Gửi Hà Nội 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, từ Hà Nội mùa xuân hòa bình năm 2019!
Xin được gửi tặng đến liệt sỹ Vũ Xuân Thiều, liệt sỹ Hoàng Tam Hùng và những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Xin được gửi tặng đến những chiến sĩ mà lịch sử đau thương đầy bi tráng của đất nước dài đến mức chẳng thể ghi hết tên các anh.
"Anh là chiến sĩ vô danh, nhưng chiến công của anh là bất tử".
.
"Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân huỷ diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy nhiệm vụ của chú rất nặng nề".
Bác Hồ nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào một buổi tối mùa xuân năm 1968.
.
"Đất nước còn đang bị chia cắt vì chiến tranh, bom đạn của quân thù vẫn còn đổ trên đầu của đồng bào ta thì tôi sao có thể nghĩ đến chuyện yêu đương được?"
Đó là câu trả lời của Hoàng khi có cậu bạn cùng lớp vỗ vai nhắc khéo: "Có rất nhiều bạn học nữ chết mê, chết mệt cậu đấy".
Không phải vì Nhung thích chất giọng trầm ấm của chàng trai Hà Nội gốc Huế, không phải vì Nhung thích người có dáng người cao cao với sải tay thật dài. Hoàng biết không, Nhung thích Hoàng vì câu nói ấy!
Khi các bạn học nữ reo hò cổ vũ cho cậu bạn chơi giỏi bóng rổ, khi cả lớp xúm lại vây quanh thành viên của đội tuyển bơi lội thiếu niên Hà Nội, Nhung ngồi lẳng lặng ở góc lớp đọc cuốn "Một người chân chính" của Boris Polevoy. Nhung chẳng để ý Hoàng chút nào cả cho đến khi Nhung nghe Hoàng nói câu ấy!
.
"Mối quan tâm của tôi chỉ có một, không có hai.
Đó là làm sao cho đất nước của chúng tôi luôn luôn được bình yên".
[ ! ] Bài hát tiếng Nga "Thời thanh niên sôi nổi". Theo bác Lại Văn Sâm dịch.
.
"Mày chết mê chết mệt máy bay và bầu trời hả Hoàng? Tao suốt ngày thấy mày phác họa máy với chẳng bay. Thời gian mày vẽ một chiếc máy bay, mày có thể vẽ hẳn mười bức tranh để tặng mười bạn học nữ rồi."
"Mày biết tao tuổi gì không? Tao tuổi máy bay. Máy bay thì chỉ yêu bầu trời."
Biết được điều ấy, Nhung đã quyết định tặng Hoàng cuốn "Một người chân chính", cuốn truyện về phi công Maresev nổi tiếng, người bị thương gãy chân vẫn luyện tập để quay lại lái máy bay và tiếp tục cất cánh chiến đấu, để lại phía sau cả một câu chuyện tình lãng mạn và cô bạn gái mắt xanh với hai bím tóc nâu huyền. Nhung nhớ là Nhung đã xé không biết bao giấy vở để tập viết "Lời tỏ tình". Sự "hy sinh" của chừng ấy trang giấy đã đổi lại những dòng chữ không bao giờ hối tiếc.
Ở trang cuối của cuốn truyện Nhung nắn nót viết...
"Nhung sẽ chờ đến khi Nam - Bắc thống nhất một nhà, Nhung sẽ chờ đến khi bom đạn không còn rơi trên những cánh đồng lúa quê hương ta, Nhung sẽ chờ đến khi đất nước không còn tiếng súng của quân thù.
Nhung biết máy bay thì yêu bầu trời, nhưng máy bay đến khi mỏi cánh đừng quên nơi mặt đất vẫn luôn có sân bay rộng lớn đang chờ máy bay!
Hồng Nhung.
Hà Nội, 1963."
Nhung bí mật kẹp cuốn truyện vào quyển vở Hoàng để trong ngăn bàn.
.
"Cảm ơn Nhung vì cuốn truyện". Hoàng không nói thì Nhung cũng đoán là Hoàng đã đọc nó suốt đêm vì hôm ấy Hoàng ngồi trong lớp mắt nhắm nghiền, đầu thì cứ lắc lư. Rõ ràng là Hoàng ngủ gật rồi!
.
Nhung biết Hoàng cũng mến Nhung là khi...
Hôm ấy, cả lớp rủ nhau đi xem bộ phim về đề tài không quân nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết: "Khoảng trời Ban Tích" tại rạp Đại Đồng, phố Hàng Cót. Hoàng đã chạy thật nhanh theo Nhung để tranh chỗ ngồi cạnh Nhung với mấy cậu bạn khác. Nhung biết Hoàng đã nhiều lần đưa tay định nắm lấy tay Nhung nhưng rồi lại rụt tay lại.
Hoàng của năm 17 tuổi mãi nợ Nhung một cái nắm tay!
.
"Nhung à, lên xe đi, Hoàng có chuyện rất quan trọng muốn nói với Nhung."
Nhung nhớ Hoàng đã chở Nhung trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Các bạn học trầm trồ xuýt xoa mà cũng ghen tị với Nhung. Ngày ấy, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng đáng giá cả một gia tài khổng lồ, người "có Phượng Hoàng" là chất lắm, cứ như là dân chơi chính hiệu vậy. Người được Hoàng đèo sau lưng phải có diễm phúc lớn lắm Hoàng nhỉ?
"Hoàng ăn cùng Nhung đi".
"Nhung ăn đi, Hoàng không thích đồ ngọt".
"Ăn cùng đi mà".
"Cũng không tệ".
Hoàng năm 17 tuổi đã để dành tiền để mua kem Tràng Tiền cho Nhung.
Chúng ta của năm 17 tuổi đã cùng "nhâm nhi" một que kem.
Tình yêu năm 17 tuổi có vị ngọt dịu nhẹ như vị ngọt thanh của que kem Tràng Tiền ấy.
Tình yêu vẫn âm thầm len lỏi giữa lửa đạn chiến tranh như que kem mát lạnh giữa mùa hạ nóng bức.
.
"Hoàng quyết định sẽ đi khám tuyển phi công. Nhung ủng hộ Hoàng chứ?"
Nhung gật đầu không do dự. Chỉ cần đó là quyết định của Hoàng, Nhung nhất định sẽ ủng hộ. Nhung cũng đâu có thể ghen với tổ quốc của chúng ta?
"Mưa rồi, hay là đợi mưa tạnh rồi Hoàng trở Nhung về? Hoàng không đem theo áo mưa".
"Hoàng có dám tắm mưa không? Nhung thì dám đấy".
"Hoàng đạp xe cẩn thận, đạp qua trúng ổ gà rồi".
Bánh xe lăn qua vũng nước, bọt trắng xóa tung lên, ướt nhèm ống quần hai đứa. Nhung hát vu vơ, Hoàng cũng ngoái đầu lại nhìn, ánh mắt chạm nhau, khóe môi mỉm cười.
"Anh lên xe trời đổ cơn mưa,
cái gạt nước xua đi nỗi nhớ.
Em xuống núi nắng về rực rỡ,
cái nhành cây gạt mối riêng tư.
Từ nơi em đưa sang bên nơi anh,
những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
Như tình yêu nối lời vô tận,
là Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn."
[ ! ] Bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - lời Phạm Tiến Duật.
.
"Hồi nhỏ, anh trai Hoàng trèo cây hái hồng, gọi Hoàng ra đón, Hoàng chạy nhanh quá nên vấp ngã bị gãy xương quai xanh. Ở đó không có bệnh viện nên nhờ ông thầy lang cứu giúp, ông dùng một loại lá rừng giã nát rồi đắp cho Hoàng, một thời gian sau thì lành hẳn. May là các bác sĩ không phát hiện ra chiếc xương quai xanh của Hoàng bị gãy, nhưng trong cái may lại có cái rủi, đến phần thi quay tròn thì Hoàng bị loại".
Để rèn luyện khả nặng chịu đựng của phi công, Hoàng chăm chỉ luyện tập quay tròn lắm. Đến lần thứ hai, cuối cùng Hoàng cũng vượt qua hết các bài kiểm tra. Hoàng về vừa khoe vừa thú tội với Nhung: "Thực ra Hoàng cố chịu đựng, chứ lúc ra khỏi phòng kiểm tra, phải chạy một mạch vào chỗ khuất, nôn thốc nôn tháo. May mà các bác sĩ không phát hiện".
.
"Ra đi nặng một lời thề.
Không thắng giặc Mỹ không về Bách Khoa".
Năm 1966, chàng sinh viên khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội lên đường sang Liên Xô học lái máy bay phản lực để bảo vệ bầu trời tổ quốc.
.
Một tháng trước ngày Hoàng đi...
Hoàng ôm cây đàn ghi ta hát, dù Nhung đứng giữa đám đông người, phải cố kiễng chân để thấy Hoàng, Nhung vẫn cảm nhận được Hoàng đang hướng ánh mắt về phía Nhung.
"Dù rằng đời ta thích hoa hồng
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng
Ta yêu sao làng quê non nước mình
Tình quê hương vút thanh âm khúc quân hành ca"
Mấy cậu bạn ngồi cạnh Hoàng hát đệm, cố hát to lên ba chữ "Thích hoa hồng", rồi bá vai Hoàng trêu chọc: "Hoàng thích hoa hồng nhưng phải là "Hồng Nhung" mới chịu".
.
Một tuần trước ngày Hoàng đi...
Nhung đang ngồi bên ô cửa sổ chải mái tóc dài thướt tha. Hoàng bỗng phi chiếc máy bay giấy được gấp bằng giấy pơ luya màu xanh về phía Nhung.
"Nhung đọc đi".
Nhung mở chiếc máy bay ra.
"Hoàng yêu Nhung!
Bầu trời mãi yêu mặt đất.
Hà Nội, 1966".
Hoàng tựa tay lên thành cửa sổ: "Từ giờ Nhung phải gọi Hoàng bằng anh, không được gọi tên Hoàng nữa".
Mẹ Nhung đi chợ về thấy có cậu trai lạ mặt đứng trước cửa sổ "rình mò" liền cầm quang gánh đuổi theo đánh Hoàng. Hoàng vừa chạy vừa hét thật to: "Hoàng yêu Nhung". Hoàng đừng trách mẹ nhé, một người phụ nữ có chồng đi bộ đội hy sinh trên chiến trường, một người phụ gồng gánh cả một đại gia đình, người phụ nữ ấy không chỉ làm mẹ mà còn làm cha. Người phụ nữ mảnh khảnh với tiếng du ầu ơ, tưởng chừng êm đềm nhưng có thể át cả tiếng bom... Cuộc chiến tranh này mang gương mặt những người phụ nữ, những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con...Nhung ước gì chiến tranh chưa từng tồn tại!
Hoàng của tuổi 20 thà chịu ăn đòn gánh chứ nhất định không lỡ với Nhung một lời tỏ tình "chân chính".
.
Ngày Hoàng đi...
Ngày đầu thu Hà Nội năm 1966...
Những đoàn tàu rời ga Hà Nội đưa các chiến sĩ trẻ vào giải phóng miền Nam. Họ là những cậu sinh viên tuổi đôi mươi ôm bao nhiêu ước mơ và khát vọng của riêng mình gói ghém lại, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.
Và cả những đoàn tàu liên vận đưa những cậu sinh viên ra sân bay lên đường sang Liên Xô học tập.
Sân ga Hàng Cỏ ngập tràn những cánh thư bay trắng xóa một khoảng trời.
"Những chiến công của các chú phi công như phi công Trần Hanh, phi công Phạm Ngọc Lan bắn rơi máy bay Mỹ trong những trận không chiến đầu tiên đã thôi thúc thế hệ thanh niên, đã thắp lên ngọn lửa say mê với bầu trời, làm lòng yêu nước, khát khao được cống hiến vì tổ quốc trong anh rực cháy".
Anh của tuổi 20 nhẹ hôn lên trán em...
Anh của tuổi 20 vẫy tay lưu luyến chào em, chào Hà Nội,...
Em cứ chạy theo đoàn tàu, chạy cho đến khi toa tàu cuối cùng khuất hẳn ở chân cầu Long Biên...
.
"Em gửi cho anh
Chiếc phong bì màu xanh
Màu ước mơ hy vọng"
.
Em và anh đã quy ước với nhau chỉ viết thư trên giấy pơ luya màu xanh - màu của hòa bình và hy vọng!
"Gửi người anh yêu, gửi Hà Nội thương nhớ!
Anh lần đầu tiên đặt chân lên đất nước Xô Viết hùng vĩ vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, hoa táo nở trắng xóa.
Mùa đông tới, tuyết rơi ngoài trời, những cậu thanh niên đến từ một đất nước nhiệt đới lần đầu tiên thấy tuyết chạy ùa ra khỏi lớp, bọn anh như đám trẻ con hồn nhiên "ăn" tuyết, ăn như ăn đá bào vậy. Hôm sau đó, anh bị viêm họng Nhung ạ!
