Rốt cuộc con người ta có thể bỏ yêu thương mà đi, cũng có thể đổi yêu thương lấy tiền tài, danh vọng hay chỉ giản đơn là một cái vỏ bọc kiêu hãnh đầy rực rỡ…
Nhận giấy báo kết quả thi, hình ảnh cánh cửa đại học lòa xòa trước mặt, bố mẹ ôm tôi vào lòng vì vui sướng. Tôi cười như lẽ thường tình. Đáng ra lúc này tôi đang leo lên đỉnh ngọn của cái cây hạnh phúc mà nhìn mọi thứ bằng cặp mắt biếc nhưng tự dưng tôi thấy mình hụt hẫng như đang rơi, đang rơi. Hình ảnh về Hà Nội, về cánh cửa đại học và cả người con trai ấy thoáng vụt qua rồi chìm khuất sau một nỗi đè nén đau đớn đến nghẹt thở. Rốt cuộc tôi sao vậy?
Hà Nội, Hà Nội – nơi chốn chẳng quá xa lạ với một con bé sống suốt tháng năm ở cái đô thị phồn hoa nhất đất nước nhưng người con trai đến từ chốn ấy xa xôi quá, làm sao có thể nắm bắt và ghì siết lấy? Đã tuột đi lâu rồi những kỉ niệm xưa cũ nhưng những dấu vết hằn in chỉ như vừa mới hôm qua.
Chọn trường thi ở đầu kia đất nước, là tôi chọn. Tôi khăng khăng đòi bố mẹ đồng ý vì những lí do ít thuyết phục. Cả bố, cả mẹ sẽ không bao giờ biết lí do thực sự. Tôi đã chủ động từ đầu đến cuối như vậy nhưng lúc này chân tôi chùn lại. Chút lòng kiêu hãnh đã tổn thương còn rơi rớt cũng chùn lại vì sợ mất nốt đi. Thực ra trước ngày báo kết quả thi ít ngày, tôi đã lo mình đậu vào trường đại học ngoài Bắc. Tôi bắt đầu sợ khi đặt chân đến miền đất gắn bó với người tôi yêu thương, tôi sẽ không cất nổi nhung nhớ mà nhọc công kiếm tìm anh mặc cho những tình cảm của tôi có lẽ chưa bao giờ khiến anh bận lòng dù nhiều dù ít.
Chuyến này tôi ra Hà Nội không độc hành mà hóa ra độc hành. Bố mẹ tỏ ý lo lắng nhưng vững tin vào cái tia cương nghị ánh lên lấp lánh trong mắt cô con gái nhỏ. Huống hồ đi cùng tôi còn có Bình – là bạn, là anh trai theo tôi không rời nửa bước. Tôi và Bình chơi với nhau từ nhỏ. Trong mắt nhiều người, kể cả bố mẹ tôi, chúng tôi thực sự hợp – hiểu và đích thực là một cặp nhưng với tôi thì không. Tôi biết chắc Bình không phải người tôi muốn sẻ chia, không phải người tôi muốn yếu đuối lúc ở cận kề dù có lẽ, Bình luôn tình nguyện để tôi như vậy. Hơn nữa cái ý nghĩ rằng Bình vô tình biết về bí mật của riêng tôi, hiểu tường tận rằng lòng kiêu hãnh của tôi đã tổn thương ngần nào khiến tôi khó chịu vô cùng khi đối diện. Ngay cả lúc này, tại phòng chờ sân bay, khi những ồn ào, nóng bức làm ánh mắt mệt mỏi thêm và giấu nhẹm đi mọi cảm xúc, Bình vẫn nói như nhìn thấu tất cả:
- Có lẽ Bình biết vì sao Thư chọn Hà Nội rồi!
- Còn Bình, Bình thì sao? – tôi nhìn thách thức, cố giấu đi chỗ yếu điểm mà tôi lo sợ bị người khác phát hiện. Nhưng Bình không để tôi phải lo sợ hơn nữa mà chỉ nhẹ nhàng, thú nhận lần thứ một nghìn những lời nói ấy:
- Thư biết sao còn hỏi? Còn người đó thì sao? Anh ta có biết Thư như Bình không?
