Đêm trước khi nhen nhóm ý định ly hôn, Hoài đã mơ một giấc mơ kỳ dị. Một đứa bé đã tượng hình trong bụng cô. Những hoài nghi cũng bắt đầu lớn lên trong cả giấc mơ mụ mị.
Trong mơ, Hoài chạy mãi chạy mãi đến một nơi không thấy đường chân trời, xung quanh chỉ những mảng mờ như khói sương lờ lững phập phồng phà vào mặt cô những luồng hơi buốt giá. Hoài không kịp nắm tay hai đứa con của mình cùng chạy. Cô chỉ biết có một đứa vừa hoài thai trong bụng.
Rồi cũng đến lúc chân Hoài như bục ra, Hoài đổ xuống nhanh như một cơn mưa rào. Bất giác Hoài đưa đôi tay chuyển màu tái xanh lên xoa bụng, miết những đường rạn chằng chịt trên bản đồ da người. Trên tấm bản đồ đó, có những con đường sinh tử mà chỉ hai mẹ con Hoài cùng nhau đi cho đến cùng, không có chồng. Không ai!
Vía Hoài nói rằng không thể như thế được, đây không thể là sự thật. Không ngày nào Hoài quên uống thuốc. Hai chị em con Cà Rốt và thằng Su Hào là đủ để rị đôi vai Hoài chùng xuống và không thể nào nhấc lên nổi, trong khi chồng vẫn ung dung phè phỡn như trai tơ. Giữa đôi vai gầy lún xuống hai hõm sâu bằng lòng chảo. Mái tóc dài óng ả của Hoài đã giãy chết cùng hai lần sinh đầy đau đớn, chồng không thể trả lại cho cô một sợi nào. Những đêm Hoài một mình dỗ con khóc dạ đề từ nửa khuya đến sáng trong tiếng ngáy phì phò kèm hơi rượu nồng nặc của chồng, anh cũng không thể trả lại cho cô một giấc ngủ nào trọn vẹn.
Cuộc sống cứ vậy mà đi hết ngày này qua ngày khác, rồi cũng đến mốc mười năm tròn. Đôi khi Hoài soi mặt mình trong lu nước sau nhà rồi nhếch mép tự hỏi không biết mình đã đi qua chừng đó tháng năm bằng cách nào? Hoài dường như không bước qua bất cứ điều gì, chỉ là mọi việc tự trôi qua người Hoài, để lại những vết gợn buồn và lằn in đau đớn. Với cô, hạnh phúc thật ra chỉ như cái chớp mắt. Nỗi đau lại là vết sẹo dài sau cuộc đại phẫu. Không mong muốn, nhưng chính nó sẽ ở lại bên cô cho đến cuối đời, không cách nào tẩy xóa được, ngoài cái chết. Chỉ bước qua tuổi băm vài độ thôi mà trán Hoài nứt thêm vô số những đường rãnh chứa đựng hình hài của khổ đau, vất vả. Nụ cười chỉ được Hoài dùng để dỗ con, khen ngợi khi Cà Rốt học giỏi và Su Hào ăn hết chén cơm mà không nôn ọe đầy nhà. Chồng lười về nhà cũng có khi do Hoài không biết cười, không biết ưỡn ẹo uốn ngực hoặc ưỡn mông cho chồng ngắm như khối gái nhà hàng. Mà Hoài nghĩ, chồng cũng chán chê lắm rồi, chả thèm khát gì nữa. Cuộc sống của chồng chỉ là những bản thiết kế lắt léo cột kèo rối cả mắt mà Hoài không tài nào nhìn được mặt nào cắt ngang mặt nào cắt dọc. Chồng cười mỉa khi Hoài nhăn mặt không đoán được ngôi nhà anh thiết kế theo phong cách nào, trường phái hiện đại hay cổ điển, vật liệu nội địa hay ngoại nhập… Anh bảo:
- Cỡ như em mà đi làm giống anh thì không biết phải thế nào. Mỗi ngày anh phải nhìn vào sắc mặt của khách hàng để kiếm sống đấy!
Hồi đi học Hoài dốt toán, chỉ giỏi môn văn. Thầy chủ nhiệm nhìn Hoài rồi nheo mắt, con gái giỏi văn sau này sẽ khổ, khổ cả một đời con ạ! Tính Hoài ngang nên cố cãi thầy, thi vào ngữ văn, rồi dính tới nghiệp viết lách. Hoài khổ không vì chữ nghĩa mà Hoài khổ vì không đọc được lòng người. Giờ, Hoài vẫn cọc cạch viết báo hằng đêm kiếm tiền mua sữa cho con. Tiền chồng đưa về chỉ đủ tiêu pha vào sinh hoạt hằng ngày độ nửa tháng là cạn tới đáy. Mỗi lần nhận tiền từ tay chồng, Hoài ngại, đến mức không còn muốn nhận nữa. Chồng Hoài cũng dễ tính lắm, Hoài thích thì anh chiều, không lấy thì để anh xài, đỡ phí!
Kỷ niệm mười năm cưới, anh bảo phải đưa mẹ con Hoài đi ăn mới được. Thì đi, nhưng lại là quán anh quen, món anh thích. Trong khi Hoài ngán ngẩm chẳng buồn đụng đũa và ngồi nghĩ mãi không hiểu làm sao có thể gọi đây là kỷ niệm thì chồng vô tư nhai thịt dê nhồm nhoàm, húp chén nước lẩu rột roạt. Chốc chốc, chồng lại ới mấy em phục vụ váy ngắn với áo thun bó sát đến đòi thêm chén chao, xin thêm tí ớt hoặc bảo châm thêm bia. Mà các cô thì có chung một style rất đáng để các bà vợ một là học hỏi, hai là có thể nổi điên đứng dậy túm tóc nện cho một trận: mỗi khi đến tiếp bia cho các thượng đế là các cô rất nhiệt tình khum người gập xuống thấp nhất có thể, khoe khoảng da thịt trắng nõn nà bởi lớp phấn dày cộm nhấp nhô có khi cạ hẳn vào vai các anh. Mức độ cạ càng cao thì lượng bia các anh tiêu thụ càng ngất ngưởng. Sự trơ trẽn của các cô phẳng lì như những tờ polymer khách luồn tay nhét sâu vào chỗ nhấp nhô đáng tự hào kia. Bụng các anh đã hóa nồi Thạch Sanh từ khi được các cô ân cần hết mức.
Hoài nhắc anh cần lịch sự một tí, dù gì cũng có trẻ con ngồi cùng. Chồng híp mắt xua tay:
- Chúng nó tính cả tiền phục vụ vào món ăn, mình phải xài cho thỏa kẻo phí!
Hoài nhẩm bụng, sau này cho dù cô có sức lực gắn bó cùng anh đến hai mươi, ba mươi năm thậm chí cho đến chết cũng sẽ không bao giờ đi ăn “kỷ niệm” cùng chồng thêm một lần nào nữa. Cũng lạ, kể từ khi cưới nhau, đến cả cái ăn Hoài cũng phải ăn theo thói quen và khẩu vị của chồng. Chồng chỉ ưa cá biển thì cô cũng chẳng dám bớt xén đồng nào để mua riêng cho mình ơ cá lòng tong kho tiêu dù Hoài thèm đứt ruột món đó ăn cùng cơm nguội. Những lúc trời nặng hạt, không hiểu sao mẹ Hoài lại lọ mọ đội mưa đưa ơ cá kho sang cho Hoài. Cô nhìn mẹ, nước mắt sa như mưa đầu mùa. Cô ăn dè sẻn từng chút một tựa như một món cao lương mỹ vị không thể có tiền là mua được. Đó là món ăn chan chứa yêu thương, nêm nếm bằng tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho con. Hoài nghiệm ra rằng, trên đời này mọi việc đều có thể đổi trắng thành đen nhưng sợi dây nối giữa mẹ với con không gì có thể cắt đứt hay vùi dập được.
Hoài quyết định giữ lại cái thai.
- o O o -
Hoài không nói gì với anh về cái thai.
Hoài hỏi bác sĩ và nghiên cứu rất nhiều bài báo về những trường hợp dính bầu hy hữu trong khi dùng thuốc. Hình ảnh về tờ đơn ly hôn nhòa dần trong đầu khi Hoài đưa tay miết bụng mình. Con là ai mà sao lại đến đây bên mẹ vào thời khắc này? Con hiện hữu trên đời là một điều may mắn, nhưng ngay lúc này chẳng ai mong cầu điều ấy, nhất là ba con. Và cả mẹ. Xin lỗi con. Nhưng rõ ràng đây không phải cách tốt đẹp nhất cho mẹ con mình gặp nhau. Chỉ là những áy náy, day dứt. Tại sao mẹ không cẩn thận hơn với những cơn say mất hết lí trí của ba con? Tại sao mẹ lại vụng về không thoát khỏi những vụng dại trong khi mọi thứ tình cảm trong mẹ đã giãy chết? Tại sao và tại sao…
Những cơn khó thở rồi cũng sầm sập kéo đến khiến đôi lúc Hoài suýt ngất. Mẹ ôm vai Hoài thở ra một chuỗi dài nặng nhọc:
- Mẹ cứ tưởng số con đỡ vất vả hơn mẹ, ai ngờ…
Hoài nuốt nước mắt vào trong nhìn dáng mẹ lom khom trong bếp nấu cho mình tô mì. Hai lần nghén trước Hoài nôn bất cứ thứ gì trong bụng, và chỉ ăn được mỗi ngày nửa gói mì cùng lưng ly nước lọc. Da Hoài hằn lên những gân xanh ngang dọc như những sợi chỉ rối, mặt Hoài có khi xanh như tàu lá, khi lại vàng như nghệ. Hoài nôn thốc tháo ngay khi ngửi phải mùi nước đang sôi, cơm sôi, hành tỏi, cá chiên, mùi quần áo và nhất là mùi chồng. Hoài sợ mùi người nặc nồng, mùi mồ hôi ngai ngái tỏa ra từ tấm lưng to lớn của chồng và cả mùi hơi thở hôi hám. Nỗi sợ lớn đến mức Hoài sẵn sàng từ chối những đặc ân của một người chồng chăm sóc vợ bầu.
Lần này cũng vậy, Hoài tránh chồng bất cứ lúc nào có thể. Cà Rốt được giao nhiệm vụ chuẩn bị mâm cơm cho ba khi vừa nghe tiếng xe ba ngoài cổng. Những hôm chồng về khuya, Hoài không chốt cửa để anh tự vào. Nhiều buổi sáng chồng giật mình thấy mình nằm giữa sàn phòng khách, quần áo nhàu nhĩ và chân còn đi giày gác hẳn lên sofa. Dĩ nhiên chồng cáu, nói như tạt nước vào mặt Hoài:
- Sao cô chểnh mảng thế, không chốt cửa cho trộm khoắng hết đồ à?
Hoài nằm im trên mép giường, nghe thân thể mình nhẹ như tờ giấy mỏng, chỉ cần cơn gió thoảng cũng sẽ bay phấp phới đâu đó trên không, khó nhọc đáp lời chồng:
- Nhà mình ngoài mấy mẹ con ra thì có gì giá trị đâu anh. Trộm nào mà thèm tới!
Chồng hằn học mở vòi nước lớn hết mức, dội sạch những dấu tích của cuộc nhậu đêm qua. Gần đây chồng có thói quen để nguyên quần áo rồi đứng dưới vòi nước. Hoài cũng có lần thoáng bận lòng, cố tìm hiểu tại sao. Nhưng khi tìm được những vệt màu hồng còn lem nơi ngực áo, cô đã không còn động lực để săm soi bất cứ chuyện gì liên quan đến chồng. Cô học cách im lặng càng lâu càng tốt. Có lẽ im lặng khiến người ta dễ sống hơn là cứ tung hê lên tất cả để sau đó là hận thù mù quáng. Mà kiểu phụ nữ có học thức thì chẳng bao giờ muốn xới tung mọi thứ, trừ khi nó đã quá sỗ sàng trước mắt.
Những cơn nghén ngày càng nặng, da Hoài ngày càng xanh, thi thoảng lại xuất hiện những vết bầm tím bằng đít chén in khắp thân thể Hoài. Hoài mệt đến mức không muốn đi khám thai. Đứa này chắc hiếu động hơn nên hành mẹ dữ dội hơn. Trong Hoài lại gợn lên nỗi sợ mà cô không hình dung được. Hoài nằm mẹp trên giường, mọi việc lặt vặt đã có mẹ dang tay chu toàn. Thằng Su Hào vốn quen hơi mẹ, hay đòi mẹ bế đi lòng vòng ngoài đường ngắm nghía mọi thứ trong lúc đợi ba nó về. Thằng nhỏ mới chập chững lên ba nhưng trí óc đã quang như trời buổi trưa đầy nắng. Những đêm tối trời, khi hai mẹ con ngồi ôm nhau trước khoảng sân nhỏ, Su Hào ôm hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sao hôm nay trời không có trăng?
Hoài vuốt ve mái tóc mềm của con, nói như ru:
- À, ông trăng đi ngủ sớm rồi con ạ!
- Vậy tại sao mấy ngôi sao còn thức hả mẹ? Có phải mấy ngôi sao hư lắm không mẹ?
- Ừ, nhưng Su Hào của mẹ ngoan hơn, giờ mẹ con mình đi ngủ nhé!
Những đêm sau rằm trăng từ từ tàn úa, chỉ còn leo lét vài vệt sáng nhỏ nhoi trên bầu trời rộng lớn. Những vệt sáng cố hắt lên chút ánh bạc cuối cùng trước khi lui hẳn vào các cụm mây màu tro ập òa trước mặt.
Có lẽ đứa bé có thần giao cách cảm với Su Hào. Rất nhiều lần Hoài mơ thấy hình hài nó đủ đầy ngồi trước mặt mình. Nhưng tuyệt nhiên vía không cho Hoài nhìn rõ mặt con, chỉ là một khoảng mờ tối với hai hốc mắt sâu thẳm buồn bã. Hoài hát ru cho con nghe, nhưng đứa bé không hài lòng. Rất nhẹ nhàng, con cất giọng êm như hơi thở bên tai Hoài.
- Mẹ dẫn con đi xem trăng nghen mẹ!
- Ừ, đi nào!
Lần nào mơ thấy con, nó cũng đòi Hoài dẫn đi xem trăng. Ánh trăng trong giấc mơ không sáng tỏ như ban ngày. Có khi Hoài run rẩy nhìn những mảnh trăng trên bầu trời đột nhiên nổ tung rồi rơi vụn như như mảnh kính vỡ. Đứa bé lặng im như tượng, tay nắm chặt mấy ngón tay Hoài không rời.
- o O o -
Bụng Hoài đã nhấp nhô, những cơn trướng ngày càng nhiều. Đột nhiên Hoài chảy máu cam, nhiều lần trong nhiều ngày. Mẹ rơi nước mắt cầu xin Hoài.
- Mình phải đi bác sĩ thôi con, làm ơn đi, con phải nghĩ cho đứa bé!
Hoài gật đầu. Hoài định hôm nào chồng về sớm sẽ bảo anh đưa đi khám ngoài giờ. Nhưng hai ba hôm liền Hoài không nhờ được. Chồng cắm cúi vọc điện thoại trong khi Hoài thiếp đi. Cô định sẽ nghỉ một lát cho khỏe rồi kêu anh đưa đi. Nhưng hôm nào cũng vậy, khi Hoài tỉnh thì trời đã khuya, chồng đã ngáy khò khò bên cạnh. Anh vẫn chưa biết mình sắp làm cha thêm lần nữa.
- o O o -
Nhất định hôm nay Hoài phải kêu chồng chở đi. Những vết bầm tím trở nên rối mắt trên cơ thể Hoài. Trên mũi, Hoài không thở được với hai cục bông gòn chậm máu cam.
Chồng không tin vào tai mình khi nghe mẹ Hoài bảo cô đang có em bé. Khi Hoài nằm trên băng ca cùng những bước chân sầm sập đẩy vào phòng cấp cứu, Hoài còn nghe loáng thoáng anh cằn nhằn bên tai mình.
- Trời ơi, sao cô đểnh đoảng thế! Cứ tưởng cô cẩn thận lắm cơ! Khổ thật!
Hoài không thể phân trần với chồng lời nào. Giờ cô bận đi chơi với con. Đứa bé không rõ mặt mũi hoan hỉ nắm tay mẹ kéo đi dưới quầng mây màu tro quen thuộc cùng những vệt sáng leo lét cuối trời.
- Con dẫn mẹ đi tìm trăng nghen mẹ!
Chồng Hoài nổi điên túm cổ áo bác sĩ, gằn giọng:
- Ông bị điên à? Vợ tôi có mang đó, cái gì mà ung thư, hả?
Bác sĩ gạt tay người đàn ông đang run rẩy níu lấy mình một cách tuyệt vọng.
- Tôi rất tiếc anh ạ! Đây là tất cả phim ảnh, các mẫu xét nghiệm và hồ sơ bệnh án của cô ấy. Giá như cô ấy được đưa đến sớm hơn!
Có lẽ Hoài sẽ nhói đau khi thấy chồng đổ xuống như một cái cây đã mục ruỗng. Nhưng cô không thể ngồi cạnh an ủi chồng như mười năm qua đã từng làm. Tay Hoài lạnh buốt giơ về phía cuối trời, nơi mảnh trăng lẻ loi trôi đi cùng nỗi cô độc giữa bầu trời rộng lớn.
Kết Thúc (END) |
|
|