Ở vườn mới biết, cái gì mong thì chậm đến. Gieo một mẻ hạt, đợi mãi, đợi mãi mới thấy những mầm xanh. Rồi lại đợi mãi mới thấy nó ra đúng hình thù cái thứ rau mình định trồng... Lại còn những cây cho quả, bao giờ cũng kín đáo nở hoa, đến khi đậu quả bé tí, người lớn dặn trẻ con trong nhà chớ có xăm soi, đi ngang chỉ dám liếc liếc sợ nó thui. Nâng niu thế nên khi thu hoạch đầy cung kính, rau quả không còn là rau quả mà đã là một thứ đựng thời gian sống của người gieo trồng, có hy vọng, có bẽ bàng, và cả hạnh phúc.
Chưa kể mùa mưa, bao nhiêu rau úng hết. Một luống cải non vừa mới nhú đã bị mưa dập cho nát nhừ, lũ bầu quả vừa mới nhô ra bằng ngón tay đã thâm cả lại... Trồng cây khi ấy không còn là thư giãn, yêu đời; chỉ để tập bình tĩnh trước những tai ương từ trên trời rơi xuống.
Hồi ấy, khi món nước ép trái cây bắt đầu xuất hiện trong các quán, các bạn đồng nghiệp nhiệt tình bảo nhau: “Uống cái này tốt cho sức khỏe, tốt cho da...”. Thế là cũng mua về một cái máy ép trái cây, khi đó thiết kế còn cồng kềnh (hơn bây giờ, mà bây giờ vẫn cồng kềnh), lắp vào đã khó, tháo ra để rửa còn khó hơn. Dùng được chừng đôi lần thì bỏ, phần vì lười tháo lắp, nhưng phần vì cái ấn tượng thảng thốt khi nhìn thấy cả một cân ổi bỏ vào chỉ ra được một cốc nước ép không to. Từ sau mỗi lần ra quán, thấy ai gọi nước ép hoa quả là nghĩ thầm trong bụng: Bạn này chưa từng trồng một cái cây.
Lại nhớ dạo sau này mỗi năm Tết đến, ghé chục nhà thì lại có một nhà chưng cành đào rừng to đẹp. Cành to, hoa đầy, dáng vừa kiêu hãnh vừa mềm mại, đúng kiểu vẫn quen sống chốn tự nhiên. Năm đầu, năm thứ hai còn ồ à khen đẹp quá, quý quá, ai mang về cho mà hay thế. Đến năm thứ ba, thứ tư, khi đã biết số phận của những cành đào hùng vĩ này sau Tết cũng chỉ là vứt đi thôi, thì không còn thấy đẹp nữa. Ai từng trồng cây trong vườn rồi chắc đều biết, cảm giác tiếc đứt cả ruột khi một cái cành lớn bị gãy ngang, sau cơn giông chẳng hạn. Nếu đó là một cành dáng đẹp, cái tiếc ấy lại càng lớn. Thế mà chỉ vì để làm vui lòng bạn thân, để trang trí những căn nhà ống trong thành phố, người ta vào rừng chặt về những cái cành đẹp nhất của mùa xuân, dùng được có ít ngày rồi vứt đi vĩnh viễn.
Ta dùng thực vật thật là hoang, từ cách gọt vỏ một củ khoai tây đến việc dùng cả đống lá để trang trí một bình hoa. Xanh lục là một mầu rất quý nhưng lại dùng rất phí.
*
Nói chuyện trồng cây, phụ nữ thường hay có một ước mơ “nho nhỏ” là một ngày nào đó sẽ rảnh rỗi để mà thư thái để làm một mảnh vườn. Việc này vì chưa thực hiện được nên mới gọi là “mơ”. Chưa thực hiện được là vì phụ thuộc vào quá nhiều điều kiện, giống như trong chuyện cười mọi người hay kể, có anh nhà văn mãi vẫn chưa ngồi vào bàn viết được vì nhà vẫn còn con ruồi bay vo ve.
Muốn làm một cái vườn nhỏ, có người bảo, phải có nhà ở mặt đất đã, còn ở chung cư thế này là chưa trồng được. Có nhà mặt đất rồi lại bảo, chỗ này phải lát gạch để còn dựng xe; Chủ nhật con cái chúng nó về đầy ra. Có chỗ dựng xe rồi, còn thừa ít đất, vẫn chưa trồng được, phải đợi cho hết đợt này đã đang nắng quá cây trồng là chết hết. Qua đợt nắng thì đến đợt lạnh, cây trồng cũng chết... Thế là quanh năm ngoài sân cứ trơ trơ nền đất với xi-măng, dù trong nhà bình hoa tươi vẫn cắm đủ cả tuần.
Bỏ qua chuyện chăm cây giỏi hay dở, mát tay hay không, thật ra trồng cây theo mức căn bản là thứ muốn làm là được, như anh thích hát thì hát thôi, trên sân khấu hay trong nhà tắm. Tôi vẫn nhớ ban công nhà cô Anh Thơ khi cô còn ở trong con hẻm nhỏ đường Hồ Biểu Chánh. Ban công bé mà cũng lô nhô chậu, hôm nay cây hồng ra hoa, mai cây móng rồng lại cũng ra hoa; hoa tàn thì cô cắt, để vào cái đĩa con cho “thơm nốt”. Hoặc như người quen của mẹ tôi, cũng trong chậu cả, mà hôm thì thu hoạch khổ qua, hôm lại cà chua chín, hôm thì cắm cả một bình hoa hồng...
“Nuôi người còn được, nữa là...”, người thích trồng cây và trồng được cả trong hoàn cảnh thiếu diện tích vẫn nói thế. Họ bảo đến nhà nào mà không thấy có một vài chậu cây xanh là ít nhiều cũng đoán được tính cách sâu xa của chủ nhà, lạnh lẽo hay ấm áp. Có người còn bảo “sợ” nhất là những nhà chỉ thích cắm hoa còn quyết không trồng cây, dù có thể.
“Trồng cái cây cho nhà đỡ trơ...”. Trồng cây có khi không phải để thiền, để thích, mà để trang điểm, che đậy...
Chẳng phải khi đi du lịch, chán nhất là những thành phố đại lộ thênh thang mà đìu hiu, cây thưa thớt, nắng chang chang, lộ ra bao nhiêu nhược điểm của kiến trúc? Và thích nhất là những chỗ nào nhiều cây xanh - nhưng phải là cây to cho bóng mát, chứ không phải thứ cây cảnh lè tè vẫn thấy trồng khắp nơi nơi?
Cái duyên hay cái vô duyên của một vùng đất hình như là nhờ nhiều vào mầu xanh và bóng mát: rừng thì có quán xá và nhạc nhẽo gì đâu mà vẫn duyên, chỉ vì xanh. Hà Nội thì duyên nhiều phần cũng nhờ hệ bóng mát và mầu xanh của các hàng cây. Hội An phố cổ tuy ít cây nhưng hàng mái ngói thâm thấp luôn chìa ra một rìa bóng mát cho khách đi men, trên ban công gỗ các nhà là những dây leo... Nếu bóng mát là một thứ “kính râm” làm cho bộ mặt đô thị đẹp lên, bớt trơ, thì cây xanh chính là loại “phấn son” trang điểm hữu hiệu cho phố phường, nhà cửa.
Phát triển du lịch, nếu nghĩ mãi mà vẫn không có đủ di tích, bảo tàng, thú giải trí tinh thần cho khách giết thời gian suốt mấy ngày, thì bước đơn giản nhất có lẽ cứ cho trồng thật nhiều cây xanh cho bóng đã. Nhà nước trồng, dân thường trồng, để khách đi dưới bóng mát và mầu xanh ấy thấy mọi thứ đẹp hơn, thanh bình hơn... cái thành phố mình ở. Dưới bóng mát ấy, cái gì cũng dễ tha thứ. Cũng như nhà cũ, chưa có tiền xây mới hay đại tu, thì cứ trồng cây cho nhiều vào; khách đến “mờ mắt” trước mầu xanh mà cứ thế xuýt xoa, “tha” cho bao nhiêu cái lỗi của căn nhà.
*
Năm kia đến thăm một người bạn ở một căn phòng khu tập thể cũ, thấy mỗi buổi sáng nắng chỉ trượt qua được một lúc trước nhà, thế mà cũng trồng được cây bìm bìm ra hoa tím lốm đốm cả một cửa sổ...
“Coi như làm từ thiện cho trái đất đi,” chị bạn lý luận. Trồng với tinh thần bù đắp lại phần nào, như để chuộc cái lỗi mình đã dùng tủ lạnh góp phần ăn thủng tầng ôzôn, nên dù ngoài đất hay trong chậu, nhà cửa kiểu gì, ở đâu chị cũng cố trồng được cái cây, không to thì bé.
Và dĩ nhiên, như một người làm từ thiện thông thường, trên đường đi tặng mì gói sẽ không tạt vào ăn súp yến với cháo bào ngư, chị bạn tôi rất cực đoan quyết không uống nước ép trái cây loại một-rổ-được-một-cốc, không tỉa cà-rốt với dưa chuột chỉ để thuần trang trí thức ăn. “Mình dùng thực vật tiết kiệm, đủ sống thôi, còn để chúng làm lá phổi cho Trời”.
Bài học khi xưa vẫn được dạy là trước khi kiếm ra tiền phải biết tiết kiệm tiền. Nay có khi phải dạy thêm cho trẻ con: Chắc với màu xanh thì cũng vậy...
9-2015
Kết Thúc (END) |
|
|