Tháng chín năm 1996.
Đầu tháng 5 năm 75 tôi vào Sài gòn vừa được giải phóng sau đó mấy ngày. Ngay trong tuần đầu, nhờ một may mắn rất tình cờ, tôi đã tìm được nơi ở của bố mẹ già. Lúc từ biệt bố mẹ, tôi chỉ là thằng trẻ con mới 15 tuổi, nay gặp lại đã là một trung niên vừa bằng tuổi ông già ngày tôi ra đi. Ba chục năm, hai cuộc kháng chiến, bao nhiêu đổi thay trọng đại của một đất nước, một đời người.
Là một nhà văn được sống, được chứng kiến cái khoảnh khắc sáng chói nhất của lịch sử dân tộc trong gần hai thế kỷ quả là một ân huậ vô song. Huống chi trong cái chuyển đổi mênh mông của lịch sử lại có cái đại gia đình mình trong đó, như cái lăng kính hội tụ những yếu tố khó nắm bắt thành những tình huống, những con người, những câu chuyện có tầm vóc nhỏ hơn nhưng cô đọng hơn; cái có thể hiểu bằng lý trí, bằng phân tích thành những mối quan hệ gia đình, quan hộ tình cảm khiến mình dễ hoà tan trong những xúc động mới lạ, đột ngột. Và chỉ những vui buồn riêng, cái tâm sự riêng với bao nhiêu nỗi niềm chất chứa, dồi nén từ nhiều chục năm mới có cơ hội hoá thân thành Nghệ thuật. Nói thế nhưng mà khó. Trong mấy năm tôi đã thu thập được rất nhiều tư liệu quí hiếm, đã hiểu thêm nhiều người nhiều việc nhưng cái giây phút hoá thân để có thể bắt đầu lia ngòi bút lên trang giấy vẫn chưa tới. Cái giây phút thiêng liêng để một người phàm tục thành một nghệ sĩ, cái nhìn u u minh minh bỗng chốc được chiếu sáng để thấu rõ cái lẽ huyền vi của mọi sự ở đời. Chắc là đạo quả còn non, công tu còn thấp nên chưa tới được cái Ngộ chăng? Không có cái Ngộ nếu cố viết cũng chỉ là một đống tư liệu được tãi ra, rối rắm, mờ mịt, chỉ là người phàm tục kể lể dông dài những chuyện vô nghĩa của đời thường, làm sao tác động tới cái phần bí ẩn, thiêng liêng của bạn đọc. Không có giây phút sáng tạo nhiệm màu ấy thì sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Bắt đầu từ chuyện chị Hoàng chăng? Nhưng cách vào chuyện sẽ phải như thế nào, cái lõi, cái hồn của nó là ở đâu? Chịu! Bắt đầu tờ chuyện vợ chồng bà Đại chăng? không thể phát triển được, sẽ bị cuốn tròn trong cái luẩn quẫn. Hoặc từ chính gia đình của tôi chăng? Ôi! Cũ kỹ lắm, thiên hạ viết chuyện gia đình cũng hơi nhiều, rất khó tránh sự lặp lại ở mức độ thấp. Vẫn liều viết. Viết rồi xoá. Nản quá. Hết sức nản. Tài hèn mộng lớn là khổ! Miếng ngon kề miệng mà nuốt không trôi là thế. Mình thì cố nuốt chứ bạn đọc sẽ nhanh chóng nhè ra. Tôi tần thần, vật vã cũng đến mấy năm, viết kịch, viết ký sự, viết truyện ngắn thì được nhưng đặt bút viết cuốn tiểu thuyết mong đợi chỉ được một hai chương là phải bỏ. Chả đâu vào đâu, người và việc cứ rời ra trong sự gắn bó ép buộc, giả tạo. Đến câu văn cũng hẫng hụt vì hình ảnh không gọi nhau, chữ nghĩa không gọi nhau.
Mãi cho đến một chiều rất buồn và hơi lạnh của tháng cuối năm, tôi ngồi gẫu với một bà chị cũng rất thích tán là chị Hoàng, trong cái phòng khách tồi tàn, ngổn ngang như sắp dọn. Chị hơn tôi 16 tuổi, sinh con từ năm 17 nên con trai lớn của chị là tiến sĩ Luật đang sống ở Pháp chỉ kém tôi có một tuổi. Hai chị em đã nói đủ thứ chuyện, cũng là nhắc lại chuyện cũ thôi thì chị chợt bảo:
- Các cậu đừng tưởng có thể thắng được bọn mình hoàn toàn, đừng tưởng chúng tôi rồi cũng phải chịu chung sống với các anh. Tao không chấp nhận, tao sẽ có cách phản đối của tao. Một cách chống đối chỉ có thắng chứ không có thua.
Tôi tủm tỉm cườj, hỏi lại:
- Bà có bản lãnh lớn đến vậy sao?
Chị cười khẩy:
- Đã muốn làm là làm được. Chỉ chưa muốn mà thôi.
Tôi vẫn cười, hỏi tiếp:
- Có thể nói nhỏ với em cái cách chống trả của chị không hay phải giữ bí mật?
Chị cũng cười:
- Một âm mưu có thể nói công khai mà không sợ bọn mày còng tay nhốt khám Chí Hoà.
- Khó hiểu nhỉ!
Thấy vẻ mặt căng thẳng của tôi chị phì cười:
- Mày nghĩ thế nào được, để tao nói cho. Chỉ một vỉ thuốc ngủ thôi, chiến trận diễn ra trong vài giờ, sau đó là kết thúc. Và tao sẽ thắng.
Tôi cười to:
- Sao nà không làm, làm luôn từ năm 75 ấy.
Chị ngồi thừ mặt một lúc lâu rồi nói nhỏ hẳn:
- Vì tao cũng sợ. Tao không sợ cái chết nhưng tao sợ cái xác chết của chính tao.
Chị nói thế là thật lắm, vì chị có tính nhát, đặc biệt là nhát ma. Thuở còn con gái, chị thích nằm một mình nhưng không bao giờ dám quay lưng ra khoảng trống phía ngoài. Lỡ có một cái mặt quái dị nào đó đang cúi xuống nhòm mình lúc ngủ thì sao? hoặc lại đập nhẹ lên lưng thì sao? Cho nên luôn luôn phải có một vú già hay một vú em trải chiếu nằm dưới để lấp kín cái khoảng trống đáng sợ đó. Chị rất thương bố tôi, khi ông cậu mất, chị có mặt ngay lúc ông già vừa tắt thở nhưng chỉ dám đứng ở phòng ngoài liếc nhìn vào trong mà khóc. Bà cụ sinh ra chị mất, chị cũng không dàm lạ gần nhìn mặt mẹ lần cuối, cứ đứng sau lưng các em khóc, vì nhìn mặt người chết thì sợ lắm. Người khác chết còn sợ huống hồ chính mình bỗng chốc biến thành xác chết. Nên đành phải sống vậy. Tôi cường ha há, cười đau cả bụng vì cái âm mưu quyên sinh cùng với nỗi sợ quái gở của chị, cứ như một trò đùa, và bất chơt một vệt sách lóe lên, trong cái ánh sáng hư ảo ấy một hình người, chính là chị Hoàng chít khăn vành dây, mặc áo gấm, đi hài nhung với cặp mắt trống rỗng và nụ cười ngớ ngẩn của người đã chết thấp thoáng bước qua. Lịch sử, đời người, thời gian như cùng một lúc hiện lên với bước chân bập bềnh, trôi nổi của chị. Và nghe rõ cả tiếng cười giễu cợt, hả hê của Con Tạo tiễn đưa một lớp người vào quá khứ. Tất cả hiện ra rõ rệt một cách lạ lùng trong khoảng khắc. Hình như tôi đã ngồi yên lặng khá lâu, mắt nhìn vào vô định, miệng hơi há ra, ngây ngô, thất thần như người bị trúng gió nên chị Hoàng phải hét lên:
- Khải, mày làm sao thế? Cái mặt của mày nhìn ghê quá, nhợt trắng ra kìa!
Tôi còn ngồi lại một lúc lâu nhưng không nói thêm gì rồi lặng lẽ đứng dậy đạp xe về nhà. Ngay đêm đó trong vài giờ tôi đã viết xong được mấy trang đầu của cuốn tiểu thuyết tôi hằng mong đợi, chính là cuốn Gặp gỡ cuối năm hay gặp gỡ sau ba mươi năm mà nhiều bạn đã có dịp đọc.
Kết Thúc (END) |
|
|