Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hoa Thả Bùa Tác Giả: Phạm Thanh Thúy    
    Trở về sau một tuần thăm thú Palouse, Sâm nhận được tin nhắn của Nam: “Chị có về không? Bố đã…”.
    Lẽ ra phải là: “Chị về đi!”, “Chị về ngay!”, nhưng lại là “Chị có về không?”. Câu hỏi ấy ám sâu vào tim Sâm suốt một chặng dài về bản Trầm, nơi người ta đã kịp làm hậu sự cho bố trước khi Sâm về đến nơi.
    Nam bảo bố Sâm lên đỉnh núi Trầm, bị ngã xuống khe đá, ba ngày sau mới tìm thấy nên không thể để ông nằm đó đợi Sâm về được.
    Núi Trầm? Ông lên đó làm gì cơ chứ? Bình thường người già ở bản Trầm vẫn leo núi hái thuốc, trồng trọt, bởi họ sinh ra từ núi, họ thuộc về núi từ lọt lòng mẹ đến khi về với Mường trời. Nhưng bố Sâm thì khác. Huống chi, núi Trầm lại là ngọn núi trắc trở nhất trong vùng…
    …Mười bốn tuổi, Sâm rời thị xã ven thủ đô lên vùng núi sống với bố. Mẹ đi lấy chồng khác, và đương nhiên bà không thể đèo bòng Sâm. Họ hàng bên nội đầy ra đấy, nhưng Sâm còn có bố. Việc mẹ lấy chồng khác Sâm không thể oán trách, vì bố đã bỏ mẹ trước. Lên vùng núi cao làm việc theo sự phân công của tổ chức, bố Sâm đã phải lòng người phụ nữ khác.
    Nhà của bố Sâm và người vợ mới nằm ngoài rìa bản Trầm. Đó là một bản làng rất đẹp với những nếp nhà sàn bên một dòng suối nước màu xanh lục tự nhiên. Mẹ kế của Sâm đã có một đời chồng và một cậu con riêng nhỏ hơn Sâm một tuổi, là Nam. Khi Sâm đến, họ đã sinh một đứa con chung. Nhưng ít lâu sau đứa bé gái ấy chết đuối dưới suối, do chính sự bất cẩn của bà mẹ. Sau cái chết của em gái cùng cha khác mẹ, Sâm càng căm ghét mẹ kế, càng nhớ lời mẹ đẻ khi bà nói về tình địch: “Cái giống bùa ngải thất đức lắm. Rồi xem...”.
    Mẹ Sâm nói bố bị bà ấy bỏ bùa nên mới bỏ vợ con như thế. Khi Sâm đến bản Trầm, những nhân viên ở trạm y tế của bố cũng thường trêu Sâm. Họ bảo rằng dân bản Trầm ai cũng biết bỏ bùa. Người ta có thể làm đủ các loại, từ bùa yêu đến bùa hại người. Theo lời họ, gái bản Trầm thích ai thì bỏ bùa để lấy làm chồng, chán thì lại bỏ bùa để ruồng rẫy. Người bản Trầm ghét ai sẽ bỏ bùa để người ấy thành điên thành dại. Chẳng đâu xa, mới đây, trước khi Sâm đến, một bà già vì không muốn mất trộm buồng chuối chín trong vườn, đã yểm bùa lên nó. Ngờ đâu cô con dâu đi làm nương về, thấy chuối chín cây bèn hái ăn một quả. Bà già biết con dâu trúng bùa mà không có cách nào cứu được, đành nhìn con trai mất vợ, cháu nội mồ côi mẹ...
    Và, theo các nhân viên trạm y tế chỗ bố Sâm làm việc, thì một trong số những người bỏ bùa giỏi nhất là mẹ kế của Sâm. Bà ta đã bỏ bùa người chồng trước, rồi khi chán sống với ông ta, bà lại bỏ bùa để ruồng rẫy. Con suối trong veo bên rìa bản Trầm cứ dăm ba hôm lại xuất hiện một người đàn ông cặm cụi lội nước, nhưng không phải để bắt cá, cũng chẳng làm gì cả. Chỉ là lội nước với khuôn mặt đờ đẫn, ngây dại, từ sáng sớm đến đêm khuya. Sâm không biết tại sao ông ta lại làm thế, rồi đêm xuống ông ta đi đâu, vạ vật nơi bụi cỏ gốc cây nào trong rừng. Người ta bảo đó là bố của Nam, người chồng trước của mẹ kế. Chính vì thế, họ dặn Sâm nếu muốn giữ thân, thì hoặc là học cách bỏ bùa, hoặc đừng để bị bỏ bùa.
    Sâm và Nam cùng nhiều đứa trẻ bản Trầm hằng ngày phải đến trường học rất xa. Nếu đi bộ thì sáng sớm đi, tối nhọ mặt mới về đến bản. Nhiều đứa chung tiền thuê trọ ở gần trường cho đỡ tốn công đi lại. Chị em Sâm sáng đi tối về trên chiếc xe đạp Phượng hoàng màu đen mà bố giao cho. Ngày nào cũng như ngày nào, trên chiếc xe đạp và chặng đường núi đồi khó đi ấy, Nam gò lưng chở Sâm đến trường. Thường thì Sâm không hề hé răng nói gì, trừ khi yêu cầu hay ra lệnh. Nam thì ngược lại, cậu ta luôn hát, hoặc huýt sáo véo von. Cậu luôn làm theo những yêu cầu của Sâm, kể cả những yêu cầu oái oăm nhất, đôi khi đầy hằn học và độc ác, những thứ nảy sinh trong lòng Sâm vì lúc nào cũng đề phòng, nghi kỵ.
    Cô độc giữa những người xa lạ, Sâm ngoảnh mặt quay lưng gần như hoàn toàn với mẹ kế và người em ghẻ. Sâm không ăn bất cứ thứ gì mẹ kế đưa, không mặc bất kỳ thứ gì mẹ kế may. Đồng thời Sâm cũng tránh xa đám bạn cùng dân làng trong trường học, trong bản Trầm. Sâm sợ bị họ bỏ bùa. Ngày thứ bảy, chủ nhật, Sâm đòi đến trạm y tế nơi bố làm việc và ở dịt đó. Sâm không bao giờ để mình ở nhà với mẹ kế mà không có bố.
    Sự xa lánh của Sâm khiến đám bạn cùng bản, cùng trường nảy sinh lòng căm ghét. Chúng tìm cách bắt nạt. Nhưng Sâm biến nỗi sợ hãi thành chai lì, lạnh lùng. Đặc biệt, nhờ sự bảo vệ nhiệt tình của Nam, chúng không làm gì được Sâm. Vậy nhưng Sâm vẫn không hề mở lòng với Nam, thậm chí còn luôn nung nấu ý định lợi dụng và trả thù.
    Giờ đây, về bản Trầm khi hậu sự của bố đã xong, Sâm đi thăm, cảm ơn những người trong bản. Họ khen bố Sâm tốt lắm, cả đời lặng lẽ cống hiến cho cái xã bản heo hút này. Cuối ngày, Sâm mỏi mệt trở về, ngồi trên bậc thang nhà sàn nhìn ra con suối xanh trong trước mặt. Người đàn ông lội nước năm nào có lẽ đã chết. Trong nhiều năm qua, không phải trong lòng Sâm đã hoàn toàn quên bản Trầm. Mỗi khi nghĩ đến khoảng thời gian sống ở nơi này, Sâm lại nhớ đến ông ta, với khuôn mặt đờ đẫn, áo quần ướt sũng và hai cẳng chân, hai cánh tay tái nhợt vì ngâm nước quá nhiều. Những ý nghĩ về bố một ngày nào đó cũng sẽ lội nước cặm cụi như ông ta, lòng Sâm có chút đau xót, nhưng nỗi đau xót nhanh chóng tan đi, nhường chỗ cho một cái gì đó như là hả hê đắc ý. Dẫu gì bố cũng là kẻ phản bội. Dẫu gì Sâm cũng không có được những ngày ấu thơ hạnh phúc vì bố đã lựa chọn nơi này, lựa chọn người đàn bà đó chứ không phải mẹ và Sâm.
    Con suối xanh trong lặng lờ chảy qua bản Trầm. Sâm từng chứng kiến người ta vớt được đứa em gái cùng cha khác mẹ mới một tuổi đời lên từ nước biếc. Em bé vô tội ấy chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi ở trên đời. Suối đã buộc người ta phải trả giá cho những mưu toan tầm thường, những thay lòng đổi dạ. Sâm cảm thấy con suối đã báo thù cho những đau khổ của ai đó. Là vì nó chảy qua bản Trầm. Bản Trầm nằm dưới chân núi Trầm, núi ấy linh thiêng lắm.
    “Nam ạ. Tôi muốn lên núi Trầm” - Sâm nói như thuở bé từng ra lệnh cho Nam. Một tuần trước bố Sâm đã lặng lẽ lên núi Trầm, và ông gặp nạn bởi một khe đá. Sâm biết ông lên núi ấy làm gì. Bây giờ là mùa hoa tiên trắng đang nở rộ…
    Hai mươi năm trước, một buổi sáng trời trong và nắng ấm, Nam chở Sâm đi ngang qua núi Trầm để đến trường. Núi Trầm cao, nhiều vách thẳng đứng với những cái cây cô độc gắng gỏi chĩa những cành xanh tươi của nó ở lưng trời cho những bầy chim nghỉ cánh. Bình thường Sâm không để ý đến ngọn núi khô khan ấy, dù dân bản có vẻ nể trọng lắm. Hôm ấy, đột nhiên một bầy chim nhỏ vừa bay vừa hót vụt qua hai đứa rồi tíu tít đậu trên những cành cây chĩa ra từ vách đá. Sâm nhìn theo bầy chim và ngạc nhiên. Nơi chúng đậu có một loài hoa đang nở trắng vách núi. Khá xa để nhìn rõ hình dáng hoa, nhưng màu trắng ngần trong nắng vàng ấm áp của nó báo cho Sâm biết đó là một loài hoa đẹp.
    “Hoa gì kìa Nam ơi!”.
    Nam dừng xe, chống một chân xuống vệ đường và nhìn theo tay Sâm chỉ.
    “Hoa tiên đấy. Đẹp lắm!”.
    “Mình hái đi. Tao muốn một bó” - Sâm thường xưng hô mày tao với Nam.
    “Nhưng. Để… làm gì?” - Nam hỏi, tỏ rõ sự lưỡng lự.
    “Để chơi chứ còn gì nữa”.
    “Không… không được đâu” - Nam từ chối. Lần đầu tiên cậu ta từ chối yêu cầu của Sâm.
    “Mày không dám? Để tao!”.
    Sâm nói xong, nhảy ra khỏi xe, loay hoay tìm lối xông vào núi Trầm. Không hiểu sao lúc đó Sâm lại điên đến thế. Nhưng Sâm bước phải một khoảng trống được ngụy trang bằng cỏ xanh mềm mại và lăn từ vệ đường xuống hủm sâu trong tiếng hét lạc giọng của Nam.
    Khi Sâm bình phục thì mùa hoa tiên đã tàn. Nam nói hoa đó mỗi năm chỉ nở một lần, và thời gian nở chỉ trong khoảng mười ngày thôi.
    Sau mùa hoa tiên ấy Sâm rời bản Trầm trở lại đồng bằng. Bác ruột quyết định đón Sâm đi. Có lẽ bác quá xót xa bởi những bức thư kể lể về việc Sâm luôn sống trong nỗi lo lắng sợ hãi bị bỏ bùa. Vì những câu chuyện bùa ngải mà các cô chú nhân viên trạm y tế tỉ tê vào tai Sâm những ngày trực cuối tuần.
    Ngày Sâm xuôi thành phố, không phải bố, mà chính Nam tiễn chân. Hai đứa đứng bên vệ đường đón xe khách. Nam nói, chuyện bùa ngải Nam không biết, chỉ nghe đồn rằng những cô gái bản Trầm muốn có được người mình yêu thì hái hoa tiên làm thuốc cho người ấy uống…
    Thì ra hoa tiên là loài hoa thả bùa.
    …Sâm vẫn còn nhớ cảm giác ngượng ngùng khi vạt váy chạm vào bắp đùi trần trong lần mặc váy ngắn đầu tiên. Có lẽ mọi cô gái quê học làm người thành phố bắt đầu từ những chiếc váy ngắn. Từ đó, những chiếc váy ngắn, những đôi giày đắt tiền, những hộp mỹ phẩm cao cấp và bạn bè phố thị cuốn Sâm đi. Sâm dần quên bố, mẹ kế, Nam và cả bản Trầm cùng bùa ngải của họ. Học giỏi và tự tin, Sâm tự mình trưởng thành mà không cần lắm sự hỗ trợ của gia đình bác ruột. Một năm trước mẹ kế mất, Sâm cũng không về thăm viếng. Có lẽ vì thế, nên trong điện thoại báo tin bố mất, Nam hỏi Sâm có về không.
    Nam dẫn Sâm lên núi Trầm theo con đường của những người hái lá thuốc, không phải hướng mà Sâm đã bị nạn năm nào. Mùa hoa tiên, chúng nở khắp núi Trầm. Nhưng lạ lắm, chỉ ở núi Trầm thôi. Sâm hỏi có truyền thuyết nào liên quan đến sự lạ đó không, Nam lắc đầu, không rõ không biết, hay không muốn tiết lộ.
    Hoa tiên đã tàn, chỉ còn lác đác trên những vách cao vài bông muộn mằn. Bố Sâm đã lên núi Trầm tìm hoa tiên. Ông muốn hóa giải thứ bùa ngải khiến ông vướng nợ tình trong suốt hơn hai mươi năm qua chăng? Người ta bảo những người bỏ bùa tình, trước khi chết phải làm lễ cắt duyên cho chồng, hay vợ, người đã bị họ bỏ bùa, nếu không, chỉ một thời gian sau người còn lại cũng sẽ chết. Mẹ kế Sâm chết đột ngột, có lẽ không kịp hóa giải bùa ngải cho chồng.
    Phải thế chăng, chuyện bố Sâm đã một mình lên núi Trầm, trong mùa hoa tiên nở? Sâm không biết thực hư câu chuyện bùa ngải của đời ông. Gần hai mươi năm qua Sâm đã bỏ mặc ông, bỏ mặc tất cả, cả những hồ nghi Sâm chưa bao giờ tìm cách chứng thực.
    Giờ đây, trên núi Trầm lộng gió, khi Sâm vĩnh viễn mất ông, thì nỗi đau vô hình mới hiện hữu. Hẻm đá nơi ông bị nạn khá sâu. Nó cắt đường đến đỉnh núi. Trên viền đá bao quanh hẻm, nơi ánh mặt trời rực rỡ chiếu sáng gần như suốt cả ngày, khi những bông hoa tiên trên núi đã tàn, thì nơi đây một vạt trắng ngần đang bung nở…
    Nỗi đau mất bố trong lòng Sâm bỗng nhiên nhẹ bẫng, như nó vừa cất cánh bay đi. Sâm quỳ gối xuống trước vạt hoa tiên trắng ngần. Những bông hoa cánh tròn mềm mại, cùng nhụy trắng run rẩy trước gió… tất cả bỗng chốc lụn xuống, như những bông tuyết tan chảy. Trong khoảnh khắc, những bông hoa Sâm chạm vào chỉ còn màu trắng trong suốt, mỏng manh như sương và tan biến.
    Nam bảo, chưa từng có ai hái được hoa tiên, vì hễ cứ chạm tay vào hoa, chúng sẽ lập tức lụi tàn…

Kết Thúc (END)
Phạm Thanh Thúy
» Vườn Trinh Nữ
» Ngày Của Gió
» Lặng Nhớ Mùa Đông
» Đêm Dương Cầm
» Quái Xế
» Cây Sầu Đông Trước Ngõ
» Hoa Hồng Xác Pháo
» Quái Xế!
» Hạt Bụi Lơ Lửng
» Dã Hương
» Duyên Cây
» 12 Chiếc Bánh Flan
» Tiếng Hót Của Họa Mi
» Hoa Thả Bùa
» Rong Rêu Từ Biển
» Sông Dài
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản