Như Vân là tên của tôi. Lúc sinh tôi ra mẹ tôi đã mất rồi. Bà ngoại nói mẹ rất thương tôi, dù bác sỹ đã khuyến cáo trước đó rằng nếu giữ lại tôi mẹ lành ít dữ nhiều. Nhưng mẹ vẫn sinh ra tôi. Bà nói tôi sinh ra đã mất mẹ, đối với một đứa trẻ là thiệt thòi quá lớn nên bà đặt cho tôi cái tên Như Vân. Như Vân Như Vân... chính là như đám mây trên trời kia sẽ không sầu khổ, vô tư bay nhảy, sống thật vui vẻ, sống thay phần của mẹ.
Cho nên tôi luôn sống vui vẻ... ít nhất là trong mắt bà ngoại.
Bọn trẻ con trong xóm bắt nạt tôi vì chúng nó nói tôi là đồ con hoang.
Ở trường bạn bè xa lánh tôi vì chúng khinh tôi nghèo mạt.
Cô giáo đối xử bất công với tôi vì cô nói:"Học phí của em là do các phụ huynh khác trong lớp chung tay tài trợ, em giúp con họ trực nhật, bê trồng sách, bưng cốc nước coi như là trả ơn đi".
Nói không buồn có phải giả tạo quá không? Nhưng tôi thực sự không buồn. Không buồn vì tôi đã quen rồi.
Hồi bé tôi chưa hiểu chuyện còn chui trong tủ quần áo khóc nhưng lớn rồi đến khóc tôi cũng mệt. Tôi bắt đầu học thích nghi. Đến cây xương rồng vô chi vô giác kia còn biết tự hóa những phiến lá của mình thành gai nhọn để sinh tồn ở sa mạc cằn cỗi thì Như Vân có gì để sợ hãi đây? Tôi dùng hết sức bình sinh lao vào mà cắn xé cô bạn hàng xóm hay bắt nạt mình, đánh cho cô bạn khóc lóc om sòm chạy về nhà. Mấy ngày sau thì bố mẹ cô bé đó sang tìm tôi, vừa nhìn thấy tôi đã cho vài bạt tai và nói những lời vô cùng khó nghe. Mẹ cô bé còn giật ngược tóc tôi ra sau và đe dọa. Tôi điên quá. Tôi cắn mạnh vào tay bác ấy đến bật cả máu. Tôi vồ lấy cục gạch đỏ bên đường ném thật mạnh về phía đám người lớn rồi hét ầm lên. VỪa hét vùa khóc vừa vơ được cái gì bên đường cũng dùng hết sức bình sinh mà ném về phía đám người kia, chân không quên lùi lại. Hàng xóm xung quanh ùa nhau ra xem, bác tổ trưởng dân phố muốn làm ngơ cũng không làm ngơ được. Tôi nhớ lần đấy còn phải lên phường làm tường trình. Nhìn thấy chú công an phường tôi sợ quá khóc bù lu bù loa lên vì nghĩ mình đã gây chuyện lớn rồi. Các chú ngược lại rất quan tâm hỏi han tôi thế là không biết trong đầu tôi lúc đây nghĩ gì liền thêu dệt lên một thảm cảnh vô cùng đáng sợ, bằng chứng là tất cả các vết thương trên người tôi lúc bấy giờ. Đến cả vết muỗi đốt hồi chiều tôi ngứa tay gãi chảy máu cũng bị đổ là do đám người lớn kia đẩy ngã mà xước. Các chú công an thấy tôi khóc sợ quá cũng vừa nghe là tin thế nên nhà bạn hàng xóm kia bị phạt cảnh cáo còn phải bồi thường cho tôi một khoản để điều trị vết thương. Từ đó về sau trong xóm tôi từ cái tên "con hoang" được đổi sang "đầu gấu", đứa trẻ nào cũng sợ tôi không dám lại gần, đến người lớn còn tránh xa. Thế nhưng có ai biết được cái con "đầu gấu" ấy tối đến bị bà ngoại quất liền mấy roi còn bị bắt úp mặt vào tường tự kiểm điểm.
Bà ngoại rất phản đối tôi vì hành vi đánh bạn thế nên tư tưởng đánh người rửa hận của tôi lập tức bị dập tắt. Tôi năm lớp 7 bắt đầu lao vào học như điên. Sự thật là phải dùng đến ba từ "học như điên". Trước đó trên lớp cô giáo chỉ giảng rất hời hợt và giảng kỹ cho nững ai đi học thêm cô. Bà ngoại thì không có điều kiện cho tôi đi học thêm nên mỗi ngày lên lớp tôi đều bị hẵng kiến thức, thành tích thấp đến thảm hại. Cho nên tôi lao vào học như điên. Lúc đầu là tôi tự học nhưng việc đó cũng chỉ giúp tôi nắm được kiến thức đã học một cách chắc chắn hơn còn lại cũng chẳng có hiệu quả gì. Nhận thấy tự học không ổn tôi bắt đầu nghe các bạn trên lớp thảo luận bài tập, có những lúc bị phát hiện chúng nó còn che che đậy đậy kéo nhau sang chỗ khác vì không muốn tôi nghe thấy, tôi lại lặng lẽ ghi nhớ bìa quyển sách chúng nó hay dùng rồi cầm theo tập nháp, cây bút đến hiệu sách tìm một quyển sách y chang thế lén chép lại đề bài. Không thể chép ngay cả quyển sách, tôi chỉ có thể mỗi ngày chép một ít để tối về tự giải. Ấy thế mà thành tích tôi tăng rõ rệt. Tôi bắt đầu tìm đến hiệu sách thường xuyên hơn tự tìm những cuốn sách bài tập khác nhau để chép trộm về làm. Thế nên tôi lấy việc học thâu đêm cùng với chép trộm sách làm thú vui.
Thành tích tôi tăng rồi, đám bạn trong lớp cũng trở mặt rồi, chúng quay sang bắt chuyện để hỏi bài tôi. Tôi đương nhiên biết cái sự tốt bụng đột suất của chúng nó nhưng tôi là vừa nhắc bài vừa chêm vào mấy câu đại loại kiểu: "Bài này dễ mà, để tớ giảng cho..." hay mỗi khi chúng nó khen tôi giỏi tôi sẽ khiêm tốn đáp: " Tớ có giỏi gì đâu, chẳng qua bài này lần trước tớ có xem qua cách cô giảng",...
Có điều đối với cô giáo, tôi bỗng nhiên học giỏi như vậy là do tôi "đi học thêm ngoài". Cho nên cô ra sức làm khó tôi trên lớp sau đó trong lần họp phụ huynh cuối năm còn kiến nghị cắt phần trợ cấp học tập của tôi. Cắt trợ cấp chính là bằng với việc tôi không thể tiếp tục việc học trên lớp. Bà ngoại đã về hưu, lương hưu của bà còn không bằng một phần ba học phí ngôi trường tôi đang theo học. Vì đây là trường chuyên. Thế nhưng cô giáo không hiểu.
Năm lớp 7 tôi thôi học ở trường chuyên A, về trường làng học. Học phí cùng với tiền học trái tuyến suy cho cùng nếu hai bà cháu ăn uống tích kiệm lại thì vẫn lo được. Mỗi sáng tôi phải đi từ sớm mới kịp giờ đến trường vì quãng đường tương đối xa và tôi chỉ có hai chân. Mấy ngày đầu chân nhức ê ẩm tôi lại nhớ tới lời bà dặn:"Bà ăn khổ sống khổ cũng phải lo cho cháu học hành tới nơi tới trốn, nên cháu học được phải cố mà học". Thế là tôi còn chẳng bận tâm đến cái chân đau nữa cứ miệt mài học tập như thế vì mục tiêu thi vào trường cấp 3 gần nhà, đó là trường cấp 3 tầm trung học phí không cao cũng không phải đi lại nhiều. Cô chủ nhiệm lớp 9 đánh song đánh ngang cũng không ép được tôi thi vào trường chuyên chỉ đành bất lực giúp tôi nộp hồ sơ thi tuyển. Năm đấy tôi thi được thủ khoa đầu vào trường cấp 3 như ý nguyện, tiện tay ẵm luôn suất học bổng của trường sau đó nhờ bà cất hộ, mỗi tháng đem ra đóng học phí. Nêu tôi tính không nhầm, khoản đó cũng đóng được hết học phí kỳ 1 năm lớp 10.
Cuộc đời này chính là như thế đấy, nếu bạn không làm chủ nó, nó sẽ chi phối bạn sau đó vùi dập bạn. Cấp 3 có thể chưa là độ tuổi đủ chín chắn nhưng cũng phần nào gạt bỏ mấy thói trẻ con ấu trĩ. Tôi thay vì chỉ nghĩ đến việc khiến bản thân mình tỏa sáng để khiến người khác không dám coi thường mình thì bắt đầu nghĩ đến việc hòa đồng và học hỏi. Tôi bắt đầu có những người bạn tốt theo đúng nghĩa, cũng có cho riêng mình một người là cả bầu trời thanh xuân, cũng có một quãng thời gian tốt đẹp để nhớ về.
Tôi bây giờ là một sinh viên đại học khoa kinh tế. Tương lai cho dù có thế nào, cứ đến đi, Như Vân đây sợ chắc?
Kết Thúc (END) |
|
|