- Sao gì mà sao? – tôi vênh mặt đáp ngang bướng, cố kết thúc nhanh chóng cuộc đối thoại hết sức ẩm ương này nhưng vẫn không quên câu hỏi của Bình: Người đó thì sao?. Bốn chữ ấy ngân dài trong lòng tôi niềm hoang hoải vô bờ. Bình phải biết chứ, biết hơn tôi kia vì Bình tỉnh táo hoàn toàn nên không có khả năng ôm một vài thứ hão huyền dù kì thực, có lẽ tôi cũng không như vậy. Tôi chọn Hà Nội làm gì đây? Hi vọng điều gì cho con tim đau nhói và cả vùng kiêu hãnh đã tổn thương không thể nào cứu vãn. Nhưng được, hãy cứ chờ xem, lòng kiêu hãnh nhất định lành nguyên dù tim đau nhường nào vì tôi vốn là một đứa không thể nào sống thiếu lòng kiêu hãnh, tưởng như mệt mỏi muốn chết thì thứ đó vẫn còn.
Tôi tự trách mình tại sao ngày ấy lại để anh bước vào cuộc sống của tôi dễ dàng như thế, để anh biết rõ nơi yếu mềm nhất của trái tim mình là tình yêu dành cho anh. Dù anh chẳng bao giờ lợi dụng điểm yếu đó để khiến tôi thương tổn thêm nhưng mặc cảm về những xúc cảm đã hé mở mà không được đáp đền vẫn khiến tôi ấm ức như đứa trẻ đầy ương bướng không dành được thứ mình mong muốn. Tôi không trách anh không dành tình cảm cho tôi, mỗi người có quyền chọn lựa riêng, ít ra tôi cũng là một đứa hiểu chuyện ít nhiều nhưng giá mà ngày ấy tôi thông minh hơn một chút để nhận ra tôi không phải là người anh cần kíp và dằn lòng được những xúc cảm của mình trước người con trai cũng kiêu hãnh chẳng kém gì tôi…
Tôi gặp Thành vào một chiều Sài Gòn mưa nhiều, mảng kí ức xám bạc màu mưa rất gần đây thôi vẫn luôn chập chờn ẩn hiện. Vài hôm sau, tôi biết anh là giáo sinh thực tập tại trường phổ thông tôi đang theo học, lại phụ trách đúng lớp của tôi. Cơ duyên nào đưa chàng trai như Thành đến một nơi chốn khá xa xôi như vậy, tôi không hiểu được và cũng không cần biết làm gì. Quãng thời gian đó thực sự quá đẹp đến độ sau này trong những cơn đau nhức nhối tâm can, tôi không dám nghĩ lại vì sợ những mảng kí ức xô lệch vào nhau rồi sẽ vỡ tan tành, bung bét.
Tôi không biết cơ duyên nào khiến tôi gặp được Thành rồi yêu anh nhưng sống ở trên đời, tôi tin con người ta bị lương duyên ràng buộc, nhất là những yêu thương. Trưa đó, Thành xuất hiện ở nhà tôi, anh đứng phía sau mẹ một góc xa xa. Thành là con trai một người bạn cũ, mẹ bảo vậy, anh sẽ ở gian phòng đối diện còn bỏ trống của nhà tôi hết kì thực tập. Tôi cười tươi đón anh và vô cùng hớn hở. Đáp lại, anh cũng cười nhưng mắt buồn thôi là buồn. Cái ánh mắt đó vẫn cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ và có lẽ rằng mãi mãi về sau.
Suốt kì thực tập, không hiểu Thành xa xôi thế nào mà mẹ không biết anh thực tập tại trường tôi theo học. Thời gian trên lớp không có nhiều, tôi lại khá chìm sau đám bạn nhắng nhít nên dường như tôi chưa bao giờ gọi anh một tiếng thầy xưng trò. Cũng chưa bao giờ tôi để cái khoảng cách thầy trò xen giữa mối quan hệ của cả hai. Với tôi, Thành là bạn, là anh trai và sau này tôi nhận ra, anh còn hơn cả một người đặc biệt.
Nói thật ra, Thành sống khép mình. Có lẽ sẽ không bao giờ tôi nhận ra điều đó nếu chỉ nhìn vào cái biểu cảm vui vẻ hết chỗ nói của anh trong những giờ lên lớp. Chỉ có những quãng thời gian trôi dần về vắng lặng, khi thoát khỏi dòng xe cộ đông đúc và cơn mưa chiều Sài Gòn bất chợt úp lên những cung đường bụi bặm khát nước, Thành mới yên ắng lạ thường, lặng lẽ rút một điếu trong bao thuốc méo sệch, mắt chăm chăm mà như vô định vào màn mưa giăng kín. Thấy anh vậy, ban đầu tôi tò mò hỏi:
- Sài Gòn đâu có chỗ cho tâm trạng này.
Thành quay ra, cái nhìn xoáy sâu vào mắt tôi rồi ngoảnh ra khoảng không tắp lự. Anh nhả khói rồi dập điếu thuốc đang cháy dở dưới chân mình:
- Tâm trạng gì? Sao em biết được?
- Vào soi gương đi. Hay để lần sau em chụp lại chàng nghệ sĩ trong một phút xuất thần. – tôi nói, giọng có chút giễu cợt. Thành bật cười khe khẽ, không thêm bất cứ lí lẽ gì rồi kéo tôi ra chỗ chiếc xe đạp cạnh lề đường đã tạnh ráo được chốc lát.
Nhưng rồi những chiều Sài Gòn mưa bất chợt, Thành vẫn vậy. Anh có thêm bộ đồ vẽ mới mua ở đâu đó. Thành giảng văn hay tuyệt và còn vẽ rất đẹp nhưng những bức tranh anh vẽ thì hoàn toàn là mưa, nhiều khi có bóng cô gái nào đó cầm chiếc ô mang màu sắc chói, nổi hẳn lên trong sắc xám xịt của màn mưa giăng kín. Đôi khi là một chàng trai, cũng dáng vẻ ấy, đơn độc phía con đường heo hút không có điểm dừng. Tôi dần nhận ra một mối quan hệ không trọn vẹn tiếp nối nhau trong những bức tranh ấy và niềm xót xa dâng đầy trong đáy mắt anh. Tôi vẫn vờ vui vẻ như một con bé không hiểu chuyện, quàng tay qua cổ anh:
- Mưa Sài Gòn vui lắm mà anh!
- Ừ…- Thành đáp lưng chừng – Từ chiều mai đi chơi đi, đừng có lén ngồi nhìn anh vẽ vời.
Tôi không để ý phía sau câu nói của Thành, một sự thôi thúc lạ kì khiến tôi buột miệng:
- Anh sẽ vẽ em trong những bức tranh kia chứ?
Không để một tích tắc lặng yên, Thành trở lại như con người đối lập, vui vẻ và hoạt bát:
- Nhất định anh sẽ vẽ, vẽ chân dung nhé – Thành cốc nhẹ vào trán tôi – Đi chơi, đi chơi thôi. Tạnh mưa rồi!
- o O o -
Hà Nội đón tôi và Bình, tối mịt mùng mưa bão. Những vạt mưa dưới ngọn đèn đường vàng ệch bị gió quất tơi tả. Tôi nghỉ mệt, sập cửa phòng trọ đuổi Bình về sau nửa giờ ngồi xe từ sân bay rồi tắt đèn phòng, vẫn còn léo nhéo nghe tiếng Bình đập cửa phía ngoài, giọng át tiếng mưa tầm tã:
- Có gì Thư phải gọi Bình đó nghe chưa.
- Rồi rồi, Bình về nghỉ đi – tôi cau có.
