Nếu nói “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy” thì Năm là học trò tôi. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ xem là vậy bởi, một tháng lớp tám trong bộ môn Anh văn, Năm - thậm chí - một câu ở thì hiện tại đơn giản viết không được, làm sao hiểu thì hiện tại hoàn thành dùng để làm chi.
Năm là thành viên trong một lớp chỉ mười lăm nhân mạng. Đây là lớp tập trung học sinh cá biệt trong khối. Trường có năm lớp tám. Một lớp chỉ một cá biệt còn chết đằng nầy những ba. Đang trong niên khóa, ban giám hiệu phải thành lập gấp một lớp dành riêng cho quý vị nầy. Dùng từ quý vị là đúng bởi, mười lăm ngoe, toàn con nhà ăn nên làm ra cùng là gia thế. Lớp tám mà không một em nào dưới mười sáu tuổi đủ nói lên tất cả.
Thầy cô các bộ môn, ai cũng biết không thể hiền với những cá biệt nầy. Dữ ư? Giáo viên thì dữ với ai. Nghiêm khắc? Giáo viên không nghiêm thì loạn cờ. Nhưng phải nghiêm làm sao? Có sai lầm hay không khi tập trung cá biệt vào một nhóm. Ban giám hiệu mời phụ huynh của mười lăm vị đến trường. Một buổi họp bàn về công việc học tập, đạo đức đặt lên bàn. Chả vị nào được một tí gì cho tất cả các môn. Trong lớp thì quậy quọ phá phách. Lý do là các em bị mất căn bản nên sự học trở thành gánh nặng. Ban giám hiệu quyết định tập trung để lấy lại cái đã bị mất. Nghĩa là phải làm lại từ đầu… Phụ huynh nào cũng mong nhà trường quan tâm giúp. Tất cả đồng ý con em học lại lớp sáu những môn như toán, lý, hóa, văn, Anh văn… Hy vọng tất cả sẽ thích thú với sự học sau khi lấy lại căn bản.
Các giáo viên đi ra từ đại học sư phạm được phân công dạy lớp nầy. Thật vinh dự khi tôi - một hợp đồng - sánh vai chung với viên chức đại học. Nhưng dạy lớp cá biệt thì bị hay được? Sau một tuần đứng lớp, tôi phát biểu ngay trong cuộc họp chuyên môn:
- Tôi nghĩ rằng nên bỏ quách tiết Anh văn ở lớp nầy. Chả một em nào chịu nghe, nói chi viết. Học kiểu nầy vô ích lắm.
Hiệu trưởng bảo rằng học sinh chịu học hay không là do giáo viên. Ông nhấn mạnh tại sao thầy cô những bộ môn khác không phàn nàn mà tôi lại đa sự. Ông kết luận là tôi hãy cố gắng, đến tháng sau vẫn vậy ông sẽ thay giáo viên khác. Đúng tháng tôi yêu cầu thay. Thật mà nói, tôi bó tay với cá biệt con nhà. Phụ huynh của mười lăm vị là mạnh thường quân của trường, chúng ỷ thế nên nhờn mặt. Trần Văn Năm có cha là lãnh đạo xã nhà, mẹ là doanh nhân. Nó là thủ lĩnh của lớp. Các thầy cô dạy theo kiểu dĩ hòa vi quý. Thầy dạy mặc thầy trò chơi kệ trò. Hết tiết là xong. Tôi cần phải lý giải cái gọi là dĩ hòa vi quý một chút. Cái thuở cơm áo gạo tiền to cao như thái sơn. Ai cũng muốn yên để tồn tại thì giáo chức không ngoại lệ. Và, trong hoàn cảnh ấy giáo viên những môn như toán, lý, hóa, văn, Anh văn... tổ chức dạy thêm. Có giáo viên gợi ý thẳng với phụ huynh nên thêm bớt vì con em anh chị kém quá. Đến kiểm tra, học sinh có điểm vì bài đã được làm trước ở lớp thêm. Điều nầy - chắc chắn - đã khiến thầy cô bị mất giá trong mắt học sinh. Dẫn sự thật đầy chua chát, ai cũng thấy nhưng biết làm sao khi ba cọc ba đồng lương mà đến tháng chưa chắc đã có.
Hiệu trưởng thay giáo viên. Tưởng yên, ngờ đâu tôi phải rời khỏi nơi kiếm cơm tạm gọi là cao quý khi đang thi học kỳ một. Quy chế thi thì ai cũng biết. Cấm quay cóp, cấm xem tài liệu. Ai vi phạm lần thứ ba sẽ bị đình chỉ. Hôm ấy thi môn toán. Tôi được phân công coi lớp cá biệt. Tôi buộc phải ký vào bài của Trần Văn Năm vì cậu chàng vi phạm đúng ba lần. Chả nói chả rằng Năm ra khỏi phòng, tọa ngay cột cờ hút thuốc. Hiệu trưởng hỏi và tôi trình bày vấn đề. Chả hiểu sao ông ta đưa Năm trở lại và tiếp tục cuộc thi. Tôi sượng mặt. Còn Năm? Cậu ta nhìn tôi như muốn nói - rồi ông làm chi tôi.
Yên một lúc, tôi đến trước mặt ngổ ngáo:
- Em còn quá nhỏ nên tôi không trách. Nhưng… cứ như thế nầy - nghĩa là - ỷ vào bố mẹ và lợi dụng sự nể vì của kẻ khác thì đời em chả ra làm sao.
Cu cậu lớp tám trả lời - tất nhiên là trẻ người non dạ - có tuổi không nên chấp:
- Như ông thầy thì bập phà điếu thuốc rê chứ hơn ai.
- o O o -
Ban giám hiệu yêu cầu tôi qua thi học kỳ hãy nghỉ. Nhưng tôi bảo chính ông đã không thực hiện cái quy chế mà ông yêu cầu làm tốt, đã thế còn hủy diệt uy tín của tôi trước lớp học. Tôi còn mặt mũi nào ba la trên bục giảng. Tôi nhấn mạnh:
- Mẹ dạy mà cha bênh thì con cái sẽ ra sao? Hành động của hiệu trưởng không những đứng về phía sai trái mà còn trực tiếp cho rằng tôi không giá trị. Tôi sẽ không còn một chút tự trọng nào nếu tiếp tục trên bục giảng.
Buồn bã tôi ôm cặp ra về.
Từ trường về nhà tôi những hai cây số. Thuở xưa chưa xa ấy xe đạp là tài sản thì đi bộ lại ngộ hơn đi xe. Sau cuộc họp nên tôi về muộn. Đang một mình qua khu rừng giá tỵ sát bên đường thì một chiếc Cub 81 “kim vàng giọt lệ” từ sau trờ tới. Tôi bị đạp một phát chí mạng, đầu va vào một viên đá bên đường. Tôi nằm yên ôm cái trán bị bể để ngăn máu chảy. Và người đỡ cho ngồi dậy là Phượng Lợi. Cô đi bán vé số qua rừng giá tỵ nhưng mắc đi ngoài nên ghé xả bỏ. Và - may quá - cô mục kích thằng ngồi sau xe sang đã đạp tôi. Phượng dân vé số chuyên nghiệp nên xem trời là nắp vung bể. Cô chẳng những nói với vợ tôi mà còn cho cả chợ biết luôn về thân thế và sự nghiệp của hai giang hồ trên chiếc kim vàng giọt lệ. Sau đó Phượng ký tên làm chứng vào đơn tố cáo mà bà xã tôi đã ra công nắn nót từ văn chương cho đến chữ nghĩa. Công quyền phải trừng trị thứ nầy và phải chịu trách nhiệm cơm thuốc cho người bị hại. Vợ tôi nói vậy.
Vết thương ở trán hơi nặng nên bà xã đưa tôi lên tận đa khoa huyện. Bác sĩ theo dõi thôi chứ xưa hơi xa ấy làm chi có cái gọi là... như hôm nay. Tôi đang nằm đọc Tam Quốc ngoại truyện thì khách quý đến thăm. Ông hiệu trưởng. Quý hóa quá. Vợ tôi nhường không gian bằng cách qua căn tin. Hiệu trưởng nói:
- Công an xã đã bắt hai thằng đánh thầy rồi...
Ngần ngừ một lát, ông nói đầu têu của vụ nầy là do Trần Văn Năm chủ xướng. Nó nhờ hai thằng bạn chơi lén nhưng bị tổ trác. Nghe qua tôi hiểu hiệu trưởng muốn gì:
- Anh yên tâm. Tôi phát đơn tố cáo bọn du thủ du thực chứ thầy nào mà cáo học trò. Anh về đi. Xuất viện tôi sẽ lên xã lấy lại đơn tố cáo.
Tôi nhìn theo hiệu trưởng mà thương cảm. Có quá nhiều trách nhiệm lớn đã gây áp lực cho ông. Nào chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu đậu tốt nghiệp. Nào cơm áo gạo tiền của giáo chức... học trò hư là con cháu của quan hay mạnh thường quân cũng là một áp lực không hề nhỏ. Biết làm sao khi mọi sự tưởng trong tay mà thực ra không hề là vậy.
Vợ tôi mở cái phong bì hiệu trưởng để lại trên bàn. Một triệu đồng. Lương hợp đồng của tôi bốn trăm ngàn thì số tiền nầy là lớn. Tôi hiểu gia đình Trần Văn Năm đã nhờ ông thương lượng với gia đình tôi qua cái phong bì nầy. Một lãnh đạo xã mà có con đầu têu đánh thầy giáo thì còn ra cái thể thống chi. Vợ tôi nghe qua cũng thở một hơi não nuột dài.
Ở sâu xa ngày một khó, tôi phải bỏ vùng đất một thời trên bục giảng ra đi.
- o O o -
Tết đến bà nội tính mua xấp vải may áo dài để cháu nội biếu cô chủ nhiệm. Con gái lớn nói vải vóc chi cho mệt má ơi, cứ tặng cái phong bì gọi là để mua sắm cho tiện. Chiều hai mươi sáu tết tôi mang cuốn sách tặng thầy dạy sử. Với tôi, sách là quý và lịch sự biết là bao nhiêu khi tặng nhau. Nhất là sách do chính mình viết thì đẹp quá. Tôi gõ cửa phòng riêng của thầy trong khu nội trú. Thầy ngạc nhiên nhưng tôi thì không. Cảnh không học trò viếng thăm những thầy cô môn phụ với tôi không hề lạ. Đã phụ còn hợp đồng thì dễ chi có được chức năng chủ nhiệm. Tôi đã từng nên biết.
Thầy nhận cuốn sách ra chiều cảm động.
Hai tôi nói chuyện đông tây kim cổ. Toàn chuyện buồn. Buồn nhất là thầy đang mắc cả một cục nợ kếch xù:
- Muốn đứng lớp là không dễ anh ạ.
Thầy không nói nhưng tôi hiểu vì sao nợ.
Mười giờ đêm tôi về. Ngạc nhiên quá khi trước nhà dưới ánh sáng đèn đường là một chiếc xe hơi. Một khách đang ngồi đợi. Tôi nhìn anh ta. Năm. Trần Văn Năm. Chính anh ta chứ không lẫn ai vô được.
- o O o -
Sau tay bắt và hỏi thăm về sức khỏe rất chi khách sáo. Năm làm tôi bất ngờ:
- Em đến đây lúc sáu giờ nhưng cô nói thầy đi thăm một giáo viên nên em chờ.
- Sao em biết tôi ở đây mà đến vậy?
Tôi không dám thậm xưng thầy với Năm. Trường hợp của tôi và Năm thì không thể lôi câu “nhứt tự vi sư” ra để làm bằng được. Năm trả lời:
- Khi ở tù về em đi tìm thầy suốt nhưng nào biết thầy ở đây. Hôm trước tình cờ gặp Y. Cô ấy cho địa chỉ nên...
- Sao bị tù? - Tôi hỏi cướp lời Năm.
Ra là cu cậu quen kiểu thủ lĩnh con quan con nhà giàu. Tụ tập bạn bè ăn nhậu và bi kịch đến. Mười bảy tuổi Năm bắt bồ với một bạn gái nhưng cô bé không thích. Năm nói rằng không phải điên bởi ghen mà vì uy bị mất, nên đã cho tạm gọi là tình địch một chai ba xị vô đầu trong một trận nhậu. Bị hại chết ở bệnh viện và Năm bị kết mười năm tù giam, thừa đủ để nhận ra được chính mình:
- Em đến để xin lỗi thầy chuyện ngày xưa.
Tôi nhìn chiếc xe hơi của Năm:
- Chuyện cũ và xốc nổi của tuổi nhỏ nên quên đi là hơn. Em dạo nầy làm gì?
- Dạ... em tài xế cho giám đốc một công ty.
- Ba má dạo nầy ra sao?
- Từ khi em bị án gia đình sa sút trầm trọng, thảm lắm thầy ạ.
Khổ. Đời là bể khổ. Nó đến với tất cả chứ không riêng một ai. Phải chấp nhận. “Hãy sống vui vẻ và đem hết nghị lực ra làm việc”. Tôi dẫn lời nhà văn Khái Hưng nói với Năm.
Năm mở cửa xe bê xuống một lẵng quà. Một lẵng quà lớn. Loại mà ngày tư ngày tết những ông nhỏ nhỏ vẫn kính biếu những ông lớn lớn. Năm nói:
- Em kính tặng thầy lẵng quà. Em nhớ mãi câu thầy từng nói “ỷ vào bố mẹ và lợi dụng sự nể vì của kẻ khác thì đời chả ra làm sao”. Xin cảm ơn thầy. Nhờ câu nói nầy nên em biết quý cái mình làm ra.
Nói rồi Năm chào tạm biệt có hẹn ngày gặp lại.
Nhìn lẵng quà, bà xã tôi nói:
- Mình chia lẵng nầy ra vài phần tặng thầy cô giáo của cháu nội thì hay quá.
Lẵng quà tại vị trên cái đôn bên bàn trà của tôi cho đến hai mươi tám tết. Đến lúc nầy thì nghèo giàu chi cũng ba ngày tết. Thịt mỡ dưa hành thôi thì tú hụ tù hu. Tôi bung lẵng quà và chia làm ba phần. Cũng đóng gói không thua chi thợ thầy. Rượu trà bánh ngọt kẹo cao cấp... tất cả đều trong hạn sử dụng. Tôi cùng cháu nội mang quà đến tận trường. Ngày tết đến, trường lớp vắng lặng. Bảo vệ trường và hai thầy giáo đang trong văn phòng. Thấy tôi và cháu nội đến họ ngạc nhiên. Đã viếng thăm lại quà cáp. Nếu là ngày nhà giáo chẳng nói chi nhưng đây là tư tết. Tất nhiên ba cái hàng họ ngày tết đến luôn từ đủ cho đến dư cả nhà nghèo nói chi cơ quan. Dư nhưng thiếu một cái cực kỳ quan trọng cho kẻ tha phương. Đó là sự nồng ấm.
Vậy là tiệc tất niên rôm rả bởi ôn cố tri tân. Thầy giáo môn sử khui chai vang trong gói quà uống mỗi người một ly. Ba cái rượu quà tặng ai cũng biết chả ra gì nhưng vui thì hạt muối cũng ngon. Cả ba cảm ơn bởi viếng thăm và quà. Vui nên tôi kể về ba gói quà trong một lẵng quà.
Và một học sinh cá biệt.
Kết Thúc (END) |
|
|