Liên Xô của rất nhiều những lần đầu tiên, lần đầu tiên nhớ nhà da diết đến vậy, lần đầu tiên nhớ những món ăn chân quê, "nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương",...
Em biết không, ở đất nước xa xôi này thấy một bóng dáng nhỏ bé người Việt Nam, thấy giọng nói thân thương của đồng bào, anh đều chạy tới ôm lấy họ, và bọn anh đều khóc. Những đứa con xa xứ vẫn luôn khắc khoải hướng về tổ quốc thân yêu, hướng về đồng bào đang ngày đêm dầm mưa dãi nắng, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Em ơi, bố mẹ ơi, đồng bào ơi, chúng tôi sẽ sớm về!
Trường Không Quân Liên Xô, 1967!"
.
Năm 1969, anh trở về nước và chiến đấu trên chiếc MIG - 17. Bác sỹ phát hiện ra ở anh có hiện tượng máu đông. Năm ấy, em mới biết thân thế thực sự của anh, anh là con trai của phó thủ tướng! Anh tặc lưỡi, thản nhiên mà khoe rằng đồng đội anh có người là con của nguyên Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, người là con trai của Giám đốc Công an TP. Hà Nội, người là con trai của Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Cha mẹ anh có thể dễ dàng xin cho anh rút khỏi hàng ngũ phi công trực chiến nhưng ông bà đã làm theo ý muốn của con trai "con chỉ nghỉ điều dưỡng vài ngày là trở lại bình thường thôi mà!"
Em gửi tặng anh con đại bàng trắng tạc bằng đá cẩm thạch có thể phát sáng vào ban đêm, vì anh sẽ là phi công lái máy bay tiêm kích ban đêm, giống như đại bàng luôn sải cánh rộng và vững chắc, hạ gục những "Thần sấm", "Con ma" và cả B52 của Mỹ.
.
Một người bạn là phóng viên người Pháp đã hỏi Nhung rằng: "Tại sao thế hệ thanh niên Việt Nam lại có ý chí kiên cường đến vậy, các bạn là thế hệ không sợ chết sao, các bạn "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", các bạn sẵn sàng lên đường dù biết đi là sẽ chết".
Lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng tôi có nói thế này: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...", "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Bạn biết không, miền Nam là máu thịt của chúng tôi. Vì miền Nam "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Đứng trên mảnh đất thân thương của tổ quốc, đứng trước ranh giới vĩ tuyến 17, đau đáu đứng từ một nửa cầu Hiền Lương, rõ ràng phía bên kia là đồng bào của chúng tôi, rõ ràng chúng tôi mang trong mình cùng một dòng máu nhưng chẳng thế bước tới mà ôm lấy nhau.
Bạn biết tại sao cầu Hiền Lương có 2 màu (vàng và xanh) không. Ban đầu, Việt Nam Cộng hòa sơn nửa cầu phía bên mình màu xanh, sau đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sơn nửa cầu kia thành màu xanh y hệt. Và cứ thế, Việt Nam Cộng hòa sơn màu gì, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại sơn màu đó. Đó là khát vọng thống nhất đất nước của chúng tôi.
"Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ,
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa..."
Bạn có biết người nữ dân quân vác trên mình hai thùng đạn nặng gần 100 kg tiếp đạn cho bộ đội đánh trả máy bay địch không? Người phụ nữ ấy không chỉ vác trên mình thùng đạn gấp đôi trọng lượng cơ thể mà còn vác trên lưng cả một dân tộc. Đồng bào mình khổ quá, bộ đội ta khổ quá, chính vì tình máu mủ ruột thịt ấy, chính vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc chúng tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể.
.
"Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số về phía tây. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn..."
Khoảng 20 giờ ngày 18-12-1972, Mĩ huy động hàng chục tốp máy bay B52 và các loại máy bay khác ồ ạt ném bom Hà Nội, mở đầu 12 ngày đêm ném bom hủy diệt...Trong 12 ngày đêm đó, máy bay Mĩ đã đánh phá Hà Nội và các vùng phụ cận. Chúng ném bom cả vào bệnh viện, trường học, khu phố, bến xe,...làm cho hàng nghìn người dân chết và bị thương.
Đêm 20 rạng sáng 21-12, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 7 chiếc B52, có 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 12 phi công Mĩ.
Ngày 26-12, địch tập trung số lượng máy bay B52 lớn nhất (105 lần chiếc) hòng hủy diệt Hà Nội. Hơn 100 địa điểm ở Hà Nội bị trúng bom. Riêng ở phố Khâm Thiên, bom Mĩ đã sát hại 300 người, phá hủy 2000 ngôi nhà. Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 18 máy bay Mĩ (có 8 chiếc B52), bắt sống nhiều phi công Mĩ. Những ngày đêm tiếp theo, máy bay Mĩ vẫn không thoát khỏi sự trừng trị của quân dân ta. Đêm 29-12, Hà Nội đánh thắng trận cuối cùng, tiêu diệt thêm 1 chiếc B52...
Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mĩ đã bị đập tan, quân dân ta bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mĩ, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F11A, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC.
Ngày 30-12-1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc.
.
Anh nói em là mặt đất, anh là bầu trời, chỉ cần mặt đất gọi bầu trời sẽ trả lời. Anh đã nói như vậy!
.
"Phải nhìn con chim én khi nó đang bay. Phải đến những ngày nóng bỏng này chúng ta mới thấy hết sức mạnh tiềm tàng cũng như những vẻ đẹp còn ẩn náu của Hà Nội"
(Hà Nội, tháng Chạp, bản anh hùng ca – Hữu Mai).
.
Anh đã nói mùa xuân năm 1973 anh sẽ xin cưới em. Hóa ra chúng ta cách nhau chỉ một mùa xuân, mùa xuân hòa bình của đất nước.
.
Lá thư anh gửi gia đình vào ngày 21-12-1972...
Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa bom hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội và những vùng phụ cân. Rồi sẽ còn chồng chất thêm nhiều tội ác như thế nữa. Đó là điều mà ai cũng lo lắng và căm giận. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho cái ngôi nhà thân yêu của mình, cùng với...
.
Trưa ngày 28/12, người đồng đội của anh đã hy sinh anh dũng sau khi bắn rơi hai chiếc máy bay RA-5C. Một mình anh ấy đã quần thảo với 12 chiếc F4, cuối cùng bị trúng tên lửa, anh ấy vẫn cố gắng cho máy bay rơi vào ven bãi sông Hồng, để không ảnh hưởng đến khu vực dân cư.
.
Tháng 12 năm ấy có một Hà Nội hào hùng trong khói lửa, "đất rung, ngói tan, gạch nát".
.
Đừng nghĩ đến những chiếc F4 mà hãy nghĩ đến những chiếc B52.
.
Anh say sưa nói với em về những chiếc máy bay, về cảm giác dạo chơi trên không ngắm nhìn dãy núi, dòng sông của quê hương ta. Em đến giờ vẫn không biết hình dáng chiếc MIG - 21 ra sao, em chỉ biết rằng người em yêu đã lên chiếc máy bay đó và ra đi mãi mãi.
.
21 giờ 41 phút, anh được lệnh cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy
21 giờ 58 phút, khi đến Sơn La, anh phát hiện mục tiêu, lập tức báo cáo và tăng tốc độ bám sát. Trong bầu trời tối đen, rađa lại bị nhiễu rất nặng nên rất khó phán đoán cự ly, nhưng anh vẫn bình tĩnh phán đoán cự ly bằng mắt, theo tín hiệu đèn hàng hành của B-52.
Nhờ những kinh nghiệm của phi công Vũ Đình Rạng, sở chỉ huy nhận thức rõ để đảm bảo an toàn cho phi công ta thì cự ly hiệu quả nhất để tiêu diệt B52 là 2 km, vì nếu gần hơn thì máy bay ta sẽ không kịp thoát khỏi vùng nổ của chiếc B52 chứa đầy xăng và vũ khí.
Đến lượt mình, anh đã hạ quyết tâm tiếp cận ở cự li gần hơn và sẽ phóng 2 quả tên lửa để bảo đảm chiếc B52 phải rơi tại chỗ. Điều này đồng nghĩa, anh khó thoát khỏi vùng nổ và có thể hy sinh!
Chiếc máy bay B.52 bị thương lạng đi nhưng vẫn cố lao về phía mục tiêu thực hiện ý đồ trút bom xuống Hà Nội. Không một giây chần chừ, anh liền tăng tốc lao thẳng chiếc MIG 21 vào chiếc B.52 còn đầy bom chưa kịp trút xuống. Một tiếng nổ long trời lở đất, hai quầng lửa bùng lên sáng rực bầu trời rồi rơi xuống biên giới Việt-Lào.
.
Em đã từng tự hỏi lòng mình không biết bao nhiêu lần, bầu trời cao thăm thẳm kia đã đổi cho em thứ gì mà đem anh đi mãi mãi. Thậm chí bầu trời còn chưa từng hỏi em có chấp nhận hay không? Sau này em mới biết ngày ấy anh thương lượng với bầu trời để đổi lấy hòa bình cho quê hương đất nước, cho cha mẹ già, cho em thơ và cho cả em - người con gái anh yêu.
.
Anh đã biến mình thành quả tên lửa thứ ba, anh đã thực hiện được ước mơ lái chiếc MIG - 21 tiêu diệt pháo đài bay B52 với tất cả lòng quả cảm và quyết tâm của tuổi trẻ.
Người ta thấy hai mảnh xác máy bay găm vào nhau, đó là dấu hiệu cho thấy máy bay của anh đã lao vào chiếc B52.
.
Anh nói em mặc váy cô dâu sẽ đẹp lắm, cuối cùng em chỉ có thể làm một việc với tư cách là vợ của anh. Cuối cùng em chỉ có thể đeo chiếc khăn tang trắng trong ngày tiễn đưa anh. Em cứ đứng lặng nhìn di ảnh của anh - người thanh niên với nụ cười tươi tắn trong bộ quân phục bám đầy tuyết trắng giữa mùa đông của xứ sở Bạch Dương.
.
Đất nước hòa bình, Hà Nội sạch bóng quân thù! Anh ở đâu?
Anh nói khi nhớ anh, em hãy nhìn lên bầu trời. Anh cũng đang nhớ em!
Anh nói khi giận hờn anh, em hãy nhìn lên bầu trời. Thứ lỗi cho anh được không?
Anh nói khi em không còn yêu anh nữa, em cũng hãy nhìn lên bầu trời. Anh đang chúc phúc cho em!
Này chàng phi công, có phải anh muốn em kê chiếc giường ra ngoài hiên nhà, ngày ngày nằm dài lười biếng ngắm nhìn bầu trời?
Nếu cứ nhớ anh lại ngẩng đầu lên nhìn mây trời, em mỏi cổ lắm.
.
Đất nước hòa bình, Hà Nội sạch bóng quân thù! Anh ở đâu?
Em từng nghe câu chuyện về phi công Ivan Leonov. Em vẫn mong rằng anh vẫn còn sống, rằng anh đã nhảy dù xuống một miền quê nào đó. Và anh được chuyển tới trạm cứu thương, quân y sẽ cứu sống anh. Nếu họ không có đủ lượng máu dự trữ, nếu họ hỏi "Ai có nhóm máu này, hãy cứu lấy cậu phi công này". Em sẽ như nữ y tá Nina Frolova hét lên: "Hãy lấy máu của em!". Lấy bao nhiêu máu cũng được, chỉ cần anh tỉnh dậy.
Nhưng chúng ta nào có được sự may mắn ấy?
Đồng đội đã tìm thấy thi thể của anh, anh bị một vết thương sâu ở sau gáy nhưng nét mặt đầy sự bình thản...
.
Đất nước hòa bình, Hà Nội sạch bóng quân thù! Anh ở đâu?
Anh ở cao cao trên bầu trời này, bầu trời năm ấy anh và em cùng ngắm nhìn, bầu trời hôm nay em tương tư. Anh vẫn luôn ở đó, len lõi giữa những đám mây phiêu lãng. Mưa rơi, em có thấy nước mắt anh không?
Anh bay giữa làn bom đạn để em đi trên con đường ngập nắng vàng nhưng anh đâu biết chỉ cần đi cùng anh con đường nào em cũng dám đi.
.
Ở một đất nước hòa bình, những chàng trai không phải cầm cây súng, họ ôm những đóa hoa hồng tặng cho người con gái họ yêu.
- Em là Hồng Nhung.
- Anh cũng không nhớ tên anh nữa nhưng anh tuổi "Máy Bay".
Em là mặt đất.
Anh là bầu trời.
Chỉ cần mặt đất gọi, bầu trời sẽ trả lời.
Kết Thúc (END) |
|
|