Về già con người ta hay sống với kỷ niệm cũ, nhất là những người đi xa quê hương lâu ngày nỗi nhớ càng nhiều hơn. Ngày nào, ông già cũng nhớ về quê hương, nhớ dòng sông Dinh hiền hòa, nơi ông sinh ra, lớn lên, biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn gắn liền với cuộc đời ông. Những tập tục, cuộc sống sinh hoạt của người dân quê đã ăn sâu vào máu, vào thịt, ông không thể trút bỏ hay quên đi được. Có đêm ông nằm mơ thấy mình trở về thời tuổi mười hai, mười ba, cùng nhau chăn bò tắm sông với lũ bạn trong xóm. Có đêm ông nằm mơ thấy mình trở về tuổi mười tám, đôi mươi, cùng lũ thanh niên trong xóm, đêm xuống cởi áo quần cầm trên tay, bơi qua sông tán gái đến khuya bơi về. Giấc mơ không giống nhau, nhưng ông chỉ mơ về tuổi thơ quê hương mình. Lúc tỉnh dậy, ông giật mình thảng thốt, nhìn chung quanh bốn vách tường thấy mình đơn độc, trống vắng và cô liêu...
Chiếc xe đò dừng lại ngã ba đường liên thôn liên xã. Con đường này ngày xưa khói bụi mịt mù, những ngôi nhà ven đường luôn hứng chịu làn khói mỗi khi xe đi qua. Giờ đây đã được tráng nhựa bóng loáng. Trên xe, một ông già mang hành lý lỉnh kỉnh bước xuống. Chiếc xe chạy đi và ông già mang hành lý bước vào lề. Đó là ông già độ tuổi bảy mươi, da trắng hồng hào, ăn mặc sang trọng, quý phái, song vẫn không vơi được nét quê mùa. Đến bên trong lề rồi, ông già đứng bên đường, đưa mắt khao khát nhìn phong cảnh đó đây. Xa xa những làn gió quê hiền hòa, mát rượi, làm cho ông có cảm giác yên ổn, lạ thường. Nó nhẹ nhõm, lâng lâng và bay bổng giống như người say sóng nhưng không phải, thật khó tả. Chỉ có người xa quê hương lâu ngày như ông mới hiểu được cảm giác này. Ông già không vội về nhà, cơn nghiện theo thói quen đã đến, chậm rãi lấy điếu thuốc ra châm lửa, nhẩn nha đi về nhà, vừa hút thuốc vừa nhìn cảnh vật chung quanh.
Có một anh xe thồ chạy xe lại hỏi:
- Đi về đâu vậy bác?
- Tôi đi về nhà
- Nhà bác ở đâu, lên xe cháu chở rẻ cho?
- Nhà tôi ở xa nhưng tôi không đi.
- Chứ bác đi bộ à?
- Ừ, tôi thích.
Anh xe thồ bỏ đi, chửi: “Sáng sớm đến giờ có được một “cuốc”, tưởng đâu vô mánh, ai ngờ gặp trúng ông già keo kiệt. Trời nắng nóng thế này mà đi bộ!... Đồ điên!”...
Ông già nghe rõ anh xe thồ chửi, nhưng nghĩ, thây kệ! Ông tiếp tục đi.
Đã lâu lắm rồi, ông chưa được đi bộ trên con đường quê mình, giờ đây đi nhìn chung quanh cho đỡ nhớ. Trời lúc này đã xế chiều, bóng nắng đổ xuống đường loang lổ, mảng đen mảng sáng. Bên đường, hàng dây điện có đàn chim đang đậu. Chúng đậu rải rác như những nốt nhạc đen trên sợi dây đàn, rồi cất tiếng hót líu lo, thật tự do thoải mái làm sao! Ông già nhìn đàn chim, rồi nghĩ lại tự trách mình: “Cách hai mươi năm trước đây, vào mùa hạ, thằng Hai con trai ông về rù rí bảo lãnh ông sang Mỹ ở cho sướng. Lỡ một lần nghe lời con. Ông đã ruồng con đường, lũy tre, xóm làng, bỏ luôn ngôi nhà thân yêu của mình để qua Mỹ ở. Kể ra cũng sướng thật. Công việc nặng nhọc hàng ngày của ông là quét cái nhà, chùi cái bàn, lau cái ghế cho thật sạch để ngồi xem ti-vi. Còn ăn uống con ông mua đồ hộp chất đống để sẵn cho ông ăn. Thức ăn tuy lạ, dưng miệng ông ăn không quen, vì thương con ông phải ăn.
Đó là thời gian đầu mới qua, ông cố gắng chịu, về sau ông thèm mắm nêm, mắm cà, cá muối, những món ăn mặn miệng ở quê nhà ông thường ăn. Mỗi lần bưng món đồ hộp lên ăn, ông lại rưng rưng nước mắt, muốn nói mà không dám nói.
Đêm ông nhớ quê nhà. Ngày nhìn quanh nơi ông ở giàu đẹp lắm mà lòng chỉ thèm nhớ quê nhà. Nhớ đến những ngày được làm việc chân tay. Đó là buổi sáng hừng đông ở quê, ông dậy sớm, uống xong một bình nước trà rồi lùa con trâu vô đồng cày. Con ông chỉ gói cho mo cau cơm và con cá muối để mang theo. Sau khi cày xong, trời đã đứng bóng, ông lùa con trâu cột lại rồi dỡ mo cau cơm ra ăn. Cơm cá để lâu lạnh lắm nhưng khi làm mệt ông ăn thấy ngon, thấy thèm và nhớ. Ôi, không hiểu sao, giữa bao nhiêu phồn hoa mà kẻ khác tham muốn ông lại bỗng dửng dưng để trong đầu ông nhớ đủ chuyện về cái làng quê nhỏ bé, nghèo nàn của ông! Những câu chuyện rất nhỏ nhặt, quá tầm thường mà khi còn ở quê nhà chả bao giờ ông để vào đầu, thậm chí có lúc còn khó chịu.
Ông nhớ có lần, ông và lão Tám Tòng đi cắm câu theo dòng sông Dinh. Buổi chiều xuống, hai người chia nhau mỗi khúc sông, ôm cần câu cắm đi rải. Chừng hai, ba tiếng sau ông và lão Tám Tòng đi thăm câu. “Nhất chạng vạng, nhì rạng đông”. Thời điểm này cá lên ăn mồi nhiều. Lão Tám Tòng thăm hết cả trăm cần câu, nhưng không được con cá nào. Ngược lại, ông cứ hai, ba cần câu là dính một con cá tràu, cá trê, cá rô... Con nào con nấy to đùng. Suốt cả đêm tới sáng, ông được những hai lờ đầy cá, còn lão Tám Tòng vẫn thế. Lão thắc mắc hỏi: “Móc câu như nhau, mồi trùn như nhau, tại sao ông nhiều cá, còn tôi không có?”. Ông giải thích: “Có lẽ, tại ông là người không sát cá”. Lão Tám than: “Không, dòng sông Dinh thương ông hơn thương tui, ông à!”. Lão Tám Tòng buồn vô tình nói thế nhưng ông thấy cũng đúng. Cũng nhờ dòng sông Dinh mà ông câu cá nuôi sống cả gia đình. Ông luôn thấy mình mắc nợ và cảm ơn con sông Dinh nhiều lắm! Ông với lão Tám Tòng có nhiều kỷ niệm, nhưng có kỷ niệm này mà có lẽ cho đến khi nhắm mắt lìa đời cũng không thể nào quên. Ông nhớ lại hồi đó trời hừng đông, ông và lão Tám Tòng rủ nhau vào núi chặt củi, mỗi người cầm theo cái rựa và cây đòn xóc, loại như đòn gánh, có vót nhọn hai đầu. Đi đến bìa rừng, mặt trời vừa lên, ông và lão Tám Tòng kháo nhau chặt củi thi, xem thử ai đầy gánh trước. Vì quá vội vàng, ông chặt vướng phải dây, mũi rựa trúng vào đầu, tuy nhẹ nhưng máu đổ ra nhiều lắm. Lão Tám Tòng sợ hãi, bỏ cả củi đuốc, ném luôn cây rựa, cõng ông chạy về nhà. Đường xa lắm, trời nắng nóng, lão Tám Tòng vừa hối hả cõng vừa kêu cứu. Về đến nhà, mười ngày sau vết thương lành hẳn, lão Tám Tòng vẫn còn đến thăm, thật là tình bạn tốt, tình làng nghĩa xóm thân thiết làm sao! Ông nhớ lại hồi đó nhà ông nghèo lắm. Vợ chồng cùng con cái ông ở căn nhà bằng mái tôn dột nát. Ở trong nhà, mùa đông thì lạnh lẽo, mùa hè thì nóng hừng hực. Nằm trong nhà có thể nhìn xuyên qua lỗ đinh, thấy cả trời xanh. Ông đã nhiều lần lấy dầu hắc, bông gòn, leo lên mái nhà trám lại những lỗ đinh, nhưng được vài tháng trời nắng nóng là dầu hắc chảy ra, lại dột như cũ. Một lần, vào ban đêm trời tối đen như mực, bỗng dưng ngoài trời đột ngột đổ cơn mưa to. Cả nhà ông hối hả lấy xoong, lấy thùng, ra hứng nước tránh kẻo dột ướt. Thế nhưng trời vẫn tàn nhẫn, mưa to lắm, có cả gió lớn, nước mưa đổ từ trên mái nhà xuống, nước mưa tạt ngoài cửa sổ vào, ướt cả chăn màn, về sau trong nhà chỗ nào cũng ướt. Suốt một đêm hôm đó, vợ chồng cùng con cái ông thức trắng, ôm chầm lấy nhau cho đỡ lạnh!... Ôi! Ngày cũng như đêm, ông không thể nào quên được cây đa, giếng nước, mái đình, những buổi bạn bè đồng ngôn ngữ rảnh rỗi nói chuyện sau mùa gặt. Ông là một nông dân thuần tuý, bàn tay bàn chân to bè vì quen làm việc nặng nhọc. Bây giờ ăn không ngồi rồi, ông cảm thấy buồn bực, gò bó. Ông cảm thấy mình giống như cây xanh còn sống mà ai đem nhổ gốc cắm vào trong lọ nhỏ, giống như con chim đang tự do ai đem bắt nhốt trong lồng. Con chim còn đem tiếng hót cho đời, còn ông tối ngày ở trong cái lồng làm bằng bê-tông cốt thép không được việc gì. Ông xin con về cho quen công quen việc. Con ông không cho, hẹn rầy, hẹn mai, đi về tiền bạc tốn kém. Ông đòi cắn lưỡi tự tử chết, con ông mới cho về. Bây giờ, ông đã được đi trên con đường quê hương mình, có cảm giác nhẹ nhõm sung sướng làm sao! Ông về đến đầu làng.
Bây giờ tất cả con đường lớn, nhỏ, lầy lội ở nông thôn đã được đổ bê-tông sạch sẽ. Ông nhìn những người đi qua lại, những ngôi nhà chung quanh làng, nhưng không thấy khuôn mặt ai thân quen. Ngày xưa hầu như mọi người đều biết tên ông, chỉ cần ông đi đâu về đến đầu làng, người ta í ới gọi: “Ơi, anh Ba Cá đi đâu về đó?”. Giờ đây không một tiếng chào, hỏi. Ngược lại, mọi người ở làng nhìn ông bằng cặp mắt ngơ ngác, xa lạ. Có mấy đứa trẻ nhảy dây bên đường, ngưng chơi lại, nhiệt tình chạy đến chỗ ông hỏi: “Ông ở đâu đến, tìm nhà ai, cháu chỉ cho?”. Ông xoa đầu lũ trẻ và nói: “Cảm ơn cháu!”. Ông gặp một người phụ nữ khoảng ba mấy, bốn mươi tuổi, đang phơi lúa tạm bên mép đường. Ông vờ hỏi: “Cô cho tôi hỏi thăm, có biết nhà ông Ba Cá ở đâu không?”. “Ba Cá” là cái tên người trong làng đặt cho ông. Sở dĩ ông có cái tên đó là do ông thứ ba, nổi tiếng làm nghề câu và bán cá đồng, nên người trong làng quen miệng gọi như thế. Người phụ nữ suy nghĩ một chặp, nói: “ Xin lỗi ông, ở trong làng này không có ai tên đó cả!”. Ông cảm thấy hụt hẫng, buồn lắm, cảm giác giống như người khách lạ chính trên quê hương thân thiết của mình. Cuối cùng, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu mong đợi bấy lâu nay ông về được tới nhà. Đầu tiên là ông gặp con chó già, lông xù dữ tợn. Mới thấy ông, nó ngờ ngợ ngửi ngửi rồi quắt đuôi mừng. Ông thấy sao lạ quá. Trước khi đi, mẹ con chó mang bầu, ngày ngày ông nâng niu cho ăn, ôm ấp. Vậy mà mấy chục năm trôi qua, con chó mẹ sinh ra con chó con, lớn lên, vẫn còn nhớ cái hơi người của ông. Ôi, con vật trung thành! Ông chồm xuống hôn. Con Lan thấy ba về, ngạc nhiên, chạy ra cửa ngõ kêu: - Ủa, ba về sao không báo trước để con đi rước? Ông nói đại: - Ừ, tao mới về, rước chi tốn công. Ông nhìn ngôi nhà mình, đối với ông thật bất ngờ. Căn nhà tôn dột nát của ông ngày xưa, nay trở thành căn nhà gác lửng, khang trang và sang trọng. Mọi vật dụng trong nhà, con ông sắm sửa lại toàn là hàng mới, hàng ngoại, không giống như cái thời giản dị mà hằng đêm ông thường tưởng tượng.Vậy mà, con Lan mỗi lần điện thoại luôn miệng bảo với thằng Hai, với ông, ở Việt Nam còn khổ, khó khăn lắm, luôn miệng bảo gởi tiền về! Ông không nói gì cả, lặng lẽ bước vào phòng cất va ly đồ. Con Lan thấy ba về mừng lắm, lấy nồi điện ra nấu cơm thêm. Nó vo vo, đậy nắp, cắm điện, thật là dễ dàng và chóng vách. Con Lan hối hả xuống bếp, mở tủ lạnh, vắt một ly nước cam để sẵn chờ ba ra uống cho đỡ mệt. Ông trong phòng bước ra, nhìn nồi cơm điện, kỷ niệm cũ lại về, hỏi: - Cái nồi đồng con còn giữ xài không? - Dạ con đem bán nhôm nhựa lâu rồi! Để làm chi? Đó là kỷ vật, lúc mới cưới nhau cha mẹ cho vợ chồng ông làm vốn ra ăn riêng. Vợ mất, ông khư khư để dùng, cho đến ngày ông bỏ nó mà ra đi. Thế nhưng ông không nói cho con Lan hiểu, buồn bã, lặng lẽ bước ra sân. Ông đến chỗ cao trong vườn, nhìn sang toàn cảnh nhà hàng xóm. Khu xóm của ông không còn khổ sở như ngày xưa nữa, đã đổi mới, tất cả bắt đầu xây nhà cao tầng, chỉ còn lác đác một vài ngôi nhà nhỏ, nhưng trước cửa nhà có đống đá, chắc sắp xây rồi! Ông nhìn sang nhà lão Tám Tòng, người bạn thân thiết của ông, bây giờ thành ngôi nhà lầu hai, có tường rào che chắn vững chắc. Ông hỏi con Lan: - Anh Tám nay làm gì bển con? - Dạ bác Tám chết rồi! - Còn anh Sáu, anh Năm nay làm gì? - Dạ bác Sáu cũng chết rồi! Bác Năm đang nằm bệnh viện. Ông không hỏi nữa, nhìn ra núi, nơi ông và lão Tám Tòng ngày xưa chặt củi thi. Ngọn núi rậm rạp ngày xưa đầy cây cối, đầy thú dữ, không ai dám đi một mình, nay đã trở thành đồi chuối, cây bạch đàn xanh rì. Ông nhìn sang dòng sông Dinh kỷ niệm, hai bên bờ kè vững chãi, thấp thoáng hai bên bờ sông những nhà hàng sang trọng, mái ngói đỏ au. Ông thất vọng, buồn bã vô cùng, thốt lên một mình: - Mất rồi! Mất hết rồi! Tất cả những kỷ niệm, những nghèo khó ngày nào đã xói mòn theo thời gian hết rồi!... Nhưng lúc sau, hoàng hôn dần buông xuống. Một mầu hồng thạch lựu chuyển sang mầu tím sẫm. Không gian yên ả, vắng lặng. Ông lại trách mình, nói khác: - Mình thật bậy! Cuộc sống người dân quê hương mình đổi thay, giàu có, mình nên vui mới phải, chớ sao lại buồn!...
Thực là trùng hợp, đúng lúc này, Lan con gái ông đang mở ti-vi chương trình ca nhạc quê hương. Tiếng hát lảnh lót, trong veo của cô ca sĩ hát vang lên: “Ơi, con sông Dinh... Ơi, con sông Dinh... Con sông quê hương chảy từ buồng tim của mẹ... Bình thường, bình thường thôi như bao dòng sông trôi...”.
Ông bước vào nhà và trong lòng ông lại thổn thức trôi ra vài giọt nước mắt vội lau đi.
Kết Thúc (END) |
|
|