Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Nấu Phở Tác Giả: Nguyễn Quang Thiều    
    Khi những bông tuyết bắt đầu bay xuống thành phố Ô-xlô thì ông Mai lại nói: “Heo may về rồi đấy”. Lần đầu tiên ông nói câu này, cách đây 50 năm, vợ ông không hiểu ông nói gì. Ông đã mời bà ngồi xuống và nói về tiết heo may cho bà nghe. Bà là một phụ nữ Na Uy. Và vì thế, phải mười lăm năm sau, bà mới mơ hồ cảm nhận được heo may khi lần đầu tiên bà theo ông về quê chồng. Ông đã đạp xe đèo bà ra tận cánh đồng ngoại ô Hà Nội để cảm nhận những ngọn gió heo may đang tràn về.
    Ông rời thành phố cố hương khi tròn 17 tuổi sang Pháp học. Rồi từ Pháp ông đến Na Uy làm việc, lấy vợ và định cư ở đó cho đến bây giờ. Một trong những thứ của thành phố cố hương làm ông không thể nào quên được là những ngày heo may. Nhưng ở thành phố Bắc Âu này ông tìm đâu ra những ngọn heo may lãng mạn của ông. Thế là ông coi ngày những bông tuyết đầu mùa ở xứ người là ngày những ngọn heo may tràn về. Hơn năm mươi năm sống ở thành phố Ô-xlô, hằng năm, cứ đến ngày những bông tuyết đầu mùa bay xuống là ông xin nghỉ làm việc, trừ khi ngày đó là một ngày quá đặc biệt mà ông không thể bỏ công sở được. Ông dậy sớm, ngồi bên cửa sổ, pha một tách cà-phê nóng và chìm vào hồi tưởng. Sau đó, ông khoác ba-lô, đi tàu điện xuống phố. Ông tìm đến cửa hiệu bán thịt bò. Ông chọn mua xương và thịt bò để nấu phở. Ông nhớ phở bò. Ông thường có những giấc mơ cùng mấy người bạn đi ăn phở khi heo may về. Mỗi lần như thế, tỉnh dậy, ông phải nằm rất lâu mới có thể thoát hẳn ra khỏi giấc mơ. Hương vị phở bò và ký ức về thành phố cố hương dẫn ông đi ra ngoài hiện tại một đoạn rất xa, đến nỗi có cảm giác khó mà quay trở lại.
    Năm nay tuyết nhiều. Chỉ sau một đêm tuyết đổ xuống, cả thành phố đã phủ trắng. “Năm nay sao lạnh thế nhỉ”, ông lẩm bẩm. Ông cảm thấy bước chân mình trên tuyết chậm chạp và ngại ngùng hơn. Đi trên tuyết được nửa đường từ nhà ra trạm đợi tàu điện ông đã cảm thấy hai đầu gối nhức đau. Nếu là những ngày khác, ông đã quay về nhà, đốt lò sưởi, hơ hai đầu gối trước lửa và tự xoa bóp. Nhưng suốt hơn 50 năm, chưa bao giờ ông bỏ nấu một nồi phở vào ngày này. Vì thế, ông cố bước đến trạm đợi tàu. Ông ngồi xuống, lấy một điếu thuốc ra. Nhưng ông cảm thấy ngực khó thở và mất đi cảm giác hứng thú trước khi châm điếu thuốc như mọi lần. Ông bỏ điếu thuốc vào bao. Chiếc tàu điện phủ đầy tuyết như chui ra từ một thế giới băng tuyết. Ông lại nhớ những chuyến tàu điện chạy leng keng qua khu phố cổ Hà Nội. Ông ngồi thu mình bên cửa toa tàu. Hồi còn nhỏ, đã có lần ông ngồi tàu điện cả một buổi sáng thứ bảy, áp mặt vào cửa kính và chìm đắm vào cảnh phố phường. Tất cả đã ở xa ông và có lúc tưởng như biến mất trong ông. Bởi vậy, ông đã vẫy vùng giống một kẻ bị nước cuốn để bám được vào những ngọn heo may, hương vị của phở bò Hà Nội và tiếng leng keng của những chuyến tàu điện.
    Ông già bán thịt bò lúc nào cũng chuẩn bị sẵn những gì ông Mai cần. Mấy chục năm nay, ông đã hiểu rõ người khách hàng đặc biệt của mình. Vừa thấy ông Mai đẩy cửa bước vào, ông già bán thịt bò hỏi: “Heo may về rồi à”. Hai từ heo may được ông nói bằng tiếng Việt nghe thật lạ lùng và quyến rũ. Có lần ông Mai nói đùa với ông già bán thịt bò là, không cẩn thận cơ quan an ninh Na Uy nghi hai người hoạt động tình báo vì có dùng mật khẩu là từ “heo may”. “Về rồi - Ông Mai đáp đầy náo nức - nhưng năm nay sẽ rất lạnh đấy”. Ông già bán thịt bò đặt túi xương bò lên mặt quầy bán hàng và nói: “Nhìn thích không, tôi làm xương cho ông bạn đẹp như hàng lưu niệm ấy chứ”. Cả hai cùng cười vang. “Tối đến nhé”, ông Mai nói. Ông già bán thịt bò cười hoác cả miệng: “Bỏ thế nào được”. Nhiều năm nay, ông Mai luôn mời ông già bán thịt bò đến ăn phở. Ông già bán thịt bò nhiều năm nay đã nỗ lực học nấu món phở bò do ông Mai dạy nhưng đều thất bại. Một lần, ông già bán thịt bò kêu lên: “Ông có giấu tôi bí quyết nấu món phở này không đấy? Sao tôi nấu mãi mà không ngon như món phở ông nấu?”. Ông Mai nhìn ông bạn già một hồi rồi thì thầm: “Tôi truyền tất cả nghề cho ông rồi. Nhưng ông chưa thành công và có lẽ không thể thành công”. “Vì sao?”, ông già bán thịt bò sốt sắng. Ông Mai nói: “Vì có một thứ mà tôi không thể truyền cho ông được”. “Cái gì?”, ông già bán thịt bò hỏi vội. “Máu mẹ tôi chảy trong người tôi”, ông Mai trả lời. Ông già bán thịt bò đứng chết lặng. Ông như vừa hiểu ra một điều hệ trọng. Ông bỗng ôm lấy ông Mai và thổn thức: “Máu mẹ tôi không còn chảy trong tôi nữa”. Ông Mai đẩy người bạn già ra, nhìn vào mắt ông và nói: “Sao lại nói như gã say thế?”. Ông già bán thịt bò lau nước mắt: “Thật đấy. Tôi không còn nấu được món cari cừu Lahore của mẹ tôi nữa. Máu mẹ tôi không chảy trong tôi nữa rồi”. Ông già bán thịt bò là một người Pa-ki-xtan. Ông sinh ra, lớn lên ở thành phố La-ho rồi rời Pa-ki-xtan đi làm ăn ở một vài nơi, cuối cùng thì đến Na Uy lập nghiệp.
    Khi ông Mai về đến nhà thì bà vợ đã chuẩn bị mọi thứ để cho ông nấu phở. Bây giờ bà đã quá thuần thục giúp việc ông. Ông Mai thi thoảng lại nói đùa: “Khi nào về Việt Nam sinh sống, tôi giới thiệu bà phụ việc cho một hàng phở”. “Họ có nhận tôi không nhỉ?”, bà hỏi. Biết ông đùa nhưng giọng bà vẫn lo âu và thiếu tự tin. “Nhận quá đi chứ. Có khi còn trả công cao”. Cả hai cùng cười hạnh phúc. Ông xách túi đựng xương và thịt bò vào bếp. Bỗng ông như quỵ xuống. “Ái chà”, ông kêu lên. Một bên đầu gối ông nhói đau. Ngực ông như ai bóp mạnh. Bà vội chạy đến bên ông. “Ông sao thế?”, bà lo lắng. “Cái đầu gối tôi có lẽ hỏng mất rồi”. Ông bỏ túi xương và thịt bò xuống sàn bếp, lê bước vào phòng khách. Ông ngồi xuống chiếc đi-văng bên cạnh lò sưởi. Bà vội vàng nhóm lửa lò sưởi. Ông Mai kéo ống quần lên. Ông bắt đầu xoa nhẹ hai đầu gối. “Tôi hầm xương cho ông nhé?”, bà rụt rè hỏi. Đã rất nhiều lần bà ngỏ ý muốn hầm xương bò giúp ông nhưng lần nào ông cũng gắt: “Đừng có động vào của tôi, hỏng cả nồi phở bây giờ. Phở bò Hà Nội chứ không phải món khoai tây hầm thịt cừu Na Uy đâu nhé”. Nghe vậy nhưng bà chẳng bao giờ tự ái. Bà chỉ không hiểu một điều gì đó như thần bí trong món phở bò của chồng mình. Chưa bao giờ bà thấy người ta phải mất cả một ngày để nấu một món ăn với hàng chục thao tác và giống như một nghi lễ. Nhưng lời đề nghị của bà năm nay được ông chấp nhận. Tất nhiên, phải sau vài lần cố gắng đứng dậy để vào bếp không thành công ông mới chịu đầu hàng. Khi nghe ông “ừ” một tiếng đồng ý, bà sung sướng vô cùng. Bà lao vào bếp khoác ngay cái tạp dề.
    - Cứ từ từ, nghe tôi chỉ dẫn, không có vội được đâu.
    - Tôi nghe đây.
    - Rửa sạch cái nồi hầm xương chưa?
    - Tôi rửa từ lúc ông chưa ngủ dậy.
    - Bây giờ rửa xương bò. Cọ sạch từng khúc xương, không để dính một chút thịt nào đấy nhé.
    - Tôi biết rồi.
    - Rửa xong mang cho tôi kiểm tra.Thảo quả đã chuẩn bị chưa?
    - Xong hết cả rồi.
    - Có đầy đủ không? Gừng đã nướng chưa?
    - Đủ. Tôi làm việc này mấy chục năm cho ông rồi.
    - Tôi cứ phải nhắc. Thiếu một vị thôi là hỏng cả nồi phở đấy.
    - Tối nay ông mời những ai đến ăn phở?
    - Chỉ mời ông bạn già ở cửa hàng thịt bò thôi.
    - Thế mà nấu một nồi đủ cho cả thành phố ăn thế này.
    - Bà vẫn chẳng hiểu phở gì cả. Nói mãi vẫn không hiểu. Phải nhiều xương mới có được nước dùng của nó.
    Năm nào ông cũng nấu một nồi phở to như thế. Và năm nào bà cũng thắc mắc về chuyện đó. Thế là ông lại kiên nhẫn nói cho bà nghe về phở và bí mật của phở. Đến tận bây giờ bà cũng không hiểu rõ những bí mật của món ăn này. Nhưng có một điều bà hiểu, đó là tâm hồn ông vẫn không đi khỏi thành phố cố hương ông. Cả một ngày nấu món phở là một ngày ông dẫn bà trở về cố hương của ông. Đối với ông, nấu một nồi phở là một nghi lễ. Và năm nào cũng thế, vất vả và hào hứng cả một ngày nấu một nồi phở to nhưng cuối cùng ông chỉ ăn một bát nhỏ ít bánh. Những ngày đầu nấu phở, ông đã rất đau khổ khi không đào đâu ra những gia vị cần thiết ở thành phố này cho nồi phở của ông. Sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất, ông đã trở về thăm cố hương. Và khi trở lại Ô-xlô, toàn bộ hành lý của ông là gia vị để nấu phở. Bây giờ, trong ngôi nhà của bà có hẳn một chiếc tủ đựng gia vị để nấu các món ăn Việt và đặc biệt để nấu món phở.
    Năm nay là năm đầu tiên sau nửa thế kỷ ông không trực tiếp nấu phở. Ông thấy mệt. Mấy lần ông định vào bếp nhưng ông cảm thấy chân tay run rẩy. Ông nằm thở nặng nhọc trên đi-văng. Đôi mắt ông khép lại nhưng vẫn nói cho bà những bước phải làm cho nồi phở. Rồi ông thiếp đi. Đến giữa buổi chiều, ông chợt tỉnh.
    - Có mùi phở rồi đấy. Nhưng bà chưa cho đủ nước mắm.
    - Tôi cho như ông dặn mà.
    - Bà nói dối. Còn thiếu một thìa nước mắm nữa. Tôi dặn thế nào thì bà cứ làm đúng như thế.
    Giọng ông run lên. Bà giật mình. Bà quyết định chỉ cho hai thìa nước mắm chứ không phải ba thìa như ông dặn. Bà muốn chứng minh cho chính bà món ăn này không bí ẩn như chồng bà nói. Bây giờ, bà sững sờ vì không hiểu sao ông lại biết bà chưa cho đủ. Bà bí mật cho thêm một thìa nữa. Một lúc sau, bà nghe thấy tiếng ông cười có vẻ khoái chí: “Bây giờ mới đủ. Bà không giấu được tôi đâu”. Nghe vậy, bà bước đến bên ông và nhìn ông như nhìn một vị thánh. Bà đã không hiểu hết con người ông và món phở cố hương ông. Bà ngồi xuống mép đi-văng và cầm bàn tay ông và thấy bàn tay ông hơi lạnh. Bà quyết định hỏi ông cái bí mật vì sao ông biết bà chỉ mới cho hai thìa nước mắm. Bà không có ý trở thành người nấu phở. Bà biết có một điều gì đó lớn lao hơn tất cả những món ăn. Khi bà cầu xin ông bằng giọng da diết, ông vẫn nằm im với đôi mắt nhắm lại như ngủ. Một lúc sau, ông nắm tay bà và đặt vào ngực ông và nói khẽ: “Bí mật là cái này”. Bà nhìn thấy hai giọt nước mắt ứa ra từ hai khóe mắt như đang thiếp ngủ của ông. Và bà vội cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Bà cúi xuống ôm chặt ông.
    Cuối chiều, khi bà đang tất bật chuẩn bị bát đũa cho bữa phở và chờ ông bạn già bán thịt bò của ông Mai thì ông đang rời xa hiện tại để trở về cố hương ông. Chiếc tàu điện leng keng rộn ràng đưa ông về khu phố cổ. Những ngọn heo may đầu tiên tràn về xao động những vòm cây dọc phố. Ông chợt nhận ra mùi phở ở một hàng phở gần đó. Từ tàu điện ông bước xuống. Mẹ ông đang đứng bên hè phố đợi ông. Bà nhìn ông, hỏi: “Con đi đâu mà lâu thế?”. Ông bước đến trước mẹ và thưa: “Con đã về mẹ ạ”.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quang Thiều
» Bầu Trời Của Người Cha
» Không Có Chứng Minh Thư
» Người Cha
» Người Nấu Phở
» Tiếng Gọi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79