Một bài học
Vị tiến sĩ giáo dục xuất bản một cuốn sách gây tiếng vang khắp cả nước. Một hôm bà nhận được bức thư từ một độc giả, trong đó có đoạn: “Cháu là công nhân xây dựng thủy điện. Cháu đã đọc cuốn sách của bác cháu rất thích. Cháu rất muốn mua cuốn sách đó để tặng các thầy, cô giáo cũ của cháu nhân dịp Ngày nhà giáo sắp tới, nhưng hiện giờ cháu làm công trình ở vùng sâu không tiếp cận hiệu sách được. Bác có thể bán sách cho cháu và làm ơn gửi giúp cháu tới các địa chỉ sau đây không ạ?”. Bà tiến sĩ đọc danh sách những thầy, cô giáo mà độc giả nọ muốn tặng sách, ngồi trầm ngâm một lát, rồi viết thư trả lời: “Việc bán sách là của nhà xuất bản nhưng tôi vui lòng làm điều này giúp cháu bởi vì ngày hôm nay tôi đã nhận từ cháu một bài học về lòng biết ơn: Tôi không quên các thầy, cô giáo dạy tiểu học của mình, nhưng từ lâu rồi tôi không còn gửi lời chúc tới họ như cháu nữa. Cảm ơn cháu!”.
Phần thưởng
Cuộc thi điền kinh không chuyên kết thúc. Mọi người đổ xô đến vây quanh nhà vô địch. Duy nhất một người đàn ông ôm hoa đi về phía người cán đích cuối cùng. Người của ban tổ chức thấy thế vội tiến đến nói: “Thưa ông nhà vô địch của chúng tôi ở đằng kia cơ ạ!”. Người đàn ông mỉm cười nói: “Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc!”.
Những cái ôm
Tỉnh dậy trong bệnh viện cô không thấy người nhà đâu cả. Nhìn sang giường đối diện cô thấy một bé trai khoảng hai tuổi đang đưa hai tay về phía mình gọi, “Mẹ! Mẹ!”. Cô chống tay ngồi dậy, nhìn quanh, thấy trong phòng không có người phụ nữ nào ngoài mình. Đứa bé vẫn nhìn cô và gọi mẹ không ngừng. Cô bối rối, cô suy nghĩ, rồi cô thả chân xuống đất, cố chiến thắng cơn chóng mặt để đi cà nhắc về phía đứa bé. Cô vừa mới đến mép giường thằng bé đã nhoài người ôm ghì lấy cô, vừa cười vừa reo “Mẹ! Mẹ!” đầy sung sướng.
Bác sĩ nói cả cô và thằng bé, hai bệnh nhân bị sang chấn tâm lý vì tai nạn giao thông, đều bình phục nhanh chóng đến mức khó tin.
Chiếc áo sặc sỡ
Nhân ngày rảnh rỗi cô tự may cho mình một chiếc áo hoa. Nhìn thấy chiếc áo cô may, người thì bảo “sặc sỡ quá!”, người thì hỏi giọng mỉa mai “Áo này cô may để mặc á? Cô bao nhiêu tuổi rồi mà còn mặc mầu này!”. Cô hơi buồn, nhưng vì thích chiếc áo mình tự may cô vẫn mặc nó bất chấp những lời chê bai.
Một buổi chiều tối cô đang đi bộ về nhà thì nghe thấy tiếng gọi từ phía sau. Ngoảnh lại cô thấy cụ già hàng xóm chống ba-toong đang lật đật bước về phía cổng của khu tập thể. Đến gần cô, ông cụ vừa thở vừa nói: “Cảm ơn cô nhé. Tôi già rồi mắt kém lắm, đầu không được minh mẫn, đi ra ngoài bỗng dưng không nhớ đường về. May quá, nhờ có cái áo sặc sỡ cô hay mặc tôi mới nhận ra đường về nhà đấy!”.
Bạn
Qua Facebook tình cờ tìm được một người bạn học không gặp đã hơn hai mươi năm Linh mừng lắm, muốn hàn huyên để nhắc lại những kỷ niệm thời cắp sách. Thế nhưng người bạn lại tỏ ra hờ hững. Nhiều lần nhắn tin hỏi thăm, Linh chỉ nhận được những câu trả lời cụt ngủn, kiểu như “ừ”, “không”, hoặc “tớ bận, lúc khác nói chuyện nhé”. Cách đây một tuần người bạn học bỗng nhiên thay đổi thái độ, ngày nào cũng nhắn tin vài lần hỏi thăm Linh rất ân cần như người ruột thịt. Linh ngạc nhiên không biết điều gì đã khiến người bạn ấy đột ngột quan tâm đến cô như vậy. Cuối cùng cô phát hiện ra thái độ của người đó bắt đầu thay đổi kể từ hôm có người cùng công ty đăng lên trang cá nhân của cô bức ảnh chụp cảnh một hội nghị mới diễn ra. Trong tấm ảnh Linh ngồi phía sau tấm bảng ghi rõ: “Đỗ Thùy Linh-Chức danh: Phó Giám đốc”.
Hộp sữa
Đều đã sáu, bảy mươi tuổi năm anh em ruột của mẹ tôi mới có điều kiện đi du lịch cùng nhau một chuyến. Ngồi trên xe khách đường dài cùng cả đoàn du lịch, mẹ tôi phát cho mỗi người một hộp sữa tươi. Một lát sau mẹ thấy bác cả từ hàng ghế trên chuyển hộp sữa xuống phía dưới trả lại mẹ. Mẹ không tiện hỏi lý do, chỉ thầm lo bác đi đường bị đói.
Mãi về sau mẹ tôi mới biết bác trả lại hộp sữa vì bác không biết phải uống hộp sữa tươi đó bằng cách nào. Cả đời làm lụng vất vả, nhường nhịn tất thảy cho con cháu, bác chưa từng được uống sữa.
Tưởng thế mà không phải thế
Cửa thang máy mở ra. Nhanh như chớp, một anh thanh niên vội chen lên trước chiếc xe lăn của cô gái khuyết tật, bước vào trong thang máy đầu tiên. Cả sáu người đứng trước cửa thang máy đều sửng sốt và bất bình trước hành động đó cho đến khi anh thanh niên cúi xuống nhặt chiếc chai nhựa ai đó đánh rơi ngay sát mép cửa thang máy và quay ra giúp cô gái khuyết tật lăn xe vào trong.
Niềm vui của nhà văn nghèo
Đang cặm cụi viết bên bàn thấy con quấy khóc anh dỗ: “Nín đi, lát nữa bố xem có bài đăng báo, có nhuận bút bố mua kẹo cho”. Đứa bé lập tức thôi khóc, kéo tay anh đòi đi “xem báo”.
Anh miễn cưỡng dắt con tới sạp báo đầu ngõ, tìm tờ báo mình hay cộng tác, lật dở một chuyên trang, rồi nói với con bằng giọng buồn buồn: “Không có bài. Về thôi, cho bố nợ!”. Mặt thằng bé ỉu xìu. Bỗng chủ sạp báo, đồng thời là độc giả trung thành của anh, cười hớn hở bảo: “Em đang chờ đọc bài của bác đấy. Trong mục mời bạn đọc đón đọc báo tuần sau họ giới thiệu có bài của bác đây này”. Anh bế bổng thằng con lên hôn đánh chụt!
Kết Thúc (END) |
|
|