Miền Bắc, những năm đầu sau thống nhất
Mùa hè, trời vẫn đương còn tờ mờ sớm, ánh nắng còn chưa thoát khỏi sự vây hãm của màn đêm, vậy mà u tôi đã lục đục thức dậy. U tôi làm công nhân ở nhà máy phân lân, thường thì phải lúc trời gần sớm, u mới thức dậy lo toan chuyện nhà rồi đi làm. Nghe chừng có chuyện không hay, tôi rón rén bước chân ra cái cửa thông tới phòng khách, liền nghe giọng u tôi loáng thoáng.
- Thầy nó cũng buồn cười thật đấy! Con mình thì không lo, không quan tâm đi, lại đi quan tâm con nhà người khác!
Thầy tôi nghe vậy đanh giọng lại:
- U nó đừng có mà như thế! Mười năm chinh chiến bên nhau cũng đâu có phải là xa lạ nữa. Ngày ấy, đi bộ đội thiếu thốn đủ thứ, anh em chia nhau từ bát cơm, cái mắm, gắn bó nhau như gia đình... Đã hẹn... đã hẹn, sau chinh chiến, ai còn về được thì quan tâm, giúp đỡ vợ con người đi trước...
Nói tới đây, thầy dừng lại một lúc lâu, lúc nói tiếp, đã là cái giọng nghèn nghẹn:
- Cái lời thề ấy, thiêng liêng thế nào, u nó không biết đâu... Nhà chú ấy nay cũng chẳng còn ai, chỉ còn độc nhất đứa con gái đã trưởng thành. Tôi cũng gặng vời mãi, con bé mới hứa, sẽ coi đây như nhà nó, chịu khó về đây mỗi dịp nghỉ hè...
Nói xong, thầy tôi khụt khịt mũi, đưa tay lên lau nước mắt lem nhem trên gương mặt đã già nua. Còn nhớ, ngày thầy về nhà, thầy với cái gương mặt đã chai sạm mùi thuốc súng cùng những nếp nhăn đã có tự bao giờ, tôi còn không dám lại gần. Mãi sau, thấy thầy hay mua quà cho anh chị, tôi liền cũng bạo dạn bám thầy đòi quà. Thầy tôi hiền lắm! Nhưng cũng bởi khói bụi chiến tranh khiến thầy hụt hẫng giữa cuộc sống hiện tại, thành ra, lúc nào thầy cũng lầm lũi như một ông cụ.
U tôi thấy thầy tôi như thế nghe giọng cũng yếu đi nhiều:
- Ơ kìa, sao thầy nó lại phải khóc. Thôi thôi, tôi không nói nữa, từ nay tôi không nói nữa.
Lần nào lôi chuyện này ra, cuối cùng u tôi cũng nói như vậy. Cũng nói sau này sẽ không nói nữa, nhưng cuối cùng, khi gặp chuyện khó khăn, lại lôi ra kể lể như một bà cụ.
Người con gái trưởng thành mà thầy tôi nhắc tới, là chị Như. Chị Như lớn lên ở Hà Nội, mang hơi thở Hà thành hiện đại xen lẫn cốt cách Tràng An không lẫn đi đâu được. Tôi còn nhớ, lần đầu gặp chị là mùa hè năm ngoái, khi ấy, tôi còn không dám thưa chuyện với chị. Vì quá đỗi mong manh, vì quá đỗi thanh nhã. Chị làm tôi nhớ đến cụ Nghi làng mình thời trước trong lời kể của u. Cụ Nghi sinh ra và lớn lên ở chính nơi này thôi, là một tiểu thư con nhà phú hộ, am tường đủ điều, lễ nghi mà cũng rất cởi mở, thoát tục mà cũng rất gần gũi. Là viên ngọc quý của làng tôi thời ấy.
Chị Như cũng giống như vậy, lại cũng không giống như vậy. Ở chị, tôi thấy được cả một Tràng An hào hoa và phồn thịnh thủa trước, cũng thấy được Hà Nội đầy chất thơ và duyên dáng thuở này.
Thầy chị Như là một trong số những trí thức Hà thành đi vào chiến trận từ những năm sáu mươi để rồi hi sinh cho những hành trình cuối cùng đi tới thống nhất đất nước. Ngày mới về làng, thầy tôi chưa nghỉ ngơi được bao lâu, đã vội vã khăn gói lên Hà Nội quyết tìm con gái cho người anh em đã khuất. Tôi còn nhớ, vẻ mặt thầy những ngày ở nhà lúc nào cũng đăm chiêu, cũng lo lắng để rồi cuối cùng cũng không đợi nổi mà đi. U tôi cũng vì lẽ đó mà không bằng lòng, nên mới thường hay trách thầy không quan tâm con cái mình.
Mãi sau này, tôi mới biết, thầy tôi khi ấy lo lắng không yên là bởi, có tin chỗ nhà chị Như ngày ấy là nơi Mỹ đánh bom vào năm 1972. Sau này, người ta hay viết báo, gọi đó là trận chiến Hà Nội mười hai ngày đêm...
Thầy tôi thút thít như một đứa trẻ được một lúc, lại lên tiếng bằng một cái giọng sâu lắng, cái giọng mà tôi thường nghe được mỗi khi thầy kể về những người đồng chí thuở ấy.
- U nó đừng nói thế nữa. Nếu mà, nếu mà ngày ấy tôi là người chết, thì chú ấy cũng sẽ về đây, cũng sẽ chăm lo cho u nó và mấy đứa thôi...
...
Mấy ngày sau, đúng hẹn, chị Như với chiếc va - li cói xuất hiện trước cửa nhà tôi.
Tôi vui lắm, chạy ra đón chị như một đứa trẻ lên ba.
- Chị Như.
Thấy tôi gọi, chị đáp lời bằng giọng thanh thanh vốn có:
- Quyên đấy à.
- Chị Như, lần này về chị có ở lâu không? - Tôi hỏi đầy mong chờ.
Tôi thích chị Như ở đây lắm. Chị biết rất nhiều thứ. Tôi thích nhất chị kể chuyện về Hà Nội. Một Hà Nội có những hàng me xinh đẹp, có bờ hồ yên ả, rồi tiếng xe đạp kẽo kẹt, tiếng tàu điện leng keng và cả tiếng nói cười của những dòng người qua lại nữa. Chị luôn kể về nơi ấy bằng một giọng ấm áp đầy yêu thương. Cái sự yêu thương đó rất lạ, nó còn từ chị truyền sang tôi nữa. Thế là, tôi cũng yêu Hà Nội.
Mặc dù, Hà Nội tôi biết đến của sau này không còn được như lời kể của chị nữa nhưng thứ tình yêu vùng đất ấy vẫn không thể lung lay. Có lẽ là bởi, trong tiềm thức, nó vẫn luôn được nuôi dưỡng bởi chất giọng êm ái của chị.
- Chị ở đây với Quyên đến khi nào có kỳ học mới nhé. - Chị Như cười hiền đáp lại tôi.
- Vâng, thế thì tốt quá. - Tôi vui sướng reo lên.
Chị Như học Đại Học Tổng Hợp. Tôi hâm mộ chị lắm. Sau này, tôi cũng một lòng thi vào ngôi trường ấy.
Vào đến nhà, thấy thầy tôi ngồi trong phòng khách, chị Như từ tốn tiến lại thưa chuyện:
- Thưa thầy, con mới về ạ.
Thầy tôi nghe vậy mừng lắm. Trên gương mặt đã hằn lên năm tháng của thầy nở một nụ cười đầy mãn nguyện.
- Để thầy bảo cái Quyên dọn đồ giúp con.
Tôi cũng nhanh nhảu nắm lấy cái va - li của chị toan bê vào.
- Dạ thưa, thầy cứ để con thu xếp ạ. - Nói rồi, chị cầm lấy cái va - li rồi hướng về phía gian trong, không quên gọi tôi vào cùng.
- Quyên có vào đây với chị không?
Tôi nghe thế liền chạy theo ngay.
Vừa vào đến phòng, tôi liền lân la hỏi chị.
- Chị Như ơi, em nghe bảo anh Trường có thư cho chị?
Chị Như nghe thấy cái tên này, mặt liền đỏ ửng lên, dáng vẻ ngượng ngùng của chị khiến tôi buồn cười. Nhớ hồi đầu mới về, đám trẻ con hàng xóm ăn nói sỗ sàng quá, chị Như nghe chúng nó nói chuyện lần nào cũng đỏ mặt như vậy. Mà cái nét ấy, vào trong mắt người khác lại gợi lên một vẻ dễ thương lạ kỳ.
Anh Trường là người làng tôi, con nhà nông thôi. Nhưng anh ấy cũng giỏi, hay làm ra mấy thứ đồ hay ho, cũng hay chỉ cho mọi người mấy cái mẹo tốt để làm việc. Mặc dù nhà anh cũng như mấy hộ nông khác, sống quẩn quanh bên cái nghèo, cái đói, nhưng vẫn được lắm gái làng thương trộm lắm. Anh Trường đó mà thương chị Như nhà tôi.
Chị Như cũng lạ, ấy vậy mà cũng có lòng với một chàng trai nghèo thôn quê như anh Trường.
Nhưng kể ra, chắc do cách anh Trường tình tứ chị Như lạ nên thế. Không giống đám trai làng ngoài kia, cứ nói thẳng làm chị ngại, sau chị cũng không hay ra khỏi nhà nữa. Anh Trường thì hay viết thư, cho vào cái bì thư nhỏ, buộc với một bông hồng dại mà để bên hiên nhà tôi. Ngày nào cũng đều đặn như vậy. Chị Như mấy lần có đọc cho tôi nghe mà tôi vẫn nhớ.
"
Như là hoa sen trong bùn lầy,
Như là đóa hồng dưới sương mai,
Như là hoa quỳnh trong đêm tối,
Thanh khiết, đằm thắm mà dịu hiền,
Để bao người ôm giấc mộng Anh Thảo.
Người có hay, người có hay?
"
Giữa năm tháng của giấc mộng làm trai,
Tôi gặp em Tràng An người con gái,
Thanh lịch một nét, hiền dịu mười phân,
Dáng vẻ thời luôn ân cần,
Sợ em không muốn tảo tần sớm hôm,
Tương tư nán lại tâm hồn,
Chỉ mong em nhớ giữa trăm bộn bề,
"Sen hãy còn ở trong đầm,
Bùn dẫu có nổi chẳng hề lấm lem."
"
Ngày ấy, tôi còn không biết vì sao những vần thơ quá đỗi rời rạc ấy lại làm chị động lòng. Chỉ cho đến khi nhiều năm sau, có lần tôi thử hỏi chị chuyện cũ, chị cười mà rằng: "Thơ của anh ấy thực ra rất vụng, nhưng anh ấy khiến chị nhớ về mẹ chị, mẹ chị cũng đã từng bày tỏ với cha chị bằng những lời thơ vụng về như thế. Không cầu đối phương tình cảm, duy chỉ thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ."
Tôi nghĩ, có lẽ anh Trường biết, hay anh Trường cũng yêu cái nét mộng mơ mà tế nhị trong tâm hồn chị.
Thấy tôi ngồi yên một lúc không nói gì, chị Như liền hỏi lại tôi:
- Quyên sao thế?
Tôi giật mình phát hiện ra mình đã thả hồn đi đâu mất rồi, liền hỏi lại:
- Chị Như vừa nói gì kia?
- Ừ, thì chị đang bảo, sao em biết chuyện anh Trường thế? - Chị Như nhỏ giọng đáp lại tôi.
Tôi trông vậy, cũng làm bộ thần bí, nhỏ giọng đáp chị:
- Cái Hiên bẩu với em đó.
Cái Hiên là em gái anh Trường, cũng trạc tuổi tôi thôi. Nó hay đi vớt bèo bên sông Tô Lịch cho mẹ nó, phải một hôm tôi cũng ra đó chơi, thế là quen nhau, thế là thân nhau. Tôi thương nó lắm, nhà đói khổ, làm đủ việc mà học hành cũng không được tới nơi tới chốn. Mấy lần, tôi đem cho nó mấy quyển sách cũ mà nó quý thấy thương. Nhưng u tôi thì không mấy ưng lòng chuyện tôi cho sách lắm. Cũng may, tôi biết chuyện u giấu thầy đổi gạo mậu dịch với gạo trắng của nhà nó nên u cũng không mắng tôi nhiều. Mà nói đến gạo mậu dịch, ngày đó có lần cái Hiên đưa cho tôi ăn thử mà kỳ thực tôi nuốt không nổi, nó như bã ra trong miệng và còn có một mùi hôi nồng nữa. Ấy vậy mà, nhà cái Hiên vẫn ăn nó như thức ăn chính trong ngày. Còn có cả món cơm độn ngô, cơm độn khoai, sắn nữa...