Tôi thấy mắt mình mệt mỏi trong đêm tối khi dừng lại ở cái bức hình tôi lén chụp Thành trong một giờ lên lớp. Mắt anh sáng rực nhưng hun hút nỗi buồn vô hạn. Màu sơ mi trắng luôn gắn liền với Thành, vừa chững chạc lại vừa thân quen. Tôi đã trót quen yêu cái màu áo đó vì anh, quen đến nỗi từ lúc anh rời Sài Gòn sau đêm mưa hôm ấy, chỉ cần bắt gặp một bóng hình hao hao mặc sơ mi trắng, tôi lại thảng thốt và tim khẽ nhói lên. Bất chợt có mùi thuốc lá rất quen len lỏi trong đêm tĩnh, tiếng ai ho khe khẽ phát ra phía cửa. Tôi không đủ thời gian để định hình mùi vị và âm thanh ấy là thực hay chỉ là ảo giác mà choàng ngay dậy và mở cửa chạy ra…
Chỉ có đêm và mịt mùng mưa giông.
Cũng cái đêm Sài Gòn mịt mùng mưa, tôi phát hiện ra cả mảng kí ức Thành còn đang cất giấu, cái điều bí mật mà đã rất nhiều lần tôi muốn anh nói ra nhưng Thành lắc đầu lảng tránh. Tôi biết anh coi tôi như bạn nhưng cũng như Bình đối với tôi, có lẽ tôi không phải người mà khi ở cạnh, anh có thể cởi bỏ vỏ bọc của con tim kiêu hãnh…
Chắc tôi sẽ không bao giờ quên cái ánh mắt Thành vào đêm đó – đêm cuối ở Sài Gòn trước lúc anh bay. Rất khuya, tôi vẫn không nghe tiếng người mở cửa. Lòng rạo rực vì những suy nghĩ chen ngang và những nỗi niềm chưa tỏ, tôi mở cửa phòng Thành mong kiếm tìm điều gì đó. Và bấy giờ tôi rõ những tổn thương anh chịu đựng sau vỏ bọc của một con người vô cùng vui vẻ. Cuốn nhật kí với rất nhiều bức ảnh anh chụp chung với một cô gái nào đó và nét chữ con gái đều đặn có vẻ đã ghi dấu từ đầu tới cuối mối tình không trọn vẹn.
Những kỉ niệm đóng lại sau chiếc hộp nhỏ màu xám bạc, tôi bất chợt ngửi thấy mùi mưa âm ẩm và tiếng tách mở của cánh cửa phòng khiến tôi giật mình. Thành vào, bước đi lảo đảo và mang theo mùi rượu nồng nặc. Chiếc sơ mi trắng xô lệch khiến tôi suýt nữa không nhận ra Thành. Nhớ lại cú điện thoại bất thình lình chiều ấy khiến thái độ anh đổi khác, tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Thành không nói gì, chỉ giằng lấy cuốn nhật kí trên tay tôi. Anh giật tung tành những bức ảnh gắn hờ, thứ âm thanh rít lên trong cổ họng khiến tôi thoáng rùng mình và mi mắt bỗng dưng nhòe nhoẹt nước. Tôi ôm lấy anh tức tưởi:
- Anh sao vậy? Em…em nhất định không làm anh đau như chị ấy đâu!
Thoáng yên ắng và như người tỉnh ra khỏi cơn mê, Thành đưa mắt nhìn những bức ảnh rơi vãi, ánh mắt kiệt quệ hết thảy. Anh gỡ vòng tay tôi run rẩy trên bờ ngực, lau nước mắt dịu dàng như chưa hề có chuyện gì xảy ra:
- Đừng khóc, đừng khóc! Anh xin lỗi. Về phòng đi, mai rồi nói chuyện.
Anh gần như đẩy tôi ra khỏi. Tôi về phòng mình, ngạt thở vì nước mắt. Vội bật tung cánh cửa sổ khép hờ. Chỉ có đêm và mịt mùng mưa giông.
- o O o -
Mưa Hà Nội dai dẳng đáng ghét, mưa tẻ ngắt khiến người ta vừa mở mắt đã không sao vui nổi trước màu trời xám xịt. Bây giờ thì tôi hiểu thêm một lẽ cơn mưa trong những bức tranh của Thành bắt nguồn từ chính nơi này không sao tươi vui nổi cũng là lẽ thường tình. Nhưng cũng quen rồi, đã hai mùa bão ở cái chốn chôn rất nhiều hy vọng này chứ có ít ỏi chút nào đâu.
Tôi vẫn còn nhớ y chang hôm chia tay Thành, trời Sài Gòn mưa như trút nước. Anh đã nói với tôi những lời xa cách nhất trước giờ từng thấy:
“ Sẽ qua nhanh thôi mà, ai cũng có một thời bồng bột. Anh sẽ còn gặp lại em còn bây giờ, anh phải đi tìm thứ anh cần kíp, mệt mỏi đến chết cũng phải tìm cho ra”
Chính câu nói ấy của Thành khiến lòng kiêu hãnh trong tôi tổn thương ghê gớm. Anh dám tàn nhẫn coi tình cảm của tôi là chút trẻ con bồng bột và lầm tưởng, anh có quyền gì kia chứ? Tôi biết cái ngày gặp lại đầy chủ động anh bảo có lẽ sẽ không bao giờ đến và ngay từ ngày ấy, tôi biết tình cảm của mình không hề bồng bột và trẻ con chút nào. Bằng chứng là suốt những năm qua, tim vẫn nhói đau mỗi khi nhắc nhớ dù con tim kiêu hãnh không cho phép bộc trực nỗi đau. Mẹ vẫn gọi điện hỏi han và thỉnh thoảng có nhắc đến Thành:
- Có gặp thằng Thành không con?
- Không mẹ ạ – tôi cố giữ giọng mình lạnh băng.
- Cái thằng, từ hồi bấy giờ mất tăm mất dạng.
Tôi cúp máy sau vài câu dặn dò của mẹ. Mẹ vẫn tin tưởng Bình hơn tôi: – Đi đâu cũng phải có thằng Bình nghe con! – Mẹ đã nhắc lại câu đó không biết bao lần. Mà cũng phải thôi, ít khi nào tôi đối thoại với Bình vượt quá những câu thông thường nhưng nếu không có Bình, tôi làm sao xoay xở suốt 2 năm qua. Đối với Bình, cũng như tôi, Hà Nội là một nơi khác lạ nhưng Bình thông thạo đường xá vô cùng và kéo tôi đi khắp ngóc ngách thành phố, đi với Bình không bao giờ lo lạc. Cậu ấy còn mua thuốc cảm sốt cho tôi như cơm bữa. Có một bận nhóm bạn đi dã ngoại, tôi khăng khăng không cho Bình theo cùng. Nhưng rồi tôi lạc đoàn và trời tối mịt mùng, tôi bắt đầu nức nở nghe tiếng Bình trong điện thoại. Quá nửa đêm, trời mưa tầm tã và Bình tìm thấy tôi ướt như chuột lột đang co người lại trong cơn sốt bất chợt dưới một mái hiên tạm bợ. Sáng hôm sau, tôi thức muộn và nhìn Bình khác hơn. Lần đầu tiên kể từ sau ngày đó, ánh mắt Bình không làm tôi khó chịu dù có lẽ nó chưa bao giờ thay đổi. Tôi hơi hối hận vì thái độ của mình trước giờ nhưng coi Bình là một người đặc biệt thì chưa bao giờ tôi nghĩ đến.
- Thư ngủ thêm đi, hôm nay nghỉ học!
Tôi không đáp lại Bình hờ hững như thói quen mà tiến đến giữ tay Bình, nhìn thẳng vào mắt cậu:
- Cám ơn Bình nhưng…thử yêu ai đó khác đi! – Tôi quay lưng vội vã và chợt cảm nhận ánh mắt Bình xoáy sâu từ phía sau, đau nhói tim, rồi một cái ôm khẽ khàng mơn man trong sáng Hà Nội trở gió:
- Vậy…Thư thử yêu Bình coi!
Tôi bàng hoàng, chưa kịp vùng vẫy thì bàn tay Bình đã buông lơi:
- Đêm qua Thư gọi người đó hoài – Bình quay lưng để khỏi nhìn thấy mi mắt tôi nhòe nhoẹt nước – Nghĩ lại coi có xứng đáng không?
