Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cặn Tình Tác Giả: Mạc Can    
    Ở quán cà phê hẻm 58 buổi sáng. Quỳnh Như viết hai chữ “Quan hệ” vào bìa sau tờ vé số cũ. Bà bán vé số mời mua lại, Như cười.
    Ông Điền mua năm tờ vé giống số như nhau. Tặng Như ba vé, ông giữ hai. “Trúng số ông cưới Như”. “Cô bé” cười. Gọi là cô bé vì trông hình dáng Như nhỏ con, coi giống còn bé. “Nếu trúng số con qua Đài Loan thăm con của con”.
    Như chưa có dáng đàn bà. Chiếc áo của Như đang mặc cài hết các nút trên ngực như phòng thủ, điều đó càng khiến các ông chăm chú nhìn hơn. Như đưa tờ vé số cũ có hai chữ “Quan hệ” cho ông Điền rồi giải thích tiếp câu chuyện ông hỏi lúc sáng:
    - Chuyện quan hệ nầy chỉ có một lần với người chồng Đài Loan trong suốt bốn năm Như ở bên đó, có một đứa con trai ở lại với cha nó, còn Như mới về Việt Nam có một năm. Như gần bốn mươi tuổi mà hiện không có đồng xu nào trong túi.
    Ông Điền hỏi:
    - Như gặp ông chồng ngoại nầy ở đâu? Ổng bao nhiêu tuổi?
    Như thật thà:
    - Gặp ở Sài Gòn nầy, ổng 51 tuổi.
    Ông Điền nhẩm tính:
    - Toàn bộ như chuyến đi du lịch! Về đây Như nhớ con không?
    Như quay mặt nhìn ra đường, không cười. “Nhớ... Đang kiếm tiền qua bên đó thăm nó”. Ông Điền hỏi: “Nhớ chồng không?”. Cô bé hay cười mà lần nầy lại không cười. Cô quay mặt lại, đôi mắt ươn ướt: “Không nhớ... Ông ấy đánh Như văng vào vách chỉ vì ông biểu Như đi ngủ không được xem ti vi nữa”. Điền trố mắt tò mò thắc mắc: “Chớ không phải vì ông ta muốn việc “quan hệ” ấy mà Như không chiều?”. Như thanh minh cho ai đó đang ở xa: “Không phải vì việc đó. Mà vì ông ta có óc gia trưởng, ông nói là ai cũng phải nghe”.
    Ông già Điền vốn đa nghi, ông không tin là chỉ có chuyện tắt ti vi mà là chuyện ông 51 tuổi kia cần giải quyết. Ông Điền định hỏi thêm nhưng Như cắt ngang câu chuyện. Từ ngày đó tưởng đâu Như giận. Nhưng Như vẫn hay nói chuyện vui với ông Điền mà không hề nhắc gì tới chuyện 4 năm ở Đài Loan. Tôi thì thầm với ông Điền:
    - Ông họa sĩ ngồi kia nói Như “buôn bán bất động sản”.
    Như nghe, hỏi lại:
    - Là làm gái à. Ai nói gì thì nói, kệ người ta.
    Tôi lại xía vô chuyện
    không phải của tôi mà với nhà văn Điền:
    - Cha nhà thơ kia còn nói chỉ cần 6 triệu một tháng là có thể gọi Như đi khách sạn. Như nầy cứ chiều đi mất khuya chín mười giờ mới về, chắc là làm ăn với vốn tự có.
    Nhiều người nghĩ vậy vì Như trẻ đẹp lại vui tính. Như vẫn ngồi bên cạnh cười hiền:
    - Giống giống như mấy cô gái tre trẻ đi bán vé số có điện thoại thông minh à. Tùy người thôi. Như đi bỏ mối rượu vang mà. Chỗ nào gọi rượu là Như chạy xe mang tới. Vốn của chủ, vốn gì của Như.
    Như vẫn chưa hiểu câu vốn tự có. Nhà văn Điền biết nó có ý khinh khi châm biếm. Ông quạu, ông nầy thì tôi biết, dù ông vốn là người hiền lành tử tế nhưng cộc tánh:
    - Thơ hay tranh của nó bằng vàng à, sao nó khinh người vậy? Người phụ nữ nầy có hoàn cảnh khó, đang khổ mà sao nỡ lòng nói vậy.
    Như: “Không sao! Ai nói gì thì nói”. Như hay cười với đôi môi lạ và cái răng khểnh có duyên. “Ông bao nhiêu tuổi rồi ông Điền?”. “Năm nay 27 tuổi, sang năm tôi sẽ là 37”. Bé Như lại cười “73”. Sau tất cả câu chuyện du lịch Như kể lại, ông già thầm nghĩ Như mất cả chì lẫn chài, không gì khổ bằng phụ nữ lỡ thất thân. Lấy chồng lần nữa vui thì nó không nói còn khi có chuyện buồn hay nhậu say là nó kiếm chuyện nầy nọ.
    Chuyện lạ diễn ra chưa tới một tuần. Ban đầu Điền tội nghiệp, sau đó ông thương thương, sau đó nữa lại nhớ nhớ, ghen ghen rồi bất thần yêu yêu mới chết. “Yêu” Như một cách đau khổ thật thà.
    Gặp lại ông trong chuyến đi thực tế để sáng tác, ngồi chung xe với ông ra Duyên Hải, ông kể, ông khóc như đứa trẻ. Tôi hiểu các nhà văn. Ông nhà văn Điền bạn già của tôi có khuôn mặt tỉnh bơ, không hề lộ một chút cảm xúc nào vui buồn nhưng tôi biết trái tim ông nhạy cảm tan nát.
    Ông Cận, ông Thục, với ông Bình… ai cũng buồn ngủ. Ông Bình ngủ say. Điền thức kể chuyện, tiếng thì thầm của ông theo gió lùa ra cửa xe rồi thoát ra ngoài trời…
    - Hồi đâu chừng hai lăm tới ba mươi tuổi. Tôi làm thầy giáo dạy môn triết, có một lần tôi yêu kịch liệt. Yêu chết bỏ. Yêu chết yêu sống. Cứ một ngày mà tôi không thấy mặt cô giáo đó là coi như tôi chết đứng. Lạ là tôi chỉ yêu một lần đó rồi thôi, không yêu người nào nữa. Không ngạc nhiên buồn vui giận hờn, không yêu. Rồi tôi bị sét đánh. Tôi yêu lại mà yêu thiệt tình. Già rồi thì buồn, tôi chỉ muốn có cảm giác nhớ thương cho đỡ buồn. Mà bây giờ tôi buồn, khổ vì yêu thiệt rồi. Biết nói sao cho mấy ông hiểu, tình yêu khi nó tới chậm vậy là thứ tình yêu gì? Mấy ông vô tư quá, thiếu chi phụ nữ khổ sở mà mình không chịu yêu họ.
    Mọi người trên xe ngủ gà ngủ gật. Thịnh là bác tài trẻ phải thức lái xe cười nói cho vui chuyện:
    - Già cúp bình thiếc rồi còn yêu nổi sao ông Điền.
    Điền mới gục qua bên vai ông Thục tỉnh lại:
    - Vẫn yêu. Còn sống là còn yêu. Yêu có chết đâu.
    Thịnh:
    - Vậy là... cặn tình. Như cặn rượu, dễ say dễ chết lắm.
    - Còn sống nhưng buồn vui lẫn lộn.
    Hình như tay Thịnh tài xế nầy có kinh nghiệm, anh ta say sưa nói tiếp, suýt chút đụng nhầm một chiếc xe gắn máy của một chàng trai chở cô gái trẻ lạng bên lề đường.
    Cận kể: “Tôi nghe ông Điền hẹn bé Như kiếp sau, còn kiếp nầy ổng cày nuôi bé Như chừng nào Như lấy chồng thì thôi”. Ông Thục cũng có nhiều mối tình lạ nhưng không kỳ cục như ông Điền. Kiểu tình nầy là của các nhà văn, người thường không có, ông Bình nhừa nhựa “tình là tình khi không mà có, tình là tình có cũng như không”.
    Từ chuyến đi thực tế sáng tác ở Duyên Hải về Sài Gòn, sáng nào ông Điền cũng thấy mấy bạn già nhà văn của mình tới quán ở Trần Quốc Thảo. Bé Quỳnh Như dễ thương tội nghiệp thiệt, thôi thì mấy nhà văn già như tụi mình ráng cày, ráng viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tạp bút nầy nọ kiếm chút nhuận bút nuôi bé Như. Chừng nào bé Như lấy chồng thì thôi. Nhưng mình là người lớn phải khuyên Như, lỡ một chuyến du lịch rắc rối rồi, nếu có lần sau phải cẩn thận không khéo gặp thằng chồng gia trưởng nó không cho coi
    ti vi, nó đánh văng vô vách thì khổ lại càng khổ. Đường xa khó về lại nhớ con. Đừng kiếm tiền qua đó nó cho thêm một đứa nữa ôm cháu nhỏ chạy về không kịp thở.
    Điền ghen thật: Rủi bé Như yêu một trong mấy người, tôi làm sao sống.
    “Trời kêu ai nấy dạ, lo gì hả Điền. Còn yêu là còn sống”. Phụ nữ là khổ mà, phải biết thương người ta chớ!
    Vậy là ba ông cụ nầy đều yêu bé Như… cũng như tôi. Nhưng tôi không dám đâu, chính tôi nuôi tôi còn bữa đói bữa no, lấy gì trèo đèo. Vả lại Như mới chưa tới 40 tuổi, còn tôi với mấy ông bạn tôi ông nào cũng trên… 37. Ai cũng nói càng nhìn Như lâu lâu càng thấy Như hiền, vui vẻ, không tìm thấy một chút đanh đá nào. Đôi môi Như lạ, tướng đi nhẹ nhàng, Như cười có cái răng khểnh có duyên, Như thật thà như củ khoai.
    Điều quan trọng hơn là Như không chịu lấy chồng. Hà hà, không phải chỉ nhà văn mới thấy mình có hy vọng. Mà ai ai cũng xin số điện thoại của Như. Ai cũng muốn yêu bé Như. Còn tôi thì sợ ngày sợ đêm sợ Như yếu lòng nghe lời ai ngon ngọt, rủi ro thương nhầm thằng quỷ sứ nào đó, nó làm bộ yêu Như một hai ngày vài tháng một năm rồi bỏ con người ta. Cô bé lại cười: “Không có chuyện Như lấy chồng đâu... từ từ để coi sao đã”. Câu sau của Như càng làm tôi mất ngủ vì sợ vì lo cho Như và... sợ cho tôi. Sợ luôn cho ông Điền. Vì bạn già mình tìm được một tình yêu tuy trễ mà đích thực, nhìn mắt ông khi ông tặng ba tờ vé số cho Như thì biết. Ông Điền muốn mua cái nhà sống chung với Như. Nhà văn nào cũng nhiều tưởng tượng thật. Nếu không thì làm sao mà sống.
    Hàng ngày Như cứ cười làm điên đảo bọn người tới làm bộ uống cà phê để ngắm Như. Tôi không tin đàn bà. Vì có lần tôi mua vé số, tôi không trúng tờ nào mà tôi lại trúng cô nhỏ bán vé số. Cô nàng vừa là biên kịch vừa làm diễn viên kiêm đạo diễn. Quỳnh Như hỏi: “Ông mất tiền tỉ vì cô biên kịch bào tận xương à”.
    Qua kinh nghiệm đau thương của tôi, Như khuyên: “Con với ông có gì đâu”. Như không thích xe đẹp, không thích điện thoại thông minh và không mấy thích tiền. Như có chiếc Honda cánh én cũ chạy đi giao rượu, có cái điện thoại cùi bắp nhỏ xíu mà lúc nào Như cũng lau chùi, còn tiền trong cái túi quần jeans có dây kéo cũng có bạc lẻ đủ xài. Như biết mình khá đẹp, hấp dẫn. “Phụ nữ mà, hồi trước Như còn hơn bây giờ”. Tôi ít cười nhưng nhìn Như cười là tôi vui. Tôi hay nói đùa: “Ông cũng hùn với mấy ông nhà văn già kia nuôi Như. Chừng nào Như có chồng thì ông vô viện dưỡng lão khỏi nuôi Như nữa nha”. Như nói “OK”.
    Tôi không kể với ông Thục, ông Bình, tôi lại đi khoe với ông Điền, mà vô hình trung coi ông như tình địch ngầm. Nhưng lạ chưa, khi nghe chuyện nầy ông Điền tỏ ra vô tư: “OK. Ông thì được!”.
    Đúng là nhà văn lạ hơn người thường, vì mấy ổng yêu không bình thường. Sống cũng ngộ mà còn chút cặn tình cũng yêu và lết cho tới bến.

Kết Thúc (END)
Mạc Can
» Bên Kia Màn Sương
» Cặn Tình
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết