Ánh mắt của bà già trong ráng chiều đỏ ối hôm ấy đã cứu rỗi một tâm hồn rệu rã trong tôi. Bà mang tôi về từ túp lều lụp xụp, chỏng chơ mà người ta vẫn thường bày bán vài thứ quả, sắn, mía cho khách đường xa. Khi ấy, trong đầu tôi là đầy rẫy những mường tượng về vạn vật chung quanh tôi lúc bóng đêm chùng xuống chân đồi. Một vài đốm sáng nhấp nhổm với những hình thù khác nhau sẽ làm tôi rờn rợn trong mớ ý nghĩ từ trí tưởng tượng vẽ nên. Những đốm sáng sẽ vồ lấy tôi như một con hổ đói và tôi sẽ bị nuốt chửng lúc nào không hay biết. Bà dừng lại với ôm củi bên hông, nhoẻn miệng cười nhìn tôi. Từ chiều ấy, tôi có mái nhà che mưa che nắng. Tóc đã lòa xòa chạm đôi bờ mi và râu ria xồm xoàm như một đám cỏ mọc hoang sau bao ngày đi bụi. Hai mươi tư tuổi không nhà, không người thân, không tiền bạc và sau những vụ trộm nhỏ, bàn tay đã có vài lấm bẩn.
Ngôi nhà của bà nằm chênh vênh bên con sông chảy hiền và chung quanh là cây cối bùng nhùng vươn lên đón nắng. Tôi bước đến khoảng sân, có cảm giác gì đó thật êm dịu dưới bàn chân. Ở thềm, ông già lúi húi nhặt mớ rau rền đất với chiếc đài rọt rẹt bên cạnh đang phát chương trình những bài ca cách mạng. Tôi vòng tay cúi chào ông. Ông đáp lại bằng một sự niềm nở, mừng vui như gặp lại đứa cháu xa quê lâu ngày mới trở về. Khóe mắt của tôi đã rưng rưng, lòng tôi đã nghèn nghẹn trong nỗi tủi. Bởi hình ảnh ông già đã khơi lên cả một khoảng trời ký ức về nội. Tôi sẽ mãi mãi có những ngày êm đềm nếu như nội không lặng lẽ rời xa tôi trong một chiều đông xơ xác. Điểm tựa cuối cùng là nội đã mất, tôi khác gì một con cá phải vùng vẫy giữa dòng chảy xiết.
Một vài khung cảnh hiện ra trước mắt tôi khiến tôi có cảm giác cuộc sống nơi này đìu hiu, ngày tháng sẽ trôi đi như một thước phim quay chậm. Nụ cười và ánh mắt của ông bà già sẽ thắp lên những ngọn đèn nhỏ cho căn nhà thêm sáng. Rồi giữa buổi chạng vạng buồn xo ấy, tôi đã nhìn thấy cô bé từ đầu ngõ. Cô bé lắc lư theo nhịp chân đạp xe, miệng nghêu ngao câu hát làm chiếc xe cũng tròng trành theo. Và lồng ngực của tôi cũng đang run lên, bồi hồi. Thấy tôi, khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé đỏ ửng lên như trái đào chín. Cô bé dựng xe ở góc sân, ôm chiếc cặp chạy một mạch vào bếp, bà già đang ở đó.
Bữa cơm tối ấy có món cá rô đồng rán giòn, bát canh rau rền đất ngọt mát và đĩa dưa muối chua chua. Sau những hồi trống réo lên trong bụng, tôi ăn liền ba bát cơm, quên mất ánh mắt cô bé nãy giờ chăm chú nhìn tôi. Ăn xong, tôi chủ động đi rửa bát bởi tôi không muốn mình được tiếp đãi như một vị khách. Cô bé không ngại ngùng ngồi xuống:
- Anh để em rửa cho. Anh úp bát vào rổ nhé.
Cô bé tên Nhu, vừa vào lớp 10 được nửa tháng. Tôi và Nhu đều là những đứa trẻ lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà. Bố mẹ Nhu đã mất khi Nhu còn rất bé, còn tôi, hai mươi tư tuổi vẫn không mảy may có một ký ức nào về họ. Nội tôi cũng chưa bao giờ nhắc đến khiến tôi luôn mơ hồ phỏng đoán đằng sau đó là một câu chuyện buồn. Những câu hỏi của tôi có thể làm nội day dứt và đau đớn. Vậy nên tôi đã giấu kín đi.
- Anh ở nhà em mấy ngày?
Câu hỏi của Nhu làm tôi bối rối. Một con đường mờ mịt bỗng hiện ra trong tâm trí tôi. Hay là trở lại túp lều ọp ẹp chiều nay? Rồi những khi thấy bà già ôm củi đi về, tôi sẽ trốn đâu đó cho đến khi bà già đi khuất.
- Anh cũng không biết nữa. Chắc là ngày mai.
- Nếu anh chưa vội thì ở lại thêm mấy hôm nữa. Ông bà sẽ vui lắm.
Tiếng “ờm” khe khẽ nơi cổ họng, tôi không biết Nhu nghe thấy hay không.
Đêm hôm ấy, tôi nằm ở gian nhà ngoài. Lạ giường, tôi không ngủ được nên lôi mấy cuốn sách trong ba lô ra gặm nhấm thời gian. Tài sản của tôi không có gì ngoài mấy cuốn sách ấy, tôi không nhớ đã đọc chúng bao lần nhưng mỗi lần đọc lại đều có thêm những cảm nhận mới. Như lúc này, khi tôi đang bộn bề với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, mở trang sách ra, những con chữ vẫn cứ tự nhiên thấm vào khối óc tôi. Mấy cuốn sách cho tôi một cuộc sống khác, bình yên và nhẹ nhõm hơn đời thực của tôi.
- Anh ấy ở nhà mình lâu không ngoại?
Tiếng Nhu từ gian trong vọng ra. Hình như ngôi nhà này hiếm khi có khách đến chơi nên chăng cô bé muốn níu tôi lại thêm một vài ngày nữa. Câu hỏi của cô bé đã nhen lên trong lòng tôi một ngọn lửa ấm.
Những ngày sau đó, tôi và Nhu trở nên gần gũi hơn. Những buổi chiều Nhu đi cắt cỏ cho cá, tôi đều đi theo để gánh cỏ về. Cô bé lúc nào cũng ríu rít như một chú chim non. Cô bé kể những câu chuyện ở lớp trong mỗi bữa cơm, ông bà của Nhu bao giờ cũng hào hứng lắng nghe.
- Hôm nay cháu thấy mấy bạn nam rủ nhau đua xe sau khi tan học đấy bà ạ.
- Ấy chết, sao lại chơi trò nguy hiểm vậy.
- Cuộc đua không diễn ra đâu bà ơi. Các bạn ấy còn phải dắt bộ một quãng đường xa đấy ạ.
Nhu lại cười khì khì một cách lém lỉnh:
- Cháu đã xịt lốp xe mà.
- Bà già chau mày nhìn Nhu, lườm yêu:
- Cái con bé này.
Bây giờ đang là mùa sấu rụng. Đêm đêm, tôi thường nghe thấy sấu đồm độp trên sân, đồm độp trên cả những tấm ngói cũ. Buổi sớm mai sẽ đánh thức tôi dậy bằng tiếng ríu rít của Nhu nhặt sấu ngoài sân. Thấy tôi, cô bé nheo mắt cười, đưa tay vẫy vẫy như gọi mời tôi hãy đến đó, cùng Nhu nhặt nhạnh những trái sấu mới đêm qua giã từ cây mẹ. Khuôn mặt Nhu lúc nào cũng tươi rói như một đóa phượng nở bung sắc thắm. Nắng đã lên, nhảy nhót trên đôi vai Nhu.
Chiều đó, khi tôi đang cùng ông già kéo cá ở ao, cô bé lớn hớn chạy ra. Từ bờ ao bên kia, cô bé réo lên:
- Anh cho em mượn một cuốn sách nhé!
Chưa kịp nghe tôi đáp hết câu, cô bé đã chạy đi nhanh như sóc.
Tối ấy, bà nấu canh cá dọc mùng ngon lắm. Một vài lá nghệ tươi làm nồi canh càng thêm đậm vị và thân thuộc. Nội tôi cũng thường nấu vậy. Những lần ra Hà Nội sau này, tôi ăn canh cá bao lần cũng không cảm nhận được cái mùi vị tuổi thơ đã thấm đẫm ký ức. Hóa ra vì thiếu lá nghệ. Tôi húp sì sụp bát canh, chợt nhận ra bữa tối nay thiêu thiếu thứ gì đó. Là tiếng ríu rít của Nhu. Cô bé thẫn thờ, đôi mắt đen láy không mở tròn, đôi bờ mi thi thoảng lại khẽ khàng chạm vào nhau như cánh bướm non.
Sau bữa cơm, cô bé ôm cuốn sách ra ngoài sân ngồi đọc. Sợ chạm vào nỗi buồn của cô bé, tôi chỉ rón rén dõi theo từ phía sau. Bỗng con bé ôm mặt khóc, tôi hoảng hốt chạy ra.
- Em sao vậy, Nhu?
- Con Rùa chết rồi anh ơi.
Câu hỏi của tôi như ném thêm rơm vào đống lửa, Nhu nức nở lên. Tôi lơ ngơ một lúc mới sực nhớ ra con Rùa là nhân vật chính trong cuốn sách của tôi – một cô gái giàu lòng vị tha. Có lẽ cô bé mới đọc đến đoạn con Rùa bị dòng nước xiết cuốn trôi đi. Tâm hồn bé bỏng của Nhu dễ rung cảm quá đến độ tôi không nghĩ ai đó có thể bật khóc vì thân phận của một nhân vật.
- Em sẽ đọc tiếp chứ?
Cô bé đưa đôi mắt ầng ậc nước nhìn tôi, gật đầu đầy lưỡng lự.
Buổi sáng hôm sau, cô bé trả lại cho tôi cuốn sách, khuôn mặt trở lại tươi tắn như mọi ngày.
- Sao anh không nói với em là con Rùa vẫn chưa chết?
- Giống như khi em xem một bộ phim vậy. Sẽ không còn thú vị nếu em biết trước kết thúc của nó.
Nhu sẽ không thể buồn vui đến tận cùng với mỗi số phận và tôi tin những giọt nước mắt đêm qua sẽ khó lòng tuôn chảy nếu tôi nói cho em biết rằng con Rùa không chết đâu. Đó là “cái bẫy cảm xúc” mà tác giả dành tặng cho độc giả. Cô bé đã khóc vì buồn thương rồi cũng sẽ khóc vì hạnh phúc.
Nhu kể cho tôi nghe về anh chàng lớp 12 ngày nào cũng bỏ vào ngăn bàn của em một lá thư. Em chỉ đọc hai lá thư đầu tiên. Những lá thư sau đó, em không bao giờ mở ra nữa.
- Em có tò mò về anh chàng đó không?
- Em càng tò mò, hắn sẽ càng bám riết lấy em thôi. Bà em bảo đó là tình yêu bọ xít.
Con bé cười, lúng liếng đôi mắt tròn xoe.
Tôi sẽ mãi được ngắm nhìn đôi mắt trong veo của Nhu nếu buổi chiều hôm qua tôi không lén nhìn cô bé trong nhà tắm được bao quanh bằng những tấm mành tre lỗ chỗ khe hở. Tấm thân nõn nà của cô bé lồ lộ ra trước mắt như mời gọi những ý nghĩ nhơ nhuốc dấy lên trong tâm trí tôi. Ý nghĩ thôi thúc tôi tiến thêm vài bước. Như thể tôi đang lao xuống một con dốc thẳm mà phanh xe cũng trở nên vô dụng, tôi cứ thế bị đẩy đi.
Tiếng ông già quát chó ngoài ngõ khi bàn tay tôi vừa chạm vào tấm mành mỏng manh và yếu ớt khiến tôi giật thót. Tôi run sợ chạy vào nhà, ngồi thừ trên giường.
- Anh sao vậy? Anh ốm à? Trán anh đổ nhiều mồ hôi quá.
- Tôi đâm ra lúng túng, gạt tay cô bé ra khỏi trán.
