Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nghệ Nhân Hoa Lan Tác Giả: Dương Duy Ngữ    
    Anh được tặng danh hiệu Nghệ nhân hoa lan. Danh hiệu này có phần đặc hữu dành riêng cho anh.
    Năm ấy vừa ăn cái Tết ta xong. Trời không mưa nhưng ẩm ướt, mù sương. Tôi gặp một cặp vợ chồng ăn mặc rất nông dân như vừa từ ruộng lúa bước lên, chở nhau trên chiếc xe máy cũ. Lúc đầu tôi tưởng họ đi làm cỏ lúa xuân về. Hóa ra không phải. Khi xe tôi ngang với xe anh, tôi thấy vợ anh bê một chậu địa lan cực đẹp. Lan Tàu. Với con mắt của người có mấy đời trồng địa lan tôi biết ngay nó là Lan hoàng kim bảo. Thời ấy hoàng kim bảo, ô tử thúy thuộc dòng hoa xanh, lưỡi vàng, lưỡi trắng, từa tựa thanh trường, hoàng thanh và thanh ngọc, các cụ mình vẫn nối đời gìn giữ. Thời ấy, vâng, vẫn cái thời ấy, thanh ngọc hiếm lắm. Theo chỗ tôi được biết thì ở miền bắc chỉ có nhà cụ Trưởng Tràng ở làng hoa Ngọc Hà chỗ gần hồ Hữu Tiệp, B52 bị dầm nước phơi xác ấy và ông cụ Ngoạn ở phố Hàng Đồng, Thành Nam là còn giữ được giống quý này. Sau này tôi còn biết thêm cụ giáo Nghị ở Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng cũng có. Nhưng thanh ngọc của ba cụ khác nhau ghê lắm. Khác nhau như thế nào, tôi xin kể sau. Địa lan thanh ngọc hiếm lắm. Mỗi năm chỉ đẻ được một vài thân. Mà người cần lại đông. Cung chả kịp. Phải hẹn trước. Phải tới ba, bốn năm mới đến lượt. Không có lòng kiên trì không thể chơi lan. Không thể có lan đẹp. Bởi thế, giá địa lan thanh ngọc đắt lắm. Hơn một cây vàng một thân cơ. Tuy vậy các cụ có lan bán đâu. Cho nên thời đó có nhiều người chơi lan đã nhầm hoàng kim bảo, ô tử thúy là thanh ngọc. Dẫu ô tử thúy và hoàng kim bảo hương bay nhạt như nước bã chè. Nhưng bạn mới chơi lan làm sao phân biệt được.
    Một sự ngộ nhận, nhầm lẫn, chết người. Và nó được đẩy giá lên cao.
    Thời ấy, người chơi địa lan phần nhiều cao tuổi. Chủ yếu là các bậc trí giả ở Hà Thành. Có thể đếm trên đầu ngón tay dăm ba cụ. Cụ Chi Láng Thượng, cụ Châu Ký phố Bà Triệu, cụ giáo Nghị Thanh Lương, cụ Giao ở gần chùa Vua,... chấm hết! Ấy vậy mà đôi vợ chồng trẻ này lại có lan. Tôi hơi bị bất ngờ và quyết định làm quen. Tôi giảm tốc độ đi chầm chậm gần xe họ, khen:
    Anh chị có chậu lan đẹp quá.
    Anh phanh xe dừng lại hỏi:
    Bác cũng biết địa lan.
    Tôi gật đầu, nói thêm, biết tí chút thôi.
    Mời bác vào chơi, nhà cháu có nhiều địa lan lắm.
    Tôi vốn mê địa lan. Nghe nói tới địa lan là mắt sáng lên. Tôi theo vợ chồng anh vào thôn Cổ Bản. Cổ Bản thời ấy vẫn đường đất, nhà cấp bốn, sân láng xi-măng, bờ ao chưa xây, cây cỏ lòa xòa xuống mặt nước. Sau lưng nhà anh có cái giếng làng bỏ hoang đã lâu, mầu nước đen như nước rãnh.
    Cổ Bản là làng cổ. Chẳng hiểu trước nay làng này có nhiều người chơi địa lan không. Các cụ chỉ biết, làng thờ đức thành hoàng là bộ tướng của Hai Bà Trưng. Đức vua Lý Thái Tổ đã cho soạn chiếu dời đô ở đất này nên làng mới có tên là Cổ Bản. Sao lại thế? Các cụ bảo hậu sinh chả biết. Chỉ nghe truyền lại ngài phải giữ bí mật. Chuyện này xin xếp lại để viết tiếp về anh, về địa lan. Tôi trộm nghĩ, có lẽ tinh hoa của ngôi làng cổ đã phú cho anh. Bởi anh là chàng trai trẻ chơi lan sớm nhất mà tôi gặp. Nhà anh có đến dăm chục chậu lan rừng. Mặc lan mới khai thác bày đầy ngoài đầu hồi và mảnh sân nhỏ trước nhà. Hoa lan đang độ sung mãn. Vào đến đầu ngõ hương hoa đã lan tỏa ngạt ngào, thơm đến dậy đất mà vẫn êm nhẹ như gió thoảng... không một thứ hương hoa nào có thể lẫn, có thể sánh, chứ không hăng hắc như hương hoa phong lan. Dăm ba con ong đủng đỉnh bay trên những ngồng hoa.
    Sau này tôi mới biết địa lan cao quý, mang dáng dấp của hiền nhân quân tử ẩn mãi dưới thung sâu mà hương thơm vẫn tỏa lên ngạt ngào. Người xưa ví địa lan như ánh trăng lặn sâu dưới đáy biển mà ánh sáng vẫn tỏa lên lung linh. Do vậy, chỉ có ong đi lấy mật cho đời. Chứ tuyệt nhiên không có một thứ bướm nào lai vãng. Chẳng lẽ thiên nhiên cũng phân cấp rành rẽ đến thế ư? Quân sâu bọ sao có thể gần người quân tử. Tôi muốn nán lại một chút để xem lá lan, hoa lan, xem những con ong khôn ngoan và tinh tế.
    Hai ba lần anh lên tiếng mời tôi vào nhà uống nước. Tôi đã định nói với anh, nước thì uống ở đâu chả được. Xem hoa mới khó. Nhất là được xem hoa địa lan. Được tắm mình trong hương thơm thanh tao hiếm hoi, chỉ mùa xuân mới nhiều và không phải nhà nào cũng ươm trồng được. Bởi như ông nội tôi nói thì phải có duyên mới gặp được lan quý, mới gặp được người hiền và giữ chân họ lại. Nếu không lan sẽ tự tàn đi, lụi đi. Chứ bây giờ thì... rất khác xưa. Cóc nhái nhảy rất cao. Cua, ốc, rắn rết... thành đặc sản. Trộm cắp, buôn gian bán lận, tham nhũng cũng chơi lan. Thậm chí họ còn có nhiều tiền vung ra mua những thân lan hiếm, đắt. Chơi lan để tu tâm dưỡng tính, nuôi nhân cách như người xưa dạy, càng tốt chứ sao. Vậy mà kỳ lạ ở cõi tự nhiên thì địa lan cao quý vẫn là địa lan, ong vẫn là ong, còn loài sâu bướm mãi mãi là sâu bướm không thể bén mảng đến cõi người hiền.
    Vợ chồng anh lại lên tiếng mời tôi vào nhà uống nước.
    Tôi bước lên nền nhà thấp và ẩm, đi luôn vào cửa giữa. Khóm lan quý này được trồng vào cái chậu cổ, đặt ngay ngắn giữa chiếc chiếu hoa, trên chiếc phản cũ trước bàn thờ, chiếc phản ấy cũng là nơi khách ngồi uống nước. Bởi thế tôi càng có điều kiện ngắm nhìn khóm lan với một ngồng hoa duy nhất. Lá lan xanh bóng mướt kiêu sa như một cô gái đẹp. Ngồng hoa nhỏ như cọng rơm khô, biểu tượng của người quân tử tu thân ép xác, với bảy bông hoa mầu trong xanh như ngọc bích xòe rộng ra các phía trông rất tự tin và trang nhã. Hương lan thì tuyệt rồi. Thơm đến giật mình, đến ngỡ ngàng rồi bỗng lặng đi. Tôi nhè nhẹ thở hít lấy hương thơm lạ lùng, kỳ diệu chỉ sợ thở mạnh hóa ra kẻ tham lam hít lấy được khiến hương lan giật mình, biến mất. Đó là địa lan thanh ngọc và hương hoa thanh ngọc đấy.
    Năm 1976, cấp trên cho gọi tất cả anh em viết trẻ ở các quân binh chủng về Tổng cục để cho đi học. Ông lo sau chiến tranh anh em sẽ ra quân, sẽ chuyển ngành, quân đội mất đi chất xám và nếu ai còn ở lại mà không được học hành chỉn chu kiến thức sẽ mòn đi. Hơn hai chục anh em tôi được triệu về bên bờ sông Tô Lịch, chỗ sát với làng Cót. Chính ở nơi đây, một chiều thư rỗi tôi tản bộ vào trong xóm. Tôi đã được gặp thứ địa lan này. Thoạt đầu tôi cứ tưởng là tiểu mặc. Ông chủ nhà ngoài sáu chục tuổi, cao dong dỏng, hàm răng chín sáu ba không, xếp hàng tập thể dục không đều nên lúc nào trông ông cũng như cười. Thấy tôi thích địa lan, tranh luận với ông lá địa lan này là lá lan tiểu mặc nên nó mới ở thế đảo kiếm, vênh váo một chút thế này. Ông vui lắm. Trồng địa lan nhà có bạn tâm đắc để dốc bầu tâm sự về lan thì sướng hết nói. Ông dặn tôi lúc nào thư thái lại vào chơi với lan, chơi với ông. Ông bảo thứ địa lan này của ông quý lắm. Quý nên lá nó mới kiêu hãnh, vênh vang thế. Cả Hà Nội giờ chỉ duy nhất nhà ông còn giữ được. Đây mới là thứ thanh ngọc cổ của người Hà Nội chứ thanh ngọc của ông Trưởng Tràng, ông giáo Nghị là thứ có sau này. Ra thế. Tôi vẫn ghi nhớ lời giảng giải của ông. Ông còn dặn khi nào tôi thích trồng thứ lan này, ông sẽ sẻ cho tôi vài dẻ hành. Cửu nguyệt phân lan. Nhớ tháng chín ta là tháng phân lan thì đến nhé. Các tháng khác không được đâu. Thời ấy, quý nhau, cho nhau vài thân lan, nào có xá gì. Chả ai bán cả. Bẵng đi cả mấy chục năm tôi không có điều kiện trở lại nhà ông xem chậu địa lan quý giá bậc nhất Hà Thành ấy còn giữ được không thì giờ đây tôi may mắn gặp lại ở nhà anh.
    Anh bảo mấy năm nay anh ra sức tầm lan. Ở đâu có lan là anh đều có mặt. Tôi bất ngờ thấy anh khoe đến tận nhà cụ Mưu ở huyện Quốc Oai quê tôi để mua lan tiểu kiều bạch ngọc và bạch ngọc châm hương. Anh tâm sự, anh bị nhiễm bệnh say lan từ dạo làm lính ở Quân khu Một. Ngày nghỉ thường lên núi Voi tìm lan. Phong lan thôi. Chứ núi Voi làm gì có địa lan. Từ phong lan anh chuyển sang địa lan. Lần ấy anh theo người bạn ươm trồng xương rồng đến nhà cụ giáo Nghị ở Thanh Lương. Anh bắt gặp mấy anh khách lạ đến mua địa lan. Cụ giáo Nghị không bán. Đã không bán cụ còn quầy quậy kêu nhức đầu, đau khớp. Chắc ông giời muốn dở chứng. Người bạn già, ông này anh mới biết cũng là giáo viên dạy cùng trường với cụ giáo Nghị, thấy đời sống của bạn khó khăn, có bữa đứng lớp còn phải mặc quần tích kê hai đầu gối, bảo:
    Những hai cây vàng một chậu, ông bán bớt đi.
    Cụ giáo Nghị không vui. Cụ chăm chăm nhìn bạn một lát mới trả lời:
    Tôi không ngờ ông lại bảo tôi bán tinh hoa của dân tộc đi, để sau này con cháu chúng ta nó chửi cho à?
    Tinh hoa của dân tộc. Lần đầu tiên anh nhìn thấy những chậu địa lan, được nghe nói đến tinh hoa dân tộc. Thảo nào mấy vị khách lạ cứ lăn lóc đòi mua. Anh thầm nghĩ họ thâm thật. Vung tiền đòi mua cả tinh hoa của người ta. Nhân tiện anh rụt rè hỏi cụ:
    Sao cụ không trồng phong lan ạ?
    Cụ giáo tặc lưỡi, chép miệng:
    Đấy là thứ hoa của đám tiểu nữ.
    Anh chưa thật hiểu thế nào là tinh hoa của dân tộc mà chỉ vua mới chơi được, còn các quan đại thần chỉ được chơi cây chà, cây thế và thế nào là loại hoa của đám tiểu nữ, nhưng anh bắt đầu say mê địa lan. Ở đâu có địa lan là tầm bằng được. Anh là người Việt anh phải có trách nhiệm sưu tầm và phát triển tinh hoa Việt. Anh chỉ nghĩ đơn giản thế thôi.
    Hằng năm, cứ ăn cái Tết ta xong, hoa địa lan còn đang độ sung mãn là anh một mình một ngựa đi tầm lan, khi Hòa Bình, Thanh Hóa, khi Bắc Cạn, Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Cái năm anh ngược Sông Đà gặp lũ xuân, con sông đột ngột dâng nước ào ào. Điện thoại ngoài vùng phủ sóng. Bạn bè lo. Gia đình sợ. Đến hôm anh về, bạn bè tập trung đầy sân nhà anh. Mừng hết chỗ nói. Năm ấy anh tìm được nhiều giống lan đẹp. Những vàng ba số, thanh nhất phẩm, những bích ngọc, đại thanh lá dựng.
    Bây giờ người chơi lan trăm nhà, trăm giống địa lan. Phong trào chơi lan dưỡng tâm tu tính không chỉ có ở một quận, một thành phố mà lan tỏa ra khắp miền. Tỉnh nào cũng có hội lan. Vậy mà hầu hết những giống lan đẹp đa phần đều do anh sưu tầm. Người chơi lan cũng trẻ trung, cũng do anh lan tỏa.
    Có thể nói, anh là người dũng cảm lên rừng, xuống thung tầm lan, ươm trồng và phát triển vườn lan rầm rộ nhất, lớn nhất thời kỳ này.
    Anh là ai?
    Tấn Phong, Cổ Bản.

Kết Thúc (END)
Dương Duy Ngữ
» Anh Cảnh Sát Khó Ngủ
» Một Nhành Xuân
» Nghệ Nhân Hoa Lan
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò