Ngày Chín Chà ôm cái bụng lum lúp đâu chừng bốn tháng, là mùa nước tràn đồng. Dọc bờ kinh Xà No, bông điên điển trổ vàng trải dài tít tắp.
Má thẫn thờ nhìn nó một đỗi rồi chậm rãi đi vào chái bếp, lục tục nấu ăn. Vọng ra từ phía nhà sau tiếng ho húng hắng cùng đôi tiếng thở dài thườn thượt. Chiều in dáng má lom khom úng mớ trấu vào bếp. Vài lần Chín Chà thấy má vén khéo tà áo lau vội trên mặt. Là mà khóc hay là khói tràn vào làm cay mắt má?
- o O o -
Chín Chà dáng thanh mảnh, cặp mắt to tròn, đen láy, ươn ướt, nước da bánh mật bóng bẩy. Nó nhanh nhẹn, khôn lanh. Đâu chừng chín tuổi đã biết ôm cái mẹt vắt ngang hông mà rao bán mấy thứ vụn vặt trong vườn nhà má trồng, hoặc vài ba mớ tép mớ cá Tám Đỏ thả sông, tát đìa mà có được.
Mười hai tuổi đã biết theo chân Tám Đỏ mùa nắng bán cà rem dạo, mùa mưa bán kẹo kéo. Cứ thế thằng anh dắt con em đi qua tuổi thơ dầu dãi mòn vết chân trên dọc bờ kinh.
Nhìn con nhỏ lẫm chẫm trên đường quê, đầu đội cái nón lá to rộng quá thể so với dáng dấp mình, tiếng rao lảnh lót xuyên từng tán lá, qua từng gốc cây, thấy thương thiệt thương.
Nhà nghèo, tía mất sớm, con cái lại đông, má cày xới lam lũ từ hừng đông gà chưa cất tiếng, đến tối mịt đám ễnh ương kêu ì ộp vẫn chưa ngơi tay. Vậy mà, có đủ thấm thía gì đâu. Mấy anh chị lớn, nghỉ học gần hết, người thì sớm lập gia đình, xuôi thuyền về neo bến khác. Kẻ thì bôn ba lên tận Sài Gòn kiếm sống, biền biệt, ngày tư ngày tết mới về thăm.
Chín Chà trổ mã con gái, ngấp nghé mối mai dạm ngõ đôi ba đám. Má hỏi ý nó, mà nó lắc đầu hổng ưng. Má cho nó lên Sài Gòn nha, nó thèm học, chỉ có học mới thoát được cái nghèo đeo bám mải miết con người nơi đây. Má thấy hông, miệt này, cực thấu trời xanh, ruộng mùa theo từng cơn lũ. Mùa nào cũng khổ, năm nào cũng thiếu cái ăn.
Nước trắng đồng, thì mình cũng trắng tay. Biết bao phận đời chìm nổi lênh đênh theo sóng nước nơi này, bám đất quê chừng chịu không nổi cái cơ cầu mà bỏ đi. Dân mình nhiều người học hành chẳng tới đâu, nên đi phương nào thì làm cũng chỉ đủ miếng ăn hết đói, chớ làm gì thoát nghèo được. Vậy cho nên, chỉ có cái học mới cứu rỗi đời mình thôi má à.
Nhưng mà làm thân con gái, dặm trường xa xôi tận trên đó, xứ gì mà chen chúc, cạnh tranh, đãi bôi từng đồng từng cắc, chịu thấu nổi không? Cái chữ nó cũng gieo neo theo cái nghèo con à! Mình lớn lên từ ruộng vườn sông nước, lạ xa quá đỗi với thị thành phồn hoa. Hay là cứ ở đây, kiếm tấm chồng, rồi cũng qua ngày qua tháng. Cái con kinh này không thể cho đời mình khấm khá sung túc, nhưng cũng đủ để mình lất lây một phận đời. Như má nè con.
Má buông mấy cái chữ cuối trĩu trịt.
Bận đó, Chín Chà mười tám, là người duy nhất của xóm ven kinh đậu đại học. Cả xóm không ngớt lời khen. Lẫn trong niềm vui là nỗi buồn xa xót của má. Tiền đâu cho Chín Chà học lên tiếp. Rồi những ngày sống xa đứa con gái út này, liệu má có an lòng.
Má rầu má lo là chuyện của má. Chín Chà vốn dĩ ương bướng và tự chủ như tía, chuyện gì nó quyết thì ắt phải làm. Chẳng bao giờ nó phiền hà đến ai. Nó giống tía từ hình hài, dáng dấp cho đến tính cách. Vậy nên, ngày tía mất, má cứ thỉnh thoảng ôm nó vào lòng, rồi lặng lẽ khóc. Nó biết má nhớ tía.
Dẫu thương dẫu nhớ, thì cuộc đời con người ta, vẫn phải có những lúc đối diện sự chia phôi. Là những chuyến mãi mãi từ biệt nghiệt ngã, khiến người ra đi bình yên giấc ngủ thật hiền, còn kẻ ở lại đắng đót một đời rau răm nồng cay. Nhưng, cũng có khi chỉ giản đơn là một lần ra đi để ngày trở về đủ đầy niềm yêu thương, ngập trời những hạnh phúc.
Má cứ tin, Chín Chà sẽ về, một ngày thật gần, ngày mà nước dẫu có trắng đồng thì nhà mình vẫn thong dong với gạo đầy khạp, thịt treo đầy giàn, lửa cơi ấm bếp, vun cơm ấm hơi.
Chín Chà nói vậy, rồi xuôi đò, rẽ sóng nước Xà No mà đi. Một sớm đầu thu, nước lên mấp mé bờ bao.
- o O o -
Hồi đó, miệt này, thưa thớt dân lắm, chủ yếu là người Khmer tựu tề về bên dòng kinh mà khẩn hoang lập nghiệp. Má cũng từ Rãi Quạt theo tía về làm dâu xứ này. Sanh năm một, tám đứa con lần lượt nối đuôi nhau, đứa thôi nôi lôi đứa đầy tháng. Nghèo đến khốn cùng, nhưng từ trong những ngày nheo nhóc đám con đó, tía má vẫn thấy đời vui lạ kỳ.
Tía dốt đặc cán mai, làm thợ đụng. Đụng gì ai kêu thì lấy cái sức của mình mà cày bừa lo cho đám con. Hồi đó má nói, tía khỏe lắm, may được ông trời ban cho cái sức hơn người nên dễ bề sinh kế.
Tía gặp má bận tía về Rãi Quạt leo dừa mướn cho lái. Bén duyên qua lại đâu chừng đôi ba tháng tía xin cưới. Hồi đó, sông dài đường xa, đò ngang cách trở, mỗi lần tía muốn thăm má là mỗi lần khó khăn dữ lắm. Vậy nên, ngoại thương ngoại ưng, ngoại cho má về theo tía bằng một cái lễ nghèo đơn sơ.
Hồi đó nghèo mà bình dị lắm! Tía chẳng để má cực. Má chỉ quẩn quanh ở nhà nuôi nấng mấy đứa con. Tía quần quật bươn chải mà lo miếng ăn cho tất thảy. Lắm lúc chỉ là tô cơm trắng với trái chuối chan nước tương, mà đám nhỏ háu ăn ngon lành. Cũng có khi, cái lon thiếc khua não lòng đáp khạp, là tụi nhỏ tự biết, củ ấu củ lang, thay thế dần bữa ăn.
Những mùa lũ về, tía chèo chống hái rau hái trái, hoặc bơi xuồng ra đầu nhánh sông cái mà nhận mì tôm cứu trợ. Hai vắt mì, nấu thành một nồi canh to, rồi ăn độn với bo bo, hay gạo ẩm mốc. Cái mùi mì tôm như một phần ký ức khó thể phai mờ với mấy anh em Chín Chà.
Mãi cho tới những năm tháng bôn ba trên miền đất hứa Sài Gòn, Chín Chà vẫn không thể nào quên cái dư vị mì tôm nghèo nàn thời đó. Lắm lúc một mình chênh vênh giữa bốn bức tường nơi xứ lạ, mưa quất ràn rạt mái tôn nhà trọ, nó lại lọ mọ nấu gói mì tôm. Chẳng phải nó đói, mà là nó thèm. Thèm cái mùi xưa xa cũ rích. Nó hít lấy hít để, rồi nước mắt tự dưng rơi mặn vành môi. Những khi đó, Chín Chà biết nó nhớ má, nhớ quê. Nhớ thắt thẻo ruột gan.
Nhớ là nhớ vậy thôi, nhiều người bôn ba xa xứ, chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp tiến thân, ngỡ sẽ là một cuộc ra đi để tìm kiếm tương lai, nhưng, cái tương lai vẫn mù khơi mịt mùng xa ngái. Vậy nên, với những người như nó, nỗi nhớ thành ra chỉ là để đó. Sớm mai lại phải tất bật lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Có đứa thiện lương, có đứa lọc lừa, có đứa duyên may, cũng có đứa trót dại mà lỡ một phận đời.
- o O o -
Tám Đỏ neo đò cặp bến, chiều lếnh loáng ánh hoàng hôn hắt vào chái bếp. Từ nhánh sườn Mười Bốn Ngàn Rưỡi về đây cũng ngót chừng hơn cả tiếng. Mớ cá linh trong thùng vẫn giãy đành đạch. Tiếng xối nước rào rạo trên bến. Mùi trấu bếp lại um nồng, ngai ngái tỏa khắp nhà. Chiều nay, má nấu canh chua cá linh bông điên điển.
Từ hồi Chín Chà mình ên ôm cái bụng bầu về đây, Tám Đỏ cũng chẳng nói gì. Chỉ thấy chiều chiều ra bến ngồi vắt vẻo cùng chai rượu đế, vài con cá khô má nướng. Tám Đỏ nhìn sông nhìn nước. Nhìn những dề lục bình lững lờ phận đời miên viễn. Nhìn đám se sẻ gọi bầy về tây. Một đôi khi, Tám Đỏ ngứa cổ thì cất cái giọng nhừa nhựa khàn đục nghêu ngao mấy câu vọng cổ. “Con chim se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi”.
Bận Tám Đỏ hát câu đó, Chín Chà nghe má ho húng hắng, tiếng thì thào sau chái bếp, hổng biết má nói gì, lát sau lại nghe cái giọng Tám Đỏ cất lên: “Ghe bầu trở lái về đông, làm thân con gái không chồng chửa hoang. Chửa hoang thây kệ chửa hoang, có dì có cậu quạt than mà nằm”.
Câu ca rót vào buổi hoàng hôn tím lịm một thanh âm u hoài da diết.
Tám Đỏ ở lại với má, hơn bốn chục tuổi đời, vẫn đi về lẻ bóng. Tám Đỏ cứ hay nói, ai đi đâu mần chi thì đi. Ai mong cầu cuộc đổi đời cao sang thì cứ mong cầu. Tám Đỏ quen bưng biền sa bồi này rồi. Đất quê dẫu bạc thếch thì cũng là đất quê. Khi nào còn con kinh Xà No này, thì còn Tám Đỏ chốn đây.
Tám Đỏ chất phác, lành tính. Học xong lớp chín thì thôi, xin má cho nghỉ học, bắt đầu cuộc sống ruộng vườn sông nước. Kiếm đồng nào thì đem về cho má đồng đó. Hễ má nhắc chuyện lấy vợ, Tám Đỏ xua tay. Thôi má ơi, nghèo như con, mồng tơi còn không có mà rớt, ai thèm lấy mình đâu. Ở vậy nuôi má. Rủi thay con lấy vợ xa, mai mốt ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ má lắm nghen.
Má cười móm mém. Trời thần, đâu ra cái mửng cà khịa này vậy đa.
- o O o -
Hồi Chín Chà bỏ quê mà đi đâu chừng hai ba năm thì người ta cho xáng múc vào kinh, bứt thành hai khúc. Rồi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu xả phèn cho những cánh đồng bạt ngàn sóng lúa, mấy ông trên tỉnh xẻ thêm hai bên kinh những xương sườn. Cứ cách một ngàn mét lại có một kinh sườn như vậy, kéo dài đến hết kinh. Bà con mình đâu biết gọi tên chi cho nó dễ nhớ, đâm ra cứ đếm kinh sườn đầu tiên mà gọi Một Ngàn, rải đều miết đến cuối kinh ra thành Mười Bốn Ngàn Rưỡi.
Chín Chà nhớ, bận tụi nó còn nhỏ xíu, hổng biết sao người ta gọi vùng này là Xà No. Tía kể, miệt này hun hút đồng bưng, điên điển trổ nhánh nhiều lắm, dân Khmer gọi cây điên điển là “srok snor”, nhưng người mấy vùng miền khác đi qua đâu quen cái cách uốn lưỡi gọi theo tiếng Khmer, họ đọc trại đi thành “xà no”, riết chết danh vùng này.
Con kinh Xà No bây giờ nhộn nhịp hẳn lên, chợ họp bán buôn đủ đầy mấy thứ nhu yếu phẩm. Đường tráng nhựa bê tông thênh thang. Có mấy quán cà phê xanh đỏ đèn vàng, nhạc xập xình từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Quán nhậu san sát ven bờ kinh. Buổi chiều bắt đầu chạng vạng, lại nghe tiếng đếm hò hét quanh ly bia, ly rượu. Thanh niên có chỗ đùm túm sau buổi ngày ngược xuôi công việc ruộng vườn. Mấy chị em phụ nữ cũng có chỗ bắt kịp xu hướng thị thành cắt tóc, nhuộm tóc, hay thẩm mỹ phun xăm, nâng cắt, gọt dũa, đủ thể loại.
Hai mươi năm, bôn ba Sài Gòn, những lần vội vã trở về dấm dúi vào tay má mớ tiền rồi lại vội vã ra đi, Chín Chà đâu để ý cái vùng bưng biền ngày càng thay da đổi thịt theo thời cuộc phát triển. Lắm khi má hỏi sao đã ít về mà giờ lại còn đi nhanh như gió vậy, Chín Chà chỉ ậm ờ, công việc trên đó nó căng lắm má ơi. Mình nghỉ một hai ngày là mất việc như chơi.
Hổng lẽ nói với má Chín Chà đâu có học hành tử tế chi. Học sao nổi, Chín Chà trót vương mang phận đời ong bướm phù du. Sài Gòn nghiệt ngã lắm má ơi. Cứ ngỡ mình sẽ giữ thân rời xa cám dỗ. Nhưng mà, cuộc đời như một vòng xoáy ma lực, mãi cuốn hút con người ta miệt mài vào những trái ngang, oan khiên. Một lần yếu lòng, một lần lầm lỡ, là lấm lem cả quãng đời.
Mang cái cảnh thân phận nghèo, cuộn xoay cơm áo gạo tiền, mong cho cuộc sống khấm khá, lâu dần nó quên con chữ rồi. Nó cứ lao đầu vào kiếm tiền để đổi đời. Chừng biết mình hụt chân nơi bến đục, thì nó đành tự an ủi, ít ra nó cũng lo được cái nhà bề thế thênh thang. Cũng chắt mót được một ít vốn liếng đặng sau này giải nghệ cái nghề mạt hạng này mà kiếm kế sinh nhai.
Nhưng, ông trời ổng đâu có thuận tình mà theo đường mình toan tính. Mình gieo gì vào cuộc sống này, thì mình gặt lấy ngay thứ hậu quả ấy thôi! Ngày phát hiện mình có thai với gã chồng hờ, nó như bị tạt gáo nước lạnh ngay vào mặt. Hắn trở giọng, ngọt nhạt bắt phá bỏ, bằng không thì biến khỏi đời hắn. Đừng làm mất thanh danh của ông giám đốc oai vệ đã có gia đình sung túc với đầy đủ nếp tẻ sau này cầm hình, bưng bát nhang.
Chỉ tại nó hão huyền mơ một cuộc sống cao sang phận làm lẽ thế thôi. Chứ đàn ông vui chơi ngoài đường, ăn phở chỉ là món lạ miệng, cơm ngon vẫn mãi là ở nhà nuôi mình ấm bụng chắc hơi.
Ông tình nhân già chuyển nó một khoản tiền khá khá, cùng lời căn dặn, bỏ thai thì coi như tiếp tục chuyện tình tiền, bằng không thì tự mình mà lo phận mình. Có làm lớn chuyện thì nhục nhã ê chề. Nên nhớ kỹ một điều, ổng đủ quyền đủ thế để bưng bít, và giáng những cú trả đũa thê thảm cho cô nhân tình chẳng biết điều này.
Chín Chà trở về với bốn bức tường. Nhìn gương mặt xao xác trong tấm gương giữa khoảng tối lặng lẽ. Thì thôi, đất này nghiệt ngã quá đỗi, nó về lại nơi mình từng ra đi, coi như vứt bỏ khoảng đời tội lỗi mà mình trót dại vương mang. Cái còn sót lại trong lòng nó, là nỗi đau cắn rứt đeo đẳng suốt cả đời này.
Vậy đó, ngày ra đi tóc xanh dài chấm lưng thon, giờ về đây đã là vàng phai xế bóng đời mình.
- o O o -
Tám Đỏ thì thào một bữa tối trời, hai anh em ngồi trên bến, thằng Bần hồi đó nó thương mày, nhớ hông? Nó nghe chuyện mày đồn rân trời dọc kinh Xà No. Bữa tao ghé nhánh Mười Bốn Ngàn Rưỡi về, mớ điên điển cá linh là nó dấm dúi đưa cho. Nó nói Chín Chà ưa lắm. Biểu tao đem về cho má nấu canh chua.
Thằng Bần vẫn vậy mày ơi! Cũng bốn chục, dở dang một lần đò, giờ lủi thủi một mình ên. Nó nói tao về đánh tiếng với mày thử coi. Hồi xưa mày phụ nó một lần rồi. Giờ coi như rổ rá cạp lại. Nó biết hết chuyện, nhưng nó nói thương một người là thương trọn vẹn cả phận đời lầm lỡ của người ta. Con mày gọi nó là tía. Mày chịu hông?
Trăng nhú lên ngọn tre. Đám le le gọi bạn vang động cả khúc sông. Chín Chà vẫn ngồi lại khi Tám Đỏ khật khưỡng đi vào nhà. Lắc đầu hay ưng lòng gì đó, với nó không quan trọng. Nó đã một lần từ chối Bần hồi hai đứa còn xanh nõn phơi phới xuân thì. Giờ ai cũng đã mang trong lòng mình ít nhiều vết xước của cuộc đời. Liệu có thể trọn vẹn sự thanh thản hay không? Đôi khi giữa những chênh vênh nơi xứ người nó vẫn nghĩ về Bần, tuy nhiên thương là thương vậy thôi chớ, thiệt thòi cho chính người mình thương, chẳng phải là thứ sẽ khiến mình day dứt đau lòng lắm hay sao?
Vẳng xa phía bên kia sông, mấy cái quán bia đèn xanh đỏ nhấp nháy vẫn như một nỗi ám ảnh của Chín Chà. Điên điển vẫn vàng ruộm triền sông quê.
- o O o -
Một sớm nước rút đồng, Chín Chà xuôi ghe từ nhánh Bảy Ngàn thẳng về Mười Bốn Ngàn Rưỡi. Hai bên bờ kinh Xà No vẫn dập dềnh sóng nước. Cuối sườn kinh, bóng hình người đàn ông quen thuộc của thời nõn xanh ngày xa xưa đang đứng trên bến đợi. Ánh mắt giao nhau, chực trào niềm thương cảm.
Buổi cơm trưa trong căn nhà đơn sơ với món canh chua cá linh điên điển cuối mùa bông, vẫn ngọt ngào thắm đượm.
Con Chín Chà gọi tui là tía, mình đặt tên nó là Điên Điển nghen!
Bần đưa tay lau vội giọt nước mắt đang rơi lã chã của Chín Chà.
Kết Thúc (END) |
|
|