- Anh không sao.
Những ngày sau đó, tôi cố gắng tự nhiên nhất khi nói chuyện với Nhu dù tôi vẫn không đủ can đảm nhìn vào đôi mắt thơ ngây của cô bé. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì những ý định lầm lỗi cứ đeo bám tôi. Những quả sấu già còn sót lại đã bứt mình rụng xuống. Tiếng đồm độp trên mái nhà cứ giẫm đạp lên cõi lòng non nớt của tôi. Gió khua lên từng hồi khô khốc. Đến lúc tôi phải rời xa Nhu, cô bé mà tôi nhận ra mình thương yêu khi đã muộn màng...
Tôi định sẽ lẳng lặng ra đi trong buổi chiều Nhu đi học. Nhưng trước khi đi, cô bé còn níu lại bằng cái nhìn tha thiết:
- Chiều nay, anh đi đón em được không?
Tôi đồng ý với cô bé. Đó sẽ điều cuối cùng tôi có thể làm cho Nhu, cho những lầm lỗi của mình.
Sân trường mỗi lúc một vắng hơn cho đến khi không còn một bóng người, tôi vẫn không thấy Nhu. Tôi đâm ra lo sợ. Tôi vội lao vào trường khi cánh cổng sắp sửa khép. Tôi như một kẻ điên dại chạy dọc khắp các dãy hàng lang. Đến nhìn thấy Nhu đang giãy giụa như con cá mắc câu giữa ba thằng con trai lớn tồng ngồng, tôi ập vào chúng bằng những cú đấm mạnh bạo. Nhu lao đến ôm ghì lấy tôi nức nở, thoáng chốc vai áo của tôi đã ướt đẫm.
Trên đường về, Nhu ngồi sau xe, cô bé nắm chặt lấy vạt áo bên hông tôi. Cái áo co rúm lại chỗ tay Nhu và tôi cảm nhận được rõ rệt cái run rẩy của bàn tay nhỏ nhắn ấy đang chạm vào da thịt mình.
- May mà có anh.
Tiếng Nhu thỏ thẻ, thi thoảng còn sụt sùi khe khẽ. Tôi lặng người đi, đôi chân như rệu rã. Từ một kẻ suýt chút nữa cướp đi khoảng trời mơ mộng trong ngần của Nhu, tôi lại trở thành ân nhân. Điều đó khiến tôi càng thấy hổ thẹn và day dứt.
- Từ ngày mai anh sẽ không thể bảo vệ em nữa.
- Anh sẽ quay trở lại chứ?
- Ừ.
Tiếng “ừ” khó khăn lắm tôi mới nói ra được bằng cái giọng trầm lặng đến độ Nhu buộc phải hiểu đó không phải một lời hứa chắc chắn.
- Em sẽ nhớ anh nhiều lắm.
Từng câu nói của Nhu, từng tiếng thở của Nhu và cả tiếng nấc lên nơi lồng ngực của cô bé như sắp sửa vắt kiệt chút sức lực cuối cùng của tôi. Tâm can tôi đang giày xéo. Giá như tôi có thể vui vì tình cảm trong trẻo Nhu dành cho tôi thì chắc chắn tôi sẽ không ra đi lúc này, khi mà tình yêu thương của tôi cũng vừa chớm nở.
Tôi để lại tất cả những cuốn sách cho Nhu. Nhu đón nhận chúng như món quà của tôi. Cô bé từng bảo với tôi rằng, người yêu khu vườn văn học như tôi là người có tâm hồn đẹp. Những cuốn sách có thể làm đôi vai tôi thêm chùng chình bởi cõi lòng tôi đã đèo bòng quá nặng cho lỗi lầm quá khứ. Đến lúc tôi phải rời xa ngôi nhà nhỏ ẩn mình sau những hàng bạch đàn cao vút. Đến lúc tôi phải đi tìm bản ngã của mình và cái phần Người mà tôi đã đánh mất ở đoạn đường đời nào đó.
Tôi sẽ trở về gặp Nhu khi tâm hồn tôi là một khu vườn rực rỡ và ngát hương.
Kết Thúc (END) |
|
|