Trôi theo dòng đời quá lâu. Tết về quê tôi quanh quẩn trong nhà. Ngại ra đường. Sáng nay cha khuyên qua chơi hàng xóm áp nách, gia đình chú Cho. Tôi thích vườn cây cảnh của chú. Vừa thấy tôi chú bảo vợ pha trà ngon.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, hồi nhà cô giáo B có con gửi về cái đài cát-xét hiếm hoi, mở băng Lan và Điệp lên mời cả xóm đến uống nước và nghe, khóc sụt sùi. Đôi lúc băng rối, đứt, thằng con út liền gỡ ra dán nối lại tua qua một đoạn làm mọi người tiếc ngẩn; cứ nghe tới nghe lui đến nóng máy, đến băng mòn vẹt. Một hôm cũng ở sân nhà ấy, chú Cho vừa ở Tây Nguyên về, mang qua một cái nồi lớn, chú đùm cà-phê trong cái khăn rồi thả vào nồi nước vừa sôi. Cả xóm lần đầu tiên được thưởng thức loại thức uống thơm lừng, vị ngọt đắng quyện lẫn bám vào trí nhớ không năm tháng nào tẩy ra được. Đang ôn lại cảnh xưa, một thiếu nữ bước ra “chào chú”. Tôi bất ngờ. O Hà lên tiếng: “Con o đó. Con chào anh chứ chú gì. Chị Hân hồi nhỏ là bạn của anh đây mà”. Tôi chột dạ. Hân. Đứa bạn từ hồi ở lỗ… Tuổi thơ lũ chúng tôi tụm ba tụm bảy chơi lò cò, chơi ô quan, chọi gà cỏ… Cho đến một ngày, dự án tái định cư ở Đác Lắc cuốn hút chú Cho. Sống với xóm làng từ nhỏ, phải dứt áo đi xa lập nghiệp ai gạt nổi nước mắt. Thời điểm đói kém. Gạo kho độn bảy phần khoai sắn. Gia đình tôi không bữa ăn nào có chén cơm trắng. Tôi và Hân từ trường học về, bỏ sách là cùng cắp rá lên đồng hái rau. Hai đứa như cắt ra từ một cơ thể. Vậy mà mười mấy năm xa quê tôi quên được cũng lạ. Cuộc sống thật đáng sợ. Đứa em Hân sinh trong miền nam. Dưới ánh nắng buổi mai trong trẻo xuyên ngang, khuôn hình ấy ửng lên trắng hồng như một mầm xuân vừa nhú. Tôi nhìn nó, nhớ Hân.
O Hà rót thêm trà, bảo mấy ngày nay chú uống rượu nhiều, sáng dậy không nổi. Nhớ con Hân sộc người ra thế. Trong nhà chú thương nhất nó, mẹ cả đời không dám nói nó một câu. Nó lên thị xã mua hàng, chú cứ một lúc là gọi điện con đến đâu rồi, lại ra đường quan ngóng, đợi con về mới chịu ăn cơm. Cưng hơn chi hết.
Chuyện về Hân, hẳn tôi ghé vào bất cứ nhà nào trong xóm lâu lâu chút đều được nghe. Hân từ miền nam mang về nghề làm tóc. Làng nhấp nhô phố xá, người phụ nữ nông thôn quen dần với làm đẹp. Quán Hân ngay trước nhà. Phụ nữ đến tô điểm, còn thanh niên ve vãn. O Hà bảo có mấy nhà đến dạm lúc Hân mới 18. Năm nay Hân 23 tuổi, bỏ nhà theo trai.
Một cái tin khuấy động xóm làng. Nhiều kẻ giận dỗi lấy rượu giải khuây. Những phụ nữ thường lui tới làm đầu, sửa sang chút nhan sắc cuối mùa một hai con Hân dại quá, thanh niên làng trên xóm dưới tiệt hết rồi sao đi với đồ nghiện ngập. Có người lại bảo Hân theo ai chứ không phải thằng Chung. Chú Cho một lần đến chỉ mặt gia đình Chung bảo trả con không tau đốt nhà. Cha và thằng anh trai của Chung vác rựa rượt chú suýt tận số.
Hai anh em thằng ấy, hồi nhỏ chúng là học trò ngoan của cha tôi, lớn thêm chút hơi nghịch ngợm. Lên cấp hai, thằng em (chính là thằng ấy) sớm nổi đám. Bố nó mở xưởng cưa duy nhất vùng, nhập gỗ về xẻ ra bán, giàu phất lên. Từ những đứa học trò chăm ngoan, hai anh em chắc nghĩ cha mẹ ai cũng khuyên con học để bớt khổ, trong lúc nhà nó chẳng thiếu tiền... Vậy mới liên lụy phiền đến Hân “của tôi”.
O Hà kể: Thằng anh nghiện bi-da, bài bạc, nhiều lần đuổi bố đánh. Oan nghiệt. Tiền vô như nước nhưng tiền chảy vào anh em nó còn hơn lũ cuốn. Thằng Chung ấy (cái thằng đã trong một đêm âm u mang Hân đi không dấu vết) nghiện ma túy, đưa đi cai ba bốn chỗ không thành. Mẹ đêm hôm mưa gió mấy cũng mặc ni-lông kiếm con. Ngoài Hân ra, trước mắt nó chẳng còn ai.
Cha Hân cấm cửa. Hắn đặc biệt sợ; hễ thấy bóng chú Cho liền phốc lên xe tay ga chạy biến. Chú tuyên bố chặt cẳng cái thằng nghiện ngập không nghề ngỗng ấy nếu thấy bước vào nhà. Nhờ mẹ hậu thuẫn; kế hoạch bàn với nhau ra sao không rõ, chỉ biết sau một đêm cả xóm mất tích hai người. Chú Cho nhất nhất bảo thằng trời đánh ép Hân uống bùa mê thuốc lú mới ra cơ sự này.
Hân “của tôi”, nơi đâu?
Sáng mùng ba Tết trời mưa phùn. Tôi qua nhà chú Cho. Bộ ấm chén được rửa sạch. Chừng như chú có ý đợi tôi uống trà. Tôi vào tự tay súc trà. Ngoài kia mưa rây trên cây đào nơi góc vườn. Tôi bước ra tần ngần đứng ngắm. Hoa màu hồng phấn, chưa qua mấy ngày xuân bao nhiêu là cánh mỏng rụng dày. Nhớ Hân. Tôi quay vào, thấy đứa em gái của Hân đứng ở cửa nhà dưới nhìn ra. Nó quàng chiếc khăn trắng thật kiêu sa mà buồn quá. Hay tôi buồn nên vậy?
Ngụm trà ngòn ngọt nơi cuống họng. Hơi thuốc đậm nhẹ nhàng tan loãng. Tôi co ro, nhìn những tấm hình lót dưới bàn. Không có Hân. Loạt ảnh treo trên tường, chú Cho tới chỉ từng tấm ảnh. Hân… vắng. Tôi buột miệng hỏi có tấm ảnh nào của Hân? Chợt từ trong buồng vọng ra: “Có tấm hình hai chị em chụp chung năm ngoái, để em tìm đã”.
Chú Cho ốm, nom hiền hơn xưa. Vào nam làm ăn, có đồng vốn kha khá; vườn cà-phê nhờ người chăm, chú đưa vợ con về lại quê trồng cây cảnh - cái nghề chưa ai nghĩ đến nơi còn lại chút quê mùa. Tối qua bóng tối mênh mông ngoài kia, chú vẫn rọi đèn dắt tôi xem những gốc lộc vừng xù xì. Tôi không để ý nhiều, nỗi nhớ Hân trỗi dậy. Dẫu chị em có giống nhau bao nhiêu cũng không thể là một, nhưng tôi cứ nhìn đứa em Hân mà ngỡ Hân đứng đó. Bao trò chơi xuân, tôi nhiều lần cõng Hân khắp mảnh đất phía sau nhà. Từng cùng Hân bới khoai mài trong những lùm cây hoang nhiều rắn rết. Nếu Hân ở đây, giá Hân biết tôi hơn chục năm mới trở về ngay giữa ngày đầu của năm mới đã có mặt trong nhà Hân… Tôi xoa tay lên mặt Hân, kỷ niệm ùa về. Hân đang cười với tôi. Cái thời. Chẳng trưa tròn bóng nào tôi không cùng Hân lên đồng. Tôi còn làm những cái ú bằng lá dứa cho Hân, hái đậu nương nhét no tròn luộc lên thơm phức. Những củ khoai nướng vừa chín là tôi bọc áo chạy ngay tới tìm Hân… - Con về được mấy ngày?
Tôi bối rối, đặt tấm hình xuống bàn. - Dạ, cũng chưa ấn định ngày đi.
Nếu có Hân ở nhà biết đâu chuyến về Tết này là lối ngoặt cuộc đời… Nhưng có lẽ vài ngày nữa tôi sẽ xách ba-lô ngược vào nam. Cha mẹ lại đứng ở bậu cửa nhìn con, nước mắt chảy ngược vào tim. Lẽ ra tôi phải ở nhà chăm sóc cha mẹ ở cái tuổi cần được an ủi nhất. Hoặc ít ra… Tôi cũng từng có một “người vợ”, đã xếp vào dĩ vãng. Vết nhơ này nếu cha mẹ biết chắc đau lòng lắm! Một ngoại hình kha khá, danh vọng tiền tài những tưởng chuyện vợ đẹp con khôn trong tầm tay, giờ tôi mới chua chát hiểu đến hai từ: duyên phận.
Những xác đào tơi tả dưới đất là dấu hiệu duy nhất khiến tôi nuối tiếc mùa xuân. Chiều nay tôi đã rời quê. Đứng ở góc nhà chú Cho trước cây đào trút nhựa sống, tôi tưởng mình có thể bật khóc. Hay chăng tôi đang quá nhớ cái bóng hình như lồng vào người con gái ngày qua đứng ở cửa bếp nhìn ra… Nếu là Hân đó chắc hoa đào không đẹp nhường ấy; chắc tôi cũng sẽ xin chặt một nhánh về chưng giữa nhà rồi nhìn xác hoa vô hồn rơi cùng lá non héo úa.
Cái ý nghĩ sao mình không yêu người em gái của Hân khiến tôi dằn vặt như tội đồ. Tại sao Hân lại có người em gái giống Hân đến vậy? Tại sao người con gái ấy đang tỏa hương trước mặt tôi trong lúc Hân mất hút lạ lùng. Hân từng tâm sự với mẹ không yêu thằng ấy; chưa hề nghĩ đến cưới xin và gia đình cũng không hề thúc ép. Hân tan biến trong tôi và để lại một cơn đau dai dẳng. Tôi nghĩ về Hân. Hay là ảo tưởng. Tôi nhớ ai? Hân hay người con gái bên mình. Sao tôi không ở lại quê nhà hết kỳ nghỉ phép, lại tạm biệt mẹ cha giữa lưng chừng xuân? Tôi tìm ai hay tìm bản mệnh đánh rơi sau bao năm làng nhàng dưới bầu trời hun hút?
Chuyến tàu lùi lũi xuyên đêm. Nếu không gặp Hân hoặc hoàn toàn tắt hy vọng với Hân, liệu tôi có quay về với người con gái kia?
Tôi bước vào ngôi nhà khá xa trung tâm thành phố. Cánh cửa mở toang. Có rất nhiều cụm từ diễn tả khung cảnh trước mắt: mẹ và con; đứa trẻ và người đàn bà… Hân giật mình. Đúng hơn, Hân rùng mình. Tôi cũng dựng cả tóc ở đỉnh đầu. Hân nhớ tôi như bao thời gian qua vẫn đang ngóng đợi. Tên tôi phát ra từ đôi môi hồng ấy… Tiếng tàu chạy, chắc phía sau nhà Hân. Rồi tiếng xe máy. Hân hốt hoảng bảo tôi trốn. Thằng ấy! Chung. Hân đẩy tôi vào góc cầu thang. Hắn. So sánh hắn với Hân, thực tình tôi không thể giải thích. Nếu không nương vào nhân duyên tiền định, ngoài đời chẳng ai tin Hân mỉm cười với hắn trong bức ảnh cưới.
Hân à ơi ru con. Còn tôi đang đứng giữa bùn lầy. Sao tôi lại nghe lời Hân nấp ở đây. Sao tôi phải nấp cơ chứ. Sao Hân giấu tôi ngay tức thì trong lúc giữa tôi và Hân trừ tuổi thơ yêu dấu nào có hẹn ước gì. Và kìa… hắn vừa bước vào đã cởi đồ. Một hành động dứt khoát mau lẹ. Hân thất sắc ôm riết con. Hắn đẩy Hân xuống giường. Đứa trẻ thét lên. Tiếng tàu chưa dứt. Hẳn đoàn tàu dài đến mấy trăm toa. Tôi lao tới chụp Chung lăng mạnh, và nhào theo đấm vào mặt hắn. Tôi đấm liên tục. Hả hê. Đánh không ngừng cho đến lúc Hân giằng được tôi ra… Tiếng còi tàu hú lên. Mở mắt, tôi ngơ ngác tột cùng. Vẫn đang trên tàu. Chuyến tàu đưa tôi trở lại miền trung nắng gió. Tôi đâu có vào nam tìm Hân. Vé tàu chỉ ngang miền trung, và giờ tiếng loa phát thanh báo tàu đang về bến. Tôi lửng thửng bước xuống. Sân ga nhá nhem, những quán trà thấp thoáng ánh đèn dầu. Nhấp ngụm trà nóng, cảm giác như tôi đang còn ngồi trong nhà chú Cho nhìn phía góc vườn có cây đào trĩu nặng sương xuân. Lại nhớ dáng đứa em gái Hân từ cửa bếp nhìn ra. Tôi không rõ ánh nhìn ấy gửi thông điệp gì mà buồn rượi. Một thứ mật ngôn dành cho ai?
Chuyến tàu rùng mình chuyển bánh lao trong đêm xuân. Có lẽ Hân cũng trên một chuyến tàu với hắn, lầm lũi trong bóng tối mịt mùng. Tôi nhớ lại. Giấc mơ lạ kỳ, cũng có thể gọi cơn ác mộng dữ dội nhất tôi từng gặp. Kỳ lạ bởi từ nhỏ tôi vốn là một đứa hiền lành, không gây sự cũng không có ý tấn công ai bao giờ. Sao tôi có thể đánh hắn một cách quyết liệt như vậy. Nếu Hân không can thiệp; nếu tôi không tỉnh lại chắc hắn tiêu mất. Tôi trách Hân. Muốn hét lên Hân tồi tệ và tàn nhẫn lắm! Nhưng. Biết đâu Hân bị ép buộc; bởi một lý do nào đó phải theo Chung vào nam.
Tôi bước tới quầy bán vé ở ga tàu tính mua một tấm vé, xong bắt ta-xi về nhà nghỉ ngơi vài ngày rồi vào nam. Cô nhân viên kích chuột lướt danh sách rồi cho hay mai mốt không còn vé, chỉ còn mấy chỗ ở chuyến tàu tối nay. Tôi có lưỡng lự… Cầm vé, chợt nghĩ: mình tìm Hân nơi đâu giữa Sài Gòn rộng lớn.
Đoàn tàu như một chiếc cọ phiêu du gam màu giữa không gian đầy ngẫu hứng. Tôi lại trở về trong đêm. Đến xóm thôn thân yêu, chợt hốt hoảng nghẹn ngào. Vắng. Tuyệt tĩnh. Tôi lần tới ngõ nhà. Cơn lốc kinh hoàng vừa cuốn đi sự sống. Chẳng còn ai! Tôi vụt chạy qua nhà chú Cho, thật hạnh phúc: cây đào còn ở góc vườn. Sững sờ. Muốn quỳ gục dưới gốc đào. Xóm thôn như một bức tranh cổ, tên họa sĩ đang xóa để vẽ lại theo ý niệm siêu thực của mình. Tôi vội tới bên gốc đào.
Một giọng nói thoảng như là gió: - Anh đã về…?
Tôi nhổm dậy. - Đừng. Em đây. Anh đang tựa vào em. Hãy im lặng. Nếu anh thốt lên họ sẽ xóa em mất! Anh tìm chị Hân à?
Tôi muốn bật dậy và vỡ tung. Người em gái trong ngần của Hân. - Thật ra… đứa con… không phải của anh Chung đâu. Chị Hân lỡ dại với ai đó… Cái thai lớn dần… Anh Chung gật đầu chấp nhận đưa chị đến một nơi rất xa…
Tôi ngước lên, muốn ôm cây đào cảm nhận hơi xuân từ một người thiếu nữ. Những cánh hồng mong manh gieo xuống. Nắng vương trên lớp lá non xanh (…). Tỉnh lại, tôi vội nhìn ra. Đoàn tàu vẫn đang mải miết lao về miền nam xa xăm, nơi tôi nghĩ có thể lần ra cái tổ ấy qua một mẩu tin mơ hồ từ người thiếu nữ dưới gốc đào.
Kết Thúc (END) |
|
|