Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Món Nợ Không Thể Trả Tác Giả: Lê Đức Đồng    
    Trong đoàn cán bộ ra đón nhận lính mới, có anh Tư Việt (họ tên đầy đủ là Trần Văn Việt) khoảng chừng 24, 25 tuổi với mái tóc húi cua và nước da ngăm đen. Ðơn vị giới thiệu anh Tư là C phó (tức Ðại đội phó) đại đội 2, tiểu đoàn 307, Trung đoàn U Minh. 'Chà, đại đội phó mà trẻ dữ ta - chắc tay này 'oánh' giặc ngon dữ lắm!'. Lũ chúng tôi trầm trồ trước những con người bằng xương bằng thịt mà lâu nay mới chỉ biết qua những trang sách viết về người chiến sĩ miền nam anh hùng. Tôi đem những suy nghĩ ấy tâm sự khi cùng anh Tư tắm ở bờ sông. Anh cười hiền lành để lộ hàm răng sún mất hai cái: 'Cũng thường thôi'. Anh kể quê anh ở tận miệt Cái Nước (Cà Mau) mà theo anh xứ ấy 'muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lên như bánh canh' mới nghe mà hãi. Hai anh em nhanh chóng cởi đồ ra để lội. Trời ơi, mình mẩy anh Tư toàn sẹo là sẹo. Cái to cái nhỏ, cái ngắn cái dài, cái đỏ cái đen nằm ẩn dưới da lưng, da bụng. 'Miểng M79 đó, ớn hông?' - anh Tư nói rồi cười ha hả trong lúc tôi còn ngó chăm chăm vào những vết sẹo đen sẹo đỏ trên khắp mình anh.
    Bữa ăn nào anh cũng dành phần cá nhiều cho tôi, bởi theo anh Tư, tôi là lính mới, là liên lạc mới của đại đội nên được 'ưu tiên'. Chúng tôi sống trong dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Chỉ một thời gian ngắn, tôi đâm nghiền món mắm sặt sống. Ðó là những con mắm sặt chỉ to bằng hai ngón tay, ăn kèm với rau răm, chuối chát, khế chua, bông lục bình, cù nèo và có thêm ly đế nữa thì nhứt xứ! Mắm sặt ăn giữa chốn đồng quê thơm nức mũi. Anh Tư nhìn tôi ăn ngon lành rồi nói vui 'mày ăn mắm sống được là mày làm dân Nam Bộ đặng rồi đó!'.
    Ðơn vị chúng tôi được lệnh hành quân chiến đấu, có nhiệm vụ đánh cắt lộ Bốn (Quốc lộ 1 bây giờ) thuộc khu vực xã Tân Lược (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) chặn đường rút lui của quân giặc từ Sài Gòn đổ về vùng bốn chiến thuật (mà trung tâm là Cần Thơ). Mấy đêm nằm im ngoài bờ bao, chúng tôi phải luộc chuối ăn thay cơm. Từng bầy trực thăng bay lên đáp xuống phía Cần Thơ như chuồn chuồn gặp bão. Lại hành quân cả đêm cho kịp giờ tác chiến. Trực thăng soi đèn sáng như ban ngày. Anh Tư bình tĩnh, động viên mọi người nằm im, ngụy trang cho kỹ. Ai nấy đều tỏ ra căng thẳng, có người còn đòi bắn máy bay... Chợt Anh Tư cất lên câu dân ca Nam Bộ cải biên làm ai nấy không nín được cười: 'Chiều chiều ra đứng tây lầu tây... Tây lầu tây, thấy cô tang tình đang tắm... tắm heo, tắm heo trong chuồng... ừ ứ ư ứ ừ... ứ ư ự... ứ ừ...'.
    Ðơn vị tôi áp sát mục tiêu lộ Bốn cũng vừa lúc nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi vào tiếp quản khu quân sự Bình Minh, tổng hành dinh của sư đoàn 21 khét tiếng của quân ngụy Sài Gòn và hỗ trợ địa phương giữ gìn an ninh trật tự. Ðất nước hòa bình. Niềm vui khôn tả. Bầu trời xanh rợp cánh chim bồ câu trong nắng sớm. Anh Tư xin phép đơn vị về thăm ba má tận Cà Mau. Cả nhà giục anh cưới vợ nhưng anh chỉ cười 'gấp gì cho mệt'.
    Ðầu năm 1976, đơn vị chúng tôi hành quân về vùng An Giang tham gia truy quét tàn quân, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở. Mùa gió chướng tràn về. Nước sông trong xanh, phù sa lắng lại vì đã qua mùa nước nổi. Ðêm đêm, anh dẫn chúng tôi đi soi ếch, bắt cá. Soi đèn dọc bờ sông, chỉ cần có con dao nhỏ là được gần giỏ cá đầy. Cá vùng An Giang nhiều, chúng tôi thích nhứt là cá éc, một loài cá vảy đen thịt trắng và thơm ngon đến lạ.
    Chấp hành nhiệm vụ cấp trên, đơn vị chúng tôi lại hồ hởi hành quân về đồng Cờ Ðỏ (thuộc huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) làm ruộng. Ðồng Cờ Ðỏ mênh mông và chỉ có gió trời là dư dả. Ngoài những giờ luyện tập, anh Tư trổ tài đào chuột đồng. Mang theo hai chú chó, chúng tôi theo chân anh Tư đi săn chuột dọc bờ ruộng. Mùa này lúa đã cắt xong, chỉ còn trơ gốc rạ. Chuột mùa này mập tròn vì chúng đã no nê giữa lúa đồng bát ngát. Hơn nửa buổi đã gần đầy bao chuột trông thật hấp dẫn. Món đầu tiên ngon nhứt trong đời lính là món thịt chuột xào lá cách mà anh Tư 'chiêu đãi' chúng tôi. Mùi thơm béo ngậy của thịt chuột đồng, mùi lá cách thơm nồng quyện cùng với ớt hiểm xanh tưởng chừng không cao lương mỹ vị nào sánh được! Thiệt tình món thịt chuột xào lá cách thuở ấy, tôi nhớ mãi đến bây giờ.
    Vui nhứt là những chiều trên những thửa ruộng vừa gặt xong, anh Tư cùng anh em trong đại đội chia làm hai đội đá banh suốt chiều, bất phân thắng bại trong tiếng reo hò cổ vũ rần trời...
    Cuối tháng tư năm 1977, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc trở về An Giang. Bọn Pôn-pốt ngang nhiên tiến công, chiếm đất trên toàn tuyến biên giới tây nam; gây ra nhiều tội ác đối với đồng bào vùng biên. Lửa cháy dọc miền biên giới và cháy bỏng căm hờn trong lòng người chiến sĩ. Một tấc đất của cha ông để lại quyết không cho kẻ thù nào xâm lấn. Lời hịch ngàn xưa như vẫn còn vang vọng 'Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời' (Nam quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt). Toàn đơn vị sẵn sàng ở mức cao nhất cho từng trận đánh. Anh Tư đi đến từng người, tâm tình, động viên, không quên nhắc nhở mọi người xem lại vũ khí, thắt lại dây giày, cơ số đạn...
    Năm giờ sáng ngày 7-5-1977, lệnh vượt sông ban ra. Từng tốp chiến sĩ nhanh nhẹn lao xuống bờ sông, dùng xuồng, bè chuối nhanh chóng áp sát địch. Bọn lính Pôn-pốt phát hiện và bắn như vãi đạn. Bờ sông cao nên đạn bay lượt sượt phía trên đầu. Phía bên phải, đơn vị bạn đã chiếm được hào giao thông. Bọn Pôn-pốt chạy dạt qua phía chúng tôi đang chờ sẵn. Từng loạt đạn đanh gọn cắt đứt đội hình địch. Anh Tư nhổm người lên quan sát và hướng dẫn từng chiến sĩ chiếm từng góc hào. 'Xung phong!'. Anh Tư truyền lệnh dứt khoát và cùng các chiến sĩ lao về phía trước. Chúng tôi dàn hàng ngang, xông lên chiếm công sự, hỗ trợ anh Tư và đồng đội đang truy kích bọn lính đang co cụm chống trả. Bỗng 'Oành!' - một trái cối 81 đã nổ ngay trước mặt chúng tôi chừng năm, sáu thước. Anh Tư và cậu Trung liên lạc hy sinh. Tôi bò lên gào to 'Anh Tư! Anh Tư! Trung ơi ! Trung ơi ! Có việc gì không?' nhưng chỉ nhận được sự bất động của hai người lính. Súng nổ bốn bề, khói bay mù mịt và đơn vị chúng tôi đã chiếm được trận địa, giành lại mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc...
    Tháng bảy năm 1977, đơn vị cho phép tôi đi ôn thi vào đại học ở Trường quân chính Ðồng Tâm (Mỹ Tho). Vì lý do ở đơn vị chiến đấu nên tuy tập trung trễ nhưng tôi vẫn được nhà trường tạo điều kiện ôn thi. Do có sự chuẩn bị từ trước, nên tôi đậu vào ngành Văn, khoa Sư phạm, Ðại học Cần Thơ. Tôi lại làm hồ sơ, chụp hình theo quy định của trường để nhập học.
    Thiệt tình mà nói, trong túi tôi lúc ấy không còn một đồng. Mọi phụ cấp đã xài hết nên tình thế vô cùng gian nan là làm sao có tiền chụp hình cho kịp. Tôi lục lại trong ba-lô xem có cái gì có thể bán được. Ngoài mấy cuốn sách, có một gói giấy nhỏ rơi xuống. Tôi mở ra xem, trời ơi, chiếc đồng hồ lên dây thiều mỏng mảnh. Chiếc đồng hồ của anh Tư nhờ tôi đi sửa cái kim giây, tôi chưa kịp đưa lại anh... Tôi mang chiếc đồng hồ đi cầm, nói rõ sự tình và chủ tiệm đồng ý khi trao tôi hai mươi đồng bạc.
    Có số tiền nhỏ nhoi này, tôi đi chụp hình, làm thủ tục nhập học đúng thời gian.
    Anh Tư ơi, em có lỗi với anh thiệt nhiều! Chiếc đồng hồ nhỏ thôi mà cứ oằn nặng trong lòng em mãi. Do đường sá xa xôi, xe cộ hồi ấy đi lại cực khó nên em không trở lại chợ Mỹ Tho chuộc lại chiếc đồng hồ. Có lẽ hồn thiêng của anh đã tiếp giúp em trong lúc khốn khó!
    Bỗng hiện lên trong sương chiều bảng lảng là bóng hình anh Tư Việt, vẫn với cái đầu húi cua ngắn, vẫn với nước da ngăm đen và cái miệng cười hiền lành để lộ hai chiếc răng sún đang tắm dưới bờ sông ken dày đám dừa nước...

Kết Thúc (END)
Lê Đức Đồng
» Món Nợ Không Thể Trả
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bầu Trời Của Người Cha
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam