Hoàng chết. Cái tin đó đến vào lúc tôi đang còn ngủ vùi sau chầu nhậu quá chén với bạn bè vào tối hôm qua, tại nhà.
Tôi sắp gọn gối mền, đi tắm cho sạch mùi men, dọn dẹp hết những tàn dư hôm qua cho vào thùng rác. Tiện thể gom quần áo dơ cho vào máy giặt, hình như có cả vài thứ của con gái bởi tôi nghe có mùi lạ... Chẳng nhớ nổi đêm qua có những ai và đã làm những gì.
Trong lúc làm bằng đó việc, tôi đã kịp cắm nước sôi và pha một bình trà nóng. Đấy là thói quen của tôi trong những lúc gặp chuyện căng thẳng. Mở điện thoại gọi xe để về nhà Hoàng thì thấy gần 30 cuộc gọi lỡ chỉ trong vòng hơn nửa tiếng. Tôi trượt tay lên màn hình để xem số, phân nửa số ấy hiện tên Thùy - người yêu cũ của Hoàng, còn lại đều là số lạ. Uống hết ly trà thứ hai, tôi mở tủ chọn quần tây đen, áo sơ mi tối màu, tất cả đã được ủi thẳng thướm bởi chị giúp việc có tâm. Xong, đóng bộ vào vừa lúc xe đến đón.
Vượt qua chặng đường gần 200 km, đến nơi trời đã xế chiều. Gã xe ôm như thể được báo trước, chờ sẵn ở trạm xuống nơi dốc cầu trên đường quốc lộ, ngay chợ thị trấn, tôi chưa kịp nói gì đã lên tiếng trước: “Về đám tang đúng không?”. Nhìn vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt tôi, gã nói luôn: “Tui vừa chở khách vào xong, cũng ở thành phố xuống, nhìn anh là tui đoán ra ngay”. Tôi định hỏi người đó là nam hay nữ nhưng thấy có vẻ tò mò quá nên thôi. Xe chạy gần 10 km đường đất đỏ trên con đường đã dần quen thuộc. Những lần tôi về toàn trong tình huống cấp bách. Khi thì ba Hoàng về quậy mấy mẹ con, lần khác thì mẹ Hoàng bị dân cho vay nặng lãi ở xứ khác đến hăm dọa. Chỉ một lần duy nhất về trong vui vẻ, đó là đám cưới chị gái Hoàng.
Lần đó có cả thầy giáo của hai đứa tôi về cùng. Đám cưới ở vùng quê vui khủng khiếp. Chẳng cần quen biết gì, đã có mặt là phải uống. Đám sinh viên nghịch ngợm cố tình ép thầy uống để nghe thầy hát, với guitar. Sau khi ngà say thì thầy đồng ý vừa đàn vừa hát. Thầy chỉ mê mỗi nhạc Trịnh. Giữa không khí đang náo nhiệt, giọng khàn ấm của thầy thả ra những tâm tư: “Nơi em về trời xanh không em, nơi em về ngày vui không em? Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh...”. Đến khi họ ly dị, Hoàng mới cho tôi biết đám cưới đó là để... có tiền cứu mẹ khỏi những con bạc.
Hoàng còn hai đứa em, hai trai, một gái. Trong đám tang, thấy thằng Út khoảng 18 tuổi là vào đúng vị trí của nhà đang có đám tang nhất. Nó đứng lạy đáp lễ những người đến viếng. Vừa thấy tôi ở đầu cổng, nó nhận ra ngay, vội bỏ vị trí đang đứng chạy ra. Tôi ôm nhẹ nó, nắn nắn bờ vai đã ra dáng một người đàn ông.
Vừa vô nhà, tôi đến chỗ chị gái Hoàng nằm, nghe thằng Út nói chị nằm từ lúc hay tin Hoàng mất. Nhìn vẻ tiều tụy của chị, tôi đoán nếu chị có bớt buồn thì cũng chẳng thể dậy nổi vì kiệt sức. Tôi nói với chị ráng ăn thứ gì đó không thì hại sức lắm, vừa lúc đó Mai bưng chén cháo đến. Nó để cháo trên giường cạnh chị rồi kéo tôi ra phía sau vườn, giọng nghiêm trọng: “Anh biết lý do tại sao anh Hoàng em chết, đúng không?”.
Tôi giật thót mình, như kẻ trộm bị bắt quả tang. Lúc mới vào tôi đã thấy Thùy ngồi dưới gốc cây vú sữa một mình. Từ ngày bị Hoàng bắt gặp tôi với Thùy cuộn người trong chăn, chúng tôi đã không gặp nhau nữa.
*
Trong lúc say và cả khi tỉnh, Thùy từng nói với tôi: “Em và anh có tội tình gì? Em hết yêu anh Hoàng, nếu không yêu anh thì em cũng yêu một người nào đó. Tại sao chúng ta phải khổ như vậy. Anh có yêu em không?”. Tôi không trả lời được. Chính tôi là người đưa Hoàng đi khám trầm cảm, nhắc Hoàng uống thuốc mỗi ngày và vui mừng như thế nào khi thấy Hoàng dần hồi phục, hòa nhập với cuộc sống, môi trường làm việc. Vị bác sĩ khá tận tâm đã không quên nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, bệnh trầm cảm chữa thì hết nhưng rất dễ tái phát khi con người ta rơi vào trạng thái bế tắc, cô đơn. Hoàng chỉ có hai thứ bên cạnh để vực dậy tinh thần: tình yêu với Thùy và chú cún Mina.
So với Thùy thì tình yêu với Mina mang lại sự an toàn tuyệt đối cho cậu ấy hơn. Đó là một chú cún rất dễ thương, biết nghe lời và vẻ như chia sẻ với Hoàng được mọi thứ. Thùy không thích chó, vì cái mùi hôi da thịt đặc trưng của loài vật ấy. Kể cả khi Hoàng cam đoan thường xuyên tắm gội, chải lông cho Mina thì Thùy vẫn không muốn đến gần. Đương nhiên, không phải Mina là “kẻ thứ ba” trong cuộc tình của hai người nhưng những lần có chuyện đều liên quan đến Mina. Đỉnh điểm là lần sinh nhật Thùy. Hôm ấy Mina đột nhiên đổ bệnh phải đi cấp cứu. Bác sĩ thú y báo bệnh án của con chó: bị ruột xoắn do chạy nhảy quá sức và căn dặn trước khi ra về: phải cho Mina nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, tuyệt đối tránh chạy nhảy. Vì việc này, Hoàng đến chỗ hẹn trễ 2 tiếng. Khi đó, khách trong quán về đã gần hết. Chị chủ quán nhìn Thùy với ánh mắt ái ngại lẫn thương cảm. Thùy vẫn kiên nhẫn ngồi chờ với sắc mặt không biểu lộ cảm xúc. Hoàng không có thói quen nói dối, kể cả biết rõ người yêu không thích Mina, Hoàng vẫn kể tường tận. Đến đoạn bác sĩ khuyên sau khi về nhà phải chăm sóc Mina, cho nó đi đứng nhẹ nhàng thì Thùy hết chịu đựng nổi. Cô đứng lên buông một câu sắc lạnh: “Anh về mà chăm sóc Mina đi. Chúng ta dừng lại ở đây!”. Cái câu “dừng lại ở đây” Hoàng đã nghe vài lần nhưng lần nào cũng bị choáng váng như là lần đầu tiên, tưởng chừng mọi thứ chung quanh sụp đổ trước mắt.
Khi ấy, vị cứu tinh duy nhất của Hoàng là tôi.
Hoàng vẫn cứ tin vào thằng bạn tốt duy nhất của nó ở thành phố này là tôi, nếu như không có cái lần nó xô cửa vào để báo một tin vui trong công việc. Đó là ngày chủ nhật rảnh rỗi nên tôi với Thùy tự thưởng cho mình một giấc ngủ nướng đến gần trưa. Có lẽ Hoàng đau nhất là vẻ mặt câng câng lên, thay vì thái độ có lỗi của Thùy. Hình như đó là điều Thùy không biết cách nào để làm cho nó đến sớm hơn bởi cô ấy không còn tình cảm với Hoàng. Có lúc tôi cũng sợ phụ nữ mỗi khi nhớ lại ánh mắt đó của Thùy. Khi không còn tình cảm thì họ trở nên rất tàn nhẫn.
Nhìn ánh mắt bối rối của tôi, Mai tỏ ra tinh ý: “Vậy là em nói đúng phải không? Em biết ngay mà”. Nói xong nó chìa ra điện thoại của Hoàng, mở sẵn tin nhắn sau cùng mà Hoàng gửi cho tôi với nội dung: “Mimi chết rồi mày ạ!”. Tôi thở phào một cách vô cùng khó hiểu, nhưng cô em gái đang tuổi trăng tròn kia đã tập trung vào chuyện khác: ba về.
