Một buổi sáng thức giấc sau cơn sốt dài, mẹ giật mình nghe bà giúp việc chân chất, với vẻ mặt ân cần nhất, khuyên: "Cô ơi, cô phải đi siêu âm đầu đi!".
Trong khi nó giấu mặt vào tay cười ngặt nghẽo trước câu nói ngô nghê, thì mẹ nó, bằng cử chỉ lo sợ, đưa bàn tay gầy xanh lên sờ quanh đầu. Thốt nhiên nó lặng im.
Nỗi sợ nào cũng khiến người ta nhỏ xíu lại thì phải. Nó nghĩ. Nó luôn thèm được đứng thẳng mạnh mẽ và kiêu hãnh, và giống với tất cả mọi người. (Ai chẳng có điều khổ tâm riêng tư, vì thế, nó thấy khinh ghét mình vô độ khi mở miệng than thở một điều gì!). Khi ai đó nói với mẹ nó rằng, cần phải siêu âm đầu đi, thì cũng có nghĩa từ đó trở về sau, sẽ có thêm trong mớ bung xung suy tưởng của mẹ nó, một ý nghĩ quan trọng cần được soi cho thấu rõ những gì đang xảy ra bên trong đầu. Nó thấy thương mẹ quá, dù chẳng ai dùng từ siêu âm cho cái đầu.
Một nhà văn đàn anh mà nó hết sức kính trọng lấy cảm hứng viết truyện từ Cái đầu. Cũng hay. Từ ngày tập tọng viết lách, nó thấy cái gì cũng mới, duy chỉ có một thứ cũ kỹ là chính những trang viết của nó, cũ kỹ đến chán nản, cũ kỹ mà không được là cổ điển. Cũng chính người anh ấy đã chân tình cốc đầu nó, mà rằng: "Em đang tự đào cho mình một cái rãnh, rồi cứ trôi tuột trong đó!". Lúc đầu, ít ra, nó đã tự hào rằng qua nhận xét đó, nó cũng có cho mình một thứ gì đó riêng biệt. Nhưng càng về sau, nỗi ám ảnh cái rãnh càng lớn, nó thấy mình cũng thèm được đi siêu âm.
Kết thúc cuộc tình hai năm với người đàn ông lớn tuổi hơn nó, chín chắn hơn nó, đạo mạo hơn nó, vững vàng hơn nó và cưng chiều nó như một trái trứng mỏng. Mùa dịch đến. Nó không muốn làm trái trứng bị kiểm duyệt và đóng dấu, nó tự cho mình bung bứt ra khỏi đó. Tình yêu mà. Nó vẫn ước có thật nhiều sóng gió để hiểu lòng nhau, đến khi hiểu ra rồi, sau tan tác thiên tai, thấy tâm hồn mình héo úa xơ xác đáng tội nghiệp, như mảnh đất nhiều mùa sau chẳng thể ươm mầm bất cứ giống cây nào. Rồi nó gặp anh, trong trạng thái vẫn còn đang giãy trong trái trứng cố hữu, anh soi vào nó ánh mắt bất cần, kiểu siêu âm lạnh ngắt, rằng: "Ê, nhóc, vờ vĩnh bi kịch thế là đủ lắm rồi!". Lần ấy, nó đã thụi cho anh một cái hết sức, bằng nắm đấm mảnh dẻ trắng trẻo của một đứa con gái biết khéo giấu những vết chai.
Những giọt nước mắt nhỏ xíu
Lặng lẽ chui qua kẽ mắt. Nhoi nhoi đòi ra ngoài
2. Cho đến ngót nghét cả tháng sau, mẹ nó vẫn chưa đi siêu âm đầu. Còn nó, đang mải mê vùi đầu vào một chồng bản thảo dày như trái núi, hí hoáy đánh dấu, bôi trát, ngoằn ngoèo mấy nét bút chì, quyết làm cho xong mấy thứ công việc linh tinh nó nhận về nhà để tự làm khổ mình. Điện thoại di động rung rinh, nhạc chuông líu ríu. "Nhóc con, đi cà phê đi!". Nó ngớ ngẩn nhìn vào màn hình. Chẳng có lý do nào để anh mời nó đi cà phê trong một ngày cuối mùa rất tình nhân như hôm nay. Có lẽ, anh cũng như nó, vừa kịp tậu cho mình một vài vờ vĩnh bi kịch, cần được xả thả giàn lên đầu ai đó.
Nó ngồi lọt thỏm trong quán bar mờ tối ánh đèn, thấy ngột ngạt vì nhiều ánh mắt nhìn, vài lời thì thào cố ý, kiểu, chà, có phải hắn đi cùng với con bé kia không... A ha ha, thằng lãng tử nhà mình cũng đến lúc có xích cổ... Hát hay thế, con gái nào chẳng mê... Nó muốn thụi thêm một quả nữa, lần này bằng cả hai nắm đấm, trong lúc anh mê say hát một bài không nhớ tên trên sân khấu mi ni.
Anh cũng cốc đầu nó. "Ngốc nghếch! Đừng nghiêm trọng hóa cảm xúc của em. Cứ để mọi sự diễn ra như chính nó phải thế! Anh đã qua thời yêu đương vội vàng... Anh đã yêu nhiều đến độ chẳng còn yêu ai nhiều được nữa... Và đừng dùng những từ mạnh kiểu nhẫn tâm, suốt đời, đau lòng, tuyệt vọng... khi em còn chưa thực sự biết chúng như thế nào!". Nó nghe mắt mình ươn ướt, vì tự ái nhiều hơn buồn phiền. Nó giận anh đã mau quên đi tuổi hai mươi của anh, giận anh thẳng thắn và điềm tĩnh đến mức nó thấy mình chẳng ra sao. Nhưng nó không nói gì, anh thì đang mải ngậm một viên kẹo trái cây do cô gái ngồi bàn bên chuyền sang.
3. "Con cũng cần đi siêu âm đầu đi!". Mẹ nó nói vậy, vẻ mặt thất vọng. "Đừng dính dấp vào dân văn nghệ. Mình con lãng đãng cũng đủ lắm rồi! Phụ nữ cần một bến bình an!". Nó chỉ nghe loáng thoáng cái gì bên trong câu trách mắng của mẹ. Nó gục gặc đầu ra chiều tâm đắc, trong khi mẹ hoàn toàn mất cảnh giác, đã quay sang làm chuyện khác. Nó vẫn tiếp tục gục gặc đầu. Ông anh của nó vừa mới tậu được một tập tiểu thuyết dày dày rất oách giá ba mươi nghìn đồng. Rồi ông anh rất ư độc mồm độc miệng ấy nhanh chân vào Hội nhà văn. Người ta gọi anh là nhà văn trẻ. Anh thì hơn nó tới mười ba tuổi. Anh gọi nó là nhà văn trẻ con. Cuộc sống mà, đâu phải lúc nào đi cũng đến, cũng không hoàn toàn có chuyện quay đầu lại là bờ như cách các nhân vật chính diện vẫn hay khuyên can bọn phản diện. Mười hai cái bến nước đã xưa lắm rồi, chật chội lắm rồi, long lở lắm rồi, nên người ta được quyền tìm cho mình thêm một cái bến vô thường mới, trong tập hợp vô số vô thường bến.
Nó vẫn nhớ xin sách của anh vất vả như thế nào. Nó xin mãi, nhờ cả người này người kia nhắc, anh mới hì hụi tìm được thêm một cuốn sách hiếm hoi còn lại để tặng nó. Nó xúc động lịm người. Rồi, ôm khư khư quyển sách trong lòng, nó ngồi há mỏ ra nghe anh nói. Anh nói chuyện nghe thích hơn anh viết văn. "Anh thích thơ như thế nào?". "Anh thích thơ quai quái một chút, phải lạ lẫm, phải nhạy cảm, phải khác biệt. Trời. Mà ngay cả văn cũng thế thôi. Bình bình lặng lặng thì nên chuyển sang làm biên tập!". Nói đến đây anh quay sang anh văn nghệ mà mẹ nó có nhắc đến ở trên, cười khoái chí, vì anh kia là biên tập viên. Ngồi nán lại với nhau đêm cuối năm, trước khi cả hai lên xe đò về quê, một với vợ con, một đi một mình. Cũng thế cả. Anh nói, tay mân mê cái máy ảnh mới mua gần chục triệu đồng: "Em không biết đâu. Ngày trước, mỗi khi tết về, anh chỉ ước được ngồi bên nồi bánh chưng, tay cầm tờ Báo Tiền Phong số xuân. Thế là mãn nguyện lắm rồi. Thời gian, nó cướp đi của người ta đâu chỉ nồi bánh chưng?".
Trong sự im lặng chung của nó và anh văn nghệ, đang mỗi người cố hữu một suy tư riêng, anh vẫn tiếp tục nói, thổn thức như nói với chính mình. Ánh mắt anh vụt rạng ngời khi anh nhắc đến con trai bé nhỏ của anh. "Anh trông con tuyệt lắm nhé. Anh xúc cơm cho nó ăn. Hai cha con cứ đi một vòng, lại dừng xịch, ăn một muỗng gọi là đổ xăng đi con, rồi lại đi một vòng. Đến nửa chén cơm sau, phải đẩy hai vòng xe thằng bé mới chịu đổ xăng!". Nó nhìn anh ngây ngất. Nó ước gì đến lúc nào đó, nó cũng có nét mặt rạng ngời như anh, nói về điều gì đó, hoặc ai đó gắn bó đến mức chẳng thể tách rời.
Cả ba ngồi lại góc quán khi những nhân viên phục vụ lầu bầu khó chịu ra mặt. Đã hơn mười một giờ, quán vắng tanh. Nó hỏi về sự cô đơn, nhận được vẻ bất đồng của anh văn nghệ. Còn anh, anh gật gù: "Đừng sợ cô đơn. Bọn viết văn chúng mình không thể viết nổi nếu cứ hơn hớn như giữa hội chợ mùa xuân. Đôi khi, phải sống cùng nó, nuôi nấng nó như một đứa trẻ". "Thế mày cô đơn nhất là lúc nào?". Anh văn nghệ ngưng hút thuốc lá, thả một vòng khói bay ngang đầu nó, vụt hỏi. "À, tao cô đơn nhất lúc nằm cạnh vợ tao. Dù tao yêu cô ấy vô cùng!". Nó ngơ ngác. Anh văn nghệ vỗ vai bạn mình: "Bậy. Mày mắc chứng hoang tưởng rồi. Mày chỉ cô đơn nhất khi tao nằm cạnh vợ mày!". Đến đây, nó cũng cười theo, nhạt nhẽo: "Về thôi hai anh. Em không muốn mẹ em thêm thành kiến dân văn chương đi sớm về khuya!".
4. Anh có thể ôm siết nó trong vòng tay khi anh say. Ngày hôm sau, gặp lại, anh mắng mỏ nó: "Phải tỉnh táo chứ, chưa biết rõ có phải tình yêu không mà, em cứ căng thẳng nghiêm trọng thế này là anh rút lui đó!". Anh quên mất mỗi khi anh say, anh thương nó như thế nào, anh cũng tự cho phép mình quên những khi say anh làm nó khóc thế nào, lời nói của anh cứ xuyên thẳng vào trái tim non nớt của nó. Vậy mà, anh tỏ vẻ gay gắt đòi hỏi ở nó sự tỉnh táo. Có lần, trong vòng tay anh, nó nhớ tới mẹ, thế là chẳng suy nghĩ gì nhiều, nó nói với anh: "Hãy đi siêu âm đầu đi anh!". Anh buông lỏng tay ra, nhìn nó lạ lẫm. "Em có bị làm sao không?".
Bố nó đi công tác không thể về kịp tết. Đi giữa những vùng biển xa xôi, bố nói, "Chỉ có thuốc lá là trung thành với bố!". Nó tự hỏi, vậy trong cuộc sống rối rắm này, cái gì trung thành nhất với nó? Con mèo nhồi bông màu da cam mà nó vẫn lấy chân đạp túi bụi để chặn góc màn, tập Cuốn theo chiều gió khổ nhỏ nó hay dúi ở đâu đó trên giường, cái đàn organ bị nó trút ngón tay xuống tơi tả mỗi khi nó buồn, hay bàn phím vi tính cũ kỹ nó gõ gõ lốc cốc mỗi ngày? Có lẽ anh nói đúng về sự thiếu thốn tình cảm của nó. Anh nói vậy thôi chứ anh không thông cảm được, vì đơn giản gia đình anh rất đầm ấm, đó là cái nôi. Anh chỉ bị cuộc đời nghiệt ngã trong tình yêu. Một lần. Hai lần. Nhiều lần quá. Anh đâm ra yêu như thể người không cần tình yêu, gọi là yêu không nhiều sau mỗi mùa chay tịnh.
