Trong cuộc sống này có những yêu thương con người ta phải dành cả đời để tìm kiếm, có những nỗi đau phải mất cả đời để quên đi lại có những lỗi lầm cả đời không xóa sạch…
Đăng về Hà Nội vào một ngày bình thường không hơn, không kém. Trên chiếc xe máy đã cũ mèm vì quá nhiều bận dãi mưa dãi nắng, Đăng lao thẳng về nhà, lòng rối bời những suy nghĩ chen ngang.
Hà Nội không có quá nhiều thay đổi nhưng mọi lòng người liệu có còn vẹn nguyên? Suy nghĩ ấy thoáng qua khiến Đăng nở một nụ cười buồn trên gương mặt đã sạm đen vì nắng gió. Hai năm – quãng thời gian không quá dài cũng chẳng quá ngắn đủ để con người ta hoặc quên, hoặc nhớ, hoặc xóa nhòa, hoặc khắc sâu thêm một nỗi đau nào đó. Chính Đăng – chàng trai của sự tĩnh lặng cũng đã thay đổi nhiều vì những nỗi đau quá sức chịu đựng thì thử hỏi người con gái vốn yếu mềm mà Đăng luôn mang trong suy nghĩ kia sẽ đối mặt với nó ra sao? Ngã khụy hay cứng rắn? Sự thay đổi đó liệu sẽ khiến Đăng thất vọng hay hi vọng? Đăng đang nóng lòng muốn biết.
Trong cuộc sống này có những tình yêu con người ta phải dành cả đời để tìm kiếm, có những nỗi đau phải mất cả đời để quên đi lại có những lỗi lầm cả đời không xóa sạch. Tình yêu, nỗi đau và cả những lỗi lầm Đăng trót mang đều là người con gái ấy vẫn khiến trái tim kia chưa khi nào có lại nhịp đập bình yên.
Đăng năm nay đã hai mươi sáu tuổi, không còn quá sốc nổi và dễ tổn thương như Đăng của tuổi hai mươi tư hai năm về trước. Mà không, phải nói rằng chính vấp ngã ấy đã khiến Đăng trưởng thành hơn sau hai năm ròng – quãng thời gian Đăng trốn chạy, rồi dừng chân và bình tâm suy nghĩ. Đăng ổn hơn, tất nhiên chỉ ở vẻ bề ngoài còn đôi chân Đăng vẫn đi, đúng hơn là chạy để nỗi đau đang thổn thức kia có thể nguôi ngoai từng chút theo nắng gió trên những cung đường Đăng tới. Nói vậy thôi, những thương tổn có thể bốc hơi cùng nắng gió nhưng cũng giống như nước biển khi bốc hơi rồi vẫn còn để lại muối, tuy rằng ít thôi nhưng mặn chát hơn lúc ban đầu.
“Này, em nói đi, nói đi. Cái thai đó là của ai, của ai hả?” – Đăng hét lên, đồng tử dãn ra vì tức giận, mạch máu trên mặt cũng căng ra, để lộ những đường gân xanh khe khẽ giật lên phía thái dương. Mai chỉ khóc, những giọt nước mắt càng làm Đăng không sao kiềm chế. Đăng bắt đầu lật tung mọi thứ trong căn phòng, đập phá rồi vò nát tờ phiếu siêu âm mà anh vô tình nhặt được trong túi sách của Mai. Vậy đấy, cái tình cảm mà Đăng vẫn luôn trân quý ấy đã bị giết chết theo một cách không thể nào tàn nhẫn hơn. Đăng cũng không ngờ người con gái mà anh hằng yêu thương, tôn trọng lại có thể khiến anh thất vọng nhường ấy.
Suốt quãng thời gian đó, Đăng ngã khụy, hoàn toàn ngã khụy. Anh thậm chí không đối diện với Mai một lần nào sau trận cãi vã, à không, là màn độc thoại của anh và những giọt nước mắt của Mai buổi hôm ấy. Cú sốc quá lớn đã khiến Đăng buông mọi lời lẽ tàn nhẫn với Mai rằng anh thật ghê tởm cô, rằng cô đã quá tàn độc khi giết chết tình yêu của anh theo cách đó, rằng sao cô không thằng thừng chia tay anh rồi hãy lên giường với thằng đàn ông khác? …Đăng đã chuyển hết thảy những tổn thương từ con tim đang rỉ máu của anh thành những lời lẽ ấy, nó hóa sự lạnh lùng khi vô tình chạm mặt Mai nhưng lại là giọt nước mắt cứ bào mòn dần sự cứng rắn của chính Đăng khi anh thấy Mai lặng lẽ đứng trước cổng nhà, âm thầm dưới màn đêm trong những cơn mưa tầm tã.
Cũng suốt quãng thời gian đó, bản lĩnh của một thằng đàn ông trong Đăng chưa bao giờ lại bị lôi ra suy tính, đẩy đưa và thử thách đến vậy. Chẳng lẽ một chàng trai như Đăng, vốn được nhận xét là bản lĩnh lại dễ dàng gục ngã đến vậy? Cũng không lí gì cái thằng đàn ông trong Đăng nó lại hèn kém đến độ ấy? Nhưng có lẽ Đăng còn quá trẻ để mà suy tính thiệt hơn khi tổn thương làm con tim ngợp choáng, Đăng chọn cách trốn chạy cũng vào một đêm mưa tầm tã không có sự xuất hiện của Mai.
Quãng thời gian đầu thực sự khó khăn với Đăng. Yêu và hận cứ vật lộn, xéo đạp lên nhau làm con tim đau nhói vào những đêm không tài nào chợp mắt vì nhớ nhung, yêu thương và căm hờn, oán trách. Chi bằng Đăng vẫn còn ở Hà Nội để thấy Mai vào những đêm mưa bất chợt dù giọt nước mắt sộc cay nơi khóe mắt nhưng anh đủ biết cô thế nào, ổn hay không dù chẳng có cách nào anh vượt qua nỗi cay đắng ấy để dang vòng tay đón cô vào lòng như những ngày tháng xưa.
Mẹ là người duy nhất trong gia đình mà Đăng liên lạc từ ngày rời Hà Nội. Những cuộc gọi rất thưa và ngắn vì ít lúc Đăng nghe máy mà chủ yếu tự liên lạc với mẹ. Nhìn Đăng gầy rộc và đen đi nhiều. Đôi lần định hỏi mẹ về Mai nhưng niềm lo lắng cho sức khỏe con trai đã choán hết thời gian trong những cú điện thoại ngắn ngủi. Đăng định hỏi, rồi lại thôi, đã rất nhiều lần như thế.
Đăng vốn nghĩ mẹ không hề biết về lí do mà anh rời Hà Nội để lang thang đến mọi ngóc ngách nhưng đó là một sai lầm lớn. Sau này nghĩ lại Đăng mới thấy vậy vì anh và Mai vốn chơi thân từ nhỏ, hai nhà lại sát vách nhau nên sẽ chẳng lí gì mẹ không thắc mắc. Chính thắc mắc ấy đã khiến mẹ biết mọi chuyện nhưng lần này, sự thật ấy còn khiến Đăng đau khổ hơn nhiều lần.
Đăng nhớ hôm ấy trời mưa to lắm, Đăng được nghỉ làm. Những công việc theo hợp đồng ngắn hạn vẫn đồng hành cùng Đăng suốt quãng thời gian rời xa Hà Nội bởi anh không muốn ở yên bất cứ chỗ nào, cốt sao có đủ tiền trang trải cuộc sống chỉ có một mình. Lúc ấy Đăng đang định gọi điện về nhà thì thấy mẹ gọi đến, Đăng bắt máy luôn nhưng không phải những câu hỏi thường lệ, giọng mẹ hớt hải lắm:
- Đăng ơi, con sai rồi!
- Mẹ nói sao cơ? – Đăng nhất thời chưa thể hiểu ý mẹ.
- Con bé Mai nó bị hại, con có lỗi với nó rồi, con có biết không?
Cổ họng Đăng nghẹn ứ lại, anh không thể nói thêm bất cứ điều gì. Tai Đăng ù đi sau câu nói của mẹ ở bên kia đường truyền. Sao cuộc đời lại thích trêu đùa con người ta đến vậy?
Ngay lập tức, ý định quay trở về xuất hiện trong Đăng nhưng cũng rất nhanh sau ý định ấy, anh nhận ra sự xuất hiện của anh giờ này là vô nghĩa. Anh về để làm gì? Không lẽ là nói lời hối lỗi. Anh đã làm gì trong lúc người con gái ấy cần anh nhất? Tất cả chỉ là nghi ngờ, lạnh lùng, xúc xiểng. Vậy thì lời hối lỗi ấy có còn ý nghĩa chi.
Suốt quãng thời gian sau đó, Đăng sống trong nỗi dằn vặt bản thân và cả những câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp. Anh tự hỏi sao hồi đó Mai không cho anh một cái tát trước những lời xúc phạm vô căn cứ hay chứng tỏ rằng cô trong sạch, dù chỉ bằng lời nói. Đằng này cô chỉ im lặng như thể mình là người có lỗi. Thì ra người con gái ấy đã đợi anh đến bên cô, ân cần hỏi xem đã có chuyện gì xảy ra, bình tĩnh và chia sẻ mọi thứ cùng cô chứ không phải nghi ngờ hay nhiếc mắng. Thì ra người con gái ấy còn khổ đau và thương tổn hơn Đăng gấp nghìn lần. Còn Đăng, anh đã cư xử không khác một thằng đàn ông tàn tệ, hoài nghi người con gái dành cho mình hết thảy tình yêu, tin tưởng, hi vọng, đang tâm rời xa trong lúc cô tuyệt vọng. Đăng bình tĩnh và biết sẻ chia của ngày thường đã để một chút nông nổi của tuổi trẻ bịt mắt mà trở nên khốn nạn đến thế này ư? – đó là câu Đăng tự hỏi mỗi khi nhìn lại mình coi như sự chuộc lỗi.
Lần này Đăng về cũng lặng lẽ như chính lúc anh đi. Đăng không báo cho ai, kể cả mẹ anh. Đăng của hôm nay đã bình tĩnh hơn trước những biến cố bất ngờ nhưng có lẽ nỗi đau anh từng trải qua để lại thương tổn trong trái tim kia chưa bao giờ lành lặn, cứ lên da non rồi lại bị cuột cào đến độ rỉ máu.
Sau cuộc điện thoại với mẹ vào chiều mưa hôm ấy, Đăng cắt liên lạc suốt một thời gian dài. Gọi làm gì khi mà lúc nói chuyện cùng Mẹ, Đăng chỉ muốn nhắc đến Mai, hỏi xem cô thế nào từ lúc anh đi, cô có đến nhà tìm anh không, có còn yêu và đợi một thằng đàn ông đã dẫm đạp lên hi vọng của cô để mà buông lời tàn độc rồi chạy trốn không còn vết tích. Nhưng rồi Đăng biết mình không đủ tư cách để hỏi những câu hỏi ấy, với bất kì ai không ngoại trừ mẹ anh.
Chưa bao giờ Đăng muốn buông cuộc sống của mình đến vậy vì phải sống trong quá nhiều dằn vặt. Đăng uống rượu quên bờ bến những đêm một mình, cả thuốc lá cũng vậy. Với Mai lúc ấy, Đăng biết không đơn thuần là sự hối lỗi mà còn cả yêu thương. Thì ra Đăng không thể tàn nhẫn với Mai như chính lí trí của anh và việc phải quên cô đi càng không dễ dàng như anh đã tưởng.
Đăng bắt đầu lùng sục mọi thông tin về Mai và ôm cái hi vọng rằng cô luôn sống tốt để anh có thể yên tâm tiếp tục hành trình. Nhưng rồi một lần nữa sự thật đến với Đăng như chiếc roi quất mạnh vào con thú đang chùn chân vì sợ sệt hay mệt mỏi để nó phóng lên theo hướng cần phải đi. Lại là cuộc điện thoại của mẹ vào một chiều mưa tầm tã:
- Đăng, con về đây, về ngay cho mẹ!
- …
- Con bé Mai nó nhập viện tâm thần rồi. Con có lỗi với nó quá rồi, Đăng ạ. Mẹ không muốn con tiếp tục như vậy đâu.
Lần này cái quyết định trở về trong Đăng nhanh chóng và mạnh mẽ đến độ không gì có thể chen ngang. Đăng biết chứ, sự xuất hiện của Đăng vào lúc này, bên cạnh Mai với những ai biết rõ sự thật thật sự là khó chấp nhận nhưng nếu có thể, Đăng mong cái tát nén dồn mọi ấm ức Mai đã phải chịu đựng, sự dằn vặt dành cho Đăng của những người xung quanh cô để Đăng có cơ hội rửa bớt đi niềm ân hận trót mang trong trái tim mình.
Hà Nội những ngày đầu xuân ấm áp và vui tươi nhường ấy mà sao trái tim Đăng cứ luôn trĩu nặng. Cái ánh mắt Mai nhìn Đăng, tiếng hú hét của cô khi thấy đứa bé ấy – cái hình hài ghi dấu hết thảy khổ đau, nước mắt, thương tổn của cuộc đời cô và cả cái nụ cười ngờ nghệch của cô vẫn ám ảnh theo vào từng giấc ngủ khiến Đăng giật mình hoảng hốt.
Khi trái tim con người ta bị thứ gì đó dày vò đến độ đớn đau, người ta luôn ích kỉ nghĩ rằng: Mình là người khổ nhất trên đời này nhưng sự thật không hẳn vậy, đằng sau lưng họ, có những nỗi đau lớn hơn, thổn thức và tuyệt vọng hơn rất nhiều.
Đăng trở về bên cạnh Mai, không có một lời oán trách hay một ánh mắt trách cứ mà tim anh vẫn cứ quặn lại từng đêm, vắt thành giọt nước mặn chát cứ nhòe đi nơi khóe mắt. Trách cứ làm gì đâu, sự thật chẳng thể thay đổi, ai cũng biết vậy nên không ai làm thế. Còn Đăng, hối lỗi để được gì, thời gian đâu thể ngược chiều xoay mà sao Đăng vẫn cứ như vậy đã bao nhiêu đêm ròng.
Từ lúc Đăng về, anh chưa khi nào thấy lại ánh nhìn của Mai trong những ngày tháng cũ. Cô lúc la om sòm rồi khóc thét như đứa trẻ khi lại sợ hãi mà trốn vào góc phòng, lặng yên, u uất. Những lúc ấy Đăng lại lặng lẽ đứng cạnh Mai, dỗ dành cô như đứa trẻ con, miệng chợt cười mà tim đau nhói. Mai đã không thể nhận ra Đăng, có lẽ vậy lại tốt hơn cho cô – Đăng thầm nhủ. Anh chăm sóc Mai không phải là vì nghĩa vụ hay lỗi lầm mà từ sâu thẳm, anh biết yêu thương dành cho Mai sau những ngày xa cách vẫn còn đọng lại, hóa thành thứ tình yêu đớn đau và nhiều nước mắt.
- o O o -
Nhanh hơn hết thảy suy nghĩ của mọi người, Mai hồi phục, chấp nhận mọi thứ một cách bình thản bất ngờ, kể cả đứa trẻ đó, ngay cả sự xuất hiện của Đăng bên cạnh mình. Với Đăng, cô không khước từ cũng không nồng mặn. Đăng biết mình không có quyền nên vẫn lặng lẽ từng ngày. Cho đến một ngày cô hỏi anh:
- Thời gian vừa qua gọi là gì?
- Hả? – Đăng bất ngờ chưa hiểu ý Mai – cuộc sống vốn có những định nghĩa vô hình như thế mà. Mà em chịu nói chuyện với anh rồi! – Đăng đặt tay lên vai Mai trìu mến. Anh cười, nụ cười chợt mở lại chợt tắt.
- Anh nói xem là vì điều gì? Hối hận, áp lực hay gì khác.
- Không, vì anh vẫn còn nhớ em.
Nụ cười Mai khẽ nhếch lên, gạt phăng tay Đăng ra, cô nói:
- Anh nghĩ mình đủ tư cách để nói những lời đó ư?
- Anh biết là không nhưng hãy cho anh thêm cơ hội – Đăng nhìn nước mắt Mai rỉ ra liên tục cũng thấy sống mũi sộc cay. Nhưng Mai đã quay ra:
- Kết thúc ở đây đi, dù thế nào thì anh phải nhớ: anh đã bỏ rơi em một lần trong tuyệt vọng thì khi hi vọng được lấy lại, đừng bao giờ mong nắm lấy tay em lần thứ hai. Mọi lỗi lầm đều có nguyên nhân của nó nhưng không phải lỗi lầm nào cũng có thể thứ tha. Em đã đủ mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau ấy mà không có anh bên cạnh thì quãng thời gian sau này, em đủ tự tin để sống tốt, cạnh một người không phải là anh…
Kết Thúc (END) |
|
|