Đã hai mươi mùa nắng trôi qua. Đã hai mươi mùa mưa đổ xuống ngôi nhà nhỏ bên sông. Má vẫn âm thầm ngồi thở dài ngoài đầu hè, đôi mắt dõi về phương Nam mòn mỏi.
*
Nắng đổ dài một vệt thăm thẳm trên cánh đồng xanh mút mần. Mấy đứa trẻ con túm tụm nhau đằng ngã ba, xôn xao bàn tán. Có lẽ, bọn chúng sắp bày trò trốn tìm. Gương mặt đứa nào đứa nấy căng ra rồi chùng lại đầy vẽ triết lý. Thằng Tuấn, lớn nhất bọn, dõng dạc tuyên bố điều gì đó rồi cả đám ngúc ngắc mấy cái đầu hoe nắng tán thành. Trời ạ! Có gì đâu, chẳng qua cũng chỉ cái luật chơi mà bọn con nít chúng tôi đã thuộc làu làu còn làm ra bộ trịnh trọng. Nào là không núp gần chủ, không chơi cứu, không được nhìn trộm. Chỉ có bấy nhiêu đấy thôi. Anh em tôi nép trong kẹt nhà nhìn theo ao ước. Bọn chúng đã thống nhất và dùng cách "nhiều ra ít bị" để lựa chọn đứa bị phạt đầu tiên. Trò chơi cứ thế càng ngày càng cuốn hút mà không có anh em tôi.
Tôi luôn là đứa chơi tệ nhất bọn. Chỗ nấp quen thuộc của tôi ở ngay ngọn cây dừa mới cao hơn đầu người hay gốc vú sữa sau nhà. Đôi khi, tôi nằm dài dưới rãnh khoai, khuất sâu trong đám lá tốt mù. Nhưng mấy lúc như thế, tôi không chỉ canh chừng tên nhóc giữ trụ, mà còn phải canh chừng cả má. Má mà nhìn thấy, thể nào cũng cho tôi một trận "Con nhỏ ni hư thiệt hè, dập hết lá khoai rồi còn mô nữa!" Tôi đứng đực ra, mặt cuối gằm xuống đất chờ má quay lưng là vụt chạy, tiếp tục nhập bọn với đám nít đang nhìn tôi hê ha.
Nghĩ đến đó, bất giác, tôi phá lên cười. "Con nhỏ ni, bộ mi khùng hả?" Tôi nín bặt, quay sang nhìn vẻ mặt buồn thiu như con mèo bị thả sông của anh hai. Hiện thực dồn dập ùa về. Tôi nghe rõ tiếng lạo xạo của bụng mình. "Hai ơi! Hôm qua Hai có kịp ăn miếng mô không? Em chẳng kịp ăn tí chi hết, chừ đói quá Hai nợ". "Thì tau cũng đã kịp ăn chi mô. Mà con gái tụi bây chỉ biết ăn thôi à?" "Răng Hai lại la em!?" Tôi òa lên khóc.
Khi mâm cơm trưa dọn lên, đĩa cá sơn, cá móm chiên giòn thơm phức, chén mắm tiêu sóng sánh, nồi cơm nghi ngút hương gạo mới phả vào lòng cặp trẻ đói cái nhìn hau háu thèm thuồng chờ đợi. Chiếc đũa cái to bè như mái chèo trong tay má cắm sâu xuống rồi hất tung lên, xới tơi những hạt cơm mềm ướt. Anh em tôi háo hức đón chờ bữa ăn thịnh soạn từ tay má. Bỗng chốc, cái rùng mình ùa tới, đôi hàng nước mắt trào ra ướt đẫm trên khuôn mặt non tơ, đen nhẽm. Ba tôi hét lên chừng nãy lửa "Bà im đi, được rồi, từ nay bà muốn làm chi thì làm, tôi không biết". Ba hất luôn mâm cơm trước mặt ra sân, đứng phét dậy. Mấy cái chén rơi tự do xuống nền gạch vỡ toan lẻng xẻng. Anh tôi chụp vội chiếc trã đặt nồi cơm cố níu giữ chút gì đó cho cái bụng rỗng tuếch. Không kịp, bước chân ba vô tình đá phăng nồi cơm tung tóe giữa sân. Cái trã nằm gọn lỏn trong lòng anh tôi đen ngoàm. Tôi khóc thét lên. Má cũng khóc, giọng má méo máo than trời kêu đất.
Nghèo đói, cơ cực khiến con người ta trở nên bần cùng. Má lăn lộn giữa sân bên mâm cơm đã nhem nhúa. Lòng người đàn ông chỉ muốn vươn lên với đời bị buộc phải chùng lại, quẫn bách cùng ba bữa cơm mỗi ngày hòa trong nước mắt của đàn bà, con dại biến họ thành người cộc cằn, thô bỉ. Ba sấn tới túm lấy tóc má giằng mạnh, bàn tay vung ra đánh bộp vào gò má trơ hốc với màu thời gian vừa lấm tấm. Má tuột khỏi tay ba, mà đúng hơn, ba buông thỏng tay mình cho người đàn bà chung chăn gối vụt chạy để rêu rao khắp xóm cái thành tích mà chồng bà vừa gây ra với bà. Ba dắt xe ra đi, những vòng xe cọc cạch, quằn quại dưới cái nắng của một trưa hè đổ lửa.
Thôi thì như một cái cớ, má kêu trời, khóc đất hết bụi tre này đến bến sông kia. Ngôi nhà chỉ còn lại hai đứa trẻ ngồi chết trân trong góc. Bữa cơm trưa trở thành bữa tiệc thịnh soạn cho con Tô, lão Miu và đám gà cồ gầy tọp. Trời ơi! Lũ chúng mày còn tranh nhau nỗi gì chứ, bữa trưa của anh em tao giờ của chúng mày rồi còn gì!
Màn đêm rũ rượi buông trùm kín căn nhà lạnh te với ánh đèn dầu lay lắt. Má lê từng bước chân nặng nhọc vào nhà nằm phịch xuống ván. "Tao chết cho rồi. Tụi bây ráng mà sống với ba bây. Tao chết đi cho ổng hả dạ". Tôi bò tới ôm chầm lấy má van vỉ "Con lạy má, má đừng chết bỏ con mà má". Nước mắt tôi chảy dài với đôi tiếng nấc nghẹn ngào. Anh Hai tôi ngồi im trong góc, mặt cuối gằm xuống lầm lì. "Răng mà phải nén chịu khổ quá rứa Hai. Hai muốn khóc thì cứ khóc to đi, muốn gào thét hãy gào thét đi. Mấy móng tay kia có tội chi đâu, Hai cắn chi mà cắn miết cho bật máu ra rồi Hai kìa".
Hai tôi ngủ luôn trong góc nhà co ro như con chó Tô. Tôi thiếp đi bên má, chốc chốc lại giật thót mình ghé tai bên mũi xem má có còn thở nữa không. Chập chờn thức, chập chờn ngủ cho ánh trăng mặt sức lênh láng liếm láp những hạt cơm còn vươn vãi trên nền gạch. Con Tô nhảy vồ ra sủa dồn lên mấy tiếng. "Phịch!" nó cụp đuôi ẳng vội ra bến. Ba về. Ba liêu xiêu bước thấp bước cao trên mấy bậc thềm. Tấm liếp cửa đánh bật xuống nền tròng trành. Ba đứng đó, đen đặc trước mặt tôi. Giọng ba hằn học, nhàu úa thứ ngôn ngữ thề bồi của những con người chìm sâu dưới mục rữa cuộc sống.
Bằng chút sức lực mỏng manh của đứa trẻ lên sáu bị bỏ đói từ trưa đến tối, tôi cố đẩy ba ra. Nhưng khi cơn tức giận đang dâng lên cuồn cuộn chừng cuốn phăng tất cả những bức bách, khốn cùng ra ngoài thì sự cố gắng non dại, yếu đuối của tôi vô hình trở thành lực cản. Bàn tay ba giơ lên "bốp". Khắp các cơ mặt tôi tê dại, toàn thân tê dại, đầu óc quay cuồng. Tôi đổ ịch xuống ván, chìm sâu trong đau đớn, trong cơn đói cồn cào, trong sợ hãi đến tột cùng.
...
Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy, đã thấy ba dắt xe ra đi bỏ lại sau lưng mấy tiếng chửi đổng. Anh tôi vẫn ngồi trong góc nhìn theo bằng đôi mắt đờ đẫn. Đầu kia tấm ván, má nằm nghiêng, dáng điệu co quắp, mặt úp vô tường. Tôi nín thở để nghe tim má đập, để thấy nhúm cơ bụng của má phồng lên rồi xệp xuống. Với đứa con nít như tôi thế có nghĩa là má vẫn còn sống.
Tôi lò dò xuống bếp. Căn bếp lạnh tanh, bụi tro bị gà bới tung tóe. Tôi múc luôn gáo nước lạnh cho vào bụng. Bữa sáng của anh em tôi chỉ có vậy. Thằng Tít lơ láo chạy sang rủ anh em tôi chơi nhảy dây. Chừng như đoán được điều gì đó đang xảy ra, nó nhét vội miếng ổi ghẻ chua lè vào tay tôi rồi chuồn thẳng, bỏ mặt anh em tôi trong kẹt nhà lâu, thật lâu.
Non trưa, bà Năm sau nhà chống gối sang hỏi thăm. Hai người đàn bà một già, một trẻ tỉ tê chuyện gì đó mà anh em tôi không tài nào hiểu được. Tôi nghe tiếng má khóc thút thít, tiếng sịt mũi sột soẹt, tiếng bà Năm thở dài "Nhìn hai đứa nhỏ thương quá chừng mà bây. Thôi thì cũng do cái tội nhà nghèo mà ra."
"Tội nhà nghèo là tội chi rứa Hai, là anh em mình làm ba má buồn hả Hai?" Hai tôi đưa mấy móng tay cụt ngủn lên miệng cắn thay cho câu trả lời.
Bà Năm nhòm nhòm, ngó ngó quanh gian bếp. Cái nồi nấu cơm méo mó đủ chiều nằm sóng soài trên chạn tre như thách thức cả chục hay cả năm bảy chục lần bị nện xuống nền, đá ra sân, ném vào bụi tre hay hất tung lên gốc dừa. Cái lý do để nó bị hành hạ có đủ, mà nó thì có tội gì đâu. Chỉ như trưa qua "Tui nấu cơm trắng đó, ông ăn đi rồi tối cho mấy đứa nhỏ nhịn đói." "Tui làm đến còng lưng, mờ mắt, chẳng lẽ muốn ăn bữa "cơm không" cũng không được hay răng mà bà lầm rầm miết rứa!?" "Tui có lo, có giữ cũng cho con, cho cái nhà ni chớ có dành chi riêng cho tui mô nơ." Chỉ có bấy nhiêu đấy thôi.
Dấu tích của một ngày lộn xộn, của ba bữa tắt bếp làm bật lên cái chép miệng xót xa từ khuôn mặt móm mém của bà Năm. "Thằng Mót đi nấu cơm cho em ăn đi con". Hai tôi khẽ lắc đầu, có lẽ Hai không muốn nói "Gạo đâu còn mà nấu hở bà Năm!" Những hạt gạo cuối cùng đã thành cơm từ trưa qua, bữa cơm mà anh em tôi đành nuốt nước mắt nhìn lũ chó mèo hí hửng chén đến no cành.
Tôi nhào tới níu chặt lấy tay bà Năm "Bà Năm ơi, bà Năm đừng dề, chút nữa ba con dề không có bà Năm, ba đánh má chết mất". Bàn tay xương xương, khô háp gỡ nhẹ tay tôi "Chừng mô ba con dề, con kêu cái bà Năm qua, bà dề cho heo ăn cái đã."
Tôi buông thỏng đôi tay hụt hẫng nhìn vị cứu tinh của mình lụm khụm bước đi. Ngoài kia đám bạn vẫn tíu tít cười nói.
Tôi níu tay Hai thủ thỉ "Ước chi ba đi luôn không dề nữa Hai hè!" Hai gõ đầu tôi một cái rõ mạnh "Đồ ngu. Ba không dề thì ai đi nò kiếm tơm cá, rồi lấy tiền mô mua gạo cho mi ăn!" Hai nghĩ được nhiều vậy ư. Ừ thì Hai lớn hơn tôi, là anh của tôi còn gì. Nhưng nếu ba về, thể nào cũng xảy ra cãi vã, la khóc rồi giằng xé, đánh đập. Nước mắt tôi trào ra "Ba má không cãi nhau nữa đâu phải không Hai. Má cũng không chết mô Hai hè?"
Lũ con nít chơi chán hú nhau ra sông tắm. Anh em tôi vẫn ngồi đó nhìn mãi miết về phía con đường đất ngoằn ngoèo mà nghe cơn đói cồn cào thấm sâu trong từng thớ thịt.
"Thằng Mót, con Chút qua đây ăn cơm với bà, nghe không!"
Đã bao nhiêu lần anh em tôi được bà Năm cho ăn ké như thế này rồi nhỉ. Tôi không nhớ, Hai cũng không nhớ. Chỉ biết, cứ mỗi lần ba má cãi nhau là anh em tôi lại dắt díu sang nhà bà Năm xin cơm. Bữa cơm nhà bà Năm ngon đáo để. Bà hết xới cơm cho đứa này liền quay sang gắp mắm cho đứa kia. Anh em thằng Tít, thằng Nô được bà yêu hơn cả hủ nếp để dành. Tụi nó phải xa ba má từ nhỏ, mỗi năm, may mắn lắm cũng chỉ được gặp ba má có một lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy chúng nói nhớ nhung gì cả. Nghe đâu, năm thằng Nô được một tuổi, trời làm mấy trận lụt lớn lắm, mùa màng mất trắng. Vợ chồng chú Hai đành rứt ruột để con lại cho bà, xuôi tàu vô Nam kiếm sống. Vậy mà đã ngót năm năm rồi cơ đấy. Cũng nhờ có thế mà bọn nó được ăn cơm trắng luôn. Thỉnh thoảng còn được ba má gởi cho mấy tấm áo đẹp cực. Như bọn nó mà lại sướng đến để đấy chứ.
Cái đói buộc con người ta phải dẹp bỏ lòng tự trọng. Má lục tục trở dậy, bắc nồi khoai khô lên luộc. Anh em tôi thôi sang ăn chực nhà bà Năm.
Màn đêm đã tràn ngập con đường trước mặt mà ba tôi vẫn chưa về. Hai đứa trẻ con ngồi bệt đầu thềm đợi ba. Con Tô hết thè chiếc lưỡi dài nhằng liếm lấy liếm để mấy ngón chân của Hai lại quay sang dúi dúi đầu vào tay tôi làm bộ nũng nịu. Má đã trở vô ván nằm.
Khuya, sương xuống ướt mem, anh em tôi phơi bụng ngoài trời, ngủ ngon lành. Đêm đó ba không về.
Tang tảng sáng, lũ gà gáy te te khắp xóm, tiếng chổi dừa soàn soạt trên sân. Má đã rời ván ra hè quét dọn hay quay trở vô bếp thu thu, vén vén.
Cả ngày hôm đó ba cũng không về. Anh em tôi ngồi lì ngoài bậc thềm đợi ba. Chốc chốc, chừng mỏi mắt, Hai kéo tôi vô chỗ kẹt nhà ngó hoài con đường đất sét oằn oại.
Sẩm tối, cô Ba, chủ quán rượu trên đường cái, ghé đưa cho má mãnh bao thuốc lá gấp làm tư ngay ngắn. "Anh Bảy nhờ tui đưa cái ni cho chị. Không biết ảnh đi mô mà gấp lắm, ghé qua chưa kịp hỏi han chi hết đã đi rồi."
Tay má run run gỡ từng mép giấy. Má cặm cụi đọc. Có gì trong đó mà má đọc kỹ vậy nhỉ! Chừng lâu lắm má mới ngẫng mặt lên, nước mắt trào ra ràn rụa "Ổng giận tui, ổng nói ổng đi vô Nam lập nghiệp, khi mô giàu có như người ta ổng mới dề. Tui khổ quá chị Ba ơi!" Cô Ba quán rượu hết nhìn má, quay sang nhìn chúng tôi ái ngại.
Từ hôm đó, ngày nào Hai cũng ra sông bẻ lá dừa ghép thuyền. Hai viết viết, vẽ vẽ lên đó mấy chữ thật khó hiểu mà Hai bảo với tôi là "viết thư cho ba". Hai ghép cả chục, cả trăm cái thuyền như thế rồi thấp thỏm đứng nhìn. Có cái mới ra khỏi bến đã chìm nghỉm, có cái trôi được một đoạn thì mắc kẹt luôn trong nò của người ta. Cũng có cái kiên nhẫn trôi dài theo dòng nước.
Cũng từ sau buổi chiều nhập nhoạng ấy, má trở thành người khác hẳn. Má ít nói, ít cáu bẳn hơn mấy hồi mà lầm lũi, buồn hiu hiu, cái nhìn mòn mỏi mong chờ. Má hay ngồi một mình ngoài đầu hè thở dài thườn thượt. Có lẽ má chờ ba, má nhớ ba lắm, nhớ người đàn ông túm tóc đánh bộp vào mặt má trưa nào.
Ba vẫn chưa về.
Đã hai mươi mùa nắng trôi qua. Đã hai mươi mùa mưa đổ xuống ngôi nhà nhỏ bên sông. Má vẫn âm thầm ngồi thở dài ngoài đầu hè, đôi mắt dõi về phương Nam mòn mỏi.
Ngày mai tôi sẽ cắp nón theo chồng mà không có ba nắm tay nhắc nhủ. "Ba ơi! Con nhớ ba lắm, ba có quay về kịp đưa con sang đò không ba? Chồng con cũng giống như ba hôm nào, đen đúa, chai sạm với nắng gió, với con nước lớn ròng. Chồng con cũng ngày hai buổi thả lưới trên sông, đêm cắm nò kiếm con tôm, con cá. Rồi những đứa trẻ đầu hăng hắc vị phèn chua nước lợ sẽ lần lượt ra đời. Ngày mai ba sẽ về để dạy con con đường thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bao toan tính đời thường khiến con người ta trở nên quẫn bách, phải không ba?
Kết Thúc (END) |
|
|