Cuộc sống của tôi từ trước đến nay đều là một mớ hỗn độn với vô vàn những rắc rối lớn nhỏ. Có những lúc, tôi tuyệt vọng đến muốn chết đi. Những lần kiểm tra bị điểm kém, bạn bè xa lánh, bị thầy cô ghét bỏ... tôi thật sự chỉ muốn chết quách đi cho xong. Nhưng mỗi khi cái suy nghĩ cực đoan ấy lóe lên trong đầu tôi thì liền bị một hình ảnh rõ ràng sắc nét xóa tan đi. Đó là hình ảnh về một người con gái kiên cường với nghị lực vượt lên trên sự khắc nghiệt của tạo hóa đã đem lại cho tôi một niềm tin mới vào cuộc sống.
Kì nghỉ hè sáu năm về trước, tôi được ba mẹ dẫn về quê thăm ông bà nội. Tôi là một đứa trẻ hiếu động nên làm quen rất nhanh với mấy đứa trẻ gần nhà. Chiều chiều, chúng tôi thường rủ nhau đi mò riu bắt tép dưới ao, nên đến lúc về, đứa nào đứa nấy mặt lấm lem bùn, tái mét vì sợ bị bố mẹ la. Dù vậy, ngày hôm sau nhóm nít ranh chúng tôi vẫn thản nhiên kéo bè kéo phái đi hái trộm xoài nhà bà Năm đầu ngõ.
Mọi chuyện cứ diễn ra bình thường như vậy, cho đến một hôm, tôi bắt gặp một cô gái ngồi xe lăn đang hướng ánh mắt thèm thuồng về phía chúng tôi từ sau bụi cây. Chị trông chừng chỉ mới mười sáu, mười bảy. Chị rất đẹp, đôi mắt đen lay láy, đôi môi anh đào hồng hồng mím lại, gương mặt trái xoan thanh tú làm nổi bật vầng trán cao thông minh. Tôi bị hớp hồn, liền chạy lại mời chị cùng vào chơi. Chị đưa ánh mắt e dè nhìn tôi, trong khi bọn nhóc hàng xóm vừa la lên phản đối vừa lùi mấy bước về phía sau. Tôi còn đang phân vân không biết phải làm gì thì chị ngước nhìn tôi bằng một ánh mắt buồn bã rồi lăn xe đi. Tôi muốn gọi với theo, nhưng mấy đứa bạn đã kéo tôi chạy thật xa, còn dặn dò tôi là không được lại gần chị ấy.
Về nhà, tôi ào vào lòng bà nội, hỏi bà có biết chị gái xinh xinh đẹp đẹp ngồi trên xe gì gì đó không, vì lúc đó tôi không biết xe lăn gọi là cái gì. Bà cười, hỏi tại sao tôi biết chị. Tôi thuật lại lời của đám bạn, còn bắt chước thái độ lấm la lấm lét của chúng. Bà nội nghe xong thì chỉ cười hiền. Rồi bằng một giọng tha thiết, xót xa, bà chậm rải kể:
- Con bé đáng thương lắm con à! Mới sanh ra đã bị lây si-đa từ má nó, lại còn bị què chân, bị dân trong xóm xa lánh với chỉ trích không thôi! Mà nó có tội tình gì đâu, mà là ba nó bên ngoài gái gú mang đống bệnh tật về, lây cho má nó, rồi má nó lây cho nó. Haiz... chả biết kiếp trước con bé tạo nghiệt gì...
Bà kể xong còn cẩn thận dặn dò tôi không được cư xử như mấy người trong xóm, bảo tôi phải đối xử tốt với chị ấy. Lúc đó tôi quả thật rất sợ. Bệnh nan y mà, vả lại hồi ấy tôi chỉ mới bảy, tám tuổi, làm sao mà có thể bình tĩnh được? Nhưng tôi cũng nghe theo lời bà nội mà bắt đầu làm quen với chị ấy.
Quãng thời gian đầu chị ấy thường xuyên tránh né tôi, tôi cũng rất sợ cộng thêm ngại ngùng trước thái độ lẩn trốn của chị, nhưng vẫn không bỏ cuộc mà kiên trì bám theo. Một thời gian sau, cuối cùng chị ấy cũng mở rộng lòng mình hơn để đón nhận tôi. Chị ấy kể cho tôi nghe rất nhiều thứ, về gia đình chị, về bạn bè chị, về chuyện học hành của chị... Thậm chí chị còn kể cho tôi rằng chị thầm mến một cậu bạn cùng lớp. Chị luôn miệng khen anh ta đẹp trai thế nào, tốt bụng ra sao, lại còn học giỏi nhất nhì lớp. Chị kể bằng một giọng nói tràn đầy sức sống, một đôi mắt rạng rỡ như ánh dương, khiến cho tôi dù chẳng hiểu gì nhưng cũng cảm nhận được tình cảm của chị đối với người con trai ấy. Tôi quả thực có chút ghen tị.