Kể từ hôm đó mối quan hệ giữa hai đứa vốn lặng lẽ lại lặng lẽ hơn. Bình nói ít đi nhiều lần dù bình thường, cậu ấy không phải người lắm lời. Tôi thương Bình và hay nghĩ đến cậu ấy với những ý nghĩ ngần ngại. Cũng có lúc tôi tự bảo lòng hãy thử nghĩ đến Bình nhiều hơn những tất cả chỉ dừng lại ở đó. Có lẽ lương duyên với những con người gặp trong cuộc đời cũng có cái ngưỡng của nó. Có những người gắn bó keo sơn mà không sao chạm vào ngóc ngách thầm kín trong suy nghĩ họ. Lại có những người thoảng qua như gió nhưng dấu vết in hằn sẽ còn mãi về sau…
Đêm…
Trời trở gió mùa đông bắc, Bình về rất khuya. Tôi có chuyện cần hỏi ngay nên cố thức đợi tiếng mở cửa ở phòng bên cạnh. Không ngờ Bình gõ cửa phòng tôi trước. Bóng người mặc sơ mi trắng quá quen khiến tôi giật mình há hốc nhưng sau một phút định thần, tôi bình thản bảo Bình:
- Sao tự nhiên Bình mặc sơ mi trắng chi vậy? Nom khác quá!
Hình như Bình uống rượu. Tôi cảm nhận được hơi rượu nồng nặc lúc Bình đứng cạnh:
- Giống anh Thành lắm phải không? – Bình cười gượng gạo. Tôi ngó Bình trân trân. Sao lúc nào Bình cũng thích bóc mẽ tôi như vậy. Không phải vì ấm ức nhưng những hình ảnh về Thành thoáng chốc vụt qua khiến tôi òa khóc ngon lành. Bình dỗ dành, ôm miết bờ vai run rẩy. Hơi ấm nồng phả vào mơn man, Bình nói như không còn là cậu ấy nữa:
- Vứt hết, vứt hết! Bao lâu rồi cứ cố giữ cái vỏ bọc mệt mỏi ấy làm chi?
- …
- Anh Thành…anh Thành hỏi thăm Thư đấy. Sống có tốt không? Có còn nhớ anh ấy không? Sao đổi số điện thoại mà không báo chi nên anh ấy không liên lạc được. Anh ấy bảo đã đi nhiều lắm nhưng không tìm thấy gì ngoài nhớ Thư cả – tôi cảm nhận được giọt nước mắt Bình ùa ra cay đắng và giọng nói run rẩy hơn – Anh Thành chờ Thư ngoài kia, lâu lắm rồi! – vòng tay Bình buông lơi rệu rã rồi đẩy tôi ra phía cửa. Gió mùa rít mạnh, cắn lên làn da, đau buốt. Hình như tôi nghe tiếng Bình nức lên phía trong cánh cửa. Niềm xót xa dâng lên chưa kịp tràn qua đáy mắt thì một vòng tay ấm áp choàng qua, hơi ấm từ Thành tôi không thể nhầm lẫn. Tôi quay nhìn nghiêng gương mặt đã xa cách lâu ngày, trùm lên má anh những ngón tay run rẩy nẻ toác vì gió mùa hanh hao, lòng lặng đi như Sài Gòn đêm đó. Câu nói sau chót của Bình nhòa đi, xa xăm, heo hút, chỉ còn lại lời thì thầm của Thành bên cạnh trong làn gió mới ùa về lạnh buốt…
“ Rốt cuộc con người ta có thể bỏ yêu thương mà đi, cũng có thể đổi yêu thương lấy rất nhiều thứ khác: tiền tài, danh vọng hay chỉ giản đơn là một cái vỏ bọc kiêu hãnh đầy rực rỡ, tranh đấu với chính bản thân mình nhưng vẫn cứ phải suốt đời dằn vặt vì nó. Ạnh chọn thua cuộc vì nhận ra có một đôi khi, những thất bại ngọt ngào hơn rất nhiều lần so với giao tranh…”
Kết Thúc (END) |
|
|