Nhìn ra ngoài chỉ thấy mờ trắng toàn hơi nước, và nổi lên lất phất những ngọn tre lá toẻ ra hai bên như cái chổi lông gà. Chúng tôi có ba người, pha một bình trà đặc nói chuyện với nhau. Đồng chí Nam, tổ trưởng một tổ sản xuất, và Hòa ở trong tổ máy kéo mới đến đây được một tuần để cày mấy chục mẫu đất chuẩn bị cho vụ gieo ngô mùa thu. Lần đầu tiên tôi quen Hòa vào một buổi sáng tôi xin ngồi nhờ đầu máy kéo. Anh nhìn tôi bằng con mắt rất dài và đen:
-Dầu máy giây vào quần áo khó giặt lắm đồng chí ạ. Không hiểu vì lẽ gì tôi thấy mến anh ngay, và thầm nghĩ mình có thể trở thành bạn thân của anh được. Tôi leo phắt lên quàng tay giữ lấy cái lưng ghế bọc da, hỏi nhỏ:
-Đồng chí tên gì?
-Hòa.
-Đã đến hai mươi tuổi chưa? Hòa quay nhìn tôi cười, hàm răng to và thưa, trắng bóng:
-Lính nông trường không còn trẻ lắm đâu, hai mươi ba rồi đấy.
-Cũng còn trẻ chán ! Tiếng máy nổ ầm ì nhưng rất vang khiến hai chúng tôi không thể nói chuyện tiếp được. Từ hôm đó hễ có dịp gặp nhau anh chỉ nhìn tôi cười mỉm, rồi lại bận bịu vào công việc, cho mãi tới tối nay....Khói thuốc lá, hơi nóng của nước trà, sức nặng của mưa rơi và cái im lặng của chung quanh dễ khêu gợi những kỷ niệm mà thường ngày bị chìm đắm trong những công việc kế tiếp nhau lướt đến. Nhưng chưa ai biết nên bắt đầu câu chuyện như thế nào, tôi lại hỏi Hòa cái câu thường lệ của những người mới làm quen nhau:
-ông cụ bà cụ sinh ra đồng chí còn cả chứ? Ai ngờ cái câu tưởng như nhạt nhẽo ấy lại là đầu mối của một câu chuyện.
-Bố mẹ tôi còn cả, nhưng hai bố con tôi mới gặp nhau được có vài năm nay. Và cũng nhân cái không khí thuận lợi của một tối mưa, anh bắt đầu kể. "Một tối thứ bảy vào cuối năm 1955 tôi nhận được thư của u tôi nhờ đứa cháu họ viết báo tin bố tôi đã về, hiện ở bộ đội và đề cả địa chỉ đơn vị của bố tôi. Chỉ một buổi tối mà tôi xem đi xem lại mấy dòng chữ đột ngột ấy có đến vài chục lượt, vừa nghi hoặc, vừa lạ lùng, mênh mang một ý nghĩ mơ hồ hình như bức thư này không phải gửi cho tôi, có lẽ của một người nào khác trùng tên họ. Trong đám sương mù của quá khứ thường hay loé lên những tia chớp trong một lúc chiếu sáng nhiều đoạn hình ảnh thuộc về những kỷ niệm đã qua, song chưa bao giờ tôi thấy có một hình ảnh rõ rệt, đậm nét về người bố. Từ năm lớn lên tôi chỉ biết có một bà mẹ, một chị gái và một anh trai.
Đấy là những người thân nhất, người của gia đình. Bà mẹ tôi thương các con, hy sinh vì các con, nể các con. Bóng dáng một người mẹ tần tảo, chịu đựng, hiền hậu xâm chiếm trái tim chúng tôi từ ngày còn thơ ấu, ảnh hưởng đến cả cách sống của gia đình, mẹ bảo ban các con, anh chị khuyên răn em, trìu mến lẫn nhau, thương xót nhau. Nếu đôi lúc có nghĩ tới một người bố xa lạ nào đó, thì tôi tin ngay rằng bố tôi đã chết từ lâu rồi, từ năm tôi mới đẻ. Nào ngờ bố tôi hãy còn sống, đã trở về tìm đến với gia đình, và ông cụ cũng là một quân nhân (tôi vẫn không sao tin ngay được chuyện đó có thật). Sự xúc động lúc đầu thật mạnh mẽ, đến choáng váng, vừa sung sướng, vừa hãnh diện, nhưng liền sau đó một nỗi buồn mông lung, không duyên cớ cứ chập chờn quanh quất như vừa đánh mất một cái gì, nhưng không thể rõ cái gì đã mất. Cái buồn ấy giống như một sự ganh ghét, một nỗi lo âu, vì tôi chưa quen nghĩ rằng mình phải có một người bố, gia đình mình phải có một người đàn ông đứng đầu. Cái tình cảm bố con hầu như chưa bao giờ nảy mầm ở trong tôi. Bao nhiêu lòng yêu thương tôi đã dồn về người mẹ cả. Hơn nữa bố tôi là người như thế nào đây, tính tình có giống như mẹ tôi hay hoàn toàn khác hẳn. Thêm sự có mặt của bố tôi liệu cái không khí đầm ấm của gia đình có bị nhạt loãng, nguội lạnh đi không. "Đêm hôm ấy tôi trằn trọc vì những lời lẽ sẽ viết trong lá thư gửi bố ngày mai, nhưng trong lòng vẫn thấy lạnh lùng, thờ ơ thế nào ấy. Tôi sẽ viết nhiều về công tác của tôi hiện nay, những thành tích mà tôi đã đạt được cốt để cho bố tôi hình dung ra đứa con trai của mình là một thanh niên cứng rắn, một chiến sĩ trong quân đội (bằng cách nào đó tôi phải để cho bố tôi biết tôi đã là tiểu đội phó). Phải dùng những lời văn thật bóng bẩy, nếu cần sẽ có cả một bài thơ chúc mừng tình cha con sum họp. Nhận được thư hẳn ông cụ sẽ phải ngạc nhiên và tự hào vì có một đứa con giỏi giang, sẽ biết nể những ý kiến sau này của tôi, và trong quan hệ cha con ông cụ sẽ đối đãi bình đẳng hơn." "Sáng hôm sau tôi để anh em đi chơi hết, xin một tờ giấy viết thư và một phong bì thật đẹp. Mới đề được hai chữ " Thưa thầy !", mấy ngón tay cứ run bắn hầu như không phụ thuộc vào sự sai khiến của mình nữa. Bao nhiêu ý nghĩ trong đêm qua phút chốc bị xoá sạch, trước mắt cứ nổi lên mãi hai chữ "Thưa thầy !". Thời kỳ đóng quân ở Thái Bình, tôi đã nhận một ông cụ có con hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ làm bố nuôi, tôi đã gọi ông cụ bằng "thầy" rất vui vẻ, hồn nhiên, với ý định làm giảm nỗi đau đớn của một người cha.
Sáng nay cũng viết lại hai chữ quen thuộc ấy, dòng chữ, trang giấy trở nên thiêng liêng, nghiêm trọng. Tôi chỉ viết được hơn mười dòng, câu cú rất lộn xộn, dòng cuối cùng lại là cái câu tôi muốn tránh "Con cảm động quá nên chẳng biết viết gì hơn thầy ạ”. "Lá thư được gửi đi với tấm ảnh mới chụp của tôi. Nửa tháng sau tôi nhận được thư của bố từ Hà Tĩnh gửi ra, cũng kèm theo một tấm ảnh. Từ ngày nhận được tin bố, tôi vẫn tưởng tượng ra hình ảnh một ông già rất giống tôi nhưng khắc khổ hơn, từng trải hơn với hõm má sâu, cặp mắt tư lự và nửa đầu bạc trắng. Đến khi cầm bức ảnh tôi hoàn toàn thất vọng vì ông cụ chẳng giống tôi một chút nào, còn quá trẻ, đầu đội mũ, hai má rất đầy, đôi lông mày đen rậm. Nếu so ra thì bà chị cả còn già hơn bố tôi đến vài tuổi. Thế mà người này đã làm bạn với mẹ tôi trên ba chục năm nay, lại là bố của chúng tôi... Cứ mỗi lần ngắm lại người bố của mình có cặp má rất đầy, đôi lông mày rậm tôi lại thấy bứt rứt, bực dọc. Cuối cùng tôi cất tấm ảnh vào trong ví, không đưa cho một người nào khác xem, tự mình cứ tin rằng người bố chính là cái hình ảnh đã tưởng tượng ban đầu. Tâm trạng của tôi ngày ấy nửa muốn gặp mặt để xem thực hư thế nào, nửa lại muốn kéo dài thời gian xa cách vì lo rằng rồi đây bố con ngồi giáp mặt nhau biết nói với nhau những gì. "Đầu năm 1956 bố tôi báo tin phục viên về làng. Giữa năm ấy anh tôi viết thư kể chuyện đã về phép và gặp bố, mẹ ở nhà đang có mang, anh có giục tôi nên cố gắng về vào dịp cuối năm vì bố ở nhà rất mong. Cuối năm thì tôi được về phép. "Tôi về đến xóm trại thì trời đã xẩm tối. Mấy người gặp tôi chỉ hỏi được về phép bao nhiêu ngày, còn không nói gì đến bố tôi. Tôi cũng nén sự tò mò để khỏi hỏi lại, cố giữ cái phút đầu tiên được gặp bố không bùng ra sớm. Tâm trạng tôi lúc ấy giống như một đứa bé lạc vào nơi hoang vu, vừa muốn hét to lên cho tất cả đều biết sự có mặt của mình để giảm bớt nỗi lo sợ, vừa muốn nín hơi thở, dón dén đi từng bước nhỏ để dò xét sự huyền bí sắp xảy đến. Đấy là lần về phép đầu tiên sau ba năm đi bộ đội." "Bước vào sân ngỡ nhà bỏ hoang, không một ánh đèn, không một tiếng động nhỏ. Lên đến hè, tôi dừng lại khẽ đằng hắng, vẫn không có tiếng ai hỏi lại. Tôi lần theo hàng cột đến mép phản, đặt ba lô xuống, bật diêm châm đèn. Nhìn quanh quẩn thấy đồ đạc vẫn kê như ngày trước, chỗ nằm của mẹ tôi mắc một chiếc màn đôi còn mới, một cái bát điếu để trên cái hòm gian, mấy cái áo đàn ông treo giáp vách buồng.
Trong vầng sáng nhạt mù mờ hơi mông mốc, phảng phất có một cái gì đó hơi xưa cũ, quen thuộc, và cũng có một cái gì khác lạ, lạc lõng." "Hàng xóm thấy tôi về lục tục kéo sang hỏi thăm. Nhà thì hẹp chỉ có hai gian rưỡi, cái nhà cuối cùng tôi cất lên trước khi đi bộ đội (bảy lần trước đều bị địch đốt phá trong các trận càn), nên nhiều người cứ đứng lố nhố ở ngoài hè hỏi vào. Qua câu chuyện tôi mới được biết mẹ tôi đã sinh một đứa em gái, hiện nay vẫn đang ở nhà hộ sinh trên tỉnh. Cách hai mươi năm nay mới sinh nở nên mẹ tôi bị băng huyết và sát dau. Bố tôi ở nhà ba hôm, lại lên tỉnh một hôm, con gái lấy chồng ở tỉnh khác, hai con trai đi bộ đội, ở nhà hai vợ chồng già, một khỏe một ốm nên rất bấn. Người hỏi, người nói, nhưng nhìn nét mặt mọi người tôi thoáng nghĩ có lẽ bà con sang chơi không cốt chỉ để thăm hỏi, mà còn như chờ đợi một cái gì khác. Ngoài thềm hè nhiều tiếng xì xào đan đi đan lại nhưng nghe không rõ. Chợt có tiếng lanh lảnh của đứa con gái ở mé sau nhà tôi vọng ra đồng:
-ông ơi, cậu cháu đã về! Một giọng rất trầm từ trên đê vọng lại:
-Cậu nào?
-Cậu Hòa ấy! "Bố tôi đã về! Tim tôi co hẳn lại, nặng trĩu, mỗi nhịp đập cứ vang lên nghe rõ từng tiếng một, máu dồn lên mặt nóng bừng và đầu óc quay cuồng. Cái phút vừa mong đợi, vừa ngại ngùng từ hơn một năm nay đã đến. Tôi biết xử trí như thế nào đây. Từ phút ấy tôi vẫn nói vẫn cười, nhưng hoàn toàn không hiểu được mình đã nói những gì. Một phút qua, mười phút qua, mười lăm phút trôi qua, không thấy một người nào rẽ đám đông bước vào, tôi đưa mắt nhìn khắp lượt, không thêm một khuôn mặt nào mới. Nhưng không ai hỏi chuyện tôi nữa, tất cả đều im lặng. Tôi chưa hiểu tại sao lại im ắng đến thế, thì ở vòng ngoài cùng có tiếng cười khúc khích, rồi chỉ một loáng ngay cả những người ngồi trước mặt tôi cũng cười. Có lẽ tôi vừa buột nói điều gì lầm lỡ? Như có linh cảm, tôi quay người lại nhìn vào góc tối cạnh cái hòm gian, một người không quen mặt, mặc cái áo bông bộ đội, đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi đứng phắt lên, đi lại hai bước, môi run bắn nhưng cố bật ra mấy tiếng:
-Có phải thầy đấy không? Người đó không trả lời, vẫn nhìn tôi, còn tôi không đứng nổi trên đôi chân nữa, ngồi ngay xuống mép phản, nước mắt đã trào ra giàn giụa. Bố tôi (đúng người đó là bố tôi) cầm lấy cái bát điếu, đi qua tôi ra góc phản tôi vừa ngồi. Vừa thông điếu, bố tôi hỏi, giọng miền Bắc, nhưng rất nặng:
-Vừa về à?
-Con về nhà được nửa tiếng rồi. Thầy đi đâu về? (Tôi gọi tiếng thầy vẫn ngượng nghịu) -Tát nước mạ... Anh ăn cơm chưa?
-Con ăn rồi. "Bố tôi bật mảnh đóm vào cạnh bát điếu, rồi đưa đóm châm lửa, nhưng mấy lần đầu đóm cứ trượt ra ngoài vành bóng.
Bố tôi quẳng đóm ra cạnh, rờ rờ lên mặt phản rất nhanh, vơ vội lên hộp thuốc lào, hai tay cứ xoay đi xoay lại cái nắp một cách không tự chủ. Bà con chào hỏi một vài câu rồi kéo về. Tôi mấy lần định nói câu gì đó cho đỡ ngượng, nhưng lưỡi cứ đờ ra như nặn bằng đất sét. Thế là cả hai vẫn ngồi im. Bố tôi cũng không nhìn thẳng vào mặt tôi, cứ nhìn ngang ngang tầm ngực, và như đọng lại nhiều ở cái huy hiệu Điện Biên Phủ tôi đính phía trên nắp túi áo bông. Qua ánh đèn tôi ngắm bố tôi, và giật mình không hiểu vì lẽ gì mà trí tưởng tượng của tôi gần đúng với sự thật đến thế. Thật ra khuôn mặt bố tôi không giống với ảnh chụp mấy. Tóc ngắn sát da đầu, lấp loáng từng mảng trắng, đuôi mắt kéo xuống trông như một mí mòng mọng, lúc nhìn ngang cái màng ngoài rất đục, bắp thịt ở má cũng không tròn căng như trong ảnh mà đã nhẽo, hơi chảy, lớp da ở cổ đã bong ra khỏi thịt, nhăn lại. Mọi nét trên mặt đều mệt mỏi, duá chỉ có đôi vai rất rộng và hai bàn tay to có những ngón hầu như vuông lúc nào cũng động đậy là tỏ ra bố tôi vẫn còn sức gánh vác nhiều công việc, chứ chưa cần phải nghỉ ngơi. "Đêm ấy, hai bố con ngủ với nhau. Ngọn đèn để nhỏ bằng hạt đậu trên cái hòm gian. Khi bố tôi quay mặt về phía tôi nói chuyện, khuôn mặt ấy bỗng dưng trở nên rất thân yêu quen thuộc, như vốn đã ở bên tôi từ ngày bé. Nhưng khi bố tôi nằm ngửa, chỉ thấy nét dồ lên của gò má, sống mũi, tôi lại cảm thấy khác lạ, như mình đang nằm cạnh một người như chưa từng quen biết. Mùi thuốc lào, mùi rượu, mùi dầu xoa, và mùi mồ hôi lâu ngày cứ phảng phất góc này góc nọ. Chốc chốc tôi lại tự hỏi: Mình đã về nhà chưa nhỉ? Mình đã gặp bố chưa nhỉ? Người nằm cạnh là ai vậy? Tiếng bố tôi vẫn thì thầm:
-U anh ở nhà thương đã ba tháng rồi nhưng vẫn còn yếu lắm, mất nhiều máu quá... mà một mình tôi chạy đi chạy về thành thử việc đồng áng phải cậy tổ cả.
-Vụ mùa này nhà thu được bao nhiêu thóc?
-Nếu có công thì cũng được khá đấy. Năm nay lúa tốt. Nhưng nhà không có người, đến đập cũng phải mượn công nên còn lại chẳng là bao, lại tiền thuốc men, tàu xe... Rồi như sợ mình than vãn nhiều quá ảnh hưởng đến con, bố tôi hỏi lảng sang chuyện khác:
-Anh đi bộ đội đầu năm 1954 à?
-Trước ở nhà con đã là du kích rồi, đến đầu năm 1954 thì được bổ sung lên mặt trận Điện Biên. Từ năm ấy đến nay con vẫn ở đơn vị.
-Hồi ngoài này đánh Điện Biên thì đại đội chúng tôi lại về hoạt động ở chiến trường Long Châu Hà. "Trong khi trò chuyện với tôi, bố tôi thường hay xưng tôi, chúng tôi, và gọi con bằng anh, từng lời đều có cân nhắc, thận trọng, đối xử với tôi bằng tình đồng chí hơn là tình cha con. Thoạt đầu tôi rất ngượng và thầm nghĩ có lẽ ông cụ còn giữ kẽ, định dò xét thái độ của tôi ra sao đây. Nhưng càng nói bố tôi càng tỏ ra rất tin cậy ở con, nhiều lúc nghẹn ngào bố tôi lại dừng một lúc lâu rồi đưa tay lên dụi mắt, khi tôi nhìn cái gò má nhọn hoắt thấy nhấp nhoáng ướt. Cũng trong đêm ấy lần đầu tiên tôi được biết những câu chuyện trong gia đình thuộc về hai mươi năm trước. "Năm ấy bố tôi trốn con, bỏ vợ (tôi hãy còn nằm trong bụng mẹ) đi Nam chỉ vì cờ bạc nhiều, mang nợ đến vài trăm tiền mặt, sào ruộng cuối cùng đã bán, năm gian nhà gỗ xoan cũng đã dỡ gán cho chủ nợ, cũng tưởng rằng vào trong ấy kiếm ăn dễ dàng, rồi ra cũng có thể chắt chiu, dành dụm được một món trở về quê hương. Nhưng đặt chân đến nơi mới biết ở đâu cũng khó sống, liền rủ một nhóm người cùng tỉnh đang thất nghiệp lập một gánh chèo đi hát ở tỉnh nhỏ và vùng quê. Gánh chèo vỡ, hết kế sinh nhai, cùng đường, bố tôi đành ký giao kèo vào làm phu cho sở cao su Nam Kỳ.
