Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Biển Đợi Tác Giả: Mai Duy Quý    
    Hai giờ sáng. Tôi vẫn chưa chợp mắt được. Tôi vơ váo vào lòng gối êm, chăn ấm và cả chú gấu bông mềm mại. Như thế vẫn thấy còn quá ít. Máy điều hòa mở 28 độ C vẫn thấy lành lạnh. Chẳng biết cái lạnh do đâu lan tỏa khắp người. Ngoài trời đổ mưa bất chợt.
    Từng giọt mưa tí tách gõ đều lên mái tôn, vỗ về giấc ngủ của tôi. Giấc ngủ mơ màng, rối bời mộng mị. Choàng tỉnh, sờ gối thấy ướt tứ tung. Trong mơ tôi đã khóc. Lần đầu tiên tôi khóc dù chẳng ai đánh đập. Cha chỉ trách nhẹ nhàng mà thâm thúy: 'Con còn dại khờ lắm. Ðường đời con chưa từng trải nên chưa biết. Ai đời đường quang không đi lại đâm quàng đường rậm'. Tôi không nghe lời cha nên không dám cãi lại. Trong cuộc tranh luận này tôi là người đuối lý. Cha xin cho tôi được dạy gần nhà, trường ở ven thành phố vậy mà tôi đã chối từ chỉ vì loáng thoáng nghe được cuộc đối thoại giữa cha với người sẽ ký quyết định: 'Không đi xa dễ thôi, có điều... hòn đất ném đi hòn chì ném lại'. Không biết cha tôi có 'hòn chì' để ném lại không. Chỉ biết rằng có một 'hòn đất' đã ném vào tim tôi đau nhói.
    Hơn ba mươi năm trong nghề giáo cha sống đạm bạc, thanh cao. Cha luôn nhập thân vào nhịp đập ngọt ngào của chữ nghĩa để rót vào tai, để hút lấy ánh mắt trong trẻo của học trò mà không màng danh lợi. Chưa bao giờ cha cúi luồn, nịnh bợ hay đút lót cho ai. Giờ đây, Người phải gồng hết khả năng của mình để không phải xa tôi. Trên đời này có thứ tình thương nào tha thiết và bao la hơn tình cha mẹ thương con! Suy ngẫm. Day dứt. Tôi không muốn vì con mà cha phải đánh đổi một giá quá đắt, đánh đổi điều tôi luôn tự hào về cha.
    Lạ thay, sáng nay trời vội chuyển mùa ! Mới chiều hôm gió nam rười rượi, bây giờ gió bấc lạnh tái tê. Tôi thu xếp vào giang sơn của mình nào son phấn, nước hoa, lọ to lọ nhỏ, xanh đỏ đủ màu. Mọi thứ có thể cho vào vali du lịch sang trọng tôi đem theo tất. Tôi chuẩn bị chu đáo cho bước ngoặt cuộc đời. Cha không khuyến khích cũng không ngăn cản chỉ thở dài thườn thượt, thả nỗi buồn xa lắc lơ. Còn người yêu, anh không an ủi, vỗ về lại mỉm cười mỉa mai. Anh ghét 'cuộc cách mạng' của tôi. Anh không tin tưởng mà còn liếc nửa con mắt nhìn với vẻ coi thường. Ðó là sự xúc phạm. Tôi càng phải cứng rắn hơn để dấn thân vào cuộc đi xa này. Tôi chào cha rồi lên xe đi vội mà không dám nhìn vào đôi mắt đỏ hoe, lăn dài những giọt nước nóng hổi yêu thương. Hình ảnh ấy tôi giữ mãi trong lần đầu tiễn biệt.
    Con đường đến bến cảng cùng anh đi tắm biển nhiều lần giờ đây mình tôi lẻ loi độc hành như chưa từng đặt chân đến. Con đường sao cứ mãi dài ra. Tôi vô ga tăng tốc như để chạy đua với thời gian. Từng cơn gió thốc vào mặt, rát rạt. Gió mùa đông bắc cấp 6, những con tàu neo trong cảng lắc lư như vũ nữ. Ngoài xa, từng lớp sóng bạc đầu đuổi nhau chạy vào bờ như xô đẩy, thách thức tôi. Hôm nay không có chuyến tàu cao tốc chở khách, chỉ tàu gỗ chở hàng. Quay về ư? Không, không thể đầu hàng, phải bước tiếp, tự tin. Ðể truyền sức mạnh tôi huýt sáo câu hát lâu rồi chưa có dịp ngân nga: 'Ra đi, ra đi thà chết chớ lui...'.
    Nhón chân khỏi cầu cảng, bước lên tàu, con đường thảm nhựa của tiện nghi đã từ giã, để lại trong tôi bao thương nhớ giận hờn. Tàu kéo neo, rẽ sóng mang theo niềm háo hức, đợi chờ. Lần đầu trong đời, tôi cảm nhận được vẻ đẹp kiêu sa mà đỏng đảnh của biển cả.
    Nơi sẽ giúp tôi trải lòng mình lên trang giáo án đây rồi ! Tôi bị say sóng liền nằm lăn lên chiếc giường trống. Mắt nhắm nghiền, tai dỏng nghe mọi âm thanh, đón nhận mọi sự chăm sóc ân cần. Tôi gắng gượng uống ly nước dừa xiêm ngọt ngào của xứ đảo. Chẳng biết ly nước dừa là thần dược hay tình thương của đồng nghiệp đã truyền sức mạnh cho tôi. Có lẽ cả hai đã quyện lấy, tạo nên điều kỳ diệu nơi miền sóng vỗ này.
    Một ngày mới bắt đầu. Tôi bước vào lớp. Cả lớp đứng lên, lặng phắt nhìn tôi mê mải. Tôi cố tỏ ra nghiêm nghị nhưng vẫn không giấu nổi chút bối rối của người mới ra trường, chân ướt chân ráo đứng trên bục giảng. Bao nhiêu ánh mắt xoi mói làm tôi ngượng nghịu, đỏ mặt. Tôi khẽ gật đầu, những sợi tóc mai vương vương thương tôi xòa xuống che bớt đôi má ửng hồng. Tôi mỉm cười:
    - Chào các em, mời các em ngồi.
    Tôi lia mắt khắp lớp. Lớp trống hoác trống huơ, chưa đầy hai chục em. Tôi định chất vấn nhưng đành kiềm chế. Tôi cười, dịu dàng:
    - Hôm nay buổi học đầu tiên chúng ta làm quen với nhau nhé! Cô là Danh. Lê Mai Thành Danh. Cô sẽ cùng các em đi hết đoạn đường lịch sử lớp cuối cấp này.
    Tôi vừa dứt lời, ở góc trái, một giọng ca nam the thé cất lên vừa đủ nghe: 'Ngày xưa khi gặp nhau tiếng yêu thiết tha đã trao lời', kèm theo đó là những giọng cười khúc khích lan nhanh như tiếng rì rầm của sóng biển. Mặt tôi nóng ran. Tình huống sư phạm không hề có trong giáo án, nằm ngoài tầm dự đoán của tôi. Tôi im lặng. Lớp đột ngột nín thinh. Tôi nhẹ nhàng nhưng giọng trầm buồn:
    - Cô cho phép em nào vừa hát, đứng lên hát hết bài cho lớp nghe.
    Một học sinh nước da ngăm đen, tóc đỏ hoe, đứng lên cúi đầu im lặng. Lớp ngột ngạt chờ cơn địa chấn xảy ra. Tôi cười. Cả lớp thở phào nhẹ nhõm.
    - Sao, thuộc một câu thôi à? Em tên gì nhỉ?
    Dáng trò cao to, giọng trò lí nhí: 'Em xin lỗi cô. Em tên là Hồ Ðại Dương'.
    Lời trò thành thật. Tôi tự tin bước về phía chỗ ngồi của Dương với dáng đi mà người yêu khen là xà hành tước bộ. Tôi đứng giữa lớp, nhìn hơn hai mươi chỗ trống trên bàn như từng nhát dao đâm vào tim tứa máu. Tôi tự nhủ phải như người chị dịu hiền may ra mới cảm hóa các em mến trường yêu lớp.
    Tôi liền nhập cuộc: 'Các em không học là tự làm khổ lấy mình. Không đỗ tốt nghiệp, uổng công đèn sách 12 năm. Con đường tương lai hẹp dần lại thêm khúc khuỷu, gập ghềnh. Và hơn thế các em còn làm khổ bao người. Bây giờ không học, đầu óc rỗng tuếch, cuối năm dốc sức liệu được bao nhiêu? Ðiều quan trọng hơn đối với Lịch sử, sinh thời Bác Hồ có dạy: 'Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam'. Sử học có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc. Không hiểu lịch sử dựng nước, giữ nước là có tội với tổ tiên là quên đi nguồn gốc giống nòi là không hiểu văn hóa dân tộc...
    Các em nhận ra lỗ hổng của mình và điều tâm hồn cần chứa đựng. Những ánh mắt trong veo chớp chớp tạo men say và nguồn cảm hứng cho lời giảng của tôi thêm ngọt ngào.
    Xứ đảo này bốn mùa nắng, gió. Cuộc sống còn khó khăn. Tôi ít đòi hỏi, dù những ngày biển động nuôi dưỡng tình thương học trò bằng cơm chấm muối đắng chát tận cõi lòng. Những đêm không điện, bên ngọn đèn dầu tôi vẫn thắp sáng lòng mình lên trang giáo án. Như thế vẫn còn chưa đủ. Tôi đến nhà những học sinh thường bỏ học để cùng gia đình động viên, khuyên bảo các em.
    Hôm sau học sinh đi học nhiều hơn. Tôi vui, nét mặt ngời rạng rỡ. Tôi dành đôi ba phút để khơi nguồn cảm hứng cho các em, giọng thiết tha:
    - Ngày xưa cô là học sinh giỏi Toán, năm lớp 9 đạt giải nhất cấp tỉnh. Nhưng đường đời cũng thiệt lạ để bây giờ cô trở thành giáo viên dạy Sử. Chuyện ngỡ trong mơ.
    Nhiều cánh tay đưa lên: 'Cô kể chuyện ly kỳ này cho lớp nghe đi ạ!'
    - Câu chuyện dài lắm, như trường thiên tiểu thuyết, đầy chi tiết gay cấn đến bất ngờ. Bây giờ các em phải học, chăm ngoan. Hẹn dịp thuận tiện cô sẽ kể nhé!
    Thấp thoáng vài khuôn mặt buồn rười rượi. Tôi liền nhập thân vào cái phập phồng hơi thở của chữ nghĩa. Vào khúc khải hoàn ca của chiến thắng Ðiện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Tôi cuốn hút các em đến với những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhìn khắp lớp em nào cũng chăm chú lắng nghe, miệng hết ngáp ngủ, mắt hết lờ đờ. Ánh mắt trong veo hút tôi về nơi ấy để lời giảng lên men.
    Tôi lại lôi cuốn niềm say mê của các em bằng tiết ngoại khóa lịch sử địa phương. Tôi đưa các em đến thăm những ngôi mộ gió (mộ chôn khối đất sét thế xác người) của những hùng binh đã hy sinh để bảo vệ phần đất thiêng liêng nơi quần đảo Hoàng Sa. Tôi đọc những câu ca còn vang vọng mà các em chừng như quên lãng: 'Hoàng Sa trời biển mênh mông / Người đi thì có mà không thấy về / Hoàng Sa mây nước bốn bề / Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa'. Nhờ phương pháp sư phạm khơi gợi hứng thú, tôi dẫn dắt các em tích cực chủ động tiếp thu kiến thức thật dễ dàng. Những buổi tiếp theo, tôi lên lớp trong niềm phấn khởi. Còn gì vui hơn khi lớp học không vắng em nào. Môn Sử không còn chán ghét hay cực hình với các em nữa.
    Tháng ba, những cây vông còn sót lại, hoa đỏ rực một góc trời xứ đảo. Những cành cây khẳng khiu vươn cánh tay dài yếu đuối vẫn lung linh màu lửa. Tôi cùng các em miệt mài theo dòng lịch sử. Lòng rưng rưng với sự hy sinh của bao anh hùng dân tộc mà quên đi tháng ngày mải miết trôi. Sân trường, bất chợt những cành phượng thắp lửa hồng báo hiệu mùa thi. Tôi và các em hồi họp, đợi chờ niềm hạnh phúc. Quả nhiên hạnh phúc sẵn sàng đến với ai biết vun đắp, nâng niu nó. Tất cả học sinh khối 12 thi tốt nghiệp không có em nào dưới điểm trung bình môn Sử. Buổi họp mặt cuối năm học, em nào cũng mừng vui hớn hở. Các em quên đi lời tôi đã hứa sẽ kể chuyện mà chưa có dịp kể bao giờ. Có lẽ tận thẳm sâu của mỗi tâm hồn, các em hiểu tất cả dù nó không chứa đựng những ngôn từ hoa mỹ.
    Tôi nhẩm tính đã bốn tháng tròn, vì lo miệt mài dạy dỗ nên chưa về thăm dù phải nhận bao lời hờn trách. Những ký ức đang tuôn chảy, ùa về. Bỗng đôi bàn tay từ phía sau, nhẹ nhàng bịt mắt tôi. Ðôi bàn tay mềm mại, quen thuộc lắm. Tôi cố đoán mà không tài nào đoán nổi. Ðôi bàn tay ấm áp đến lạ kỳ. Chẳng lẽ là anh sao? Tôi chịu thua. Anh cười ngập tràn hạnh phúc:
    - Bất ngờ quá phải không em? Anh tưởng em bị ai bỏ bùa mê nên quên đường về phố thị. Hóa ra cũng chỉ tâm tình cùng biển cả. Này, nhắm mắt lại, anh tặng món quà mà ngọc ngà châu báu cũng không sánh nổi đâu.
    Anh tặng nụ hôn nồng thắm rồi đặt vào tay tôi một tờ giấy xếp gọn gàng. Tôi bàng hoàng. Chẳng lẽ giấy đăng ký kết hôn chờ tôi ký? Tôi run run mở ra. Còn tai họa hơn thế! Tôi thảng thốt, trời ơi, giấy đồng ý nhận tôi về dạy ở thành phố. Tay xòe ra, ơ hờ, lạnh nhạt. Với tôi, nó chỉ là tờ giấy loại không hơn không kém. Bất chợt, làn gió tinh nghịch ào đến, cuốn phăng ra biển cả. Anh vồ chụp nhưng không kịp nữa rồi. Anh lay đôi vai tôi. Ðôi vai gầy rung lên trong vô cảm. Anh thất thần đến tội nghiệp, nghẹn ngào:
    - Sao thế hở em? Tình mình đã hết rồi sao?
    - Không hết cũng không còn! - Tôi trả lời anh lạnh nhạt, dửng dưng.
    - Thế nghĩa là sao? Anh không hiểu em nữa rồi. Em thay lòng đổi dạ nhanh đến thế ư?
    - Em vẫn như xưa. Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng. Anh không hiểu gì về người mình yêu, liệu đó có phải là tình yêu đích thực?
    - Vì yêu em, anh phải 'chạy' như tứ mã nan truy mới kéo được em từ ngàn khơi sóng vỗ về chốn phố thị hào hoa. Ðiều mà khối người nằm mơ cũng không thấy. Nếu không yêu anh, em cũng không thể phụ công đến thế. Em thật điên rồ hết biết!
    Tôi cười tươi như hoa mà không tranh luận. Tôi nắm lấy tay anh và miên man như ngàn con sóng hát:
    - Nơi bốn bề mênh mông trời nước này, các em còn khó khăn trong cuộc sống... chẳng lẽ các em phải chịu thiệt thòi về giáo dục nữa sao? Em không chịu nổi những ánh mắt đượm buồn do thiếu học của lũ trẻ. Dù em có ở mãi đây năm năm hay bẩy năm cũng tốt thôi.
    Biết tính tôi không dễ gì lay chuyển nổi. Anh ôm tôi vào lòng, thơm nồng nàn lên mái tóc rối bời trong gió biển.
    Mỗi khi sắp đến hè, những chiều rảnh rỗi, biển hiền hòa, tôi ra biển đợi để được ngập tràn kỷ niệm bên anh. Và, mong mùa thu mau đến để bớt nhớ nhung bao ánh mắt thèm khát tri thức của học trò xứ đảo.
    Anh ơi, nơi khung trời phố thị, hãy biết rằng biển vẫn ngời bóng hình anh! Hãy hiểu cho em vì sự nghiệp trồng người nơi đầu sóng ngọn gió nên chúng ta vẫn hai đầu nỗi nhớ. Mùa xuân sắp về, anh có nghe lời ru vọng vang từ biển cả?
    Anh ơi ! Ngàn năm biển vẫn xanh. Em vẫn hẹn anh bên biển đợi !

Kết Thúc (END)
Mai Duy Quý
» Biển Đợi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam