Sau một hồi đi dọc theo con đường tràn nắng, tách một quãng khá xa khu du lịch sinh thái nằm trong khu rừng, Yên thấy đôi chân mỏi nhừ. Cô dừng bước, lựng xựng. Quay lại? Yên tiếc đoạn đường đã vượt qua, tiếc cả phút giây bốc đồng, dù khoảnh khắc đó khiến Ngôn bực rồi bỏ mặc vợ. Bước tiếp? Yên thấy phập phù. Cô chưa biết lối đi phía trước dẫn mình đến đâu?
Yên bước tiếp trong hoang mang.
Chiếc nón rộng vành không che được nắng. Bắp chân trần, cánh tay trần nóng ran.
Gió như bị chắn lại nơi khu rừng.
Nơi khu rừng, đâu đó bên bờ suối, có lẽ Ngôn cùng vợ chồng người bạn đang thong dong thả con mồi xuống nước, chờ lũ cá đớp những con trùn mắc vào lưỡi câu.
Vài tiếng đồng hồ trước, lúc ngồi chờ những giọt cà phê rơi xuống đáy ly, sau khi ăn tô mì gói nấu với thịt bò, Yên mở iPad. Vừa vào trang tin tức, đập vào mắt cô dòng chữ “Tác giả Trăm năm cô đơn qua đời”.
Sau phút ngỡ ngàng, Yên đọc to dòng chữ đậm nét trên màn hình. Ngôn đón tin về sự ra đi vĩnh viễn của Gabriel Garcia Marquez, người từng khiến nhân loại sửng sốt với nỗi cô đơn được kết thành một pho truyện đồ sộ, bằng câu hỏi: “Cái ông viết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, chớ gì?”. Không cần câu trả lời, Ngôn tiếp: “Quyển sách cũng xoay quanh chuyện giường chiếu. Anh không đọc nổi mươi trang”. Thụy, bạn của Yên và là vợ Quân, bạn của Ngôn, sau khi lướt qua tin tức trên màn hình iPhone, bổ sung: “Ông ấy bị mất trí nhớ trước khi qua đời”. Quân tiếp lời vợ: “Mất trí nhớ còn tệ hơn là chết!”. Nhưng tác phẩm ông ấy thì không chết, không thể chết, Yên muốn nói thành lời, nhưng xem ra Quân, Thụy và cả Ngôn nữa, đều thờ ơ trước cái chết của ông nhà văn mà cô mến mộ.
Những giọt nắng xuyên qua tán lá đột nhiên không còn nhấp nhới trên mặt bàn, trên lưng ghế, trên mái tóc, trên áo quần. Quân ngước nhìn lên ngọn cây. Một đám mây, rồi một đám mây nữa, lướt qua. Tiếng chim vẫn không ngừng chíu chít. Có lúc chúng hót lên, âm thanh lảnh lót sát bên tai, cả mùi lông ngây ngây như cũng ngửi được. Thụy che miệng ngáp rồi nhìn đồng hồ: “Thôi, bọn mình đi câu cá để kịp về ăn trưa...”. Quân cắt lời vợ: “Anh tưởng em quên cái vụ câu cá”. Thụy lườm chồng: “Anh liệu hồn đó, em không quên bất kỳ thứ gì. Nhớ đó!”. Hai người nheo mắt tình tứ rồi đứng lên, rời khỏi bàn nước. Quân cũng đứng lên. Anh đưa tay ngoắc người phục vụ.
Khi người phục vụ bước tới, Quân yêu cầu bốn cái cần câu, mồi câu, giỏ đựng cá và nhờ chỉ lối ra bờ suối.
Quân cầm hai cần câu, Thụy cầm giỏ tre, đi trước. Ngôn kéo tay vợ: “Mình đi thôi, em!”. Yên gỡ tay chồng ra: “Em không muốn đi!”. “Câu cá bên suối là đề xuất của em!”. “Nhưng lúc này em không muốn đi!”. “Đừng để anh mất mặt với vợ chồng Quân!”. “Thì anh cứ đi với họ!”. “Thôi được, tùy em!”. Ngôn cầm cả hai cần câu bước theo bạn, hướng về phía tiếng suối.
Yên ngồi lại cho tới khi Ngôn khuất sau những thân cây bằng một vòng ôm.
Trước khi đội mũ và cầm bóp đứng lên, Yên hớp một ngụm cà phê đã nguội. Người phục vụ bước đến đưa cho Yên hũ thủy tinh đựng trùn đất: “Chị mang theo mớ trùn mới này, cá thích ăn hơn”. Thụy nhìn vào mớ trùn lúc nhúc cuộn vào nhau: “Chị không đi câu. Em chạy theo đưa cho anh ấy”.
Loay hoay, cũng không mấy khó khăn, Yên tìm thấy lối đi dẫn ra khỏi khu rừng, nơi có những ngôi nhà trên cây và một trong những ngôi nhà đó, đêm qua cô và chồng đã tận hưởng những phút giây hoan lạc giữa lưng chừng đất trời.
Còn giờ, có lẽ lũ cá đói đã mắc câu. Ngôn câu rất cừ. Hễ thả lưỡi câu xuống nước, ao, hồ hay sông, suối, anh đều bắt được cá. Ngón tay khéo léo chắc đã gỡ mấy con cá ra khỏi lưỡi câu rồi bỏ vào cái giỏ có hình dáng trái bầu tròn trĩnh. Lũ cá giãy lạch đạch trước khi nằm im dưới đáy giỏ.
Gạt hình ảnh trên ra khỏi đầu, Yên cắm cúi bước.
Hai bên đường lác đác những bụi cây nở những bông hoa tim tím mà lần đầu Yên mới gặp. Những cánh bướm giật mình bay lên từ những chùm hoa phảng phất mùi hương. Nhiều cánh bướm từ những chùm hoa khác, bụi hoa khác, cũng bay lên.
Nhìn đàn bướm rập rờn trước mặt, Yên nhớ bầy bướm lúc nào cũng bay theo Mauricio Babilonia(*), người đàn ông bị bắn chết khi trèo qua nhà tắm tìm người đàn bà mang trong người giọt máu của mình.
Những cánh bướm trắng xanh vàng nâu chấp chới trước Yên. Cô bước nhanh hơn, như đuổi theo lũ bướm.
Trước mặt Yên, hiện ra một quán cà phê với hộp chữ treo trên mái hiên “COFFEE GỘI ĐẦU MÁT XA WIFI”.
Quán cà phê “bốn trong một” là một ngôi nhà vách tường mái ngói nằm bên đường nối giữa con đường tới khu rừng với quốc lộ. Con đường không còn yên ắng như quãng vắng Yên vừa qua. Xe đạp, xe máy lác đác ngược chiều. Xe tải chở mì, chở bắp, chở gỗ nặng nề lăn bánh, tung khói bụi mịt mù.
Đàn bướm cũng tan tác và biến mất trong khói bụi.
Yên bước vào quán. Cô chọn cái bàn đặt phía trong cùng, nơi tiếp giáp với vườn cây ăn trái, râm ran tiếng ve, thoảng thoảng mùi mít chín.
Trong quán có người nằm trên võng, tiếng ngáy đều đều. Mặt bàn cạnh võng đặt một lon bò húc mở nắp và một hộp quẹt gas, một gói thuốc con mèo hút dở.
Từ chỗ quầy nước, cô gái mặc áo bà ba vải mút xơ lin màu hoa cà, bước đến: “Chị uống gì?”. Yên nhìn đôi mắt có hàng mi cong vút: “Cho tôi ly cà phê đá, pha phin”. Hàng mi chuốt mascara thoáng nhìn ra đường: “Pha phin đợi hơi lâu. Chị uống nước dừa cho mát?”. Lúc sáng Yên mới hớp một ngụm cà phê. Cô đang cần thêm chất caffeine cho tỉnh người sau chặng đường mệt rã: “Tôi đợi được!”.
Cô gái bưng ly trà đá đặt trước mặt Yên rồi quay gót. Yên nói với theo: “Nếu quán có quạt…”. Cô gái bước tới quầy, với tay lấy chiếc quạt nan, quay lại đưa cho khách.
Cầm quạt nan phẩy gió, Yên nhìn theo dáng đi trễ nải. Cô gái có cái lưng của con ong, chỗ eo thắt nhỏ trên bộ mông căng mẩy sau lớp lụa đen. Cô đi thẳng ra nhà sau, đúng ra là dãy nhà sau, những căn nhà liền nhau nép mình dưới những tán cây.
Khu vườn xào xạc khi những cơn gió lùa qua.
Mặt đất dưới chân Yên chợt như rùng rình bởi dàn nhạc khổng lồ mà vô số nhạc công tí hon chỉ chơi duy nhất một loại nhạc cụ và như chơi lần cuối trong đời. Điệp trùng tiếng ve sầu tấu lên. Ngực Yên ran ran.
Cà phê được mang ra. Bưng ly cà phê là người đàn ông trung niên mặc áo thun không tay màu đen. Anh ta có ánh mắt lạnh, mày rậm, râu rậm, mũi cao, mặt choắt, hai bắp tay xăm hình những con bướm đen.
Lúc anh ta trở về quầy đập nước đá, một gã đàn ông mang kính đen, đội mũ bảo hiểm, dựng chiếc xe máy trước cửa quán, bước vào: “Cho chai bia, ông chủ!”. Gã gỡ mũ quăng xuống chiếc ghế nhựa đỏ trước mặt rồi đá mấy cái vào người đang ngáy trên võng.
Cô gái lưng con ong bưng cái khay có chai bia Sài Gòn xanh, ly đá và khăn lạnh đặt xuống mặt bàn. Gã kính đen ngồi xuống ghế, gỡ kính ra khỏi mắt, quét cái nhìn từ đầu xuống chân cô gái. Hắn quay mặt về phía chủ quán: “Hàng mới à?”. “Mới, một trăm phần trăm!”. Bất giác, Yên thu người lại, tay kéo gấu váy che bớt phần bắp chân trần ửng nắng. “Em nào đó?”, gã kính đen hất hàm về phía Yên. “Khách!”, tiếng chủ quán.
Gã nằm võng ngừng ngáy. Gã kính đen với tay giựt giựt dây võng: “Đ.m, sướng thì cũng sướng vừa phải thôi!”. Gã kia ngồi dậy: “Xong rồi hả? Mấy chai?”. “Chín chai bảy!”. Gã kia tuột xuống ghế, lấy điếu thuốc châm lửa: “Mẹ nó, vừa mất tiền, vừa mất một đêm một ngày”. Gã kính đen xem đồng hồ: “Hai tiếng nữa nó trả giấy tờ. Đưa hàng về tới công ty nếu không kẹt xe cũng nửa đêm”. Gã quay mặt phía chủ quán: “Thêm chai bia!”.
Chủ quán đem bia đặt trên bàn: “Cả xe gỗ xịn mà thoát được là quá ngon!”. Gã kính đen cười bằng mép: “Ngon hơn là gặp được hàng mới. Chuẩn bị cho bọn tôi hai suất!”. “Có ngay!”, chủ quán đáp, rồi rời quầy, bước vô dãy nhà phía sau.
Khi hai gã chở gỗ lậu bước vào dãy nhà phía sau với món “hàng mới”, điện thoại Yên đổ chuông. Cô thấy tim mình đập mạnh. Lúc này, chỉ cần nghe tiếng Ngôn, Yên sẽ thấy dễ thở hơn trong không gian bán mua ngột ngạt.
Yên mở điện thoại. Người gọi không phải Ngôn. Cô để điện thoại tiếp tục reo. Gọi không được, Thụy nhắn tin qua Viber: “Mày đang ở đâu?”. Không thấy Yên trả lời, Thụy nhắn tiếp: “Bộ mày ngủ quên trên ngọn cây hả?”, “Tao cũng đang buồn ngủ díp cả mắt nè” kèm theo một tấm ảnh tự sướng với hai con mắt lim dim. Như để chống lại cơn buồn ngủ, Thụy nhắn tiếp: “Không có con ma nào cắn câu tao. Ông Ngôn nhà mày đúng là tay sát cá. Ổng câu cùng lúc hai cần. Một mình ổng câu được cả giỏ cá. Còn ông Quân nhà tao chỉ giỏi... sát gái”.
Viber thêm hai tin ảnh. Một tấm ảnh Ngôn cầm cần câu giựt con cá lên khỏi mặt nước. Một tấm ảnh, chắc Quân chụp. Gương mặt Thụy tràn nắng, hai bàn tay bợ lấy cằm, khóe môi tươi cười. Dòng suối và những thân cây làm nền cho hai bức ảnh. Nhìn ảnh, thấy rõ Thụy tràn hạnh phúc và Quân không rời vợ nửa bước. Còn Ngôn, có lẽ anh cũng hạnh phúc với thành tích sát cá, dù không có vợ bên cạnh.
Yên lấy hai ngón tay chạm vào màn hình, mở rộng, xem con cá treo lủng lẳng chỗ lưỡi câu. Cô thấy mắt cá như viên bi đen lóng lánh. Miếng mồi bợt bạt vẫn còn nguyên, trượt lên phía dây câu.
Thụy lại gọi. Yên trù trừ rồi nghe. “Mày tỉnh ngủ rồi hả? Tao tính trưa nay nói với nhà bếp chiên xù hết chỗ cá ông Ngôn câu được, mày thấy sao?”. “Tùy mày!”. “Tao với ông Quân sẽ hái thêm mớ rau rừng…”. “Tùy mày!”. “Hôm nay mày bị làm sao vậy? À, cái ông văn hào ở tuốt bên kia trái đất tắt thở mà mày cũng ảo não. Mày rắc rối quá! Sống đơn giản như tao có phải sướng hơn không?”.
Thụy nói một lèo rồi cúp máy. Ly cà phê trước mặt Yên lõng bõng đá. Cô bưng ly hớp một ngụm, lành lạnh, nhạt phèo. Ngôn cũng suy nghĩ như Thụy, tuy cách nói có khác. Ngôn cho rằng, cuộc sống không nhiều cơ hội cho con người tận hưởng trọn vẹn niềm vui. Bởi thế, anh muốn vợ chồng không vội có con, dù điều kiện kinh tế không còn phải bận tâm nhiều.
Điều khiến Ngôn bận tâm là nhiều lúc Yên rơi vào trạng thái bấp bênh dù đã neo đậu được vào cái bến yên bình. Anh cho là do cô dành quá nhiều tâm trí cho những quyển sách. Ngôn từng bực bõ và nổi nóng. Một lần anh ném lời lẽ vào mặt vợ: “Anh cũng đọc, nhưng anh biết chọn những quyển sách để giải trí, để thư giãn. Còn em, em chỉ đọc loại sách làm mình chia trí, chia tâm!”. Yên thấy mình không oan. Cô chỉ thấy oan cho sách.
Sách làm Yên như được lấp đầy. Buông sách ra, nhân vật từ trang sách vẫn không rời bỏ cô. Họ quanh quẩn đâu đó. Họ lắng nghe, họ sẻ chia và tường tận cả nỗi khao khát âm thầm.
Sách khiến cô thường tách khỏi đám đông mà không cảm thấy cô đơn. Rất khác với những phút giây đắm say chồng vợ. Ngay cả khi cái cảm giác đê mê vẫn còn vương lại nơi thịt da, Yên vẫn không sao lấp được khoảng trống giữa hai cơ thể vẫn còn ôm ấp.
Sách làm trái tim Yên đầy ắp giai điệu, ngay cả khi cô không nghe nhạc và không đặt tay lên phím đàn. Nhân vật chân thành, liều lĩnh, đam mê luôn làm cô ngưỡng mộ. Họ khiến cô muốn xê dịch, muốn vượt qua giới hạn nhỏ bé chật hẹp của mình.
Giới hạn, oái oăm thay, nhiều lúc lại kiên cố như bức tường thành.
Bức tường đó, không ít lần Yên cố trèo lên, trật vuột, để rồi tuột xuống chỗ bắt đầu.
Cô và chồng, cả hai gắng gỏi lấp đi khoảng trống khác biệt và hóa giải những bất hòa bằng nỗ lực mỗi ngày, trong đó có nỗ lực ái ân. Chuyến du ngoạn ngắn ngày ở khu du lịch có những ngôi nhà treo lơ lửng trên cây, cũng là một trải nghiệm làm mới cái không gian yêu đương vốn quen thuộc dễ gây nhàm chán.
Tiếng ve bỗng ngưng bặt. Khu vườn xao xác gió.
Xác một con ve rơi xuống mặt bàn, cạnh ly cà phê đã tan hết đá.
Lần đầu tiên Yên thấy xác một con ve sầu ở cự ly gần. Nó khác nhiều so với xác lũ ve còn bám trên thân cây và đeo chặt ở đó cho đến khi nắng mưa làm vỡ vụn.
Cái xác vẫn giữ nguyên hình ảnh một “tráng sĩ” đi mây về gió và ưỡn ngực cất cao tiếng hát. Đôi cánh xòe rộng óng ánh với mỗi đường gân dọc ngang như được dát vàng. Đôi mắt lồi và những cái chân vững chãi màu đồng. Hai sợi râu như hai cây kim bằng chì vươn về phía trước.
Yên mở camera. Cô di chuyển quanh cái xác tráng sĩ, ghi lại hình ảnh bắt mắt với nhiều góc độ.
Loay hoay ghi hình, chợt Yên thấy lũ kiến xuất hiện. Một con, hai con, ba con... rồi cả một đàn kiến lửa. Cô không rõ chúng đến từ đâu. Có thể, chúng bò lên từ dưới chân bàn, nơi tiếp giáp với nền gạch, nền gạch tiếp giáp với khu vườn, mảnh đất của cây cỏ và côn trùng. Cũng có thể, chúng rơi xuống từ tổ kiến treo lủng lẳng trên cây mít chi chít trái.
Đánh hơi thấy con mồi, lũ kiến di chuyển rất nhanh về phía xác con ve. Chúng phăm phăm tiến như một đoàn quân đang khát máu.
Yên thấy gai người.
Hình ảnh Aureliano(**), đứa trẻ duy nhất được sinh ra bởi tình yêu trong suốt trăm năm của dòng họ Buendia, bị bỏ quên và bị kiến cắn cho đến chết lại chờn vờn trong tâm trí, Yên lật đật bấm điện thoại gọi cho chồng.
Trong lúc chờ Ngôn bắt máy, Yên thấy xác con ve xê dịch.
Lũ kiến hiệp sức lôi cái xác rực rỡ dưới nắng hè về phía trái mặt bàn.
(*) Babilonia, (**) Aureliano:
Hai nhân vật trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez
Kết Thúc (END) |
|
|