Hôm nay lên facebook thấy dân mạng người ta chia sẻ rầm rầm cái vụ việc gia đình nhà nọ. Anh chồng trên người vẫn còn mặc chiếc áo đôi cùng với vợ mà tay ngang nhiên ôm cô bồ hạnh phúc đi dạo giữa phố đông người. Và cơ duyên đã đến khi người vợ biết được lập tức bế đứa con gái nhỏ khoảng hai tuổi phi đến để phanh phui sự việc. Tiếng còi xe ầm ĩ pha lẫn tiếng người vợ cầm chiếc dép đập chan chát vào đầu cô bồ đang nửa quỳ, nửa ngồi ôm chặt lấy người chồng kia để tìm kiếm sự bảo vệ.
Người vợ thét lớn đến khản cả giọng, lạc cả tiếng hỏi cô bồ: Vì sao mày giật chồng tao? Đời thiếu gì đàn ông sao mày phải đi phá vỡ gia đình người khác?
Người vợ khóc lóc hỏi người chồng: Vì sao lại phản bội? Anh nhìn con anh đi, nó còn nhỏ vậy, anh làm cha vậy sao? Rồi tiếng người đi đường khuyên can: Đừng đánh ghen nữa mau ra dỗ con đi, con bé khóc nãy giờ tội quá.
Đứa trẻ tuy còn nhỏ nhưng thấy bố mẹ mình đánh nhau, rồi tiếng người xung quanh xì xào bàn tán mà nó bật khóc âm thanh non nớt, yếu ớt đến tội nghiệp, đôi bàn tay bé nhỏ vời ra tìm kiếm tình yêu thương cùng van nơn cha mẹ nó đừng làm vậy.
Nhưng mẹ nó, người vợ ấy vẫn đang không ngừng chấp vẫn, trách móc và mang những thịnh nộ, uất hận và tủi nhục trong người chút hết ra ngoài bằng cách nắm lấy tóc cô bồ lôi đi xềnh xệch, rồi tay một ngón chỉ thẳng vào mặt chồng: Anh mau bỏ nó ra, hôm nay tôi phải đập nát mặt cái loại hồ ly tinh này.
Còn cô bồ thì càng lúc càng giống như rắn hổ mang quấn chặt lấy chân người chồng, mặt cúi gằm tránh đi những ánh đèn flash đang săm soi của thiên hạ, miệng không ngừng kêu: Anh ơi cứu em với.
Những chuyện như vậy trong vài thập kỷ qua vẫn là chuyện muôn thưởu và khi xưa nước ta nổi tiếng với kiểu đánh ghen của nàng Hoạn Thư trong truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du, còn ngày nay trên mạng internet thì đâu đâu cũng có, thậm chí còn có những vụ kinh hoàng hơn như tạt axit hủy đi dung nhan của người thứ ba, bắt lột quần áo, cắt tóc, rạch mặt,... Ôi nhiều lắm!
Nhưng Phan muốn hỏi các chị em sau những việc làm đó chúng ta được gì? Gia đình bé nhỏ đó của các chị em có thể gương vỡ lại lành, hạnh phúc như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Phan chắc rằng là không thể có chuyện đó nhé. Bởi đã có những trường hợp dù là thuê người đi đánh ghen thì hậu quả cuối cùng vẫn là các chủ sự đi hầu tòa rồi vào nhà tù bóc lịch. Ngồi trong đó chúng ta sẽ từng ngày gặm nhấm sự ân hận vì một phút giây suy nghĩ bộc phát, rồi ta ước giá như ta đừng có làm vậy, lí trí hơn một chút thì biết đâu đã không lâm vào hoàn cảnh thế này, con cái chúng ta cũng không đến nỗi bơ vơ, đau khổ và không người chăm sóc. Nhưng là suy nghĩ muộn màng cho những gì đã lỡ xảy ra.
Đã gọi là cuộc sống mà nó luôn muôn hình vạn trạng, hôn nhân cũng thế, có những gia đình hạnh phúc thì cũng có những gia đình bất hạnh, mà những điều đó là do bản chất con người tạo nên.
Không có một khái niệm hay điều kiện cần và đủ nào để tạo dựng nên một gia đình hạnh phúc, nhưng chắc hẳn khi những con người luôn có ý nghĩ cùng nhau phấn đấu, vun đắp, nhường nhịn, hy sinh, hướng đến điều tốt đẹp mà ở cùng nhau thì sẽ tạo dựng nên một gia đình theo đúng nghĩa. Còn nếu không thì sẽ là ngược lại, những người ích kỷ ở cùng nhau sẽ chỉ tạo ra một khối những ích kỷ, suy nghĩ ích kỷ, hành động ích kỷ, xã hội ích kỷ.
Vì sao Phan lại nói là ích kỷ.
Người mẹ chỉ nghĩ đến cảm nhận của bản thân mà không hề để ý tới hành động của mình gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lí của con cái, trẻ con tuy bé nhỏ nhưng không phải không biết suy nghĩ. Cuộc giằng co giữa hai người chúng yêu thương sẽ để lại một vết sẹo lồi lõm trong tâm trí của trẻ và theo chúng đến hết cuộc đời.
Người cha cũng vậy ngoài ý nghĩ muốn phản kháng lại sự chấp vấn của vợ thì không hề muốn dỗ dành đứa trẻ, mặc dù đó là đứa con đẻ của chính mình.
Cô bồ, chắc hẳn luôn giữ suy nghĩ tình yêu không phân biệt khoảng cách, rằng anh ấy đã có gia đình, miễn giữa hai người có tình yêu thì sẽ chiến thắng tất cả, để đến bây giờ bị túm tóc, đánh cho mặt mày nở hoa.
Những người xung quanh thì chẳng một ai đứng ra khuyên giải với lí do rất dễ cảm thông từ bao đời của người Việt Nam: ''Chuyện nhà người ta.''
Dư luận xem xong đua nhau chia sẻ với tốc độ chóng mặt chỉ với một giờ đồng hồ, trong khi một bài đăng của một cá nhân nào đó mắc bệnh hiểm nghèo đang cần đến sự giúp đỡ hay chuyên mục người tốt việc tốt thì đến cả tháng sau lượt chia sẻ cũng chưa chắc đã chạm tới con số như vậy.
Phải chăng ích kỷ luôn đi cùng với sự vô cảm.
Đứa trẻ vẫn khóc, cha mẹ chúng sau cãi vã thì chia tay, gia đình ấm êm bỗng chốc đổ vỡ và rồi sau này khi đứa trẻ trưởng thành, lập gia đình, nhưng không ai dám chắc rồi đây chúng sẽ có một hôn nhân hạnh phúc.
Bản thân Phan nhận thấy mình không có khả năng dạy ai phải làm cái này mới đúng, làm cái kia mới phải, những dòng viết này chỉ là xuất phát từ suy nghĩ của cá nhân Phan.
Đối với phụ nữ phong kiến hạnh phúc luôn bị bó buộc bởi Tam, Tòng, Tứ, Đức hay Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Ngược lại phụ nữ thế kỷ 21 có thể duy trì những điều đó nhưng không theo một cách bắt buộc. Nếu phụ nữ phong kiến phải sống và chịu đựng cảnh chung chồng thì phụ nữ thế kỷ 21 có quyền ly hôn người chồng mà bản thân cảm thấy không hạnh phúc.
Vậy đấy, chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh cho nên hãy học cách đánh ghen theo kiểu văn minh, đừng có mất lí trí đến nỗi lôi cả con cái vào những chuyện như vậy vì Phan biết một số người nghĩ mang con cái ra có thể níu kéo người chồng đã thay lòng. Ý nghĩ này hoàn toàn sai lầm, một khi người đàn ông đã thay đổi thì dù chị em có dùng những lí do mang tính nghiêm trọng hơn như dọa cắt cổ tay, uống thuốc ngủ,... để đe dọa đối phương, trong một số trường hợp có người sẽ quay về nhưng chị em có chắc thứ ở bên chị em lúc này là hạnh phúc mà mình vẫn mong chờ hay đơn giản chỉ là sự ''thương hại''.
Đến sau cùng phụ nữ cũng chỉ nhận lại sự ''dối lừa'' nếu cố chấp với những gì đã đổ vỡ, con cái chúng ta cũng sẽ chỉ nhận lại sự tổn thương.
Đã bao giờ phụ nữ tự đặt câu hỏi với chính mình: Mình cần hạnh phúc như vậy sao? Con mình cần người cha như vậy sao?
Tại sao phụ nữ phải quỳ gối níu kéo thứ hạnh phúc đã chẳng còn nơi mình đang đứng.
Tại sao phải kêu gào, lao vào túm tóc, xé quần áo, đánh vào mặt, làm tổn thương lẫn nhau vì một người đàn ông.
Tại sao phụ nữ lại dại dột cho rằng mang theo con cái, thậm chí là bố, mẹ, anh, chị, em nhà mình đi cùng thì có thể giành phần thắng mang thứ hạnh phúc bỏ đi đó trở về.
Hãy dẹp bỏ cái ý nghĩ rằng: Phụ nữ cần chồng, con chúng ta cần bố rồi làm ra những chuyện khiến cả hai sau này đến gặp mặt nhau cũng cảm thấy sượng sùng thậm chí là coi nhau như kẻ thù của hai chiến tuyến.
Xin hỏi phụ nữ thế kỷ 21 chúng ta không tự tay kiếm ra tiền hay sao?
Không tự nuôi dạy con cái.
Không tự yêu thương, chăm sóc bản thân hay sao?
Nếu chúng ta có thể tự kiếm tiền, tự nuôi dạy con cái thì tại sao còn đưa tay ra níu giữ người đàn ông làm tổn thương mình.
Thay vì làm ra những chuyện ầm ĩ như vậy phụ nữ có thể lí trí hơn một chút, có câu ''phụ nữ hiện đại chỉ đánh phấn, không đánh ghen'' điều này Phan thấy hoàn toàn đúng. Thay vì nhảy vào mổ nhau như hai con gà chọi, còn người đàn ông kia giữ vai trò như một trọng tài thì phụ nữ nên dành thời gian chăm sóc bản thân, mua những bộ đồ chúng ta thích, săn những mỹ phẩm đang hót trên thị trường, tập trung nuôi dạy con cái, tập trung kiếm tiền và đưa chúng đi du lịch. Hãy tin rằng tiền chúng ta kiếm ra càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với cảm giác an toàn.
Sẽ rất vất vả khi một mình đóng hai vai vừa làm mẹ, vừa làm cha nhưng hãy tin rằng trong một môi trường hòa bình con cái chúng ta vẫn sẽ trưởng thành và hạnh phúc như bao người. Còn chuyện dị nghị của xã hội đừng để tâm quá, bởi chẳng ai trong số họ có thể giúp đỡ hay sống phần đời này giúp chúng ta.
Ai thay lòng, đổi dạ kệ ai.
Ai nói gì, bàn tán gì kệ ai.
Phụ nữ hãy cứ yêu thương bản thân mình và ưu tiên cho cảm nhận của con cái chúng ta trước đã nhé. Phan tin rằng tiềm ẩn trong mỗi người phụ nữ là một sự mạnh mẽ chẳng kém cạnh so với đàn ông.
Thứ đàn ông bội bạc như thế phụ nữ hãy mỉm cười an ủi bản thân mình đã may mắn vì sớm nhận ra.
Đừng quyến luyến, đau khổ nữa nhé.
Vì anh ta không xứng.
Kết Thúc (END) |
|
|