Qua một ngã tư, đèn đỏ còn hai giây, một khuôn mặt già và sạm quay sang hỏi đường.
- Anh ơi cho em hỏi…
Người ở quê ra, cái vẻ nhớn nhác, chào nịnh dân phố thương hại. Tôi khoát tay ra dáng dân gốc. Hắn theo tôi ngoan như một con mèo.
Nhưng tới đúng số nhà, hắn hỏi han, ngẩn ra rồi khóc tu tu. Đàn ông khóc thì hèn. Nhưng hắn không khóc cho hắn, khóc cho cái vườn quả đến mai kia chỉ còn là đống rác.
Tôi lại khoát tay cho hắn theo, lần này là đi đánh một bữa cơm bụi ở cái quán dưới chân cột đèn cô đơn đang đợi một con đường mãi chưa giải tỏa xong. Dân lao động phải no mới tỉnh táo, sáng suốt được. Hai thằng gọi vài món rẻ tiền nhưng nhanh no. Ngồi dưới cái bóng cao áp nhìn anh ta có vẻ sáng sủa hơn. Đón bát cơm đầy lùm từ tay tôi, hắn lại hỏi: - Anh thấy em nhà quê lắm phải không? Anh có tin ngày trước nhà em cũng ở phố này, em cũng từng là kỹ sư tin học đấy.
- Tôi tin là anh sẽ tìm được ông ấy, thế thôi.
Tôi ngồi nuốt từng lời của hắn, còn hắn thì nuốt cơm với đậu phụ, rau xào. Ra trường không xin được việc, mẹ gai cột sống, bố ốm yếu, hắn nghe ai đó khuyên rồi về thuyết phục gia đình bán nhà về quê mua đất làm vườn. Dân phố xá mới về lạ thông thổ nhưng năm đầu nhà hắn trồng mía lãi được mấy chục triệu. Lấy được cái sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng về, cả nhà vẫn chắt bóp định bụng đánh tiếp vài vụ thì bà thím sang vay tiền đưa ông chú đi xạ trị ung thư. Dưới bố hắn còn mỗi ông này, đâm khó nghĩ. Cả nhà không ai dám nhìn vào mắt nhau nhưng cuối cùng thấy mấy chữ “ruột rà, máu mủ” nó nao nao trong lòng, coi như hiến tặng. Bà thím đi khuất ngoài ngõ, hắn ra ngồi tựa cột hiên nhá mía, ngọt sắc trong lòng… Năm sau nếu tiếp tục trồng mía chắc vẫn lãi chừng ấy, nhưng nhà hắn đã chuyển sang hướng khác thu vốn về nhanh hơn. Nuôi gà còn lãi thêm tấn phân chuồng bón cây, tiền thu về lại đổ vào lại quay vòng lứa gà giống khác. Tiêm phòng đầy đủ, dịch cúm gà bị chặn từ xa, năm đó nhà hắn lại thu tới cả trăm triệu đồng.
Chiến dịch nuôi gà của hắn đang thao thao bất tuyệt giữa mâm cơm thì bị tôi cắt ngang, hóa ra mình đãi cơm một thằng khoe của: - Thế ông lên đây kêu ca nỗi gì? Hay ông chủ vườn mua quỵt gà của nhà ông à? - Anh để em kể từ từ đã, chuyện còn dài, nhưng là em nợ họ chứ.
Thế là hắn lại có dịp kể tiếp một đoạn khác. 11giờ 30 phút đêm, xe rác đã thu gom xong về, hắn vẫn chưa xong chuyện gà vịt. Đang thấy khó xử thì hắn đòi về nhà tôi xin nghỉ qua đêm để kể tiếp. Hắn rút từng tờ tiền lẻ ra vuốt phẳng phiu rồi trả tiền, tôi thấy hắn cũng có vẻ là người chỉn chu. Lén qua sân nhà chủ, bà chủ nhà trọ nhìn tôi dẫn khách lạ về có vẻ nghi ngờ. Chưa thấy thằng này dẫn được đứa con gái nào về ngủ chung giờ rước gã này về hay lại dân pê-đê? Hắn thì ngớ ra vì lúc ấy mới biết tôi ở trọ chứ không phải dân gốc. Thôi kệ, tôi cứ kéo hắn vào phòng.
Cầm chén trà cám tôi hãm bằng nước cũ trong phích, hắn uống tạm rồi lại say sưa bắt đầu một đoạn khác.
Năm sau nữa, hắn cất được cái nhà mái bằng nhỏ bằng tiền nuôi gà, láng được cái sân xi-măng, xây lại dãy chuồng gà cho kiên cố hơn. Nhưng khổ nỗi, về đây thằng em học quá dốt, lại lười. Từ hôm bỏ học, ngày nó phụ giúp hắn chăn gà, tối đến theo hội trai làng ra đường đê ghẹo gái. Bố hắn giờ nhà không phải lo ăn lại tập tành uống rượu theo mấy ông trong làng. Bắt đầu thấy mặt trái của dân nông nghiệp, hắn quyết định quay lại giao du với dân tỉnh để lấy lại cân bằng đời sống. Ít ra, cũng phải tìm cách gửi được thằng em vào một cái chỗ nào làm thuê cho nó bớt lêu lổng. Xa phố xá lâu rồi, tạo dựng lại cũng khó. Mãi hắn mới chèo kéo được mấy thằng bạn, mấy ông nhà văn ở trên tỉnh về nhà chơi. Nhưng sau mỗi bữa nhậu, gà vịt, tiết canh ê hề, đám thành phố lại cúp đít về tuyệt không rơi vãi lại cho hắn dù chỉ là tí hơi hướng văn minh. Năm ấy hắn đã “băm”, tuổi xuân cũng bay tứ tung theo đống lông gà.
Nhưng hắn bảo “bất cầu nhi đắc” (chẳng biết có câu thành ngữ Hán Việt đó không hay hắn tự chế ra), năm sau có ông bụng phệ, trán hói, nghe đâu cũng từng làm thơ về mua khoảnh đất cạnh vườn gã. Rào rậu kín mít nhưng chẳng thấy trồng trọt gì.
Thế rồi một chiều dịu dàng, lão trán hói đó xách chai rượu với túi đồ nhắm sang sân nhà hắn tâm sự chuyện cuộc đời. Bữa đấy có cả một thằng đệ của lão ngồi trông ô-tô mới sợ trẻ con ở làng nghịch vẽ bậy. Rượu và lời tràn trề như nhau, rốt cuộc sau bữa nhậu hắn kiêm luôn chân trồng cam cho lão già. Vốn liếng lão đưa, lời lãi tính sau. Thế là sáng gà, chiều cam, chỉ một tay hắn mà năm sau vườn cũng lúp xúp bóng cây, lão hói lại mang về thêm ít bưởi bòng, dăm cây táo Thái về trồng. Hắn không còn mở được mắt ra nhìn bọn gái làng hơ hớ chiều đến vẫn hay nhảy thùm thùm tắm ở bãi nữa, quên luôn cả việc móc nối lại với dân phố hay gửi gắm thằng em như trước.
Thế rồi (lại thế rồi) - là hắn kể thế - năm sau nữa cam bói quả thì lão kia ít về hơn. Chẳng còn bữa rượu nào dưới hiên nhà, thi thoảng lão gọi về vừa đấm vừa xoa rất khó dứt ra. Hắn cũng định sau khi vườn cam hòm hòm thì trả lão nhưng lão hói biệt tăm, mấy lần gọi điện nhưng chẳng thấy lão nghe máy. Mà lão chả có họ hàng, anh em gì ở đây, biết tìm đâu. - Mà em bám vườn lâu quá đâm mê, sao nhãng cả đám gà, có bận quên cho uống nước chết cũng khá. Tính ôm cả hai việc không nổi, lắm hôm đã bỏ quách cái vườn khóa trái cửa. Ấy vậy mà được mấy hôm, ra vào ngắm nhìn lại thấy thương lứa cam mới ra trái, nhìn chúng như đám trẻ bơ vơ ngoài đường ai nỡ bỏ rơi. Cay lão hói bụng phệ nhưng lại nghĩ gà nuôi mấy tháng là lớn chứ cam gây dựng mấy năm mới được. Của người ta nhưng công mình, bỏ sao đành.
Cứ thế, tôi nằm nghe hắn tự thú về mình mà không chút ngại ngùng với người lạ. Đèn đã tắt, tôi thấy gã nằm bên nhưng không nói gì nữa, tôi bèn hỏi: -Thế lần này anh lên đây là quyết tìm lão ta để trả vườn chứ gì? Mai anh định thế nào? -Em lại đi tìm hỏi thăm lão hói ở đâu anh ạ, em hỏi dò qua biển số xe của gã, chắc biển đẹp nhiều số 8 hẳn cũng nhiều người biết, phải trả vườn cho lão, hỏi lão ấy đồng ý bán cam cho cánh lái buôn thì em mới thoát nợ. Ít ra cũng phải gặp được ông ta, nói cho ra nhẽ một câu là em đã chôn dưới gốc cam không biết bao nhiêu con gà toi, giờ bổ ra quả ngọt phải biết. Nhà người ta còn phải đi mua gà rẻ về chôn xuống đằng này em biếu không còn gì?
Lần này, tôi đèo hắn ra bến xe bus để hắn tự “tác chiến”. Chủ nhật, đường phố vắng người, ngoảnh lại vẫn thấy gã kỹ sư thất nghiệp ngồi thu lu trong cái nhà chờ xe bus. Tôi quay về phòng, âu cũng rảnh nợ.
Thế mà gần trưa, đang thiu thiu ngủ lại nghe tiếng gã gọi cửa: - Còn gì nữa đây ông anh? Ông còn món gì ở thành phố này chưa trả hết à?
- Anh ơi, nghe người ta bảo lão bị mất chức, lại dính vụ gì đang trốn trui trốn nhủi ở trong nam với con vợ bé. Nghe bảo cái vườn ấy không có sổ sách gì, là xã nể lão cho mượn đất, giờ sắp thu lại rồi. Người ta bảo lão làm vườn là để che mắt thiên hạ kiểu “rửa tiền” đấy anh.
- Thế giờ ông tính sao?
- Còn thế nào nữa anh, hết hôm nay cam cũng quá lứa rụng rồi, em chỉ tiếc là em còn nợ lão ấy chưa trả được.
- Anh lẩm cẩm vừa thôi, mặc xác lão ấy. Về mà chăm đàn gà cho tốt vào. - Nhưng lão ấy có lấy của em cái gì đâu? Giờ em vẫn thấy thế.
- Thế thì ông với lão hói coi như hòa.
- Hay em tính thế này, em về cố xin trên xã cho chăm nốt vụ cam sang năm nhỡ có lúc sa cơ lão hói còn về có chỗ bấu víu. Có phải không anh nhỉ? Thôi em đi đây kẻo lỡ chuyến xe.
Hắn nói rồi chạy tất tả ra ngõ. Nhìn cái dáng hắn chẳng có vẻ gì đã từng được học hành, ở phố xá. Nhưng mà hắn sẽ còn lút bóng vào cái vườn cam ấy đến bao giờ, năm nay cũng đâu còn trẻ. Tôi chạy vội theo, thấy hắn đang cùng mấy người chạy với theo chiếc xe dù đón khách, tôi cố gọi hắn mà chẳng biết tên hắn thì gọi kiểu gì.
- Ông gì nhà quê ơi, dừng lại đã…
Kết Thúc (END) |
|
|