Ngày mưa bên sông ấm tình xưa, tôi thả lòng trôi theo vệt ký ức của một thời xa mà người dân gọi là mùa trẻ của sông. Phải thôi, đời người có thời thanh xuân thì sông cũng có mùa trẻ, thời trẻ với bao niềm mến yêu vô bờ bến. Nhưng, trong tôi chỉ hằn lên những vệt luyến tiếc, như sông tiếc vì mất đi bãi bồi ngô khoai xanh biếc và những hàng dâu tằm đã cùng với muôn cây cỏ dệt thành tấm thảm diệp lục khổng lồ chốn làng quê.
Tôi cũng tìm thời tuổi nhỏ của mình với bao kỷ niệm êm đềm bên mùa châu chấu, mùa câu nhái và những khúc sáo diều đã trở thành kho tàng của mỗi người xa quê và yêu quê. Tôi cũng đi tìm gương mặt mình trong tuổi hẹn hò, với lần đầu nắm chặt tay người con gái tóc dài hái dâu mắt biếc. Rồi cũng tự hỏi lòng những vẻ đẹp ấy có được là từ đâu, nếu không phải chính là con sông đã oằn mình cõng nắng cõng mưa để nuôi cho đồng điền bờ bãi và cỏ cây mùa màng. Nội tôi bảo, sông còn có công thắp lên niềm hy vọng và giúp se duyên cho những mối tình thủy chung lãng mạn của trai gái đôi bờ. Như bến Đông Dài nơi năm nào cũng có vài đám rước dâu đi qua khi trai gái đôi bên qua cuộc tìm hiểu đã kết thành những cuộc trầu cau. Tuy là hai xã khác nhau với nền nếp sinh hoạt khá khác nhau, nhưng đôi bên gắn kết thắm đượm và có những đôi bạn khăng khít hơn nửa thế kỷ.
Nhưng mưa không đủ làm tôi nhẹ lòng, khi ngồi trầm tư bên bến Đông Dài, nước sông hắt lên mùi khó chịu vì ô nhiễm. Tôi thấy bến buồn đến nao lòng. Con thuyền - vốn đã đón đưa biết bao người sang sông, chứng kiến và góp mặt vào việc đưa đón biết bao đôi trai gái thành vợ thành chồng, giờ nằm bơ vơ trong cơn mưa hè. Phải chăng bến đang trầm tư vì dòng đời đổi thay nên con nước cũng đổi thay? Hay sông không vui vì nhiều vạt bãi bồi mấy năm trước bị lò gạch gặm nham nhở, nay chưa được dọn dẹp vẫn bề bộn như dấu tích của những nỗi buồn?
Lòng lại nhủ lòng về câu thơ ngày xưa ông nội viết, như những bức tranh đa sắc trữ tình để so sánh về sự đổi thay của cuộc đời và thời gian đã làm sông nghẹn ứ. Tôi nghe sông nói với mình, gương mặt sông không phải của ngày xưa nữa. Tôi nghe bãi bồi nói rằng đã tận hiến kiệt cùng mầu xanh, giờ nằm thở dài vì hoang hóa. Những họng nước, nhà máy và cả sự vô tâm của không ít người ở phía thị xã và dọc miền châu thổ xả nước cùng rác thải làm sông đau vì ô nhiễm. Thơ ông nội ngày xưa đẹp nhưng nhiều lắm trăn trở. Ông đã dạy các cháu về sự chia sẻ nỗi đau cùng sông. Đó là khi chúng tôi còn nhỏ, vẫn ra sông nô đùa tắm táp, như những đứa trẻ quây quần bên mẹ nhân từ, và mỗi mùa thi lại gối đầu bên vạt cỏ đêm mà thầm thĩ với sao trời, với sông để xin được đỗ đạt. Ông bảo, các cháu đã xin của sông thì cũng phải hỏi xem sông cần gì ở mình. Đó là sự sẻ chia, có đi có lại, bởi sông là mẹ là cha, sông cho ta nhiều mà không đáp lại là bất hiếu. Khi ấy tôi đã hỏi sông vì sao sông đẹp. Tôi cũng hỏi sông có bao nhiêu nước và bao nhiêu người xuống sông tắm táp ngụp lặn. Không thấy sông trả lời. Tôi và em út về thưa với ông nội. Khi đó ông đang ngồi dưới gốc cây khế chơi với con cu gáy. Cúc cu, cúc cu cu. Cu gáy giọng thổ mổ đồng tinh nghịch. Nội bảo: Các cháu hỏi vậy làm sao sông nói! Các cháu phải biến mình thành một người bạn thật sự, thấu hiểu mới biết sông nói với chúng ta điều gì.
Mưa đã tạnh, mùa đầy tiếng ve và hoa đang nở. Chỉ sông chưa yên tĩnh. Tôi tiến xuống gần mép nước. Bến Đông Dài sau cơn mưa vẫn vắng hoe hoắt. Ngồi nhắm mắt nghe mùa thở, tôi thấy sông đang kể chuyện mình. Sông và vùng ký ức cùng trỗi dậy miên man, lan tỏa trong bầu không khí dẫu sao vẫn còn ngọt mát của một góc quê yên tĩnh. Tôi thấy sông nói, mỗi người yêu quê, hãy biết lắng nghe và yêu sông như sông đã yêu người. Cuộc sống cần lắm sự cộng sinh, mà tự sông không thể thắp xanh cuộc đời nếu con người ở bên ngoài sự cộng sinh ấy.
Kết Thúc (END) |
|
|