Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Về Hay Đi Tác Giả: Ái Duy    
    Chồng tôi, Vinh, trở về nhà đột ngột như lúc bỏ đi không một lời báo trước.
    Anh không khác mấy ngày xưa, vẫn mái tóc bồng dày, bước đi vững chãi dù thời gian xa cách quá dài, quá xa xăm. Mười bảy năm lẻ mấy tháng, đủ cho một phận người trưởng thành.
    Tôi trơ mắt nhìn Vinh lẳng lặng đi vô, nét mặt anh đong đầy cảm xúc dồn nén hướng về tôi. Khoảnh khắc chạm mắt đó khiến tôi nhận ra, dường như đã từ lâu mình không còn đau khổ chờ đợi chồng nữa, có lẽ vì đã quá đủ để kéo dài tâm trạng này rồi mà thay vào đó là một thứ cảm xúc mới lạ chưa kịp gọi tên đang chậm chạp hình thành.
    Ba tháng đầu tiên khi Vinh bỏ đi, tôi như người mất hồn, thường xuyên rơi vô trạng thái chơi vơi không nhận biết được sự thể chung quanh, lơ lửng giữa mơ và thực. Tôi không thể chấp nhận sự thật là Vinh đã rời bỏ tôi và hai con của mình một cách quá êm thắm và vô lý. Vinh không phải là một người chồng người cha vô trách nhiệm đến mức nhẫn tâm như vậy, mà ngược lại, tôi vẫn luôn tự cho mình là người chiếm lĩnh toàn bộ hồn cốt của anh suốt thời gian chung sống. Vậy mà điều đó lại xảy ra, Vinh thậm chí còn không có một lời từ biệt. Biến mất như một giọt sương.
    Vinh đã đi đâu trong chừng ấy năm?
    - Tụi nhỏ đâu?
    Cứ y như Vinh vừa từ ngoài ngõ quay vô. Lạ, vẻ như anh cũng không có ý định giải thích gì cả, cứ như là tôi đã hiểu, phải hiểu và chấp nhận. Anh thản nhiên đi lại trong nhà trước ánh mắt cố tình thờ ơ của tôi, từ trước ra sau, dừng nơi này nơi kia một chút, cầm lên đặt xuống vài thứ, cau mày ngó nghiêng mấy vệt thấm trên trần nhà, thậm chí còn mở cả nắp nồi trên bếp. Ngôi nhà không mấy thay đổi từ ngày anh đi, trên tường vẫn chỉ có ảnh mấy mẹ con. Tôi đã từng khát khao được gặp lại anh chỉ để hỏi một câu duy nhất vì sao anh ra đi, nhưng đó là ở giai đoạn đầu. Còn bây giờ, những đứa trẻ thiếu cha ngày ấy đã có gia đình riêng, và tôi thì đã bắt đầu chăm chỉ ghi nhật ký để đối phó với Alzheimer nếu điều đó xảy ra.
    Thật ra ngay lúc này đây tôi có thể tức giận, gào thét, nguyền rủa, như nhiều lần đã hình dung ra sau khi qua thời gian chờ đợi vô vọng. Tôi có quyền không tha thứ, có quyền trách móc, có quyền coi anh như người xa lạ.
    - Anh có muốn ăn gì không?
    Vinh quay lại nhìn tôi, ánh mắt bục vỡ chứa chan.
    - Hay anh muốn tắm rửa trước. Ồ, nhưng mà...
    Thốt ra xong tôi mới sực nhớ, trong nhà không còn lưu giữ đồ đạc tư trang của anh, một cách đương nhiên.
    - Không cần đâu.
    Vinh từ tốn bước tới kéo đầu tôi áp vô ngực anh, cảm giác thân thuộc ấm áp đã mất bỗng trào lên. Lần cuối cùng khi anh bưng mặt tôi bằng đôi bàn tay rộng ấm để hôn chỉ cách thời điểm bỏ đi mấy hôm.
    Nước mắt tôi bắt đầu dâng lên không kiềm chế được.
    
- o O o -

    Vậy là Vinh trở về thật rồi. Một người chồng sau hơn mười bảy năm đi không thề hẹn bỗng dưng quay lại, tự tin đến nỗi bước thẳng vào ngôi nhà cũ nhận vợ tìm con, không cần rào trước đón sau. Không lẽ Vinh không biết con người ta có thể thay đổi chỉ sau một cái chớp mắt, và tình cảm là thứ biến thiên theo thời gian, huống hồ chi bỏ lại người đàn bà một mình đối diện với vết thương lòng chưa bao giờ lành. Hay Vinh mới bước ra từ một cái lỗ đen vũ trụ nào đó chăng.
    Vinh là một người con hiếu đễ, anh nói, cần phải tới thăm cha mẹ đôi bên, rồi còn phải đi giải quyết một số công việc làm ăn dở dang ngày trước. Tôi gật đầu hối thúc, khỏi nói cũng biết niềm vui tột bậc của các đấng sinh thành khi anh bất ngờ xuất hiện ra sao. Vinh là người luôn được lòng người lớn tuổi, tới đâu cũng được thương.
    Rồi tôi ngồi ngây ra nhìn theo bóng Vinh, không biết bây giờ mình phải làm cái gì trước. Điện thoại bỗng reo vang, tôi gần như chụp lấy nó.
    
- o O o -

    Năm Vinh bỏ đi tôi không còn trẻ nữa nhưng cha tôi vẫn lo lắng tôi sẽ đi bước nữa hoặc qua lại đây đó sinh chuyện phiền hà. Vinh và tôi là tình đầu của nhau từ năm mười tám tuổi, hai mươi thì cưới, rồi sinh con đẻ cái dắt dìu nhau đi qua khó khăn chật vật lập nghiệp từ tay trắng. Vinh yêu tôi nhiều hơn, chăm sóc tôi chu đáo hơn, và ghen tuông đau khổ vì tôi cũng nhiều hơn. Chúng tôi đã cùng nhau vẽ nên viễn cảnh thật đẹp ở cuối con đường đời, ước sao được bên nhau trên một cỗ xe rong ruổi khắp nơi, được nhìn nhau so đo từng sợi tóc bạc, được ngồi trước hiên nhà mỗi sáng cùng chờ từng giọt cà phê rơi xuống từ phin... Khi trời quang mây tạnh đường thông thoáng thì lại không thấy bạn đồng hành đâu nữa.
    Bây giờ, khi tất cả đã trở thành ký ức, khi mọi cảm xúc về Vinh đã được đóng băng, anh trở về làm gì?
    
