanh nõn nà của liễu Hoàn Kiếm. Và Tháp Rùa vẫn còn đó, vẫn buồn một nỗi buồn trầm mặc từ ngàn xưa.
Nghe một giọng nói tiếng Việt thông báo máy bay sắp về đến Hà Nội, một cảm giác lâng lâng ùa về khiến tôi không thể nào kìm chế nổi. Vi cũng háo hức – niềm háo hức của một người con lần đầu tiên trở về với mẹ, đang tự hỏi không biết Hà Nội như thế nào? Còn tôi, trong tôi chỉ muốn hét lên: “Hà Nội ơi, lâu quá không gặp”…
Bạn đang đọc truyện tại website Truyen186.Com - Website đọc truyện dành cho di động
Sân bay Nội Bài nắng và ngập đầy gió. Nắng mới vàng rợm có chút hanh hao của một mùa thu mới. Và gió thổi hương đầy đậm đà từ sông Hồng lẫn với biết bao nhiêu xanh non biêng biếc của ngô, khoai. Tôi thả lòng mình hoàn toàn với tất cả những điều gần gụi và thân thuộc quá đỗi. Tôi trở về là chính tôi trong vòng tay của thành phố.
Sau một hồi giải thích sơ sơ về một cô gái lạ đi cùng tôi từ Pháp về với Hạnh và những người thân trong gia đình, tôi nhận ra mọi người đều rất háo hức và có nhiều thiện cảm với cô bé. Tôi gửi gắm Vi cho Hạnh. Tự nhiên như vốn dĩ đã quen từ đã lâu rồi, họ quấn quýt nói không hết chuyện. Thật không thể ngờ được Vi lại học tiếng Việt chăm chỉ đến như vậy. Tôi và mọi người không còn phải nghe em nói cái giọng lơ lớ nữa tây nữa ta nữa mà phát âm của em đã có những điểm nhấn thanh, luật rõ nét.
Về Hà Nội tôi và Hạnh dẫn em lê la khắp các con phố. “Một thành phố xưa cũ, bé nhỏ và gần gũi.”
- Em thì thầm vài tai tôi những điều như vậy. Trong những lần tôi và Hạnh dẫn em đến những nơi quen thân và nổi tiếng của Hà Nội, em thường hay hỏi tôi những câu hỏi vu vơ có nhiều phần hơi ngốc nghếch: “Em cứ tưởng hồ Gươm tĩnh lặng lắm, vậy mà cũng ồn ào thế”, “Hà Nội sao mà nhiều xe máy thế”… Đôi khi tôi hơi cáu và thầm nghĩ: “Em không cảm nhận được những gì mình nói hay sao mà lại hỏi những câu hỏi hiên nhiên ngớ ngẩn thế không biết?” - Tất cả những nơi mà mọi người đưa em đến em đều rất thích, nhưng em vẫn có cảm giác gì đó thiếu thiếu?
Hạnh nhìn tôi có vẻ lo lắng khi nghe cô bé nói như vậy. Nhưng tôi cười, bởi có lẽ tôi đã hiểu vì sao em lại chưa cảm nhận hết về Hà Nội. Không phải tại thời gian còn ít, không phải tại chúng tôi không truyền hết tình yêu Hà Nội cho em. Nhưng điều quan trọng nhất, muốn thực sự hiểu và sâu sắc với bất kỳ điều gì, mỗi người đều phải tự mình khám phá bằng cảm xúc và cảm giác của chính mình.
Chỉ có như vậy tình yêu mới tự sinh ra và lớn lên. Cũng như một nhà thơ nào đó đã viết: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội. Hà Nội tự sinh và tự lớn ở trong tôi” – tình yêu giản dị và tự nhiên chính là tình yêu lâu bền nhất.
- Từ ngày mai anh và chị Hạnh bận nên Vi chịu khó đi một mình nhé. Tiếng Việt của em thạo rồi nên không có gì phải lo lắng cả.
- Làm vậy có được không? Đây là lần đầu tiên Vi sang Hà Nội mà. – Hạnh lo lắng.
- Không sao đâu ạ. Anh chị bận thì cứ đi. Em tự lo cho mình được mà.
Tôi đặt hai tay lên đôi vai xương xương của Vi và nhìn thẳng vào đôi mắt biết cười rất tươi của em, nói: “Vi hãy tự mình bước đi ở đây nhé.”
Những ngày sau không gặp Vi, tôi và Hạnh ngồi ôn lại những kỉ niệm cũ và kể cho nhau nghe biết bao nhiêu điều để mong lấp cho đầy những khoảng trống nhớ thương suốt hơn một năm qua. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, khi nhìn về phía cô ấy, tôi lại thấy tim mình run lên từng hồi, nhẹ nhàng nhưng nghèn nghẹn.
- Hà Nội của mình vẫn khỏe. Ấy cũng vậy nhỉ. Hà Nội ngày nào cũng nhớ ấy nhiều lắm.
- Còn Hạnh, Hạnh có nhớ tớ không?
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đen buồn buồn mà bao lâu nay tôi vẫn nhớ thì thầm vào tai em: “Tớ rất nhớ Hạnh”, Hạnh mỉm cười và đưa bàn tay cho tôi. Tôi siết chặt tay em, như siết chặt một Hà Nội trong niềm hạnh phúc của ngày trở về.
Vi tự mình đi lòng vòng quanh Hoàn Kiếm, chân mỏi rã rời nhưng vẫn đi. Nước Hoàn kiếm xanh ngắt. Những gốc cây già nua xù xì ôm bọc xung quanh hồ như một người mẹ dang rộng hai cánh tay của mình để che chở cho đứa con bé nhỏ và yếu ớt. Trong khoảnh khắc của buổi chiều ta rơi xuống, mầu trời xam xám ôm ghì lầy bờ hồ.
Vi ngồi lặng yên trên một chiếc ghế đá ngoài mép gần hồ nhất, thả trôi mọi cảm giác của mình trên dòng sóng nhỏ lao xao theo gió. Chiều xuống. Hoàng hôn in hằn những dấu vết hoàng mang buồn bã lên mặt hồ. Một chút gió lùa vào da thịt qua chiếc áo mỏng. Vi khẽ rùng mình. “Chiều Hà Nội đẹp và tĩnh quá”. Bỏ mặc cho phố xá ngoài kia vẫn cứ bụi bặm và ồn ào, lá và gió Hoàn Kiếm vẫn yên tĩnh đến kì lạ.
- Ông có thể ngồi đây cùng cháu không?
- Dạ.
- Cháu từ đâu đến?
- Cháu từ Paris về. Cháu là người Hà Nội ạ.
- Cháu ở phố nào?
- Nhà cháu chuyển sang Pháp từ hồi ông ngoại cháu cơ, nên cháu cũng không biết nữa.
- Có những người sống ở Hà Nội gần hết đời người như ông cũng không bao giờ dám đi đâu xa Hà Nội. Nhớ và thiếu lắm. Nhớ cả một cốc trà đá vỉa hè vào mỗi sáng ở góc phố này nữa. Phải xa quê, chắc ông cháu cũng buồn lắm.
- …
- Mỗi người là một linh hồn của một mảnh đất cháu ạ. Cháu có ngửi thấy mùi thơm của phố không?
- Dạ?
- Mùi thơm của hoa sữa đấy cháu ạ. Sáng nào ngủ dậy ông và bà cũng phải hít hà lấy chút hương thơm còn đọng hơi sương ấy, để giữ cho đầy bình yên… Khi cháu thực sự hiểu về Hà Nội, cháu sẽ hiểu những gì ông nói thôi cô bé ạ. Cháu mới chỉ có rất ít thời gian mà.
Lần đầu tiên Vi cảm nhận Hà Nội sâu sắc đến chừng ấy từ một người đã quá thấm cái hồn Hà Nội vào mình rồi. Cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Tiễn ông về, Vi thấy nhớ ông ngoại của mình với những câu chuyện về Hà Nội xưa cũ mà khi còn sống ông vẫn hay kể cho cô nghe. Ông cụ đi tập thể dục đã tặng cho Vi một chiếc lá sấu vàng rơi trên phố: “Để cháu biết Hà Nội cũng nhỏ bé và mong manh như một chiếc lá. Nhẹ nhàng thôi nhé. Chúc cháu bình an”. Có lẽ cuộc gặp gỡ này cũng là duyên phận, để cô có thể đến gần hơn với điều khuyết thiếu mà mình đang tìm kiếm.
- Cháu cứ để cho bước chân của mình tự do đi trên những con phố của Hà Nội, rồi cháu sẽ nhận ra tâm hồn con và Hà Nội tìm thấy nhau ở đâu.
Hà Nội vào đêm. Phố dần vắng hơn trong làn hơi sương mỏng manh của mùa thu heo may gió. Hương hoa sữa ban ngày có vẻ như bị chìm khuất đi bởi quá nhiều những ngột ngạt khác của cuộc sống. Nhưng đêm xuống, theo làn gió mỏng hoa sữa thơm nồng hơn, đậm đà hơn. Vi chủ tâm đi tìm những cây hoa sữa trên các con phố Hà Nội. Theo lời của ông cụ khi nãy thì nơi có những gốc hoa sữa lâu đời nhất của thành phố này chính là phố Quang Trung và Nguyễn Du. Vi đứng lặng đi khi nhìn những gốc hoa sữa già nưa, sần sù như đã có mặt trong cuộc đời này cả nghìn năm trời. Những cây hoa sữa cao vời vợi, hoa nở thành từng chùm trắng đến nghẹn ngào. Vi bước rất nhẹ quanh những gốc cây ấy, dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình nhặt rất nhiều những bông hoa trắng rơi trên nền đường cho vào túi áo.
“Hoa sữa thơm nồng như thổi hương thời gian từ rất xa xưa về. Mùi hương của hoa sữa, quen quá! Hình như mình đã ngửi thấy rất nhiều lần từ đâu đó. Mình cảm nhận được nó, rất gần. Mùi hương toát ra từ chính đôi mắt rất buồn của mẹ? Phải chăng chỉ có người Hà Nội mới tỏa ra cái mùi nồng nàn, đằm thắm đến chừng ấy. Chỉ khi thật nhẹ nhàng đi dưới những vòm hoa sữa rất già này mới nhhìn thấu rất sâu tâm hồn. Mình đã tìm ra điều gì đang thiếu trong chính tâm hồn mình rồi. Phải rồi, một mùi thơm Hà Nội. Chỉ có khi đi dưới những vòm hoa sữa này mình mới thực sự tìm thấy điều đó”.
Vi đi rất lâu quanh những hàng cây hoa sữa ấy. Lần đầu tiên sau những ngày về Hà Nội Vi cảm thấy mình thực sự thuộc về nơi này. Cô cảm thấy nhớ mẹ da diết. Vi gọi điện thoại đường dài cho mẹ, chỉ để nói duy nhất một câu: “Con đã tìm được mùi thơm của tâm hồn Hà Nội mẹ ạ”. Dập máy nhưng Vi biết mẹ sẽ không giận vì cô hiểu chỉ cần như thế thôi, cô sẽ đánh thức tất cả trong mẹ. Mẹ yêu Hà Nội, mẹ không có quyền phủ nhận hay chạy trốn nó nữa.
Đêm đó Vi gọi cho tôi và Hạnh rủ đi chụp ảnh phố đêm. Khi cả ba anh em đang ngồi uống trà đá ở phố Trần Hưng Đạo, Vi thủ thỉ:
- Em đã tìm được Hà Nội thật sự của em rồi.
- …
- Dưới những vòm hoa sữa này đây. Khi bước chân dưới những vòm hoa thơm nồng nàn này em đã nhận ra rằng, đó là khi Hà Nội tròn đầy nhất. Hình như ai đã từng sống với mảnh đất này sẽ đều tự nhiên gắn bó đến bất tận và dù đi đến đâu cũng vẫn mãi mang theo mùi thơm của hoa sữa – mùi thơm Hà Nội bên cạnh mình. Có lẽ, hôm nay em cũng đã gặp một người như thế. Em cũng cảm nhận được mùi thơm đó toát ra từ anh chị. Dịu dịu, ngọt ngọt.
Hạnh nắm tay và ôm Vi thật chặt:
- Em cũng mãi thuộc về nơi này, dù em có đi đâu, cô bé ạ.
- Phải rồi, em là một phần của Hà Nội mà.
Năm nay hoa sữa nở nhiều lắm. Và đêm nay những cánh hoa sữa nhỏ li ti cứ theo gió bay đi như những bông hoa tuyết rơi thật nhiều trên phố.
- Lâu quá rồi không có cảm giác này. Cảm ơn hai người vì đã trở về Việt Nam.
- Sao chị lại cảm ơn?
Kết Thúc (END) |
|
|