Đó là câu chuyện xảy ra đã khá lâu... câu chuyện về một loài hoa tím mang trong mình một sức sống mãnh liệt khó có loài hoa nào bì kịp.
Chúng tôi học chung một lớp tiếng Anh buổi tối, tuần ba buổi. Tuy nhiên, lớp học kéo dài đã mấy tháng rồi mà tôi chắc chỉ gặp mặt em đôi lần, chứ chưa từng tiếp chuyện. Tôi cũng như đa số các chàng trai khác, thích chạy theo những bông hoa xinh đẹp lộng lẫy, mà em thì quá bình thường. Ngoài ra tôi cũng đã có bạn gái. Nàng đẹp, con nhà giàu, nông nổi và nhõng nhẽo. Tôi chịu đựng những đòi hỏi của nàng như một gã si tình thứ thiệt. Để làm gì? Chính tôi cũng chẳng biết.
- o O o -
Chiều, nàng gọi điện, nhắn: “Ông bà già đi Đà Lạt hết, em bệnh, chẳng có ai ở bên em cả”. Tối, tôi đến thăm nàng. Tôi bấm chuông, qua chỗ trống của cánh cổng sắt, nhác thấy một ánh mắt quen quen. Khi tôi dắt xe vào sân, một bóng người nhỏ bé lầm lũi đang khuất dần vào trong. Vặn óc cũng không nghĩ ra đó là ai, tôi quay ra ngắm nghía những con chim cảnh, đang liên láo nhìn tôi. Tiếng nàng gọi làm tôi giật mình quay lại và em cũng đồng thời xuất hiện. Bộ quần áo mặc nhà xoàng xĩnh khiến em càng bình thường hơn khi đứng cạnh nàng, nhưng trong một thoáng trực diện rất gần, tôi chợt nhận ra em có một khuôn mặt rất thanh tú.
Hoa cúc tím - Truyện ngắn của Bùi Đế Yên - ảnh 1
tin liên quan
Quái xế - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy
Em gật đầu chào tôi theo kiểu không quen, cũng chẳng lạ. Nàng giới thiệu với tôi một cách hơi kẻ cả về cô em bà con đã sống cùng gia đình nàng gần năm nay: “Nhỏ Lăng, 19 tuổi, công nhân nhưng xuất thân tiểu thư, giỏi tiếng Anh lắm đó, đừng coi thường nghe!”. Tôi bật cười. Em hơi đỏ mặt, đặt tô cháo xuống bàn rồi nhìn nàng như có ý dò hỏi. “Em phải ở đây với chị chớ!”, nàng yêu cầu. Em ngồi xuống bắt đầu bón cho nàng từng muỗng cháo với cái kiểu của một con chim mẹ bón mồi cho chim con. Nàng than thở về bệnh tình của mình. Em lắng nghe một cách kiên nhẫn. Tôi cũng vờ vĩnh ngồi nghe, hỏi han, chọc giỡn vài ba câu rồi từ biệt hai người ra về.
- o O o -
Đồng hồ chỉ con số bảy. Tôi vội vàng mặc quần áo. Sắp tới giờ học rồi, trước đó tôi đã bỏ hai hôm và không có ý định tiếp tục cái kiểu học một ngày, nghỉ hai ngày này nữa, nhưng chuông điện thoại lại réo vang. Cú điện thoại của nàng làm tôi lại trễ. Chỗ của tôi nơi góc lớp đã có kẻ nhanh chân hơn: Cô em họ nàng đang cắm cúi viết gì đó và như thường lệ chỉ ngồi có một mình.
- Chào em! Anh ngồi đây được chứ?
Em không ngẩng đầu lên mà chỉ “dạ” một tiếng rồi ngồi xích sang một bên, như thể em và tôi chưa từng quen nhau vậy.
- Chị Dương khỏe hẳn rồi phải không Lăng? - Tôi hỏi cho bớt không khí lạnh nhạt.
- Dạ!
- Hôm nay học bài bao nhiêu rồi?
- Bài 72.
- Là bài nào nhỉ?
- Bài 72: What would you do? - Em nhắc lại rõ ràng hơn, mặc dù vẫn chỉ có những chữ đủ để người hỏi nếu biết điều thì không nên hỏi thêm nữa. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn:
- What would you do! Really? What would you say if you want to have a talk to cold and serious person like you. (Bạn sẽ làm gì à, thế thì bạn sẽ làm gì nếu muốn bắt chuyện với một người nghiêm túc lạnh lùng như bạn).
Em ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt thoáng một nét khó hiểu.
- I'd say no thing because a cold and serious person usually doesn't like chatting. (Tôi sẽ không nói gì bởi vì một người nghiêm túc lạnh lùng thường không thích tán gẫu).
Một cú knock out thật bất ngờ. Tôi tính chọc thêm nhưng cô bé đã cắm cúi ghi bài, và đến cuối giờ học tôi vẫn chẳng có dịp nào để gợi chuyện nữa.
Giờ tan học, vừa rồ xe, tôi bỗng thấy em đang cắm cúi đi bộ trên vỉa hè.
- Lăng! Let me take you to your home!
Em ngẩng lên ngơ ngác một chút rồi một thoáng cười lướt qua miệng em, cái cười nhẹ nhàng đó khiến em có dáng vẻ dịu dàng ngượng ngập khác hẳn vẻ cưng cứng, lạnh lùng hàng ngày. Tôi bối rối nhắc lại bằng tiếng Việt.
- Lên xe anh đưa về!
- Dạ thôi, Lăng đi bộ được rồi, nhà gần mà!
- Nhà gần hay xa anh lại không biết hay sao? Lên đi!
Ngần ngừ, rồi em cũng ngoan ngoãn lên xe.
- Sao em lại đi bộ vậy, xe đâu? Tôi cho xe chạy chầm chậm, gợi chuyện.
- Xe em bị hỏng.
- Vậy lúc tối, ai đưa em tới trường?
- Em đi bộ!
Từ nhà nàng tới trường chí ít cũng phải hai cây số.
- Sao em không đi xe của chị Dương? Chị ấy có mấy khi đi đâu vào buổi tối đâu? - Tôi “giả nai” để thăm dò.
- Chị ấy... ở nhà nhưng em không biết đi xe máy - Em đáp sau một thoáng ngập ngừng. Dù không lạ tính ham vui của nàng nhưng trong đầu tôi lại đang luẩn quẩn những câu hỏi khác.
- Học xong phổ thông em vô đây hay là…?
- Em học đại học ở ngoài Hà Nội hơn một năm rồi mới vô!
- Em học gì?
- Sư phạm, khoa toán!
- Giỏi quá ha! Hèn chi thấy...
- Thấy sao cơ?
- Không sao... mà sao em không học tiếp?
Em im lặng. Tôi đã vô tình chạm tới một nỗi đau nào đó của em. May mà đã tới nhà nàng.
Ngày hôm sau, tôi hỏi nàng về chuyện của em, về chuyện nghỉ học nửa chừng mà tôi bỗng nhận ra rằng mình rất tò mò muốn biết rõ hơn.
- Nó có bao giờ mở miệng nói với ai về chuyện đó. Nghe ba em nói nhà nó gặp chuyện xui xẻo gì đó. Nhỏ này đang học phải bỏ nửa chừng... Nó đi làm đi học tối ngày. Có bao nhiêu lương xem chừng gửi về quê hết. Bố mẹ em chả lấy của nó một đồng tiền ăn ở. Đôi khi còn cho thêm...
Nàng vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn, ưa khoe khoang và ghét phải nghĩ sâu sắc về người khác.
- o O o -
Ngày mồng bảy tháng ba, tôi mang hoa hồng đến tặng nàng. Còn em, tôi không biết tặng em hoa gì. Đành chọn những bông cẩm chướng.
- Nó không thích những loài hoa này đâu. Trước tới giờ em toàn thấy nó mang những bông gì đó, tim tím, cánh cứng quèo, mọc hoang ở đâu đó về.
- Hoa cúc tím ư?
- Đúng rồi! Sao anh biết?
Tôi im lặng, tuổi thơ tôi từng gắn với những con đường mòn ven biển, nơi mọc đầy những cây hoa dại thạch thảo, dã quỳ, xuyến chi, trinh nữ... nhưng rực rỡ nhất vẫn là những bông hoa tím quê mùa mà đằm thắm ấy. Hoa còn có tên là cúc bách nhật vì vòng đời của nó từ lúc khai nụ tới khi tàn khô kéo dài cả vài ba tháng. Cho đến giờ, tôi vẫn phải ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của nó. Không có nước, không có cả đất nữa nó cũng vẫn sống, vẫn vươn lên, không đòi hỏi bất cứ sự nâng niu chăm sóc nào.
Có tiếng lách cách, em về. Trên tay em là những bông cúc tím nhỏ nhắn dễ thương. Em nhận bó cẩm chướng từ tay tôi, lúng túng cảm ơn, rồi cắm chúng vào giữa lọ, kèm theo xung quanh là những bông cúc tím. Lọ hoa giản dị nhưng màu hồng phấn mềm mại nổi bật trong đường viền màu tím cứng cáp, tạo cho nó một nét đẹp kỳ lạ.
- Sao lại có thể thích một loài hoa vô duyên như thế chứ? - Nàng lầm bầm.
- Hoa này dễ thương và tội nghiệp lắm. Nơi đâu nó cũng sống, cũng vươn lên.
May mà lúc nãy tôi đã không nói những suy nghĩ của tôi với nàng.
Ba nàng về, bệ vệ ngả người trên ghế.
- Con Lăng lấy cho bác ly nước!
Nàng sà vào lòng ba.
- Ba! Quà mồng tám tháng ba của con đâu?
- Con gái lớn rồi còn hay vòi vĩnh!
Ba nàng mắng yêu rồi rút trong túi ra một chiếc đồng hồ kiểu mới rất đẹp. Cũng lúc đó em mang ly nước ra. Chiếc đồng hồ vàng chói, nụ cười tươi rói của nàng. Ly nước cam sóng sánh và khuôn mặt bình thản, không gợn một chút thèm muốn nào của em. Tôi bỗng cảm thấy nhoi nhói trong lồng ngực.
- o O o -
Tôi băn khoăn nhìn những bộ váy áo lộng lẫy mà cách đây mấy tiếng tôi và nàng đã lựa. Nhất định là không thích hợp với em rồi. Một chiếc đồng hồ, một lọ nước thơm, một thứ đồ trang sức đắt tiền. Đó là những cái mà nàng có rất nhiều nhưng vẫn không đủ. Còn em, em thiếu tất cả nhưng em dường như cũng không cần tất cả. Chọn gì tặng em bây giờ. Những thứ lộng lẫy, hào nhoáng, đắt tiền này có vẻ không thích hợp với em. Bỗng nhiên tôi nhớ có lần trong lớp có một người bạn đã bật bài hát “Yesterday one more”(Nhớ về quá khứ) của Carpenter và dường như trong mắt em lúc đó lấp lánh những giọt nước.
Tôi mua cuốn tuyển tập những bài hát tiếng Anh và mấy đĩa nhạc hay nhất, nhờ bao lại rồi mang tới lớp, đặt vào hộc bàn chỗ em vẫn thường ngồi. Nhút nhát như một cậu học trò, tôi hồi hộp đợi chờ. Chắc em sẽ bất ngờ lắm. Không biết cô bé sẽ phản ứng ra sao? Mong rằng trong đôi mắt buồn, đầy nét chịu đựng đó sẽ có một tia sáng ấm áp và tươi vui.
Gói quà vẫn để nguyên trong hộc bàn. Chỗ của em bỏ trống.
Tan học, tôi lao xe tới nhà nàng. Điện vẫn sáng, tôi bấm chuông. Khác với mọi lần, bữa nay đích thân nàng ra mở cửa. Khi thấy tôi, nàng ngạc nhiên và hơi lúng túng nhưng vẫn nói mát:
- Em tưởng anh coi mấy bài học dớ dẩn đó hơn em rồi?
Nhìn bộ váy áo lộng lẫy cùng nét mặt tươi cười rạng rỡ của nàng, tôi biết nàng vừa đi chơi với ai đó về. Nhưng còn em, em đâu?
- Nhỏ Lăng chắc tăng ca, bữa nay không thấy đi học?
- Dạo này em thấy anh quan tâm tới nhỏ em em quá đấy.
Hay là…
- Em giỡn gì kỳ vậy? Lăng là em của em và bạn học của anh mà! - Tôi bối rối cố tỏ ra bực bội.
- Thật không đó? Câu hỏi của nàng làm tôi giật thót, khi thấy nàng không có vẻ gì nghi ngờ, tôi mới thở phào. Nàng quá tự tin vào nhan sắc của mình. Nhưng dù sao bây giờ tôi cũng phải cảm ơn trời phật về điều đó. May mắn thay, tiếng bước chân loẹt quẹt của ba nàng đã giúp tôi thoát khỏi bài ca nặng nề và nhàm chán của nàng. Khi tôi dắt xe ra về, bỗng nghe có tiếng nước chảy lách rách. Tôi quay lại. Chiếc xe đạp tựa hờ bên lối đi mờ mờ tối, nơi nhà dưới hắt lên một quầng sáng nhẹ. Em đã về tự bao giờ đang ngồi quay lưng giặt chậu đồ cao có ngọn. Tôi lấy gói quà khẽ đặt vào giỏ xe, rồi nhẹ đi ra.
- o O o -
Ngày hôm sau tôi phải đi nghiên cứu nguồn hàng ở tỉnh xa nên chỉ kịp gọi điện để nhắn tin với nàng. Bận bịu với công việc nhưng tôi vẫn không thể xóa được những cảm xúc là lạ về cô em họ nàng. Hơn tuần lễ sau khi tôi trở về thì em đã đi xa. Nàng bảo: Nó về quê theo yêu cầu của cha mẹ.
Mối quan hệ mang danh tình yêu của tôi và nàng cũng nhanh chóng kết thúc. Tôi chuyển việc về Sài Gòn, không biết bất cứ tin tức nào về em nữa.
Thời gian qua mau, mấy năm trước, về lại Vũng Tàu, tôi tình cờ gặp nàng tại một nhà hàng mới mở. Nàng vui vẻ và có phần hãnh diện giới thiệu về cơ sở làm ăn của nhà chồng.
Nhà hàng sang trọng, món ăn cũng khá ngon. Lẽ ra tôi sẽ đến đó thường xuyên, nếu như mỗi lần đến, tôi không gặp nàng. Mỗi lần gặp nàng, hình bóng nhỏ bé, khuôn mặt gầy thanh tú, ánh mắt lúc cam chịu lúc kiêu hãnh của em cùng hình ảnh những bông cúc tím cứng cáp bao lấy những bông cẩm chướng mềm mại lại hiện lên sống động như là mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Bao nhiêu năm rồi những vết xước rất nhẹ trong tim do những cánh hoa nhỏ bé kia gây ra vẫn chẳng thể lành.
Kết Thúc (END) |
|
|