Xong rồi, ngày anh Trường với chị Như có ý, hai chúng tôi thế là lại càng thân hơn. Cùng nhau giữ chúng một bí mật, liền lấy đó làm tự hào lắm.
Chị Như thấy tôi làm bộ bắt chước chị, chị liền đỏ mặt, tay đưa lên miệng che đi nụ cười tủm tỉm:
- Quyên lại trêu chị rồi.
Lúc ấy tôi còn nghĩ, chắc sau này, tôi cũng sẽ yêu, cũng sẽ hiểu vì lẽ gì mà chị hay đỏ mặt thế. Nhưng tôi cuối cùng lại không hiểu được. Tôi không biết vì chúng tôi vốn khác nhau, hay vì cách chúng tôi nhận tình yêu khác nhau nữa.
- Chị về đây rồi, sẽ lại có hồng dại bên hiên nhà nữa cho mà xem. - Tôi cười trêu chị.
Chị Như nghe vậy mặt càng đỏ hơn.
...
Khi nắng hè đã chiếu to, và chiếu thật nhiều hơn, tôi thấy chị Như đã bắt đầu ra khỏi nhà. Tôi thấy vậy, còn trêu chị rằng: "Anh Trường không biết lại làm ra cái gì mà thu được nắng hè, chiếu thẳng vào tim chị Như của em mất rồi."
Chiều chiều, lúc tiếng ve kêu inh ỏi cả một góc làng, anh Trường với chị Như thường ngồi bên cánh đồng nhà anh ấy, nói những chuyện vu vơ. Tôi thấy anh Trường rụt rè lắm, mà chị Như cũng bẽn lẽn không kém phần. Cứ một lúc, lại thấy chị Như khẽ đưa tay che miệng, đuôi mắt cong lên đầy hạnh phúc.
Cái Hiên bảo hai người yêu nhau sao mà kỳ thế? Cứ ngại ngại ngùng ngùng thì sao mà được?
Tôi thì lại thấy một cái gì đó rất duyên ở chị Như và một cái gì đó đầy tôn trọng và nâng niu ở anh Trường. Tôi thấy họ yêu nhau, mà lại như là tri kỷ. Là một cái gì đó hơn cả tình yêu, là sự am tường và thấu hiểu, là một cái gì đó hòa trộn giữa hai nhịp đập.
Tôi cảm giác, họ như sinh ra là dành cho nhau vậy.
Ai bảo cứ ở bên nhau lâu thật lâu mới là tình yêu thực sự? Tôi thấy, hai người họ, chính là tình yêu thật sự.
Sau này, nhiều lúc tôi cũng muốn được như chị Như, cũng hay muốn đi tìm một tình yêu như chị. Thế nhưng, tìm hoài, tôi mới phát hiện, cái người mà có thể đồng điệu tâm hồn với mình, không phải ai trong cuộc đời cũng gặp được...
Chị Như yêu vào nom lạ lắm. Chị hay cười vu vơ, hay ngồi bên hiên nhà chờ đợi. Đôi lúc cũng mạnh bạo bất ngờ, nhưng lại không hề giống như những cô gái làng tôi, vẫn thoang thoảng cái nét đoan trang lạ kỳ.
Tôi nghĩ, vì lý ấy, mà chị thường khiến người khác nhớ thương, mà ngưỡng mộ.
...
Đó là năm 1979, khi chị Như cùng anh Trường yêu nhau đã được hai mùa hè và thầy tôi cũng biết họ yêu nhau được một mùa hè. Lúc biết chuyện, thầy thường nhiều lần đánh tiếng với chị chuyện bố anh Trường năm xưa từng theo Pháp, bị người ta bắt đi tù mấy năm. Nói chính xác ra, thầy có ý nói không thích nhà bên đó, nhưng ngại nói thẳng, vì chị cũng không còn nhỏ, mà chị cũng không phải như tôi và các anh chị của tôi. Những lúc như thế, chị thường chú tâm nghe chuyện thầy nói, dạ thưa vâng ạ đầy kính cẩn rồi lại cậy thầy nom xem anh Trường tính tình thế nào, liệu có thể chăm sóc cho chị được hay không?
Ngày ấy còn bé, tôi cứ không hiểu sao, chị hiểu ý thầy tôi nhưng lại nói như vậy. Rõ ràng hai người lúc ấy giống ông nói gà, bà nói vịt, vậy mà thầy cũng ưng lời. Mà sau này thầy còn khen chị ứng xử khôn khéo mà lễ độ nữa.
Nhưng đó hẵng là chuyện của nhiều năm sau, khi chị Như không còn về đây thường xuyên nữa...
Tôi còn nhớ, năm 1979, cả nước sục sôi khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đi vào giai đoạn phản công sau nhiều tổn thất vì bị tấn công từ giữa những năm 1977. Thầy tôi bảo, cuộc phản công này, dù không muốn cũng vẫn phải xảy ra, đánh bọn Pol Pot, là sứ mệnh của Việt Nam mình. Vậy mà, khi tôi đã trưởng thành, đã kết hôn, đã sinh con và con của tôi đã lớn, người ta lại tranh cãi về cuộc chiến này, có mấy người bảo, nó là một cuộc chiến xâm lược. Nhưng tôi tin thầy tôi hơn.
Vậy là, thanh niên trai tráng năm đó lại được gởi giấy triệu tập vào quân ngũ lần nữa. Anh Trường cũng thế. Tôi nghe cái Hiên bảo, thầy nó còn đương chạy vạy khắp nơi xin hoãn để anh nó không phải đi, nhưng tình hình không tốt lắm, vì năm ngoái cũng đã xin hoãn một lần.
Vẫn chưa đến mùa hè, chị Như còn ở trên Hà Nội nữa. Tôi bỗng chốc dâng lên một niềm bất an lạ thường, lại không có cách nào liên lạc với chị. Nếu đánh tiếng với thầy, không biết có thầy có đem tôi ra mắng cho một bài hay không? Nhưng nếu cứ thế này thì lo quá, nghĩ bụng vậy, tôi liền cậy chị hai gửi thư cho chị Như.
Kết quả, lúc biết chuyện, thầy tôi lại không có mắng, chỉ nói với tôi bằng một giọng xa xăm: "Thầy có gửi cho chị Như con rồi."
Tôi không biết vì sao thầy lại như thế, hay thầy đã chấp nhận anh Trường rồi? Hay thầy cũng có nỗi bất an như tôi?
...
Năm ấy, nghe cái Hiên bảo, chị Như có một hôm về thăm anh Trường, hai người nói chuyện với nhau lâu lắm, lâu hơn bất kỳ lần hò hẹn nào của họ. Nó thấy anh Trường ôm chị Như, nó nghe có tiếng thổn thức vang lên.
Nó bảo, không biết tại sao nó lại khóc theo chị Như. Hình như, nó cũng phát hiện ra nỗi bất an chung của tôi, của thầy, của chị Như, cũng như của bất kỳ người thân nào khác có người đi lính thời ấy...
...
Chị Như vẫn về nhà tôi mỗi độ Hè sang, nhưng tôi không thấy cái sự tươi tắn và tràn đầy sức sống của chị nữa, chỉ thấy man mác buồn. Tôi cũng buồn theo chị. Tôi nhớ những cái đỏ mặt dễ thương, những nụ cười vu vơ và những niềm vui nhỏ của chị quá!
Còn chị Như, có lẽ, chị bận nhớ phong thư kẹp bên đóa hồng dại bên hiên nhà nên quên mất niềm vui rồi...
Chị vẫn có thói quen ra khỏi nhà buổi sớm, đứng bên hiên chờ đợi, mặc dầu thứ chị chờ đợi sẽ không xuất hiện thêm nữa.
Chị vẫn có thói quen viết thư, để vào phong thư nhỏ, nhưng không cất trong túi áo để mang đi nữa mà giấu trong một chiếc hộp gỗ cũ kỹ.
Chị vẫn sống bình lặng như thể tấm lòng chưa từng gợn sóng.
Nhưng tôi thấy trong đôi mắt chị, là sầu thương không gì xoa dịu nổi.
...
Vài năm sau đó, trước khi thầy tôi kịp ngỏ ý chị Như về vài đám hỏi, chị đã thưa chuyện với thầy sẽ đi sang Liên Xô tiếp tục học lên cao hơn. Thầy tôi thật lòng muốn chị ở lại gả chồng, muốn chị có một cuộc sống viên mãn, nhưng lại cũng không muốn ngăn cản bước tiến của chị. Dầu gì, thầy của chị Như, cũng luôn muốn chị Như được sống theo ý mình. Tôi nghe thầy bảo chị suy nghĩ kĩ thêm rồi hẵng quyết định.
Nhưng rồi, chị vẫn đi.
Ngày chị đi, u tôi buồn lắm. Bao năm nay, chị vẫn hay trò chuyện với u, hay cùng u làm những thức quà truyền thống mà u thích. U tôi vốn ban đầu không thích chị, nhưng ở chung đã lâu, u cũng không còn để tâm những chuyện cũ nữa...
Từ ngày đó, mỗi năm chị Như về đây có một lần vào ngày giỗ thầy chị. Chị cơm nước, bày biện mâm cỗ, ôn chuyện với thầy u tôi, quỳ lạy cảm ơn thầy u tôi đã hương khói cho thầy chị, xong rồi rất nhanh rời đi. Tôi còn không kịp hỏi thăm chị thế nào.
Mãi về sau, khi thầy tôi đã yếu đi nhiều, chị Như mới hay về đây chơi hơn.
Rồi sau đó là mỗi năm hai lần, đều đều như vắt chanh...
Cho tới khi tôi báo chị tin anh Trường về, sau đó, là mỗi năm ba lần...
Tính ra, chị Như đi hết nửa đời người, tình yêu của chị mới quay trở lại.
...
Tôi có nghe cái Hiên kể, từ khi chiến tranh qua đi, thầy nó bắt đầu liên lạc với người quen ở nhiều nơi để tìm con trai cả. Tôi nghe kể, mãi đến trút những hơi thở cuối cùng, thầy nó vẫn canh cánh một nỗi chưa tìm thấy con trai, có nắm tay u nó mà rằng: "Khi còn sống không tìm được thằng Trường, chết rồi tôi làm ma đi tìm nó về cho bà."
Tôi nghe kể, anh em nó liên lạc với người quen ở mọi nơi, tìm anh nó.
Tôi nghe kể, anh em nó liên lạc với cả chương trình tìm mộ liệt sĩ, tìm anh nó.
Rồi, tôi nghe kể, nhiều năm sau đó, có một người đồng đội của anh nó đến tìm, kể cho gia đình nghe về anh Trường ở chiến trường đã làm tốt thế nào, đã qua đời ra sao, và hiện tại đang ở đâu. Hai năm sau, anh em nó mới đón được anh Trường từ nghĩa trang tỉnh Đồng Nai về ở nghĩa trang liệt sĩ cạnh đình làng.
Sau đó, mỗi dịp giỗ anh Trường, nó thường hay thấy có phong thư cùng một bông hồng dại, đặt ngay ngắn cạnh bia mộ anh nó. Người nhà nó nghe được chuyện tình năm ấy, có mở thư ra xem, thì năm nào cũng vẫn là mấy dòng chữ nắn nót như vầy:
"Mừng anh trở về.
Thương mến,
Như."
HOÀN THÀNH
27.04.2018 - Lưu Thu Huyền.
HỒNG DẠI BÊN HIÊN
(Thơ đề từ - lời của Như)
Đồng thơm chốn cũ nguyên một vẻ
Nắng vàng đổ xuống nhuộm nước non,
Dăm ba đứa trẻ từng vuông tròn,
Bây giờ hoang vắng, chẳng lon ton.
Bóng người gánh nước thời cắt ngọn,
Hồng dại bên hiên chẳng còn tươi,
Dáng trai vẫn vậy tuổi đôi mươi,
Cớ sao em không nổi nụ cười.
Kết Thúc (END) |
|
|