Người đàn ông mặc quần màu đất nửa dài nửa cụt, cái áo sơ-mi cài lệch nút màu cháo lòng, chân thấp chân cao vì đã có hơi men bước đến gần quan tài Hoàng, giọng nạt nộ: “Con trai tao nó không bệnh, vậy cuối cùng nó chết vì gì hả?”. Ông đưa ánh mắt gây sự về phía mẹ Hoàng - người đàn bà nhỏ thó ngồi một góc nhà từ lúc tôi về đến giờ. “Có phải vì bà suốt ngày đề đóm nên nó chán đời uống thuốc ngủ cho chết quách đi, đúng không?”. Không thấy có tiếng trả lời lại, đám con lần lượt tản ra nơi khác. Ông chụp nhanh cổ áo tôi: “Mày là thằng nào mà chen vào đây? Mày có biết thằng Hoàng vì sao tự tử không, hả?”. Vừa lúc đó, một người đàn ông Mai gọi là cậu xuất hiện đưa ông ta ra phía sau nhà. Mai nhìn sang tôi vẻ ái ngại, giọng Mai người lớn: “Anh đừng quan tâm, chuyện hàng ngày thôi mà!”.
Nó kéo tôi ra bàn dành cho khách nằm ở góc xa nhất, có sẵn một bình trà nóng: “Em còn nhớ anh Hoàng nói anh thích uống trà lắm”. Tôi nói: “Em không cần khách sáo với anh như vậy, cứ coi anh như người nhà anh thấy dễ chịu hơn”. “Anh vừa là người nhà vừa là khách quý vì anh Hoàng chỉ có anh là bạn thân, anh ấy hay kể anh giúp đỡ anh ấy nhiều lắm, cả trong tình yêu nữa, đúng không?”. Nó vừa nói vừa nhìn về phía Thùy. “Mà em nói cho anh nghe cái này, anh đừng nói ai nghen, sao em thấy chị Thùy xa lạ quá à, em không dám đến gần”. Tôi định tìm lý do nào đó để nói thì có nhóm bạn học của Mai đến viếng. Mai vội chạy ra đón khách. Nhóm bạn của Mai tíu tít như buổi họp lớp vì chúng nó vừa nghỉ hè nên ít gặp nhau.
*
Buổi tối mà trời không có chút gió. Tôi đi bộ ra ngoài, chỉ để cho dễ thở hơn. Phải đi một đoạn rất xa, thoát khỏi mớ âm thanh ồn ào của tiếng khóc, kinh cầu và cả họp lớp... tôi mới nhìn thấy những vì sao chi chít trên trời. Bầu trời ở đây cao hơn thì phải. Không gian yên ắng quá, mới hơn tám giờ tối đã chẳng thấy bóng người nào ngoài đường. Tôi nghe được cả tiếng lá cây rụng trong sân vườn, hình dung ra cả những chiếc lá chao nghiêng, lay lắt mãi mới chạm được đất, có thể là lá ngọc lan vì tôi ngửi thấy mùi hoa ngọc lan rất gần.
Có một âm thanh khác nữa thì phải, hình như tiếng bước chân. Tôi quay lại, là Thùy. Giữa mảng tối sáng của mảnh trăng lưỡi liềm, dáng Thùy càng thêm mong manh hơn. Không hiểu sao tôi quay đầu và đi thật nhanh, băng qua những hàng cây, những ao cá, luống bắp, đạp cả lên những tán lá khô vừa mới lìa khỏi cành, tôi cứ cắm đầu đi mãi như thế trong đêm, càng đi càng thấy dường như bàn chân mình không còn chạm mặt đất nữa... Bỗng một vầng sáng xuất hiện, tôi thấy Hoàng ôm Mina cũng đang trôi đi. Tôi chạy thật nhanh hơn nữa, tôi muốn đánh cậu ta, hoặc là cậu ta phải làm lại như thế với tôi. Tôi đã hết chịu nổi sự yên lặng này. Hai chúng tôi đã cùng vượt qua biết bao nhiêu chuyện khó khăn, sao bây giờ lại ra nông nỗi này... nhưng tôi chạy mãi vẫn không thể đuổi kịp cậu ấy.
Ngày giỗ một năm của Hoàng, tôi nhận được tin nhắn của Thùy, chỉ vài chữ vỏn vẹn: “Người ta có thể chết vì cô đơn, đúng không anh?”. Tôi không trả lời nhưng kỳ thực, từ hôm đó tôi đã rất mong tiếng gõ cửa mỗi đêm của Thùy, chỉ để nói với cô ấy rằng: “Chúng ta đừng để thêm bất cứ ai chết vì cô đơn!”.
Kết Thúc (END) |
|
|