Trong những ngày tủi cực nhất bố tôi được giác ngộ cách mạng, sau khởi nghĩa gia nhập quân đội ngay. Từ bấy đến ngày tập kết, đúng mười năm trời, khi chiến đấu ở chiến trường Đồng Tháp Mười, khi lại về hoạt động ở vùng Vĩnh Trà Bến rồi Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu...". Bố tôi kể tiếp: "- Thầy bỏ nhà ra đi năm ba mươi tuổi, đến nay vừa đúng hai chục năm (từ lúc này bố tôi xưng thầy, và gọi tôi bằng con). Suốt hai mươi năm một nỗi ân hận cứ dằn vặt trong lòng: thầy đã đang tay giết một vợ với ba con. Một mình ra đi lưu lạc nay đây mai đó, hai bàn tay làm đổi lấy miếng cơm, kể ra cũng không sung sướng nỗi gì nhưng thầy nghĩ u con ở nhà còn khổ sở gấp trăm lần: món nợ của thầy còn đó, hai con còn thơ, bụng mang dạ chửa, bố mẹ không còn, họ mạc hai bề xem ra cũng không ai giúp đỡ được, làm sao sống nổi qua những năm đói kém trước cách mạng. Hoặc giả nếu u con có còn sống, thì chắc đã đi bước nữa, các con có lẽ đứa sống, đứa chết hoặc đem cho những nơi có bát ăn làm con nuôi, đứa ở, gia đình tan nát chứ không thể toàn vẹn được. Ngày ở trong ấy, các bà má thấy thầy đã có tuổi mà chưa có vợ con, có lòng thương cứ mai mối giúp. Nhưng thầy đều từ chối, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng nhận cái hạnh phúc mới, mình phải chịu lấy hình phạt ở vậy suốt đời để chuộc lại cái tội ngày xưa. Tháng tám năm ngoái thầy được về Hà Nội dự lễ tuyên dương Anh hùng quân đội vì năm ấy thầy được bầu là chiến sĩ thi đua của sư đoàn. Sau đó tranh thủ về phép mấy ngày thăm quê. Trước sau thầy vẫn đinh ninh rằng gia đình chắc chẳng còn ai, nhưng càng tin thế mối hy vọng được sống lại cảnh đoàn tụ ngày trước càng nung nấu và càng lo sợ nếu sự thực đúng như mình đã phỏng đoán. Ngày xưa đây gọi là xã Kiên Trung thuộc tổng Nhữ Xá, nhưng nay lại đổi là thôn Hữu Trung thuộc xã Hồng Quảng, nên khi đến cống Quải lạc đường hỏi thăm không ai biết. Về đến quán Búc thì gặp chị Duật đi chợ về đang ngồi nghỉ. Sau vài ba câu chuyện biết chị người cùng làng, thầy hỏi dò chi cánh bà Tư Bần có còn ai, rồi lại hỏi thêm bà Hoán có còn sống không. Hỏi song cái câu ghê rợn nhất ấy thầy tưởng như mặt mình mất hết máu. Chị ấy đáp: " Bà thím tôi vẫn khoẻ, chú tôi đi Nam Kỳ hơn hai mươi năm nay chẳng có tin tức gì, các con bây giờ đã lớn, cô gái cả đi lấy chồng bên Hưng Yên, còn hai cậu nó đi bộ đội cả". Thầy định kêu lên: " Chúng nó vẫn còn sống cả ư, tôi là bố chúng nó đây!" nhưng cố kìm lại khoác ba lô đi một mạch. Thầy không ngờ nhà ta vẫn ở khu đất cũ. Bước vào sân, thầy nhận ra u con đang ngồi dạm lại cái rá ở đầu hè. Thấy thầy vào u con nhìn lên nhưng không nhận ra.
Sau thầy bước gần lại, bỏ mũ, nói khẽ: "Nhà còn nhớ tôi không?". U con nhìn thầy một lúc rồi mếu máo gọi tên thầy lúc còn ở nhà: "Anh Chẩn hãy còn sống về với vợ với con đấy ư anh!" Cả hai đều đã trên dưới năm chục tuổi, tóc bạc gần nửa, răng rụng vài ba chiếc, những ngày sống còn lại có thể tính năm được mới lại gặp nhau, mới hiểu hết lòng nhau... Thầy cảm ơn u con đã vì thầy mà chịu đựng mọi tủi cực, thiếu thốn nuôi nấng các con, gây dựng cho các con nên người. Đời thầy vất vả đã nhiều, nhưng u con còn vất vả gấp trăm lần, ơn ấy sống để dạ, chết mang đi... "Bố tôi quay vào trong vách hỉ mũi, mãi một lúc lâu mới quay sang phía tôi. "... Thầy cũng cảm ơn chế độ ta, cảm ơn cách mạng đã đào tạo các con khác hẳn với thầy ngày xưa... Thầy cứ nghĩ ngày thầy bỏ đi đến nhà cũng dỡ gán cho chủ nợ, thước đất cuối cùng cũng phải bán, trong nhà không còn có đến một hào bạc. Còn con mới mười bảy, mười tám tuổi đầu, một tay dựng lại tám lần nhà ở. Ngày đi bộ đội còn để lại cho u con hơn trăm thùng thóc ăn dần. Thầy biết uống rượu, biết đánh bài từ năm mười chín tuổi, còn con mới mười tám tuổi đã thành chiến sĩ Điện Biên Phủ. Mỗi đời một khác là thế đấy con ạ. Đời thầy không thể sánh với đời các con được. Thầy cống hiến cho cách mạng chẳng được bao nhiêu nhưng cách mạng đã đem lại cho thầy cái hạnh phúc lớn nhất mà thầy không bao giờ dám ao ước. Cứ mỗi lần nhận được thư của con, của anh con thầy vừa sung sướng, vừa tủi hổ, tự nghĩ mình không xứng đáng là bố của những người con như thế... Thầy yêu thương các con, thầy kính trọng các con, các con cũng hiểu cho lòng thầy..."
"Tôi nằm sát lại bố tôi, một tay tôi quàng qua ngực nắm lấy vai bố. Bố tôi cũng đưa bàn tay chai sạn nắm lấy tay tôi, khẽ nói:
-Thôi, con ngủ đi không mệt, khuya lắm rồi!" "Hôm sau tôi theo bố lên tỉnh thăm mẹ và em gái. Nhân lúc bố tôi ghé vào nhà người quen chơi, tôi lẻn ra phố bán chiếc đồng hồ mới mua năm trước. Còn một hôm nữa thì phải trả phép, tôi tính lại số tiền dành dụm được cả thảy mười lăm vạn đưa cho bố tôi chi dùng thuốc men cho mẹ và lấy lương ăn cho đến chiêm. Bố tôi cầm gói tiền nhìn tôi rồi oà khóc. Tôi cầm lấy tay bố an ủi: "Con đi bộ đội không cần đến tiền. Thầy đừng nên nghĩ ngợi nhỡ ốm ra đấy thì lấy ai săn sóc, chúng con đi vắng cả". "Sáng hôm tôi đi, bố tôi dậy rất sớm, nấu niêu cơm nếp kho ít tôm gói vào cái mo, cẩn thận như một bà mẹ, và dặn tôi:
-Đi đường lúc nào đói thì ăn, thỉnh thoảng viết thư cho thầy u. "Tôi đã bước sang bên kia phía cầu tre đi vòng lên mé đê, vẫn thấy bố tôi đứng vịn vào thân cây vối nhìn theo, một dáng người cao lớn, hơi cúi về phía trước, cái áo bông bộ đội màu xanh nhạt và chiếc quần nâu..." "Từ ngày ấy bóng dáng người bố, đêm tâm sự đầu tiên đã trở thành những hình ảnh khắc sâu nét trong tâm hồn tôi. Bố tôi bảo đời sau bao giờ cũng hơn đời trước, nhưng tôi nghĩ những người già đều có sự khôn ngoan của mình, cái hạnh phúc lớn nhất mà cách mạng đem đến cho gia đình tôi phải qua câu chuyện của bố tôi, tôi mới hiểu hết được. Cách mạng đã thay đổi những con người và những con người ấy đem lại hạnh phúc đến cho nhau".
Kết Thúc (END) |
|
|