Nơi miền quê sông nước với đồng lúa mênh mông bạt ngàn, quanh năm với tiếng đò ghe êm ru, tiếng rao chợ đầu làng thân thuộc. Cuộc sống con người nơi đây vẫn thanh bình trôi qua, dẫu khó nghèo sau bao nguy khốn biến động nhưng vẫn lạc quan và phơi phới. Một ngày bình thường như bao ngày khác, Trâm lại thức dậy từ sáng sớm tinh mơ khi gà chưa kịp gáy, trộn thức ăn thừa và cám đem ra chuồng heo, đốn củi, quét sân, nấu cơm, gọi các em dậy đi học. Ba mẹ cô cũng đã thức, chuẩn bị đồ đạc rồi ngồi trên bàn, ba ngồi trầm tư nhìn ra ngoài sân rít từng hơi thuốc, mẹ lặng lẽ pha trà cho ông.
Hai vợ chồng ngồi cạnh nhau hàn thuyên cho đến khi Trâm dọn mâm cơm lên cho hai người ăn trước khi ra đồng. Một lúc sau, Trâm dọn dẹp mâm cơm rồi lại tất bật chuẩn bị áo quần cho con sáu và thằng bảy đi học. Thằng út cũng vừa thức, cô vội vã chạy vào bồng bế dỗ dành, một bên tay xách nách mang thằng nhỏ, tay kia vẫn hì hụi lo làm công việc nhà.
Là con gái lớn, gia cảnh lại nghèo túng, ba mẹ phải đi làm mướn cho người ta, hai thằng em kế thứ ba và tư cũng đi theo phụ, đứa con gái thứ năm chẳng may bị bệnh qua đời từ lúc còn nhỏ. Hiểu được nỗi vất vả của ba mẹ, dù học rất giỏi nhưng Trâm cũng buộc phải nghỉ để chăm lo việc nhà, phụ tiền với ba mẹ và có thể giúp cho các em mình học hành đến nơi đến chốn, không bị dốt chữ. Tính cách đằm thắm, luôn khiến mọi người cảm thấy vui lòng và yêu mến ngay từ lần đầu gặp gỡ, ở cô luôn toát lên vẻ nhân hậu dịu dàng và tình yêu thương bao la với những người cùng khổ.
Hiển nhiên, cũng như bao cô gái trẻ khác. Chỉ vừa 18 độ xuân thì, Trâm cũng có những mộng mơ, những sỡ thích đơn thuần mộc mạc. Những lúc rãnh rỗi, cô vẫn cùng những cô bạn thân đi chơi đây đó trong những dịp lễ hội, ngày rằm. Trong những lần vui chơi đó, cô đã tình cờ gặp được Hùng, một tên công tử nổi danh xóm chùa mà nghe danh ai cũng biết. Tính cách kiêu ngạo, bất cần đời, rồi trái tim đa tình thiếu thủy chung "thay bồ như thay áo” kia bỗng dưng lỗi nhịp ngay khi vừa gặp gỡ người con gái ấy. Đắm say và mong nhớ, anh chàng quyết tâm "cưa đổ” cho kì được cô nàng…
Tất nhiên, cuộc hành trình chinh phục trái tim ấy không hề đơn giản và dễ dàng. Trải qua rất nhiều lần mai phục, dò la, bày tỏ, quà cáp đều vẫn chẳng ăn thua, đồng thời còn chịu sức ép từ "nhan sắc rất chết ruồi” của hai cô bạn thân của Trâm, anh chàng vẫn quyết tâm đến cùng. Với người như Hùng, tiền tài vốn đã có, lại thêm mã ngoài cao ráo, đẹp trai, sáng màn ảnh, giọng nói ngọt ngào chỉ cần "rót” vài câu là mấy em xếp hàng xin chết. Có vẻ như, sau nhiều năm trải qua khá nhiều cuộc tình chóng vánh, nhạt nhẽo, anh đã tìm được bến đổ tình yêu chân thật cho mình, và Trâm cũng đã dần cảm mến anh, không phải vì những thứ anh đang có, mà chính nhờ sự chân thành và tâm lý của anh, cũng như câu ranh ngôn quen thuộc "đẹp trai không bằng chai mặt” nữa…
Chuyện tình cảm của hai người trôi qua êm đẹp, đôi trai tài gái sắc sánh bước bên nhau luôn khiến bao ánh mắt dõi theo đầy ngưỡng mộ pha lẫn đố kỵ. Một hôm, Trâm rũ Hùng đi xem bói tình duyên, vốn chả thích ba cái trò bói toán dị đoan nhưng vì người yêu anh đành miễn cưỡng nhận lời. Thầy bói sau khi xem quẻ, trầm tư một hồi rồi chậm rãi phán một câu "xanh rờn”:
- Hai cô cậu sẽ không thể nên duyên được đâu. Một biến cố lớn sẽ xảy ra khiến cô và cậu không thể gặp mặt nhau suốt một khoảng thời gian dài. Sau này, cả hai sẽ được tái ngộ, nhưng là với một danh phận khác và tạo nên một mối quan hệ khác.
Hùng vừa nghe xong máu nóng sôi lên sùng sục, tức tối đứng dậy sải chân đi như ngựa phi, quên cả trả tiền coi bói, báo hại Trâm phải mót vét tiền túi ra trả. Tất nhiên, Hùng không bao giờ tin cũng như không muốn tin vào những điều ông thầy đó nói, Trâm cũng thế … Cả hai vẫn qua lại hò hẹn với nhau, rồi "cây kim trong bọc cũng có ngày bị lũng”, mối quan hệ của hai người nhanh chóng bị hai bên gia đình phát giác nhờ cái mồm nhiều chuyện của mấy bà tám láng giềng. Tất nhiên, thời nay đã khó thì thời đó còn khó hơn, chuyện môn đăng hộ đối là điều khó tránh khỏi đối với hai bên gia đình có sự chênh lệch quá lớn về cả danh phận lẫn tiền tài.
Dù đã nhiều lần nhắc nhở, cấm đoán nhưng vì quá yêu và nhớ nhau, Hùng và Trâm vẫn âm thầm lén lút liên lạc, bằng cách biên thư với những lời nồng nàn da diết, và phương tiện truyền tin giúp cho đôi tình nhân chính là thằng em thứ bảy mới 8 tuổi. Cứ mỗi lần tình nguyện làm "cậu bé đưa thư”, nhóc sẽ được Hùng cho 2 đồng (đơn vị tiền hồi xưa) để ăn kẹo, Trâm thì sẽ chỉ nó tập viết chính tả. Mỗi buổi cứ ngay lúc ba mẹ vừa đi ra đồng, chú nhóc lại lon ton lí la lí lắc chạy ra chạy vào đưa thư tình qua lại cho hai anh chị. Rồi một ngày, ba Trâm vô tình để quên đồ quay lại lấy, phát hiện "ý đồ đen tối” của hai chị em cùng thằng ôn dịch kia, ông tức tối cầm cây lưỡi hái rượt quánh cậu chàng chạy rớt cả guốc, về phần Trâm thì bị mắng té tát vì cứ cứng đầu không nghe lời, và thằng bảy cũng chịu chung cảnh ngộ vì tội ham tiền mà "nối giáo cho giặc”.
Dù rất đau buồn và tuyệt vọng, nhưng cả hai vẫn ấp ủ nỗi niềm được đến bên nhau. Vào một đêm trăng sáng, Hùng lại lẽn tới phía sau nhà, hút gió ra hiệu gọi Trâm ra. Cô nàng len lén lòn đường cửa sau, bước ra với vẻ lo lắng. Cái ôm xiết ấm nồng cũng chưa đủ làm vơi đi bao nhung nhớ suốt nhiều ngày xa cách. Hùng lấy trong túi ra một sợi dây, dưới ánh trăng vành vạnh, tia sáng phản chiếu lấp lánh trông thật lung linh. Anh nhẹ nhàng đeo lên cho cô, vòng tay trìu mến và ánh nhìn tha thiết yêu thương. Hùng đã tặng cho Trâm kỷ vật hẹn ước tình yêu, và nguyện rằng dù có như thế nào cũng sẽ không bao giờ ly biệt. Trâm mỉm cười trong hạnh phúc rồi lại tựa vào bờ vai vững chải của anh, chính cô cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rời xa anh, mỗi ngày trôi qua là tình yêu cô dành cho anh lại nhiều hơn một chút, niềm khao khát được ở bên nhau lại lớn dần. Thế nhưng, cuộc đời không hề bằng phẳng và dịu êm như cả hai luôn ao ước…
Quân đội quốc gia Tỉnh đã đi kiểm tra thân thế các gia đình trong từng khóm xã, và phát hiện gia đình Hùng có từng cấu kết với lính ngụy. Vì mối liên hệ không quá nghiêm trọng, nên chỉ một số người liên quan bị bắt giữ, tài sản bị tịch thu toàn bộ từ ruộng đất đến tiền nong. Hùng bỗng chốc trắng tay và trở thành kẻ đầu đường xó chợ, không chốn dung thân. Cùng lúc đó, gia đình Trâm cũng gặp nguy khốn, thằng tư do ăn nhậu gây sự bị đám gian hồ rượt đánh, chẳng may hụt chân xuống sông chết đuối. Công ruộng ba cô lo chẳng may thất mùa, lỗ nặng nên bễ nợ, phải đi trốn, thẳng ba vượt biên chưa biết sống chết ra sao. Thương đàn em nheo nhóc, Trâm đành ngậm đắng dọn đồ đạc lên thành phố làm thuê cho bà dì họ để lo trả nợ cho ba, phụ tiền gửi cho mẹ sống lây lất.
Cuộc sống nơi đất lạ quê người với biết bao cay đắng tủi nhục, nỗi lo cơm áo gạo tiền qua ngày đã chiếm hết tâm trí nên tình yêu mong manh kia cũng gần như trôi vào tuyệt vọng. Trâm và Hùng mặc nhiên không thể liên lạc gì được với nhau. Từ dưới quê, những đứa bạn thân biên thư bảo Trâm anh ta đã bỏ đi biệt xứ. Nhưng vào lúc đó, cô không hề biết rằng đã có người tung tin cay nghiệt rằng Trâm đã "theo chồng bỏ cuộc chơi”, vì Hùng giờ không còn gì cả nên cô chẳng cần day dưa nữa. Một người phụ nữ yếu đuối bơ vơ khi biết đã không còn gì để níu kéo hay cứu vãn, đành buông xuôi số phận theo dòng chảy.
Nhận được sự quan tâm ân cần từ một người chững chạc, dẫu không thể yêu nhưng vẫn thấy thật yên bình. Và chẳng bao lâu, mối quan hệ ấy càng không tách rời khi trong phút yếu lòng cô đã trót mang trong mình giọt máu của một người mà cô không hề gửi trọn trái tim. Còn Hùng sau bao tháng ngày phiêu bạt, nhận được sự giúp đỡ của gia đình nông dân tốt bụng, anh đã dần tự tập mưu sinh, rồi chấp nhận tình cảm của người con ân nhân dù trái tim đã khô cằn sỏi đá…
Tiết trời cuối thu sau mỗi cơn mưa luôn se lạnh, có hai người đang chơi vơi trên triền dốc, mắt cùng hướng về một phía nhưng tâm hồn phiêu lãng tự nơi đâu. Năm tháng trôi qua, tình yêu đã phai nhạt ít nhiều nhưng nỗi mong chờ ngày được gặp nhau vẫn luôn dào dạt. Trâm khẽ nhìn sang người đàn ông với dáng người cao lớn, trông Hùng vẫn không thay đổi gì nhiều, chỉ có thêm vài nếp nhăn hằn sâu bao ký ức cùng mái tóc điểm sương. Ông vẫn không nói gì, dường như cuộc gặp gỡ trùng phùng này giản đơn cũng chỉ là được nhìn thấy được nhau, còn những lời nói nồng nàn vốn đã không còn quan trọng nữa, tất cả đã thành dĩ vãng nhạt nhòa… Rồi bà cũng chủ động lên tiếng:
- Ông đừng hà khắc với lũ trẻ nữa. Hãy để tụi nó lựa chọn lấy hạnh phúc của chúng…
- Tôi không hề có ý phản đối. Tôi biết, Khanh là một đứa con trai tốt… Chỉ là trong một phút oán giận, nên tôi nóng nảy vậy thôi…
- Vậy bây giờ chúng ta hãy tác thành cho hai đứa nhé?!
