Đến màu trời cũng khác, buổi chiều ngày Tú cưới chẳng có gì khiến nó phải liên tưởng tới một chiều của mười ba năm trước. Nắng, không khí, con đường, và Tú, đẹp không góc chết trong bộ lễ phục chú rể, cũng không phải là thằng trẻ nít hồi nào.
Không gì chắc chắn hai buổi chiều sai biệt chút nữa đây chồng khít lên nhau, và một chìa khóa tra vào cánh cửa, như Tú hy vọng. Chếnh choáng, nó ra cửa rạp ngó về phía nắng tắt. Phía cô gái của Tú sẽ hiện ra, không phải người đứng chung với nó trong những tấm hình cưới hoàn hảo đến tiệm ảnh đã xin được lấy một trong số đó dựng ngay sau cửa kiếng, như là mẫu quảng cáo cho tiệm.
Có ít nhất ba tiệm ảnh trong thành phố bẹo chân dung Tú câu khách. Ngay ngã ba xóm cũ, người ta vẫn treo ảnh nó hồi hai tuổi rưỡi. Khỏa thân, tay chân đầy ngấn như được làm bằng củ sen, ngồi nghiêng trên ghế mây, trên lưng có đôi cánh trắng.
Năm Tú mười một tuổi, nó vẫn là một thiên thần. Kẻ mang tên Dậy Thì chỉ mới ngắm nghía thằng nhỏ mà chưa bắt tay vào nhào nặn, thổi bay những đường nét trẻ con. Còn nguyên vẻ ngây thơ bụ sữa, mà bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn chạm tay vào bẹo đôi má mởn lông tơ. Vào buổi chiều Tú bồn chồn dội bóng lên vỉa hè trước nhà trong lúc chờ nhỏ Thuần, nó vẫn đáng yêu vô cùng, khiến một chị đang mang bầu đi bộ ngang qua không nhịn được, đã rón rén vuốt cằm nó bằng mu bàn tay, như sợ những đầu ngón quá thô sẽ làm da nó xước, nói “rờ lấy hên, cho em bé trong bụng dì đẹp hệt như cưng”. Quen với việc người ta trầm trồ mình, Tú không cười, ngó về phía nắng tắt, nơi Thuần sẽ hiện ra, gầy, da nâu, tóc cắt ngang vai. Người duy nhất nhìn Tú mà mắt vẫn tĩnh lặng, không xao động. Như nhìn cột điện, viên gạch lát vỉa hè.
Và khoảnh khắc Thuần đi qua, Tú vẫn là thằng nhỏ ngây thơ chẳng biết cách làm quen với cô bé mà nó thích, nên đã mở dây xích cho con Đô La, bảo “Măm!”. Bắt được cái nhìn của cậu chủ, gần như không sủa, con thú nhanh phắt chặn Thuần lại, chồm lên nghiến ngấu đến tiếng kêu la của đứa trẻ cũng rách tã.
“Người bị cắn là mình mới phải”, Tú nghĩ, lúc người ta vớt khối da thịt bấy bá ấy lên xe cứu thương, ai đó còn ngoái nhìn mặt đường bảo đảm không gì sót lại. Nó không nhớ mình đã làm gì để ngăn con thú, nhưng có làm gì thì đỏ đã thấm vào chiều, kể từ chữ “Măm !” rít gió lao đi.
“Mình phải bị cắn rách nhiều hơn, tới không vá nổi, mới đáng đời”, Tú tự nhiếc mình, khi nhìn thấy đứa bé kia như con nhộng bất động trong kén trắng.
Buổi sáng sau tai nạn, Tú đã tới đồn cảnh sát gần nhất, nói “con chó là do cháu thả”. Chú cảnh sát, vốn là đàn em khóa sau cha Tú, đã cười, nựng đôi má đỏ lựng vì kích động của nó, bảo về coi hoạt hình đi. “Tự tay cháu tháo dây xích chó”, Tú day câu đó, cho tới khi người ta gọi mẹ nó tới. Ôm Tú vào lòng, mẹ chảy nước mắt nói con trai tôi sợ tới nói sảng luôn đây mà, ôi thiên thần của tôi. Chưa bao giờ mẹ nó tỏ ra vụng về trong những chuyện như vậy, cả lửa mà mẹ cũng gói như không.
Câu chuyện chó tấn công đứa trẻ đã được viết xong từ buổi tối. Tú chỉ là nhân chứng, thậm chí vì giúp con bé kia mà nó còn bị chó ngoạm cổ tay. Người lớn nhà Tú đã bất cẩn quên xích con becgie, đứa nhỏ kia lại hé cổng thò đầu ngó vô nhà, nên xảy ra chuyện. Kẻ thủ ác cắn người không ghê răng đã bị xử chết ngay tối ấy.
Bởi chuyện đã hoàn hảo, trong đó con người chỉ phạm những lỗi mang tính bất cẩn, chẳng ai muốn viết lại câu chuyện khác, trong đó có nhân vật thằng bé mười một tuổi mang gương mặt thiên thần cố tình thả chó để gây chú ý với bé gái mà nó thích, vì trước đó bị ném bóng vào người, con nhỏ cũng chỉ nguýt ngắn, rồi đi.
“Mê người ta mà thả chó cho cắn chơi, đâu ai làm vậy. Mấy chú ở đây tháng nào cũng cháy túi vì toàn phải tặng hoa hoặc hột xoàn cho bạn gái”, chú cảnh sát nói đùa, cố để thằng nhỏ quên ý nghĩ trong đầu nó. Trẻ con nói đó rồi quên đó, mấy hồi.
Trừ đứa trẻ tận mắt thấy bạn mình rách dần giữa hai hàng răng nhọn.
Mẹ Tú, trong nỗ lực gói lửa lại sao cho gọn, ngày nào cũng vào thăm nạn nhân, và một lần rối trí bởi người nhà Thuần đòi gọi cho tòa báo, mẹ đã mơn trớn với con nhộng vẫn còn nằm trong kén, chỉ lộ đôi mắt chớp mở báo hiệu sự sống đang trở về, “không lo đâu cưng, sau này chẳng ai cưới thì anh Tú đây sẽ cưới”.
Sau này mẹ thú nhận lúc đó chỉ nói cho qua chuyện, không ngờ con nhỏ nhớ dai. Lần chuyển nhà thứ hai, bỏ xa xóm cũ, nhưng một bữa mở cửa ra thấy Thuần đứng bên kia đường, tay che cái dù trẻ con. Tú nhìn qua khe cửa sổ, thất vọng khi thấy cô gái chẳng tỏ ra tức giận với đám người rắp tâm bỏ trốn.
Ngày Thuần chui ra khỏi kén, Tú đã trốn học tới bệnh viện một mình, với hy vọng con nhỏ vừa từ cõi chết trở về nhảy xổ vào bứt xé nó, kêu chính mày xui chó cắn tao. Rồi người nhà Thuần, hết thảy họ sẽ xúm nện đứa đã làm con gái họ ra nông nổi. Mình sẽ không bỏ chạy, Tú nghĩ, đau mấy cũng chịu, mình đáng bị vậy.
Nhưng não Thuần, hoặc vì tự vệ hoặc trở nên biếng nhác sau mấy cuộc hôn mê dài ngắn, đã tự xóa buổi chiều có con chó nhe răng. Ba má Thuần, khi xác nhận xong chuyện con gái mình giờ mặt mũi nham nhở đến họ còn không dám ngó, đã nhìn Tú như một cứu tinh.
“Em nó trông anh Tú từ trưa giờ”, má Thuần nói giọng sượng trân, vốn không phải kiểu người hay giả lả.
“Con Đô La không phải tự dưng chạy ra, là tui thả nó”. Tú nói, gần như khóc vì nghĩ mình cũng phải bị đánh chục roi. Bằng cách đó nó thoát khỏi buổi chiều kia. Nhưng người có thể ra đòn giờ ngồi chảy ra dưới chân giường bệnh, mãi tính coi nhận bao nhiêu tiền bồi thường thì đủ cho mỹ viện cứu vớt được gương mặt con gái mình, sao cho dư ra phần nào để mở tiệm ăn. Truy cho tới cùng tội của ai, thì Thuần cũng chẳng thể nào trở lại là Thuần hồi trước.
Họ tha thứ dễ như không, Tú nản tới không khóc nổi. Và cảm thấy vô vọng khi bà mẹ đem về tờ giấy bảo đảm chuyện đã khép lại rồi. Như khép lại cánh cửa của buổi chiều đỏ, và thằng nhỏ vẫn kẹt bên trong, ngó con thú tước da thịt một đứa trẻ như người ta tước mía.
Chối bỏ Thuần không thăm hỏi, Tú quẹo luôn đường khác nếu thấy con nhỏ từ xa. Người ta nghĩ do mặt con nhỏ Thuần nhìn gớm vậy, thằng Tú tránh đi là phải. Sẹo từng chùm, và cái chóp mũi biến mất chỉ còn trơ hốc mũi, Thuần không cười đã sợ, lúc cười quái dị gấp đôi.
Có nhiều lý do để người ta đứng về phía Tú, khi nó ra mặt ghét Thuần. Mặt đã đầy vết vá víu, tính khí thất thường, con nhỏ còn bám dai không dứt. Nói mãi mà không chịu hiểu lời hứa cưới kia là đưa đẩy cho qua. Nên con nhỏ hay che cây dù trẻ con sặc sỡ đứng trước cổng trường Tú học, biến nó thành mục tiêu chọc ghẹo của bạn bè, “ê hê có thằng được vợ đón”.
“Có quỷ mới lấy nó”, Tú nói lớn, sao cho Thuần cũng nghe. Chỉ khi nào sóng sánh trong mắt cạn đi, con nhỏ sẽ nhận ra kẻ hủy hoại đời mình. Tú nghĩ vậy. Mắc kẹt trong một buổi chiều đỏ, nó chưa bao giờ ngừng tìm cách thoát ra.
Sau này Tú không ngại nói tạt mặt Thuần luôn, “có quỷ mới cưới mầy”. Bao giờ nói câu đó, nó cũng có cảm giác răng mình dài và nhọn ra như những cái nanh, cắn phập vào người Thuần. Nhìn vào mắt thấy một chút hơi nước bay lên, mờ ố như sương, nhưng để cạn chắc không dễ. Tú không nghĩ ra câu nào phũ hơn, sát thương hơn.
“Có quỷ mới lấy cô”, qua thời con nít, Tú đổi cách xưng hô. Những cái nanh sắc nhọn giờ trở nên thuần thục trong việc gây thương tích. Canh chừng giờ Tú ra quán ngồi, Thuần sẽ che dù sặc sỡ ngang qua, càng tới gần càng khua guốc mạnh hơn, cho người ta biết cô đang ở đây rồi. Tú ngước nhìn thì cô lóc cóc qua luôn, nhưng cứ cắm mặt vào điện thoại cô gái sẽ rẽ vào, chỉ để nói mỗi câu, bằng thứ giọng khàn bởi dây thanh quản sau chó gặm gần như không rung nữa,
“Hứa cưới tui rồi đó nghen”
“Có quỷ mới lấy cô”, Tú nói, không ngước lên. Những vết sẹo, có thể vì nhìn mãi đâm quen, hay da thịt trẻ con mau lành, hay mỹ viện tỏ ra xứng đáng với số tiền họ nhận được, nên mặt Thuần giờ không còn chằng níu, chỗ chóp mũi bị mất đã được đính vào một mẫu nhựa dẻo màu da với phần ghép nối tinh xảo, cố định bằng đinh vít từ bên trong, nhìn thoáng khó biết là mũi giả.
Gương mặt trở nên ưa nhìn đó làm Tú thấy mình sắp được tha thứ đến tuyệt đối rồi. Thuần bớt xấu, Tú không mừng, nó thích mặt cô hồi mới chui ra khỏi kén hơn, phơi trên đó là tội lỗi của nó, như mùa hè bày tràn ra thứ nắng ngụt lửa, nóng rát của mình. May trong đầu Thuần vẫn còn vùng não đông cứng, Tú thấy yên ủi, ở cái cách Thuần cả ngày ngồi nhìn cá kiểng, chờ tới giờ khua guốc ra đường hít thở nó, cách cô che cây dù trẻ con bất chấp nắng hay mưa, bám theo nó chỉ để nói “hứa cưới tui rồi đó nghen”.
Có một cái đám cưới nấp ở đâu đó phía sau lời hứa, Thuần nghĩ vậy, trong lúc che cây dù khuất nửa mặt đi ngang qua Tú, mỉm cười, hoặc không. Giả bộ làm ngó đi chỗ khác, hoặc không. Người lớn bên nhà Thuần rất lấy làm bứt dứt mỗi khi con gái mình đeo dính Tú, “cháu thông cảm, cô chú có cản cũng không xong, con nhỏ ba trợn quá trời”.
“Không sao”, Tú phẩy tay.
Nó hay trồng mình ở quán cà phê ngay ngã ba Cây Gòn, cả khi đã chuyển nhà ra khỏi xóm. Chảy người ra chiếc ghế kê ngoài thềm, mặt day hướng nắng tắt, nó quay lưng về phía tiệm ảnh bên kia đường, nơi thằng Tú thiên thần vẫn chưa rụng cánh. Có lần Tú đã tới kêu gỡ tấm hình, nói, “tui đã xụ chó cắn người ta”, nhưng ông chủ tiệm ảnh cười, “Có sao đâu, đẹp mà. Ai thèm quan tâm lớn lên nó gây chuyện gì”.
Đẹp, cũng dễ được tha thứ, phát hiện đó làm Tú mạnh dạn thử phạm tội thêm vài lần nữa. Nó đốt trường, bỏ học, tụ tập với đám đua xe, qua đêm trong quán rượu. Rồi tự chán, bởi chẳng có sự trừng phạt nào đáng kể. Ngủ muỗi một đêm ở đồn cảnh sát, không thể coi như trừng phạt. Chừng nào cha mẹ nó còn giỏi gói lửa, thì còn lâu nó mới có cơ hội trả giá cho những tội chẳng chết ai.
Chỉ những bữa mưa giông, ngó Thuần nện guốc ngang qua quán Tú ngồi, cây dù trẻ con vừa đủ không ướt tóc, phần thân còn lại kệ mưa bôi, khi ấy nó mới cảm thấy mình đang chịu tội. Ai đó chọc “Cưới ai cũng vậy, cưới em Thuần cho rồi”.
“Có quỷ mới cưới con khùng đó”, Tú hét lớn, làm cho tiếng guốc ngoài kia hơi khựng lại. Màn mưa dày và đục, nhưng nó biết có chút hơi nước bay ra khỏi đôi mắt sóng sánh kia.
“Thì mầy xui chó cắn con nhỏ mà, giờ cưới nó, coi như huề”, người kia giỡn dai.
Tú có thể hình dung được cái gia đình nhỏ đó. Trong lúc hôn nhau, cái mũi giả có thể bị vẹo sang một bên, để lộ một mê cung với những lối đi những tường vách ướt, lần theo đó sẽ gặp vùng đất co ro với những cái cây tật nguyền không bao giờ nở hoa. Tháo áo ra là khoảng thịt da đầy sẹo. Cơm canh không khét thì cũng mặn, cô vợ phụng phịu “bởi em bị chó cắn quá chừng, nên đâu được như người ta”. Rồi một vài đứa trẻ chui ra, và trẻ con thì luôn tò mò không hiểu tại sao trên người mẹ đầy chỗ vá, “à, chó cắn đó con, không chết là hên”. Cáo trạng được tuyên đọc, vào mỗi bâng quơ thường ngày đó.
Giống như bây giờ, mỗi lần Thuần hiện ra sặc sỡ như một cây nấm độc, Tú lại nghe cáo trạng vang lên. Và bỏ lửng giữa chừng. Không án nào được tuyên cho tới khi mắt Thuần thôi sóng sánh. Kẹt trong chiều đỏ, Tú chưa bao giờ ngừng tìm cách thoát ra.
Nó cặp bồ, và liên tục đổi các cô gái. Hay ngồi hôn hít bồ ở trước quán mà Thuần hay gõ guốc ngang qua. Giờ thì không cần nói lời nghiệt ngã, những cái nanh vẫn cắm phập tận xương, và cứ nằm luôn trong người Thuần. Hàng ngàn nanh khác mọc ra, Tú lo gì. Có lần Tú để bồ ngồi luôn trên đùi nó, Thuần sầm sầm đi vào, bưng ly phê đá trên bàn ực một hơi, nói “gì thì cũng cưới tui, hứa rồi mà”. Ý như người đàn ông này có làm gì thì cũng về với cô thôi. Chắc chắn. Tú nghĩ mắt cô ta ngụt lửa vậy, sóng sánh còn được bao nhiêu, phải cắm chừng nào nanh nhọn nữa, liệu tới khi mình bày một cái đám cưới thì cạn hết?
Tú cưới vào năm hai mươi bốn tuổi, cô dâu là một cô gái nó không nhớ họ gì. Mẹ nó sốc vì coi thằng nhỏ là trẻ nít, nhưng nghĩ biết đâu trói buộc khiến nó thôi chơi bời lêu lổng. Gần ngày cưới thấy Tú bồn chồn, bà mẹ càng tin thằng con đang thay đổi. Ngay trước buổi rước dâu, ngó Tú thay lễ phục sớm, mẹ nó chọc từ từ thôi, vợ cũng còn ở đó có ai đón mất đâu mà lo. Chú rể không nói gì, ngó xuyên qua cửa rạp, phía nắng tắt.
Thuần sẽ xuất hiện, chắc rồi, với che cây dù của trẻ con, sặc sỡ như cây nấm độc, tới trước mặt Tú với đôi mắt đã cạn đến đáy, từ khi thiệp cưới đến tay, và trong đá sỏi lóe lên ánh sáng của kim loại, tựa hồ như một mũi dao,
“Có chết cũng không cưới tui?”
“Ừ, chết cũng không lấy”, Tú dõng dạc bước tới, sấn mình vào lưỡi dao giờ đã rõ hình hài, mũi nhọn và chuôi dài. Tra vào người Tú như chiếc chìa khóa, con dao mở cánh cửa của buổi chiều xa xôi, và thằng nhỏ mười một tuổi ngầy ngật bước ra vùng không gian đầy màu sắc, buồn nôn vì đỏ cứ thấm theo từng bước chân mình. Kiệt sức, nhưng Tú sẽ cố gắng nói cảm ơn Thuần, “vì em đã bỏ qua cho tôi”. Chỉ sợ mỗi một chuyện, mình sẽ khóc khi nói ra câu ấy.
Kết Thúc (END) |
|
|