Để nghĩ về chồng mình, tôi luôn nhớ về lúc anh ngồi tựa tường trong bóng tối chập choạng của bóng đèn vàng. Khi anh đang nói về người trồng hoa và chàng tu sĩ. Khi anh nói về những cây thông nơi Phương Bối. Mọi người lúc ấy đều đã đi mua thức ăn, và thêm một chút rượu cho buổi khuya. Nhạc chạy hết và không ai mở thêm.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi thực sự nói chuyện với nhau, trước khi yêu nhau, trước những ghép đôi từ bạn bè, trước tất cả mọi cảm xúc, có lẽ vì vậy mà khi nghĩ về chồng mình, tôi đã luôn nghĩ về buổi tối hôm đó.
Giờ đây khi đã trở thành vợ chồng, mỗi chúng tôi đều sống một đời sống khác. Hôn nhân là một trường đại học mà sinh viên đến đó tự họ biết phải làm những gì. Không ai (có khả năng) dạy ai. Mọi thứ cứ đến như vậy và không ai trả lời cho họ biết cái gì đúng hay sai, phải hay trái, bởi vì tất cả những khái niệm đó đều đã không còn đúng và quan trọng nữa. Chỉ còn lại đời sống này trường học này và những điều mình muốn làm và phải làm.
Khi tôi nấu cơm, anh luôn cố gắng ăn nhiều thức ăn tôi nấu. Khi tôi rửa chén, anh luôn đứng bên cạnh tráng lại mớ chén bát tôi vừa cọ bằng xà phòng. Khi tôi đi phơi quần áo, anh luôn giúp tôi máng chúng lên cây sào ngoài nắng. Khi tôi đi nằm, anh luôn giữ một cái gối đằng sau lưng để tôi khỏi giật mình. Khi người giữ xe viết số lên yên xe, anh chùi vệt phấn đi trước khi tôi leo lên ngồi. Tất cả những điều nho nhỏ ấy đều khiến tôi hạnh phúc, nhưng sau hết thảy tôi vẫn luôn nhớ về người ngồi tựa tường trong ánh sáng chập choạng của buổi tối hôm ấy.
Bởi lẽ dường như càng về sau chồng tôi đã sống vừa cởi mở vừa khép kín hơn trước. Tôi viết ra điều này bởi lẽ nó không riêng tư, mà bởi vì đó là cách chúng ta lớn lên và đi học "trường đại học" cuộc đời. Lớn lên là chuyện vừa đáng mừng và vừa đáng buồn biết mấy. Khi lớn ta sẽ biết rưng rưng ôm lấy những gì đằng sau vẻ đẹp của một bông hoa, và chúng ta đau khổ cũng vì điều ấy. Khi ta bước ra khỏi căn nhà, người mà ta gặp trên đường vừa khiến ta hạnh phúc lại vừa đâm vào tim ta một nhát thật tan nát. Có phải vậy không? Anh cởi mở hơn để mang lại niềm vui cho những người mà anh thương, nhưng mảnh đất dành cho anh vì thế cũng rụt rè nép lại. Cả tôi cũng vậy. Cả ba mẹ chúng ta cũng vậy. Cả bạn cũng vậy. Cả ai xa lạ hay quen biết cũng đã hoặc sẽ như vậy!
Anh trò chuyện nhiều hơn với mọi người trong gia đình. Anh đổi những buổi tối ở quán cà phê quen thuộc thành những giờ ngồi ở phòng khách và xem đứa cháu gái nghịch đồ chơi. Mặt khác, đã lâu lắm anh không viết gì. Blog của anh đã dừng lại ở mốc thời gian trước lúc chúng tôi yêu nhau không lâu, bằng hai câu thơ chép lại của vua Trần Thái Tông:
“Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình”
Mơ hồ trong phút chốc, quê nhà đã cách vạn dặm đường!
Chồng tôi rất yêu những dòng sông. Mỗi lần chúng tôi băng qua những dòng sông, anh đều giữ mắt và tâm một cách chăm chú. Nếu đang chạy xe trên những cây cầu, anh sẽ chạy xe chậm lại, đủ để vừa nhìn đường vừa đưa mắt nhìn dòng chảy hiền hòa và những mái nhà lúp xúp hai bên mé sông. Nếu đang đứng trên phà, anh sẽ nhìn đám bèo trôi, nhìn ánh mắt người đứng mông lung trên bến phà, nhìn ánh sáng trời chiều, nhìn tất cả thuộc về dòng sông.
Một lần anh kể chuyện mười mấy năm trước ba về quê đưa anh lên thành phố, không biết sao lần đó anh đã thấy mình rưng rưng trước mặt sông quê. Anh nhảy xuống bơi, không hề hay biết đó là lần cuối mình được ôm sông, nhưng trong lòng dấy lên nỗi nuối tiếc lạ kỳ. Lần khác anh vẫn kể về chuyện này. Lần khác nữa, anh vẫn kể chuyện chia tay sông quê với đôi mắt mơ hồ thênh thang. Anh không nhớ mình đã kể với tôi, chỉ là anh muốn kể!
Anh kể chuyện bơi trên sông. Anh kể chuyện xém chết trong vũng lầy mé sông sau nhà. Anh kể chuyện ở quê anh người chết mùa nước nổi phải đưa ra đồng, treo hòm lơ lửng giữa đồng nước phải đợi “quài” đến lúc nước rút. Chuyện thường ngày ở huyện mà sao em khóc?
Cưới nhau được một tháng thì chồng đưa tôi về quê. Anh đứng tựa cửa sau, nhìn ra con sông quê sau căn nhà cũ và chỉ lặng yên. Trong phút đó tôi đã nghĩ tất cả dòng sông đều đã chảy đi. Trong phút mơ hồ thoát ý, quê nhà đã xa vạn dặm đường. Đứng trên sông quê, nhưng lòng mình đã nghìn năm lưu lạc chốn khác.
Con người còn gì cô đơn hơn khi ngoảnh lại đã thấy quê nhà xa ngái. Anh đang đứng ở chỗ ngày xưa trượt chân té xuống vũng lầy, cây dầm đâm vào lưng đến nghẹt thở không lên tiếng kêu cứu nổi. Tôi đứng sau lưng chồng, nhìn cái vẻ lặng yên của anh mà nghĩ có lẽ nỗi cô đơn đứng nơi đây thấy quê nhà đã trôi còn đau đớn hơn cảnh nằm trong vũng lầy biết mình sắp chết. Như thể tôi xa nhà trọ học bấy lâu, lấy chồng rồi thỉnh thoảng về quê, trái với nỗi khấp khởi trước chuyến bay, bao giờ về nhà cũng có cảm giác mình đã mất mát thứ gì đó. Như thuyền đứt neo, trong tà dương đã lỡ trôi đi xa quá!
Một lần chúng tôi đi du lịch, trong lúc cùng đi du ngoạn trên hồ, chúng tôi đã đi cùng ba người lạ khác để giảm chi phí đi thuyền. Người lái thuyền không biết tiếng Anh, nên hầu như chúng tôi đã không nói chuyện nhiều với anh ta. Cho đến khi mái chèo bị gãy và người lái thuyền phải quay về nhà. Căn nhà lá nằm sâu trong một khu nhà chồ giữa lòng hồ. Người chèo thuyền ra ý hỏi chúng tôi có muốn vào nhà ảnh chơi hay không? Trong khi hội ý, giữa tất cả những tiếng "không" của ba người lạ, tôi nghe thấy tiếng chồng tôi nói "có". Đột nhiên trong khoảnh khắc ấy tôi thấy thỉnh thoảng tôi đã quên đi mảnh đất nhỏ thuộc về anh. Mảnh đất có trước khi tôi xuất hiện, về những con đường anh đã đi một mình, những quyển sách anh đọc trước khi quen biết tôi, những cô đơn anh đã trải, những gì khiến anh yên lặng và dễ chịu, ký ức và kỷ niệm, kiếm và khiên, nến và gió, cây và mây. Tôi không biết giải thích về điều này như thế nào. Nhưng tôi cũng đã muốn thuyền luồn dưới đáy nhà, tôi cũng muốn bước lên bậc thang vào nhà người chèo thuyền và cười chào đáp lại nụ cười của vợ anh ta. Vợ người chèo thuyền đưa cho anh ta một chiếc chiếu và mái chèo mới, người đàn ông rút ra một ít tiền và đưa cho vợ, trong lúc đó tôi nghĩ về mâm cơm, về những đứa trẻ rụt rè như tất cả những đứa trẻ rụt rè khác ở vùng đất này, nhưng mà rồi cuối cùng tôi vẫn nói là "không" - bởi vì tôi nghĩ ba người bạn đường mà chúng tôi đi cùng không sẵn sàng với những điều đó.
Mảnh đất một mình trong lòng của chồng tôi, như đã kể, đều vừa mang một chút đau lòng. Có lẽ vì tôi đã không thể nào bước vào mảnh đất ấy. Tôi viết ra chuyện này, bởi lẽ trong lòng tôi cũng vậy. Mảnh đất ấy tự ta gieo và rào. Thỉnh thoảng hiện diện như nỗi cô đơn, thỉnh thoảng lại là nỗi tị hiềm. Nếu trẻ hơn một chút, có lẽ tôi đã đau đớn vì điều đó rất nhiều. Ví như năm 19 tuổi, tôi đã nghĩ những thời khắc một mình sẽ giết chết một mối quan hệ nghiêm túc. Tôi yêu nhiệt thành, bỏ hoang mảnh đất riêng trong lòng mình. Kết quả là đến lúc tình yêu ấy tan nát, tôi không còn khu vườn nào để trở về, bởi vì mảnh đất đã khô cằn sỏi đá, lâu nay không ai ngó ngàng, đã dần trở thành sa mạc đứng gió. Năm 23 tuổi, tôi say trong sự một mình ấy và để cho mình chết chìm. Tôi say mê cảm giác một mình. Tôi gieo lên mảnh đất ấy chữ và cảm xúc. Ấy là lúc tôi bắt đầu viết. Viết về nỗi khổ khi phải sống, khổ khi phải yêu và cô đơn là món để gặm nhấm. Tôi đọc về cái chết. Schopenhauer nói về cái chết. Heidegger nói về cái chết. Tôi viết về cái chết.
Lại một cuốn sách cố tỏ ra deep deep bí ẩn - Một bạn đọc nhận xét về cuốn sách của tôi trong hội đọc sách. Có lẽ đúng như lời nhận xét, mọi thứ đều u uẩn một cách giả tạo khi tôi chết chìm trong mảnh đất của riêng mình.
Buổi tối tôi thường cảm thấy khó thở. Hơi thở hoặc tới dồn dập, ào tới như cơn bão, hoặc tắc tị ở đâu đó, không thoát ra ngoài đường. Nước mắt tôi trào ra. Khi đó tôi nhìn thấy những người đồng nghiệp đang nói luyên thuyên về những điều gì đó, tôi thấy con đường kẹt xe lúc ban chiều, tôi thấy sợ tiếng trẻ con khóc, tôi thấy mình thiếu ngủ, tôi thấy nhớ mẹ ở quê, tôi sợ ba mẹ mình vì quá nhớ con mà đổ bệnh, tôi nghe thấy tiếng mọi người hỏi sao mãi mà chưa có con. Mọi thứ có lúc ập đến một lúc, có lúc mất tiếng và tắc tị, như hơi thở.
Những lúc ấy chồng tôi đều nằm bên cạnh, yên tĩnh như dòng sông. Anh đặt bàn tay lên bụng tôi.
Em hãy nghĩ về hơi thở. Hơi thở của em đang ở đâu? Nó đi tới đâu rồi? Đưa hơi thở xuống bụng. Em thấy bụng mình phập phồng. Phụ nữ thường không thở bằng bụng. Bây giờ em sẽ tập thở bằng bụng. Mỗi ngày em đều tập thở. Em chỉ tập trung vào hơi thở. Em thở ra và em biết em đang thở ra. Em hít sâu đầy lồng ngực và em biết em đang hít vào.
Có phải con người đều không chịu nổi sự cô đơn trong mảnh đất một mình - hoặc phải đau khổ vì sự cô đơn hoặc say mê chúng? Sự một mình - cô đơn kéo chúng ta về lại với vũ trụ của mình, cho dù có lọt thỏm trong dải ngân hà ồn ào và chật chội.
Ít nhất sự một mình - cô đơn cũng đã đánh thức hơi thở trong ta, như nụ hoa nở. Và rồi ta thức dậy bước ra thấy bên cạnh mình có một người nữa cũng đang một mình. Một người với cả vũ trụ bên trong được xây bằng câu chuyện và tiểu tiết, ký ức và hy vọng, tan vỡ và thổn thức. Và cứ thế ta ý thức sự có mặt của nhau!
Và sau những đêm dài miên man khó thở, thức dậy, tôi nhìn thấy chồng mình!
Kết Thúc (END) |
|
|