Kể từ ngày giải phóng cho đến giờ, có lẽ lâu lắm rồi người dân Thanh Hải mới có một niềm vui lớn đến thế. Mà phải đâu là điều chi to tát, niềm vui ấy đơn giản chỉ là ước mơ suốt hai chục năm nay của họ sắp thành hiện thực. Từ ấp trên xuống xóm dưới, đi đâu cũng chỉ thấy bà con bàn tán về nó. Người ta nói trên cánh đồng Ông Trang đang vụ gặt, nói trên bàn đánh bài tứ sắc, nói trên đường vác mái chèo đi dọc con kinh đào Vàm Ông Lớn... Người ta trộ nhau rằng, tới đây, dân Thanh Hải sẽ không còn phải vất vả lên tận bệnh viện huyện hoặc qua xã kế bên khám bệnh ké nữa. Thanh Hải sẽ có trạm xá riêng, có bác sĩ, y tá riêng. Một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng hong hóng chờ coi ai sẽ về vùng đất này. Chú Sáu Cộc và dì Tư Chà Và trên ấp Thanh Hà còn móc nghéo ăn thua với nhau, đoán gà đoán vịt chừng bác sĩ sẽ là đàn ông hay đàn bà nữa. Thiệt vui hết lớn.
Rồi cái trạm y tế mà bà con mong chờ cũng được hoàn thành. Ngày khánh thành, bà con từ hàng chục xóm ấp kéo đến coi cho đã con mắt. Dân dưới ấp Cái Cối ở tuốt luốt mé cửa sông, xa trung tâm xã cả chục cây số cũng đánh nguyên cả chục chiếc vỏ máy ngược kinh Vàm Ông Lớn về dự khánh thành. Thành thử, lãnh đạo huyện và xã không lường hết được số người về dự nên đành phó mặc, người trên bến, kẻ dưới thuyền... cứ đùng đưa vậy mà đứng ngắm trạm y tế mới.
Tiếng nói cười ngập tràn dòng kinh. Ai cũng vui như thể đó là nhà của mình vậy. Dân Thanh Hải tự hào bởi họ đã được cấp trên quan tâm, được các chú bộ đội trên quân khu nhớ cái ân nghĩa xưa cũ mà xây cho hẳn một trạm y tế quân dân y kết hợp bự tổ chảng nằm ngay giữa trung tâm xã. Chợt giọng chú Tư Cộc cất lên:
- Nè cô Sáu, mau mua rượu về đãi tôi đi chớ. Bác sĩ là đàn ông đó. Loa vừa kêu rằng bác sĩ Trần Tuấn sẽ là trạm trưởng ở Thanh Hải mình nè.
Ðang rửa chân dưới bến nước, cô Sáu Chà Và nhảy đánh ót lên bờ ngỏng cổ nhìn vào sân trạm. Cao quá, nhìn không tới, cô loay hoay vần khúc cây rồi trèo lên đó, miệng la bai bải:
- Ðàn ông thiệt anh Tư ơi. Mà ủa, bác sĩ ở đâu tới vậy ta. Ổng đâu có mặc áo trắng như các bác sĩ trên huyện. Kỳ quá, ổng mặc quân phục anh à.
Nghe cô Sáu tả, chú Tư ngó bộ cũng ham, liền xô mọi người phía trước dạt cả sang hai bên, xán vào tận trong sân để nhìn cho rõ. Lát sau, chú lại hổn hển chui ra, cánh tay trái bị cụt đến đầu gối lúc lắc theo nhịp chân. Nhác thấy thằng Ðược, cháu cụ lang Hiền đang đứng sớ rớ gần đó, chú ngoắc nó lại:
- Ðược, lại chú biểu coi.
- Dạ, chú Tư gọi con - Ðược chạy lại, vòng tay trước ngực lễ phép.
- Ờ, rồi..., ờ..., để chú coi... - Tư Cộc lậm mãi mới nói được thành câu - Rồi, mày guồng chân chạy thật lẹ về báo cho ông Năm biết. Bác sĩ về xã mình là bác sĩ Tuấn, người ngoài bắc đó. Nhưng ổng vào đây lâu rồi, đâu như làm bác sĩ trên quân khu. Gì nữa ta...? À, ổng tình nguyện về đây đó. Ðây là trạm xá quân dân y kết hợp. Bắt đầu từ ngày mai, trạm xá sẽ mở đợt khám bệnh toàn diện cho bà con. Rồi đó, đi đi con.
Ðược vắt giò lên cổ mà chạy. Về tới nơi, nó đã nghe tiếng ông nó rổn rảng:
- Thấy tụi nhỏ nó kéo nhau ra trạm xá mới mà tôi bắt ham quá. Dân mình từ nay đỡ cực biết mấy.
Bà Tám Hậu bắt lời:
- Ờ, anh Năm nói phải quá đi chớ. Có trạm xá, anh Năm đỡ vất vả. Anh tuổi cũng cao rồi, mà cứ lọ mọ đi bắt mạch từ ấp trên qua ấp dưới mãi thì sức nào chịu thấu.
Giọng dì Út Ðẹt dưới bếp nói hóng lên:
- Cô Tám nhớ hôn, dạo nọ, anh Sáu Cộc chớ ai, ảnh bị ngã từ trên mố cầu tràm xuống, lọi cả xương tay. Hồi đó ba con sơ cứu cho ảnh, rồi biểu người nhà khênh lên xe bò chở vô bệnh viện huyện. Người đẩy, kẻ kéo, miết rồi mới tới nơi thì cánh tay đã không còn cứu kịp. Thế nên giờ thằng đó mới kêu tên Cộc.
Ông Năm khà khà:
- Ờ hén! Thiệt tình, cái thằng đó cũng tội. Bảnh trai dữ dằn nghe, mà cũng chịu thương, chịu khó nữa chớ. Cái tiệm bán tạp phẩm của nó làm ăn cũng ổn. Vậy mà nó mặc cảm cái tay cộc, không có chịu thương cô nào hết. Con Hai có ưng để tao kêu nó vô gả phứt mày cho rồi.
- Khỏi, ba ơi. Có con Sáu Chà Và nó đeo ảnh rồi. Kêu con chi cho mất công... - dì Út Ðẹt phụng phịu.
Út chạy ào vô sân, thấy ông đang quấn điếu thuốc rê, nó vội la lớn:
- Nội, chú Sáu Cộc biểu con về báo nội hay. Trạm xá mới đẹp lắm. Có cả bác sĩ tên Tuấn về nữa.
- Ủa, vậy Sáu Cộc đâu mà con về có mình? - ông Năm bập thuốc, hỏi.
- Chú còn ở ngoài đó với cô Sáu ông ơi.
- Vậy tướng tá tay bác sĩ đó sao vậy Ðược? - bà Tám nhổ xoẹt ngụm nước trầu xuống sân, nhìn Ðược chờ đợi.
- Hổng phải bác sĩ thường đâu bà Tám. Con thấy biểu là quân, quân... gì gì đó. Mà thấy nhiều chú bộ đội ghê lắm. Mà chú Sáu nói ổng là người bắc, công tác mãi tận trên quân khu lận.
Ông Năm gật gù ra dáng hiểu biết:
- Vậy là bác sĩ quân y rồi. Cha, vậy là hay rồi hén. Có bác sĩ quân y về xã mình là số dách đó. Rồi chú Sáu còn dặn gì nữa hôn?
- Dạ, chú còn dặn, bắt đầu từ ngày mai, sẽ có đợt khám sức khỏe toàn diện cho nhân dân trong xã. Giờ chú chờ ngoài đó coi xem ấp mình được xếp khám vào hôm nào. Thôi, con vô học nghe nội. Chiều nay con có bài kiểm tra.
- Ờ, thôi bay vào học đi. - Ông Năm xây qua nói với bà Tám - Chị Tám nè, không biết cái tay bác sĩ quân y trông ra sao ha. Hồi năm bảy ba, xã mình lúc đó đã là vùng tự do, tôi cũng được một anh quân y giải phóng cứu thoát khỏi bệnh sốt phát ban đó. Chị còn nhớ anh Hạo không. Ừa, cái anh y sĩ người gầy gầy, thường hay vào rừng kiếm cây thuốc cùng tôi và thầy Hướng ấy. Không có anh đó cứu thì tôi đâu còn được ở với bà nhà tôi, rồi có thêm con nhỏ Út Ðẹt này. Rồi tôi mới nguyện theo ảnh học cách sơ cứu cho người bệnh, sau học thêm nghề thuốc nam của thầy Hướng. Giờ cứ nghe nhắc tới quân y là tôi lại nhớ tới ảnh. Ủa, mà ảnh cũng người bắc nữa nghe bà, hiền thiệt là hiền, chỉ lặng lẽ đi thăm khám, rồi phát thuốc cho bà con thôi.
Dì Út chen vô, hỏi:
- Thiệt vậy hả ba. Vậy con cũng ơn chú đó lắm. Không có chú thì con đâu có mặt trên đời này được.
- Ừa - ông Năm trả lời.
- Ai chớ anh Hạo thì tôi còn nhớ à. Ảnh còn cho mấy đứa con gái tụi tui mỗi đứa một lọ thủy tinh, gọi là gì vậy cà...? Ờ, không nhớ nổi nữa, đầu óc giờ chán quá. Cái lọ đó tụi tui để dành mấy ngày liền mới dám bẻ một đầu để mút. Chao ôi, cái nước đỏ đỏ, hồng hồng vậy mà ngon thiệt là ngon. Uống vô đến đâu là cứ thơm mát đến đấy. Vậy từ hồi đó tới giờ, anh Năm có gặp lại ảnh không? - Bà Tám tiếp.
- Không có. Trung đoàn của ảnh chỉ lấy xã mình làm căn cứ, sau rồi kéo vô giải phóng Sài Gòn. Trước khi đi, ảnh có nói với tôi, rằng, anh Năm hạp với nghề thầy thuốc lắm đó, ráng học thêm để sau này cứu chữa cho bà con. Kháng chiến còn dài, nếu có những người biết nghề thuốc thì bà con đỡ khổ, đỡ phải có nhiều người chết vì những bệnh nhỏ nhặt. Mà nếu có giải phóng rồi thì càng cần đến người thầy thuốc. Rồi ảnh đi liền hà, thiệt tình, hồi đó ảnh cũng ghi lại cho tôi địa chỉ gia đình ảnh ngoài bắc, hẹn có dịp mời tôi ra đó chơi, nhưng mình nghèo quá, chẳng cách chi đi được nên cái mảnh giấy đó giờ nằm đâu tôi kiếm không ra.
Bà Tám thủng thẳng:
- Anh Năm làm tôi hốt quá. Khéo mà chiều nay tôi kêu sắp nhỏ đưa lên trạm xá, ngó mặt ông bác sĩ mới coi tướng tá có ngon lành không.
- Cái chị này, bác sĩ quân y thì không đùa à nha. Thôi, khỏi lên cho cực. Vài bữa nữa cả ấp mình lên trạm xá khám bệnh là biết mặt ổng liền à.
Vào đến ngõ, Ðược đã nghe tiếng nội mình khóc, mà đâu phải chỉ có mình nội, còn có cả tiếng bà Tám, dì Út và chú Tư Cộc cũng khóc. Ðược vội chạy vào sân, nó bất ngờ khi thấy nội nó cứ ôm lấy một chú bộ đội mà khóc ròng.
- Trời đất quỷ thần ơi, anh Hạo ơi. Tôi có lỗi, chưa kịp ra thăm anh thì anh đã đưa con anh về thăm tôi. Trời ơi, tôi thất đức chưa cà, Tuấn ơi, rồi, rồi con sẽ đưa bác ra thăm ba con nghe.
Chú bộ đội, giờ thì Ðược đã đoán ra đó là bác sĩ Tuấn cũng khóc. Rồi bác sĩ Tuấn nhìn mọi người:
- Mà không phải ba con quên ơn nghĩa ấy đâu. Sau giải phóng, ba con ra bắc. Chưa được bao lâu thì lại được điều động tăng cường cho biên giới Tây Nam. Ba con vướng mìn, phải cưa mất đôi chân nên đi lại khó khăn lắm các cô bác, các anh chị ạ.
Vậy ra, bác sĩ Tuấn là con của ông Hạo mà hồi sáng Ðược đã nghe ông kể. Nó lặng lẽ đứng dựa vào cột nhà, nhìn mấy người lớn cứ đứng sớ rớ trước sân mà mừng mừng, tủi tủi. Sốt ruột quá, nó nhắc:
- Sao nội cứ để chú Tuấn đứng hoài vậy nội. Nội mau mời chú vô nhà uống nước đi. Mà cả dì Út nữa, sao kỳ vậy, dì mau bắc nước cho nội con pha trà.
Tất cả như bừng tỉnh. Ông Năm vội cầm tay bác sĩ Tuấn dắt vào nhà, không quên quay qua nói với bà Tám và chú Tư Cộc:
- Mấy người vô nhà cả đi. Bác cháu tôi gặp nhau mừng quá nên quên hết cả. Con Út đâu, bắc cho ba siêu nước coi.
Lúc đó, dì Út đã chạy vô bếp cời lửa từ bao giờ. Hình như dì ngồi khóc dưới bếp hay sao mà lúc mang nước lên cho ông Năm châm trà, mắt dì đỏ hoe. Mà ánh nhìn của dì đặt vào bác sĩ Tuấn cũng thiệt lạ. Vừa thiết tha như gặp người thân, lại vừa bối rối như e ngại người trai lạ. Chú Tư Cộc cũng vui, chú bảo ngày mai mở tiệm, chú nhất định sẽ kể cho người trong xã nghe về cuộc hội ngộ kỳ lạ này. Chú cứ cầm lấy tay bác sĩ Tuấn mà nhắc nhỏm:
- Mèng ơi, giá ngày xưa khi tôi ngã mà có các anh quân y ở gần thì đỡ biết mấy. Giờ thì đành chịu cái tên Tư Cộc vậy hà. Chỉ mong cho tụi nhỏ như thằng cu Ðược đây được chăm sóc y tế đàng hoàng. - Rồi chú quay qua Ðược - Phải có sức khỏe thì học hành, làm việc mới ngon được. Chứ cứ như tụi bay hồi nào đến giờ, nhỡ ốm đau nhờ ông Năm bốc cho thang thuốc là khỏe, nhưng lúc cảm hàn, hay té ngã thì đành chịu để thành tật. Thấy thương lắm bác sĩ Tuấn ạ.
Bác sĩ Tuấn điềm đạm trả lời:
- Anh Tư nói phải đó. Sức khỏe là điều quý giá nhất. Trước khi em xuống đây, tư lệnh quân khu đã dặn rất kỹ. Tư lệnh bảo, vùng Thanh Hải này trước đây từng là căn cứ cách mạng, bà con vì cách mạng mà hy sinh nhiều lắm. Giờ phải trả nghĩa cho bà con, giúp bà con được cái gì thì phải ráng mà làm. Có như vậy mới đáp đền được cái công của bà con.
Còn bà Tám thì vẫn bỏm bẻm nhai trầu. Bà thấy mỗi lời bác sĩ Tuấn nói đều phải quá. Gương mặt bà rạng rỡ như thể vừa được uống một liều thuốc bổ quý giá. Bà thấy miệng mình như thoang thoảng mùi thơm ngọt của ống thuốc dạo nào. Bác sĩ Tuấn chính là con của y sĩ Hạo. Có nằm mơ bà cũng không tưởng tượng ra nổi tình huống này. Nhưng thôi, miễn là từ nay, người Thanh Hải có được một bác sĩ hết lòng tận tụy. Ngày mốt đến lịch khám của ấp Cái Cùng, bà sẽ đến sớm nhất để được khám đầu tiên. Không phải bà già ham sống sợ chết nên giành phần với bọn trẻ đâu, mà bởi bà muốn nói nhỏ với bác sĩ Tuấn, xin bác sĩ một ống thuốc ngọt thơm như ngày xưa. Chỉ thế thôi rồi bà sẽ ra ngay để nhường chỗ khám bệnh cho người kế tiếp.
Bác sĩ Tuấn nắm tay ông Năm, thủ thỉ:
- Ngày mai, bác Năm ra trạm xá khám cho bà con cùng con nghe bác. Ba con nói bác rành y thuật lắm. Nhờ có bác mà hồi ở chiến trường Tây Nam, ba con đã kiếm được nhiều loại thảo dược để bổ sung vào cơ số thuốc chữa trị cho thương binh đó bác. Rồi cả anh Tư nữa, sau đợt khám này, tôi sẽ đưa anh lên tỉnh để lắp một cánh tay giả được không.
Chú Sáu Cộc như bừng tỉnh:
- Ờ há. Vậy thì còn gì bằng. Rồi coi ai dám gọi Tư Hoàn này thành Tư Cộc nữa, tôi sẽ xử đẹp à.
Dì Út ngồi lặng lẽ bên Ðược suốt buổi, giờ mới lên tiếng:
- Ðể coi hen. Ai thì tui hổng biết, nhưng tui với nhỏ Sáu Chà Và là nhất định gọi anh bằng cái tên Tư Cộc rồi đó.
Chú Tư bật cười trước lời thách đố:
- Ông Năm, ông coi cô Út Ðẹt kìa...
Dì Út đỏ bừng mặt, quạu cọ:
- Kêu người ta Út Ðẹt hoài. Tên người ta là Thương chớ bộ. Ba, tại ba cả đó.
Nói xong, dì Út chạy ào xuống bếp. Ông Năm được thể ngồi cười khà khà. Ðược nhìn theo bóng dì khuất sau rặng trâm bầu, thấy dì bữa nay sao lạ quá, mọi lần kêu dì là Út Ðẹt, có thấy dì phản ứng gì đâu. Tự nhiên bữa nay lại kỳ vậy. Rồi cậu nhận ra ánh mắt bác sĩ Tuấn cũng đang dõi theo rặng trâm bầu thì chợt hiểu. Thì ra... Dì Út ơi là dì Út, có vậy mà cũng mắc cỡ.
Rồi Ðược thấy mình mến thương chi lạ. Cái vùng đất mang tên Thanh Hải còn nhiều lam lũ của Ðược mang trong lòng nó bao nhiêu câu chuyện đáng nhớ. Ðược thấy nội cười thật hiền, bác sĩ Tuấn cũng cười thật hiền. Cả chú Tư Cộc, bà Tám và dì Út Ðẹt nữa, ai nấy cũng đều đáng yêu biết mấy.
- Dì... Út... Thương... ơi..., lên nội nhờ dì nè. Dì mau làm cơm cho nội con đãi khách nghe.
Ðược bước ra sân, cố ý kéo dài giọng hai chữ Út Thương.
- Út Thương... - người bác sĩ quân y trẻ tuổi cũng bất giác gọi theo, nhưng anh chỉ gọi thầm mà thôi. Tiếng gọi ấy có lẽ chỉ lòng anh và rặng trâm bầu nghe được.
Hồ Núi Cốc, tháng 10-2010
Kết Thúc (END) |
|
|