Ngày tôi và anh chọn được ngày cưới là ngày tôi biết tin bố tôi mắc căn bệnh ung thư quái ác. Đám cưới của tôi phải lùi lại vài tháng để dành thời gian chữa bệnh cho bố. Tối hôm đó tôi khá buồn, trong lòng có chút giận dỗi, chẳng thiết ăn uống gì. Bố nhẹ nhàng tới ngồi cạnh tôi rồi chậm rãi nói lời xin lỗi vì đã khiến tôi lỡ dở chuyện hạnh phúc một đời. Thấy tôi vẫn ngồi im lặng bố nhẹ nhàng xoa đầu tôi dỗ dành. Bố tôi hứa sẽ chiến đấu hết sức để mau khỏi bệnh, để có thể dắt tay tôi lên lễ đường. Bố sẽ tận tay trao tôi cho người con trai đáng tin tưởng, và không cho kẻ nào bắt nạt con gái bố. Thời điểm đó tôi đã không thể nào hiểu được hết tâm ý của bố cũng như sự áy náy vô vàn thẳm sâu trong tâm can của người.
Vài ngày sau đó hai bố con tôi sửa soạn đồ đạc lên bệnh viện K - Hà Nội chữa bệnh. Lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa. Tôi vừa run vừa lo, bố tôi nắm tay tôi cười ầm lên, tôi thì xấu hổ khi mình đã 24 tuổi còn nhát cáy như con nít. Cả chặng đường dài tôi mới cảm nhận được ngay cả khi mang bệnh trong người bố vẫn là anh hùng vĩ đại nhất, là người duy nhất có thể che chở cho đứa con gái bướng bỉnh đã 24 tuổi. Thời tiết lúc này đã là tháng mười hai, nhìn bên ngoài cửa kính là khung cảnh hoang tàn, nhưng tôi không thấy lạnh vì bên cạnh tôi đã có bố.
Xếp hàng cả ngày trời rét buốt tôi mới làm xong thủ tục nhập viện cho bố. Tôi gần như phát sợ cái bệnh viện này. Kiếm được cái giường bệnh bé tí teo trong căn phòng chật chội cho bố nằm mà tôi hoang mang, nó thực không thoải mái chút nào. Nhưng dù sao còn đỡ hơn rất nhiều bệnh nhân còn phải nằm la liệt bên ngoài hành lang, cái dãy sập xệ ấy thì cứ thông thống gió cuốn theo những đợt buốt giá, đến tôi khỏe mạnh còn chẳng thể nào chịu được. Đêm đó mệt quá tôi co ro ngủ quên trên ghế chờ bên ngoài, bố tôi lặng lẽ đi ra và bế tôi vào, nhường giường bệnh bé tí teo cho tôi nằm. Bố còn ngồi cạnh rất lâu nhìn tôi ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi nhìn bố gà gật cạnh giường mà muốn khóc.
Chuỗi ngày trường kì chiến đấu với tử thần của tôi và bố bắt đầu. Ngay ngày đầu tiên tôi và bố đã phải xếp hàng rất lâu, chen chúc làm thủ tục khám bệnh, chạy hết khoa này đến khoa khác làm các xét nghiệm. Xong các xét nghiệm thì trời đã tối mịt, tôi chẳng phải bệnh nhân mà còn thở hồng hộc. Trong đầu tôi bắt đầu nghĩ như thế này bệnh nhân sẽ chết trước khi biết mình bị bệnh gì mất. Bố nhìn điệu bộ bất an của tôi mỉm cười: "Bố vẫn chiến đấu được."
Đến chiều ngày thứ ba bác sỹ mới gọi tôi vào thông báo kết quả, nghe xong tôi đờ đẫn cả người. Họ nói bố tôi đã hết hi vọng, chỉ tiến hành phẫu thuật tháo đường ruột ra ngoài để kéo dài cho bố thêm vài tháng, sau đó nếu tình hình sức khỏe bố khả quan thì có thể hóa trị, nếu không thì nên về nhà chuẩn bị sớm. Tôi không biết đã khóc khủng khiếp như nào. Vừa rồi mấy người đi ra khỏi đây cũng đều hóa điên dại như tôi lúc này. Tôi mất một ngày suy nghĩ và quyết định, lại mất thêm một ngày làm thủ tục phẫu thuật cho bố. Tử thần không cho tôi lựa chọn, và cũng chẳng cho tôi thời gian để thư thả suy tính.
Tôi không nhớ đã khóc bao lâu khi nhìn trộm bố nằm mê man qua khe cửa phòng hồi sức. Thời gan của bố tôi đang bị rút ngắn nhanh chóng. Hành lang bệnh viện mấy ngày này rét khủng khiếp, bên cạnh tôi lúc này không có bố che chở nữa. Nỗi sợ trong lòng tôi càng dâng lên bội phần. Tôi cứ ứa nước mắt khi nhận ra tôi cần bố đến mức nào.
Sau ca mổ hai tuần chân bố tôi có dấu hiệu bị liệt. Bác sỹ nói nên lập tức đưa bố về, hết hi vọng rồi, hãy cho bệnh nhân biết sự thật, không thì không kịp nữa. Tôi về phòng bệnh, nhìn bố đang nằm mà không biết phải nói gì. Bố đang hí hoáy nghịch mấy dịch vụ nhà mạng. Tôi không khỏi càu nhàu sao bố cứ tốn tiền vào mấy dịch vụ mạng vớ vẩn này thế. Bố tôi không nói chỉ tủm tỉm cười.
Đêm đó tôi đã trốn ra một góc hành lang kín đáo và suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng tôi quyết định từ sáng sớm hôm sau đã quỳ trước cửa phòng bác sỹ trưởng khoa, chỉ cần có cách nào đó thêm một ngày sống cho bố tôi cũng chấp nhận hết. Bác sỹ lắc đầu nói tôi cố chấp, suy nghĩ không sâu, bố tôi có sống thêm được vài ngày mà phải nằm lay lắt đau đớn thì cố gắng cũng vô ích. Nhưng tôi vẫn kiên quyết muốn thử phác đồ điều trị thử nghiệm mới, tôi không thể để mặc bố tôi chết mà không làm gì cả... Cuối cùng thì bác sỹ cũng bị tôi thuyết phục, họ đồng ý cho bố tôi dùng hóa chất dạng viên, dù sẽ có trăm ngàn phản ứng phụ có thể xảy ra, mọi thứ tôi phải chuẩn bị thật kỹ. Tôi gọi điện về cho mẹ, và giờ tôi là kẻ nói dối đại tài, tôi nói bố có hi vọng rồi chẳng chút ngập ngừng trong khi nước mắt đã rơi ướt đẫm áo.
Bao ngày bố con tôi hi vọng quyết chiến đấu kham khổ trên bệnh viện nhưng kết quả lại vô cùng thảm hại, hai chân bố tôi bị liệt hoàn toàn. Bố tôi đã bị di căn vào xương, cơ thể bố còn không chịu được thuốc hóa chất. Không chỉ không thể đi lại, đến tự ngồi dậy bố còn khó khăn, mọi sinh hoạt bố đều không thể tự làm, và để con gái chăm sóc thì càng bất tiện. Tôi đã khóc um lên khi loay hoay mãi không thể đưa bố đi vệ sinh rồi đành bất lực để người bị những bệnh nhận bên cạnh chê cười. Tất cả là tại tôi quá cố chấp, không chịu để bố được thanh thản bên người thân ở quê nhà. Tôi cứ nhất quyết để bố khổ cực ở bệnh viện để hi vọng rồi tuyệt vọng.
Bố tôi biết tôi khổ sở, người chẳng kêu ca một lời nào, chỉ nhẹ nhàng bảo tôi: "Mình về thôi con gái, mẹ con và các em đang chờ ở nhà."
Tôi cố làm thủ tục nhanh nhất để đưa bố về. Về nhà rồi tôi mới thấy bố cười nói nhiều hơn, vui vẻ và ăn uống tốt hơn, không phải kham khổ như trên bệnh viện, ngủ cũng ngon hơn nằm trên cái gường bệnh bé tí teo lạnh buốt đến trở mình cũng phải cẩn thận. Nhìn cả nhà sum vầy bên nhau tôi quả thực hối hận vì tính cố chấp của mình, tình thương của tôi vô tình đã cướp mất thời gian bên mọi người trong nhà của bố. Lẽ ra tôi nên đưa bố về nhà sớm hơn, bố sẽ được vui vẻ nhiều hơn, mẹ và các em tôi cũng được an ủi nhiều hơn. Nhìn đứa em trai mới học lớp 6 của tôi cứ đòi cõng bố ra ngoài cho thoải mái, còn đứa em gái học lớp 10 cứ hì hụi mỗi ngày dưới bếp nấu nướng đủ món cho bố mà lòng tôi như thắt lại. Chúng nó chưa biết sự thật vô cùng khủng khiếp rằng chúng tôi sắp mất bố mãi mãi.
Mỗi tối bố tôi vẫn hí hoáy với mấy dịch vụ của nhà mạng.
Tôi đã quên hoàn toàn đám cưới của mình, và cũng không hề hay biết mình đã bị phản bội.
Vài tháng sau bố tôi mất, bố đã xin lỗi tôi rất nhiều vì không thể giữ lời hứa sẽ dắt tay con gái lên lễ đường. Bố dặn sau trăm ngày của người tôi phải tiến hành đám cưới, người không muốn cướp mất hạnh phúc của tôi. Sáu tháng tiếp sau nữa tôi mới lưỡng lự chuẩn bị đám cưới, khỏi phải nói mẹ và người nhà đã phải động viên tôi nhiều đến mức nào. Nhưng tôi nhận ra người yêu tôi đã không còn như xưa, anh đã thay đổi thành người khác tự lúc nào rồi. Thiệp cưới đã đặt in và gửi đi, nhưng hôm chúng tôi chụp ảnh cưới, nhân tình của anh ta đột ngột đến và kéo anh ta đi một mạch, chẳng ai buồn giải thích cho tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi mặc bộ váy cưới đứng chết trân tại hậu trường chụp ảnh ngoài bãi biển, lặng nhìn bóng dáng người đàn ông là chỗ dựa còn lại cho tôi đang dần biến mất. Trái tim đầy bản lĩnh của tôi cuối cùng lại trao nhầm cho một kẻ tồi tệ.
Lòng tôi lúc này mới thấm thía đủ vị cay đắng của hai chữ "phản bội".
Bố đã từng hứa sẽ tự tay trao tôi cho người đàn ông là chỗ dựa cho tôi đến hết cuộc đời. Nhưng giờ bố đã bỏ rơi tôi mãi mãi, chỗ dựa còn lại mà tôi vô cùng tin tưởng cũng phản bội tôi. Tôi đã gào thét vì uất hận ngoài bãi biển cả buổi, mặc nguyên bộ áo cưới đã ướt đến quá nửa, trong đầu tôi chỉ còn ý nghĩ muốn chết quách luôn đi.
Tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo liên hồi, cuối cùng tôi cũng trấn tĩnh lại để nghe lời giải thích từ ai đó. Nhưng đó không phải là cuộc gọi để giải thích như tôi mong chờ. Là một tin nhắn thoại được nhắc lại nhiều lần. Tôi bàng hoàng khi nghe giọng bố tôi trong tin nhắn thoại được gửi tự động theo dịch vụ mạng. Hóa ra đây là lý do bố tôi cứ hí hoáy thử mấy dịch vụ mạng trong thời gian cuối đời. Bố sớm biết mình có thể ra đi bất cứ lúc nào, và cũng sớm biết con gái bố không phải là kẻ mạnh mẽ như bề ngoài.
"Con gái bố, ngày cưới của con bố không kịp dắt tay con lên lễ đường rồi. Bố chưa làm được gì cho con, việc bố hạnh phúc nhất và muốn làm nhất cho con bố cũng không làm được. Hãy tha thứ cho bố! Con gái yêu của bố, khi con nhận được tin nhắn này, bố đã mất rất nhiều công sức để gửi đấy. Tin bố, dù có khó khăn gì, dù có đau đớn khủng khiếp thế nào xảy ra với con, hãy cùng bố về nhà đi, mẹ và các em con đang chờ..."
Tôi òa khóc, tin nhắn thoại của bố còn được nhắc lại rất nhiều lần, mỗi lời nhắn đều nhắc đi nhắc lại đầy thôi thúc, "... Mẹ và các em con đang chờ..." Tôi mặc nguyên bộ váy cưới chạy như bay về nhà. Bước tới cổng tôi thấy mẹ và ông bà đang hốt hoảng lo lắng chạy đi khắp nơi tìm tôi, mắt đã đỏ hoe, các em nhỏ dại thì đang ngồi khóc ngóng ngóng ngoài sân chờ tôi. Chưa bao giờ tôi thấy gia đình lại quan trọng và ý nghĩa đến vậy, đó là nơi duy nhất tôi có thể tìm về trong cơn tuyệt vọng, và là những người duy nhất khóc cùng tôi. Tôi ôm chầm lấy mẹ và các em òa khóc:
"Mẹ ơi, bố gọi con về..."
Kết Thúc (END) |
|
|