Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ký Ức Sau Màn Khói Tác Giả: Diệu Ái    
    Mỗi khi Ty kể chuyện ham ngủ anh lại cười khúc khích. Anh nói, cuộc đời Ty giấc ngủ chiếm đến hai phần ba. Thi thoảng ngồi gối đầu vào nhau, anh dè dặt hỏi Ty có nhớ mặt mũi cha mẹ mình không, cả chị gái nữa. Tất nhiên là không. Ời, Ty vô tình quá, lỡ mai mốt mình không gần nhau, Ty cũng quên anh luôn hỉ. Anh nói rồi gõ vào trán cô. Có vẻ là đùa nhưng Ty chẳng thấy vui chi cả, tại sao lại lỡ, sao lại không gần nhau nữa. Anh có ý chi à? Để tránh cô vùng vằng xịu mặt, anh hôn chụt vào má Ty, vậy là hết căng thẳng.
    Cả nhà Ty đã cháy rụi cùng nhau, bao nhiêu ảnh chụp hay giấy tờ đều thành tro nên chẳng còn hình ảnh nào lưu giữ. Nhiều lúc Ty áy náy bởi ý nghĩ có khi tại ngủ nhiều quá nên cô chưa kịp ghi nhớ những gương mặt người thân của mình.
    Năm ba mẹ và chị Dại thành một đống tro, Ty vừa lên sáu. Chỗ tro của cả nhà đã nằm cùng nhau trong cái hộp các-tông mà bà ngoại lượm được. Sau này, ngoại chôn phía bên Cồn, cạnh gốc sầu đâu to nhất. Ngoại nói chỗ đó gió mát. Hồi mẹ với chị bây ở trong đó chắc nóng ghê lắm.
    Có đợt thất tình lại giận ngoại nên Ty bắt xe về quê, ra gốc sầu đâu ngồi. Lần đó, Ty nghĩ ngợi mọi chuyện nhiều hơn thường ngày một chút, kiểu như nếu hồi xưa mình cháy cùng ba mẹ và chị Dại thì chẳng phải qua những ngày mệt mỏi như thế này. Ý nghĩ đó chỉ vừa đến mép thì Ty đã nhíu mắt lại ngủ một giấc êm đềm. Tỉnh dậy bởi mấy hột sầu đâu mà đám con nít giữ bò gần đó nghịch ngợm chọi vô mặt, Ty giật mình nhận ra mình đã ngủ từ sớm đến chiều.
    Bà ngoại bảo tại Ty mang vẻ ngoài khác biệt khi mái tóc càng lớn càng vàng, đôi mắt có mầu xanh, tròn như viên bi, da lại trắng bóc. Trong khi chị Dại đen đúa giống ba, mắt mũi y xì như mẹ thì Ty cứ như trên trời rớt xuống. Ngó đi ngó lại chẳng có chi liên quan đến những người đã đẻ ra mình. Ba day người mẹ để hỏi mãi một câu, rốt cuộc mi lấy nó ở mô? Nó là con ai?
    Mỗi lần ba túm vai mẹ lắc lư để hỏi tới lui câu đó, có khi câu hỏi được kèm cái bạt tai hay một cú đá làm mẹ rớt khỏi giường, mẹ vẫn kiên nhẫn với câu trả lời duy nhất. Hồi đó, ông ngoại bị bắn nằm thoi thóp gần sân bay Ái Tử. Đám lính đi ngang thấy vậy kéo lên xe chở vô nhà thương cấp cứu. Nghe đâu ông mất máu nhiều nên có người lính Mỹ truyền máu cho ông. Có thể thứ “máu Mỹ” từ người ông ngoại đã truyền qua cho đứa cháu là Ty. Ba ngửa mặt cười sằng sặc, bây tính lừa tau, lừa tau à.
    Thiệt, em gái của mẹ tức dì út của Ty nghe nói cũng có vẻ ngoài giống Ty lắm. Mặt mũi rất tây, cao ráo trắng trẻo. Khổ nỗi lời giải thích của mẹ thêm nhân chứng là bà ngoại chẳng thể làm ba tin. Bởi dì út bỏ nhà đi từ năm mười lăm tuổi, ông ngoại đã mất cách đó mười năm. Ba chưa hề gặp hai người đó để xác nhận.
    Ty không rõ liệu nhận máu của người khác thì có mang theo cả màu da, màu tóc rồi truyền lại cho con cháu mình hay không nhưng ngoại nói thì cô tin vậy. Cũng như suốt cả tuổi thơ, mỗi lần có ai hỏi thăm về phía nội của Ty, ngoại lại rủ rỉ bên tai cô, chính thằng cha mi đã đốt cả nhà. Để rồi câu trả lời dành cho người tò mò kia là cái lắc đầu ngáo ngơ từ con nhỏ, con chỉ có bà ngoại.
    Ty luôn thắc mắc một đám cháy sẽ xảy ra như thế nào. Có phải ngọn lửa khét lẹt sẽ cuốn tất thảy vô đó để đám sáng càng sáng thêm. Nếu có người trong đó, liệu mùi người có chín khét như mùi thịt nướng quá tay. Người ta sẽ vùng vẫy, quằn quại để cố thoát ra hay là đứng yên cam chịu lửa liếm vô da thịt mình.
    Lần nhà xưởng cháy, Ty đứng ngó trân đám người đang chạy ráo rác và thấy rõ lửa đang lách tách ở cuối phòng. Cô ngây dại hít ngửi mùi khói để tìm coi có cảm giác quen thuộc hay không. Chẳng biết từ đâu anh chạy đến rồi xốc Ty lên vai, bồng cô rời khỏi đó trước khi cô ngắm lửa táp đến chân mình. Vụ cháy ở xưởng không gây thiệt hại về người, nghĩa là không có ai cháy để Ty ngó rõ thực hư.
    Người ta thích nhau thường có lý do. Ty thích anh không phải vì anh cứu cô ra khỏi đám cháy bữa nọ hay anh đã nuôi hai đứa trong những ngày thất nghiệp. Thật ra là vì anh rất hay đọc sách. Những bữa tan ca, hai đứa mặc nguyên đồng phục công ty, lội vô nhà sách kiếm cớ cho qua giờ kẹt xe. Có lần, anh reo lên với Ty khi chỉ vào trang 89 trong một cuốn sách có tựa “Những điều kỳ lạ trên thế giới”, em coi nè trong này họ viết người ta có thể tự bốc cháy.
    Phải rồi, có lần Ty đã nói với anh về suy nghĩ ấy, rằng có khi nào con người có thể tự bốc cháy. Ước chi ngoại ở đây để níu áo chỉ cho ngoại coi trong sách họ có nói vậy nì. Nhiều khả năng ba con tự bốc cháy chứ ai đời đi đốt nhà, đốt vợ con mình. Ý nghĩ ấy vừa lóe lên rạng rỡ đã tắt rụp ngay bởi mấy trang sách giải thích quá hời hợt. Rủi ngoại hỏi cặn kẽ tại sao thì cô cứng họng. Điều kỳ lạ thường chẳng rõ nguyên do. Lật sang trang khác đã ghi diễn biến của một chuyện kỳ lạ khác.
    Hồi đó chưa có điện nên chập điện là điều không thể. Đèn dầu cũng tắt vì đêm đó vừa hết dầu. Bếp củi lần nào nấu xong mẹ cũng tạt ca nước. Một tàn thuốc ư, không, ba cô nghiện rượu nhưng không hút thuốc. Ngoại cứ nấn ná thêm từng chi tiết như một món quà cho mỗi năm cô lớn lên. Có nghĩa là không có sự tình cờ hay vô ý nào để gây ra đám cháy, chỉ còn nguyên do ở ba. Vậy nên Ty hồ nghi ba tự bốc cháy rồi lửa lan ra cả ngôi nhà mình, lan qua mẹ và qua chị.
    Anh hỏi sao Ty không thử tìm hiểu về gen di truyền, thử coi lời ngoại nói có cơ sở không. Thứ đó phức tạp quá, Ty không hiểu. Cô suy nghĩ mơ hồ về một người dì nào đó mà bà ngoại chẳng bao giờ nhắc tên. Nếu có trên đời, dì cũng đã tới tuổi chín chắn để tìm về quê hương bản xứ. Và bà ngoại, giận dỗi cách mấy một đứa con non dại cũng đâu đến nỗi rũ bỏ sạch trơn ký ức về nó. Nhưng gợn hỏi cũng chẳng ích chi, ngoại chỉ nhớ những chuyện Ty không muốn biết và quên chuyện Ty khao khát rõ ràng.
    Năm Ty mười ba tuổi, lần đầu ngoại dẫn cô về quê. Hai bà cháu đạp đám cỏ ngủ để leo lên Cồn. Ty ngồi sụp xuống gốc sầu đâu thắp nhang cho cả nhà. Ngoại lầm rầm khấn vái rồi ôm Ty mà khóc.
    Lúc đi ngang một ngôi nhà to đẹp ngay đường quốc lộ, ngoại chỉ mé bên đó là nhà Ty hồi xưa. Khi đất nguội, ngoại bán cho người ta rồi dẫn đứa cháu đi vì không muốn liên hệ với bà con bên nội và cũng muốn cháu mình dễ bề lớn lên, tránh những xì xầm từ làng xóm. Sau này, lời về đám cháy có chăng chỉ tuột ra từ môi ngoại.
    Vài người quen cũ tới thăm hỏi hai bà cháu, tiện thể coi mặt mũi con bé hệt con lai hồi đó thoát chết giờ ra sao. Bà ngoại đã trừng mắt vài người khi cứ xuýt xoa nó càng lớn càng đẹp y như gái tây. Chỗ sân bay bây chừ bị chia làm ba góc. Một góc là kho bãi của mấy xưởng gỗ gần đó. Một góc để trống. Một góc thì bà con thi nhau đổ rác. Gần Tết, họ vẫn lên chỗ trống để lấy cát về thay lư hương. Quanh vùng đó, cát sân bay được xem là trắng và sạch nhất. Sở Mỹ hồi xưa đã đóng ở đây, làng mình thời buổi đó đàn bà con gái vô trong sở mần việc cũng nhiều. Nghe đâu là làm giúp việc cho lính Mỹ, lo việc giặt giũ áo quần, thu dọn giường chiếu của lính. Lời người quen kể tới đó thì tắt bởi ngoại liếc mắt bảo chuyện cũ nhắc làm chi.
    Bà ngoại càng già càng khó ngủ, đêm nằm càm ràm về khúc xương nào đó trong người như sắp rời ra. Thấy nó cười khì khì bởi so sánh đó, ngoại hỏi bâng quơ chuyện trường chuyện lớp, coi có đứa mô trêu chọc vì màu mắt, màu tóc hay không. Con bé chỉ trả lời dạ không rồi thiếp đi. Thật may vì nó vẫn ngủ. Ngủ say y như bữa ngoại ồn ã giành nó từ tay người cha để kéo ra đám cháy.
    Thiệt tình, đúng là bà ngoại cay nghiệt nhưng chưa đến mức dã man để kể cho Ty nghe về chi tiết giành giật ấy. Cả phần ký ức ngoái vô góc nhà, ngoại thấy sau màn khói đậm mùi phân trâu, con gái mình bồng đứa cháu ngồi bất động, bình thản đợi đám lửa bùng lên, liếm láp đến thân thể mình. Hình ảnh đó ngoại giữ cho riêng ngoại.
    Trước lúc nhắm mắt, ngoại níu tay Ty lại gần, cô nghĩ ngoại dặn dò nhắc nhở kiểu như nay lớn rồi, ngủ ít thôi con. Hay trăn trối dặn dò chuyện chồng con rồi lần lần cái bọc đưa cho cô mấy khâu vàng. Té ra không phải. Run rẩy, ngoại dùng ít sức lực cuối cùng để buông câu quen thuộc mà cô đã nghe trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình “Mi không hận thằng cha mi ư? Là cha mi đã đốt cả nhà”.
    Rõ ràng, hai bà cháu đã lách ra khỏi đám cháy cách đây hơn hai mươi năm. Dù người còn vương mùi khói phân trâu đi chăng nữa, Ty nghĩ mình đã nguội ngắt từ lâu lắm rồi. Có điều, bà ngoại vẫn còn cháy âm ỉ...

Kết Thúc (END)
Diệu Ái
» Người Dưng
» Ngã Ba Nhà Ngoại
» Ký Ức Sau Màn Khói
» Duới Những Mênh Mông
» Mùa Xuân Trong Ngôi Nhà Lạ
» Ngày Tóc Rụng Rơi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển