“Thưa ngài, xin hãy rủ lòng thương một người nghèo khổ. Tôi không có cả năm kopech để tìm chỗ ngủ qua đêm. Xin thề có Chúa! Tôi là một thầy giáo làng trong năm năm và bị mất việc làm vì những âm mưu của hội đồng khu vực. Tôi là nạn nhân của những bằng chứng giả. Tôi bị mất việc làm đã một năm nay”.
Ông luật sư Petersburg Skvortsov nhìn chiếc áo khoác màu xanh dương rách tả tơi của người đang nói, đôi mắt say sưa màu bùn đất, những nốt đỏ trên má y và có cảm giác đã nhìn thấy y trước đây.
“Và bây giờ người ta cho tôi một việc làm ở vùng Kaluga” người ăn mày nói tiếp “nhưng tôi không có tiền để đi tới đó. Xin hãy rộng lòng cứu giúp tôi! Tôi rất xấu hổ phải xin, nhưng... tôi bị hoàn cảnh bắt buộc.” Skvortsov nhìn đôi giày của y, một chiếc có hình dáng chiếc giày bình thường, trong khi chiếc kia cao đến gần đầu gối như một chiếc ủng và sực nhớ ra.
“Này, ngày hôm kia tôi gặp anh ở đường Sadovoy” ông nói “ và lúc đó anh nói với tôi anh là một sinh viên bị đuổi chứ không phải là thầy giáo làng. Anh còn nhớ không?” “Không, không thể được!” người ăn mày lẩm bẩm. “Tôi là thầy giáo làng, nếu ông muốn tôi có thể đưa giấy tờ cho ông xem.” “Nói dối đủ rồi!” Anh xưng mình là sinh viên và còn kể tôi nghe lý do bị đuổi nữa. Anh nhớ ra chưa?” Skvortsov đỏ bừng mặt vì giận và quay đi không nhìn người kia.
“Thật đê tiện!” ông giận dữ quát “Đồ lừa đảo! Tôi sẽ giao anh cho cảnh sát, đồ chết tiệt! Anh nghèo đói, nhưng không có nghiã là anh được quyền nói dối trâng tráo như vậy!” Người kia níu lấy quả đấm cửa và tuyệt vọng nhìn quanh phòng như chim bị sập bẫy.
“Tôi... tôi không nói dối” anh ta lẩm bẩm “tôi có thể chứng minh bằng giấy tờ”.
“Ai tin anh được?” Skvortsov vẫn giận dữ nói tiếp “lợi dụng sự thương mến của mọi người với thầy giáo làng và sinh viên- thật thấp hèn, thật bỉ ổi, thật bẩn thỉu! Thật ghê tởm!” Skvortsov càng lúc càng giận dữ hơn, ông mắng chửi người ăn mày không chút xót thương. Sự dối trá láo xược của con người rách rưới này đã làm ông căm ghét và phẫn nộ, là một sự xúc phạm đến những điều ông, Skvortsov, yêu thích và tự hào về chính mình: lòng tốt, một trái tim nhạy cảm, sự thông cảm với những người bất hạnh. Bằng những lời dối trá, bằng sự phản bội lại những điều đó, y đã làm ô uế lòng từ thiện ông thích ban cho người nghèo không chút nghi ngại. Lúc đầu người ăn mày còn thề thốt để tự bảo vệ, rồi y im lặng và xấu hổ cúi đầu.
“Thưa ông” y nói, tay đặt trên ngực,” quả thật tôi đã... nói dối! Tôi không phải là sinh viên cũng không là thầy giáo làng. Tôi đã bịa đặt ra tất cả! Trước đây tôi ở trong đội đồng ca Nga và đã bị đuổi việc vì tội uống rượu. Nhưng tôi có thể làm gì được? Vì Chúa, xin hãy tin tôi, tôi không thể sống nếu không nói dối. Khi tôi nói thật sẽ không ai cho tôi chút gì. Nếu nói thật người ta có thể chết vì đói rét khi không có nơi ngủ qua đêm! Ông nói rất đúng, tôi hiểu như vậy, nhưng... tôi phải làm gì?” “Anh phải làm gì? Anh hỏi anh phải làm gì à?” Skvortsov vừa quát, vừa bước lại gần y. “Làm việc!... đó là điều anh phải làm! Anh phải làm việc!” “Làm việc... tôi cũng biết như vậy, nhưng tôi biết kiếm việc làm ở đâu?” “Vô lý. Anh còn trẻ, khỏe, có sức lực, anh có thể kiếm việc làm được ngay nếu muốn. Nhưng anh biết mình lười biếng, quen hưởng thụ, say sưa! Anh sặc mùi rượu Vodka như một quán rượu! Anh đã trở thành dối trá và hư hỏng đến tận xương tủy, chỉ biết xin xỏ và nói dối! Nếu anh chịu khó làm việc, anh có thể làm ở văn phòng, trong một dàn đồng ca Nga, hoặc người ghi điểm ở tiệm bida, ở đó anh sẽ có lương và không phải làm việc! Nhưng làm gì anh chịu lao động chân tay được? Tôi dám chắc anh sẽ không chịu làm người gác cửa hay thợ trong xí nghiệp. Anh quý phái quá mà!” “Những điều ông nói, quả thật...”người ăn mày nói với nụ cười cay đắng “làm sao tôi kiếm được công việc lao động chân tay? Đi buôn bán thì đã trễ rồi, muốn buôn bán người ta phải bắt đầu từ khi còn nhỏ; không ai mướn tôi làm người gác cửa vì tôi không thuộc tầng lớp đó... Và tôi không thể làm việc trong xí nghiệp vì phải có tay nghề mà tôi lại không có”.