- o O o -

    Vinh ngồi xuống bên cạnh, vẻ như thuận tay cầm cái điện thoại của tôi lên ngó bâng quơ. Chắc Vinh còn nhớ hồi xưa khi anh xài thành thạo cái Nokia 8250 thì tôi còn chưa biết mở khóa cái màn hình phát ra ánh sáng màu xanh nước biển ấy, chưa phân biệt được âm tin nhắn và cuộc gọi, đưa tận tai cho nghe thì có khi còn bị cầm ngược. Vậy cho nên về tới nhà là Vinh móc điện thoại ra khỏi túi quăng tơ hơ lên bàn, biết nó chẳng bao giờ trở thành mục tiêu thám hiểm của vợ. Nhưng với một người đã mười bảy năm tự do như tôi thì khác, điện thoại đã trở thành một bộ nhớ phụ mà chính xác.
    Vinh là mẫu người chồng có thể nhường nhịn và hy sinh tất cả mọi thứ cho vợ trừ duy nhất chuyện phải chia sẻ tình cảm với ai đó. Một lần bắt gặp trang thư tôi đang viết dở dang gửi cho một người đàn ông vô ý va phải trên đường tình, Vinh như biến thành dã thú.
    Điện thoại tôi đã tháo mật khẩu, chỉ cần hất nhẹ ngón tay cái là tùy nghi. Tôi đứng dậy ra sau, tránh mặt để Vinh tự do. Khi quay lại, tôi thấy anh nhẹ nhõm hẳn. Tôi cũng thở phào.
    Sao Vinh không hỏi, mười bảy năm qua những ai đã âm thầm đi bên em, ai đã cùng em thức qua đêm dài, ai đã chia cho em chút buồn vui nhặt nhạnh. Vinh quá biết, tôi không phải tuýp người trung thành với ảo ảnh, không cam tâm nhận một cuộc sống vô vị, nhàn nhạt, thừa cũng được mà thiếu cũng xong. Cũng có thể do tôi chẳng bao giờ quan tâm đến những bóng hồng lượn lờ quanh anh trước đây. Nhưng, sự im lặng này đi kèm với cái cười nửa miệng quả khó đoán.
    - Em khác xưa nhiều lắm phải không?
    - Cũng vậy thôi.
    - Sao cũng vậy được.
    - Ừ thì có mập hơn một chút.
    Tôi phì cười. Ngày xưa Vinh khốn khổ với cân nặng dưới chuẩn của bà vợ, chạy đôn chạy đáo tìm thầy tìm thuốc, chăm từng miếng ăn thức uống, lên được nửa ký đã là thành tích phi thường lắm rồi.
    - Anh bỏ thuốc lá rồi sao?
    - Chưa.
    Vinh và tôi cùng nhìn quanh và dừng lại ở cái gạt tàn thủy tinh dưới gầm bàn. Tôi cầm lên.
    - Thỉnh thoảng cũng có khách.
    - N?
    N? Vinh còn nhớ N sao. N là người âm thầm đằng sau tôi và chồng tôi suốt mười mấy năm trời, nên khi Vinh bỏ đi thì anh là người đầu tiên đến tìm tôi, tha thiết muốn tôi tựa vào anh. Cách đây mấy hôm khi tình cờ gặp mặt, nhân nói chuyện về Alzheimer N còn hào sảng đề nghị, em đừng lo, sau này mà em có đi lạc ở bất cứ đâu thì anh cũng tìm được và dắt em về.
    - Không phải.
    - Hay T? À mà thôi, bỏ đi. Có ai gọi em đây nè.
    Vinh chuyển điện thoại qua cho tôi và chăm chú nhìn theo. Tôi ấn nút nghe, trả lời đúng hai tiếng “ừ, được” rồi tắt máy.
    - Họ bán hàng online cho em.
    - Vậy à.
    - Anh đã gặp mọi người hết chưa? Thấy sao?
    - Rồi, em à. Bình thường thôi.
    Bình thường? Vinh không giỡn chơi chớ. Chắc ý anh muốn nói, anh sẽ nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới mà cũ, quen mà lạ này nhanh thôi.
    Điện thoại lại reo, vẫn số vừa rồi. Tôi lẳng lặng tắt luôn nguồn, kịp thoáng nhìn thấy cái nhếch môi của Vinh.
    Chưa bao giờ tôi lại tưởng tượng ra không khí hội ngộ giữa tôi và người chồng bỏ đi biệt tích mười bảy năm lại diễn ra thiếu cởi mở như vậy, từ cả hai phía. Nhưng thôi, vấn đề nằm ở thời gian, không tại vì bất kỳ ai cả.
    Tôi đưa Vinh vào phòng ngủ của mình, đã nằm ở vị trí khác căn phòng ngủ ngày xưa của hai vợ chồng. Phòng chỉ rộng chưa đầy mười mét vuông, thêm người bước vô đã thấy ngộp. Chiếc nệm đơn xếp sát bên bàn làm việc, người thứ hai nằm cùng chắc chắn lọt ra ngoài ngay khi vừa trở mình. Vinh nhìn quanh thấy phòng ngủ mà có tới hai giá sách chắc cũng nhức đầu lắm nhưng không lẽ bỏ ra ngoài, tôi phải giả lả.
    - Anh nằm nệm đi, em chỉ thích nằm chiếu thôi, không sao đâu.
    Vinh ậm ừ. Khi thay xong đồ ngủ quay lại tôi đã thấy Vinh nằm nhắm hờ mắt, cơ mặt giãn ra, tay chân duỗi thẳng lặng lờ. Lạ thay hình ảnh này lại gây cho tôi một sự xúc động mạnh, nó khiến tôi phải run rẩy đau đớn vì một sự khơi gợi liên tưởng mà tôi những tưởng đã vùi chôn từ rất lâu rồi. Và tôi cúi xuống hôn lên trán chồng mình, cố ngăn những giọt nước mắt đang giàn giụa để khỏi rơi lên mặt anh.
    
- o O o -

    Con bé năm tuổi bỗng dưng thò đầu vô hỏi, “hồi xưa lúc còn sống thì ông nội ở phòng nào trong nhà mình vậy bà nội”, là vì từ nhỏ nó chỉ biết đến ông nội qua một tấm hình lộng kiếng để trên cao.
    “Thì ở chung phòng với bà nội chớ sao”.
    Con bé vẫn còn có vẻ rất băn khoăn. Tôi cười, đẩy nó ra ngoài.
    Nằm mơ thôi, chỉ là một giấc mơ, những giấc mơ, ngoảnh mặt lại là giấc mơ quay đầu đi là thực tại. Người đã đi, đã đành bỏ đi, ừ thì thôi, cũng xin đừng ngoảnh lại làm gì.

Kết Thúc (END)
Ái Duy
» Nhà Có Hai Bà
» Nhà Có Hai Bà!
» Người Về Hay Đi
» Tống Cựu Nghinh Tân
» Tích Tắc Bóng Đêm
» Những Ngôi Nhà Xưa
» Đêm Nọ Giữa Trời
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