Ngày ba nó cưới vợ nhỏ, ổng ép má nó phải tới dự đám cưới: “Tới đám cưới tao mày phải vui vẻ, có thái độ gì thì đừng có trách tao!”. Vậy đó, ngày ba nó cưới, má nó phải cắn răng chịu đựng nghe theo. Cưới xong ba nó về lấy hết đồ đạc đem đi, lúc đó căn nhà của mấy má con chỉ còn lại bốn bức tường cùng một không gian trống rỗng... Sau những ngày giông bão, Bà Hai, người phụ nữ với cái tên mà người ta hay gọi là bà chủ vợ ông chủ nhà may nghệ thuật Cà Mau đã trở thành người lao công quét đường.
Như thường ngày, khi ánh đèn phố bật sáng khắp con đường chùa Bà, là lúc Út Cường cùng cây trổi tre cao hơn đầu, nó ráng vói cán chổi xa hơn để quét cho xong sớm rồi còn qua phụ má nó quét những con đường khác! Năm mới tết sắp tới, cả thành phố người ta náo nức đi mua sắm, những đứa trẻ chạc tuổi lớp 6 như Út Cường được ba má chúng chiều chuộng đủ thứ! Vậy mà, có đứa còn nũng nịu khó ưa chê thứ này, đòi thứ khác... Út Cường dừng chổi, nó ấm ức khi nghĩ lại cách đối xử của ba nó đối với mấy má con, càng nghĩ nó càng thương má, thương má vì má nó hiền lành nên hay bị ba nó đánh đập, ba đẩy má nó vô cảnh đời một tay nuôi bốn đứa con bằng đồng lương lao công ít ỏi nên má nó phải quảy thêm gánh hàng rong đi bán. Nghèo không phải là cái tội, quét đường cũng là một công việc như những công việc khác, vậy mà bạn bè cùng lớp có đứa lại khinh rẻ chế riễu nó, nhiều lần Út Cường muốn chết đi để quên hết những cái miệng đời, và mỗi lần như vậy thì nó lại nghĩ tới câu chuyện xưa của ngoại nó nên nó trấn tĩnh lại được. Ngày trước ông ngoại nó là con trai nhà chủ điền giàu có nhất vùng, bà ngoại là người ở đợ, hai nguời bén duyên thương nhau, khi bị gia đình phát hiện và ngăn cản, ông ngoại đã dẫn bà ngoại bỏ trốn xuống U Minh Hạ, ngày đó U Minh Hạ có rất nhiều cá sấu, cọp, rắn... Mặc kệ sự nguy hiểm để được sống bên nhau, ngoại đã sống một cuộc sống hết sức bình dị cùng với rau rừng cá sông mà quá đỗi hạnh phúc... Cứ mỗi lần nghĩ tới ngoại là Út Cường hay cười thầm một mình bởi những câu chuyện về bác Ba Phi mà ngoại kể rất vui, người ta trèo lên cây ớt bị té gãy chân thì cũng lạ, rồi cả chuyện rắn tát cá, cọp xay lúa, heo đi cày... Đang chìm trong những câu chuyện của ngoại thì bỗng hai người đi dạo họ dừng chân nghỉ giải lao, họ kể cho nhau nghe một câu chuyện khác có vẻ huyền bí: “Dòng sông này linh lắm, nghe nói có hai người thợ lặn xuống nước sau khi lên bờ thì cả hai người đều bị câm, nghe người ta đồn rằng dưới lòng sông trước chùa Bà có hang cá bống mú rất lớn...”. Nghe xong câu chuyện của người đi dạo, Út Cường nhìn ra phía sông, nó cảm thấy lạnh người nên nó vội vác chổi qua chỗ má nó đang quét.
Út Cường khuôn mặt lấm lem, một tay nó cầm cán cây chổi vác trên vai, một tay cầm cái bọc đựng ổ bánh mì, nó bước lẹ tới chỗ bà Hai:
- Má ơi! Má nghỉ tay chút, má ăn cái này đi!
Bà Hai hỏi:
- Con lấy đâu ổ bánh mì đó? Má đã nói nhiều lần rồi là không được nhận đồ của người lạ cho mà!
- Không! Ổ bánh này là của cô Bảy nhà ở gần chùa Bà cho con đó!
- Con nói thiệt không?
- Con nói thiệt mà má!
- Vậy con ăn đi, má không đói!
- Má, con biết là má đói bụng rồi mà! Má ăn đi má…
Phố đã về khuya nên trở nên vắng lặng, gió xào xạc lay những chiếc lá rơi xuống vệ đường, ánh đèn làm nghiêng ngả chiếc bóng bà Hai và đứa con trai dáng vẫn liêu xiêu cùng cây chổi tre giữa màn đêm, tiếng chổi tre của họ là những âm thanh quen thuộc ở phường 2. Gió chướng năm nay thổi mạnh hơn mọi năm, Út Cường có cảm giác bâng quơ bởi không khí những ngày giáp tết, nó nghĩ không biết là gió thổi một vùng trời Cà Mau, thổi trên nóc nhà của mấy má con hay thổi khắp mọi nơi? Nhắm mắt lại ao ước, nó ước cho má luôn được khỏe mạnh và mong ba nó ở hẳn bên nhà dì đừng có về, mỗi lần ba nó về nhà là có chuyện, ba nó luôn vũ phu với má nó! Điều ước thì ước bỏ đó thôi chứ má nó vẫn còn thương ba nó lắm! Chính vì vậy mà chòm xóm người ta nói kiếp trước má nó mắc nợ ổng nên kiếp này cứ nhẫn nhịn hoài.
Mỗi năm, cội mai già trước sân đều trổ bông sớm, tuy vậy, trong ngôi nhà của mấy má con bà Hai vẫn đầy ắp không khí tết! Bà Hai đứng nhìn bốn đứa con loay hoay mặc thử mấy bộ quần áo cũ mà người ta cho. Mỗi khi vui hoặc buồn bà Hai thường ca vài câu vọng cổ hơi thiệt dài mà không cảm thấy mệt! Thấy vậy, Út Cường hỏi:
- Má ca hay giữ heng! Mà chèn ơi, sao ngày xưa má không đi theo đoàn cải lương?
Bà Hai kể lại:
- Ngày đó ngoại không muốn má và các cô cậu theo gánh hát, ngoại nói cái nghề đó lênh đênh, tình duyện thì lận đận lắm...
Nói xong khuôn mặt bà Hai buồn thẳm, có lẽ bà nghĩ bà không theo gánh hát thì cũng vẫn lận đận chuyện tình duyên đó thôi... Trầm tư một lát, bà Hai xuống góc bếp lấy mấy xấp lá ra lau để chuẩn bị gói nồi bánh tét, thỉnh thoảng bà lại cất lên một đoạn vọng cổ bài Đêm khuya trông chồng: “Trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ sao anh thương không đồng…”.
Thời gian đã phủ bạc trên mái đầu bà Hai! Thời gian không chờ đợi ai bao giờ! Người lớn trở thành người già, trẻ con rồi ai cũng phải lớn lên và Út Cường đã vô học ngành sư phạm. Với bà Hai, niềm vui lớn nhất là thấy các con mình mạnh giỏi. Bà hay nhắc các con của bà chính là phép màu ban cho bà nghị lực để tồn tại. Phận đàn bà có mấy ai lấy chồng mà đều được trọn vẹn đâu! Phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu, mỗi người đều có một số phận riêng...
Năm tháng qua đi, giờ ở thành phố này đã đổi thay nhiều thứ, chỉ duy nhất con đường chùa Bà là không mấy khác. Chiều nay có ai nhận ra người thầy đang bước lang thang trên con đường chùa Bà chính là cậu bé quét rác ngày trước! Mỗi lần về thăm quê, thầy Cường hay trở lại con đường cũ để kiếm tìm lại miền kí ức, được ngắm nhìn vùng trời bình yên quê mình đổ những vạt nắng vàng xuống dòng sông trước chùa, thỉnh thoảng có những con chuồn chuồn nghỉ mệt đậu trên khóm cỏ mọc dưới bờ kè, khắp cả vùng trời Cà Mau gió chướng vẫn đang thổi, lá cây vẫn đang rơi xuống vệ đường, tiết trời những ngày giáp tết thật đẹp, sắc xuân cũng đang tô điểm trên những nhành mai, bông cúc, và có vài người xa quê lâu năm họ hỏi thăm địa chỉ người thân khi họ đã trở về quê cũ... Tất cả đã và đang là những gam màu vẽ lên bức tranh cuộc sống của người thầy xa xứ, người lái đò thầm lặng đang từng ngày đưa các trò của mình qua sông.
Kết Thúc (END) |
|
|