Bà ngoại lại ăn trầu. Mùi trầu mới giập thoang thoảng, bà đi ra ngoài nhổ nước, đợt nước đầu tôi biết rồi, bao giờ nó cũng trắng đục.
Hay thật, nhiều khi bà ăn trầu làm tôi cứ nghĩ, tôi đã từng ăn, chưa đỏ, rồi đỏ dần, đỏ lòm và tôi say. Tôi nghe đã quen, quá quen thuộc, quen nghe mùi trầu, quen thấy cái lúc bà ăn trầu đó đây và giờ, trong căn nhà hai gian nhỏ bé, cũ kỹ đang vào đêm.
Trong căn nhà thuê âm u cuối hẻm, bà, mẹ vẫn quen thuộc với những góc những việc của mình mỗi sớm, mỗi tối. Bà và mẹ, hai người thường thay nhau hiện ra trong ý nghĩ, trong hồi nhớ, cả tưởng tượng của tôi, những hình ảnh ở hiện tại và trong quá khứ ăn sâu trong tôi, khi nổi lên, khi chìm lặn, nổi chìm đứt đoạn, hoặc triền miên. Trong nhiều ghép nối, những vui vẻ nũng nịu, những dại khờ, ngốc nghếch, những giận hờn cả chính đáng và nông nổi, và giữa mênh mông hạnh phúc lẫn sâu thẳm buồn thương, bà và tôi, bà và mẹ, tôi và mẹ, và mọi người... thì tôi cứ ví rằng tất thảy đi qua đã thành những bản nhạc buồn buồn, hoặc thật buồn, nảy lên, hoặc êm ru, xóc sắc hoặc dìu dịu, khi sâu lặng ẩn chìm mênh mang và không ngừng đợi dịp ngân lên, lớn hoặc dù chỉ khe khẽ giữa cuộc sống này, không nhiều ồn ào, nhưng quá sâu đậm.
Tôi thường lần đi lần lại, men theo lời bà kể, chắp nối những hình dung, tưởng tượng, nghĩ ngợi. Từ cái ngày bà ngoại nhỏ bé bên nách bà cố, ở đợ, rồi bà cố mất sớm, bà ngoại mồ côi, bà ngoại phiêu dạt. Bà còn đó, lời bà kể còn đó, và nếu thích lên là vặn hỏi, thế mà vẫn khó hiểu làm sao bà cố, bà ngoại có thể trải qua và sống qua?!
Từ một vùng quê, bến sông nào đó mà bà ngoại không nhớ rõ nữa vì bà đi hết nhà này nhà nọ, vùng này vùng kia, có lần đi xa nhất, một ngày đi tàu, rồi đi bộ, theo một người dẫn, qua nhiều đồi núi, qua sông, bà đến vùng đất mới, tiếng nói mới bế trẻ, rồi trồng trọt, cuốc đất, cắt cỏ, gặt hái, gánh gồng...
Mãi sau này tôi lớn bà mới kể chuyện ngày xưa bà cố ngoại bỏ làng đi vì tội không chồng mà chửa... Ừm, nghe nói cái tội này ngày xưa kinh khủng lắm, không trốn đi biệt tăm thì khó mà sống với làng nước! Tôi cũng bao lần vân vi, bà cố khổ như thế nào khi bỏ nhà cửa, quê quán mà đi? Năm 1943 đó biết bao thiếu thốn, cơ cực và đàn bà con gái đi đường xa thì thế nào? Bà ngoại cũng nào biết gì cái đoạn đó, đang trong bụng mẹ mà, thế rồi chín, mười tuổi, chưa kịp lớn, kịp nhớ hiểu, bà ngoại lại mồ côi mẹ.
Bà cố nhịn đói nhịn khát mà đi sao được?! Bị cói bà cố có khoai lang luộc phơi khô, ngô rang, gạo rang, khát đâu xin nước đó. Đi dọc đường cái quan mãi, đi xa lắm rồi thì rẽ vào làng.
Ăn thì ăn vậy, ngủ thì biết ngủ đâu? Chắc là tối thì xin ngủ nhờ nhà nào đó bên đường, trong làng, sáng dậy lại đi sớm.
Thì rứa. Chừng bốn, năm ngày, đến một làng bên sông thì dừng lại, lân la hỏi dò, xin làm công, làm mướn. Rồi bà cố gặp được một bà tốt bụng đón về, thành người ăn kẻ ở. Bà ngoại được sinh ra ở đó ư? Ừ, nơi chái nhà của bà chủ tốt bụng kia.
Đó là đâu? Bà không nhớ nữa. Bà cố mất, liền năm sau có lệnh bắt ông chủ, chuyện ghê lắm, bà chủ liên lụy khóc lóc, lộn xộn, mãi sau này bà mới biết đó là chuyện cải cách ruộng đất.
Từ ngày đó bà đi ở hết nhà này nhà khác, vùng này tới vùng nọ, ai cần tới đâu đi tới đó, trôi nổi rồi lớn phổng lúc nào không hay, khi lớn phổng đó thì gặp người thương yêu rủ về làm bạn. Người đó là ông ngoại, ông cũng mồ côi, người ta đùm bọc đến lúc ông biết tự chài lưới, tự lo liệu lấy mình. Ngày ngày ông thả lưới, buông câu, bà bắt ốc mò cua, nhiều thì mang lên chợ mua đổi áo quần, gạo, muối. Ông bà về ở với nhau, không cưới, hai người cô đơn, nghèo khổ gặp nhau như thể trời đã se duyên cho thành vợ chồng. Đầu năm 1960 thì ông nhập ngũ, tới năm thứ tám thì có giấy báo tử về.
Bà sinh mẹ cuối năm 1960, cái cảnh đói rét, vất vả không nói hết. Hai mẹ con xuống thuyền lên bến lần hồi rồi cũng qua. Mười bảy tuổi mẹ cũng bỏ cái bến đó mà đi.
Mẹ nói đi tìm chỗ nào đông đúc, vui vẻ, dễ sống, bà không chịu nhưng mẹ quyết tâm đi không cản được. Mẹ đi được hai cái tết thì về nài xin bà bán thuyền đi theo mẹ, đi theo bồng bế, chăm sóc cháu. Vì cháu mà bà bỏ bến cũ xưa có bao kỷ niệm.
Khi tôi học lớp ba, bà ngoại thường đòi tôi đọc truyện, đọc báo cho nghe, rồi bà bảo tôi dạy chữ cho bà. Mới đầu, việc đọc truyện, dạy chữ cho bà, tôi hào hứng lắm, rất trẻ con, sau rồi tôi lười dần, nhưng bà không nản, bà dỗ, bà khen, cũng có những khi bà giận. Lâu dần, bà kiên trì nên tôi thành quen. Nhiều năm tháng qua đi, bà biết đọc chữ sơ sơ, và biết được nhiều bài, nhiều truyện.
Lần tôi đọc truyện Chí Phèo của Nam Cao, thấy bà bần thần đến lạ, rồi bà nói nghe cái truyện Chí Phèo của ông Nam Cao làm bà nhớ bà cố. Mấy đêm ấy bà ngoại trăn trở, trằn trọc, nhắc nhớ lại. Bà bắt tôi đọc đi đọc lại, nói, bà cố ngoại mấy lần dắt bà ra sông, bà nhớ cái cảnh đi với bà cố ra sông lắm, bà yêu những con sông lúc nào không hay, nhìn sông là nhớ bà cố. Bà ngoại là người gốc miền Bắc. Bà nói giọng Bắc pha giọng, pha từ ngữ quê ông ngoại miền Trung. Chút căn cứ qua tác phẩm văn chương nhờ ký ức lên mười soi sáng là mông lung…
Thế rồi tôi soi gương, tôi nhìn ngắm bà và mẹ xem những di truyền về hình thức. Mặt bà hơi vuông chữ điền, da nhăn hết vẫn đẹp lão. Mẹ do lam lũ cực khổ, thức khuya dậy sớm mà gầy sạm, già đi nhiều so với tuổi tác. Tôi xinh xắn, da trắng, chút tóc mai xoăn trên trán rộng, mắt đen, mày dài, dáng cao... Tôi giống mẹ, giống ông ngoại, bà ngoại những nét nào? Cái mắt đen rợp, cái miệng cong ngoắt lên... chẳng giống mẹ. Thế nghĩa là giống cái con người đã... tặng tôi cho mẹ?!
Chuyện quê hương gốc rễ mờ mịt của bà ngoại, rồi của tôi nữa bao lâu nay vẫn mặc vậy. Quên đi cho cuộc sống được trở nên bình thường. Bà, tôi và mẹ có khi ngẫm nghĩ tới bao thứ, bao chuyện... nhưng tất cả chuyện cũ lẫn mới rồi cứ mặc nó trôi qua. Cuộc sống chật vật, có nhiều thứ trước mắt phải lo, rồi câu chuyện gốc gác, nguồn cội cũng chỉ dập dềnh tùy lúc trong tâm trí.
Tôi, con của người đàn ông lăng nhăng, bội bạc nào đó mà mẹ nhất định không nói cho biết, người ấy ở đâu? Là ai? Làm gì? Quê tôi đâu? Tôi vừa muốn quên hẳn điều này, lại vừa thầm mong một điều gì đó khác, hy vọng một điều gì đó thật sáng sủa. Nhưng chẳng có gì hơn.
Tôi sẽ chỉ nhớ về những điều cao quý; mẹ là con liệt sĩ, tôi có ông ngoại thương yêu bà ngoại, ông ngoại đã hy sinh vì độc lập, hòa bình. Bà vẫn hãnh diện là vợ liệt sĩ, suốt đời thương nhớ ông. Bà làm lụng cần cù, thông minh, ham hiểu biết, còn bà cố ngoại thì nhân từ, mạnh mẽ, dám yêu thương một người như ông cố, dám liều đi để bảo vệ mình và con, còn ông cố ngoại là người dám đấu với cái ác, bảo vệ cái đúng...
Rứa, tôi mang một phần dòng máu của con người bội bạc, phụ tình?
Cái hồi ngực tôi chum chũm trái cau, bà ngoại vẫn còn khỏe, bà làm việc quay như chong chóng, ra mớ bánh xèo, bánh chưng, bánh bao... để mẹ mang ra chợ. Hồi đó bà hay khen tôi xinh đẹp, rồi bà lo không biết tôi có đỡ khổ hơn bà, hơn mẹ không? Mười mấy năm trôi qua, nay bà ngoại rụng vài cái răng, mắt kém, lưng đau... nhưng bà vẫn không chịu yên, vẫn là cái chong chóng quay đều đều dù dần chậm đi nhiều.
Thời gian cứ bình lặng hoặc có khi xộc lên ồn ào, tôi học đại học, đi làm, thêm tuổi, lại hay lôi chuyện cũ ra nói, hỏi. Bao nhiêu là chuyện cũ được khơi lại, chắp nối. Càng nhiều tuổi càng có nhiều chuyện cũ, càng hay trò chuyện với bà, với mẹ, với bạn bè.
Bà nói:
“Mẹ mi vừa mới lớn lên đã mơ mộng đi xa, đi, sướng hay khổ không biết nữa?!”.
Tôi nói với bà:
“Đi chắc là đỡ khổ hơn bà ạ”.
Mẹ tự lần đường vào tận đất cố đô tìm việc, phụ việc cho nhà hàng, rồi yêu, có tôi trong bụng thì người ta bỏ rơi mẹ.
Từ khi nào tôi thèm biết vì sao cái người đó bỏ mẹ, bỏ tôi?
“Răng mẹ không muốn nói về người ta?”.
“Con ni là lằng nhằng mãi, hỏi mãi. Có chi mà nói. Người phụ nghĩa, phụ tình thì không có chi mà nói”.
“Tại răng mẹ yêu?”.
“Vì mới đầu còn dại, chưa hiểu, yêu mê mụ, mù quáng... mà mi cũng liệu đi đó”.
“Mẹ còn hận người ta à?”.
“Cũng vì thương mi thôi”.
“Thương, thương mà hay la mắng?”.
“La mắng là thương, đánh đập lại càng thương, mi hư, mi khổ là đau đứt ruột cả mi biết không? Không nghiêm khắc với mi, mi hư hỏng thì làm răng? Khổ cả nút, cả đời à?!”.
Thường những lời bà mắng, mẹ mắng rất rền, nó là nỗi sợ hãi, bực bõ của tôi, đó là cái thời thanh thiếu nữ lắm chứng tật; quạu, giận, lì, lý sự... của tôi.
Sau này nghĩ, đứa con của cái người bội bạc mà.
Bao nhiêu năm, những nhỏ nhẹ thủ thỉ, những nhiếc móc kêu gào thương, giận, cười, khóc, những rên rẩm nhọc nhằn, mỏi mệt im lắng, buồn thương nỗi ray rứt. Tôi nhớ mẹ từng hét toáng, từng có những cơn kêu gào vừa đáng sợ vừa đáng thương. Đó là khi tôi ương bướng, đó là những ngày tôi dậy thì, tôi hoang mang chán nản với cuộc sống chật chội, bẩn thỉu, ngổn ngang, xung quanh, tôi không muốn đụng vào những bừa bộn triền miên hết ngày này sang năm khác. Mẹ cáu gắt tôi cũng cáu gắt, tôi cũng biết những nhọc nhằn của mẹ, nhưng tôi đi học suốt ngày cũng mệt mỏi và có lắm điều chán nản lắm, tôi cũng không biết làm sao, bao giờ qua cái cảnh lùi nhùi? Thấy mẹ thấy bà quay mù hết năm này năm khác mà không đỡ khổ, không bớt những nhọc nhằn, lộn xộn. Tôi chán vì sao người ta có cha có mẹ ấm cúng thế mà tôi thì chẳng biết mình con ai? Sao lại bị bỏ rơi? Tôi là đứa con của kẻ tệ bạc thì tôi có phải mang những phần xấu xa đó của người ta không?
Có những cơn giận lẫy mẹ nho nhỏ, nhưng có lần tôi hét lên:
“Con không thích con người ta cứ đổ cho việc kiếm tiền, kiếm sống, cứ cho là mình siêng năng, rồi thì coi như mình đẻ con, nuôi con lớn, con ăn học... thế là xong, và coi là rất vĩ đại. Con thấy thiếu, con thấy tầm thường, thật là tầm thường!”.
“Tầm thường. Tầm thường à? Mi rồi cũng như cha mi, ích kỷ, bạc bẽo!”.
Bà bảo:
“Mẹ mi thương mi, lo làm lụng kiếm tiền nuôi mi ăn học...”.
Tôi nói với bà:
“Mẹ đã chọn phần công việc quá nhiều, như thế thượng đế cũng sẽ trách mẹ, đáng tiếc cho mẹ”.
Bà hay dỗ dành tôi, khen tôi, nhưng mẹ thì không khen, không dỗ bao giờ. Tôi không thấy mẹ rảnh rang lúc nào, buổi làm bánh, buổi mang ra chợ, còn buổi nữa cũng loay hoay bánh trái. Tôi chỉ biết mẹ gắn với công việc, với mùi bánh sống bánh chín, lá gói, bột, nhân... vừa mùi ấm cúng, thơm tho lẫn mùi chua siu và thum thủm quanh khu trọ.
Bao nhiêu năm qua chuyển chỗ mấy lần. Tôi quen với trôi dạt, đến ở thì lạ, đi rồi thì thấy cũng thân thương. Phải nhiều năm lắm chúng tôi mới thuê được chỗ ở tốt hơn, rộng và xung quanh không hôi hám. Nói “rộng” là so với trước đó thôi. Và lâu lắm rồi, hàng chục năm rồi tôi không nghe mẹ xả tràng mắng mỏ, chửi bới, gào thét. Tôi học đại học, đi làm. Chuyện cũ chuyện mới hiện ra, lại trôi qua. Đầy chuyện vặt vãnh chẳng nhớ làm gì, tôi nhẹ nhàng, vui vẻ. Những câu hỏi từng xen vào bữa cơm, giấc ngủ: Con người ấy giờ đang ở đâu? Đang có cuộc sống ra sao? Người đã bỏ mẹ con tôi đó... Rồi tôi gạt đi. Mong cho người đã góp phần sinh ra tôi được hạnh phúc, vậy nên tôi cũng mong người ta không biết có tôi trên đời. Bà và mẹ cũng đã qua những ngày gian khổ nhất, mẹ cũng được thong thả hơn.
Hôm kia mẹ và tôi nói chuyện:
“Làm bánh cũng rứa, nhắm mắt làm cũng được nhưng có khi nó hỏng không phải vì nhắm mắt mà vì lật đật, vội vàng...”.
“Mẹ, hồi mẹ yêu rồi chia tay bác đó, mẹ nói không hợp là không hợp về những chi?”.
“Nó lằng nhằng liên quan nhiều thứ lắm, kể làm chi. Chuyện qua lâu rồi...”.
Hồi tôi mười bốn mười lăm tuổi, bác ấy lui tới thăm hỏi, cho quà, hồi đó mẹ đẹp hẳn ra, mắt lấp lánh, tóc thơm, da ửng sáng... Hồi đó chúng tôi phải ở nhà tôn thuê giữa khu đầm lầy đổ đất lấp, chật chội, nắng thì nóng, mưa thì nhão nhoét hôi hám, kênh rạch hôi thối thường xuyên, xập xệ, nhiều chuột bọ, tôi vào tuổi dậy thì hay càu nhàu, giận dỗi, bà và mẹ lại càng nghiêm khắc cấm đoán bắt tôi phải chăm học, chăm phụ việc bánh trái, không cho đu đua theo bạn bầy, có một hôm giận lẫy vơ vẩn tôi bỏ đi, nhưng chỉ dám đến nhà bạn một đêm rồi về.
Bà nhai xong miếng trầu, đi ra ngoài vứt bã và súc miệng, chuẩn bị đi ngủ. Mẹ còn soạn dọn hết lá lay, bột, nhân... gọn sẵn để mai dậy sớm làm tiếp.
Tôi cũng ngừng cả lại, rồi vận động chân tay, rồi đi lại nằm bên bà, kiếm chuyện trêu nhưng cũng thật, nói cho bà vui:
- Nhiều chàng thương yêu con, ai cũng đáng yêu, con giờ không biết làm sao bà ơi?
Mẹ vừa đi vào, nghe thế thì nói ngay:
- Hờ, đàn bà con gái khổ đầy chợ đầy đường, liệu liệu cái thân.
Bà thì rủ rỉ:
- Khổ thì nào ai tránh khỏi. Con cứ bình tĩnh mà sống, cứ thật thà, biết ý biết điều...
- Vâng, rồi, bà lại bảo con nhìn niềm vui như con voi, nỗi buồn như con kiến...
- Ừ. Gớm cái nhà chị.
Rồi bà bật đài để chuẩn bị nghe đọc truyện đêm khuya. Tôi thấy nhớ giai điệu nhạc hiệu đọc truyện đêm khuya của đài quá.
Tôi đi đại học bà chuyển sang nghe đài. Bà thích nghe đọc truyện đêm khuya, bà nghe nhiều, mẹ thì không nghe. Mẹ luôn cho rằng mình quá bận bịu, lo làm kiếm tiền, và bảo nghe chuyện ngoài đường, ngoài chợ là đủ, chuyện người thật việc thật, buồn hay vui đủ hết, văn chương thơ phú nó không thật, nó lừa con người ta...
Bà nói:
“Đó là ý mẹ Hoa, tau không thấy rứa”.
Tôi nghe bà nghe mẹ, hòa vào bà và mẹ, có khi cãi mẹ chỗ này chỗ kia cứ sợ mang tiếng hỗn. Lắm khi tôi cũng chẳng biết mình đúng sai thế nào? Đang là ai? Thôi thì tôi là một giọt nước tan trên mây rồi lại rụng xuống sông hồ, tan trên mây rồi lại rụng xuống đồng ruộng, phố phường. Một giọt nước rụng xuống lại bay lên.
Tôi nghe đêm, vòng tay sang ôm bà nhỏ bé, nghe mùi trầu phảng phất, nghe điệu nhạc quyến rũ quen thuộc của buổi đọc truyện đêm khuya.
Kết Thúc (END) |
|
|