Làm sao có thể quên được những kỉ niệm vui buồn sau ba năm học chung với nhau? Làm sao có thể quên được những trò quậy phá làm thầy chủ nhiệm bị trừ lương?
Làm sao có thể quên được chọc phá không cho thầy cô dạy? làm sao quên được những lần trốn thầy quản sinh khi đi học muộn? Và làm sao quên được đây, tuổi học trò?
- o O o -
Lớp tôi nằm ở vị trí đón nắng,đón gió,đón cả những sự quan tâm đặc biệt của cô Hiệu phó ở ngay phòng bên cạnh và thầy Quản sinh ở tầng trệt dãy đối diện.Có lẽ nhờ có cả sự ưu ái đặc biệt của cả tự nhiên và con người mà những dấu hiệu của mùa hè đến với chúng nó thật rõ ràng.
Đầu tiên là đi ngang qua phòng cô Hiệu phó hằng ngày để đến lớp thì thấy sập tài liệu trên bàn làm việc cao bất thường.Thầy quản sinh làm việc hết công suất để đánh giá…chính xác hạnh kiểm cuối học kì.Nắng thì chiếu thẳng vào cả cửa chính (cửa ra vào) lẫn cửa phụ (cửa sổ) qua từng tán lá của cây phượng vươn ra gần hết hành lang và đang nhăm nhe chui tọt vào cửa sổ với lấm chấm những nụ hoa mới nhú chiếu từng vệt dài trên nền lớp học,khiến những đứa ngồi ở gần cửa sổ như nó khó mà tập trung học hành vì còn mải lấy vở che mặt để tránh tiếp xúc với ánh nắng chói chang của mùa hè. Thấy tình trạng khó khăn của “địa bàn”,”giáo chủ” – thầy chủ nhiệm đã “hạ lệnh” cho “huynh đệ” chúng tôi phải đóng hết rèm và cửa vào.Tùng – đứa ngồi gần cửa nhất sẽ có một nhiệm vụ cao cả:mở cửa chờ thầy cô vào lớp rồi đóng cửa vào và mở cửa tiễn thầy cô ra khi hết tiết.Thế là lớp nó ở trong một cái hộp kín như nơi ở của “người trong bao” Bêlicốp và đèn thì lúc nào cũng bật,quạt thì hoạt động hết công suất vì nguồn gió trời đã bị “giáo chủ” cắt vào tiết sinh hoạt thứ bảy tuần trước.Nhưng cũng nhờ thế mà mấy đứa lớp tôi tránh được ánh mắt “cú vọ” của thầy quản sinh mỗi lần quên đeo cà vạt, nơ và không có phù hiệu.
Những ngày cuối năm học đối với học sinh cuối cấp thật áp lực và mệt mỏi,vừa thi học kì xong lại lao đầu vào các tập tài liệu để ôn thi tốt nghiệp và ngược xuôi đi học thêm như ca sĩ chạy show chỉ mong “quang minh chính đại” bước vào cánh cửa Đại học đã nộp hồ sơ cách đây vài tháng.Vì thế mà đứa nào cũng uể oải thì làm sao thoải mái học những môn mà không bao giờ gặp lại nữa chứ.Tiêu biểu là vào tiết Văn, cô Tú Anh đang say sưa giảng bài thì dàn đồng ca mùa hè bỗng râm ran lấn át cả tiếng cô làm Hoàng-tên bàn chót thường xuyên ngủ gật dường như tất cả các môn giật mình rời giấc mộng đầy nuối tiếc ngơ ngác nhỏm dậy gãi đầu. 70% học sinh trong lớp tỏ ra phấn khởi tột độ bằng nụ cười toe toét trên mặt và đập tay nhau ăn mừng không hề nhỏ hơn tiếng ve kêu ngoài kia, thậm chí là to hơn nữa kià. 20% thành viên thì có cách ăn mừng lịch sự hơn bằng việc thở dài nhẹ nhõm và mỉm cười mãn nguyện như Minh – cậu bạn lớp trưởng – chẳng hạn. 10% còn lại là gương mặt cau có khó chịu vì bài giảng đang cuốn hút bỗng bị cắt ngang.Trong 10% đó có tôi – đứa yêu Văn như thuyền yêu biển và quyết tâm đầu quân cho khối C – thì làm sao chấp nhận cho cái hiện thực bất công đó khi nhìn mấy đứa bạn ăn mừng cho rằng ông trời đúng là có mắt và rất yêu…con người.
Trước “trái bom bị châm ngòi”,cô chỉ biết cười khổ rồi chống cằm nhìn từng nhất cử nhất động của bọn quỷ sứ lớp nó.Thế mà tới tiết Toán của “giáo chủ” thì ve lặn đi đâu hết để mặc tôi ôm đầu đau khổ vật lộn với mấy cái logarit và hình không gian có mà ngồi nhìn cả ngày tôi cũng không làm nổi câu cuối cùng.Nhưng cuối cùng,độ nhân đức của tôi cũng được ông trời thấy được khi còn gần 10 phút nữa hết tiết thì tiếng ve đâu đó nổi lên rầm rộ. Đang định quay sang nhỏ bạn ăn mừng thì nhìn thấy cả lớp mặt ai dài cũng dài ra như ống bơm,méo mó nhìn tội trông thấy,thế là tôi lại nằm bẹp xuống bàn mỉm cười ăn mừng một mình vì sợ bị hội đồng. Ông trời vẫn bất công!…
Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày lo lắng và dần tăng lên theo cấp số nhân khi đề bài thầy cô cho làm càng ngày càng khó, càng nhiều dạng. Đối với những đứa theo ban Xã hội như tôi thì chỉ ngồi học thuộc (mặc dù cũng hơi khó nhai) và tìm các dạng bài mấy năm trước, đọc văn,… nên còn đỡ áp lực chứ như hơn phân nửa thành viên lớp tôi đi theo ban Tự nhiên thì mặt đứa nào cũng xanh lè, làm không được một bài mà mặt chực muốn khóc, chạy đôn chạy đáo học thêm, một môn mà lãnh giáo cả ba bốn thầy vì mỗi người đều có… tinh hoa riêng. Thế là kể cả giờ ra chơi hay chào cờ, đâu đâu cũng thấy lài liệu, sách vở bày đầy ra, vò đầu bứt tai giải đi giải lại cho thuộc dạng mới thôi… Vì thế mà ” ma giáo ” chúng tôi chẳng khác gì đã tới lúc suy yếu khi những trò phá phách, mè nheo thầy cô không còn nữa…
- o O o -
Ngày 8 tháng 3 vừa qua, con trai lớp tôi đến lớp thật sớm, đứng ở trên lầu thả một cây tre khô có móc sắt xuống khi thấy con gái lớp tôi:
– Ấy ơi! Móc cặp vào đi để tụi này mang lên cho.
Chúng tôi ngơ ngác giã đầu, ngượng ngùng xen chút tự hào khi thấy các bạn lớp khác nhìn mình chằm chằm. Ai dễ thương bằng con trai lớp tôi chứ!… Khi lên lớp thì đã thấy 15 thằng con trai đứng chờ, đưa tay mời vô lớp. Lớp học thì sạch bong, trang trí đầy bong bóng với băng-rôn: CHÚC MỪNG NGÀY CỦA MỘT NỬA THẾ GIỚI VÀ 2/3 LỚP 12A4. Chúng tôi phì cười với cái khẩu hiệu đó nhưng không phải không có lí do khi cái số hai phần ba đó được đưa vào vì con gái lớp tôi có tới ba mươi người trong khi con trai thì chỉ có mười lăm thôi. Khi con gái lớp tôi đã đến đầy đủ thì đám con trai lần lượt xếp hàng trên bục giảng, tay mỗi đứa cầm hai hộp quà bắt đầu ngân tiếng hát ngang phè tặng toàn thể chúng tôi bài ” Em trong mắt tôi ” rồi xuống tặng mỗi đứa một hộp quà. Khỏi phải nói chúng tôi hạnh phúc thế nào khi nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của mấy đứa bạn lớp khác đang nhòm qua ô cửa sổ. Chúng tôi lần lượt bóc quà trọng sự phấn khởi của lũ con trai: một đôi dép lào và một cây kẹo mút. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn chúng nó thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ:
– Sắp tới trại hè rồi, tụi này tặng cho mấy bạn làm dép lớp luôn, khỏi phải đi mua.
Đã nói rồi mà, làm gì lớp nào có con trai dễ thương bằng lớp tôi cơ chứ! Hôm đó, cô nào có tiết dạy thì đều nhận được một bó hao hồng đỏ thắm và đều trầm trò khen lớp tôi giống như một… nhà trẻ vì bóng bóng, hạc giấy và cả hình được dán rải rác cả ba bức tường (trừ bức tường mà nơi đó ngự cái bảng đen). Thầy chủ nhiệm thì bước vào lớp với cái mặt giận dỗi thấy rõ, buông ra một câu hết sức liên quan:
– Tại sao không có ngày Quốc tế chính nam nhỉ? (Vì theo thầy có ” phụ nữ ” rồi thì cũng phải có ” chính nam ”)
Thế là lớp tôi phải xoa dịu thầy bằng cách cử lớp trưởng đại diện lên tặng cho thầy cây kẹo mút, thầy cốc đầu lớp trưởng, cười toe toét:
– Mấy đứa này bày vẽ thật. Mặc dù hôm nay không phải ngày chính nam nhưng đã có lòng tặng thì thầy nhận. Không được đòi lại nghe chưa?
rồi thầy bóc kẹo mút ngon lành…
Đến cuối giờ học, khi chỉ còn tôi và Minh cùng nhau dọn dẹp bàn giáo viên, tôi bắt bẻ cậu bạn:
– Tại sao là bài ” Em trong mắt tôi ” mà không phải bài nào khác?
– Ừ thì tại thấy nó hay! Phù hợp!
– Phù hợp? Chỗ nào?
Minh gãi đầu là rối tung mái tóc đã vốn dĩ đã vốn dĩ không thành nếp, mặt đỏ gay:
– Ừ! Chỗ nào cũng phù hợp hết.
rồi cầm khăn trải bàn và bình hoa biến mất để lại trong tôi một dấu chấm hỏi to đùng…
Và những đôi dép lào ấu cũng được sử dụng trong ngày hội trại trường theo đúng mục đích của nó. Bốn mươi sáu con người (cả thầy Chủ nhiệm) với bốn màu khác nhau: xanh, vàng, tím và trắng. Áo lớp, mũ lớp, dép lớp đều được lớp tôi sử dụng triệt để đánh trống hù đội bạn, thể hiện sự đoàn kết. Dù hội trại trùng với ngày kiểm tra giữa kì nhưng lớp tôi vẫn hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ. Bằng chứng là mặt đứa nào cũng tươi rói như ông mặt trời đương lúc trưa nắng gắt và trại lớp tôi được trang trí thật đẹp và tràn đầy màu sắc. Trại của mỗi lớp là tên của một vị anh hùng, như lớp tôi thì là người dẹp loạn mười hai sứ quân – Đinh Bộ Lĩnh. Để thể hiện sức mạnh, lớp tôi hò hét:
– Đinh Bộ Lĩnh tuyệt nhất! A4 giỏi nhất!
Dòng khí huyết đang bừng bừng khí thế thì có tiếng hô hào khác to không kém vọng đến:
– Hai Bà Trưng tuyệt hơn! A1 giỏi hơn!
Phá đám đây mà! Bốn mươi lăm con người lớp tôi bực mình chống nạnh chống trả:
– Có Hai Bà Trưng rồi lại muốn có thêm hai con voi hả? Ở đây không có đâu mà xin!
Bên kia cũng không vừa:
– Có Đinh Bộ Lĩnh rồi còn muốn có thêm cỏ lau hả? Ở bên này không có cỏ lau, chỉ có giẻ lau thôi. Lấy không?
Đang bực mình vì bị ngắt ngang dòng khí huyết bừng bừng cộng thêm sự khích tướng của đội bạn và với cái tuổi mười bảy tràn đầy sức xuân, lớp tôi gồng lên hét to hơn:
– Đinh Bộ Lĩnh tuyệt nhất! A4 giỏi nhất!
và A1 cũng gồng theo:
– Hai Bà Trưng tuyệt hơn! A1 giỏi hơn!
lấn áp luôn cả tiếng của dàn âm thanh đang chạy thử làm ầm ĩ cả sân trường. Thầy Quản sinh vác loa tay tất tả chạy tới hét:
– Ai cũng tuyệt hết! Lớp nào cũng giỏi hết! Bây giờ hai lớp muốn cùng nhau trực lao động trường tuần sao không?
rồi hạ loa xuống nói với chúng tôi:
– Bây giờ còn muốn hét hò gì nữa không?
Chúng tôi lắc đầu lia lịa. Có chắc thắng cũng chẳng dám hét, có ai ngu đến nỗi mà hét khô cả cổ để tuần sau cầm chổi quét sân trường và ngồi nhổ cỏ lúc một giờ chiều không? Không! Chúng tôi thay khẩu ngữ bằng khẩu hình thông qua cái nắm đấm dí về phía đối phương, mắt thì trơn lên vẻ đe dọa. Thầy quay sang nhìn lớp tôi:
– Còn vậy nữa, cả trường nhìn mấy đứa kìa! Thấy quê chưa?
Chúng tôi nhìn xung quanh rồi lủi vào trại đội. Ừ thì cũng quê nhưng chỉ là… hơi hơi thôi. Dù gì cũng là đàn anh đàn chị trong trường mà, ai có bản lĩnh dám trêu chọc thì bước lên đây nào?
Đến bốn giờ thì hội trại bắt đầu. Xui xẻo sao lớp tôi lại bị xếp cạnh A1. Thế là trận chiến lại nổ ra. Đến tiết mục của A1 chúng tôi đồng thanh:
– Èo! Dở qua! Xuống đi!
và tới tiết mục của lớp tôi thì cố gắng lấy hơi cổ vũ để lấn át lời chê bai của đội bạn. Từ chê bại các tiết mục Văn nghệ của nhau chúng tôi quay sang đấu khẩu:
– A1 mắt chột!
– A4 lồi rốn!
– A1 mắt chột!
– A4 lồi rốn!
… cho đến khi chấm dứt các tiết mục Văn nghệ để chơi các trò chơi mà Đoàn trường đã chuẩn bị…
Mọi việc đang diễn ra hết sức suôn sẻ với trò chơi tiếp sức thì đôi dép lào màu xanh của Trang dở chứng. Trang cầm chiếc dép đứt quay sang lũ con trai hậm hực:
– Đã tặng thì phải tặng đồ tốt chứ!
chúng nó gãi đầu cười cười hối lỗi, còn có mấy đứa thì thầm với nhau: ” Có mấy ngàn một đôi, nó chạy như trâu điên mà không đứt mới là lạ ”. Thế là xong, nội chiến xảy ra. Ban cán sự lớp (trong đó có tôi) chen vào giữa can ngăn thì bị mấy đứa (cả hai phe) đánh túi bụi không biết trời trăng gì vì tưởng thuộc phe kia!!!… Minh ngồi xuống cạnh tôi, đua cho tôi chai nước khoáng gãi gãi cái đầu bù xù sau trận ẩu đả vừa rồi:
– Uyên không sao chứ? Đáng ra lúc nãy Minh nên ngăn không cho Uyên vào.
– Nhưng Minh cũng bị đánh mà! Lại còn bị cào mặt nữa kìa.
Minh đưa tay lên sờ mặt, cười:
– Ừ thì… mà Minh là con trai! Không sao.
Tôi không nói gì, ngồi im lặng, tay nắm chặt chai nước khoáng. Gía như Minh đừng có cười thì tôi đã tự nhiên hơn với cậu rồi. Ừ thì tôi không cấm cậu cười, chỉ là cậu cứ cười híp mí như những cậu bạn khác đi, cớ sao lại cứ cười hiền với cái lúm đồng tiền xinh xinh bên má trái? Tôi quay nhìn đăm đăm vào nhóm bạn đã làm huề – bằng cách cả lớp cùng đi chân không gọi là cho chút phong trào – đang chơi đá banh với nhau để mặc con tim đang nhảy nhót loạn xạ…
Mười giờ thì hội trại kết thúc với bao nhiêu ngỡ ngàng và nuối tiếc. Lần đầu tiên mỗi thành viên lớp tôi bỏ đi cái tôi cá nhân to đùng, bỏ qua hết lỗi lầm của nhau cùng khoác vai nhau ngồi trước đống lửa hát to bài ” Lớp chúng mình ”. Lần đầu tiên chẳng ai bận lấy tay phủi quần áo mặc dù đã lấm lem đất cát. Lần đầu tôi thấy Diệp ” điệu ” cười híp mí với khuôn mặt đầy hỗn hợp bột mì – nhọ nồi thay cho cái mặt trắng nõn với nụ cười mỉm chi khuyến mãi thêm vài cái chớp mắt đầy mộng mị. Lần đầu tiên tôi thấy những đứa con gái lớp mình mạc dù chân sưng đỏ mà vẫn hì hục chạy với trái bóng tròn với nụ cười tươi rói trên môi như là chẳng thấy đau tẹo nào. Lần đầu tiên, tôi thấy mình vui cách lạ kì…
Học sinh cả trường đang hì hục chen chúc nhau ở bãi xe nhằm giải thoát con ngựa sắt của mình. Trước khi tạm biệt nhau, con gái lớp tôi còn tặng cho toàn thể A1 cái liếc mắt sắc lẻm như muốn thổi bùng lên ngọn lửa giữa đêm hôm khuya khoắt.
Tôi đúng ở cổng trường tay lia lịa bấm điện thoại gọi thằng em đến đón, chân dậm dậm liên hồi đuổi lũ muỗi…háo sắc thì bỗng giật mình khi nghe thấy người gọi tên mình:
– Uyên!
– Ừ!
– Muộn rồi, Uyên lên Minh chở về.
Nhìn sân trường lác đác vài bóng người, trời thì tối thui, tôi nhìn Minh e ngại:
– Không phiền Minh chứ?
Minh cười gian, gật gật đầu:
– Phiền! Tát nhiên là phiền chứ.
Tôi tròn xoe mắt nhìn cậu ban, chẳng biết nói gì cho đúng thì Minh (lại) cười hiền:
– Ngố thế! Giỡn thôi, Uyên lên đi!
Tôi ngồi sau nhìn đăm đăm vào tấm lưng rộng vững trãi của cậu bạn, trả lời nhát ngừng những câu hỏi của Mình rồi im lặng nhìn mái tóc của cậu bạn bay bồng bềnh trong gió đêm và cảm nhận hơi ấm đang âm ỉ trong lòng.Cho đến khi về tới nhà, tôi không những quên chào tạm biệt Minh mà quên cả lời cảm ơn, rồi tự dằn vặt không biết cậu ấy có cho mình là vô duyên không nữa… Tôi đem hết nỗi bực bội chạy vào nhà cốc đầu thằng em đang đeo tai phone lắc lư theo nhạc và chơi điện tử thay vì cảm ơn nó vì nhờ nó không nghe điện thoại mà tôi có cơ hội được Minh đèo về. Cho đến lúc vì trong chăn ấm tôi vẫn mơ nàng nhớ đến nụ cười có lúm đồng xinh xinh bên má trái cảu cậu bạn lớp trưởng. Tôi không nhớ là thích cậu bạn dễ thương đó từ lúc nào. Có lẽ là do hôm kiểm tra thể dục, cậu ấy đã đếm ăn gian số vòng chạy cho tôi khi thấy tôi sắp kiệt sức. Cũng có thể là do cậu ấy đúng lên bào chữa cho tôi và nhận hết lỗi về phía mình khi lớp đứng bét. Nhưng điều chác chắn là tôi đã thích Minh khi cố gắng tìm kiếm bóng dáng cậu bạn ở mọi nơi và lúc nào cũng muốn nhìn thấy nụ cười của Minh rồi sau đó thầm trách cậu bạn đã làm tim toi rung rinh…
Những chuỗi ngày đấu tranh mệt mỏi chỉ bắt đầu sau hôm hội trại. Chẳng phải là lao đầu vào học ôn thi kì thi cuối kì (mặc dù là phải vậy) mà là căn me ” đánh úp ” các thành viên A1. Mới bước lên cầu thang đã bị bóc lột bởi một số bạn A1:
– Không cống nạp thì đừng hòng lên được lớp.
Chúng tôi nhăn mặt nhìn nhau chạy xuống căn-teen mua bánh kẹo cống nạp trong lòng đầy ấm ức dậm chân bồm bộp đi vào lớp để lại sau lưng những tràng cười ha hả thỏa mãn. Đã thế tiếng đứa nào cũng như vịt đực vì hôm qua hò hét dữ quá nên chỉ nhìn nhau diễn kịch câm. Có đứa đi mà như lết vì hôm qua bị thương mà bây giờ mới thấy đau. Lúc thầy cô gọi lên trả bài thì lết từng bước và khổ sở ọ ẹ ra từng tiếng… Nhưng quan trọng hơn là kế hoạch trả thù A1. Lớp tôi thì gần phòng vệ sinh hơn cả. Đến giờ ra chơi, chúng tôi thay phiên nhau đứng ở cửa lớp, thấy nhân A1 nào đi qua thì chặn lại:
– Không cống nạp thì cho tè dầm luôn.
Qùa cống nạp đầy túi rồi lại trống trơn vì cũng phải leo xuống cầu thang về nhà. Đa số mấy môn chính lớp tôi thường kiểm tra trước A1. Vài bạn A1 sang hỏi đề thì nhạn được câu trả lời tỉnh bơ:
– À! Bạn quên rồi!
và chúng tôi cũng nhận được nhận câu trả lời tương tự thế khi qua hỏi đề. Thế là phải đi đường vòng, nhờ các bạn lớp khác hỏi đề giùm… Được hơn một tuần thì chúng tôi bắt tay làm hòa vì lợi ích chung và bồi đắp thêm cho cái thâm tình gần ba năm học chung với nhau trên một tầng lầu mà bỏ qua thù hận…
Tháng tư đến gần cũng tương tự như mùa hè cũng đến gần. Khi cây phượng trước cửa ra hoa thì lớp tôi đua nhau ngắt hoa và nụ phượng. Hoa phượng thì tụi con gái tỉ mỉ làm từng con bướm để ép vở. Nụ hoa thì tui con trai dùng để đá gà. Xác phượng không những rơi đầy ngoài sân mà còn rơi đầy trong lớp tôi. Cũng vì thế mà lớp tôi đứng bét không vì quậy phá và vì vệ sinh lớp không sạch sẽ. ” Giáo chủ ” hằm hằm lên lớp và xả cho chúng tôi một trận: có lớn mà không có khôn. Chúng tôi chỉ biết lí nhí ” Chúng con tuổi nhỏ nghịch dại, xin thầy tha thứ ” và đi lao động công ích vào tuần sau… Không phải tự nhiên mà chúng tôi gọi thầy chủ nhiệm là giáo chủ mà có nguyên nhân của nó cả. Thầy chúng tôi là một phần bự của phim kiếm hiệp Kim Dung, mà lớp tôi thì cũng chẳng hiền lành gì cho cam nên chỉ dám nhận mình thược ma giáo thì đầu tàu phải là giáo chủ thôi.Đã phạm lỗi thì phải hối lỗi ngay không thì… rơi đầu chứ chẳng chơi…
Những ngày như thế, còn đâu…
- o O o -
Gần cuối năm học, lòng tôi vừa chứa đựng bao nhiêu lo âu về kì thì sắp tới, vừa nuối tiếc cho quãng đường mình vừa đi qua. Đứng ở hành lang hướng xuống sân trường nhìn những em lớp mười chơi đá cầu, lòng xao xuyến khôn nguôi. Thời gian trôi nhanh quá, không kịp cho tôi sửa những thiếu xót và lỗi lầm của mình. Tôi đứng lặng tranh thủ hưởng chút gió trời mùa hạ.
– Lại bay đi đâu rồi Uyên.
Tôi quay sang hướng phát ra tiếng nói, thì ra Minh đã đứng cạnh từ lâu mà tôi không biết gì.
– Uyên ích kỉ thật đấy! Ngoài này gió mát như vậy mà không nói cho bạn bè một tiếng.
– Có ai biết là ai đó bỗng nhiên cũng tha thiết mong gió trời đến vậy.
Minh cười. Chúng tôi chìm vào nốt lặng của bản giao hưởng gió hè. Được một lúc thì Minh cất tiếng phá vỡ bầu không khí im lặng do hai đứa tạo ra:
– Uyên này! Uhm… Cố gắng lên nhé!
– Ừ! Minh cũng vậy nha! Nhớ là phải thi đậu để sau này Uyên đến chữa bệnh miễn phí.
Minh bật cười:
– Lấy tiền gấp đôi.
Tôi phì cười, buột miệng trêu Minh:
– Học ngành đó lâu lắm, không sợ ế à?
– Uyên sẽ chờ Minh mà. Đúng không? – Minh khẳng định chắc nịch.
Tôi quay mặt đi, tránh ánh nhìn tha thiết của đôi mắt màu cà phê, nhìn những cánh phượng đang đung đưa theo làn gió nhẹ nhàng.
– Uyên chờ Minh, nhé?
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ im lặng, hai gò má thì cứ nóng dần lên, tim thì đập mạnh như tiếng trông giục. Minh nắm lấy tay tôi, siết nhẹ. Tôi để yên tay mình trong cái nắm tay ấm áp của Minh. Không biết Minh có ngầm định rằng đó là câu trả lời của tôi? Nói cái gì đó vào lúc này thì không phải rất thừa thãi hay sao?…
- o O o -
Những ngày cuối cấp đối với tôi đối với tôi là những ngày đi góp nhặt những kỉ niệm đã vô tình bị bỏ quên. Tôi vẫn đọc Văn, học Sử, ôn Địa và nhìn từng gương mặt thân quen. Còn Minh vẫn miệt mài Toán, Hóa, Sinh. Lâu lâu, Minh lại quay xuống cười cổ vũ tinh thần khi thấy tôi ngáp ngủ hay vò đầu bứt tai trong mấy tiết tự nhiên và giơ thêm ngòn tay cái ra điều bội phục tôi khi thấy tôi trả lời ngon lành các câu hỏi môn xã hội. Và đương nhiên tôi cũng mỉm cười thật tươi với cậu ấy. Đôi khi, Minh rủ tôi đi nhà sách tô tượng hay đi ra công viên gần trường hóng mát và ngắm xe qua lại. Cũng có đôi lúc cậu rủ tôi ra bãi cỏ sân sau trường và thổi hamonica cho tôi nghe, có những bài tôi biết cũng có bài không nhưng luôn cảm thấy thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Minh gọi đó là những cách giảm strees hiệu quả nhất. Và Mình cũng thường xuyên đưa cho tôi mấy đề kiểm tra Toán, Hóa,… các năm khác nhau mà cậu cho rằng vừa với sức tôi rồi nâng cao dần lên, hăng say giảng cho tôi phương pháp làm bài phục vụ kì thi tốt nghiệp nhưng khi tôi chỉ cho cậu cách học Văn, Địa,…thì mặt lại nhăn như con khỉ….
- o O o -
Thời gian cứ trôi qua vô tình như thác nước – vội vàng và cuốn trôi tất cả mọi thứ. Áp lực thi cử chưa bao giờ lại nặng nè như lúc này khi mà ngày tổng kết cũng đến.
Nhìn các em lớp mười, mười một háo hức nghỉ hè bao nhiêu thì chúng tôi lại nơm nớp lo sợ bấy nhiêu. Lớp tôi diễn nhạc kịch ” Mùa hạ cuối cùng ” kể lại những kỉ niệm một các ngắn gọn và cuối cùng sẽ hát ” Tạm biệt ”. Thầy chủ nhiệm ngồi phía dưới cầm máy quay quay lại tiết mục của lớp. Mắt thầy đỏ hoe, trực muốn khóc. Tôi bỗng bật khóc làm cả đám con gái đang kìm nén nãy giờ cũng trào nước mắt, đám con trai thì giọng nghèn nghẹn. Cả khối mười hai mắt ai cũng đỏ hoe nhưng vẫn nở nụ cười thật tươi. Minh đứng bên cạnh siết nhẹ tay tôi, an ủi.
Làm sao có thể quên được những kỉ niệm vui buồn sau ba năm học chung với nhau? Làm sao có thể quên được những trò quậy phá làm thầy chủ nhiệm bị trừ lương?
Làm sao có thể quên được chọc phá không cho thầy cô dạy? làm sao quên được những lần trốn thầy quản sinh khi đi học muộn? Và làm sao quên được đây, tuổi học trò?
…
Mùa hè đã đóng lại cánh cửa cấp ba ; khép lại những trò quậy phá khi bị phạt lại xệ mặt, lí nhí ” Tụi con tuổi nhỏ nghịch dại, xin thầy tha thứ ” ; khóa chặt nhũng lần giận hờn, nghỉ chơi, chia bè phái để giờ ôm chặt nhau nức nở. Và chính mùa hè cũng mở ra cánh cửa tương lai, làm bước đệm giúp chúng ta tung cánh với lấy ước mơ của chính mình và bắt đầu cho sự ngọt ngào gõ của trái tim từ cái nắm tay ấm áp…
Bước ra khỏi cổng trường, tôi ngước lên nhìn những quả bong bóng đủ sắc màu trên nền trời xanh ngắt, nhìn cây phượng già ra hoa đỏ rực một góc trời, nhìn xác phượng rải rác đầy sân trường, nhìn những lớp học thân quen, nghẹn ngào: ” Tạm biệt ”
Kết Thúc (END) |
|
|