” Một tháng lẻ bốn ngày kể từ khi làm lễ ra trường.
Mỗi giờ không biết nó check in bao nhiêu lần cái hộp mail chỉ để mong nhận được thông tin phỏng vấn từ nhà tuyển dụng. Nó lẩn tránh những cuộc điện thoại của bạn bè, người thân vì không muốn trả lời câu hỏi “tìm được việc làm chưa?”. Lẩn tránh luôn cả những lời mời gọi tụ tập đi chơi của đám bạn thân. Vì nó biết ra khỏi nhà là tốn tiền. Là khi nó đang ăn, đang uống, đang tám với đám bạn là những giọt mồ hôi của ba mẹ đang lăn dài trên cánh đồng. Rằng đây là tháng lương cuối cùng mà nó được chu cấp từ ba mẹ.
Hồi trước thấy số điện thoại lạ là nó chẳng thèm quan tâm, trừ khi ai đó gọi ba cuộc gọi nhỡ trở lên, nó sẽ hồi đáp bằng cái tin nhắn vỏn vẹn mấy chữ “xin lỗi, ai gọi số này vậy”. Bây giờ thì nó mừng vui khi thấy số lạ hoắc mỗi khi chiếc điện thoại rung lên.
Cứ nghe người ta nói mới ra trường xin việc khó lắm. Ai ngờ khó thật. Ở cái đất Sài Gòn sống thì dễ rồi, công việc tay chân không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm cũng đầy nhan nhản. Nhưng có được công việc phù hợp theo chuyên ngành, công việc yêu thích thì cả là một vấn đề. Vấn đề bằng cấp, vấn đề kinh nghiệm, vấn đề quen biết, vấn đề may mắn. Tất cả mọi thứ nó chẳng có gì ngoài tấm bằng cử nhân loại khá, ngoài mấy kinh nghiệm vụn vặt khi đi làm thêm. Quen biết thì không! May mắn thì vẫn chưa chịu mỉm cười với nó. Tự dưng nó muốn khóc quá đi. Nhưng chút mạnh mẽ, chút lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh còn lại ngăn không cho nước mắt nó trực trào. Nó thương mẹ nhớ ba. Thương ba mẹ ngày ngày khom lưng ngoài đồng, còn nó thì ăn không ngồi rồi. Nó gặm nhắm nỗi thương, niềm nhớ ấy từng ngày rồi một tuần, hai tuần, một tháng. Nó cảm nhận được nỗi lo lắng bắt đầu bủa vây. Nó sợ. Sợ vô cùng! Nếu khoảng thời gian đó nó về nhà là phụ được bố mẹ bao nhiêu là việc. Nó cứ thế mà dằn vặt, mà trách móc bản thân mình. Rồi có được hơn chăng!
Nó biết ba mẹ nó luôn dang rộng vòng tay đón nó trở về. Trước khi xuống lại Sài Gòn, khác với mọi năm thay vì dặn dò con gái học và sống cho tốt. Bố nó chỉ nói “Trên đó tìm việc không ổn thì về nhé con”. Thân thương lắm câu nói ấy. Nó cũng đã bao lần đấu tranh về hay ở lại. Đôi lần nó cũng muốn, cũng thèm được về lắm chứ! Ngày ngày được ăn cơm mẹ nấu mà không cần phải suy nghĩ tính toán bận tâm hôm nay sẽ ăn gì. Được chiều chiều, thỉnh thoảng trời mưa lại hì hụp bát bánh đúc nóng, hay nồi cơm nếp thơm lừng hạt đậu phụng. Được sống bình yên mà không phải bon chen giữa dòng người đông đúc nơi thành thị. Thấy nhớ, thấy thèm khát vô cùng cái không khí tết trung thu ở nhà. Muốn hít hà cái khí trời se lạnh của mùa đông, đổ đầy mắt những ánh đèn trang hoàng lung linh khi Noel về. Là hương thơm nồi cà ri gà, vị ấm nồng tình gia đình vào đêm giáng sinh. Là tất cả bốn cái tết trung thu, bốn mùa Noel sống xa nhà.
Hôm nay nó chủ động gọi điện về nhà hỏi thăm gia đình nhưng chủ yếu là muốn xin bố mẹ chiếc xe máy để thuận tiện cho việc đi làm. Chuẩn bị tâm lý trước là sẽ bị cằn nhằn, bị hỏi thế mà nó đã suýt không kìm được nước mắt khi nghe bố nó nói mẹ nó “Bảo nó không tìm được việc thì về đi, cứ lang thang, lất thất ngoài đó, ở nhà đầy việc”. Thế thôi nó cũng biết ba mẹ thương nó đến nhường nào.
Bốn năm trước, nó đã can đảm để rời xa gia đình nhỏ xinh mang theo ước mơ, hoài bão của thời sinh viên. Vậy không lý gì chỉ vì chút khó khăn nó lại đứt gánh giữa đường được. Ít nhất, nó cũng phải làm cho đã, cho thỏa cái công sức suốt bốn năm đại học chứ! Nó muốn cự tuyệt với câu nói của xóm làng “Đấy lại một đứa học cho cao rồi về cũng cuốc đất”. Dù với đồng lương đó nó có thể sống an nhàn, thảnh thơi, có dư để bỏ heo ở quê. Nhưng ở đất Sài Gòn không chỉ dạy nó cách kiếm tiền mà còn dạy nó cách tiêu tiền, cách tự lập, cách trưởng thành. Đó là điều vẫn kéo níu nó lại với “thành phố lắm hoa nhiều lệ” này.
“Con không hứa trước mình có thành đạt, trở nên giàu có hay không, nhưng con tự tin để bố mẹ tự hào về con”. Nhất định!
Mỗi lúc mệt mỏi với trăm nỗi băn khoăn, nghìn sự chọn lựa thế này thì nó luôn biết và tin rằng “Rồi mọi việc sẽ ổn thôi con gái của mẹ”. Ngẩng đầu nhìn trời cao, mỉm cười rồi tự động viên bản thân như thế, nó lại tiếp thêm sinh khí nỗ lực cho con đường phía trước. Sẽ khó khăn hơn so với những bước đầu chập chững khi đặt chân lên giảng đường đại học, nhưng dù gì bốn năm cũng đủ tôi luyện bước chân ấy vững vàng hơn, cứng cáp hơn. Mạnh mẽ lên tôi ơi!
Kết Thúc (END) |
|
|