Thi thoảng nó muốn nói thật với bố rằng, "Bố ơi, con buồn muốn khóc!", khi một buổi sớm nào, hay một khuya lắc nào, bố nó gọi về: "Alô. Alô. Nghe rõ trả lời? Cả nhà khỏe chứ? Có gì mới không?". Nó lặng lẽ báo cho bố biết, con thi đậu cái này cái kia, thằng em trai đang đi tập võ, mẹ thì bệnh liên miên, con mèo hàng xóm hay vào cào cấu đệm ghế mỗi tối, một vạt lan ngọc điểm trổ cùng lúc tám chùm hoa thơm lừng, còn nhà hàng xóm thì tiếp tục vặn nhạc ầm ỹ làm mẹ không sao ngủ nghỉ được... Bố ở đầu dây bên kia: "Ừ... thế à... Vậy sao... Thôi nhé... Bố phải ngưng đây... Alô, cô tổng đài viên ơi... Alô, Falcon gọi tổng đài...".
Tút... Tút... Tút... Tút...
Bố gác máy rồi. Mẹ từ phòng tắm đi ra, tay xoa xoa bụng ê ẩm đau sau món thịt luộc chấm mắm tép ăn kèm khế chua và rau thơm: "Bố gọi về à?". Nó gật gật đầu. Cái đầu mỏi quá. Nó cũng muốn đi siêu âm thử xem, biết đâu, trong đó toàn những chì là chì, khiến cổ nó cảm thấy nặng nề.
5. Bọn bạn đại học lục tục đến nhà nó ăn tất niên sau kỳ thi để mạnh ai nấy về quê. Bật nhạc. Khui sâm banh. Nắm tay nhau hát hò. Gõ thìa lên nồi lẩu nghi ngút khói. Cuối buổi, mắt nhắm mắt mở, hỏi xem hết bao nhiêu tiền chúng mình chia nha, lần sau đến ăn nữa mà khách sáo gì? Nó cười. Thôi, coi như là sinh nhật tao! Ý, sinh nhật thì phải có quà, mày làm khó bọn tao rồi! Nó lại cười lần nữa. Thôi thôi thôi về đi kẻo trễ xe. Năm mới gặp lại nói sau. Thế là bọn nó líu ríu chào bác, chào bác, kéo nhau về nhanh hơn lúc đến. Nhạc vẫn mở, chai sâm banh uống dở, mâm bát bừa bãi. Nó thấy trống ghê.
Giàn hoa tỏi nở tím ngát. Nó nhặt một cánh hoa rụng, lấy tay vò nát đưa lên mũi. Nó nhớ tới tuổi thơ mấy chập ốm nặng nhập viện, bà ngoại lần nào cũng vào cùng, trường kỳ ăn cơm với nó, ngủ với nó, kể chuyện nó nghe và thi thoảng giấu mấy bà hộ lý khó tính, cho nó ăn mấy tép tỏi nướng thơm bùi điếc mũi. Mùi hoa giống mùi tỏi, nhưng mà lạnh quá. Nó lại nhớ, trong bệnh viện bà đã kể cho nó nghe những gì, truyện cổ tích Anderxen, truyện Không gia đình, truyện ngụ ngôn... Có lần bà phải về nhà tắm rửa xem xét trong ngoài một loáng, bà bảo bố nó vào trông nó truyền dịch thay bà. Bố nó gật đầu quả quyết mẹ cứ yên tâm. Kết quả, khi bà vào, thấy bố đang gục đầu ngủ ngồi ngon lành, còn nó, ngước mắt nhìn lên chai truyền dịch trống trơn, máu đã rút ngược lên chai, rất dễ sợ. Bà hét lên một tiếng. Kể từ đó, bà chẳng bao giờ chịu rời nó lấy nửa bước. Cháu gái bé bỏng của bà.
Cuộc sống đâu chỉ có mỗi chuyện tình yêu?
Nhưng nó sống bằng tinh thần, mà tinh thần nó lúc nào cũng trống đủ để nhét thêm thật nhiều tình yêu. Hai mươi chín tết này là sinh nhật nó. Sinh nhật tuổi hai mươi. Bạn bè đã về quê hết. Bố ở xa. Mẹ và em trai thì hào hứng vừa phải. Còn mấy anh bạn đã từng cốc đầu nó, vì lý do này hay lý do khác, đã đi xa khỏi thành phố, mà chẳng dặn dò lại gì. Nó nghĩ, tuổi hai mươi chắc phải mạnh mẽ lắm. Mà nó thấy mình bé xíu và ngu ngơ quá. Có thật là mình sắp hai mươi không?
Sau nhiều lần xem lịch và tự cấu vào tay, nó quay sang thằng em trai đang mải mê bấm điện tử bên cạnh, nói như muốn khóc: "Bé con, em cho chị đổi tuổi hai mươi của chị lấy mười tuổi của em. Được không?".
Kết Thúc (END) |
|
|