Ba tháng hè trôi qua như thoi đưa. Chẳng mấy chốc đã đến mùa tựu trường, tôi phải quay về thành phố để đi học. Ngày chia tay, chị ấy đưa cho tôi hai cái hộp, một xanh, một hồng. Chị nắm lấy tay tôi, nói rằng:
- Em về trển rồi nhớ thường xuyên gửi mail cho chị. Còn hai cái hộp này, lúc em cảm thấy tuyệt vọng nhất thì mở cái màu hồng ra, còn lúc cảm thấy mình đã qua được sự tuyệt vọng đó thì hãy mở cái màu xanh ra nhé!
Tôi vâng dạ, mắt rươm rướm nhìn chị. Chắc tôi sẽ nhớ chị lắm.
Về lại thành phố, trở lại với cái không khí náo nhiệt phủ đầy khói bụi, tôi lại nhớ da diết những tháng ngày bình yên bên bà, nhớ cái không khí trong lành, yên ắng của vùng quê, nhớ cả chị - người con gái với đôi mắt sáng trong có hồn tuyệt đẹp.
Cứ hai tháng một lần, tôi đều đặn gửi thư cho chị. Bức thư nào tôi gửi chị cũng trả lời thật đầy đủ, có thư thì ngày hôm sau chị đã trả lời, nhưng có thư phải đến tận năm bảy hôm. Chắc chị đã đọc rất kĩ những dòng tôi viết, giải nghĩa hết những lời thư đó, nên những câu trả lời chị gửi cho tôi bao giờ cũng kĩ lưỡng, rõ ràng. Suốt hai năm, tôi hành xử theo lời khuyên của chị, thỉnh thoảng tôi còn nhờ chị chỉ cho mấy bài tập nâng cao. Chị học giỏi lắm, bài nào tôi hỏi chị cũng biết. Chị luôn giảng giải cẩn thận, dùng từ ngữ dễ hiểu nhất để tôi tiếp thu nhanh hơn. Tôi cảm phục chị vô cùng.
Nhưng đến cuối năm thứ hai, lúc đó tôi đang chuẩn bị cho kì thi cuối học kì, thì chị gửi thư tới. Bức thư của chị rất ngắn, chỉ vẻn vẹn có ba dòng.
"Anh ấy gạt chị, anh ta không thương chị, anh ta chỉ muốn thử cảm giác mới.
Chị rớt đại học rồi, mà điểm chị lại dư hơn hai điểm vào trường chị chọn...
Bệnh của chị xấu đi rồi, em có thể về thăm chị một lần được không?"
Đọc xong bức thơ, tôi không kịp nghĩ gì cả, chỉ thấy tim đau nhói. Không cần hỏi ý kiến ba mẹ, tôi nhờ anh họ chở về quê ngay trong đêm. Có lẽ anh cũng cảm thương cho chị, hoặc anh thấy tôi là một đứa có lý trí, không làm việc theo cảm tính, nên anh mới tin tưởng chở tôi đi.
Trời tờ mờ sáng, tôi mới đến nơi. Chị ngồi bên chiếc bàn học bằng gỗ, chỉ bằng một nửa bàn học của tôi ở thành phố. Không hiểu sao, mắt tôi cay xè. Tôi chạy lại ôm chị, khóc nức nở gọi chị. Chị cười, nụ cười mãn nguyện, ôm tôi vào lòng. Người chị lạnh ngắt, nhưng tôi không buông tay ra, cứ vùi mặt vào ngực chị. Chị thì thầm:
_ Xin lỗi em, chị biết em đang trong kì thi, nhưng mà chị không biết tìm ai khác hết. Chị cũng cảm ơn em, cảm ơn em đã đến bên chị.
Tôi khóc òa lên. Chị lại vỗ về tôi, nói rằng không sao đâu, chị vẫn ổn. Nhưng tôi biết, chị là một cô gái nghị lực, khiến chị tuyệt vọng đến mức phải bày tỏ với một con nhóc như tôi, chứng tỏ việc đó nghiêm trọng đến cỡ nào.
Cả một đêm như thế, tôi khóc, chị ủi an, cũng đã hết một đêm. Tôi không nỡ xa chị, nhưng tôi còn phải về thành phố thi học kì. Nhìn bóng chị xa dần, nước mắt tôi lại trào ra. Lúc đó, tôi có một linh cảm mạnh mẽ, đó là lần cuối cùng tôi gặp chị.
Qủa thật như vậy. Ngay trước ngày thi một đêm, tôi nhận được tin chị mất từ bà tôi. Tôi lặng đi. Ba mẹ tôi cũng cảm nhận được tôi không ổn, nên luôn kề cận bên hỗ trợ tôi. Nhưng tôi không khóc, không hề rơi một giọt nước mắt. Có lẽ, đau quá, não tôi không tải được nữa rồi.
Điểm thi tôi tuột dốc. Nếu bình thường tôi có thể đạt con chín,con mười một cách dễ dàng, thì lần này tôi chỉ đạt tám cho môn toán, bảy cho môn văn.