“Vô lý! Anh luôn luôn biện hộ! Anh có muốn chẻ củi không?” “Tôi không từ chối, nhưng hiện giờ những người chẻ củi chuyên nghiệp cũng đang thất nghiệp.” “Ồ, những người lười biếng lúc nào cũng nói vậy! Người ta đề nghị việc gì là anh từ chối liền. Anh có muốn chẻ củi cho tôi không?” “Chắc chắn là có... “ “Tốt lắm, để xem... Tuyệt. Để rồi xem!” Skvortsov vội vã nói, hơi bị khích động và không phải không có một niềm vui thích ác ý, xoa tay, gọi bà đầu bếp đang ở trong bếp.
“Này, Olga” ông bảo bà. “Hãy dẫn ông này vào nhà kho và giao cho ông ấy chẻ ít củi.” Người ăn mày nhún vai như đang bối rối miễn cưỡng đi theo bà đầu bếp. Thái độ của y tỏ ra rằng y bằng lòng chẻ củi không phải vì đói và muốn kiếm tiền mà chỉ vì xấu hổ và tự hào vì phải giữ lời. Rõ ràng là y đang say rượu Vodka, y không khỏe và không hề muốn làm việc chút nào.
Skvortsov vội vàng đi vào phòng ăn. Từ cửa sổ nhìn ra sân ông có thể thấy nhà chứa củi và mọi chuyện trong sân. Ông đứng ở cửa sổ, nhìn bà bếp và người ăn mày đi lối sau vào sân, đạp lên lớp tuyết lẫn bùn tới nhà chứa củi. Olga giận dữ nhìn người đi bên bà từ đầu đến chân rồi dùng khuỷu tay đẩy bật chốt cửa kho chứa củi làm cánh cửa mở bung ra kêu đánh rầm.
“Có lẽ mình đã gọi khi bà ấy đang uống cà phê” Skvortsov nghĩ.“Trông bà ấy giận dữ quá!” Rồi ông thấy người thầy giáo làng và sinh viên giả hiệu ngồi xuồng một khúc củi lớn, tựa hai bên má đỏ ửng vào hai nắm tay, đăm chiêu suy nghĩ . Bà bếp quẳng chiếc rìu xuống kế chân y, giận dữ nhổ xuống đất và, theo cử động của đôi môi, ông đoán bà bắt đầu chửi rủa y. Người ăn mày uể oải kéo một khúc củi lại, đặt nó đứng giữa hai chân và thận trọng đưa lưỡi rìu chẻ dọc nó. Khúc củi tách đôi và ngã xuống. Y kéo nó lại, thổi vào hai bàn tay lạnh cóng và lại thận trọng đưa lưỡi rìu chẻ dọc nó như sợ đụng vào đôi giày hay chặt mất mấy ngón tay. Khúc củi lại ngã xuống.
Cơn giận của Skvortsov đã tan, ông cảm thấy ái ngại và xấu hổ vì đã bắt một người không quen làm việc, say rượu và có lẽ đang bệnh làm việc vất vả trong giá lạnh.
“Mặc kệ, cứ để y làm...” ông nghĩ trong khi đi sang phòng làm việc. “Mình làm như vậy để cho y được tốt!” Một giờ sau Olga xuất hiện và báo là củi đã chẻ xong.
“Đây, đưa cho y nửa rúp” Skvortsov nói. “Nếu y muốn, y có thể đến chẻ củi vào đầu mỗi tháng... sẽ luôn luôn có việc cho y làm.” Vào ngày đầu tháng người ăn mày lại đến và kiếm được nửa rúp mặc dù y đứng không vững. Từ đó y đến thường xuyên và luôn luôn có việc làm: có lúc y gom tuyết thành đống, hay dọn nhà kho, có lúc y đập và giũ những tấm thảm, những tấm nệm. Mỗi lần như vậy y được nhận ba đến bốn kopech và có lần còn được cho một cái quần cũ.
Khi dọn nhà, Skvortsov sai y đóng gói và khiêng đồ đạc, lúc này y tỉnh táo, buồn rầu và im lặng; hầu như không đụng vào đồ đạc, cúi đầu đi sau những chiếc xe chở đồ, không cần làm ra vẻ tất bật; y chỉ rung lên vì lạnh và rất bối rối khi bị người khác cười nhạo sự chậm chạp, yếu ớt và chiếc áo trước kia sang trọng giờ rách tả tơi. Sau khi dọn nhà xong Skvortsov cho gọi y đến. “À, tôi thấy anh có làm theo lời tôi.” Ông nói và đưa y một rúp “Đây là tiền công của anh. Tôi thấy anh không còn say sưa và không phải không muốn làm việc. Tên anh là gì?” “Lushkov” “Tôi có thể tìm cho anh công việc tốt hơn và không quá vất vả. Anh có biết viết không?” “Thưa ông, có”.
“Vậy anh cầm giấy này, ngày mai đến gặp bạn đồng nghiệp của tôi và ông ấy sẽ cho anh làm việc giấy tờ... hãy làm việc, đừng uống rượu và nhớ những điều tôi dặn anh. Tạm biệt.” Hài lòng vì đã đưa một người vào con đường ngay thẳng, Skvortsov vỗ nhẹ vai Lushkov và còn bắt tay anh ta trước khi chia tay.
Lushkov nhận lá thư ra đi và từ đó không trở lại làm việc nữa.
Hai năm trôi qua. Một ngày kia khi Skvortsov đang đứng mua vé trước quầy bán vé nhà hát, ông thấy một người đàn ông nhỏ bé mặc áo khoác cổ lông cừu và đội mũ da mèo cũ kỹ. Y rụt rè hỏi mua một vé loại rẻ tiền nhất và trả bằng tiền lẻ.
“Lushkov, phải anh đó không?” Skvortsov hỏi khi nhận ra người chẻ củi trước đây của ông. “Ồ, lúc này anh làm gì? Sống có ổn không?” “Cũng khá... tôi đang làm ở văn phòng công chứng viên. Tôi kiếm được ba mươi lăm rúp”.
“Ồ, nhờ trời, như vậy là ngon lành quá rồi. Tôi mừng cho anh. Tôi thật tình rất vui, Lushkov. Anh biết không, ở một mức độ, anh là con đỡ đầu của tôi. Chính tôi đã đưa anh vào con đường ngay thẳng. Anh còn nhớ tôi đã chửi mắng anh thế nào không? Lúc đó anh gần như ở tận đáy. Ồ,cám ơn anh vì đã nhớ lời tôi, anh bạn thân mến ạ.” “Tôi cũng phải cám ơn ông” Lushkov nói “Nếu tôi không gặp ông ngày hôm đó, có lẽ tôi vẫn còn tự coi mình là thầy giáo làng hay sinh viên. Vâng, trong ngôi nhà của ông tôi đã được cứu và thoát khỏi cái hố đó”.
“Tôi rất vui mừng.” “Cám ơn ông về những lời nói và hành đông tử tế của ông. Những lời ông nói ngày đó rất tuyệt vời. Tôi biết ơn ông và bà bếp của ông. Xin Chúa phù hộ cho người phụ nữ có tấm lòng vàng đó. Những lời ông nói ngày đó rất tuyệt vời; dĩ nhiên là ngày nào còn sống là tôi còn chịu ơn ông, nhưng chính bà bếp của ông, Olga, mới là người cứu vớt tôi thật sự.” “Như vậy nghĩa là sao?” “Ồ, chuyện là như thế này. Trước đây tôi đến chẻ củi cho ông và bà ấy bắt đầu nói: “Ôi, anh chàng say rượu! Con người bị Chúa ruồng bỏ! Và anh còn chưa bị cái chết bắt đi!” rồi bà ngồi trước mặt tôi, nhìn mặt tôi và than khóc “Con người bất hạnh! Anh không có niềm vui nào trong thế giới này, còn trong kiếp sau anh sẽ bị thiêu trong địa ngục, con người say sưa đáng thương! Sinh vật buồn rầu khốn khổ!” bà cứ tiếp tục than van như vậy, ông biết không. Tôi không thể kể hết bao nhiêu lần bà ấy đau khổ và đã đổ bao nhiêu nước mắt vì tôi. Nhưng điều làm tôi xúc động nhất- bà đã chẻ củi cho tôi! Thưa ông, ông có biết không, tôi chưa bao giờ chẻ một khúc củi nào cho ông- bà đã làm lấy tất cả! Tôi không thể giải thích bà đã cứu tôi bằng cách nào, tại sao tôi thay đổi khi nhìn bà và bỏ rượu. Tôi chỉ biết là những lời bà nói và cách cư xử cao quý của bà đã làm tâm hồn tôi thay đổi và tôi sẽ không bao giờ quên. Nhưng đã đến giờ tôi phải đi, người ta sắp rung chuông báo hiệu mở màn”.
Lushkov cúi chào và đi đến khu khán giả hạng vé rẻ tiền.
Kết Thúc (END) |
|
|