- Để xem bản lĩnh của con trai bà thế nào đã. Có đủ khả năng vượt qua thử thách này không!!!
Người phụ nữ tứ tuần lại mỉm cười hiền hậu, ánh mắt nhìn ông trìu mến. Ông vẫn không hề thay đổi, cả tính cách lẫn tình cảm dành cho bà. Có một điều mà ông không hề biết, ngoài sợi dây chuyền kỷ vật tình yêu ông tặng cho bà trong đêm cuối cùng hôm đó, bà còn giữ cả bức ảnh chụp hai người trong ngày hội trung thu.
Bức ảnh trắng đen đã phai úa, nhưng vẫn được bà gìn giữ nâng niu trong âm thầm, và mỗi khi đem ra ngắm nhìn, kỷ niệm lại ùa về, nước mắt lại rơi… Có lẽ từ nay, bà phải chính thức dẹp bỏ đi những hồi ức, để nhường chỗ lại cho hạnh phúc của con mình, Khanh và Vy sẽ tiếp nối chuyện tình còn dang dở của hai người… Hùng khẽ nhìn qua Trâm, ánh nhìn trìu mến và nói bằng cử chỉ rất ngọt ngào pha chút đắng cay…
- Em… có hạnh phúc không?
Một thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi Trâm lại mỉm cười dịu dàng nói:
- Trước đây em đã từng nghĩ, niềm hạnh phúc lớn nhất của một đời con gái đó là được sống bên người mình yêu. Nhưng sau khi có con, em lại nhận ra rằng… Hạnh phúc không hẳn là chỉ bản thân mình được hưởng trọn vẹn những điều tốt đẹp, mà còn có những người mình yêu thương nữa. Và hôm nay, em đã thật sự rất mãn nguyện, vì được nhìn thấy các con mình được hạnh phúc bên nhau. Và được nhìn thấy anh, vẫn bình yên và khỏe mạnh…
Hùng quay mặt sang bên để cố tránh đi vẻ mặt bồi hồi. Nước mắt của người đàn ông dày dạn phong sương đã không còn đủ lực để rơi ra thành giọt nữa, chỉ còn lại chút trĩu nặng ưu phiền trong nỗi day dứt khôn nguôi về một tình yêu đắm say mà suốt đời không bao giờ có được. Còn người phụ nữ ấy, cũng đã mang nỗi bất hạnh và chua chát cho đến mãi mãi, khi niềm mộng ước đơn sơ nhất cũng không thể tác thành. Còn gì nữa đâu cho một kiếp người với lắm nỗi truân chuyên, luôn hy sinh cho những người yêu dấu, để bản thân phải luôn trĩu nặng những u sầu. Đã quá trễ, để có thể quay lại như lúc xưa…
Ánh tà dương vắt ngang khóm thông già, chỉ còn thưa thớt vài vệt sáng nhạt nhẽo, từng áng mây lơ lững trên không trung phả một làn hơi nhè nhẹ đủ làm tê buốt hai con tim đang chuyển động. Hai hình bóng cô đơn lại lê từng bước chậm rãi xuống sườn đồi, không nói với nhau thêm lời nào, cứ thế bước đi cho đến ngả tư đường, rẽ ra rồi mỗi người mỗi hướng.
Kết Thúc (END) |
|
|