Có điểm thi, tôi về quê thăm mộ chị. Đứng trước tấm bia đá dán tấm ảnh một cô gái với nụ cười yếu ớt nhưng tràn ngập sự kiên cường, tôi khuỵu xuống, vỡ òa. Tôi khóc như đó là lần cuối cùng tôi được khóc.
Chị ra đi ở tuổi hai mươi, độ tuổi đẹp nhất của một người phụ nữ, độ tuổi mà đáng lẽ chị phải được sống trong hạnh phúc, nhưng không. Chị đã chống chọi với cơn bệnh AIDS, chịu bao đớn đau, rơi bao nhiêu giọt nước mắt. Có khi, chết là tốt, chị không phải hứng chịu cơn đau dày xé đó nữa...
Ngày đó, tôi mở cái hộp màu hồng. Trong đó có một mảnh giấy, trên mảnh giấy có hàng chữ cong cong thân thuộc của chị:
"Đớn đau sẽ qua, nhìn về tương lai, quên đi em, mãi yêu em."
- o O o -
Bẵng đi hai tháng, tôi lại nhận được tin tức từ bà. Đại học Y thành phố chọn chị vào học, vì họ nhìn thấy thành tích cùng những nỗ lực vươn lên của chị. Nghe được tin đó, tôi bật cười như điên, nước mắt chảy ra. Chị thấy không, chị thành công rồi, chị đậu đại học rồi, chị có vui không? Ở dưới đó, chị có vui không...
Không còn lời khuyên của chị, tôi đã vấp ngã rất nhiều lần mới có thể làm quen với một cuộc sống mới không có chị. Chị đi rồi, một phần trái tim tôi cũng đi theo chị. Tôi vẫn về quê thăm mộ chị mỗi năm một lần. Tôi chỉ ngồi đó, nhìn chị, lâu lâu lại nhổ cỏ quanh mộ chị. Mỗi lần đến, tôi ngồi một mạch từ sáng đến tối, ba mẹ tôi lo lắng vô cùng, cố gắng khuyên nhủ tôi, tôi gắng gượng đứng dậy. Có lần, vì lo cho tôi, mẹ tôi đổ bệnh. Từ đó, tôi chỉ thăm mộ chị, nói vài chuyện vui một lát rồi theo mẹ đi về. Người đi cũng đã đi rồi, tôi nên để chị đi thong thả, không thể để chị lo lắng cho tôi được...
Lần này, tôi tiếp tục mở cái hộp màu xanh ra. Bên trong là một chiếc vòng tay bằng cỏ nhỏ, thêm một tờ giấy có hàng chữ nhỏ. Tôi đọc nó, sững sờ, rồi nhẹ nhàng khắc nó vào trong trái tim mình...
Hôm nay, tôi lại đến thăm mộ chị lần nữa. Cũng đã hơn ba năm rồi, nỗi nhớ trong lòng tôi nguôi ngoai được phần nào. Vừa đặt chân lên bãi cỏ xanh ngắt, tôi chợt thấy một bóng người đứng bần thần trước mộ chị. Tôi nheo mắt lại nhìn cho rõ, giật mình phát hiện, đó không phải là anh bạn thân của chị sao? Chị vẫn hay kể về anh, còn cho tôi xem hình, dù không chuẩn xác lắm nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi núp vào lùm cây, thở nhẹ. Chợt, tôi thấy anh cúi người xuống, đặt một nụ hôn trên di ảnh của chị. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi mảnh ghép xếp vào đúng vị trí của nó.
Tôi cứ thắc mắc, tại sao không ai đến thăm mà mộ chị lại sạch sẽ đến thế, không có lấy một bụi cỏ. Thì ra, anh thường xuyên lui đến chăm nom mộ chị, lần nào cũng gặt hết mọi cọng cỏ mọc lên. Lòng tôi như trút được một tảng đá. Thì ra, vẫn còn có một người yêu chị như vậy. Chị ơi, chị thấy không? Chị cũng có người thương chị thật lòng đấy! Mãn nguyện lắm phải không chị? Bởi vì, chị xứng đáng được yêu mà...
Chờ anh đi xa rồi, tôi mới bước tới cạnh mộ chị, đặt xuống một bó hoa bồ công anh tươi mới. Bên cạnh đó, một bó bồ công anh khác đã nằm ở đó tự lúc nào. Chị thích bồ công anh, vì nó đại diện cho sự kiên cường, bất khuất.
"Thời gian sẽ cho ta câu trả lời chính xác nhất"
Một cánh hoa bồ công anh bay lất phất trong gió, rơi nhẹ xuống trên tay tôi. Tôi chợt muốn viết một câu chuyện, một câu chuyện về người con gái nghị lực phi thường, đã gặt hái thành công sau bao đau khổ được gây ra bởi căn bạo bệnh của thế kỷ...
Ngày 15 tháng 10 năm 2018
Kết Thúc (END) |
|
|